Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần 1 MV - C Giuse Luca / GX TÂN THAI SƠN / VN

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7 / Tuần 1 Mùa Vọng C (30/11 -> 05/12/2015)

Thứ hai, 30/11/2015

Đề tài: HÃY TRỞ NÊN NGƯỜI MÔN ĐỆ

KÍNH THÁNH AN-RÊ TÔNG ĐỒ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 4,18-22)

18 Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá.19 Người bảo các ông: "Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá."20 Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.

21 Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông.22 Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.

SUY NIỆM:

1/ Thánh An-rê được vinh dự là một trong số 12 Tông Đồ của Đức Giêsu, Ngài là con ông Gioanna, là em ruột của Thánh Phê-rô. Hai người ai là anh hay là em, Kinh Thánh chưa có gì chứng minh rõ ràng nên Giáo hội vẫn con đang truy tầm. Theo truyền thống từ trước tới nay vẫn nhận Ngài là em của thánh Phê-rô.

2/ Nghề nghiệp của ông trước khi theo Chúa là đánh cá, sống tại làng Betsaida, bên bờ biển hồ Galile (Ghenezaret). Chúng ta theo não trạng Á Đông, vẫn gọi Phê-rô là anh.

3/ An-rê là Môn Đệ của Yoan Tẩy Giả, được Yoan Tẩy Giả chỉ cho ông biết Chúa Giêsu là chiên Thiên Chúa. Ông cùng với một người bạn khác là Yoan đến gặp Chúa Giêsu và tin nhận Chúa Giêsu là Đấng thiên sai, nên ông đã nói cho anh mình là Phê-rô biết, rồi cùng dẫn Phê-rô đi gặp Chúa. Nhưng cả hai cũng chưa dứt khoát có nên đi theo Chúa hay không, mãi cho đến hôm hai ông ngồi xếp lưới định đi đánh cá, lúc ấy có Chúa Giêsu đi ngang qua kêu gọi, cả hai ông đã từ bỏ tất cả để theo Chúa.

4/ Trong thời gian đi theo Chúa, Tin Mừng có ghi lại lúc Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh lần đầu. Lúc đó An-rê đã tìm được 5 chiếc bánh và 2 con cá từ một bé trai trong đám đông, và ông đã đem đến trao cho Chúa Giêsu.

5/ Đang lúc đó có đám đông đang nghe Chúa giảng, với số bánh và cá ít ỏi đó, Chúa đã làm phép lạ vĩ đại để nuôi tất cả họ. Lần thứ hai là vào dịp lễ Vượt Qua ở năm thứ ba cuộc đời công khai của Chúa, chính An-rê đã dẫn một nhóm người Hy Lạp đến gặp Chúa, Tin Mừng chỉ có biết về An-rê như thế thôi.

6/ Theo lưu truyền, khi các Tông Đồ lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần vào ngày lễ ngũ tuần. Sau đó An-rê đi rao giảng ở vùng Bithyni-a, Ngài bị bắt bên bờ biển Hắc Hải và kết thúc cuộc đời tại Achai-a.

7/ Ngài bị đưa đến tổng trấn Êgê-a xét xử, ông này nói với Ngài: “Chúa Giêsu là vị thẩm phán tối cao mà ngươi nói, có phải chính là Người đã chết trên Thập Giá không? Hôm nay nếu ngươi không dâng hương tế thần, ngươi cũng sẽ chết y như vậy”.

8/ Thánh An-rê không hề sợ hãi, lại còn nói: “Cực hình của ông sẽ đem lại vinh quang bất diệt cho tôi”.

9/ Tổng trấn Êgê-a truyền đem Thập Giá tới. Khi thấy Thập Giá, An-rê vui mừng kính chào: “Ôi, Thập Giá tốt lành, hãy đưa ta đến gặp Thầy chí Thánh của ta”, Ngài giang tay ra chịu cột chứ không chịu đóng đinh để chịu chết lâu hơn Thầy mình, chậm hơn, đau hơn.

10/ Hình phạt kéo dài 2 ngày mà Ngài chưa chết, Ngài luôn mở miệng cao rao danh Chúa Kito. Qua ngày thứ ba, Ngài cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa Giêsu Kito, xin hãy đón nhận hồn con”, và Ngài đã tắt thở trong bình an.

11/ Theo lưu truyền: Thập Giá mà An-rê bị chết là Thập Giá hình chữ “X”, nên thường được mệnh danh là Thập Giá Thánh An-rê.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con gặp Chúa, sống bình an bên Chúa và chết bình an trong tay Chúa Kito. Amen.**R

 

Thứ ba, 1/12/2015

Đề tài: AI LÀ NGƯỜI CÓ PHÚC

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 10,21-24)

21 Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giê-su hớn hở vui mừng và nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. 22 "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho." 23 Rồi Đức Giê-su quay lại với các môn đệ và bảo riêng: "Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy!24 Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe."

SUY NIỆM:

1/ Một nông dân Xứ ARS, mỗi ngày trước khi ra đồng làm việc, ông đều ghé vào nhà thờ cầu nguyện trong giây lát. Có người hỏi: Ông vào đó làm gì? Với tấm lòng đơn sơ, ông đáp: Tôi vào bàn chuyện với Chúa, hỏi xin ý kiến trước khi làm việc.

2/ Đức Giêsu dâng lời tạ ơn lên Chúa Cha, vì Chúa Cha đã Mạc Khải cho những kẻ đơn sơ biết về thánh ý Chúa. Chúa Giêsu cũng tạ ơn vì 72 Môn Đệ vừa ra đi rao giảng trở về.

3/ Các ông thuộc tầng lớp quê mùa ít học, nhưng lại được cộng tác vào công trình vĩ đại của Thiên Chúa. Chúa cũng liên tưởng đến những người không đón nhận Tin Mừng vì lòng trí họ quá kiêu căng tự mãn, cứ cho mình là khôn ngoan thông thái, họ đã khước từ sự hiện diện của Chúa và họ sẽ phải chết trong sự thông thái ngu ngốc của họ.

4/ Trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa, mọi việc không diễn ra theo cách hiểu của loài người. Thiên Chúa chỉ dùng những người đơn sơ bé mọn để thông truyền Mạc Khải của mình. Chúa Giêsu biết đó là ý muốn của Chúa Cha và Ngài cảm nghiệm điều đó bằng một tâm tình tạ ơn.

5/ Chính sự hồn nhiên, đơn sơ của tâm tình trẻ thơ giúp cho họ nhận ra khuôn mặt Thiên Chúa nơi Đức Giêsu. Chính vì đơn sơ nên họ phó thác trọn vẹn vào Tin Mừng và những người bé mọn sẽ khẩn cầu lòng thương xót của Thiên Chúa cho anh em mình.

6/ Bài Tin Mừng hôm nay có 2 phần: Thứ nhất là lời nguyện tạ ơn của Chúa Giêsu vì đã ban ơn đặc biệt cho những kẻ bé mọn là họ được biết Ngài và biết Chúa Cha.

7/ Phần thứ hai Chúa Giêsu nói về niềm vinh hạnh của các Môn Đệ: “Phúc thay mắt nào được thấy những điều anh em thấy, và phúc thay tai nào nghe được những điều anh em nghe”.

8/ Sau khi tổ tông phạm tội bất trung, Thiên Chúa đã không ruồng bỏ con người, nhưng Ngài vẫn tiếp tục yêu thương và hứa sẽ ban cho nhân loại một Đấng cứu thế.

9/ Lời hứa ấy luôn sống mãi trong tâm trí con người hết đời nọ qua đời kia, cho nên lúc nào các Ngôn Sứ cũng nói lên lời chờ mong Đấng cứu thế đến.

10/ Rồi cũng đến lúc Chúa cứu thế xuất hiện. Ngài chính là Chúa Giêsu Thành Nazaret mà các Môn Đệ từng xem thấy, đó là niềm hạnh phúc nhất mà Chúa Giêsu nói với các Môn Đệ trong bài Tin Mừng.

11/ Chính các Môn Đệ là người đơn sơ, chất phát, khiêm nhường. Họ là những kẻ bé mọn đã được Thiên Chúa Cha tỏ cho họ biết: Thầy của họ chính là Thiên Chúa, là Đấng cứu thế mà muôn dân trông đợi. Không những các Môn Đệ được xem thấy Ngài mà họ còn được tham sự vào cuộc sống của Chúa cứu thế.

12/ Các Tông Đồ là những người được đi theo Chúa, được sống với Chúa, được nghe giáo huấn, được thấy tận mắt các phép lạ Chúa làm, còn được trở thành cộng sự viên, và còn là những người tiếp tục duy trì và truyền bá công cuộc cứu độ của Thiên Chúa.

13/ Quả thật, các Môn Đệ là những người có diễm phúc được thấy Chúa, được nghe Chúa giảng, điều mà các Ngôn Sứ từng ước áo nhưng không được.

14/ Đối với chúng ta, những người của thế kỷ 21, chúng ta không được thấy gương mặt nhân loại của Chúa Giêsu, chúng ta không được nghe Chúa giảng dạy. Vậy chúng ta có phải là người hạnh phúc không?.

15/ Thưa có! Mặc dù Chúa đã về trời, nhưng niềm tin vào Chúa Giêsu vẫn còn hiện diện trên trái đất, một sự hiện diện thiêng liêng vô hình, bởi vì Chúa vẫn sống trong lòng Giáo hội và trong tất cả những ai thuộc về Giáo hội.

16/ Chúng ta đừng hiềm tỵ, so bì với các Tông Đồ, với bà Maria Madala, với ông Giakeu, và với biết bao người khác, những người được diễm phúc trò chuyện thân mật với Chúa. Bởi vì ngày nay, Chúa vẫn ở với chúng ta, vẫn luôn hiện diện trong cuộc sống, chúng ta vẫn luôn gặp Chúa, trò chuyện với Chúa, nghe Chúa giảng mỗi khi chúng ta nghe Linh Mục giảng, đọc sách Thánh, lãnh các Bí tích, mà chúng ta còn thường xuyên gặp Chúa trong những người anh em nghèo khó, đói khổ xung quanh chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn biết sống khiêm tốn để trở nên bé mọn, xứng đáng là con cái thấp hèn và được Chúa thương yêu như Chúa đã làm với các Môn Đệ ngày xưa. Amen.**R

 

Thứ tư, 2/12/2015

Đề tài: THIÊN CHÚA XÓT THƯƠNG

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 15,29-37)

29 Đức Giê-su xuống khỏi miền ấy, đến ven Biển Hồ Ga-li-lê. Người lên núi và ngồi ở đó. 30 Có những đám người đông đảo kéo đến cùng Người, đem theo những kẻ què quặt, đui mù, tàn tật, câm điếc và nhiều bệnh nhân khác nữa. Họ đặt những kẻ ấy dưới chân Người và Người chữa lành,31 khiến đám đông phải kinh ngạc vì thấy kẻ câm nói được, người tàn tật được lành, người què đi được, người mù xem thấy. Và họ tôn vinh Thiên Chúa của Ít-ra-en. 32 Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói: "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường."33 Các môn đệ thưa: "Trong nơi hoang vắng này, chúng con lấy đâu ra đủ bánh cho đám đông như vậy ăn no? "34 Đức Giê-su hỏi: "Anh em có mấy chiếc bánh? " Các ông đáp: "Thưa có bảy chiếc bánh và một ít cá nhỏ."35 Bấy giờ, Người truyền cho đám đông ngồi xuống đất.36 Rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh và mấy con cá, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho môn đệ, và môn đệ trao cho đám đông.37 Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được bảy thúng đầy.38 Số người ăn có tới bốn ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.39 Sau khi giải tán đám đông, Đức Giê-su lên thuyền, sang miền Ma-ga-đan.

SUY NIỆM:

1/ Câu chuyện của bà Howell vào thập niên 1960 của thế kỷ trước: bà sinh ra một đứa con bị bại não, thay vì gửi cậu ta vào cơ sở từ thiện, nhưng vì tình yêu thương, bà đã quyết định giữ đứa con lại để nuôi. Về sau cậu bé John Paul ngày xưa ,nay đã thành danh trong xã hội và người mẹ này đã được chọn làm người mẹ vĩ đại nhất nước Mỹ vào năm 1996.

2/Chúa Giêsu thấy đám đông lũ lượt kéo đến với Người, trong đó có nhiều người bệnh tật, đui mù, câm điếc, què quặt và Chúa Giêsu đã chữa lành tất cả. Đây là cách Chúa tỏ lòng thương xót.

3/Chúa Giêsu không chỉ chữa lành bệnh tật phần xác mà còn chữa lành linh hồn họ. Qua hành động này, mọi người đều nghiệm ra tình thương của Thiên Chúa.

4/Là con Chúa, là môn đệ, chúng ta cũng biết chạnh lòng thương. Phải biết giúp đỡ tha nhân, để mọi người ai cũng nhận ra tình thương của Thiên Chúa được thể hiện ở giữa con cái loài người.

5/Trong 3 năm giảng dạy của Chúa Giêsu, các sách Tin Mừng đều kể lại 2 lần Chúa làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Phép lạ hôm nay là lần thứ 2. Ở hai phép lạ, có nhiều chi tiết khác nhau.*

6/Phép lạ hôm nay bao gồm dân chúng ở nhiều nơi kéo đến đi theo Chúa đã 3 ngày. Số bánh lần này có 7 cái, còn cá thì không rõ là mấy con. Nơi xảy ra phép lạ là miền thập tỉnh, là nơi vắng vẻ gần bờ hồ phía đông biển hồ Tiberiat. Lần này số bánh thừa là 7 thúng, số người ăn bánh là 4 ngàn. Phép lạ hôm nay là do lòng thương xót của Chúa.

7/Phép lạ lần trước: Dân chúng ở Caphana-um, số bánh là 5 cái và 2 con cá. Nơi xảy ra phép lạ là miền Cesare Philipper. Số bánh thừa là 12 thúng đầy, số người ăn bánh là 5 ngàn người, là do sáng kiến của các Tông đồ. Phép lạ nầy để chuẩn bị Đức Tin.

8/Sách Tin Mừng ghi lại nhiều phép lạ Chúa Giêsu đã làm như chữa bệnh tật, cho người chết sống lại, hóa bánh ra nhiều, khiến sóng gió lặng yên. Chúa làm phép lạ vì lòng thương người và cũng vì thương các Tông đồ vì họ thiếu lòng tin.

9/Như vậy Chúa Giêsu đến để chỉ cho mọi người thấy tình thương của Thiên Chúa. Ngài không phân biệt già trẻ, nam nữ, giàu nghèo. Chúa yêu thương cách riêng những kẻ đau yếu bệnh tật, những kẻ buồn phiền, sầu khổ. Ngài còn yêu thương đặc biệt những tội đồ. Chính vì yêu thương nên Chúa đã làm phép lạ để cứu chữa phần xác, phần hồn.

10/Vì Thiên Chúa là Đấng xót thương, nên Ngài yêu thương chúng ta nhiều hơn chúng ta tưởng nghĩ. Thiên Chúa biết rõ từng người trong chúng ta cho nên Ngài không bao giờ ghét bỏ cho dù chúng ta luôn là những con người tội lỗi. Nếu chúng ta có tự khiển trách mình, thì Thiên Chúa cũng luôn an ủi và ban ơn nâng đỡ chúng ta, giúp chúng ta can đảm, kiên trì chịu đựng.

11/Chúa luôn nhắc nhở chúng ta: Gian truân đau khổ chỉ là tạm thời. Chúa sẽ gợi lên niềm vui trong lòng chúng ta, để chúng ta can đảm trở nên chứng nhân hy vọng ngay trong lúc chúng ta đang sầu khổ.

12/ Nếu chúng ta luôn xác tín rằng: Thiên Chúa đầy tràn tình yêu thương, bàn tay Ngài đang hướng dẫn mọi sự. Ngài có thể biến điều ác ra điều lành, thì cho dù gặp bất kỳ hoàn cảnh khốn khó nào, chúng ta cũng đừng nên nao núng, sợ hãi, và nhất là không nên nghi ngờ tình thương của Chúa. Chúng ta nên tin tưởng cậy trông phó thác vào Ngài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con nhận ra tình thương của Chúa, để con biết đền đáp công ơn qua việc san sẻ tình thương đó cho anh em con .Amen **R

 

Thứ năm, 3/12/2015

Đề tài: HÃY RA ĐI LOAN BÁO TIN MỪNG

KÍNH THÁNH PHANXICÔ SAVIER

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Marco (Mc 16,15-20)

15 Người nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ."

19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

SUY NIỆM:

1/ Rao giảng Tin Mừng là một món nợ mà tất cả những ai đã chịu phép rửa tội đều phải trả. Rao giảng Tin Mừng là làm chứng về tình yêu của Thiên Chúa, là vượt thắng sự ích kỷ của chúng ta, là cúi mình phục vụ cho anh em như là cách Chúa Giêsu rửa chân cho các Tông Đồ.

2/ Sau lễ Phục Sinh, khi Chúa Giêsu hiện ra với Nhóm 11, Chúa Giêsu muốn chỉ cho các Môn Đệ thấy tầm quan trọng của việc loan báo tin mừng cho mọi loài thụ tạo. Chúa Giêsu đã sai các Môn Đệ ra đi rao giảng về tình thương của Thiên Chúa.

3/ Thánh Phanxico Xavier là mẫu gương cho tất cả những ai muốn loan báo Tin Mừng. Ngài đã ra đi khắp nơi để làm chứng về tình yêu của Thiên Chúa và phục vụ đồng loại/ lòng hăng say của Ngài đã giúp đưa được rất nhiều người về với Chúa.

4/ Đường lối sống đạo của mỗi Kito hữu chúng ta là phải hăng say trong công việc loan báo Tin Mừng, để mọi người nhận biết Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta là ngần nào?

5/ Thánh Phanxico Savier là một nhà truyền giáo vĩ đại, Ngài sinh ngày 07/04/1506 tại lâu đài Savier, nước Tây Ban Nha. Ngài là con út trong gia đình có 6 anh em, thân phụ Ngài là quan cố vấn đại thần, Ngài thuộc dòng dõi võ tướng nên tính khí Ngài rất hăng hái, hiếu chiến.

6/ Hồi nhỏ thân phụ Ngài quá bận việc triều đình, các anh lớn thì bận tham gia chiến trận. Thân mẫu Ngài đã đảm đương việc dạy dỗ Phanxico, bà đã dạy cho Phanxico một tâm hồn nhạy cảm, rất tế nhị và thực dụng, thực tế. Nhờ những đức tính đó nên Phanxico sau này trở thành một người rất can đảm và dễ thương.

7/ Vào năm 1525, lúc Ngài được 19 tuổi, người ta thấy Phanxico học ở đại học Paris là đại học nổi tiếng nhất lúc bấy giờ, về sau Ngài phụ trách giảng dạy môn triết học, vì Ngài đổ cử nhân khoa triết.

8/ Ngài đang đạt độ cao trên đường học vấn và đang hăng say theo đuổi danh vọng như vậy, thì Ngài gặp một sinh viên đang học tại đại học Paris, lúc ấy đã 33 tuổi, anh ta là một cựu đại úy, thông minh, đã giải ngũ, tên là I-nhati-o.

9/ Lúc bấy giờ I-nhati-o đang tìm người cộng tác để thành lập dòng tên. I-nhati-o thấy Phanxico thông minh đạo đức, lại hăng say làm việc Tông Đồ, có tài ăn nói hùng biện, lại có tài thu phục nhân tâm, nên I-nhati-o muốn chiêu mộ cho bằng được con người tài đức này để phụng sự Chúa và Giáo hội.

10/ Nhờ phương pháp tĩnh tâm và cầu nguyện do I-nhati-o khởi xướng cùng với ơn Chúa tác động. I-nhati-o dần dần làm cho Phanxico hiểu rõ câu lời Chúa trong Tin Mừng: “Nếu lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào được ích gì?”.

11/ Phanxico đã suy nghĩ rất nhiều. Cuối cùng Ngài đã nhận ra lý tưởng sống nơi I-nhati-o. Ngài nhận ra Thiên Chúa là kho báu tuyệt hảo nhất, nên Ngài đã từ bỏ tất cả danh vọng trần thế để đi theo cộng tác với I-nhati-o và một số anh em khác trong việc loan báo Tin Mừng và cứu rỗi các linh hồn.

12/ Ngày 15/08/1534, tại một nhà nguyện nhỏ ở Mông-Mác , Paris, I-nhati-o với tư cách là bề trên ,đã nhận lời khấn của Phanxico và đặt Ngài làm phụ tá cho mình.

13/ Ngày 26/06/1537, cả hai I-nhati-o và Phanxico Savier cùng lãnh chức Linh Mục. Rồi theo lời yêu cầu của Đức Phaolo 3, đã phái hai Ngài đi truyền giáo ở Ấn Độ.

14/ Ngày 07/4/1541, là ngày sinh nhật lần thứ 35, Phanxico từ giã anh em để khởi hành từ Lisbone thủ đô Bồ Đào Nha đi Ấn Độ, để thi hành sứ mạng truyền  giáo ở Á Châu. Sau hơn một năm lênh đênh nguy hiểm trên biển cả, Ngài cập cảng Goa , Ấn Độ vào tháng 05/1542.

15/ Thời gian truyền giáo ở Ấn Độ của Thánh Phanxico Savier không dài, chỉ độ 10 năm, trong khi đó thời gian di chuyển từ nước nọ sang nước kia đã mất 3 năm.

16/ Trong 7 năm truyền giáo, Ngài đã rửa tội cho 1.200.000 người, đã phá hơn 40.000 tà thần, đi truyền giáo trong 30 nước. Đường Ngài đi dài bằng 3 lần chu vi trái đất, khoảng hơn 100 ngàn cây số, thời đó phương tiện di chuyển bằng tàu thủy nên rất chậm.

17/ Ngài đã hy sinh quên mình, không thiết gì đến chuyện ăn ngủ. Cứ chỗ nào có đông người là Ngài lại đến đó giảng dạy và biến nơi đó thành điểm truyền giáo. Người ta đến xin học giáo lý và chịu rửa tội rất đông đến nổi Ngài không có giờ để đọc kinh nhật tụng và ăn uống.

18/ Ngài qua đời tại đảo Tân Châu, thuộc hải phận tỉnh Quảng Châu đang khi đợi giấy phép cho vào Trung Hoa vào ngày 03/12/1552, khi tới đảo này thì Ngài bị sốt rét trong lúc ngước mắt nhìn về cánh đồng truyền giáo bao la mà Ngài ước mơ đem Tin Mừng, rồi Ngài nhắm mắt qua đời.

19/ Ngài ra đi truyền giáo, chấp nhận mọi gian khổ, không phải để đổi lấy của cải vật chất ở trần gian, mà chỉ để được sống trong tình yêu Chúa và phân phát tình yêu đó cho đồng loại.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, nước trời là cùng đích, là báu vật mà con cần chiếm hữu. Xin cho con dám sẵn sàng hy sinh tất cả để chiếm cho được nước trời, và nhất định sẽ không bao giờ làm điều ngược lại. Xin cho con luôn biết sống và làm mọi việc vì yêu Chúa. Amen.**R

 

Thứ sáu, 4/12/2015

Đề tài: QUYỀN NĂNG CỦA THIÊN CHÚA

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 9, 27-31)

27 Đang khi Đức Giê-su ra khỏi nơi đó, thì có hai người mù đi theo kêu lên rằng: "Lạy Con Vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi! " 28 Khi Đức Giê-su về tới nhà, thì hai người mù ấy tiến lại gần. Người nói với họ: "Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không? " Họ đáp: "Thưa Ngài, chúng tôi tin." 29 Bấy giờ Người sờ vào mắt họ và nói: "Các anh tin thế nào thì được như vậy." 30 Mắt họ liền mở ra. Người nghiêm giọng bảo họ: "Coi chừng, đừng cho ai biết! " 31 Nhưng vừa ra khỏi đó, họ đã nói về Người trong khắp cả vùng.

SUY NIỆM:

1/ Một người đàn ông mù từ thuở mới sinh tên Robet-to Newman. Mãi đến lúc 50 tuổi, sau một lần phẩu thuật, ông đã nhìn thấy ánh sáng trong cuộc đời. Thế giới mà từ trước tới nay ông nhận thức được qua đôi mắt mù của ông, hôm nay đã thay đổi hoàn toàn, bởi vì những điều ông dự đoán, tưởng tượng đều rất khác xa với thực tế.

2/ Phúc Âm hôm nay thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu chữa cho 2 người mù được sáng mắt thể lý, đồng thời Chúa cũng ban cho họ nguồn hạnh phúc đích thực trong tâm hồn. Bài học hôm nay cho chúng ta thấy rằng: hai người mù nhờ vào quyền năng và tình thương của Chúa Giêsu mà họ nhìn thấy được vạn vật, đồng thời mắt tâm hồn họ cũng được mở ra.

3/ Trước ân huệ nhiệm màu của Thiên Chúa dành cho mình, họ đã ca tụng và loan báo về Đức Giêsu cho khắp cả vùng được biết.

4/ Đối với chúng ta, đôi mắt thể lý không bị mù, nhưng đa số chúng ta mù về con mắt lương tâm. Nếu chúng ta muốn được chữa lành, chúng ta cần phải xác tín vào quyền năng của Chúa Giêsu. Nhờ đó Người sẽ chữa lành chúng ta, nhờ đó chúng ta có thể nhìn thấy thế giới chung quanh một cách mới mẻ hơn so với những gì mà từ trước tới nay chúng ta vẫn nhìn thấy.

5/ Đôi mắt con người là cơ quan rất quý giá và thiết yếu cho đời sống con người. Người mù lòa chịu biết bao thiệt thòi và tâm lòng họ buồn khổ như thế nào? Có người cho rằng mù lòa là một nổi bất hạnh nhất, nên họ nghĩ thà chết đi còn hơn là bị mù. Người mù bẩm sinh chịu rất nhiều thiệt thòi về thị giác, mà còn thiệt thòi về cả con người và tất cả cuộc đời của họ.

6/ Thế giới hữu hình xinh đẹp này như chết đi trong lòng họ, bởi vì họ không có chút quan niệm gì về màu sắc, hình dáng của những người thân yêu. Ánh sáng và bóng tối đối với họ đều giống nhau, văn minh tiến bộ hầu như họ không hề biết đến.

7/ Đời sống của họ là chuỗi ngày dài đầy tự ti mặc cảm, cho nên tâm trạng của họ là luôn khao khát được thấy, cho dù là thấy mờ mờ. Họ dám làm bất cứ thứ gì để được sáng mắt , họ vái tứ phương như hai người mù hôm nay, họ đã vận dụng lòng tin vào Chúa Yesu để được sáng mắt.

8/ Hai người mù hôm nay họ không xin của ăn, cũng chẳng xin tiền bạc như mọi khi, họ chỉ kêu xin cho được sáng mắt. Lạ một điều là họ kêu lên đúng với chức vụ của Chúa Giêsu: “Lạy ông Giêsu con vua Đa-vít”. Ít ra họ cũng có quan tâm để ý đến Kinh Thánh, chính nhờ quá đau khổ mà họ đã đi tìm kiếm Chúa.

9/ Họ đã tìm đúng đối tượng, họ đã nhận ra sự thật, họ nhận ra Chúa là Đấng Thiên Sai, Đấng đến để giải thoát, để cứu chữa loài người.

10/ Nói đúng hơn, họ đã tìm ra Chúa, họ đã tin Chúa là Đấng quyền phép, Người có thể cho họ được sáng mắt một cách thật dễ dàng, và họ đã được đúng với những gì họ xin và Chúa Giêsu đã xác nhận như vậy.

11/ Câu chuyện hai người mù nhắc nhở chúng ta kiểm điểm đời sống đức tin của mình. Nếu thân xác chúng ta có đôi mắt để giúp chúng ta nhìn thấy vạn vật để mà hành động, thì về phương diện linh hồn, chúng ta cũng phải có con mắt đức tin, hiểu được những điều siêu việt và giúp chúng ta hành động đúng.

12/ Chúng ta hãy làm một phép so sánh: Giữa người mù và người sáng mắt, mặt lợi mặt hại như thế nào, thì người có đức tin và không có đức tin cũng sống trong 2 thế giới cách biệt nhau như thế.

13/ Con mắt thể xác là quá quan trọng thì đức tin cũng quan trọng như vậy. Nhưng chúng ta cần kiểm điểm xem đức tin của chúng ta như thế nào, đức tin đang lên hay đang xuống, hay lúc lên lúc xuống như người sốt rét. Tại sao vậy ?

14/ Đức tin theo kiểu sốt rét là lúc lên, lúc xuống, là đức tin bị lệ thuộc theo cảm giác, tùy theo ngoại cảnh hay bị lệ thuộc vào người chung quanh, nhất là khi gặp thử thách nặng nề, thất bại vì bệnh tật, thua lỗ, thất thế.

15/ Vì thế chúng ta đừng bao giờ để cho nghịch cảnh làm chủ đời sống đức tin của chúng ta. Trái lại, càng gặp nghịch cảnh, đức tin của chúng ta càng phải vững mạnh và sáng giá hơn.

16/ Chúng ta đừng đi trên trần gian này bằng con mắt thể lý, vì con mắt thể lý hay bị đau, bị ảo ảnh, bị mờ mịt. Nhưng chúng ta cần đi bằng con mắt đức tin do Chúa Giêsu dẫn dắt để rồi khi đến cuối con đường, Chúa Giêsu cũng âu yếm nói: “Đức tin của con đã cứu chữa con”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin mở con mắt đức tin cho con, để chúng con nhận ra quyền năng và tình thương của Chúa ở khắp mọi nơi. Amen.**R

 

Thứ bảy, 5/12/2015

Đề tài: TÌNH THƯƠNG CỦA ĐẤNG CỨU ĐỘ

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mattheu (Mt 9:35-38; 10:1,6-8)

35 Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. 36 Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. 37 Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. 38 Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về."

1 Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.

6 Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. 7 Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. 8 Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.

SUY NIỆM:

1/ Hằng ngày có biết bao tai nạn xảy ra trên đường, có biết bao người đi qua nhìn thấy, nhưng sau đó họ lẳng lặng ra đi. Mọi người vẫn thản nhiên tiếp tục công việc, chẳng ai quan tâm đến những con người gặp nạn.

2/ Thiên Chúa là tình yêu, tình yêu ấy được biểu lộ ra nơi tư tưởng, lời nói, việc làm của Đức Kito. Vì yêu thương nhân loại nên Chúa Giêsu đã giáng thế, đã làm ơn, sau đó mắc oán, Ngài đã bị kết án đau thương trên Thập Giá để mang lại hạnh phúc cho con người.

3/ Chúa Giêsu là đấng quyền năng, Ngài cũng thông ban cho con người rất nhiều khả năng. Cho dù Chúa rất muốn cứu rỗi thế giới một mình, nhưng Chúa lại muốn có con người cộng tác.

4/ Khi thấy đám đông dân chúng sống vất vưỡng trước những khổ đau của trần thế, Chúa nhìn thấy mọi người như đàn chiên không người chăn dắt, nên đã sai các Môn Đệ đến để nâng đỡ họ, cứu giúp phần hồn, phần xác cho họ, và đồng thời Chúa cũng muốn chúng con mang ơn cứu độ đến cho họ.

5/ Sau một thời gian rao giảng Tin Mừng nước trời và chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền, Chúa Giêsu thấy xót thương dân chúng bơ vơ như đàn chiên không người chăn dắt, như đồng lúa chín mà thiếu thợ gặt.

6/ Đây chính là lý do khiến Chúa sai các Tông Đồ đi truyền giảng, Ngài ban cho các ông quyền năng chữa bệnh và trừ quỷ, Ngài sai các ông đi với chỉ thị thật rõ rệt: “Phải ưu tiên loan báo Tin Mừng cho dân Israel”.

7/ Chúa Giêsu cũng đòi các ông phải làm việc vô vị lợi. Nghĩa là nhận được nhưng không thì phải cho nhưng không. Ý của bài Tin Mừng hôm nay chính là các Môn Đệ phải thi hành sứ vụ truyền giáo, đây cũng là điều Chúa Yesu muốn nhắc nhở chúng ta.

8/ Chúng ta đang sống trong những năm đầu của thiên niên kỷ thứ ba. Cách nay hơn 20 thế kỷ, Chúa đã hoàn tất công cuộc cứu chuộc nhân loại và hai ngàn năm đã đi qua cách bình lặng , bởi vì giữa lý tưởng mà Chúa đòi hỏi và thực tế chúng ta đang thực thi vẫn còn một khoảng cách quá xa.

9/ Cánh đồng truyền giáo vẫn rất mông mênh, dân số hơn 7 tỷ, nhưng chỉ có 1 tỷ người biết Chúa. Vậy thì con số tin Chúa, thật sự yêu Chúa sẽ là bao nhiêu. Tại lục địa Châu Á dân số quá đông, chiếm phân nửa thế giới, nhưng người tin Chúa Kito lại quá ít. Tại đất nước này với dân số 90 triệu, nhưng số người biết Chúa chưa đến 1/10,  cánh đồng truyền giáo vẫn còn bát ngát.

10/ Hôm nay nếu quy trách nhiệm thì lỗi này thuộc về ai, là các thừa sai, Giáo sĩ, tu sĩ hay của mọi người Kito hữu. Trách nhiệm này đang thuộc về mỗi người chúng ta, chúng ta có bổn phận làm cho Tin Mừng thâm nhập vào mọi văn hóa dân tộc tại địa phương, nơi mà chúng ta đang sinh sống.

11/ Ngày nay người ta không muốn nghe, nhưng chỉ muốn nhìn thấy chứng nhân. Người ta không thích nghe suông nữa. Do đó cách truyền giáo hữu hiệu là làm trước rồi nói sau, gương sáng là cách để thuyết phục nhất hơn là lời nói suông.

12/ Nếu chúng ta chỉ sống đạo cho riêng mình là cách sống đạo tiêu cực, chẳng khác nào nén bạc đem chôn dấu. Đáng buồn hơn khi chúng ta sống ngược lại với lời Chúa kêu gọi, hãy làm công tác truyền giáo. Người đời lắm lúc họ vẫn phàn nàn: “Tin đạo chứ không tin kẻ có đạo”, khi nghe lời này thật đáng buồn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chữa bệnh và trừ quỷ, sau đó mới giảng đạo. Xin Chúa giúp con sống tốt, sống gương sáng trước rồi mới giới thiệu Chúa sau, xin Chúa giúp con luôn thực thi ý Chúa. Amen.**R

 KBX / Giuse Luca / Cộng Đoàn KT Emmaus

TGP SAI GON / VN 

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1944
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  7
 Hôm nay:  1113
 Hôm qua:  13063
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11440441
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top