Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần 23 (TN A)

Thứ hai, 08/09/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu  (Mt 1,1-16.18-23)

Đề tài: Sinh nhật Đức Maria – Trung thu, cầu cho các em thiếu nhi

1 Đây là gia phả Đức Giê-su Ki-tô, con cháu vua Đa-vít, con cháu tổ phụ Áp-ra-ham :

2 Ông Áp-ra-ham sinh I-xa-ác ; I-xa-ác sinh Gia-cóp ; Gia-cóp sinh Giu-đa và các anh em ông này ; 3 Giu-đa ăn ở với Ta-ma sinh Pe-rét và De-rác ; Pe-rét sinh Khét-xơ-ron ; Khét-xơ-ron sinh A-ram ; 4 A-ram sinh Am-mi-na-đáp ; Am-mi-na-đáp sinh Nác-son ; Nác-son sinh Xan-môn ; 5Xan-môn lấy Ra-kháp sinh Bô-át ; Bô-át lấy Rút sinh Ô-vết ; Ô-vết sinh Gie-sê ; 6 ông Gie-sê sinh Đa-vít.

Vua Đa-vít lấy vợ ông U-ri-gia sinh Sa-lô-môn ; 7 Sa-lô-môn sinh Rơ-kháp-am ; Rơ-kháp-am sinh A-vi-gia ; A-vi-gia sinh A-xa ; 8 A-xa sinh Giơ-hô-sa-phát ; Giơ-hô-sa-phát sinh Giô-ram ; Giô-ram sinh Út-di-gia ; 9Út-di-gia sinh Gio-tham ; Gio-tham sinh A-khát ; A-khát sinh Khít-ki-gia ;10 Khít-ki-gia sinh Mơ-na-se ; Mơ-na-se sinh A-môn ; A-môn sinh Giô-si-gia ; 11 Giô-si-gia sinh Giơ-khon-gia và các anh em vua này ; kế đó là thời lưu đày ở Ba-by-lon.

12 Sau thời lưu đày ở Ba-by-lon, Giơ-khon-gia sinh San-ti-ên ; San-ti-ên sinh Dơ-rúp-ba-ven ; 13 Dơ-rúp-ba-ven sinh A-vi-hút ; A-vi-hút sinh En-gia-kim ; En-gia-kim sinh A-do ; 14 A-do sinh Xa-đốc ; Xa-đốc sinh A-khin ; A-khin sinh Ê-li-hút ; 15 Ê-li-hút sinh E-la-da ; E-la-da sinh Mát-than ; Mát-than sinh Gia-cóp ; 16 Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.

18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô : bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng : “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” 22 Tất cả sự việc này xảy ra là để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ : 23Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Tin Mừng hôm nay kể lại gia phả của Đức Yesus nhằm nói lên nguồn gốc của Người. Một nguồn gốc nhân loại, nhằm làm nổi bậc vai trò của Mẹ Maria trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

2/ Thiên Chúa tuyển chọn Đức Maria để hoàn tất kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa qua việc Mẹ hạ sinh Đấng Cứu Thế. Do đó Mẹ Maria đã trở nên một với con Thiên Chúa làm người (Rm 8,29).

3/ Chiêm ngắm cuộc đời của Mẹ Maria để mỗi người chúng ta biết học cách sống tâm tình hy vọng của Mẹ, để biết phó thác trông cậy mọi sự ở nơi Thiên Chúa, Cha chúng ta.

4/ Ngoài ngày Sinh nhật của Chúa Yesus, chúng ta biết rằng không còn sinh nhật nào cần thiết và lợi ích cho bằng sinh nhật của Đức Maria. Tuy vậy, sinh nhật của Mẹ Maria chỉ diễn ra âm thầm.

5/ Về ngày tháng sinh của Mẹ, Kinh Thánh không cho biết gì, Thánh truyền cũng không ghi lại điều gì. Chúng ta chỉ dựa vào câu chuyện của một vị ẩn sĩ kể lại, được Thiên Chúa cho biết ngày 8 tháng 9 là ngày sinh của Đức Mẹ. Có lẽ Hội Thánh cũng chỉ dựa vào truyền khẩu này để mừng sinh nhật Đức Mẹ.

6/ Giáo lý Công giáo và những điều nói về lòng tôn sùng Đức Mẹ nhắc nhở chúng ta 2 điều: Thứ nhất, sinh nhật Đức Mẹ là rạng đông cứu rỗi, rạng đông báo hiệu mặt trời sắp xuất hiện, đây là một khoảnh khắc tuyệt vời nhất của giây phút khởi đầu một ngày mới.

7/ Chúa Yesus là mặt trời công chính, Mẹ Maria là rạng đông báo hiệu giây phút xuất hiện của mặt trời cao cả.

8/ Ròng rã suốt bao nhiêu thế kỷ dài, nhân loại phải sống trong cảnh tối tăm, chờ cho tới khi Đức Maria sinh ra, báo hiệu hừng đông cứu hộ đã đến, báo hiệu ngày cứu chuộc sắp tới.

9/ Kinh nguyện trong Thánh lễ hôm nay, Giáo hội nói lên rằng: Lạy Nữ Vương, Sinh nhật của Mẹ loan báo niềm vui cho toàn cõi đất và mặt trời công chính là Chúa Yesus Ki-tô đã từ lòng Mẹ mà sinh ra.

10/ Điều thứ hai dạy chúng ta hãy sống khiêm nhường, âm thầm như Mẹ. Chúng ta thấy người đời thường tin rằng: Mỗi khi có Thánh nhân ra đời, thường có những chuyện lạ và thường là những câu chuyện thêu dệt ly kỳ. Thế nhưng ngày sinh ra của Mẹ Maria, một Thánh nhân cao cả trên mọi Thánh nhân, lại không hề có chuyện lạ nào xảy ra.

11/ Đức Mẹ sinh ra hoàn toàn bình thường, âm thầm như mọi người. Vì thế sinh nhật cũng như cuộc đời của Đức Mẹ, dạy chúng ta sự khiêm nhường, thầm lặng.

12/ Thánh lễ mừng sinh nhật Mẹ Maria hôm nay mời gọi chúng ta sống khiêm nhường và thầm lặng. Ai muốn là kẻ làm lớn trước mặt Thiên Chúa thì phải ở ẩn khuất trước mặt mọi người.

13/ Ai muốn thực hiện những công việc to lớn trước mặt Thiên Chúa, nếu người ta càng làm trong thầm lặng. Vì thế mẫu gương sống Thánh của Mẹ Maria là bài học khôn ngoan của Đức Mẹ muốn dạy chúng ta.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ, xin giúp chúng con biết sống theo tinh thần khiêm hạ của Mẹ, là luôn làm mọi việc cách âm thầm vì lòng yêu mến Chúa. Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Đây là gia phả Đức Giêsu Kitô, con vua David, con tổ phụ Abraham.

2.1/ Sự quan trọng của gia phả: Truyền thống Do-thái đề cao sự quan trọng của gia phả. Trong Cựu Ước, chúng ta gặp nhiều lần những đề cập đến gia phả (x/c Gen 5:1, 10:1, 11:10, 27). Sở dĩ người Do-thái quan trọng hóa gia phả là vì họ muốn xem ai thuộc giòng tộc hoàn hảo nhất, không bị ảnh hưởng bởi giòng máu ngoại lai. Khi một người bị quá nhiều giòng máu ngoại lai, người ấy có thể bị mất đặc quyền được gọi là người Do-thái, Dân Riêng của Thiên Chúa. Một thầy tư tế phải chứng minh mình thuộc giòng tộc của Aaron; và nếu thầy tư tế đó kết hôn, người đàn bà đó phải có gia phả rõ ràng, ít nhất là năm đời. Khi Ezra thành lập hàng tư tế sau khi từ chốn lưu đày trở về, ông đã từ chối chức tư tế của: con cái của Habaiah, con cái của Koz, và con cái của Barzillai; vì ông không tìm thấy gia phả của họ trong Thượng Hội Đồng (x/c Ezra 2:62).

2.2/ Những điều quan trọng tìm thấy trong gia phả của Đức Kitô: Gia phả của Ngài được chia làm 3 giai đoạn chính, mỗi giai đoạn gồm 14 đời:

(1) Từ tổ-phụ Abraham tới vua David: Thời của tổ-phụ Abraham đánh dấu việc Thiên Chúa chọn dân tộcIsrael và hứa sẽ ban cho ông con cháu đông đúc và dẫn vào Đất Hứa. Thời của vua David đánh dấu sự lớn mạnh của vương quốc Israel. Đây là thời đại hoàng kim của Israel, vì vua David đã thống nhất 12 chi tộcIsrael, mở rộng bờ cõi và lên ngôi cai trị họ. Danh xưng của Chúa Giêsu là "Con vua David" đã được nhắc tới 58 lần bởi các nhân vật khác nhau trong Tân Ước, chứng tỏ người Do-thái rất quan tâm đến gia phả của Đức Kitô. Họ chờ đợi Đấng Thiên Sai, xuất thân từ giòng dõi vua David, sẽ đến giải phóng họ khỏi tay quân thù, và lên ngôi cai trị muôn đời.

(2) Từ vua David tới Thời Lưu Đày bên Babylon: Sau thời của David, vương quốc Israel bắt đầu xuống dốc: bắt đầu bằng việc chia đôi đất nước, chạy theo vua chúa và các thần ngoại bang, vương quốc miền Bắc bị rơi vào tay của vua Assyria năm 721 BC, vương quốc miền Nam bị rơi vào tay của vua Babylon năm 587 BC. Từ vua quan đến dân chúng đều bị dẫn đi lưu đày trong vòng 50 năm cho đến năm 538 BC, khi vua Ba-tư là Cyrus nghe lời Thiên Chúa phóng thích cho dân Do-thái được hồi hương.

(3) Từ Thời Lưu Đày bên Babylon đến Đức Kitô: Đây được coi là thời gian hy vọng vào Đấng Thiên Sai, mà nhiều ngôn sứ loan báo, sẽ đến. Ezra và Nehemiah lãnh đạo việc xây dựng lại Đền Thờ và khôi phục đất nước. Phần lớn người Do-thái chỉ quan tâm đến việc giải phóng đất nước khỏi tay quân thù; vì thế, họ chờ đợi một Đấng Thiên Sai uy quyền, sẽ dùng sức mạnh và quyền năng để tiêu diệt quân thù, và khôi phục địa vị cho vương quốc Israel như thời vua David.

2.3/ Thời đại của Đức Kitô, Đấng cứu Thế: Theo gia phả con người, Chúa Giêsu là con ông Giuse và bà Maria. Ông Giuse là con vua David và Chúa Giêsu cũng sinh ra tại Bethlehem, nơi mà vua David đã sinh ra. Trình thuật Matthew nói rõ Maria có thai là "do quyền năng Chúa Thánh Thần." Khi thấy Maria có thai trước khi hai ông bà về chung sống; ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giuse, con vua David, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu."

+ Chính Chúa Giêsu sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ: Ngược lại với lòng mong muốn của đa số dân Do-thái về một Đấng Thiên sai uy quyền, sẽ đến giải phóng dân khỏi ách nô lệ của ngoại bang; Đức Kitô chấp nhận thân phận của một Đấng Thiên Sai đau khổ: chịu chết trên Thập Giá, để giải thoát toàn dân khỏi quyền lực của tội lỗi và sự chết.

+ Tất cả sự việc này đã xảy ra là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ Isaiah: "Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta" (Isa 7:14). Bản Bảy Mươi dùng chữ "pathernon" để chỉ "trinh-nữ;" trong khi Bản MT, dùng chữ "almah:" có thể là một người phụ nữ trẻ hay một người đồng trinh. Truyền thống Công Giáo dùng cả Isa 7:14 và Mt 1:18 để xác tín: Mẹ Maria trọn đời đồng trinh.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải tin các tín điều đã được nghiên cứu cẩn thận và được tuyên bố bởi Giáo-Hội qua các Công Đồng. Đừng để các lạc thuyết mê hoặc chúng ta.

- Thiên Chúa đã chuẩn bị cho nhân loại ngay từ đầu một Kế Hoạch Cứu Độ. Theo Kế-hoạch này, Đức Kitô sẽ đến trong thân xác con người để chuộc tội cho con người. 

 

Thứ ba, 09/09/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 6,12-19)

Đề tài: Tin tưởng vào lời cầu nguyện
12 Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. 13 Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. 14 Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông ; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, 15 Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Nhiệt Thành, 16 Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.

17 Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Tia và Xi-đôn 18đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. 19 Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Chúa Yesus cầu nguyện suốt đêm trước khi chọn các Tông đồ, cho thấy Chúa luôn ý thức về sứ vụ của mình trong tương quan với Thiên Chúa. Vì Chúa Yesus biết rằng: Chỉ có sống kết hiệp với Chúa Cha mới mong có thể chu toàn sứ vụ được giao.

2/ Trong các hoạt động sứ vụ, chúng ta dễ đi tìm vinh quang cho riêng mình hơn là đi tìm cho vinh quang Thiên Chúa.

3/ Chúng ta là những môn sinh, là những Tông đồ được sai đi. Chúng ta đang thuộc về Chúa và đang thi hành những công việc Ngài sai làm, nên chúng ta phải luôn tìm kiếm Thánh ý Chúa chứ không được tìm làm theo ý riêng mình. Vì thế chúng ta phải phó thác vào Chúa và cần kết hợp mật thiết với Chúa bằng đời sống cầu nguyện.

4/ Trước khi Chúa Yesus về trời, tuy Chúa Yesus để lại số Môn đệ quá ít ỏi, kém khả năng, khó có thể chu toàn sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho toàn thế giới, nhưng Chúa vẫn hoàn toàn tin tưởng nơi các ông.

5/ Nhưng chính từ những ngư phủ quê mùa dốt nát này cùng với một số ít Môn đệ khác, Chúa Yesus đã trao phó trọn vẹn sứ mạng phải hoàn tất chương trình biến đổi xã hội trần thế thành nước trời cho các ông.

6/ Sau ngày các Tông đồ nhận lãnh Thánh Thần, các ông như những con người vừa được hồi sinh, không còn ẩn nấp trong căn phòng đóng kín để trốn tránh vì sợ nữa. Các ông đã ra đi rao giảng khắp nơi bất chấp mọi cấm cách, đòn roi, tù đày, các ông đã xem nhẹ cái chết.

7/ Tất cả các Tông đồ đã can đảm dùng máu đào để minh chứng niềm tin và lời mình rao giảng, trừ một mình Thánh Yoan. Nhờ đó, nước Trời như từ một hạt cải bé nhỏ, đã trở thành một cây to lớn, bao phủ cả trái đất. Từ đây chim trời đã tìm được nơi trú ngụ.

8/ Suốt hơn hai mươi thế kỷ trôi qua, có biết bao lớp người, đủ mọi tầng lớp, đã đáp lại lời mời gọi của Chúa Yesus. Đấng đã luôn minh chứng: “ta là Đường, là sự thật và là sự sống”

9/ Hôm nay đến lượt chúng ta, những người mang danh là Ki-tô hữu của những thập niên đầu thế kỷ 21. Chúng ta có dám đáp lại lời kêu gọi của Chúa Yesus, có dám sống niềm tin của mình, có dám làm chứng cho lời mình rao giảng không ?

10/ Mỗi người chúng ta phải là một Tông đồ, một Môn đệ, một tôi tới trung thành rao giảng Tin Mừng của Chúa Yesus cho mọi người biết về một Thiên Chúa nhân lành và đầy lòng yêu thương hay không?

11/ Chúng ta có dám dùng đời sống gương mẫu của mình để minh chứng cho mọi người thấy những điều mình tin, mình rao giảng là thật, là đáng tin theo hay không?

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con là những Giáo dân thấp hèn, dốt nát. Nếu không có ơn Chúa, chúng con chẳng làm gì được. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết cầu nguyện và cố gắng sống đời bác ái để minh chứng chúng con là Môn đệ của Chúa. Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Chọn các Tông Đồ dám hy sinh tiếp tục sứ vụ xây dựng Giáo Hội.
 
Tại Caecarea Philipphê, Chúa Giêsu đã chọn Phêrô là Đá để xây dựng Giáo-Hội mà Ngài sắp thiết lập. Tuy nhiên, một mình Phêrô không đủ để điều hành một số người quá lớn nên Chúa chọn thêm 11 Tông Đồ để cùng điều hành. Một số những điều chúng ta học được từ cách chọn lựa của Chúa hôm nay:
 
- Ngài không chọn người bất cứ ai nhưng từ những môn đệ của Ngài. Chúng ta cần phân biệt hai danh từ môn đệ và tông đồ. Theo tiếng Hy-Lạp, từ môn đệ đến từ động từ học hỏi, người môn đệ là người học hỏi từ Thầy mình; trong khi từ tông đồ đến từ động từ sai đi, tông đồ là người được sai đi. Chính Chúa Giêsu đã cho Giáo-Hội một cấu trúc: các môn đệ, các tông đồ, Phêrô người kế vị Ngài; không phải ai cũng được sai đi và ai cũng có quyền quyết định.
 
- Ngài đã thức suốt đêm để đàm đạo với Chúa Cha để chọn các Tông Đồ theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Nhìn vào danh sách những người được chọn, chúng ta chẳng thấy có gì nổi bật nơi họ nếu xét theo tiêu chuẩn của con người như khôn ngoan, đạo đức, nổi tiếng, quyền thế, giầu có … Chẳng những thế, còn có những người yếu đuối, tội lỗi, và tính tình rất khác nhau: Một Phêrô yếu đuối vừa mạnh dạn tuyên xưng sẽ không bao giờ bỏ Chúa lại chối Chúa 3 lần trong đêm đó. Một Matthêu thu thuế bị coi là người tội lỗi và kẻ thù của người Do-Thái lại được Chúa chọn để ở chung với Simon biệt danh là Quá Khích. Sở dĩ có biệt danh này vì ông là người bảo thủ, rất ghét đế quốc Rôma và có thể ám sát những người làm tay sai cho họ. Và một Giuđa Iscarioth, mà Người biết trước sẽ trở thành kẻ phản bội. Chúa chọn những người này để ở với Chúa, để được huấn luyện trước khi được sai đi. Một khi được chọn, Chúa sẽ huấn luyện và ban ơn để họ trở thành khí cụ sắc bén Chúa dùng để làm việc cho Ngài.
 
Sau khi đã chọn xong, Chúa Giêsu bắt đầu huấn luyện các ông bằng những lời dạy dỗ và gương sáng của chính Ngài. Các ông phải hy sinh từ bỏ nghề nghiệp và gia đình để đi theo Chúa và sống với nhau, học những lời giảng dạy của Ngài, trừ quỉ và chữa lành.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Sống chung với nhau là sẽ có xung đột. Chúng ta cần học hỏi để hiểu biết giá trị của hy sinh. Không có hy sinh, gia đình và cộng đòan sẽ dễ dàng bị đổ vỡ và tất cả phải chịu đựng nhiều thiệt thòi. Chúng ta đã sống bằng sự hy sinh của rất nhiều người thì đến lượt chúng ta cũng phải hy sinh góp phần để phát triển gia đình, xã hội, và Nước Chúa.

- Cho dẫu không ai nhận ra những hy sinh của chúng ta trong cuộc đời này, vẫn còn Đấng thấu suốt mọi bí nhiệm nhận ra và trả công cho chúng ta xứng đáng.

- Chúng ta cần vâng lời những người Chúa chọn. Khi cần phải giải quyết xung đột, chúng ta nên mang vấn đề tới những đại diện của Giáo Hội thay vì kiện cáo nhau ở tòa án đời. 

Thứ tư, 10/09/2014 (Lc 6,20-26)

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 6,20-26)

Đề tài: Có Chúa là nguồn hạnh phúc.

20 Khi ấy, Đức Giê-su dừng lại ở một chỗ đất bằng. Nơi đây có đông đảo dân chúng tìm đến với Người. Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói : “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em.
21“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. “Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười.
22 “Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. 23 Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế. 24 “Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi. 25 “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói. “Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than. 26 “Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Luật pháp của nước Trời cho thấy một nghịch lý mà Tin Mừng muốn mang lại: Người có phúc không phải là người giàu có, quyền thế. Người mua được nước Trời không phải là người có nhiều tiền bạc, của cải mà là những người nghèo khó, khốn khổ, những kẻ bị người đời khinh chê.

2/ Nghịch lý mà Tin Mừng đưa ra hoàn toàn không phù hợp với ý nghĩa thường tình của con người. Bởi những người được trọng dụng không phải là những người thông minh lỗi lạc, người được Thiên Chúa chúc phúc là những người bị thế gian khinh chê.

3/ Thế giới ngày càng văn minh, tiến bộ về mọi mặt, nhưng lại có số đông người phải đói vật chất, đói cả tinh thần. Người thì quá giàu, nếu sống 100 đời ăn cũng không hết của cải, nhưng chung quanh họ có biết bao con người có cảnh đời quá khó khăn, thiếu thốn về giáo dục, bị hạ thấp nhân phẩm, bị loại trừ.

4/ Người được thế gian chúc phúc nhưng kiếp sau lại phải chịu cảnh đọa đày, trầm luân. Còn những cảnh đời khó khăn, luôn bị xúc phạm, chà đạp, lại được Thiên Chúa đoái thương chúc phúc.

5/ Ai vui lòng đón nhận những khó khăn, khốn khó trong đời sống và vui mở lòng ra để chia sẻ sự thiếu thốn khổ đau cho anh em, thì những kẻ đó được hưởng nhiều mối phúc mà Chúa Yesus hứa ban trong Tin Mừng hôm nay.

6/ Tin Mừng hôm nay ghi lại bài giảng của Chúa Yesus về các mối phúc. Matthêu ghi rõ tổng số là 8 mối phúc diễn tả theo hình thức nói chuyện ở Ngôi Thứ Ba. Còn Thánh Luca kể ra tám điều, nhưng lại chia ra thành 4 mối phúc, 4 mối họa được viết văn theo kiểu ở Ngôi thứ hai: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó!”. Còn bốn điều kia là những lời cảnh báo mất hạnh phúc.

7/ Những lời chúc phúc của Matthêu nhắm tới việc hoàn thiện đời sống luân lý, khuyên răn mà phần thưởng là nước trời. Còn Thánh Luca thì nói với tính cách là Thiên Chúa ban Hồng ân nên không có điều kiện vì Ngài là Đấng cứu độ nên luôn rộng tay ban phát ơn cho mọi người.

8/ Hôm nay chúng ta muốn tìm hiểu về hạnh phúc, ai sống cũng mong có hạnh phúc, nhưng hạnh phúc thế nào là đích thực và phải tìm hạnh phúc ở đâu? Lẽ dĩ nhiên là lời giải đáp nằm ở trong bài Tin Mừng.

9/ Khi thoạt mới nghe bài Tin Mừng, chúng ta thấy lạ lẫm chói tai, bởi vì lời chúc phúc của Chúa Yesus có vẻ nghịch lý: “Phúc cho những người nghèo đói, khóc lóc, bị thù ghét”, nhiều người cho rằng Giáo Hội của Chúa chẳng thực hiện lời chúc này vì Giáo hội có nhiều tài sản.

10/ Chúng ta phải hiểu Lời Chúa bằng Đức Tin, để thấy rằng Chúa đâu muốn chúng ta quá nghèo đến nỗi phải sống mất phẩm giá. Vì nếu giàu quá con sẽ dễ bỏ Chúa, nếu nghèo quá con sẽ dễ trở thành trộm cắp là ô danh Chúa. Chúa muốn chúng ta đừng quá dính bén của cải, nhưng phải biết dùng của cải để mua lấy nước trời. Chúa chỉ muốn chúng ta hãy đói khát sự công chính mà thôi.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Tám mối phúc là cỗ xe đưa chúng con về quê trời, xin cho chúng con đi tới nơi ,về tới chốn, để mai sau chúng con gặp được Chúa trên nước trời. Amen .

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Quá chú ý đến những sự đời này làm con người quên đi những sự đời sau.

So sánh “Bài giảng trên núi” của Matthêu (5:2-12) và “Bài giảng trong đồng bằng” của Luca (6:20-26):

- Matthêu dùng ngôi thứ ba để áp dụng cách tổng quát trong khi Luca dùng ngôi thứ hai để áp dụng trực tiếp cho các môn đệ và những ngừơi nghe.

- Matthêu cấu trúc bài giảng bằng “8 mối phúc” trong khi Luca bằng “4 mối phúc” và “4 mối khốn.” Bốn mối phúc của Luca đều được trình bày trong 8 mối phúc của Matthêu. Có lẽ Luca muốn làm nổi bật lên sự tương phản giữa tiêu chuẩn của Nước Trời và của thế gian.

Những lời Chúa phán về 4 mối phúc gợi lên niềm hy vọng cho những người nghèo khổ, đói khát, đau khổ, và bị bắt bớ vì Con Người; trong khi như bom nổ ngang tai cho những người giầu có, no đủ, vui cười, và được ca tụng. Chúa Giêsu lấy những giá trị thế gian tôn thờ và đảo ngược chúng: Bốn điều phúc của thế gian thành 4 điều khốn, và 4 điều khốn của thế gian thành 4 điều phúc.

Tại sao tiêu chuẩn của Nước Trời hòan tòan ngược lại tiêu chuẩn của thế gian? Lý do đơn giản như thánh Phaolô nói ở trên vì “thế gian này đang qua đi,” để tiến tới một quê hương vĩnh cửu trên trời. Một cái nhìn chi tiết vào 4 mối Chúa nói sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn:

(1) Nghèo khó: Sự giầu có làm cho con người khó vào Nước Trời như Chúa nói: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời.” Giầu có làm con người bằng lòng với những hưởng thụ của cuộc sống hiện tại và quên đi cuộc sống đời sau. Họ dùng tất cả thời gian và nỗ lực để kiếm tiền, và sau khi kiếm tiền lại lo hưởng thụ; họ không còn thời giờ cho Chúa. Người nghèo hiểu họ chỉ cần ăn để sống nên không lo tích trữ. Nếu Thiên Chúa đã nuôi chim trời và thú vật ngòai đồng, Ngài sẽ không để cho con cái của Ngài phải chết đói. Họ dành giờ để chuẩn bị cho cuộc sống mai sau.

(2) Đói khát: Luca chỉ để trống không “đói khát” trong khi Matthêu có thêm “sự công chính.” Chắc chắn Chúa không cổ võ sự đói khát về của ăn và lấy làm sung sướng khi thấy con mình phải chết đói; nhưng điều Ngài muốn nói ở đây là những đói khát về tinh thần. Thế gian cậy vào sức mình trong khi người nghèo cậy vào Thiên Chúa. Ngài sẽ lấp đầy những đói khát tinh thần này.

(3) Đau khổ: Không đau khổ sẽ không có vinh quang; nếu con người muốn chung phần vinh quang thì cũng phải chung phần đau khổ với Chúa. Hơn nữa đau khổ còn giúp rèn luyện con người để có thể vượt qua mọi cám dỗ và trở ngại trong cuộc sống. Người ham thích vui sướng và trốn tránh đau khổ sẽ không thành công ngay cả ở đời này.

(4) Bị bắt bớ vì Con Người: Các tiên tri và những người rao giảng bị bắt bớ và giết chết vì nói những gì thế gian không muốn nghe, nhưng là những gì Chúa muốn nói. Ai tuyên xưng Chúa trước mặt thiên hạ thì Ngài cũng tuyên xưng người ấy trước mặt Cha Ngài.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Là người tín hữu, chúng ta phải sống theo tiêu chuẩn Nước Trời, chứ không theo tiêu chuẩn của thế gian. Chúng ta không thể bắt cá hai tay: vừa sống theo tiêu chuẩn của Nước Trời vừa sống theo tiêu chuẩn của thế gian, vì như Chúa đã xác quyết: “Các con không thể làm tôi cả Thiên Chúa lẫn tiền tài” (Mt 6:24).

- Ngay cả trong đời sống gia đình, chúng ta không thể dành hết thời giờ và cố gắng cho gia đình mà quên đi bổn phận của chúng ta với Thiên Chúa, Người mà sẽ sống với chúng ta mãi mãi sau này. Những người sống độc thân vì Nước Trời, họ sẽ có nhiều thời giờ cho Chúa và tha nhân hơn.

Thứ năm, 11/09/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 6,27-38)

Đề tài: Yêu kẻ thù

27 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây : hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, 28 hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em, và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. 29 Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. 30 Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. 31 Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. 32 Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. 33 Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa ? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. 34 Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa ? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. 35 Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.

36 “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. 37Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. 38 Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Yêu thương hay thù ghét là những cảm xúc tự nhiên của con người. Nhưng thực sự thù ghét làm gia tăng thù hận. Bởi thế Chúa Yesus dạy hãy yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù.

2/ Kẻ thù bao gồm tất cả những ai gây thiệt hại cho ta vì bất cứ lý do gì. Vì vậy, Đức Yesus mời gọi các Môn đệ phải biết yêu thương không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng việc làm cụ thể.

3/ Trong cuộc sống, yêu thương kẻ thù thật không dễ dàng chút nào, nhưng lại là điều dễ dàng cho tất cả những ai có Đức mến. Vì Đức mến tha thứ tất cả, chịu đựng tất cả.

4/ Hôm qua trong Tin Mừng Luca, Chúa đưa ra một bài giảng về các mối phúc lạ lùng. Hôm nay Chúa lại đưa ra một bài giáo lý kiểu mới, làm cho nhiều người lấy làm khó chịu. Một lối xử thế quá cao siêu, vượt quá mọi phản ứng thường tình của con người.

5/ Nếu con người sống đúng với những gì Chúa Yesus vừa dạy, thì thế giới này có thể sẽ xảy ra 2 tình huống: a) Xã hội loài người sẽ đầm ấm hạnh phúc, b) Sự bạo hành của kẻ ác sẽ ngự trị, bởi vì dường như mọi người đều tiếp tay cho những kẻ ác tha hồ tung hoành.

6/ Chúng ta nên hiểu Lời Chúa theo nghĩa Đức tin, trong bối cảnh cuộc sống trần gian đang biến đổi để tiến về nước trời, Chúa không bảo chúng ta đồng lõa, tiếp tay với kẻ ác, nhưng Chúa chỉ muốn chúng ta cư xử với nhau như anh em, vì tất cả chúng ta đều là con một Cha trên trời, nên không thể báo thù nhau theo kiểu Do Thái. Hay nói cho đúng hơn, chúng ta hãy thực hành giới răn mới của Ngài, là “hãy yêu anh em như Chúa yêu thương chúng ta.”

7/ Đạo chúng ta là đạo bác ái yêu thương mà Chúa dạy chúng ta phải thi hành bác ái không biên giới, không phân biệt, không tính toán. Ngài bảo chúng ta phải yêu thương mọi người và yêu thương cho đến cùng.

8/ Hai chữ đến cùng này nếu hiểu cho đúng nghĩa: Là yêu thương cho đến khi hy sinh mạng sống và điều cốt yếu là phải tôn trọng tuyệt đối người mình yêu.

9/ Nếu chết vì chính nghĩa, chết vì quốc gia dân tộc thì đó là cái chết của các anh hùng dân tộc. Nhưng nếu chết vì kẻ thù, vì yêu thương tha thứ, thì chỉ có Chúa Yesus mới có thể chết như thế mà thôi!

10/ Qua cái chết của Chúa Yesus, Ngài bày tỏ tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Thiên Chúa yêu thương mọi người nên Ngài muốn mọi người cũng yêu thương nhau vì là con cùng một Cha.

11/ Sống cho trọn lề luật mà Chúa Yesus dạy, chính là nhận ra Ngài ở nơi mọi người và yêu thương họ như chúng ta yêu thương Chúa vậy.

12/ Mỗi người còn sống trên đời này, ai cũng có tật xấu, cũng phạm nhiều sai lầm. Vì thế giải pháp hay nhất là phải yêu thương và tha thứ cho nên để không gây ra đổ vỡ. Nhưng muốn làm được điều này, chúng ta cần có một tình yêu mãnh liệt, có tình yêu rồi, chúng ta có thể làm được tất cả, chịu đựng được tất cả. Và vì có tình yêu, chúng ta sẽ rất dễ dàng tha thứ cho nhau.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một quả tim quảng đại, luôn rộng mở cho mọi người và vì mọi người, để chúng con có được tâm tình bao dung của Chúa trong cách con cư xử với tha nhân. Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Yêu kẻ thù.

Một sự phân biệt về từ ngữ sẽ giúp chúng ta hiểu rõ những đòi hỏi của Chúa Giêsu. Trong tiếng Hy-Lạp, có 3 động từ để diễn tả hành động “yêu”:

- Để diễn tả tình yêu lãng mạn giữa trai gái, họ dùng động từ “eran.”

- Để diễn tả tình yêu giữa những người thân trong gia đình và tình bằng hữu, họ dùng động từ “filein.”

- Để diễn tả tình yêu giữa những người tin vào Chúa Kitô như được dùng hôm nay, các Thánh Ký dùng động từ “agapan.” Động từ này chỉ dùng trong khuôn khổ của Kitô giáo.

Con người không thể yêu kẻ thù với nghĩa “eran,” vì họ không thể yêu kẻ thù bằng tiếng sét ái tình. Họ cũng không thể yêu kẻ thù bằng nghĩa “filein,” vì làm như vậy là trái với tự nhiên. Nhưng con người có thể yêu kẻ thù bằng nghĩa “agapan,” bằng tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu này không chỉ tùy thuộc vào con tim mà còn tùy thuộc rất nhiều nơi lòng muốn. Với tình yêu đến từ Thiên Chúa, con người có thể làm những điều không thể như Chúa đòi hôm nay: “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.”

Thọat mới nghe qua những lời Chúa dạy, chúng ta thấy chúng rất giống những lời khôn ngoan hay đạo lý của các tôn giáo khác, chẳng hạn lời của Khổng-Tử mà thường được gọi là Luật Vàng hay Luật Hỗ-Tương: “Đừng làm cho người khác điều gì mình không muốn người khác làm cho mình.” Nhưng nếu cẩn thận nghiên cứu, chúng ta sẽ thấy chúng khác xa và vượt lên trên tất cả các đạo lý từ trước tới nay. Luật của Chúa dạy là luật tích cực: “Làm cho người khác những gì mình muốn người khác làm cho mình;” trong khi Luật vàng là luật tiêu cực: “Đừng làm cho người khác điều gì mình không muốn người khác làm cho mình.” Luật tích cực khó hơn luật tiêu cực và đòi con người phải thấm nhuần tình yêu Thiên Chúa mới có thể làm được.

Tại sao Chúa đòi con người làm những điều khó khăn như vậy? Lý do Chúa đưa ra phải yêu kẻ thù là để trở nên giống Chúa: “Anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.” Làm con Chúa là phải khác những người thường. Nếu các tín hữu cũng chỉ yêu những người yêu mình và trả ơn những người đã làm ơn cho mình thì có khác chi những người tội lỗi?

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Cuộc sống chúng ta không đơn giản đến nỗi chỉ giải quyết vấn đề bằng tri thức, mà nhiều khi còn phải giải quyết vấn đề bằng yêu thương. Tri thức có thể đưa đến chỗ kiêu ngạo, khinh thường người không biết nhưng yêu thương luôn giúp xây dựng cộng đòan. Cần phải quan tâm đến mọi phần tử trong cộng đòan khi giải quyết những vấn đề liên quan tới họ.

- Yêu kẻ thù và làm ơn cho họ không phải là điều muốn làm hay không cũng được, nhưng là đòi hỏi của những người con Chúa. Điều này chỉ có thể nếu chúng ta được thấm nhuần tình yêu của Chúa, trước khi chúng ta có thể yêu người như Chúa yêu ta. 

Thứ sáu, 12/09/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 1,39-47)

Đề tài: Về Tên Cực Trọng Đức Mẹ

39 Khi ấy, bà Ma-ri-a lên đường, vội vã đi đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. 40 Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào bà Ê-li-sa-bét.41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy Thánh Thần. 42 Bà Ê-li-sa-bét kêu lớn tiếng và nói rằng : “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. 43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? 44 Quả thật, này tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vì vui sướng. 45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” 46 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói : “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, 47thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Trên trời dưới đất, đừng kể tên Chúa Giêsu, thì chẳng có tên nào trọng, đáng kính và linh ứng cho bằng tên Đức Mẹ. Thánh Hiêrônymô dạy rằng: “Tên Maria chẳng phải cha mẹ hay người thế gian đặt cho Người, nhưng chính Thiên Chúa soi lòng ông Thánh Gioakim và bà Thánh Anna đặt tên ấy cho Con mình”.

2/ Maria là Chúa, là Nữ Vương. Kỳ thực nghĩa ấy xứng hợp Đức Mẹ, vì Mẹ là Nữ Vương trời đất, Nữ Vương mọi loài. Mẹ là Nữ Vương trên trời vì ngày Mẹ lên trời, Chúa đã phong cho Người làm Nữ Vương trên trời, các Thiên thần và các Thánh.

3/ Mẹ là Nữ Vương dưới đất, vì Chúa Giêsu là Vua mọi nước thế gian, Đức Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu thì cũng là Nữ Vương các nước thế gian. Vả lại trên thế gian, mọi người đều nhận Đức Mẹ làm Nữ Vương, và cậy nhờ phó thác mọi sự trong tay Mẹ.

4/ Maria là biển đắng: nghĩa ấy cũng xứng hợp với Đức Đẹ, vì Mẹ là Mẹ sầu bi, Mẹ đã chịu mọi khổ cực để chung phần cứu chuộc nhân loại. Xưa Adong và Evà đồng tình phạm tội làm hư cả loài người, thì Chúa Giêsu và Đức Mẹ đã cùng nhau cộng tác trong việc cứu chuộc nhân loại.

5/ Maria là sao Bắc Đẩu: Sao Bắc Đẩu dẫn lối cho kẻ vượt biển về bến. Đức Mẹ dẫn đưa chúng ta qua biển thế gian về đến Thiên đàng. Ngoài biển, nhờ sao dẫn lối người ta không phải xa chìm phiêu bạt. Ngoài biển thế gian, Mẹ phù giúp ta được bình an về tới bến.

 6/ Maria, một tên rất linh ứng: Thánh Phaolô gọi tên Chúa Giêsu là tên cực mầu nhiệm, quyền phép vô cùng. Tên Đức Mẹ cũng vậy. Nghe tên Maria, các Thánh trên trời đều vui mừng, các ma quỉ đều khiếp sợ, người thế gian được cậy trông.

7/ Tên Maria là võ khí hiệu lực, là thuẫn vững chắc, bênh chữa ta khỏi thù địch hãm hại hồn xác. Biết bao kẻ ngoài biển hòng bị phong ba vùi dập, biết bao kẻ hầu bị sa vào tay thù địch, đã thoát khỏi vì đã tin tưởng kêu tên Maria.

8/ Biết bao kẻ hầu siêu lòng trước những cơn cám dỗ mãnh liệt, đã được Mẹ nâng đỡ vì đã tin tưởng kêu tên Maria.

9/ Biết bao kẻ dầm mình trong đống tội đã được thành tâm xám hối, vì đã tin tưởng kêu tên Maria. Trên giường bệnh, trong cơn hấp hối, người ta được mạnh sức cậy trông Chúa, khỏi bị ma quỉ khuấy khuất, vì đã tin tưởng kêu tên Maria.

CẦU NGUYỆN :

Lạy Mẹ rất Thánh Maria! Tên Mẹ quyền phép linh ứng dường nào! Tên Mẹ có quyền mở cửa Thiên đàng hay đóng cửa hỏa ngục lại / tên Mẹ có quyền buộc trói ma quỉ và ban mọi ơn lành cho người thế. Chúng con trách mình vì xưa nay chẳng năng kêu tên Cực trọng Mẹ. Giả như chúng con năng tin tưởng kêu tên Mẹ, chúng con đã thoát bao cơn nguy hiểm, chúng con đã chống trả được bao chước cám dỗ, chúng con đã tránh được nhiều tội và được nhiều ơn lành xác hồn. Chúng con dốc lòng từ nay năng kêu tên Mẹ lúc khỏe mạnh nhất là khi hấp hối trên giường bệnh. Xin Mẹ thương cứu giúp chúng con .   AMEN.

Bài chia sẻ của Jos. Vinc. Ngọc Biển:

Trong cuộc sống vẫn còn đó rất nhiều người dốt lại đứng lên hay được mua chuộc bằng tiền, bằng quyền để lãnh đạo và dạy dỗ người khác. Tệ hơn nữa là những kẻ đạo đức giả tạo lại oang oang nói về lòng nhân từ hay tha thứ một cách “ngọt như đường mía lau”.

Không những thế, những kẻ trá hình này lại còn lôi kéo nhiều người khác đi vào con đường mù quáng, sai trái của mình...

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu răn dạy các môn đệ và những ai bước theo Ngài trong vai trò chứng nhân, phải khôn ngoan, sáng suốt, thông hiểu về Giáo Lý và có đời sống gương mẫu, có đủ tư cách phù hợp với vai trò của mình và nhất là phải giữ vững bản chất của một người thuộc về Chúa để nên giống Chúa.

Nếu người môn đệ mà mù mờ về Giáo Lý, hiểu sai ý Thiên Chúa và sống một cuộc đời phản chứng, gương mù và biến chất, thì sẽ gây nên những hậu quả khôn lường. Bóng tối thêm vào bóng tối vẫn là bóng tối chứ không tạo ra được tia sáng nào. Mù mà dắt mù ắt sẽ rơi xuống hố.

Như vậy, muốn thành công, người môn đệ phải có sự hài hòa giữa đời sống nội tâm và hành động. Nói khác đi, cần phải làm gương trước khi khuyên bảo người khác... để lời nói và hành động của mình trở nên “nhất ngôn nhất hành”.

Lạy Chúa, xin chiếu giãi Ánh Sáng là Chân Lý của Chúa vào trong tâm hồn chúng con. Xin cũng cho chúng con luôn thuộc về Ánh Sáng và phải có trách nhiệm chiếu giãi Ánh Sáng đó cho mọi người. Amen.

Thứ bảy, 13/09/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Luca (Lc 6,43-49)

Đề tài:  Xây nhà trên đá – Kính Thánh Gioan Kim Khẩu

43 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. 44 Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho ! 45 Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình ; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra. 46 “Tại sao anh em gọi Thầy : ‘Lạy Chúa ! Lạy Chúa !’, mà anh em không làm điều Thầy dạy? 47 “Ai đến với Thầy, và nghe những lời Thầy dạy mà đem ra thực hành, thì Thầy sẽ chỉ cho anh em biết người ấy ví được như ai. 48 Người ấy ví được như một người khi xây nhà, đã cuốc, đã đào sâu và đặt nền móng trên đá. Nước lụt dâng lên, dòng sông có ùa vào nhà, thì cũng không lay chuyển nổi, vì nhà đã xây vững chắc. 49 Còn ai nghe mà không thực hành, thì ví được như người xây nhà ngay mặt đất, không nền móng. Nước sông ùa vào, nhà sụp đổ ngay và bị phá huỷ tan tành.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Tây Phương thì bán nhà thờ, cho thuê nhà thờ, Việt Nam thì nhu cầu xây nhà thờ quá lớn, đây rõ ràng là 2 thái độ tương phản.

2/ Tây Phương quan niệm sống đạo là sống công bình, bác ái, không cần phải đến nhà thờ. Trong khi đó nhiều người cho rằng Giáo dân Việt Nam giữ đạo hình thức, siêng đến nhà thờ nhưng lại lơ là trong việc sống công bình bác ái.

3/ Tin Mừng cho thấy rõ hai hình ảnh: Người khôn thì biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Người dại thì chỉ nghe, chỉ thích nói mà không chịu sống Lời Chúa.

4/ Chúa Yesus dạy chúng ta phải đem lời Chúa vào trong cuộc sống, đó là tiêu chuẩn để phân biệt người khôn, người dại.

5/ Sóng gió trong cuộc đời không làm cho họ lạc lối, vì họ luôn có Lời Chúa hướng dẫn đời mình. Sống Lời Chúa chính là tiêu chuẩn để xác định có phải là Môn đệ Chúa Yesus hay không?

6/ “Lòng có đầy thì miệng mới nói ra”, nếu đó là những tư tưởng tốt đẹp sẽ dẫn chúng ta đến hành động thiện hảo, tư tưởng xấu sẽ dẫn chúng ta đến hành vi xấu xa độc ác.

7/ Tin Mừng Chúa luôn cảnh báo những người Pha-ri-sêu sống giả hình, lúc nào họ cũng nghĩ mình ở vị thế cao, được mọi người kính trọng, họ chỉ quan tâm đến hình thức và điệu bộ bên ngoài để tạo thêm uy tín, vị vọng.

8/ Người Ki-tô hữu luôn phải chuẩn bị cho tâm hồn mình luôn có những tư tưởng tốt đẹp, đừng để bị quyến rũ vào những ý nghĩ đen tối. Hãy giữ tâm trí luôn có những hình ảnh tốt đẹp, tránh lưu giữ những tư tưởng đen tối, dẫn chúng ta đến những hành động xấu có thể hủy hoại cuộc sống của chúng ta.

9/ Bài học từ Tin Mừng hôm nay, Giáo hội muốn dạy chúng ta phải biết đặt nền tảng Đức tin vào viên đá góc là Chúa Yesus, chính Ngài là lời Thiên Chúa nhập thể. Vậy Lời Chúa như là đèn soi, là nền tảng Đức tin cho mọi người, chữ đá ở đây nhắc chúng ta nhớ đến Phê-rô là đá tảng để Chúa xây dựng Hội Thánh.

10/ Chúng ta là cộng đồng Dân Chúa, là những chi thể của Hội Thánh, mà Hội Thánh là hiền thê của Chúa Yesus. Hội Thánh là thân thể mầu nhiệm của Chúa Yesus. Đương nhiên chúng ta được liên kết với thân thể mầu nhiệm của Chúa Ki-tô phục sinh.

11/ Chúng ta phải siêng năng đọc Lời Chúa, học hỏi, suy gẫm để Lời Chúa thấm nhập vào tâm tư tình cảm trong cuộc sống của chúng ta. Để từ đó mọi tư tưởng lời nói, việc làm của chúng ta đều được Lời Chúa hướng dẫn và sẽ đem lại nhiều hoa trái tốt đẹp.

12/ Hãy nhìn vào gương sống của Mẹ Maria, mẹ là gương mẫu tuyệt vời trong việc lắng nghe Lời Chúa và suy niệm trong lòng. Mẹ luôn để cho Lời Chúa hướng dẫn đời mình và mẹ hoàn toàn sống theo Thánh ý Chúa.

13/ Cuộc đời Mẹ là một đời hoàn hảo tốt đẹp, trọn vẹn. Chúng ta cầu xin mẹ trợ giúp và hướng dẫn cuộc đời chúng ta sống theo gương mẫu tuyệt vời của Mẹ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết yêu mến Lời Chúa qua việc siêng năng học hỏi và suy gẫm trong lòng, để chúng con luôn ghi nhớ và đem ra thực hành trong mọi hoàn cảnh sống. Amen.

Bài chia sẻ của Jos. Vinc. Ngọc Biển:

Khi nói đến đá, hay xây nhà trên nền móng bằng đá, người ta nghĩ ngay đến sự bền chắc của chúng.

Hôm nay Đức Giêsu đã mặc khải cho biết những người đón nhận, lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa thì được ví như người khôn ngoan xây nhà trên nền đá vững chắc. Ngược lại, những người nghe rồi bỏ bê không thực hành thì được ví như người ngu xây nhà trên cát và hệ quả là bị nước cuốn trôi và tòa nhà sẽ sụp đổ tan tành.

Phụng vụ Giáo Hội hôm nay mừng kính thánh Gioan Kim Khẩu. Cuộc đời của thánh nhân được ví như người khôn ngoan vì đã xây dựng ơn gọi và sứ vụ của mình trên nền đá vững chắc là Lời Chúa. Vì thế, ngài đã đem lại cho Giáo Hội rất nhiều thành quả tốt đẹp qua đời sống gương mẫu và tài giảng thuyết của ngài.

Cuộc đời của thánh nhân đã trở nên người họa lại hình ảnh của Đức Giêsu qua lời rao giảng. Sự xuất hiện của ngài đã đem lại sự hấp dẫn và lời rao giảng của ngài hút hồn người nghe cách lạ thường..., đến nỗi, mỗi khi ngài cất tiếng nói, người ta luôn coi như là lời vàng ngọc...

Thánh Gioan Kim Khẩu còn được biết đến là một người có đời sống đạo đức và gương mẫu đặc biệt. Ngài cũng là người cương trực, thẳng thắn. Sẵn sàng lên tiếng khi sự thật không được tôn trọng. Chính vì thế, cuối đời, ngài đã phải trả giá bằng sự tù đầy, tra tấn, bị công kích... nhưng vì lòng yêu mến và gắn bó mật thiết với đá góc là chính Đức Giêsu, nên không có gì và không ai có thể làm lung lay tinh thần của ngài. Ngài đã vượt qua tất cả, để lại cho hậu thế một mẫu gương tuyệt vời về việc gắn bó với Chúa và thực hành Lời Chúa.

Mong sao, mỗi người chúng ta luôn biết khát khao lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Sẵn sàng để Lời Chúa chi phối và là kim chỉ nam cho cuộc đời mình. Được như thế, chúng ta mới thực sự trở thành người khôn ngoan vì đã xây căn nhà cuộc đời của mình trên nền tảng vững chắc là chính Lời Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con trở nên những viên đá sống động nhờ biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Xin cũng cho chúng con luôn ý thức mình cũng cần phải chung tay cộng góp để xây dựng tòa nhà Giáo Hội bằng chính những gương sáng của mình trong đời sống. Amen.


Trở lại      In      Số lần xem: 3010
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  7
 Hôm nay:  78
 Hôm qua:  13063
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11439406
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top