Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần 24 (TN A)

Thứ hai, 15/09/2014

Tin Mừng Chúa Yesus Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 2,33-35)

Đề tài: Đức Mẹ Sầu Bi

33 Khi ấy, cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những điều người ta nói về Người. 34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi : “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. 35 Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà. Như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Giáo hội Mừng lễ Đức Mẹ Sầu Bi ngay sau Lễ Suy Tôn Thánh Giá nhằm nhấn mạnh ý nghĩa: Thập Giá của Đức Ki-tô luôn gắn liền với những khổ đau của Mẹ Maria.

2/ Con đường Thập giá của Đức Yesus cũng chính là con đường Thập giá của Đức Mẹ. Cuộc thương khó của Chúa Yesus đều có ghi dấu cuộc thương khó của Đức Mẹ, để rồi cuối cùng khi đừng dưới chân Thập Giá, Mẹ đã nên một với cái chết của con mình.

3/ Khi suy niệm về những đau khổ của Mẹ, chúng ta được mời gọi: Luôn nuôi hy vọng trước những khổ đau trong cuộc sống. Mẹ đã nên một trong chặng đường Thánh giá của con mẹ, thì chúng ta cũng phải nên một với những nổi khổ đau của Mẹ.

4/ Phụng vụ dành ngày 15/9 để kính nhớ những sự đau thương của Mẹ. Khi Chúa chấp nhận con đường hy sinh đau khổ để cứu chuộc loài người, Chúa cũng muốn người Mẹ đáng yêu của Chúa cũng phải thông phần chịu đau khổ để cùng đồng công cứu chuộc. Tin Mừng trình bày bảy sự đau khổ cho chúng ta thấy để chúng ta luôn một lòng kính nhớ Mẹ.

5/ Thứ nhất, khi Đức Mẹ nghe lời tiên tri báo trước về tương lai con mình do Tiên tri Simêon nói ra, lẽ dĩ nhiên Mẹ không thể nào giữ thái độ bình thản được khi biết rằng con mình sau này sẽ phải chịu đau khổ, tủi nhục.

6/ Khi Mẹ nghe tin Vua Hê-rô-đê đang tìm giết con mình, Mẹ đã phải ẳm con mình chạy đi lánh nạn. Lòng Mẹ sẽ ra sao khi nghĩ đến nhà cửa, công ăn việc làm ở nơi xứ lạ quê người?

7/ Mẹ lạc mất con ở đền thờ. Có người Mẹ nào khi lạc mất con mà lòng không đau khổ, lo lắng. Chúa Yesus lại là người con duy nhất nên chắc chắn Mẹ Maria sẽ đau khổ vô cùng.

8/ Trên đường lên núi Sọ, Mẹ gặp con đang vác Thánh Giá. Lòng Mẹ tan nát khi thấy hình hài con bầm dập, còn gì đau khổ hơn cho một người Mẹ khi nhìn con mình như thế.

9/ Khi con bị treo trên Thánh giá, Mẹ đứng một bên nhìn lên con. Nếu một người Mẹ thế gian, khi nhìn thấy con mình như thế không thể nào mà không ngất xỉu, nhưng Mẹ Maria đầy lòng can đảm. “Nếu con chết đi trong thân xác thì Mẹ cũng chết đi trong tâm hồn!”

10/ Mẹ chứng kiến cảnh hạ xác con xuống khỏi Thập Giá, rồi Mẹ ôm xác con lạnh giá vào trong vòng tay để dâng lên Chúa Cha một của lễ toàn xứng là con yêu dấu của mình.

11/ Mẹ chứng kiến cảnh táng xác con trong mồ đá. Trước đây khi nhìn con phải đau khổ, phải chết, Mẹ đã tan nát cõi lòng. Bây giờ, chút nữa đây không còn được nhìn thấy con nữa, thì Mẹ càng đau khổ hơn.

12/ Mẹ hoàn toàn phó thác mọi sự cho bàn tay quan phòng của Thiên Chúa qua 2 tiếng “Xin Vâng” từ đầu đến cuối.

13/ Khi chúng ta tưởng nhớ, suy niệm những đau khổ của Mẹ Maria, xin Mẹ hãy cho chúng ta hiểu mầu nhiệm Thánh Giá trong cả cuộc đời mình. Tất nhiên ai cũng có, chúng ta hãy xin ơn Mẹ trợ giúp để chúng con có đủ sức nhẫn nại để vác Thánh Giá hàng ngày mà theo Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Mẹ, suốt đời Mẹ đã đi trên con đường Thánh Giá với một niềm tin yêu phó thác. Xin giúp chúng con luôn vững bước trên con đường Thập Giá để theo gương Mẹ cho đến cùng. Amen.

 

Thứ ba, 16/09/2014

Tin Mừng Chúa Yesus Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 7,11-17)

Đề tài: Chúa chạnh lòng thương

11 Khi ấy, Đức Giê-su đi đến thành kia gọi là Na-im, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. 12 Đức Giê-su đến gần cửa thành, đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. 13 Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói : “Bà đừng khóc nữa !” 14 Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói : “Này người thanh niên, tôi bảo anh : hãy trỗi dậy !”15 Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ. 16 Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng : “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. 17 Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Đứng giữa đám đông, Chúa Yesus chạnh lòng thương người đàn bà góa đang đau khổ  vì đứa con duy nhất đã chết. Tấm lòng của Chúa đã biểu lộ qua lời an ủi: “Bà đừng khóc nữa”, và qua hành động thực tế là Chúa đã chữa lành: “Này người thanh niên, hãy chỗi dậy”.

2/ Cuộc sống hôm nay mọi người đang chạy theo phong cách hưởng thụ, nên chúng ta cũng sống theo kiểu phục vụ bản thân nên quên mất trách nhiệm phải bác ái với tha nhân, nhất là đối với những người nghèo khó, đau khổ.

3/ Đức tính cần thiết của người Môn đệ Chúa Ki-tô là phải nhạy cảm trước nhu cầu của tha nhân. Thay vì cứ nhắm mắt chạy theo chủ nghĩa cá nhân hưởng thụ.

4/ Bài học từ phép lạ Chúa chữa cho con trai bà góa thành Na-im, cho chúng ta thấy rằng Chúa luôn yêu thương những con người đang lâm vào hoàn cảnh tuyệt vọng, Chúa giúp họ lấy lại niềm tin yêu, hy vọng đã mất.

5/ Đây là một hoàn cảnh đầy tuyệt vọng, bởi làm thân đàn bà góa trong xã hội Do Thái, trọng nam khinh nữ. Đã bị khinh dễ, lại thêm nỗi buồn góa chồng, bà lại càng bị khinh dễ hơn. Vì bị liệt vào hàng ngũ cằn cỗi không sinh sản được nữa, nên tất cả mọi hy vọng bà đều đỗ dồn vào đứa con duy nhất mà bà coi như lẽ sống của bà.

6/ Thế mà mọi sự lại sụp đỗ trong giấy lát vì nay con bà đã chết thật rồi. Thật là vô phương cứu chữa. Đi phia sau quan tài, lòng bà coi như tuyệt vọng, chẳng còn làm gì được nữa.

7/ Chúa Yesus cảm động khi thấy hoàn cảnh của bà như vậy. Chúa thông cảm với nổi đau của bà, nhưng từ sự thông cảm của Chúa, cũng chính là niềm hy vọng lớn lao dành cho kẻ khác. Chúa dỗ dành kẻ tuyệt vọng: Bà đừng khóc nữa, một lời an ủi hay là một lệnh truyền, chắc bà cũng thưa đáp lại với Chúa: Thưa Ngài, làm sao mà tôi đừng khóc được? Tôi đau khổ lắm, buồn chán lắm, tôi hết muốn sống rồi.

8/ Lời Chúa nhủ thầm rằng: Bà hãy còn có ích, con bà sẽ sống lại, ta sẽ trả lại cho bà niềm hy vọng. Chúa đã làm phép lạ cho con bà sống lại khiến cho mọi người kinh hãi, thán phục.

9/ Cả bà góa, cả đám đông đi theo cũng đã tìm lại được niềm hy vọng. Và nay họ có thể xác tín rằng: Tình yêu của Thiên Chúa mạnh hơn tất cả vì đó là lẽ sống.

10/ Cuộc đời con người có 3 điều quan trọng: Sinh ra, sống và chết. Cho nên chết là điều quan trọng nhất trên đời. Sinh ra thì không biết sinh lúc nào, chết lại càng không biết, cuộc sống thì tràn đầy đau khổ. Sinh ra khổ, sống thì quá nhiều đau khổ, lúc chết cũng khổ.

11/ Chúa can thiệp vào những vấn đề của con người,  để chúng ta biết rõ rằng: Ngài có quyền trên sự sống và cả cái chết của con người nữa.

12/ Nếu đời người chỉ toàn an vui hạnh phúc thì đâu ai cần đến Thiên Chúa. Nhưng đâu có ai trên đời này hoàn toàn an vui hạnh phúc? Cho nên rốt cuộc chúng ta cũng phải cần đến Chúa. Vã lại mọi sự xảy ra trên đời này Chúa đều biết hết, nên Chúa cảm thông và sẵn sàng cứu giúp nếu chúng ta biết tin tưởng cầu xin Người. Đừng bao giờ tuyệt vọng, Hãy chạy đến với Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn kết hiệp mật thiết với Chúa và luôn nhận ra Chúa nơi tha nhân để lúc nào con cũng có tâm lòng yêu thương như Chúa. Amen.

Bài chia sẻ của Jos. Vinc. Ngọc Biển:

Đức Giêsu "chạnh lòng thương" và làm cho con trai bà góa thành Naim đã chết được sống lại. Qua phép lạ này, Đức Giêsu tiên báo về sự phục sinh mai ngày của chính Ngài, đồng thời, Ngài cũng nói lên quyền năng của mình trong vai trò là Con Thiên Chúa, và thể hiện bản chất của Thiên Chúa là Đấng hay thương xót.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta:

Hãy vững tin vào Chúa, vì không có việc gì mà Chúa không làm được. Hãy học nơi Đức Giêsu bài học về lòng thương xót, để sẵn sàng ra tay cứu giúp người khác. Không bao giờ được phép vô cảm và vô tình trước nỗi khốn cùng của anh chị em.

Sự nhạy bén với nhu cầu của người khác phải là tinh thần sống động nơi tâm hồn chúng ta.

Bên cạnh đó, hình ảnh trỗi dạy của con trai bà góa cho chúng ta một bài học về sự sám hối là: trở về với Chúa thì được sống.

Hôm nay, phụng vụ mừng kính hai thánh Cornêliô Giáo Hoàng và Cyprianô Giám Mục, tử đạo.

Thánh Cornêliô sinh trưởng ở Rôma, còn Cyprianô thì sinh tại Châu Phi. Các ngài dù khác nhau về địa vị, nơi chốn, nhưng cùng gặp nhau ở một điểm chung, đó là: lòng bao dung, hay thương xót và sẵn sàng tha thứ... luôn trung thành trong đức tin, hăng say loan truyền Lời Chúa và sẵn sàng chết để bảo vệ chân lý Tin Mừng cũng như những lựa chọn chân chính của người môn đệ.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một đức tin mạnh mẽ. Một tấm lòng biết "chạnh lòng thương". Một đôi tay biết mở ra để chia sẻ cho những người bất hạnh. Một đôi chân biết đi tới để đến những nơi cần sự hiện diện của chúng con. Amen.

Thứ tư, 17/09/2014

Tin Mừng Chúa Yesus Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 7,31-35)

Đề tài: Thái độ phải có trước chân lý

31 Khi ấy, Đức Giê-su nói với đám đông về ông Gio-an rằng : “Tôi phải ví người thế hệ này với ai ? Họ giống ai ? 32 Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi nhau mà nói :
 ‘Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa ; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không khóc than.’  33 “Thật vậy, ông Gio-an Tẩy Giả đến, không ăn bánh, không uống rượu, thì các ông bảo : ‘Ông ta bị quỷ ám.’ 34 Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì các ông lại bảo : ‘Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.’ 35 Nhưng Đức Khôn Ngoan đã được tất cả con cái mình biện minh cho.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Qua bài Tin Mừng, Chúa Yesus dùng hình ảnh trò chơi đối đáp của trẻ em Do Thái để tránh thái độ cứng lòng tin của đám biệt phái luật sĩ trước các giáo huấn của Chúa.

2/ Yoan Tẩy Giả sống khắc khổ, luôn sám hối tội lỗi nên không ăn uống nhiều, thì bọn họ lại cho là ông bị quỷ ám. Chúa Yesus ăn uống bình thường thì họ cho là bạn bè với phường ăn nhậu, tội lỗi, nhưng chính Đức Ngôn Ngoan sẽ minh chứng và phán xét những hành động của họ là sai lầm, là cố chấp.

3/ Xét đoán có thể giúp phơi bày nhiều mặt của giá trị cuộc sống, nhưng cũng khiến cho con người khép kín tâm hồn mình trước chân lý. Vậy thì người Môn Đệ nên tìm sự khôn ngoan ở đâu?

4/ Đọc các bài Tin Mừng, chúng ta thấy rất nhiều lần Chúa Yesus đề cập đến tính cách sống giả hình, sống bôi bác bề ngoài của các Kinh Sư và Pha-ri-sêu. Chúa vẫn khiển trách nhưng không muốn nặng lời. Chúa rất buồn lòng khi phải sửa dạy họ, nên Chúa thường dùng các Dụ Ngôn.

5/ Hôm nay Chúa dùng kiểu Dụ Ngôn chơi hát đối của đám trẻ con. Kiểu hát đối của trẻ em Do Thái khác kiểu hát đối của trẻ em Việt Nam. Chúng thường chia làm hai phe, một bên xướng, một bên họa về đề tài vui hay buồn.

6/ Nhiều khi gặp một đám trẻ em nghịch ngợm, chúng thường phá đám bằng một giọng bi ai, than khóc, hoặc có khi lại chơi ngược lại, đang buồn hóa vui theo kiểu trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.

7/ Đại ý bài Dụ Ngôn hôm nay Chúa ví bọn biệt phái luật sĩ với lũ trẻ nghịch ngợm kia. Bởi vì dù là Chúa Yesus, là Yoan Tẩy Giả hay là ai khác đi nữa thì họ cũng cố moi cho được một vấn đề nào đó để chỉ trích, chê bai theo quan niệm và lòng dạ hẹp hòi của họ.

8/ Yoan đến không ăn, không uống thì họ cho là ông bị quỷ ám. Còn Chúa Yesus ăn uống như thường thì họ lại phê kiểu khác: Đó là người mê ăn uống, bè bạn của quân thu thuế và kẻ tội lỗi.

9/ Qua bài học này, Chúa muốn dạy chúng ta cách sống thành thật với mình và với mọi người. Chúng ta không nên quá đi sâu vào đời tư của kẻ khác, bất cứ điều gì dù tốt hay xấu, dù thân thiết hay xa lạ, dù chính chúng ta thấy hay do người khác kể lại, chúng ta hãy cẩn thận, đừng thêu dệt hay giải thích bậy bạ. Như thế chúng ta sẽ dễ phạm cái tội hại người bằng lưỡi, hay là ngậm máu phun người.

10/ Hãy rất cẩn thận về lời ăn tiếng nói. Lời nói như mũi tên, khi bắn bậy , nó sẽ ghim vào đâu thì khó mà rút ra. Sẩy tay thì còn chữa được, nhưng sẩy miệng thì khó chữa. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau, chẳng được miếng thịt miếng xôi, cũng lựa lời mà nói cho nguôi tấm lòng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con đừng quá kiêu căng khi muốn xét đoán tha nhân, bởi con không phải là tiêu chuẩn. Xin giúp cho con luôn biết sống khiêm tốn và sống theo lời dạy của Chúa. Amen.

Bài chia sẻ của Jos. Vinc. Ngọc Biển:

Gioan Tiền Hô là một người cao trọng hơn hết mọi người nam. Đây chính là lời khen ngợi của Đức Giêsu dành cho ông. Tuy nhiên không phải ai cũng là người nghe ông, cụ thể là các Biệt Phái và Luật sĩ đã khước từ lời của Gioan.

Trước tình trạng đó, Đức Giêsu đã nhận định về lập trường và thái độ của các Biệt Phái và Luật Sĩ như sau: họ giống như lũ trẻ ngồi ở ngoài phố chợ, gọi nhau mà bảo:

"Chúng tôi đã thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa".

"Chúng tôi đã hát những điệu bi ai, mà các anh không khóc".

Hình ảnh của lũ trẻ và lời nói của Đức Giêsu, hẳn cho chúng ta thấy Ngài lên tiếng khiển trách nặng nề về sự mập mờ, gian dối và hay đổi trắng thay đen, nói một đàng làm một nẻo của các Biệt Phái và Luật Sĩ. Họ giống như lũ trẻ nơi phố chợ. Vì thế, những lời họ nói chẳng đáng tin tưởng vì không có giá trị.

Hình ảnh của các Biệt Phái và Luật Sĩ hẳn cũng còn đầy dẫy trong xã hội của chúng ta hiện nay. Khi thì chỗ này, lúc chỗ kia, vẫn còn đó những con người luôn tìm mọi cách bóp méo sự thật, bẻ cong ngòi bút để chụp mũ người lương thiện, công chính. Họ thuộc hạng nói dối chuyên nghề, nên đâu còn chỗ cho Lương Tâm lên tiếng!!! Vì thế, chúng ta không lạ gì khi vẫn thấy xuất hiện những hạng người "nổ" rất lớn với những lời lẽ "đao to búa lớn"; "rất kêu", nhưng thực ra những lời đó chẳng khác gì lời nói của con nít, không đáng để chúng ta tin tưởng, bởi lẽ họ "nói mà không làm"; hay "nói một đàng, làm một nẻo".

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống và làm chứng trong sự thật, có thế, chúng ta mới được người khác tôn trọng, bằng không, chúng ta chỉ như bọn trẻ nơi phố chợ mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con đừng rơi vào tình trạng của các Biệt Phái và Luật Sĩ khi xưa là cố chấp, bảo thủ, lập lờ và gian dối. Xin cho chúng con biết sử dụng trí tuệ Chúa ban để phục vụ cho công lý và sự thật. Amen.

Thứ năm, 18/09/2014

Tin Mừng Chúa Yesus Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 7,36-50)

Đề tài: Tình yêu biến đổi con người.

36 Khi ấy, có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn. 37 Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. 38 Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.
39 Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng : “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào : một người tội lỗi !” 40 Đức Giê-su lên tiếng bảo ông : “Này ông Si-môn, tôi có điều muốn nói với ông !” Ông ấy thưa : “Dạ, xin Thầy cứ nói.” 41 Đức Giê-su nói : “Một chủ nợ kia có hai con nợ : một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. 42 Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn ?” 43 Ông Si-môn đáp : “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.” Đức Giê-su bảo : “Ông xét đúng lắm.”
44 Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Si-môn : “Ông thấy người phụ nữ này chứ ? Tôi vào nhà ông : nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. 45 Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. 46 Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. 47 Vì thế, tôi nói cho ông hay : tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.” 48 Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ : “Tội của chị đã được tha rồi.” 49 Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng : “Ông này là ai mà lại tha được tội ?” 50 Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ nữ : “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Bài Tin Mừng đưa ra điểm nổi bật hình ảnh tương phản giữa thái độ xét đoán của người Pha-ri-sêu và tâm tình sám hối của người đàn bà tội lỗi. Bà cảm nhận được lòng tha thứ của Chúa Yesus nên bà quyết tâm sám hối khi lấy thuốc thơm xức chân Chúa Yesus, khóc ướt chân Chúa và lấy tóc mình mà lau.

2/ Tình yêu đã giúp cho chị hoán cải. Tình yêu cũng đã biến đổi cuộc đời chị qua lần gặp gỡ Chúa Yesus.

3/ Bài học Chúa nhắc nhở mọi người hãy luôn tin tưởng vào lòng khoan dung của Thiên Chúa, để biết hoán cải trở về sau khi đã vấp ngã. Hối cải là điều kiện tiên quyết để nhận được ơn tha thứ của Chúa.

4/ Bối cảnh Chúa Yesus đến dự tiệc lại nhà ông lãnh đạo Pha-ri-sêu tên là Simon. Ông này mời Chúa đến nhà không phải vì ông có cảm tình với Chúa, mà là để tăng thêm uy tín cho cá nhân ông, hoặc để thử quyền năng của Chúa và tìm kiếm dịp để bắt vẻ Chúa.

5/ Người phụ nữ tội lỗi này không ai biết rõ tên tuổi, chỉ biết danh tiếng của chị là người tội lỗi trong Thành, phạm tội công khai thì cả Thành mới đều biết chị.

6/ Chi ta nhận mình là kẻ có tội và chỉ biết cậy trông vào lòng từ bi của Chúa, nên chị đã mang một bình nước hoa đến tìm Chúa giữa đám thực khách tại nhà ông Si-môn biệt phái.

7/ Người Do Thái khi ăn tiệc, họ thường nằm hơi ngã người ra phía sau, để chân trần, lòi ra bên ngoài chiếc phản. Vì thế nên chị mới dễ dàng xối nước mắt và nước hoa lên chân Chúa. Đó là chị thú tội công khai, chị không xấu hổ khi phải thống hối lỗi lầm của mình giữa đám tiệc tùng ồn ào.

8/ Cuộc đời chị sẽ đổi mới từ hôm nay, và là một bài học đắc giá cho những người có mặt tại bữa tiệc. Chị hơn bọn họ ở chỗ là chị dám thú tội công khai. Chị đã khóc nhiều cho cuộc đời quá xấu xa tồi tệ của mình. Những giọt nước mắt nơi chân Chúa đã giúp chị tẩy sạch tội lỗi.

9/ Trước thái độ và tâm tình chân thành của chị, Chúa Yesus đã hoàn toàn thông cảm và tha thứ cho chị. “Tội của chị đã được tha rồi”, đây là một lời đầy nhân từ và an ủi.

10/ Lời thứ hai Chúa nói với chị: Lòng tin của chị đã cứu chị, hãy đi bình an. Đây là một lời an ủi, một lời xác nhận niềm tin.

11/ Người phụ nữ đã được tha nhiều và chị đã tỏ lòng yêu mến nhiều , ý Chúa không muốn xúi dục chúng ta phạm tội nhiều để được Chúa yêu nhiều? Chắc chắn là không?

12/ Có chắc là chúng ta có lòng thống hối đó không? Có chắc chúng ta kịp thời để tỏ lòng ăn năn thống hối không? Có chắc chúng ta yêu Chúa nhiều không? Yêu nhiều là được tha nhiều, cũng có nghĩa đây là ăn năn tội cách trọn.

13/ Ăn năn hối hận vì đã làm tổn thương đến sự Thánh thiện của Chúa. Vì đã làm tổn thương, đã phản bội lòng yêu thương bao la của Chúa, chúng ta hãy có lòng ăn năn nhiều như chị người phụ nữ này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con đừng thất vọng về chính mình, nhưng luôn biết tin tưởng vào tình yêu thương tha thứ của Chúa mỗi khi chúng con vấp ngã phạm tội ,để con mau mau trở về với Chúa . Amen

Bài chia sẻ của Jos. Vinc. Ngọc Biển:

Đoạn Tin Mừng hôm nay trình thuật việc cô Mađalêna xức dầu thơm cho Đức Giêsu và lấy tóc mình mà lau. Sự trở lại của cô đã làm cho nhiều người kinh ngạc và hành động của cô cũng gây nên không ít sự tò mò cho mọi người xung quanh.

Tưởng cũng nên nhắc lại, Mađalêna là một cô gái điếm chuyên nghề, nhưng cô đã được Đức Giêsu giải cứu khỏi cái chết trước sự hằm hằm của các người Biệt Phái khi họ dẫn giải cô đến để xin Đức Giêsu xét xử.

Cô đã được quý nhân phù trợ, Đức Giêsu đã giải thoát cô khỏi chết và phục hồi tinh thần cho cô bằng tình thương xót của Ngài.

Vì thế, cuộc đời của Mađalêna đã thay đổi từ đó.

Nếu trước kia đôi mắt của cô là đôi mắt đa tình, thì nay đôi mắt đó đã đẫm lệ ăn năn.

Nếu trước kia mái tóc là vật để trang điểm thân xác và tạo sự chú ý của các chàng trai khát tình, thì giờ đây đã dùng để lau chân Chúa.

Nếu đôi môi là nơi diễn ra những nụ hôn nồng thắm phục vụ cho những cuộc ăn chơi trác táng, thì giờ đây cô đã dùng vào việc hôn chân Chúa.

Nếu trước kia dầu thơm là mồi câu khách làng chơi, thì giờ đây, cô đã dùng vào việc xức chân Chúa.

Tất cả những hành vi đó của cô đã biểu lộ một đức tin tuyệt đối và lòng yêu mến nồng nàn với Đức Giêsu, Đấng đã giải thoát cô khỏi tội lỗi và khỏi chết.

Thật vậy, cuộc đời của mỗi con người đều có một quá khứ và tương lai, các thánh là những người cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó! Điển hình là Mađalêna, cuộc đời của ngài từ tội nhân trở thành thánh nhân nhờ ân sủng của Thiên Chúa. Từ lòng bao dung tha thứ của Đức Giêsu, Mađalêna đã được phục hồi giá trị làm người và làm con Thiên Chúa. Bây giờ cô có quyền ra đi trong cuộc sống với một tâm hồn bình an vì đã yêu nhiều nên được tha nhiều.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy chạy đến với lòng thương xót của Thiên Chúa trong tâm tình thống hối ăn năn.

Hãy tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa. Vì tội chúng ta có đỏ như son, có thẫm tựa vải điều, thì Thiên Chúa cũng tẩy cho trắng như bông, sạch như tuyết.

Muốn đạt được điều đó, chúng ta phải quay trở về với Chúa trong sự khiêm tốn, ăn năn, tin tưởng. Tất cả được xây dựng trên lòng mến.

Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi tội lỗi, và ban ơn giúp sức để chúng con được ơn trở về với Chúa cách trọn vẹn và trung thành như thánh nữ Mađalêna khi xưa. Amen.

Thứ sáu, 19/09/2014

Tin Mừng Chúa Yesus Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 8,1-3)

Đề tài: Đề cao tinh thần người phụ nữ

1 Khi ấy, Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai  2 và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ , 3 bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Phụ nữ là thành phần bị khinh khi trong xã hội Do Thái. Thành kiến và cấm kỵ trong Tôn giáo đã đè nặng trên cuộc đời họ, nhưng trong cái nhìn của Chúa Yesus, Ngài không có phân biệt đối xử, vì tất cả mọi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa.

2/ Phụ nữ cũng là những đối tượng mà Thiên Chúa cần cứu độ và họ cũng có bổn phận, trách nhiệm để cộng tác vào công trình cứu độ của Người.

3. Xã hội ngày nay cũng còn nhiều thành kiến và coi phụ nữ như thành phần mua vui, hay là công cụ để trục lợi. Mỗi ki-tô hữu đều phải có bổn phận, trách nhiệm trong việc bảo vệ và nâng cao phẩm giá người phụ nữ theo tinh thần mới của Đức Ki-tô.

4/ Phúc âm hôm nay ghi lại sự kiện có một một số phụ nữ đi theo giúp đỡ Chúa và các Môn đệ trên bước đường truyền giáo. Sự hiện diện của họ cho ta thấy rõ thái độ và quan niệm của Chúa Yesus đối với phụ nữ.

5/ Vấn đề này cũng chẳng có gì mới mẻ, vì ngay từ thế kỷ thứ I của công nguyên này, cũng đã có người khởi xướng về vấn đề bình đẳng nam nữ và tôn trọng phụ nữ ,đó là Đức Yesu Kito . Ngày nay đó cũng là mục tiêu, khuynh hướng cách mạng đã được đề ra và đang được các nước chăm chú thực hiện.

6/ Trước quan niệm hẹp hòi của người Do Thái, phụ nữ luôn bị thua thiệt trong quyền lợi cũng như trong cách đối xử. Thậm chí phụ nữ còn bị coi là đầu mối của tội ác, và là mưu chước của ma quỷ.

7/ Quan niệm của xã hội thời đó hoàn toàn khác với quan niệm của Chúa Yesus. Trong toàn bộ Giáo huấn của Chúa, không thấy có điều nào tỏ ra kỳ thị với phụ nữ, ngược lại, lời nói và hành động của Ngài luôn tỏ ra tôn trọng và đề cao , là thái độ cần phải có đối với phụ nữ.

8/ Phong cách của Chúa Yesus khi nói về người phụ nữ cũng như khi nói với phụ nữ. Rõ ràng là một điều hoàn toàn mới mẻ nếu đem so với phong tục tập quán Do thái vào thời đó.

9/ Chúa Yesus không hề tỏ ta có chút phân biệt nào giữa người nam và người nữ. Chúa Yesus coi cả hai đối tượng đều bình đẳng vì cả hai đều là thụ tạo giống hình ảnh Thiên Chúa.

10/ Ngày 30/09/1988, Đức Yoan Phao-lô II đã công bố Tông thư về: “Ơn gọi và phẩm giá người phụ nữ”. Ngài cũng nói: Người nam và người nữ là hai ngôi vị bình đẳng , cùng một phẩm giá là hình ảnh của Thiên Chúa, vừa là 2 đối tượng cần phải bổ túc cho nhau.

11/ Trước mặt Thiên Chúa, không có vấn đề đàn ông hay đàn bà nhưng chỉ là: Tội nhân hoặc Thánh nhân mà thôi!

12/ Trở lại với bài Tin Mừng: Trên bước đường truyền giáo của Chúa, đã có những phụ nữ sẵn lòng giúp Chúa và các Tông đồ. Ngày nay cũng có rất nhiều phụ nữ hăng say, sẵn lòng giúp các hoạt động Tông đồ của Giáo hội.

 

Cầu nguyện: Lạy Chúa, phân nửa loài người chúng con là phụ nữ, xin giúp cho người nam chúng con biết yêu thương và tôn trọng họ. Xin Chúa cho phái nữ luôn biết sống xứng đáng, gương mẫu, đừng bán rẻ lương tâm của mình, đừng để cho ma quỷ lợi dụng để làm cớ cho kẻ khác phạm tội. Xin Mẹ Maria phù hộ và chuyển cầu. Amen.

Bài chia sẻ của Jos. Vinc. Ngọc Biển:

Những người được gọi và chọn để thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng, thường hay có những lý giải như: mình còn trẻ, không biết ăn nói; hay tôi là người tội lỗi, thấp cổ bé họng...; hoặc tôi là dân quê mùa, ít học, nghèo nàn, dốt nát...

Tuy nhiên, nhìn lại hành trình rao giảng Tin mừng của Đức Giêsu, chúng ta thấy rất rõ những người đi theo Ngài đâu có mấy người thế giá trong dân? Điển hình như các Tông đồ là những người nhà quê, ít học, vụng về hoặc tội lỗi khét tiếng, nói chung là lý lịch thuộc hạng bất hảo! Bên cạch đó, cũng có một số phụ nữ đi theo, các bà là những người cũng không mấy tốt lành nguyên thủy. Điển hình như Maria Madalena, bà là người đã từng bị quỷ ám. Còn bà Gioanna thì lại là vợ viên quản lý của vua Hêrôđê...

Tuy xuất phát điểm khác nhau, nhưng khi được Đức Giêsu mời gọi, cuộc đời của các Tông đồ và những phụ nữ này đã "buông theo ân sủng" để gặp nhau cùng một mẫu số chung, đó là: gặp được Đức Giêsu, cảm nghiệm được tình thương của Ngài, đặt niềm tin nơi Ngài, sẵn sàng quảng đại để đi theo Ngài và phục vụ Ngài cách trung thành.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy can đảm ra đi làm chứng cho Chúa, mặc dù cuộc đời ta có bất hảo. Kém cỏi về tri thức, vụng về trong cách ăn nói, tội lỗi có ngập đầu và vẫn còn những tham sân si...

Nhưng trong sự thống hối, tin tưởng và yêu mến Chúa, chúng ta có quyền tin tưởng Chúa sẽ làm được những chuyện lớn lao do tình thương và ân sủng của Ngài nơi cuộc đời và sứ vụ của chúng ta.

Điều quan trọng là chúng ta có sẵn sàng ra đi, dấn thân, quảng đại cho sứ vụ Nước Trời hay không mà thôi!

Mặt khác, hình ảnh những phụ nữ đi theo và phục vụ Đức Giêsu trong sứ vụ Thiên Sai của Ngài cho thấy: Đức Giêsu không hề chê bỏ bất cứ ai, dù họ thuộc thành phần nào trong xã hội.

Do đó, không ai có mặc cảm vì mình vô dụng hoặc kém cỏi, nhưng chúng ta phải không ngừng cảm tạ tình yêu và lòng thương xót của Chúa đã dành cho chúng ta bằng cách mỗi ngày cố gắng sống xứng đáng hơn, mỗi ngày sống yêu thương hơn để cộng tác với Ngài trong công trình cứu độ.

Lạy Chúa, xin thánh hóa chúng con, để chúng con trở thành Tông đồ của Chúa trong môi trường và xã hội hôm nay. Amen.

Thứ bảy, 20/09/2014

Tin Mừng Chúa Yesus Ki-tô theo Thánh Luca (Lc 8,4-15)

Đề tài: Mảnh đất tốt

4 Khi ấy, dân chúng tụ họp đông đảo. Từ khắp các thành thị, người ta kéo đến cùng Đức Giê-su. Bấy giờ Người dùng dụ ngôn mà nói rằng : 5 “Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất. 6 Hạt khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt. 7Có hạt rơi vào giữa bụi gai, gai cùng mọc lên, làm nó chết nghẹt. 8 Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm”. Nói xong, Người hô lên rằng : “Ai có tai nghe thì nghe.”
9 Các môn đệ hỏi Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì. 10 Người đáp : “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa ; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà không nhìn, nghe mà không hiểu.

11 “Đây là ý nghĩa dụ ngôn : Hạt giống là lời Thiên Chúa. 12 Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi quỷ đến cất Lời ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. 13 Còn những kẻ ở trên đá là những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời, nhưng họ không có rễ. Họ tin nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc. 14 Hạt rơi vào bụi gai : đó là những kẻ nghe, nhưng dọc đường bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành. 15 Hạt rơi vào đất tốt : đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Dụ Ngôn người gieo giống cho thấy hiệu quả của Lời Chúa tùy thuộc vào sự đón nhận của người nghe. Bản chất của hạt giống là nảy mầm, đơm bông, kết trái, nhưng cuối cùng thì hiệu quả cũng còn tùy thuộc vào mảnh đất, là nơi hạt giống được gieo trồng.

2/ Mảnh đất sỏi đá: Là những người ham lắng nghe nhưng không chịu đem ra thực hành. Mảnh đất gai góc là những tâm hồn ham thích Lời Chúa nhưng thường bị bóp nghẹt bởi những đam mê và bởi vinh hoa phú quý trần thế.

3/ Mảnh đất tốt là những tâm hồn biết để Lời Chúa thấm nhập, chịu biến đổi và cuối cùng chịu sinh hoa kết quả.

4/ Hạt giống khi được gieo cứ như thường lệ thì nó phải mọc thành cây và sinh bông trái. Nhưng kết quả thu hoạch được cũng còn tùy thuộc vào mảnh đất có tốt hay không thì mới cho kết quả cao hay thấp. Đây cũng là điều dễ hiểu.

5/ Hạt giống Lời Chúa thì luôn luôn tốt, không bao giờ là hạt giống xấu ,  Vì thế kết quả của Lời Chúa chỉ còn tùy thuộc vào ruộng đất là tâm hồn người nghe.

6/ Dụ Ngôn gieo giống cho biết:  Số phận khác nhau, cho ra kết quả khác nhau của Lời Chúa là còn tùy theo thái độ hay là tinh thần của thính giả. Chính thái độ hay tinh thần của tính giả là thuận lợi hay gây trở ngại đối với kết quả thu hoạch được.

7/ Chúa Yesus đã sắp xếp những trở ngại theo thứ tự như sau: Một là do trí khôn, đó là những người không muốn nghe hoặc nghe mà không chú ý, vào tai này lại ra tai kia, đó là hạt giống rơi trên vệ đường. Hai là trở ngại do ý chí: Là những người nghe Lời Chúa, họ để ý nghe, nhưng chỉ hời hợt vậy thôi nên khi gặp khó khăn hay bị cám dỗ thì ngã lòng hay chán nản ngay, đây là hạt giống rơi trên sỏi đá.

8/ Ba là trở ngại do tình cảm, là kẻ nghe Lời Chúa nhưng vì muốn chiều theo thị kiến của thế gian hay những đòi hỏi xác thịt nên những thứ ấy đã bóp nghẹt Lời Chúa, đó là những hạt giống rơi vào bụi gai.

9/ Cuối cùng là những kẻ nghe Lời Chúa, họ chú ý lắng nghe, sau đó để tâm suy nghĩ và cố gắng sống theo Lời Chúa dạy. Nhưng những thuận lợi này cũng sẽ cho ra kết quả khác nhau, được Chúa diễn tả bằng 3 con số: 30--60--100.

10/ Từ xưa đến nay chúng ta đã được Lời Chúa gieo vào trong tâm hồn rất nhiều lần , biết bao nhiêu bài Kinh Thánh, biết bao nhiêu bài giảng chúng ta đã nghe, đó là những hạt giống đã được gieo, nhưng sau đó thì kết quả thế nào.

11/ Kết quả 100 thì chắc là có ít, 60 thì hy vọng có nhiều người đạt được, còn 30 là mức tổi thiểu phải đạt được, cho dù kết quả ít đi chăng nữa, chúng ta cũng không nên thất vọng, bởi chỉ có Chúa biết được thôi. Chúng ta phải luôn cố gắng hơn nữa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết suy xét về thái độ lắng nghe Lời Chúa của mình, để Lời Chúa không bị chết ngợp vì vinh hoa trần thế, vì thú vui, danh vọng. Để Lời Chúa được sinh hoa kết quả dồi dào trong chúng con và trong anh em chúng con nữa . Amen.

Bài chia sẻ của Jos. Vinc. Ngọc Biển:

Nói đến gieo giống, người ta nghĩ ngay đến ai là người gieo? Gieo gì? Và gieo vào đâu? Hạt gống mọc lên ra sao? Sinh hoa kết quả thế nào...?

Hôm nay Đức Giêsu đã kể dụ ngôn người gieo giống và mặc khải cho biết: Người gieo giống là Thiên Chúa. Hạt giống là Lời của Người qua các tổ phụ, tiên tri và sau hết là chính Đức Giêsu. Tuy nhiên, thân phận hạt giống thì đều chung một mẫu số chung là bị quên lãng, bỏ ngoài tai hay vô tâm, chỉ ¼ là được đón nhận. Lý do thân phận của hạt giống bị hư hoại nhiều là vì sự chai cứng trên lối mòn hay bởi gai góc, đá sỏi cằn khô. Chỉ một ¼ số hạt gieo vãi được may mắn rơi vào đất tốt, đủ điều kiện để hạt giống nảy mầm, đơm bông kết trái.

Hình ảnh này cho thấy thực trạng của xã hội chúng ta hôm nay cũng đang bị đủ thứ gai góc, sỏi đá và lối mòn đe dọa đến hạt giống của Lời. Những thứ đó là lối sống sa đọa, nhu nhược, vô luân, không có tự trọng... tham nhũng, bóc lột, lừa gạt, dẫn đến tình trạng: "Người ta làm mình cũng làm. Người ta làm bậy mình cũng làm theo", nên Lời Chúa không sinh ích cho người đón nhận.

Thực vậy, biết bao con người hôm nay cứ trố mắt và lao mình vào những con đường tội lỗi mà không hề có chút ưu tư. Họ sống như không có gì xảy ra vậy.

Nơi giới trẻ ngày nay, tình trạng thượng tôn tình dục, văn hóa đồi trụy đang là mốt rất "hót". Dẫu vẫn biết rằng văn hóa phẩm đồi trụy là nguyên nhân nguy hiểm, tác hại khôn lường đến đời sống đạo đức gia đình, xã hội và làm băng hoại Lương Tâm, dẫn đến tình trạng mù quáng và đi vào con đường chết! Nhưng vì đồng tiền và bản năng hạ đẳng của con người, họ vẫn ngang nhiên cung cấp và thỏa sức xử dụng... như loài không có lương tri, không có linh hồn...!

Quả thật, những người đó, và đôi khi có cả chúng ta, là những người có tai mà không nghe, có mắt mà không thấy. Lời Chúa đến với họ chẳng khác gì "đàn gảy tai trâu" hay như "nước đổ đầu vịt, lá khoai".

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết lắng nghe Lời Chúa, sống Lời Chúa, và trung thành với giáo huấn của Chúa, hầu như hạt giống tốt được thửa đất màu mỡ là tâm hồn ngay thẳng đón nhận và trổ sinh nhiều bông hạt tốt tươi. Đồng thời phải biết chọn lọc những điều tốt, tránh những thứ xấu xa làm lu mờ lương tâm chân chính.

Hôm nay phụng vụ mừng kính thánh Anrê Kim Taegon, Phaolô Chong Hasang và Các Bạn Tử Đạo tại Hàn Quốc.

Các ngài là những người được ơn Chúa đặc biệt. Tâm hồn các ngài như những thửa đất tốt để khi có dịp tiện là hạt giống Lời Chúa được nảy mầm, lớn lên và phát triển, đem lại mùa gặt bội thu.

Lịch sử Giáo Hội tại Hàn Quốc hết sức đặc biệt. Những người tin hữu đầu tiên được gia nhập Giáo Hội không phải qua lời giảng dạy của các linh mục, tu sĩ thừa sai, mà là tự họ tìm ra chân lý và mau mắn đón nhận trong lòng mến.

Khi cơn bách hại đạo đến, các ngài sẵn sàng chịu chết để minh chứng cho đạo mình theo là chân thật. Hạt giống của Lời Chúa đã đâm trồi nẩy lộc và sinh hoa trái dồi dào. Vì thế, chỉ trong vòng 1 thế kỷ, Giáo Hội đã kiêu hãnh với 10,000 vị tử đạo. Cái chết của các vị tử đạo này trở thành men cho Giáo Hội, thành muối ướp cho đời và ánh sáng cho trần gian.

Hoa trái đức tin đã đem lại vẻ huy hoàng cho Giáo Hội tại Hàn Quốc khi được điểm tô bởi 103 thánh tử đạo được thánh Gioan Phaolô II đã tôn phong ngày 6-5-1984 và 124 đáng được tôn phong chân phước do đức Giáo Hoàng Phanxicô ngày 16-8 – 2014 vừa qua.

Trong thánh lễ phong thánh, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: "Bằng một cách hết sức kỳ diệu, ơn Chúa đã sớm thúc đẩy các học giả cha ông của anh chị em nghiên cứu tìm kiếm sự thật về Lời Chúa trước và rồi dẫn đưa họ đến với một đức tin sống động nơi Đấng Cứu Độ Phục Sinh". Và trong bài giảng lễ phong chân phước, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã nêu cao gương sáng của các ngài khi nói: "Các thánh tử đạo dạy cho chúng ta rằng của cải, uy tín, danh vọng không quan trọng : Đức Kitô là kho báu độc nhất".

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con là thửa đất tốt để hạt giống của Lời Chúa luôn triển nở trong tâm hồn chúng con. Amen.


Trở lại      In      Số lần xem: 2076
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  10
 Hôm nay:  3190
 Hôm qua:  8431
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11429455
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top