Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Chia sẻ Lời Chúa Tuần 30 (TN A)

Thứ hai, 27/10/2014
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 13,10-17)
Đề tài: Tinh thần ngày Sa-bát

10 Khi ấy, Đức Giê-su giảng dạy trong một hội đường. 11 Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. 12 Trông thấy bà, Đức Giê-su gọi lại và bảo : “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền !” 13 Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.
14 Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giê-su đã chữa bệnh vào ngày sa-bát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng : “Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sa-bát !” 15 Chúa đáp : “Những kẻ đạo đức giả kia ! Thế ngày sa-bát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước ?16 Còn bà này là con cháu ông Áp-ra-ham, bà ấy bị Xa-tan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sa-bát sao ?” 17 Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Con người tội lỗi dù có xấu xa cỡ nào, thì họ cũng có được một chỗ  đứng trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

2/ Ngày nay nước Úc là một quốc gia tiên tiến, giàu mạnh, nhưng cha ông ngày xưa của họ, khi nói đến việc định cư và xây dựng nước Úc, họ chỉ là những tù nhân của Anh Quốc khi họ đến đây để tìm cơ hội làm lại cuộc đời.

3/ Chúa Yesus đến để kiện toàn lề luật: Lề luật được lập ra vì hạnh phúc của con người, và tinh thần của lề luật chính là Đức bác ái.

4/ Nếu giữ luật mà thiếu đức ái thì chỉ là cách sống đạo máy móc: Nó sẽ dễ dàng phá vỡ mối tương quan tốt đẹp giữa con người với nhau.

5/ Chúa Yesus muốn chúng ta hiểu rằng: Lề luật giúp nâng cao phẩm giá con người, nếu lề luật chối bỏ phẩm giá con người thì tự nó đã làm mất đi ý nghĩa và mục đích mà nó muốn đạt được.

6/ Chúa Yesus đến trần gian là để phục hồi những gì đã mất. Tin Mừng ghi lại rất nhiều phép lạ Chúa chữa bệnh tật: Mục đích không những Chúa muốn chữa các đau thương trong thân xác con người mà Chúa còn muốn nói lên một thực tại cao siêu hơn là bày tỏ tình yêu thương của Thiên Chúa và mời gọi con người đến để đón nhận.

7/ Vào thời Chúa Yesus: Dịch vụ chữa bệnh trong ngày Sabat bị cấm, các biệt phái và Kinh sư chủ trương rằng: Thà để cho một bệnh nhân chịu đau đớn còn hơn là phạm luật ngày Sabat.

8/ Họ cho rằng phạm luật ngày Sabat là xúc phạm đến Thiên Chúa: Từ thái độ máy móc và tinh thần nô lệ lề luật của họ khiến cho nhiều người có cái nhìn sai lệch về Thiên Chúa ,về đạo .

9/ Dưới con mắt của họ, Thiên Chúa là một vị Thần luôn so đo tính toán: Luôn rình rập để phạt con người, vô tình họ áp đặt cái tính hẹp hòi gian ác của con người vào cho Thiên Chúa.

10/ Chúa Yesus muốn đánh đổ quan niệm sai lầm ấy, Chúa Yesus muốn cho mọi người thấy: Vinh quang và danh sự của Thiên Chúa chính là ở chỗ Thiên Chúa làm cho con người được sống hạnh phúc. Do đó Chúa Yesus đã không ngần ngại chữa bệnh trong ngày Sabat.

11/ Chúa không chỉ giải thoát con người khỏi những đau khổ phần xác, Ngài còn giải thoát con người ra khỏi các thứ Tôn giáo vụ hình thức / tự do mà Chúa Yesus muốn mang lại cho con người, đó là tự do của tình thương.

12/ Chỉ những ai biết sống yêu thương quảng đại thì họ mới thật sự là con người tự do: Họ mới xứng đáng để được giải thoát.

13/ Thiên Chúa yêu thương con người: Đó là chân lý nền tảng của đạo chúng ta, tình thương ấy vượt xa mọi tính toán, mọi đo lường và mong chờ của con người. Chúng ta hãy mở rộng lòng để đón nhận tình yêu thương của Chúa, đồng thời biết chia sẻ tình yêu thương ấy bằng tất cả lòng quảng đại, cảm thông và chia sẻ với anh em.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa ban lề luật là mong chúng con sống tốt, xin cho chúng con tuân giữ với lòng yêu mến đích thực để chúng con luôn là những con người tự do trong Chúa. Amen.

 

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Chúa Giêsu chữa bệnh trong ngày Sabbath.

 1/ Lòng thương xót của Chúa khi nhìn thấy đau khổ của con người: Một con người bình thường sẽ cảm thấy xót xa khi nhìn thấy một người mẹ lưng còng; hậu quả của những tháng ngày hy sinh lam lũ ngòai đồng để có cơm bánh cho đàn con. Có đau mắt thì mới biết thương người mù, có còng lưng như Bà thì mới biết nỗi khổ nhục của người lúc nào cũng chỉ nhìn xuống đất. Chúa Giêsu xót xa khi nhìn thấy Bà và không cầm lòng được trước đau khổ của Bà nên Ngài ra tay chữa Bà dẫu Bà không xin (chắc Bà cũng chẳng nhìn thấy Chúa để xin) và dẫu là ngày Sabbath, nên Đức Giê-su gọi lại và bảo: "Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!" Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.

2/ Sự vô tâm của ông Trưởng Hội Đường: Cùng nhìn một người đàn bà lưng còng, nhưng cách nhìn và phản ứng của ông Trưởng Hội Đường khác hẳn với cách nhìn và phản ứng của Đức Kitô. Sự đau khổ của Bà không là mối quan tâm của ông, nhưng việc không giữ ngày Sabbath của Chúa làm tổn thương đến địa vị của ông và làm ông mất mặt với dân chúng. Chúng ta hãy xem thái độ của ông: Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giêsu đã chữa bệnh vào ngày Sabbath, ông lên tiếng nói với đám đông rằng: "Đã có sáu ngày để làm việc, thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày Sabbath!"

3/ Chúa vạch trần sự sai trái của ông: Trước hết, Chúa mắng ông là “Đồ giả hình;” vì xem ra ông giữ Luật, nhưng lại vi phạm Luật khi phải bảo vệ những gì liên quan đến quyền lợi của mình. Chúa đưa ra một ví dụ: “Thế ngày Sabbath, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước?” Thứ đến, Chúa chỉ cho thấy sự vô tâm của ông khi đối xử con người không bằng con bò hay con lừa: “Còn bà này, là con cháu ông Abraham, bị Satan trói buộc đã mười tám năm nay, thì chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày Sabbath sao?”

Đứng trước những lời sửa dạy của Chúa, con người có 2 thái độ: tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

(1) Chúng ta phải biết mở lòng để sẵn sàng sửa chữa những niềm tin sai lầm và những thói quen xấu.

 

(2) Phải đặt tình yêu và lòng thương xót lên trên những lợi lộc vật chất hay giữ Lề luật bên ngòai.

 

Thứ ba, 28/10/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 6,12-19)

Đề tài: Công trình của Thiên Chúa – (Kính Thánh Simon và Yuda Tông đồ)

12 Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. 13 Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. 14 Đó là ông Si-môn mà Người gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông ; sau đó là các ông Gia-cô-bê, Gio-an, Phi-líp-phê, Ba-tô-lô-mê-ô, 15 Mát-thêu, Tô-ma, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-môn biệt danh là Nhiệt Thành, 16 Giu-đa con ông Gia-cô-bê, và Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, người đã trở thành kẻ phản bội.
17 Đức Giê-su đi xuống cùng với các ông, Người dừng lại ở một chỗ đất bằng. Tại đó, đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng từ khắp miền Giu-đê, Giê-ru-sa-lem cũng như từ miền duyên hải Ti-a và Xi-đôn 18 đến để nghe Người giảng và để được chữa lành bệnh tật. Những kẻ bị các thần ô uế quấy nhiễu cũng được chữa lành. 19 Tất cả đám đông tìm cách sờ vào Người, vì có một năng lực tự nơi Người phát ra, chữa lành hết mọi người.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Không ai có thể lựa chọn cho mình một số phận, nhưng trong ánh mắt tình yêu của Thiên Chúa, số phận nào cũng là một hồng ân.

2/ Giáo hội được xây dựng trên nền tảng của các Tông đồ, các Ngài vốn không phải là những con người hoàn hảo, thánh thiện, tài ba => Điều đó cho thấy Giáo hội là công trình của Thiên Chúa.

3/ Chúa Yesus chọn các Tông đồ không dựa vào các tiêu chuẩn nguồn gốc, tài năng, đức độ. Ơn gọi Tông đồ là một ân ban rất trọng => Vì thế thái độ mà các ông cần có, chính là niềm tin và sự khiêm hạ.

4/ Giáo hội là một cộng đoàn gồm toàn những con người bất toàn và khác biệt: Các ông cần được thanh luyện mỗi ngày để nên hoàn thiện hơn.

5/ Nói về hai Thánh Simon và Yuda: Chúng ta biết rất ít về hai Ngài, chỉ được nghe kể trong danh sách các Tông đồ, Thánh Yuda thì Tác giả Tân Ước nói đến một lần, còn Thánh Simon thì bị quên hẳn, không được nói đến lần nào.

6/ Thánh Simon lại trùng tên với Thánh Simon Phê-rô nên đằng sau tên Ngài còn có tên là Simon nhiệt thành. Thánh Yuda lại trùng tên với Yuda Iscariot nên Ngài còn được gọi bằng một cái tên khác là Tađêo.

7/ Thánh Simon, có biệt danh là nhiệt thành: Ngài sinh trưởng tại Galilê và là phụ rể cho chú rể trong tiệc cưới Cana, sau khi chứng kiến Chúa Yesus biến nước thành rượu, Ngài bỏ mọi sự đi theo làm Môn đệ Chúa. Sau khi lãnh nhận thánh thần, Ngài đi truyền giáo tại Ai Cập rồi Ba tư và chịu tử đạo tại đây! Có tài liệu cho rằng Ngài chết cùng với Thánh Yuda nên Giáo hội mừng kính 2 Ngài trong cùng 1 ngày.

8/ Thánh Yuda có 2 tên: Yuda và Tadeô, Tin Mừng có kể một trường hợp về Ngài: Ngài là vị Tông đồ có cuộc đàm luận sau bữa tiệc ly, đã hỏi Chúa Yesus: Thưa Thầy, tại sao Thầy tỏ mình cho chúng con mà không tỏ cho thế gian => Chỉ có một trường hợp đó đề cập đến thánh Yuda

9/ Các nhà chú giải cho rằng: Ngài không phải là tác giả của bức thư Yuda trong Tân Ước; theo lưu truyền Ngài đã đi rao giảng Tin Mừng ở Mesopotamia và Ba Tư và chịu tử đạo tại đây như đã nói về Thánh Simon.

10/ Bài học từ hai Ngài là lòng nhiệt thành và trung thành. Thánh Simon nhắc nhở chúng ta: Nhiệt thành phụng sự Chúa và phục vụ anh em trong nhẫn nại. Lòng nhiệt thành giúp ta can đảm dám làm, dám hy sinh; đồng thời phải có lòng trung thành và bền chí đến cùng.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, trong Giáo hội luôn có những phần tử yếu đuối và bất toàn, xin Chúa giúp chúng con luôn vững tin, trung thành và nhiệt thành lo công việc Chúa cho đến cùng, noi gương 2 vị Thánh Tông đồ Simon và Yuda . Amen.

 

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa.

1/ Chúa Giêsu cầu nguyện trước khi gọi các Tông-đồ: Cầu nguyện là một trong những chủ đề chính của Tin Mừng Lucas. Cầu nguyện được một người định nghĩa là bàn hỏi với Thiên Chúa. Quyết định lựa chọn Nhóm Mười Hai là quyết định vô cùng quan trọng cho sự sống còn của Giáo Hội; vì nếu Nhóm Mười Hai không trung thành chu toàn với sứ vụ, Giáo Hội sơ khai không thể tồn tại được. Thánh Lucas nói rõ "Chúa cầu nguyện suốt đêm;" điều này cho thấy Ngài không chọn Nhóm Mười Hai như một tổng thể, nhưng chọn mỗi cá nhân của Nhóm Mười Hai. Trong sự quan phòng khôn ngoan của Thiên Chúa, các Ngài biết rõ tính tình và những gì sẽ xảy ra cho từng cá nhân này.

2/ Chúa Giêsu chọn các Tông-đồ: "Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ. Đó là ông Simon mà Người gọi là Peter, rồi đến ông Andre, anh của ông; sau đó là các ông James, John, Philip, Bartholomew, Matthew, Thomas, James con ông Alpheus, Simon biệt danh là Nhiệt Thành, Judah con ông James, và Judah Iscariot, người đã trở thành kẻ phản bội."

(1) Các con người không đặc biệt: Nếu xét theo tiêu chuẩn con người, Nhóm Mười Hai này chẳng có gì xuất sắc hay đặc biệt cả. Không một ai là học giả khôn ngoan, không ai có quyền thế trong xã hội; đa số là những người chài lưới thất học, nghèo hèn. Thế mà Đức Kitô chọn các ông để biến đổi thế giới. Điều này cho thấy khôn ngoan và sức mạnh không đến từ các Tông Đồ; nhưng hoàn toàn do nơi Thiên Chúa.

(2) Các loại người xung khắc tính tình với nhau: Cặp người xung khắc nhất có lẽ là Simon Nhiệt Thành chúng ta mừng kính hôm nay và Matthew, người thu thuế. Simon thuộc nhóm Nhiệt Thành, người rất ghét những người làm tay sai cho ngoại bang để bóc lột dân chúng; mà Matthew lại cộng tác với ngoại bang để lấy thuế của dân chúng. Làm sao Đức Kitô hòa giải và huấn luyện cho hai con người này trở thành bạn và cùng chung sức rao giảng Tin Mừng! Cặp thứ hai là Phêrô và Thomas: Phêrô rất dễ tin và nhanh chóng biểu lộ niềm tin của mình trước hết các Tông Đồ khác; trong khi Thomas rất cứng lòng đến độ thách thức phải xem thấy mới tin.

(3) Các con người có mọi yếu đuối và khuyết điểm: Ngoài Phêrô tin rồi chối, chúng ta có hai anh em James và John ham muốn uy quyền và danh vọng làm cho các môn đệ khác tức tối. Judah Iscariote là kẻ phản bội bán Chúa. Cả Nhóm Mười Hai bị Chúa Giêsu trách là không thể thức với Chúa một giờ trong cơn hấp hối của Ngài; và tất cả bỏ chạy trốn trừ John còn đứng lại dưới chân Thập Giá Chúa. Trong bản tính Thiên Chúa, Đức Kitô chắc chắn thấy rõ những điều này; nhưng Ngài vẫn chọn và kiên nhẫn huấn luyện để mang đến kết quả tốt lành sau cùng.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta đã được Thiên Chúa chọn để trở nên người nhà lo việc của Thiên Chúa. Chúng ta đã làm gì để góp phần vào việc mở mang Nước Chúa?

 

- Chúa chọn chúng ta không phải vì khôn ngoan, tài giỏi, hay thánh thiện; nhưng khi chúng ta vẫn còn mang đầy những yếu đuối, khuyết điểm, và tội lỗi trong người. Ngài muốn chúng ta hãy ngoan ngoãn vâng theo sự hướng dẫn của Thánh Thần và những dạy dỗ của Đức Kitô để sống xứng đáng như người môn đệ và làm cho tha nhân được đón nhận Tin Mừng.

 

Thứ tư, 29/10/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 13,22-30)

Đề tài: Hãy vào qua cửa hẹp

22 Khi ấy, trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. 23 Có kẻ hỏi Người : “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không ?” Người bảo họ : 24“Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết : có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.
25 “Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói : ‘Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào !’, thì ông sẽ bảo anh em : ‘Các anh đấy ư ? Ta không biết các anh từ đâu đến !’ 26 Bấy giờ anh em mới nói : ‘Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.’ 27 Nhưng ông sẽ đáp lại : ‘Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính !’
28 “Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. 29 Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.
30 “Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Một người lính, muốn lên chức tướng lĩnh, phải chiến đấu không ngừng: Một vận động viên muốn đạt huy chương vàng ở các kỳ thi quốc tế, cần phải khổ luyện mỗi ngày; một học sinh muốn thi đỗ đại  học, phải cố gắng đêm ngày; một cụ già 84 tuổi muốn trở thành sinh viên đại học Nam Kinh, ông đã 13 lần lều chống đi thi.

2/ Cuộc đời sứ vụ của Chúa Yesus là cuộc ra đi không ngừng vì nước Thiên Chúa. Ngài cũng lệnh truyền cho chúng ta phải ra đi như vậy, “Ai muốn theo tôi, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo”.

3/ Lên đường là phải rời bỏ chốn cũ: Muốn trở nên thánh thiện, mỗi người cần phải vượt qua con người tội lỗi của mình để được biến đổi nên con người mới, tốt.

4/ Cửa hẹp chính là chiến đấu với bản thân mỗi ngày: Là con đường từ bỏ, là trở về nhà Cha, là trở về với Chúa.

5/ Nhân một dịp Chúa Yesus lên Yerusalem, có người hỏi Chúa: Số người được cứu rỗi, được vào nước trời nhiều hay ít? Thắc mắc như thế bởi vì người Do Thái cho rằng số người được cứu rỗi rất ít.

6/ Chúa Yesus không trực tiếp trả lời câu hỏi. Ngài có ý muốn nói: Không cần phải lo là vào nhiều hay ít, chỉ cần lo là mình có được vào hay không, lo làm sao để mình là một trong những người được chọn. Vì thế thay vì trả lời, Chúa khuyên hãy cố gắng vào qua cửa hẹp.

7/ Cửa hẹp không phải vì Chúa hẹp hòi: Chỉ mở hé cửa, Chúa không quá khắt khe, chỉ là chúng ta có đủ nhỏ để lọt vào hay không. Nước trời nói chung không hẹp nhưng đa số chúng ta mang vác quá cồng kềnh.

8/ Cồng kềnh do chúng ta quá nhiều hành lý trên vai: Nào là tiền bạc của cải, tình duyên, danh vọng, thú vui, hưởng thụ, khiến chúng ta bị vướng không vào được.

9/ Sự cồng kềnh chính yếu: Là do cái tôi quá cứng cỏi, lòng ích kỹ, cái tôi hèn nhát vì sợ mưa gió, không dám dấn thân.

10/ Như thế cánh cửa nước trời mà nhiều người thiện chí đã vào cách dễ dàng, nhưng lại trở thành khung cửa hẹp đối với đa số người: Vì cái tôi của họ quá cồng kềnh.

11/ Vào được nước trời hay không là do chúng ta, chứ không phải do Chúa. Thánh Augustino nói: Thiên Chúa tạo dựng, Ngài không cần hỏi ý kiến chúng ta, nhưng khi muốn cứu chúng ta, Ngài cần chúng ta đồng ý.

12/ Như thế, nếu muốn cứu chúng ta, Ngài cần chúng ta cộng tác. Vấn đề cứu chúng ta, không phải là yêu cầu Ngài phải mở rộng cửa, nhưng là yêu cầu chúng ta biết từ bỏ chính mình, từ bỏ mọi đam mê, từ bỏ những gì chúng ta ham thích nhưng lại không đẹp lòng Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết chiến đấu với bản thân mỗi ngày, để chúng con sớm trở thành con cái Chúa. Amen.

 

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào.

1/ Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào: Đường rộng rãi thênh thang chỉ dẫn tới sự hủy diệt: Không có kỷ luật, không thể thành công. Điều này không những đúng cho cá nhân mà còn đúng cho cả tập thể.

- Có kẻ hỏi Người: "Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?"

- Người bảo họ: "Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được. Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: "Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!” thì ông sẽ bảo anh em: "Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!”” Nguy hiểm của quan niệm dễ dãi: Vì tình thương bao la nên sau cùng Chúa sẽ cứu hết (Universalism).

2/ Nước Trời dành cho những ai nghe và giữ những gì Chúa dạy, không phải chỉ biết Ngài mà thôi:

(1) Tiêu chuẩn phán xét: Con người nhấn mạnh đến cái biết, Chúa nhấn mạnh đến việc làm.

26 Bấy giờ anh em mới nói: "Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi.”

27 Nhưng ông sẽ đáp lại: "Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!”

Nguy hiểm: Chỉ cần biết và tin Chúa là đủ (Tin Lành)

(2) Thực tế phũ phàng: Con cháu trong nhà và những kẻ quyền thế bị lọai ra ngòai.

- Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.

- Có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Tất cả các mối liên hệ tốt đều đòi hỏi phải có cả 2 chiều: liên hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa chủ nhân và nô lệ, giữa con người và Thiên Chúa.

- Phải chiến đấu để vào Nước Trời qua cửa hẹp, vì đường rộng rãi thênh thang chỉ dẫn tới sự diệt vong.

- Chúng ta phải luôn nhớ: Thiên Chúa không những là Thiên Chúa của tình thương mà còn là Thiên Chúa của công bằng.

 

Thứ năm, 30/10/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 13,31-35)

Đề tài: Hãy trở về với Chúa

31 Khi ấy, tại Giê-ru-sa-lem, có mấy người Pha-ri-sêu đến thưa Đức Giê-su rằng : “Xin ông đi ra khỏi đây, vì vua Hê-rô-đê đang muốn giết ông !” 32 Người bảo họ : “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này : ‘Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. 33 Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem thì không được.’
34 “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem ! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi ! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.35 Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi. Mà Ta nói cho các ngươi hay : các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói : Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa !”

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Hãy nhận ra một thứ tình yêu: Ông Khấu Chuẩn, đời Tống, lúc còn nhỏ quá ham chơi lêu lỏng. Một hôm ông trốn học đi chơi, bị bà mẹ giận quá, ném quả cân vào chân ông máu chảy đầm đìa; kể từ đó ông bỏ tật ham chơi, chuyên cần học tập nên về sau trở thành tể tướng! Mỗi lần nhìn lại vết thẹo, ông thầm nhủ: Vấp ngã là điều bình thường, chúng ta không nhìn nó để hối tiếc, nhưng để nhận ra một tình yêu thương cao cả.

2/ Chúa Yesus thương tiếc thành Yerusalem và sự cứng lòng của họ: Hằng ngày Chúa vẫn rao giảng và chữa lành như tình gà mẹ ấp ủ gà con; nhưng họ đã khước từ Ngài.

3/ Trong cuộc sống, chúng ta cũng đã đón nhận biết bao ơn lành của Chúa, nhưng điều quan trọng là chúng ta có nhận ra tình yêu của Chúa dành cho chúng ta không?

4/ Hãy tỉnh thức và trở về bằng một thái độ dứt khoát: Hãy từ bỏ lối sống đam mê thế gian để sống theo giáo huấn của Chúa Ki-tô.

5/ Hôm ấy Chúa Yesus đến miền Pê-rê, một địa hạt thuộc quyền cai trị của vua Hê-rô-đê “con” là  Antipa. Có vài người Phariseu có cảm tình với Chúa Yesus nên đến báo cho Chúa biết ý đồ của Vua Hê-rô-dê định giết Chúa và họ đề nghị Chúa nên đi khỏi nơi đó.

6/ Tại sao Vua Hê-rô-đê lại có ý định giết Chúa? Vì ông ta sợ Chúa Yesus tố cáo tội vô luân của ông đã cướp vợ của anh mình; ý nghĩ đó làm cho ngai vàng của ông rung rinh; nhưng Chúa Yesus không nao núng sợ hãi, Chúa biết rõ số phận mình sẽ ra sao, Chúa cũng dư biết ý định của vua Hê-rô-đê.

7/ Chúa biết rõ cả những thâm ý mưu mô của ông ta mà Ngài nói là khôn như con cáo: Dù thế, Chúa không bỏ dở công việc đã định trước, Chúa vẫn tiếp tục công việc Chúa đang làm ở đây!

8/ Chúa Yesus nhắn gửi lời lại cho vua Hê-rô-đê: Quyền hành và những ý định của vua không thể nào thay đổi được chương trình của Thiên Chúa.

9/ Chúa cho biết sẽ ở lại đây ba ngày: Rao giảng, chữa bệnh và trừ quỹ, rồi Chúa cũng cho biết: Chúa không thể nào chết ở đây, trong vùng đất của vua, nhưng phải chết tại Yerusalem. Vì sao?

10/ Theo truyền thống Kinh Thánh, Yerusalem là Kinh Thành của Menki-se-de, là tư tế đồng thời với Abraham, Yerusalem cũng là nơi đầu tiên Abraham dâng của lễ.

11/ Vào thời các quan án, Yerusalem vẫn là đô thị ngoại giáo. Cuối cùng vua Đa-vít chiếm lại được và đổi tên là Thành đô Đa-vít; hòm bia giao ước được đặt tại đây, vì thế Yerusalem trở thành trung tâm  đời sống thiêng liêng của Israrel.

12/ Nhưng trải qua các thời đại, Yerusalem đã nhiều lần bất trung, cuối  cùng bị vua Nabuko phá hủy tan hoang.

13/ Sang thời Tân Ước, Chúa Yesus nhiều lần than phiền Yerusalem là nơi chôn vùi bao nhiêu Ngôn sứ và rồi sau này đây, còn chôn vùi cả bản thân của Ngài nữa.

14/ Vì thế Chúa Yesus muốn thay thế Yerusalem cũ bằng chính bản thân Ngài, là Yerusalem mới và bảo phải tôn thờ chính Ngài thay cho Yerusalem ngày xưa.

15/ Chúa báo trước sẽ chết ở Yerusalem. Yerusalem là nơi chấm dứt cuộc sống trần gian của Chúa, cũng là nơi Chúa phục sinh và thăng thiên, cũng là nơi các Tông đồ nhận lãnh Thánh thần cũng từ Yerusalem mà Tin mừng được loan truyền khắp mặt đất.

Cầu nguyện: Lạy Chúa ,xin cho con đừng cứng lòng trước tình thương của Chúa ,nhưng luôn tin và sống theo giáo huấn của Chúa để đời sống chúng con ngày càng  thêm xứng đáng hơn ,Amen .

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Chúa Giêsu đương đầu với các quyền lực của thế gian.

1/ Với bạo vương Hêrôde Antipas của miền Galilê: Ông đã giết Gioan Tẩy Giả vì dám nói sự thật và giờ đây lại tìm cách để giết Chúa Giêsu. Tuy nhiên, khi được báo bởi mấy người Pharisêu, Chúa Giêsu chẳng những không sợ hãi mà còn bảo những người đưa tin: “Các ông hãy đi nói với con cáo ấy thế này: Hôm nay và ngày mai tôi trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, ngày thứ ba tôi hoàn tất. Tuy nhiên, hôm nay, ngày mai và ngày mốt, tôi phải tiếp tục đi, vì một ngôn sứ mà chết ngoài thành Jerusalem thì không được.” Chúa Giêsu muốn hòan tất sứ vụ của Chúa Cha đã trao phó cho dẫu phải đương đầu với bao nhiêu chống đối, đau khổ, và ngay cả cái chết.

2/ Với sự khước từ tình yêu của dân thành Jerusalem: Khỏang lưng chừng của Núi Cây Dầu ngày nay, vẫn còn một nguyện đường nhỏ nhìn xuống Thành Jerusalem gọi là Nguyện Đường “Chúa khóc.” Theo truyền thống, trước Cuộc Thương Khó, Chúa Giêsu đã ngừng lại chỗ này và Ngài thương dân trong Thành đến nỗi đã thổn thức kêu lên: “Jerusa-lem, Jerusalem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập họp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập họp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. Này đây, nhà các ngươi sẽ bị bỏ mặc cho các ngươi. Ta nói cho các ngươi hay: các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa cho đến thời các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!” Không nỗi đau khổ nào lớn hơn nỗi đau khổ bị khước từ tình yêu. Tuy vậy, Chúa vẫn trung thành yêu thương đến cùng, với hy vọng một ngày dân Thành sẽ nhận ra và chấp nhận tình yêu của Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Cuộc đời con người là một bải chiến trường chống lại ba thù: ma quỉ - thế gian – và xác thịt. Chúng ta không thể thắng được nếu không mặc áo giáp và mang lấy mọi vũ khí cần thiết của Thiên Chúa; cùng cầu nguyện không ngừng.

- Một khi đã có sự trợ giúp của Thiên Chúa, chúng ta phải hiên ngang như Chúa Giêsu: sẵn sàng đương đầu với mọi quyền lực của thế gian để chu tòan sứ vụ mà Thiên Chúa đã trao phó, nhất là trung thành yêu thương tha nhân đến cùng cho dẫu bị khước từ.

 

Thứ sáu, 31/10/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca. (Lc 14,1-6)

Đề tài: Giữ luật bằng tình yêu

1 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa : họ cố dò xét Người. 2 Và kìa trước mặt Đức Giê-su, có một người mắc bệnh phù thũng. 3 Người lên tiếng nói với các nhà thông luật và những người Pha-ri-sêu : “Có được phép chữa bệnh ngày sa-bát hay không ?” 4 Nhưng họ làm thinh. Người đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi và cho về. 5 Rồi Người nói với họ : “Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày sa-bát ?” 6 Và họ không thể đáp lại những lời đó.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Lạy Chúa, con biết Chúa đã lâu, nhưng lại yêu Chúa quá muộn: Chúa ở trong con nhưng con lại đi tìm Chúa ở bên ngoài, nhiều tạo vật quyến rũ con khiến con luôn sống xa Chúa.

2/ Thiên Chúa luôn mời gọi và chờ đợi chúng ta từng giây, từng phút: Tình yêu của Người vượt quá mọi giới hạn, mọi ước tính, mọi hiểu thấu, mọi đo lường của chúng ta.

3/ Giữ luật Sabat là bổn phận tôn giáo của người Do Thái. Nhưng người ta đã lạm dụng khi giữ luật, nên không còn là dấu chỉ của tình yêu mà chỉ là những gánh nặng trói buộc, đè bẹp con người.

4/ Chúa Yesus muốn chúng ta hiểu được giá trị đích thực của lề luật là vì con người , Vì muốn giúp con người / ngày Sabat là ngày giải thoát con người khỏi mọi vướng bận, ngày này giúp chúng ta nhận ra tình yêu của Thiên Chúa chứ không phải là ngày để làm cho chúng ta xa cách, oán ghét Thiên Chúa, bởi vì những xét đoán, kết tội, oán phạt mà chúng ta muốn chụp mũ cho Ngài.

5/ Việc giữ luật Chúa hay tuân giữ Giáo huấn của giáo hội là để giúp chúng ta đến gần với Chúa hơn , Giúp chúng ta không thể đi lạc xa Chúa. Nếu hiểu ra ngoài mục đích này là chúng ta đã hiểu sai lề luật và những giá trị đích thực của nó cũng như chúng ta đã tìm cách xuyên tạc tình yêu của Thiên Chúa .

6/ Thiên Chúa đã làm gương khi nghỉ ngày Sabat và dạy chúng ta phải kiêng việc xác, Vừa để chúng ta thờ phượng Ngài, vừa đề chúng ta có thời giờ nghỉ ngơi sau sáu ngày lao động vất vả.

7/ Vậy luật lệ ngày Sabat là luật lệ chung được thiết lập để phục vụ con người chứ không phải muốn biến con người thành một thứ máy móc hay nô lệ.

8/ Thời gian vừa qua, khi luật lệ này đi qua bàn tay của các Kinh sư và Phariseu , họ đã biến luật Sabat trở thành dụng cụ có thể kìm kẹp con người. Họ phân biệt tỉ mỉ, cấm đoán đủ thứ, làm mất đi tinh thần và ý nghĩ tốt đẹp của lề luật, đến nỗi không còn ai dám giúp đỡ anh em mình khi họ gặp hoạn nạn, rủi ro, bệnh tật vào đúng ngày này !!!

9/ Họ cho rằng: Ngày Sabat dù có đói cũng không được bứt lúa ăn, không được giải cứu người đàn bà bị quỉ ám đã bị còng lưng 18 năm; không được chữa bệnh cho dù bệnh nhân đã bị liệt 38 năm ở bờ hồ; không được chữa cho người mù, không được chữa cho người bị phù thũng,…/

10/ Họ lặng thinh không trả lời khi Chúa hỏi, nhưng Chúa có ý minh chứng rằng: Những việc Chúa làm trong ngày Sabat đều đẹp trong lòng Thiên Chúa, vì đó là ngày dành để cứu giúp, giải thoát.

11/ Dĩ nhiên, Thiên Chúa không phá bỏ luật, kiêng việc xác, nhưng Chúa muốn kiện toàn để chứng tỏ cho các Kinh sư biết: Tinh thần lề luật thì cao quý hơn là chỉ bo bo tuân giữ những hình thức bên ngoài mà coi nhẹ luật yêu thương bác ái.

12/ Ngày ấy, nếu con vật bị sa xuống hố, ta còn phải cứu huống chi là con người còn cao trọng hơn cả con vật biết bao.  Điều đó có nghĩa là, yêu thương bác ái cao trọng hơn luật Sabat.

13/ Chúa dạy chúng ta khi giữ luật thì đừng quá câu nệ vào luật này luật kia mà tránh né không thực thi bác ái. Luật là phương thế  giúp con người sống hoàn thiện, là nhịp cầu đưa con người lên tới Chúa và đến với tha nhân.

14/ Luật sẽ trở nên trống rỗng nếu chúng ta tuân giữ hoặc thực thi nhưng không vì lòng yêu thương bác ái.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đừng để chúng con sống đạo chỉ là chuộng hình thức bề ngoài, nhưng phải sống bằng cách đối xử với anh em theo tinh thần bác ái của Chúa mỗi ngày.   Amen.

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Xung đột giữa Chúa Giêsu và những người Pharisêu

1/ Xung đột giữa Chúa Giêsu và những người Pharisêu: Thánh Luca tường thuật 2 thái độ khác nhau:

(1) Thái độ của ông Thủ Lãnh nhóm Pharisêu: Ông mời Chúa Giêsu dùng bữa và xếp đặt sẵn một người bị bệnh phù thủng, để gài bẫy xem Ngài có chữa bệnh trong ngày Sabbath;

(2) Thái độ của Chúa Giêsu: Mặc dù biết rõ ác ý của họ, nhưng Chúa Giêsu vẫn nhận lời mời dự tiệc, vì Chúa muốn cho họ có cơ hội nhìn thấy sự thật để thay đổi lối sống giả hình.

2/ Chúa Giêsu trình bày sự thật và chữa lành người bệnh: Không chút do dự, Chúa Giêsu chủ động tiến trình hòa giải bằng việc đặt câu hỏi với các Kinh-sư và những người Biệt-phái: "Có được phép chữa bệnh ngày Sabbath hay không?" Nhưng họ làm thinh không trả lời. Làm thinh có thể vì (1) không biết trả lời; hay (2) giả vờ như chuyện ấy không liên quan gì tới mình. Các Kinh-sư và Biệt-phái có lẽ đang ở trong tình trạng thứ hai.

Không chút sợ hãi, Chúa Giêsu đỡ lấy bệnh nhân, chữa khỏi, và cho về. Rồi Người chất vấn họ: "Ai trong các ông có đứa con trai hoặc có con bò sa xuống giếng, lại không kéo nó lên ngay, dù là ngày Sabbath?" Giếng lộ thiên rất thường xuyên gặp trên đất Palestine và là nguyên nhân các tai nạn cho con người cũng như súc vật (x/c Exo 21:33). Khi tai nạn té xuống giếng xảy ra, không ai thắc mắc có được kéo người hay súc vật dưới đó nên không; vì đó là việc phải làm. Việc Chúa chữa bệnh trong ngày Sabbath cũng vậy, đó là việc cứu người cần làm. Tại sao họ lại đặt thành vấn đề?

3/ Lối sống hai mặt của các Kinh-sư và những người Biệt-phái: Chúa mời gọi họ đối thọai để tìm ra sự thật phải theo nhưng họ làm thinh. Chúa chất vấn họ về lối sống hai tiêu chuẩn: một tiêu chuẩn cho những người thân cận hay cho tài sản của họ, và một tiêu chuẩn cho những người dân vô tội; nhưng họ không thể đáp lại những lời chất vấn của Chúa. Thánh Luca không tường thuật phản ứng sau cùng của những người Pharisêu này; nhưng hầu hết sau những lần chất vấn của Chúa, họ trở nên tức giận hơn và tìm cách để bắt bớ Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Khi có xung đột, chúng ta cần có thái độ khiêm nhường và khách quan để nhìn ra sự thật; đừng để những lợi nhuận làm mờ mắt đến nỗi chúng ta không nhìn ra sự thật.

- Trên hết mọi sự, cần có nhân đức yêu thương để có thể hàn gắn những khác biệt và giải quyết mọi xung đột.

- Để bảo đảm công bằng, cần tiêu diệt lối sống hai tiêu chuẩn: một cho mình để bảo vệ người thân và quyền lợi của mình, một cho tất cả những người khác.

 

Thứ bảy, 01/11/2014

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh  Mát-Thêu (Mt 5:1-12a)

Đề tài:  Hãy nên hoàn thiện

1 Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. 2 Người mở miệng dạy họ rằng: 3 "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. 4 Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. 5 Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an. 6 Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. 7 Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. 8 Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. 9 Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. 10 Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. 11 Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. 12 Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.

Bài chia sẻ của Yuse Luca:

1/ Ngày xưa, người giáo dân ít học, ít hiểu biết nên thường cho rằng: Nên Thánh là chuyện chỉ riêng cho các Linh Mục, Tu sĩ, những nhà tu hành. Thế giới luôn biến đổi, vật chất của cải biến đổi thì trong lĩnh vực tinh thần cũng biến đổi, nhất là trong lĩnh vực tình thương, sự chia sẻ.

2/ Người Kitô hữu cho dù ở địa vị hoàn cảnh nào cũng có thể nên Thánh được. Đó là vì ân sủng của Chúa ban và do bí quyết sử dụng ơn Thánh của mỗi người.

3/ Lời khuyên tám mối phúc thật của Chúa Yesus đã giúp cho biết bao con người trở nên thánh thiện. Chúng ta hãy nhìn vào lịch sử của Giáo Hội  lữ hành.

4/ Các Thánh là những người trung thành bước theo Chúa Yesus trên con đường thập giá. Các Thánh là những người khao khát được sống giống Chúa trong tư tưởng, lời nói cũng như việc làm.

5/ Tám mối phúc chính là con đường hẹp của tin mừng. Ai muốn được hưởng hạnh phúc với Chúa thì phải tìm thấy giá trị và niềm vui khi bước theo con đường thập giá, Cũng chính là con đường đưa chúng ta đến nguồn hạnh phúc đích thật.

6/ Các Thánh Nam Nữ mà chúng ta mừng kính hôm nay bao gồm những vị được giáo hội chính thức nhìn nhận và những người đã sống cuộc đời lành thánh trong âm thầm không ai hay biết, nhưng đã được chính Chúa thưởng công trên Thiên Đàng.

7/ Tất cả các Thánh chính thức cũng như vô danh, họ cũng đều là những môn đệ Chúa Kitô. Họ là những con cái của Thiên Chúa, họ là những thành viên của cộng đoàn dân Chúa tại trần gian. Họ đến từ cuộc đời Kitô hữu đầy những gian nan thử thách, các ngài cũng được trang bị đầy đủ các ơn thánh cần thiết để chiến thắng, không khác gì chúng ta ,cũng không có gì ưu tiên hơn chúng ta.

8/ Họ là những người đã chiến thắng bản thân, chiến thắng đam mê của chính mình. Chiến thắng những cám dỗ của thế gian, của xác thịt tội lỗi và mưu chước của ma quỷ để làm cho đời sống của mình phù hợp với những đòi hỏi của Tin mừng Chúa Kitô.

9/ Đời sống của các Thánh không phải là một giấc mơ đẹp. Lễ các Thánh cũng là lễ của chúng ta vì chúng ta cũng phải nên thánh, việc nên thánh không dành riêng cho một số người nào nhưng là của mọi người.

10/ Cộng đồng Vatican II, trong hiến chế tín lý đã dành cả 5 chương để nói về ơn gọi nên thánh. Đây là ơn gọi chung cho mọi người trong Giáo Hội.

11/ Người Kitô hữu không có hai lý tưởng, không có hai cấp bậc Kitô hữu. Như là hạng nhất, hạng ưu tú, thiểu số và một hạng tầm thường, hạng nhì dành cho đa số. Không phải thế, chỉ có một hạng Kitô hữu thế thôi, và tất cả chúng ta đều phải nên thánh.

12/ Nên Thánh là gì? Theo như Thánh Têrêxa nhỏ, nghĩa là làm một việc bình thường bằng một cách phi thường nhờ vào lòng yêu mến, Ngài đã thực hiện đời sống thánh thiện một cách rất bình thường.

13/ Một cách làm của Ngài: Bất cứ việc gì chúng ta làm, dù nhỏ nhặt đến đâu, chẳng hạn cúi xuống nhặt một cây kim vì lòng mến Chúa và để phục vụ anh em. Đó là chúng ta đang xây đắp cho kho tàng vĩnh cửu trên Thiên Quốc.

14/ Đừng nên đi tìm đâu xa, Chúa nói: Ơn Cha đủ cho con, nên thánh không phải là cố gắng làm những việc phi thường, vĩ đại, nhưng là khiêm tốn làm tròn mọi bổn phận hằng ngày một cách tốt đẹp vì lòng yêu mến Chúa. Như vậy cơ hội nên Thánh đang ở trong tầm tay .

Cầu nguyện: Lạy Chúa, giữa biết bao đam mê, cám dỗ của cuộc sống, xin cho con biết đem khôn ngoan lựa chọn và nhờ ơn Chúa trợ lực, chúng con sẽ đạt được hạnh phúc vĩnh cửu cùng các Thánh trên trời. A men

Bài chia sẻ của LM. Anthony Đinh Minh Tiên, OP:

Bát Phúc là con đường nên thánh.

Chúng ta sẽ dùng Bát Phúc như tiêu chuẩn để so sánh 3 lối sống: (1) của Chúa Giêsu, của các thánh, và của theo thế gian.

(1) “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” Khi được các môn đệ hỏi: “Thưa Thầy! Thầy ở đâu?” Chúa Giêsu trả lời: “Cáo có hang, chim có tổ, Con Người không có chỗ dựa đầu.” Thánh Phanxicô Khó Khăn, mặc dù là con một thương gia giàu có ở Assissi, noi gương Chúa Giêsu, tuột quần áo trả lại cho cha để đi theo Đức Kitô sống cuộc đời khó nghèo. Trước mắt thế gian đó là điều dại dột, vì ai cũng muốn sống sung túc giấu có.

(2) “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.” Người xưa dạy: “Mắt đền mắt, răng đền răng; còn Ta, Ta dạy: Ai tát má bên này thì đưa cả má bên kia nữa.” Trong Cuộc Thương Khó, Chúa đã trở nên như con chiên hiền lành bị đem đi giết. Thánh Phanxicô Salêsiô, mặc dù mang bản tính nóng như lửa trong người, đã noi gương Đức Kitô trở thành người hiền lành và khiêm nhường. Trước mắt thế gian, hiền lành đồng nghĩa với khù khờ để người khác lợi dụng.

(3) “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.” Trong Vườn Cây Dầu, Đức Kitô đau buồn kêu lên: “Linh hồn Thầy buồn sầu đến nỗi chết; anh em hãy tỉnh thức cầu nguyện với Thầy.” Mẹ Thánh Augustin, Monica, cả cuộc đời đổ bao nhiêu nước mắt khóc thương chồng và con. Sau cùng, Chúa đã cho chồng trở lại đạo trên giường bệnh, Chúa đã cho Augustin ăn năn trở lại và làm thánh. Người đời cho những ai muốn chịu đau khổ là điên, vì ai cũng tìm các trốn tránh các đau khổ cả.

(4) “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.” Chúa Giêsu thẳng thắn tuyên bố: “Ta đến từ Trời, không phải để làm theo ý Ta, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Ta.” Cả cuộc đời của Ngài là cuộc đời làm theo ý Thiên Chúa. Thánh Thomas More, khi bị bắt phải nói dối đã khẳng khái tuyên bố: “Chết thì chết chứ không nói sai thành đúng.” Người đời cho sống công chính là “sĩ diện hão,” vì ai cũng phải sống luồn lách quanh co để đạt những gì mình muốn.

(5) “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” Chúa Giêsu xót xa khi nhìn các bệnh nhân, và Ngài chữa lành họ. Ngài thương dân thành Giêrusalem, muốn che chở họ như gà mẹ che chở đàn con dưới cánh, nhưng họ đã khước từ tình yêu của Ngài. Thánh Martinô đã thương bệnh nhân đến độ đem về phòng cho nằm trên giường mình mà chăm sóc. Mẹ Têrêxa thành Calcutta đã dành cả cuộc đời để săn sóc người nghèo. Thế gian cổ võ việc phải lo cho bản thân mình trước hết với câu chữa mình: “Tôi thương xót người rồi ai thương tôi?”

(6) “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” Chúa Giêsu đã thách thức các đối phương trong Cuộc Thương Khó: “Ai trong các ngươi có thể buộc Ta về tội gì?” Thánh Maria Goretti đã thề chết chứ không để người anh họ hãm hiếp. Giới trẻ hôm nay cho truyện ăn ở trước hôn nhân là chuyện bình thường, và chế nhạo những trẻ nào giữ mình trinh khiết là “homeboy, homegirl.” Mấy người mẹ hôm nay dám khuyên con: “Mẹ chẳng thà thấy con chết trước mặt mẹ hơn là phạm tội trọng mất lòng Thiên Chúa!”

(7) “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.” Chúa Giêsu đã dùng cái chết của Ngài trên Thập Giá để hòa giải người Do-Thái và Dân Ngọai nên một; đồng thời hòa giải con người với Thiên Chúa. Thánh Bernadino thành Sienna cũng noi gương Chúa làm cho con người hòa giải với nhau. Thế gian cho thái độ tha thứ thuận hòa là ngu dốt vì để người khác lợi dụng mình; được đàng chân họ sẽ leo lên cả đầu! Hậu quả là nạn ly thân, ly dị, và chiến tranh dưới mọi hình thức lan tràn.

(8) “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.” Chúa đi trước vác Thập Giá lên đồi Canvê để chết thay cho con người. Biết bao các thánh tử đạo thuộc mọi thời đại cũng anh dũng tiến lên hy sinh vì tình yêu; trong số đó có 118 vị tử đạo của quê hương Việt-Nam chúng ta. Thánh Anrê Phú Yên, trước khi chết, đã khuyên giáo dân: “Chúng ta phải lấy tình yêu đáp trả lại tình yêu và lấy mạng sống đáp trả lại mạng sống.” Trong khi đó, cũng có biết bao người phản bội và không dám đổ máu đào để làm chứng cho Chúa. Họ vịn cớ: chỉ cần tin Chúa trong lòng là đủ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Đau khổ trong cuộc đời không thể thiếu để thanh luyện chúng ta như lửa thử vàng. Chỉ khi nào biết chấp nhận gian khổ để làm chứng cho Thiên Chúa, chúng ta mới chứng tỏ đức tin và tình yêu của chúng ta dành cho Ngài.

- Trở lại câu truyện chú sư tử con, chúng ta là thiên tử, là con cái Chúa. Hãy sống xứng đáng với ơn gọi của mình; đừng chốn chui chốn nhủi như những con của bóng tối, của thế gian và ma quỉ. Chúng ta được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, và cuộc sống thánh thiện làm chúng ta càng ngày càng trở nên giống Chúa hơn.

- Ơn gọi nên thánh là của tất cả mọi người. Bát Phúc là con đường nên thánh tuyệt hảo. Mọi người phải cố gắng sống cả Bát Phúc; tuy nhiên, sống một phúc cũng đủ để chúng ta nên thánh rồi.


Trở lại      In      Số lần xem: 2566
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  14
 Hôm nay:  12779
 Hôm qua:  8431
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11439044
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top