Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

32/ Chậm Phát Triển Trí Tuệ

Ngày 5 và 6 tháng 10 năm 2004, nhiều nhân vật liên hệ tới vấn đề Chậm Phát Triển Trí Tuệ đã họp tại Montreal để thảo luận và công bố một Tuyên Ngôn về tình trạng Tàn Tật Trí Tuệ. Tham dự viên gồm có người chậm trí và gia đình, các giới chức y tế, giáo dục, luật pháp, đại diện nhiều quốc gia. 

Tuyên ngôn nhận định rằng những cá nhân bất hạnh này thường không được tham dự vào các quyết định về quyền làm người và chăm sóc sức khỏe của họ; rằng họ sanh ra với đầy đủ quyền hạn và nhân phẩm như mọi công dân; rằng mọi quốc gia có bổn phận phải bảo vệ họ chống lại sự kỳ thị, lạm dụng, khai thác, đối xử tàn tệ, trừng phạt quá đáng và lơ là chăm sóc y tế.

Sở dĩ có nhắn nhủ là tại nhiều quốc gia, với văn hóa đa dạng, đã nhìn lớp người bất hạnh đó dưới con mắt khác nhau; đã đặt nhẹ quyền hạn của họ và sự chăm sóc đã không được xứng đáng, chu đáo. Có nơi, nhiều em bị đưa vào các trại tập trung, đối xử như thành phần không lương thiện hoặc lãnh án nghiêm khắc khi phạm pháp. Chỉ vì các em không được phát triển bình thường như đồng niên may mắn khác và không phải do lỗi từ các em. Ngay tại nước Mỹ, từ năm 1977 tới 2002, đã có 40 em bất hạnh bị tử hình vì các tội phạm khác nhau. Và mãi tới tháng 6 năm 2002, sau nhiều kêu gọi quốc tế, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ mới phán quyết rằng chấm dứt sự sống của người bị Châm Trí Tuệ là vi phạm hiến pháp.

Lang tôi xin cùng quý thân hữu tìm hiểu thêm về những người có khó khăn phát triển khả năng trí tuệ này. Vì trong đồng hương chúng ta cũng không ít gia đình đang phải đối phó với vấn đề.

 

Định nghĩa

Chậm Trí Mental Retardation là chữ dùng để chỉ sự khiếm khuyết phát triển trí não xẩy ra ở trẻ em dưới 18 tuổi. Ðây là một rối loạn rất thường thấy ở mọi nơi trên thế giới, trong bất kỳ từng lớp xã hội nào. Các em có một số giới hạn về chức năng trí tuệ và về các khả năng khác như là đối thoại, tự chăm sóc, và hành xử xã hội. Những giới hạn này khiến đứa trẻ khó học hỏi và chậm mở mang kiến thức hơn các trẻ em bình thường. Các em cần nhiều thời gian hơn để học nói, tập đi đứng và học cách thức tự chăm sóc trong các nhu cầu hàng ngày như ăn uống, tắm rửa, mặc quần áo. Một số em không thu lượm được vài môn học căn bản.

Chậm trí thấy trong tỷ lệ từ 2.5 tới 3% dân số. Bên Mỹ có tới gần 7 triệu trẻ bị khuyết tật này và thường được phát hiện vào tuổi tới trường, khi mà khó khăn học hỏi và hành vi trở nên rõ ràng.

 

Chậm Trí được coi như một tàn tật (disability), thiếu khả năng nào đó, hơn là một bệnh (disease); không là bệnh tâm thần như rối loạn hoang tưởng, trầm cảm. Không có điều trị dứt được rối loạn nhưng với các hỗ trợ, giáo dục, hướng dẫn thích đáng, đa số các em có thể học hỏi để thực thi nhiều sự việc liên can tới đời sống.

 

Nguyên nhân

Có cả trăm nguy cơ đưa tới chậm trí nhưng 60% trường hợp nguyên nhân chưa được xác định. Sau đây là một số nguy cơ thường thấy.

 

1- Nguyên nhân di truyền

Trong trường hợp này, di thể bất bình thường từ cha mẹ truyền sang cho con cái và gây ra khuyết tật. Rối loạn di truyền thông thường nhất và được biết nhất là Hội Chứng Down mà trước đây gọi là Mongolism với nhiễm thể 21 bất bình thường; rồi đến khiếm khuyết nhiễm thể giống tính X; các hội chứng “tiếng kêu con mèo” Cri du Chat, Turner, Klinefelter ..

 

2- Bất bình thường trong khi có thai

Thai nhi không phát triển bình thường trong thời gian còn ở trong bụng mẹ. Có thể là do sự phân bào bị rối loạn. Hoặc khi người mẹ ghiền rượu trong ba tháng đầu của thai nghén; mẹ mắc bệnh nhiễm ( rubella, cytomegalovirus); dưới tác dụng của dược phẩm, hóa chất, phóng xạ; mẹ bị cao huyết áp, suy dinh dưỡng. Mẹ có thai mà suy dinh dưỡng cộng với sự sinh sống trong môi trường kém hỗ trợ có thể là nguy cơ chậm trí thường thấy nhất trên thế giới.

 

3- Khó khăn khi sanh đẻ

Sanh thiếu tháng, xuất huyết, không đủ dưỡng khí, chấn thương não trong khi sanh.

 

4- Nguyên nhân sau khi sanh

Não bị nhiễm vi khuẩn, virus, hóa chất ; suy dinh dưỡng trầm trọng, kém chăm sóc y tế, tiếp cận chất độc như chì, thủy ngân trong thực phẩm (cá). Trẻ sơ sinh bị bệnh cường tuyến giáp, ho gà, thủy đậu, ban sởi mà không được điều trị chu đáo cũng là những nguy cơ của chậm trí.

 

5- Yếu tố tâm lý xã hội

Trẻ em lớn lên trong khung cảnh không có thương yêu tình người, thiếu kích thích diễn tả ngôn ngữ, cảm xúc, thính thị giác cũng thường chậm trễ về trau dồi kiến thức, hành vi xử thế.

 

Dấu hiệu và triệu chứng.

Dấu hiệu chính là thương số trí tuệ IQ thấp cộng với sự giới hạn trong khả năng giao tế xã hội, ngôn ngữ, tự chăm sóc. Các em cũng có thể bị kinh phong hoặc vài vấn đề tâm thần, hành vi bất bình thường. Chẳng hạn lớn lên các em có thể rơi vào tâm trạng buồn phiền nếu bạn học xa lánh hoặc cảm thấy bị mọi người coi như kém khả năng và không giống ai.

Nhiều em có những hành đông phá phách, hung bạo, không tự chủ được trước một bất bình nhỏ. Lý do là các em có rối loạn trí não nên không học cách hành xử, suy luận như trẻ em bình thường. Hành động này gia tăng khi các em sống trong các trung tâm thiếu nhân viên có kinh nghiệm chăm sóc, hướng dẫn. Vì dưới sự hướng dẫn, bận bịu với sinh họat và một chút kỷ luật, các em sẽ khá hơn. Có nhiều trường hợp khi ở trung tâm, các em có hạnh kiểm tốt, nhưng về nhà, bố mẹ hơi chiều chuộng buông thả là các em lại đập phá, gây gổ, không tuân lời.

 

Trẻ em chậm trí có một số dấu hiệu như:

a- Chậm trễ trong việc tập nẫy, ngồi, bò và đi đứng;

b- Biết nói trễ hoặc khó khăn khi nói;

c- Khó nhớ sự việc;

d- Kém hiểu biết quy luật xã hội căn bản;

e- Không ý thức được hậu quả về các hành vi của mình;

f- Khó khăn thực thi công việc thông thường như tự bón ăn, vệ sinh cá nhân đại tiểu tiện;

g- Khó khăn suy nghĩ hợp tình hợp lý;

h- Quá năng động, kém tập trung, hung giữ, chống đối, tự gây thương tích cơ thể;

i- Tâm trạng lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ.

 

Chẩn Đoán

Ngoài kết quả thử nghiệm sinh hóa học, chụp hình quang tuyến, não điện đồ, phân tích nhiễm sắc thể, việc chẩn đoán được dựa trên hai điểm căn bản:

 1-Khả năng trí não em bé trong việc học hiểu, suy nghĩ, giải quyết vấn đề và giải thích ý nghĩa các ngôn từ. Đó là cách đo thương số trí tuệ IQ. IQ trung bình là 100; thấp từ 70- 75 thì được coi như dưới mức trung bình.

2-Khả năng để sống một cách độc lập. Về việc tự chăm sóc, thì ước lượng coi xem các em có thể làm được những gì, so sánh với các em bình thường. Chẳng hạn: các em có thể học để biết cách mặc quần áo, tắm rửa, đi vệ sinh, ăn uống; học nói chuyện với người khác bằng ngôn ngữ, hiều điều người khác nói và trả lời rõ ràng; cách cư xử với người chung quanh, với bố mẹ anh chị em.

Các em sẽ được khám sức khỏe tổng quát, hỏi y lý người mẹ và con; được đo IQ để uớc lượng khả năng học hỏi và chức năng trí tuệ. Có nhiều trắc nghiệm trí tuệ đang được áp dụng. Bên Mỹ, ngân sách liên bang đài thọ chi phí các trắc nghiệm này cũng như sự điều trị, học hành, huấn luyện kỹ năng của các em. Thân nhân chăm sóc các em cũng được hưởng phụ cấp sinh sống.

 

Phân loại.

Chậm trí được chia ra làm bốn cấp:

1- Chậm trí nhẹ (Mild MR). Khoảng 85% các em ở loại này. IQ của các em là từ 52-68. các em có thể hoàn thành học vấn tới lớp 6. Lớn lên, các em có thể tự lo tự lập với sự hỗ trợ của gia đình, cộng đồng.

 

2- Chậm trí vừa phải (Moderate MR) với hoảng 10%. IQ các em từ 36-51. Các em có thể thực hiện sự tự chăm sóc với sự hướng dẫn vừa phải; học cách đối thoại, giao tế và sống tại các trung tâm cộng đồng với sự giám sát trông nom.

3- Chậm trí nặng (Severe MR) khoảng từ 2-3% với IQ từ 20-35. Các em có thể sống tại các nhà tập thể group home có giám sát.

4- Chậm trí rất nặng với tỷ lệ từ 1-2% và IQ dưới 20. Thường thường các em bị tổn thương thần kinh và cần sự theo dõi, giúp đỡ thường xuyên.

 

Tương lai.

Theo thống kê, 87% các em chậm trí chỉ bị ảnh hưởng phần nào về khả năng học hiểu các kiến thức cũng như khả năng mới. Nhiều em khi lớn lên có thể sống gần như bình thường.

Khoảng 13% còn lại với thương số trí tuệ dưới 50 thì có nhiều khó khăn ở trường, tại nhà cũng như với xã hội. Với các em này, sự hỗ trợ cần tăng gia và lâu dài . Với sự giúp đỡ tận tình, các em có thể sống tương đối thỏa đáng.

Các em bị hội chứng Down có thể bị tổn thương não giống như trong bệnh Alzheimer và nhiều trường hợp nặng sẽ có các dấu hiệu của bệnh sa sút trí tuệ này.

Chậm Trí Tuệ không là yếu tố đưa tới mệnh yểu. Tuy nhiên khi có suy giảm trí tuệ trầm trọng thì tuổi thọ các em thường thấp vì nguyên do gây bệnh hoặc biến chứng như kinh phong, nhiểm khuẩn hô hấp. Một số em có thể bị rối loạn thần kinh, trầm cảm, kém tập trung, rối loạn hành vi.

 

Phòng ngừa

Bệnh nhiễm có thể đưa tới Chậm Trí như ban sởi rubella cần được chích ngừa.

 

Thử nghiệm ngay sau khi sanh để tìm ra các bệnh như cường tuyến giáp, Phenylketonuria (không sử dụng được amino acid phenylamine ), thử nghiệm sàng lọc gene bất thường, siêu âm cũng giúp dễ dàng điều trị, tránh gây chậm trí.

 

Các bà mẹ cũng cần được hướng dẫn để tránh các nguy cơ có thể gây chậm trí cho con như uống nhiều rượu, kém dinh dưỡng, tác dụng bất lợi từ môi trường. Mỗi quốc gia cần có chương trình chống lại suy dinh dưỡng của mẹ có thai nhất là vào thời điểm tăng trưởng não bộ, phát triển trí tuệ của trẻ em.

 

Ðiều trị

Mục đích chính yếu của điều trị là giúp các em phát triển tối đa các khả năng của mình. Các chương trình giáo dục và huấn luyện đặc biệt có thể bắt đầu ngay từ lúc còn bé mà mục đích là giúp các em hành động càng bình thường càng tốt.

Tâm lý trị liệu, hướng dẫn hành vi nhằm giảm thiểu mặc cảm vô dụng, hành động ngoại ý cũng cần được áp dụng để hỗ trợ cho dược phẩm. Cần có thêm các chương trình ban ngày để các em tới tiếp nhận huấn luyện căn bản các dịch vụ đời sống thường nhật. Việc dậy kỹ năng nghề nghiệp phải được cung cấp để giúp các em học vài nghề giản dị. Các chương trình cố vấn gia đình cũng giúp thân nhân và các em học hỏi trao đổi hỗ trợ ở nhà.

Trẻ em Chậm Trí mà mang thêm các dấu hiệu bệnh tâm thần có thể được điều trị với thuốc chống trầm cảm, chống rối loạn suy nghĩ, phán xét cũng như khi có hành vi phá phách, bất tuân.

 

Quyền hạn của trẻ em bị chậm trí

Các em có đầy đủ quyền hạn của một công dân như lập gia đình, sở hữu căn nhà hoặc lái xe nếu các em thi đỗ bằng lái xe.

Dưới các điều luật của liên bang, các em không bị đưa vào các lớp học đặc biệt. Các em cần được trắc nghiệm coi trình độ học vấn nào thích hợp với mỗi em. Một số được sếp vào các lớp đặc biệt với khiếm khuyết học vấn; một số khác được đưa vào lớp bình thường với sự giúp đỡ riêng.

Bên Mỹ có 30 tiểu bang giới hạn hoặc cấm sự kết hôn giữa người chậm trí, nhưng các luật này ít khi được áp dụng. Đôi khi gia đình đặt vấn đề trước pháp luật vì sợ có sự lạm dụng người bị khiếm khuyết khả năng học hỏi.

 

Vấn đề học hành.

Các em có thể học hành tốt nhưng cần giúp đỡ cho từng cá nhân.

Cho tới tuổi lên ba, giáo viên sẽ ngồi xuống cùng cha mẹ để hoạch định chương trình riêng cho mỗi em; coi xem nhu cầu của em là gì rồi giúp cha mẹ hiểu biết nhu cầu đó và cách thức dậy con trẻ.

Tới tuổi đi học, có chương trình dành riên cho các em. Nhân viên sẽ thảo luận với cha mẹ về nhu cầu học hỏi, điều gì cần làm để có sự liên tục giữa học đường và gia đình. Các em cần học hỏi một số kỹ năng như:
a- Đối thoại với người khác;

b- Tự chăm sóc về tắm rửa, ăn uống, thay quần áo, đánh răng, đi vệ sinh;

c- Học hiểu kiến thức tổng quát về sức khỏe và an toàn cá nhân căn bản;

d- Giúp cha mẹ các công việc ở nhà như quét nhà, rửa chén bát, sắp bàn;

e- Tập giao tế xã hội, hiểu quy luật thông thường;

f- Đọc, viết và làm bài tính giản dị;

g- Khi lớn lên thì dậy các em vài kiến thức nghề nghiệp đơn giản.

 

Nhiệm vụ của cha mẹ.

Để giúp đỡ con em châm trí, cha mẹ cần:

a- Có hiểu biết về vấn đề chậm trí, về nguyên nhân, hậu quả, khả năng con trẻ;

b- Khuyến khích con trẻ tự lo một số công việc căn bản như mặc quần áo, ăn uống, vệ sinh;

c- Giúp con trẻ để chúng dễ dàng thực hiện công việc được giao phó. Chẳng hạn khi dọn cơm, thì nói cho hay cần bao nhiêu bát, bao nhiêu đũa; đặt mỗi thứ vào vị trí để con trẻ bắt chước. Khen thưởng khi con làm được; làm lại cho con làm theo;

d- Hỏi con đã làm gì ở trường rồi cùng làm lại với con;

e- Cho con tham dự vào các sinh hoạt ngoài đời như cắm trại, thể thao...

f- Liên lạc với cha mẹ các em có cùng vấn đề để chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cũng như để tương trợ lẫn nhau

g- Thường xuyên gặp gỡ với nhân viên nhà trường để tìm hiểu, thảo luận cách thức hỗ trợ con

 

Nhiệm vụ nhân viên nhà trường.

Nhân viên giảng huấn cũng nên có một số sửa soạn để hỗ trợ dậy dỗ trẻ em chậm trí.

a- Tìm hiểu thêm về chậm trí, nguyên nhân, hậu quả, cách hướng dẫn;

b- Tìm hiểu coi khả năng của học viên như thế nào, các em thích làm gì, có khả năng về vấn đề gì rồi tập trung sự giúp đỡ để các em khá hơn.

c- Sử dụng các Chương Trình Giáo Dục Cá Nhân;

d- Với học viên, mình nên cụ thể rõ ràng trong việc hướng dẫn. Chẳng hạn thực thi điều mình muốn hướng dẫn cho học viên thay vì chỉ dùng lời nói. Cho coi hình khi trình bầy về một đồ vật hay sự việc gì để các em thấy tận mắt.

e- Chia hướng dẫn thành từng thành phần nhỏ, ngắn để các em dễ thu nhận. Hướng dẫn từng giai đoạn rồi yêu cầu học viên nhắc và làm lại.

f- Khích lệ ngay sau khi các em làm xong công việc.

g- Dậy các em các căn bản của đời sống như nói chuyện, quan hệ, sinh hoạt.

h- Hợp tác với phụ huynh và các giáo viên khác để cải thiện giúp đỡ ngõ hầu đáp ứng nhu cầu của học viên

 

Kết luận

Chậm Phát Triển Trí Tuệ là rủi ro ngoại ý của một số trẻ em. Các em cũng là con cháu trong gia đình, công dân trong quốc gia xã hội. Các em cần được tình thương, được tôn trọng như một con người, được cung cấp đầy đủ các phương tiện y tế, xã hội, giáo dục như mọi người khác. Như tuyên ngôn Montreal đã xác định.

 

 

 

[Bác sĩ Nguyễn Ý Ðức]

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1631
Tin tức liên quan
  • Bài thuốc chữa bệnh từ rau Diếp Cá
  • 10 loại thực phẩm giúp làm sạch cơ thể.
  • Chữa bệnh Gút
  • NHỊN ĂN ĐỂ CHỮA BỆNH
  • THỰC PHẨM VÀ BỆNH TẬT .
  • 6 cách chữa đau họng không cần dùng thuốc
  • 7 lợi ích sức khỏe không ngờ từ việc uống trà xanh mỗi ngày
  • Những người tuyệt đối không được ăn lạc vì rất độc
  • Cách chữa sâu răng hiệu quả
  • Kinh nghiệm dân gian chữa bệnh bằng rau má
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  12
 Hôm nay:  608
 Hôm qua:  1814
 Tuần trước:  27315
 Tháng trước:  97734
 Tất cả:  11350912
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top