Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa TUẦN 1 GIÁNG SINH B 2017 (Giuse Luca)

Chia sẻ Lời Chúa hằng ngày

Thứ 2 -> Thứ 7 / Tuần I GIÁNG SINH B (25/12 -> 30/12/2017)

(BÁT NHẬT GIÁNG SINH)

Thứ hai, 25/12/2017 (Ngày I Tuần Bát Nhật)

Đề tài: MỪNG SINH NHẬT CHÚA GIÊ-SU

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 2,15-20)

15 Khi các thiên sứ rời những người chăn chiên để về trời, những người này bảo nhau : “Nào ta sang Bê-lem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết.” 16 Họ liền hối hả ra đi và gặp bà Ma-ri-a, ông Giu-se, cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ. 17 Thấy thế, họ kể lại điều họ đã được nghe nói về Hài Nhi này. 18 Tất cả những ai nghe đều ngạc nhiên về những gì các người chăn chiên nói cho biết. 19 Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng. 20 Rồi các người chăn chiên ra về, vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa, vì mọi điều họ đã được tai nghe mắt thấy theo như họ đã được loan báo.

SUY NIỆM:

1/ Ngày 11/3/2011 Nhật Bản bị rúng động bởi thảm họa kép, vừa động đất vừa sóng thần, khiến cho cả nước Nhật có khoảng 30.000 người thiệt mạng. Cả thế giới đã đau xót hướng về nước Nhật như muốn san sẻ bớt niềm đau to lớn ấy!

2/ Việt Nam mỗi năm có đến 300.000 ca nạo phá thai, số người chết vì tai họa này lên gấp 10 lần hơn cả Nhật Bản, được xếp hạng thứ 5 trên thế giới. Thế nhưng sao mọi người vẫn dửng dưng?

3/ Hôm nay cả thế giới hân hoàn mừng Lễ Chúa Giáng Sinh, kỷ niệm biến cố hơn hai ngàn năm con Thiên Chúa giáng trần, Ngài thật sự trở nên người phàm và đang cự ngụ giữa chúng ta.

4/ Mỗi lần cử hành  mầu nhiệm này, chúng ta được Chúa Giêsu nhắc nhở là phải biết trân trọng mạng sống và nhân phẩm của chính chúng ta cũng như của biết bao người khác.

5/ Đức Giáo Hoàng Yoan Phao-lô II trong thông điệp Tin Mừng về sự sống, Ngài đã thẳng thắn lên án: Phá thai là một tội ác quá sức nghiêm trọng.

6/ Vì sao Giáo Hội nhận ngày 25/12 làm ngày sinh nhật Chúa? Trước hết các tác giả sách Tin Mừng hoàn toàn không hề đề cập đến vấn đề này, các sử gia và các nhà văn Công giáo cũng không để lại dấu vết nào có thể giúp chúng ta khám phá ra ngày con Thiên Chúa ra đời.

7/ Giáo hội chọn ngày 25/12 để mừng lễ sinh nhật Chúa Giêsu. Các nhà giải thích phụng vụ nêu lên 2 giả thuyết có thể chấp nhận được như sau:

a) Việc chọn ngày 25/12 là để thay thế lễ mừng mặt trời mà người ngoại giáo chọn và cử hành vào ngày này, bởi vì lúc đầu đạo công giáo chúng ta chưa được chính thức công nhận và trải qua hơn 300 năm bắt đạo tại Roma, cho nên người công giáo mừng chung vào ngày này để khỏi bị chú ý , bại lộ ,và bị sát hại .

b) Khi chọn ngày 25/12, Giáo hội dựa theo quan niệm của một số người có uy tín ở đầu thế kỷ thứ 3 cho rằng: Đấng Cứu Thế chết nhằm ngày 25/03 và sinh vào ngày 25/12.

8/ Từ thế kỷ thứ 4 trở đi, có nhiều nơi đã tổ chức mừng sinh nhật Chúa Giêsu, nhưng chưa thể thống nhất trong việc qui định ngày nào tháng nào cho lễ ấy.

9/ Trong lúc Roma mừng vào ngày 25/12 thì Ai Cập chọn 20/5. Nơi khác chọn 20/4 hoặc ngày 6/1, hoặc 17/11, cũng có nơi cử hành vào ngày 28/3. Mãi cho đến thế kỷ thứ 5, toàn thể giáo hội công giáo mới thống nhất mừng ngày sinh nhật Chúa vào 25/12.

10/ Một đặc điểm của lễ Giáng Sinh là Giáo hội cử hành trọng thể 3 thánh lễ: Lễ nửa đêm, lễ rạng đông và lễ ban ngày. Suốt 10 thế kỷ đầu chỉ có Đức Giáo Hoàng tại Roma được cử hành 3 lễ này mà thôi.

11/ Theo tài liệu phụng vụ cho biết: Ngay chiều hôm trước, Đức Giáo Hoàng cùng toàn thể giáo dân tụ họp trong đền thờ Thánh Phê-rô và hát kinh nguyện, đoạn hàng giáo sĩ hát kinh đêm và sau giờ thứ ba, tức khoảng 11 giờ, Đức Giáo hoàng long trọng cử hành Thánh lễ nửa đêm, trong lễ này chỉ có một mình Đức giáo hoàng được rước mình Thánh Chúa mà thôi.

12/ Sau lễ thứ nhất, mọi người ra ngoài đền thờ và nghỉ đến rạng đông, rồi cùng với Đức Giáo Hoàng trong phẩm phục đại triều tiến về nhà thờ Thánh Anatha-sio để hát lễ nhì.

13/ Xong lễ nhì, Đức Giáo Hoàng và mọi người trở về đền thờ thánh Phê-rô để long trọng cử hành thánh lễ thứ ba. Lễ này là lễ long trọng nhất trong 3 lễ, Giáo sĩ và giáo dân rước lễ trong lễ này.

14/ Khoảng giữa thế kỷ thứ 10, người ta thấy vài nơi ở ngoại ô thành Roma, cử hành 3 Thánh lễ trong ngày Giáng Sinh, nhưng lại do 3 Linh Mục khác nhau. Đến thế kỷ thứ 13, mọi Linh Mục mới được cử hành 3 Thánh Lễ trong ngày trọng đại này.

15/ Đây là ý nghĩa thiêng liêng của ngày Lễ Giáng Sinh, người ta nhắc đến 3 sự sinh ra của Chúa Giêsu.Thứ nhất: Là sinh ra trong thời gian , bài Kinh Thánh Lễ nửa đêm đã diễn tả: Thưở ấy, Hoàng đế Césare Augustino ra chiếu chỉ ban hành lệnh kiểm tra dân số, ông Yuse thuộc xứ Galile đã bỏ thành Nazaret để lên Giudea, đến thành Davit gọi là Belem… Đang khi ông bà đến đó thì ngày tháng đã đầy, đã đến ngày bà sinh con đầu lòng. Trong vùng có những người chăn chiên thức đêm để bảo vệ đàn vật , Thiên thần đến bảo họ…. : “Đừng sợ, này Ta loan báo Tin mừng vĩ đại, một vị cứu tinh đã sinh ra đời cho các ngươi”, tức là Chúa Giêsu.

16/ Thứ hai: Chúa sinh ra thiêng liêng trong lòng người công chính. Các người chăn chiên tiêu biểu cho hạng người này, bài Tin mừng của lễ nhì cho thấy: Khi ấy các mục đồng bảo nhau, “Chúng ta hãy đến Belem xem điều gì đã xảy ra và Chúa đã tỏ ra cho chúng ta”. Họ liền hối hả đi, đến nơi họ gặp Maria, Yuse và Hài Nhi Giêsu nằm trong máng cỏ. Thấy rồi, họ kể lại các điều họ đã nghe nói về con trẻ.

17/ Thứ ba:Chúa sinh ra từ thuở đời đời trong ánh sáng rực rỡ huy hoàng của Đức Chúa Cha, và Ngài sẽ tái Giáng để phán xét chung toàn thể nhân loại. Bài Tin mừng diễn tả như sau: Lúc khởi nguyên đã có Ngôi Lời, ngôi Lời ở nơi Thiên Chúa và ngôi Lời là Thiên Chúa, Ngài đã có ngay lúc khởi nguyên.

18/ Tóm lại: Với con mắt đức tin, chúng ta thấy Hài Nhi bé nhỏ nằm trong hang đá, chính là con Thiên Chúa , đồng bản tính với Đức Chúa Cha. Cũng vì yêu thương chúng ta, Ngài đã mặc lấy xác phàm để sinh xuống trần gian.

19/ Chúa Giêsu giáng sinh, đem đến một niềm hy vọng bất diệt cho chúng ta, và ơn cứu độ cho nhân loại đã từ trời đến với chúng ta bằng cách con Thiên Chúa nhập thể, Ngài đến và cư ngụ giữa chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã ban  sự sống cho chúng con là những người tin Chúa. Xin Chúa cho anh em lương dân cũng nhận ra Chúa là đầu mối và nguyên thủy mọi loài, và chính Ngài cũng là Đấng ban sự sống cho muôn loài chúng con.   Amen.

 

Thứ ba, 26/12/2017 (Ngày II tuần Bát Nhật)

Lễ Kính Thánh Stêphanô – Tử đạo tiên khởi

Đề tài: CHÚA BÁO TRƯỚC NHỮNG CUỘC BÁCH HẠI

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu. (Mt 10,17-22)

17 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. 18 Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho các dân ngoại. 19 Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì : 20 thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em.

21 “Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết ; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. 22 Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.”

SUY NIỆM:

1/ Sách Công Vụ thuật lại rằng: Được đầy tràn Thánh Thần, ông Stephano đăm đăm nhìn Trời, thấy vinh quang Thiên Chúa. Họ đồng loạt ném đá ông, đang lúc ông cầu xin rằng: “Lạy Chúa, xin nhận lấy hồn con”. Rồi ông kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp tội họ”. Nói thế rồi ông an nghỉ.

2/ Bài Tin Mừng hôm nay là lời Chúa Giêsu động viên các Môn Đệ. Người dạy các Ông đừng lo lắng khi phải đối diện với sức mạnh của thế quyền, vì khi đó Thần Khí Thiên Chúa sẽ nói thay cho các Ông.

3/ Ngày hôm nay, Thiên Chúa đã vì yêu mà bỏ Trời để xuống thế. Cũng như chính vì yêu mà Thánh Stephano từ bỏ trần thế mà lên Trời, để được dự phần vào sự sống của Thiên Chúa.

4/ Thiên Chúa đã dùng Máu mình để bày tỏ tình yêu với nhân loại. Thì thánh nhân cũng đã dùng máu mình để bày tỏ tình yêu với Thiên Chúa, và cũng để xóa bỏ hận thù giữa con người với nhau. Nhờ đó Ngài được hưởng vinh phúc nước Trời.

5/ Sau ngày mừng Chúa Giáng sinh, Giáo hội dạy chúng ta mừng kính Thánh Stephano, vị thánh tử đạo đầu tiên của Hội thánh La Mã.

6/ Hôm qua chúng ta mừng sinh nhật vị Vua đời đời. Như một Tin Mừng cứu độ đem đến cho loài người. Hôm nay chúng ta hân hoan mừng kỷ niệm cuộc khổ nạn của Thánh Stephano. Một người thì giáng trần, mặc lấy xác phàm; còn người kia thì cởi bỏ xác phàm để nhận triều thiên bằng máu.

7/ Hôm qua chúng ta chật vật đón tiếp Chúa Hài Nhi trong máng cỏ, nơi giam hãm con Đức Chúa Trời. Hôm nay nước Trời bao la rộng mở để đón tiếp vị thánh tử đạo chiến thắng trở về. Ngài là vị phó tế tử đạo đầu tiên sau khi Chúa hoàn tất công cuộc cứu chuộc. Stephano đã chết vì Chúa vào ngày 26/12/35.

8/ Thánh Stephano đã chiến thắng sự hung bạo ngoan cố của người Do Thái bằng thứ vũ khí của tình yêu. Vì trong tình yêu, Thánh nhân đã thẳng thắn nói lên niềm tin của mình, và Ngài sẵn sàng chết vì niềm tin ấy.

9/ Trong tình yêu quảng đại tha nhân, thánh Stephano đã cầu nguyện cho những kẻ ném đá mình, và nài xin Thiên Chúa đừng chấp tội họ. Thánh Stephano đã theo sát gương Chúa Giêsu trước khi gục ngã dưới trận mưa đá, Ngài đã xin Thiên Chúa tha thứ cho kẻ đã giết mình.

10/ Bài học hôm nay là gì? Có bao giờ chúng ta bị bạc đãi, nhục mạ, bị đấm đá đánh đòn. Nếu có thì Chúa cũng bảo chúng ta tha thứ. Trong cuộc sống, có nhiều lúc chúng ta cũng bị ném đá như Stephano, nhưng không phải bằng những hòn đá xanh, mà bằng những lời nói hành tỏi, vu oan giá họa, thêu dệt, bịa đặt, những xét đoán, phê bình lung tung. Lúc đó ta hãy cầu nguyện như Thánh Stephano.

11/ Vậy nên hiện giờ, giữa chúng ta và một người nào đó có những mối bất đồng, xích mích. Chúa bảo chúng ta hãy làm hòa và tha thứ, hoặc là chúng ta vì quá nóng nảy, bực bội mà muốn cố tình né tránh, không thèm chào hỏi hay nói với nhau một lời dịu ngọt, thì Chúa bảo chúng ta hãy bỏ qua và tha thứ.

12/ Dịp này Chúa cũng muốn chúng ta ráng ghi nhớ và cố gắng sống theo gương sáng của Thánh Stephano hôm nay: Hãy tha thứ kẻ làm khổ mình, hãy khoan dung với những kẻ thù địch mình. Chúng ta đừng cho rằng làm như vậy thì khó quá, nhưng chúng ta phải làm vì Chúa muốn, Chúa yêu cầu chúng ta làm, và chúng ta cũng làm vì yêu Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, thánh Stephano đã lãnh phúc thứ 8 thêm vào với 7 phúc kia mà Ngài đã lãnh nhận. Xin giúp con trung thành với Chúa trong đức tin cho đến giọt máu cuối cùng. Amen.

 

Thứ tư, 27/12/2017 (Ngày III Tuần BN)

KÍNH THÁNH GIOAN TÔNG ĐỒ - TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG

Tin Mừng Chúa Giêsu Kito theo Thánh Gioan (Ga 20,2-8)

2 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la  liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: "Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu." 3 Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ.4 Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước.5 Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào.6 Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó,7 và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi.8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.

SUY NIỆM:

1/  Thánh Gioan là một trong bốn Môn Đệ đầu tiên được Chúa Giêsu kêu gọi. Ngài là một ngư phủ ở biển hồ Galile, là con trai ông Dêbêđê và bà Salômê, là em của Thánh Giacôbê (Tiền).

2/  Trước khi trở thành Môn Đệ của Chúa Giêsu, ông là Môn Đệ của Gioan Tẩy Giả. Ông là một trong ba vị chứng kiến Thầy mình chói sáng trên núi Tabor, ông là Môn Đệ duy nhất theo Thầy mình đến chân Thập Giá, ông đứng cạnh Mẹ Maria để nghe lời trối của Chúa Giêsu, sau đó ông trở thành con của Mẹ Maria.

3/  Sau khi Chúa Giêsu về trời, ông được lãnh nhận Thánh Thần. Ông ở lại Gierusalem một thời gian, sau đó đi truyền giáo ở Antiokia và Epheso. Vào thời bách hại, đạo Chúa của Hoàng Đế Domixiano, ông bị điệu về Roma xét xử. Người ta đánh đòn rồi dìm Ngài vào vạc dầu sôi, nhưng ông bình thản bước ra mà không hề hấn gì. Quan tòa thấy thế không dám hành hạ Ngài nữa, và truyền đày Ngài ra đảo Patmos. Khi Hoàng đế qua đời, Ngài trở lại Epheso và qua đời tại đây.

4/  Sự nghiệp mà Thánh Gioan để lại cho giáo hội là rất quý giá, bao gồm: Một sách Tin Mừng, một sách Khải Huyền và 3 bức thư. Những sách này đều nói lên tình yêu hải hà của Thiên Chúa qua ngôi lời Nhập thể là Đức Kito, nội dung các sách đều nói về tình yêu, Ngài chuyên nói về tình yêu Thiên Chúa và khuyên mọi người hãy yêu thương nhau, Ngài luôn lập đi lập lại điều này.

5/  Trong các sách Tin Mừng, khi cần đề cập đến tên mình, Ngài lúc nào cũng tự xưng mình là “Người Môn Đệ Chúa yêu”, Ngài là một trong 3 Môn Đệ thân tín nhất của Đức Kito, và Chúa đã dành cho Ngài rất nhiều đặc ân, Ngài qua đời khoảng năm 100.

6/  Thật đúng với câu ca dao của Việt Nam: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo”. Vì yêu mến Đức Giêsu nên Maria Madala đã đến thăm xác Chúa vào sáng sớm ngày đầu tuần. Cũng vì yêu Chúa Giêsu nên Gioan đã chạy ra mộ tìm và nhận ra Chúa đã sống lại. Nhờ tình yêu mà Thánh Gioan đã nhận ra Chúa Giêsu sống lại nơi ngôi mộ trống, nhờ yêu nên Thánh Gioan có trực giác rất bén nhạy. Cũng nhờ yêu Chúa quá sâu đậm nên Thánh Gioan đã viết sách về Chúa với những ý tưởng hết sức cao siêu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin làm cho lòng chúng con bừng cháy lửa yêu mến Chúa như Thánh Gioan Tông Đồ. Xin giúp con biết lắng nghe và tuân giữ lời Chúa mà Thánh Gioan đã viết trong Tin Mừng. Amen.---

 

 

Thứ năm, 28/12/2017 (Ngày IV Tuần BN)

Đề tài: KÍNH CÁC THÁNH ANH HÀI

Tin Mừng Chúa Giêsu Kito theo Thánh Mattheu (Mt 2,13-18)

13 Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy! "14 Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.15 Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.

16 Bấy giờ vua Hê-rô-đê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh.17 Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a:18 "Ở Ra-ma, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Ra-khen khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa.

SUY NIỆM:

1/  Giết người là một tội mà tòa án nước nào cũng lên án phạt nặng, thế mà mỗi năm trên thế giới có hàng triệu thai nhi chưa kịp chào đời, đã bị chính cha mẹ ruột của mình tước đi mạng sống. Chỉ vì kiểu sống ích kỷ, vô trách nhiệm, họ chọn lựa ai được sống, ai phải chết. Tại sao lại bất công như thế ?

2/  Con người càng văn mình, càng muốn cướp quyền Thiên Chúa. Ngoài những thai nhi yểu mệnh, còn có biết bao con người trẻ bị mổ nội tạng, bị đem đi bán để thỏa mãn sự ác độc và ích kỷ của con người. Suy cho cùng thì thời đại hôm nay, con người là ác nhất.

3/  Các thánh Anh Hài là những vị thánh trẻ đã được Thiên Chúa chọn để dự phần vào công cuộc cứu chuộc của Chúa. Qua cái chết của các Ngài, các Ngài đã trở thành dấu chứng mạnh mẽ về sự vô tội của Chúa Giêsu. Từ một thân phận nhỏ bé, yếu đuối, các Ngài cũng đã góp phần làm vinh danh Chúa.

4/  Qua tấm gương của các Ngài, chúng ta được mời gọi để trở nên chứng nhân cho Chúa trong cuộc sống hằng ngày về tinh thần bác ái, hy sinh, phục vụ hết mình với cả tấm lòng, cho dù bản thân mình cảm thấy yếu đuối, bất tài.

5/  Khi vua Herode thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, nên ông đùng đùng nổi giận, sai quân lính đi giết các trẻ em ở Bê-lem và vùng phụ cận từ hai tuổi trở xuống.

6/  Đây là Herode cha (Herode cả) là người tài ba và có công nhiều nhất trong dòng họ Herode. Ông cũng là người độc ác, khát máu nhất , đã gây ra nhiều tội ác nhất.

7/  Ông đã giết 45 người trong số 72 thành viên thượng Hội đồng Do Thái, ông đã trấn nước thượng tế Aristobun, rồi tổ chức đám tang thật long trọng và vừa giả vờ khóc nức nở.

8/  Ông đã lên án xử tử một cách xảo quyệt Hoàng Thái Hậu Alexandre. Hoàng hậu Marian và hai con trai của ông vì nghĩ rằng họ âm mưu lật đổ và chiếm ngôi vua của ông.

9/  Đây là câu chuyện hải hùng nhất. Biết chắc dân Do Thái sẽ ăn mừng sau khi ông băng hà, ông đã ra lệnh tập trung 6.000 nhân sĩ Do Thái tại vận động trường Gierikho, rồi ông cho quân lính cầm cung canh giữ để khi hay tin ông chết thì bắn xả giết hết đám nhân sĩ đó. Như thế họ sẽ khóc than những nhân sĩ này như là khóc than cho chính ông.

10/ Nhưng tội ác lớn nhất đã làm cho nhiều người biết đến ông, chính là vụ thảm sát trẻ em tại Belem. Vì ông không biết rõ hài nhi nào mà các đạo sĩ muốn nói đến, ông đã giận cá chém thớt nên giết hết các em ở Bê-lem và vùng phụ cận cho chắc ăn. Thế nhưng ông đã lầm, vì trước đó Thiên Sứ đã báo tin cho Giuse biết ý đồ của ông ,nên đã gấp rút đưa gia đình trốn qua Ai Cập.

11/ Đọc qua lịch sử của Herode, chúng ta mới biết ông cai trị quá tàn bạo, giết các trẻ em quá tàn bạo và đã kết thúc vụ án của Chúa Giêsu quá nhanh chóng.

12/ Chúng ta hiểu tại sao Chúa lại dùng những nhân vật quá độc ác trong chương trình của Chúa. Các em trẻ thơ bị giết chết oan này đã trở nên những nhân chứng của đức tin, các em chưa biết nói nhưng đã tuyên xưng bằng mạng sống, đã cầm được cành lá vạn tuế trong vinh quang.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con có cuộc sống đơn sơ, thành thật, để con có thể làm chứng cho Chúa bằng chính đời sống đạo gương mẫu của mình. Amen.**R

 

Thứ sáu, 29/12/2017 (Ngày V Tuần BN)

Đề tài: SIMÉON CHÚC TỤNG THIÊN CHÚA

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 2,22-35)

22 Khi đã đủ thời gian, đến ngày các ngài phải được thanh tẩy theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, 23 như đã chép trong Luật Chúa rằng : “Mọi con trai đầu lòng phải được thánh hiến, dành riêng cho Chúa”. 24 Ông bà cũng lên để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. 25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. 26 Ông đã được Thánh Thần linh báo là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. 27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để làm điều người ta quen làm theo luật dạy, 28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng :

29“Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. 30Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ. 31Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: 32Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”
33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những điều người ta nói về Người.34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi : “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. 35Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà. Như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.”

SUY NIỆM:

1/ Theo truyền thống Do Thái thì mọi con đầu lòng đều phải được thánh hiến cho Thiên Chúa, đồng thời phải dâng của lễ lên Thiên Chúa là đôi chim gáy hoặc cặp bồ câu non làm của lễ chuộc con .

2/ Thánh Giuse và Đức Maria khiêm nhường tuân giữ truyền thống ấy, các Ngài cũng dâng con trẻ vào đền thờ. Việc này mang ý nghĩa là: Chúa Giêsu là Đấng cứu thế, Ngài lần đầu tiên đi vào Thành Thánh nhưng ít có người nhận ra sứ mạng cao cả của  Chúa Giêsu.

3/ Chỉ riêng cụ già Siméon được Thần Khí thúc đẩy, ông đã ra đón chào Đấng Cứu Thế. Ngài là vua dân Do Thái và ông đã dâng lời chúc tụng, tạ ơn.

4/ Người Kitô hữu ngày nào cũng đi lên rước Chúa Giêsu vào lòng, thế nhưng chúng ta có thể thực sự cảm nghiệm được có chính Chúa Giêsu ngự vào lòng mình không? Chúng ta có biết cảm tạ ơn Chúa, chúc tụng ngợi khen Chúa hay chỉ là làm theo cách chiếu lệ ?

5/ Thánh gia lên đền thánh là để chu toàn bổn phận theo luật Moisen. Đây là một trong ba nghi lễ cổ mà người Do Thái phải giữ đó là: Cắt bì, thanh tẩy người Mẹ và chuộc lại đứa con. Bài Tin Mừng hôm nay chỉ nói đến hai nghi lễ  sau.

6/ Dịp này ông cụ Siméon và bà tiên tri Anna cũng được nhìn thấy ấu Chúa. Riêng cụ Siméon thì được bồng ẵm, lòng ông được đầy Thánh Thần nên ông đã dâng lên Thiên Chúa bài ca cảm tạ hồng ân. Sau cùng ông cũng báo trước cho Mẹ Maria biết những khổ đau mà Bà phải chịu vì con trẻ sau này.

7/ Theo luật Do Thái thì phụ nữ sinh con đều bị cho là ô uế, nếu con trai thì thời gian bị ô uế là 40 ngày, nếu sinh con gái thì thời gian bị ô uế sẽ gấp đôi là 80 ngày. Người mẹ có thể đi lại, làm việc nhà, nhưng không được vào đền thờ, không được tham dự các nghi lễ tôn giáo. Sau thời hạn đó, người mẹ đó phải vào đền thờ chịu thanh tẩy, do một vị tư tế cử hành.

8/ Luật Moisen đòi buộc: Mọi con trai đầu lòng đều phải dâng lên cho Thiên Chúa, cho dù là người hay thú vật, vì chúng thuộc về Thiên Chúa-> Đây chính là thái độ tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa, vì xưa kia Chúa đã dùng cánh tay hùng mạnh mà đưa dân Israel ra khỏi kiếp nô lệ cho người Ai Cập.

9/ Nếu là người của chi tộc Lêvi thì phải dâng luôn con cho Thiên Chúa. Nếu là chi tộc khác thì phải nộp tiền 5 Seken để chuộc đứa con về.

10/ Cụ Siméon là người công chính, sống đạo đức , luôn chờ mong ngày Thiên Chúa đến cứu Israel. Sau thời gian chờ đợi ông đã được diễm phúc bồng ấu Chúa trên tay. Nên ông dâng lời chúc tụng và sẵn sàng ra đi vì như thế là ông đã mãn nguyện rồi.

11/ Bài tin mừng có 3 bài học: Thứ nhất: Thánh gia là gương mẫu trong việc chu toàn lề luật, mọi tín hữu hôm nay cũng phải sống đạo như thế. Thứ hai: Việc dâng Chúa vào đền thờ là hình ảnh Ngài hiến mạng sống mình trên thập giá để cứu rỗi chúng ta. Chúng ta cũng hãy dâng mình cho Chúa để cứu rỗi chúng ta. Thứ ba: nhìn gương Siméon chúng ta cần nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời và luôn trung thành với đức tin mà mình đã lãnh nhận.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chu toàn lề luật, chu toàn trách nhiệm và tin Chúa qua mọi biến cố của cuộc đời, chính là sống theo gương của Thánh gia và noi gương cụ Siméon. Xin giúp chúng con trung thành với ơn Chúa đến cùng. Amen.**R

 

Thứ bảy, 30/12/2017 (Ngày VI Tuần BN)

Đề tài: MÔI TRƯỜNG SỐNG ĐẠO TỪ GIA ĐÌNH

 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 2,36-40)

36 Khi ấy, có một nữ ngôn sứ là bà An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37 rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, nhưng ăn chay cầu nguyện, đêm ngày thờ phượng Thiên Chúa.38 Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết thảy những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.

39 Khi hai ông bà đã hoàn tất mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về thành của mình là Na-da-rét, miền Ga-li-lê. 40 Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.

SUY NIỆM:

1/ Niềm mơ ước của bậc cha mẹ khi sinh ra đứa con là mong muốn cho con mình trở thành con người tốt, hữu ích cho gia đình, cho xã hội. Hôm nay giáo hội giới thiệu cho chúng ta một mẫu gia đình hoàn hảo nhất. Đó là gia đình Thánh Gia.

2/ Thánh Gia gương mẫu ở chỗ: là một gia đình có giáo dục nề nếp nên luôn chu toàn luật Chúa về mọi mặt. Thánh Yuse và Đức Mẹ đã lo chu toàn nghi lễ bắt bì và dâng con đầu lòng cho Thiên Chúa, và thanh tẩy cho Mẹ Maria.

3/ Thánh Gia là gương mẫu sống đạo bằng đức tin . Cho dù đã trải qua bao cơn gian nan thử thách, các Ngài vẫn luôn hết lòng tín thác vào Thiên Chúa.

4/ Dù không hiểu gì nhiều về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, nhưng Mẹ Maria và Thánh Yuse vẫn luôn tín thác bằng hai chữ “xin vâng” và mau mắn thi hành thánh ý Chúa.

5/ Nhờ thế nên môi trường sống của gia đình Thánh gia trở nên thánh thiện, tốt lành. Để từ đó con trẻ Giêsu đã lớn lên trong bầu không khí an vui hạnh phúc, ngày càng khôn ngoan, nhân đức và vâng phục chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

6/ Bài Phúc Âm hôm nay cho thấy ông Simeon và bà Anna chúc tụng Thiên Chúa và có ý muốn giới thiệu Thiên Chúa cho mọi người. Vậy cho nên bổn phận của mọi Kito hữu chúng ta đều phải biết giới thiệu Chúa cho người khác.

7/ Làm sao ta có thể giới thiệu nếu ta không biết Chúa. Làm sao ta biết Chúa nếu ta không đọc Tin Mừng ? Qua bài Tin Mừng hôm nay, ta thấy bà Anna luôn sống đẹp lòng Chúa nhất là vào lúc tuổi thanh xuân / khi lập gia đình thì bà là người gương mẫu yêu chồng, thương con; khi chồng qua đời thì bà không còn tiếc rẻ gì, bà đã ở vậy tới tuổi 84 mới gặp được Chúa.

8/ Trong suốt tuổi thanh xuân dài đó, bà đã hiến cả đời mình cho Thiên Chúa qua việc sống trong đền thờ để ăn chay cầu nguyện và phụng thờ Thiên Chúa.

9/ Ngày nay một người mẹ, một người vợ muốn giới thiệu Chúa cho người khác cũng phải bắt chước cách sống của và Anna, sống đời đạo đức. Chúng ta không thể giới thiệu Chúa bằng lời mà phải là bằng gương sáng.

10/ Người phụ nữ là bông hoa, là trái tim của gia đình, là lò lửa tình yêu / trái tim mạnh khỏe thì toàn thân mạnh khỏe. Người mẹ đạo đức thì con cái cũng đạo đức, chồng cũng đạo đức. Hãy nhìn bà Thánh Monica.

11/ Hài Nhi càng lớn, càng khôn ngoan nhân đức. Câu này nói lên công lao của Đức Mẹ, đứa con khỏe lớn khôn là do công đức ,đức độ của người Mẹ, và nhất là con cái được ơn nghĩa với Chúa đều do phần lớn gương đạo đức và vai trò của người Mẹ. Vậy vai trò người mẹ quan trọng biết chừng nào !

12/ Ngày nay phụ nữ làm được tất cả mọi công việc, kể cả việc lãnh đạo tốt đất nước. Họ nắm giữ nhiều chức vụ cao quan trọng trong nhiều tổ chức, ngành nghề.

13/ Theo nhận định chung của mọi người: Vai trò quan trọng nhất của phụ nữ là giáo dục trong gia đình, nhất là các gia đình công giáo, là nòng cốt cho cả xã hội và giáo hội.

14/ Như vậy, vai trò của người phụ nữ có trọng trách rất cao và quan trọng trong mọi lãnh vực và bổn phận của người phụ nữ trong gia đình là đem Chúa đến cho người khác như Mẹ Maria và giới thiệu Chúa cho người khác như bà Anna. Người Kito hữu cũng phải làm thế trong cuộc sống đạo của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, yêu Chúa. Để con hăng say  giới thiệu Chúa cho mọi người. Amen.**R

 

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1313
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  8
 Hôm nay:  3219
 Hôm qua:  8431
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11429484
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top