Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu và sống Tin Mừng CN 28 Thường Niên A (Giuse Luca)

CHÚA NHẬT XXVIII / N / A 

ĐỀ TÀI: DỤ NGÔN TIỆC CƯỚI .

 

Tung hô Tin Mừng:     x.Ep 1,17-18

Haleluia. Haleluia. Xin Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, soi trí mở lòng cho chúng ta thấy rõ, đâu là niềm hy vọng, mà ơn Người kêu gọi đem lại cho chúng ta.  Haleluia.

PHÚC ÂM:  Mt 22, 1-14

Gặp ai, anh em cũng mời hết vào tiệc cưới.

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mát-thêu.

1 Một hôm, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với các Thượng tế và Kỳ Mục trong dân rằng: 2 "Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. 3 Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. 4 Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: "Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!" 5 Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm nông trại, người thì đi buôn, 6 còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết. 7 Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng. 8 Rồi nhà vua bảo đầy tớ: "Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. 9 Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới." 10 Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.

11 "Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, 12 mới hỏi người ấy: "Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?" Người ấy câm miệng không nói được gì. 13 Nhà vua liền bảo những người phục dịch: "Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! 14 Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít."

Đó là lời Chúa.

 

 NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI D HIỂU BÀI TIN MỪNG

 

1/     Hình ảnh em bé khát khao rước Chúa Thánh Thể, nói lên điều gì ?

2/     Thời xưa Chúa Giê-su kêu mời ai ?

3/     Bổn phận chúng ta là gì ?

4/     Bí tích thánh thể là gì?

5/     Thiên Chúa muốn điều gì ?

6/     Tiệc cưới Nước Trời là gì ?

7/     Ý nghĩa của Dụ Ngôn ra sao ?

8/     Những đầy tớ sau này là những ai ?

9/     Bí tích thánh thể là tiệc cưới dành cho ai ?

10/ Ai từ chối lời mời gọi ?

11/ Họ đưa ra những lý do có chính đáng không ?

12/ Thiên Chúa nhân từ như thế nào ?

13/ Nước Trời quý giá như thế nào ?

14/ Như thế nào là y phục lễ cưới ?

15/ Nước trời dành ưu tiên cho ai ?

16/ Áo cưới của người trộm lành là gì ?

17/ Có ai mặc áo cưới khi đang đi ngoài đường không ?

18/ Mọi người phải chuẩn bị như thế nào?

19/ Kẻ được gọi thì nhiều, mà được chọn thì ít , là gì ?

20/ Vì sao Chúa để chúng ta tự do ?

21/ Ai nghe theo Chúa , ai không ?

22/ Thánh Phao-lô cảnh báo điều gì ?

23/ Vì sao Chúa lại mời gọi ?

24/ Lời mời gọi đó mang lại lợi ích gì cho Chúa ?

25/ Đây có phải là thứ tình yêu chia sẻ ?

26/ Vì sao Thiên Chúa lại làm như thế ?

27/ Đây lại là tình yêu vô vị lợi sao ?

28/ Thiên Chúa yêu con người như thế nào ?

29/ / Mặc áo cưới là gì ?

30/ Tôi phải đáp trả tình Chúa như thế nào ?

=>  Hãy tìm câu trả lời từ bài “Tóm ý”.

 

Bài 1: LỜI MỜI GỌI

1/ Điều khát khao của một em bé: Trong một lớp giáo lý, Cha Sở để ý thấy có một em bé mỏng manh, xanh xao, khoảng 13 tuổi. Em đến gặp Cha với cặp mắt đỏ hoe; Em trình  bày: Con không thể xưng tội, rước lễ lần đầu vì cha mẹ con ngăn cấm. Cha Xứ bảo : Cứ về xin thêm lần nữa. Mấy ngày sau em lại đến với điệu bộ thất vọng . Em cho biết : Bố con đã nổi  nóng đánh con, Cha Xứ an ủi: Con hãy cầu xin Chúa Giê-su giúp con. Ngày trọng đại đã đến và qua đi, nhưng không có mặt của em bé đó. Một tuần sau em quay trở lại vào buổi sáng sớm, em vừa thở hổn hển vừa thưa: Xin Cha giải tội cho con kẻo cha mẹ con biết. Giải tội xong, Cha nói: Bây giờ con phải về nhanh đi. Em do dự một lát rồi thưa với giọng van xin: Cha có thể cho con rước lễ được chứ ạ?. Dĩ nhiên Cha Xứ chấp thuận và Ngài đã phát biểu như sau: Tôi đã tổ chức nhiều cuộc rước lễ lần đầu cách trọng thể, nhưng chưa lần nào cảm động như hôm nay.

2/ Ai khát khao, ai chối từ?: Nghe qua câu chuyện nhỏ trên đây, chúng ta cảm phục em bé đói khát mình máu Thánh Chúa. Trong khi đó có biết bao nhiêu người khác, ví dụ như đoạn Tin Mừng hôm nay, họ lại có một thái độ rất lãnh đạm. họ được chủ mời nhưng lại không thèm đến.

3/ Hôm nay Chúa Giê-su đang kêu mời ai? Vào thời xưa, Chúa Giê-su kêu mời người Do Thái, còn bây giờ những kẻ được mời lại là những Kitô hữu. Mọi sự đã sẵn sàng ngay từ khi chúng ta còn bé. Đó là các bí tích và mọi ơn lành của Chúa. Hàng ngày bàn tiệc Thánh Thể và Lời Chúa cũng đã được dọn sẵn, Chúa vẫn luôn kêu mời: Hãy đến vì tất cả đã sẵn sàng.

4/ Chúng ta là gì của Chúa? Chúng ta không phải chỉ là những khách dự tiệc, mà còn hơn thế nữa. Chúng ta còn là những người nhà của Chúa, chúng ta còn có bổn phận phải tiếp tay với Chúa và kêu mời những người khác còn đang ở bên ngoài ,trở vào bên bàn tiệc của Chúa qua những hoạt động tông đồ, truyền giáo.

5/ Vì sao chúng ta không nên từ chối ? Người ta thường đưa ra những lý do : tậu bò, cưới vợ, mua đất để từ chối. Nếu chúng ta coi bí tích thánh thể là một quà tặng quý giá và chúng ta là những kẻ túng thiếu thì lẽ nào chúng ta lại vô tâm khi tìm mọi lý lẽ để từ chối ?

6/ Thiên Chúa muốn điều gì ? Thiên Chúa muốn rằng : Mọi người đều được dự tiệc vì phòng tiệc lúc nào cũng rộng chỗ, đồ ăn thức uống bao giờ cũng dư thừa. Chúa muốn những người còn ở ngoài đường, còn ở bên ngoài Giáo Hội. Đó là các anh em lương dân chưa nhận biết Chúa, nhất là những kẻ khổ đau, túng thiếu và chúng ta không được phép bỏ rơi họ.

7/ Những phương thế hiệu nghiệm nhất : Muốn cảm hóa họ, chúng ta phải dùng đến phương thế tình thương, đó chính là bác ái được biểu lộ qua việc thăm viếng và giúp đỡ họ. Nhờ tình bác ái, yêu thương chúng ta sẽ gây được những cảm tình tốt đẹp và tạo được những điều kiện cần thiết để một ngày nào đó giúp họ thức tỉnh và quay về với Chúa !

8/ Tiệc cưới Nước Trời là gì ? Tiệc cưới chính là niềm hạnh phúc Nước Trời, là được hưởng sự dịu ngọt tình thương  mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho mọi người.

9/ Ý nghĩa của dụ ngôn : Nhà Vua là Thiên Chúa, Hoàng tử là Đức Kitô tiệc cưới là hình ảnh tượng trưng cho sự kết hợp giữa Đức Kitô và Giáo Hội. Những kẻ được mời trước là dân Do Thái và họ đã từ khước. Các đầy tờ được sai đến là các tiên tri mà những lời giảng dạy của các Ngài không khác gì tiếng kêu trong sa mạc / còn bản thân các Ngài thì bị ngược đãi.

10/ Tin Mừng dùng để làm gì ? Những đầy tớ được sai đi tiếp theo là các tông đồ, các Ngài có nhiệm vụ chiếu tỏa ánh sáng Tin mừng để dẫn đưa mọi người tới niềm hạnh phúc Nước Trời. Thế nhưng có rất nhiều kẻ đã từ chối sứ điệp của Tin Mừng , bắt bớ và hành hạ những người được Chúa sai đến. Phải chăng Yerusalem đã bị phá hủy tan hoang cũng chỉ vì họ đã không biết ngày giờ Chúa đến viếng thăm.*

11/ Bí tích Thánh thể dùng để làm gì ? Tiệc cưới nói lên niềm hạnh phúc Nước Trời, cũng là niềm vui của bí tích Thánh thể. Vì dân Do Thái đã từ chối nên Thiên Chúa đã mời gọi người khác : thuộc mọi quốc gia, màu da, sắc tộc, mọi tiếng nói, làm nên một dân riêng mới, trong đó có tất cả chúng ta.

12/ Người Do Thái phản ứng thế nào ? Đừng hành động như người Do Thái : Đắp tai, ngoảnh mặt làm ngơ trước lời mời gọi ân tình của Thiên Chúa. Chúng ta hãy lắng nghe, hãy bày tỏ cảm xúc, hãy đáp lại tấm lòng bao dung, yêu thương của Thiên Chúa.

13/ Họ đưa ra những lý do có chính đáng không? Ngày xưa họ đưa ra những lý do: Mới mua đất, mới tậu bò, mới cưới vợ , thì ngày nay chúng ta cũng đưa ra những lý do như thế để khước từ lời Chúa mời gọi.

14/ Thiên Chúa nhân từ như thế nào? Như chúng ta đều biết : Thiên Chúa rất nhân từ và Ngài luôn tôn trọng sự tự do của chúng ta nên Ngài không muốn buộc chúng ta phải đáp trả tình thương của Ngài. Tự mỗi chúng ta phải ý thức để rồi có được sự đáp trả chính xác.

15/ Nước Trời được sánh ví với thứ gì ? Nước Trời phải là viên ngọc quý để chúng ta dám hy sinh cả gia tài cho viên ngọc ấy. Nước Trời phải là một kho tàng để chúng ta dám bán tất cả mà mua được đám ruộng có kho tàng ấy. Nước Trời phải là miền đất hứa, ở đó chảy đầy sữa và mật ong để chúng ta bước tới và cuối cùng nó phải là bữa tiệc viên mãn cho chúng ta tham dự.**R

 

Bài 2: TẤM LÒNG CỦA THIÊN CHÚA

16/ Bộ y phục lễ cưới phải như thế nào ? Ông chủ không muốn chúng ta tham dự bữa tiệc cưới với một bộ quần áo lem luốc, bẩn thỉu , Cũng không bắt chúng ta phải bỏ tiền ra mua những thứ vải ngoại đắt giá, cũng không phải là loại quần áo của các Ông Hoàng ,Bà Chúa.

17/ Ý nghĩa của bộ áo cưới: Bộ áo cưới mà Chúa muốn nói ở đây không phải chỉ dành riêng cho những người giàu có, Chúa muốn mọi người đều được mời gọi vào dự tiệc cưới. Chúng ta nhớ lại “phúc” thứ nhất của Tin Mừng: Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó vì Nước Trời của họ. Nước Trời như viên ngọc quý, nghịch lý ở đây là viên ngọc quý hay kho tàng, những người càng nghèo, càng dễ mua. Người càng giàu càng khó mua. Áo cưới cũng thế, không phải chỉ có người giàu mới có áo cưới, người càng nghèo càng dễ sắm áo cưới, người tội lỗi càng dễ sắm áo cưới, vì sao? Nhiều người cho rằng : Áo cưới chính là tâm hồn sạch tội. Nhưng chúng ta thử xét xem, ai là người trong sạch trước mặt Chúa ? Chúng ta thử đọc lại đoạn Tin Mừng của người trộm lành, anh ta có tấm áo cưới khi nào, anh ta sạch tội khi nào? Chẳng phải là anh ta có lòng sám hối tội lỗi của mình đó sao? Nhiều nhà chú giải cho rằng : Tấm áo cưới chính là lòng sám hối. Anh ta nhận ra Chúa Giê-su là Thiên Chúa, nhận ra mình là tội nhân đáng chịu phạt và một lòng xin Chúa xót thương. Chúng ta hãy cùng nghiệm xem có đúng như thế không ?

18/ Khi nào chúng ta có thể bước vào Thiên Đàng? Tất cả mọi người đang sinh hoạt ngoài đường, được các gia nhân mời vào dự tiệc cưới, không lẽ ai cũng đã mặc sẵn áo cưới ? Vậy thì điều dễ dàng nhất : Khi nghe Chúa mời gọi chúng ta phải luôn nghĩ đến thân phận tội lỗi thấp hèn yếu đuối của chúng ta. Xin Chúa xót thương cho sự bất xứng của mình. Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng, há đây không phải là điều kiện để được vào Nước Trời đó sao? Tin vào Chúa Giê-su và sám hối tội lỗi -> Đó mới chính là điều kiện, là chiếc áo cưới.

19/ Kẻ được gọi thì nhiều mà được chọn thì ít, ý nghĩa: Một con người nghèo khó và chịu khổ nạn thập giá , đây có phải là mẫu người mà thời đại hôm nay không ai chấp nhận được, đây có lẽ là điều có thể giải thích cho câu nói đó. Không phải ai cũng có thể vào được Nước Trời, Chúa Giê-su đương nhiên muốn mọi người được cứu rỗi, chính vì thế Ngài đã chịu chết khổ nhục trên thập giá. Nhưng Chúa đâu có cưỡng bức chúng ta phải tin, Chúa chỉ đòi chúng ta phải cộng tác với Ngài bởi cũng có khối kẻ từ chối ơn của Ngài. Ngày xưa có biết bao kẻ nghe Chúa giảng ,chứng kiến phép lạ, nhưng có được mấy kẻ tin. Có biết bao người được Chúa mời gọi, nhưng chỉ một số ít đi theo Chúa. Chỉ có hai tên trộm nhưng chỉ có một người dám tin theo Chúa thôi.

20/ Lời cảnh báo của Thánh Phao-lô: Ai gieo thứ gì thì gặt thứ nấy, ai gieo trong xác thịt thì gặt trong hư nát, ai gieo trong Thần khí thì sẽ gặt sự sống vĩnh cửu.

21/ Ý nghĩa dụ ngôn tiệc cưới: Đọc qua dụ ngôn này, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước tình yêu bao la của Thiên Chúa. Thiên Chúa mời chúng ta vào dự tiệc cưới con của Ngài. Điều này nói lên lòng yêu thương một thứ tình yêu thương nhưng không.

22/ Vua mời dân, vì muốn lợi dụng hay có ý gì khác? Thiên Chúa là Vị Vua cao sang, chúng ta là đám tiện dân hèn hạ, sao Chúa lại mời chúng ta. Theo lẽ thường ở đời, người ta chỉ mời những người ngang vai bằng vế. Có thể đây là một bữa tiệc để củng cố uy tín của chủ nhân và ràng buộc khách mời để khi hữu sự cần có việc nhờ vả. Vua mà mời hạ dân thì có lợi gì? Không chỉ những người hèn hạ mà còn đui, què, sứt mẻ nữa. Đây có thể là hạng cặn  bã của xã hội nên chẳng có gì để đền đáp cho chủ nhân cũng chẳng đem lại chút vinh dự nào cho chủ nhân, thế mà Người vẫn mời. Đây rõ ràng là tình thương, tình cho không, Người không mong ta đáp trả, Người mời ta chỉ vì yêu thương mà thôi.

23/ Đây có phải là tình yêu chia sẽ ? Thiên Chúa có tràn đầy vinh quang Ngài không thiếu thốn điều gì. Tại sao Ngài lại mời đám người hèn hạ này vào Nước Trời làm gì cho thêm bận?. Thưa, vì Ngài là Thiên Chúa tình yêu, tình yêu của Ngài vô biên  nên Ngài khao khát chia sẽ, Ngài vô cùng tốt lành nên muốn thông ban hạnh phúc cho con người.

24/ Đây có phải là sáng kiến kỳ diệu? Sáng kiến kỳ diệu là do tình yêu mãnh liệt. Cho Con một xuống trần mặc lấy bản tính loài người để nâng con người lên. Mời gọi con người vào hưởng hạnh phúc với Chúa. Chúa nâng loài hèn hạ lên làm bậc thượng khách trong tiệc cưới. Nâng hàng tôi tớ lên thành con cái trong Nước Trời. Đưa nhân loại bơ vơ, xấu xa, đầu đường xó chợ vào ngồi đồng bàn với hàng Thần thánh trên trời.

25/ Đây có phải là tình yêu vô vị lợi? Chẳng có ai có thể giải thích được thái độ của Thiên Chúa -> chỉ có tình yêu. Đó là một tình yêu vô cùng mãnh liệt và vô vị lợi. Tình yêu ấy muốn chia sẻ hết những gì mình có, tình yêu hoàn toàn vì người mình yêu, mong muốn mọi sự tốt đẹp cho người mình yêu.

26/ Vì sao tôi phải mặc áo cưới tới dự? Tình yêu của Thiên Chúa tha thiết nhưng vẫn tôn trọng sự tự do. Thiên Chúa mời gọi, tôi có thể đáp lại hoặc chối từ. Khi dọn xong tiệc, Chúa mong tôi tới. Khi mở rộng cửa Trời, Thiên Chúa mong tôi bước vào. Khi mời gọi, Chúa mong tôi đáp trả. Khi bày tỏ tình yêu, Chúa mong tôi chấp nhận và đền đáp. Tuy nhiên phải có điều kiện-> Phải mặc áo cưới.

27/ Mặc áo cưới là gì? Mặc áo cưới là mặc lấy nhân phẩm, được vào dự tiệc cưới con Vua tôi không còn là phường rác rưởi nữa. Chúa đã trân trọng, nâng tôi lên hàng thượng khách, là khách mời của Vua. Mặc áo cưới là biết tự trọng, là cách cư xử của người tự do. Vì Chúa, đã phục hồi nhân phẩm cho tôi nên tôi phải trân trọng giữ gìn, mặc áo cưới là đáp lại tình yêu Thiên Chúa, là mặc lấy Chúa Kitô (Gl 3,27).**R

 

Bài 3: Ý NGHĨA CỦA CHIẾC ÁO CƯỚI

28/ Đại ý của bài tin mừng hôm nay là gì? Dụ ngôn tiệc cưới có ý trình bày cho chúng ta thấy việc gia nhập giáo hội không chỉ có hình thức bên ngoài mà thôi thì chưa đủ, nhưng cũng cần có đời sống công chính bên trong nữa.

29/ Bối cảnh của Dụ ngôn là gì? Đây là dụ ngôn thứ ba trong phần tranh luận về quyền của ngày thứ ba tuần thánh. Chúa muốn nói với các tư tế và kỳ lão để các ông nhận ra sự tai hại của tội bất trung đối với Thiên Chúa (Mt21,28-32/33-46/ và Mt 22,1-14).

30/ Tại sao Chúa dùng hình ảnh ông Vua kia? Nước Trời không giống với ông vua kia nhưng có ý nói câu chuyện xảy ra về một ông vua kia/ Cựu Ước thường dùng hình ảnh ông vua để diễn tả những hoạt động của Thiên Chúa (1Sm8,7/Xh19,6). Tiệc cưới tượng trưng cho việc Thiên Chúa chia sẻ niềm vui hoan hỉ và vinh hiển cho dân của Người (Mt25,1-12).

31/ Dụ ngôn này nhắm đến ai trước tiên? Hoàng tử là con trai của vua, đáng lẽ nhân vật chính là phải Hoàng Tử. Vì là tiệc cưới của con trai vua. Nhưng dụ ngôn không nhắm đến hoàng tử, mà lại nhắm đến những vị khách mời.

32/ Tiệc cưới hôm nay muốn diễn tả điều gì? Tiệc cưới diễn tả cách nhưng không, cách miễn phí của ơn cứu độ do Thiên Chúa muốn ân ban cho dân người. Hình ảnh này được lấy ra từ Cựu Ước. Moisen ăn tiệc cưới trên núi với 70 kỳ mục trước mặt Thiên Chúa (Xh 24,9-11)/ Isaia diễn tả một bữa tiệc mà Yaveh chiêu đãi thần dân của Người (Is 25,6). Thánh Gioan báo trước về tiệc cưới con chiên như là bữa tiệc cánh chung (Kh19,9).

33/ Ai là những khách mời? Khách mời đã được mời trước đó, hôm nay chỉ cần cho người đi báo lại đúng vào ngày, giờ mở tiệc cưới mà thôi. Ám chỉ dân Do Thái là những người được các tiên tri báo trước để chuẩn bị. Hôm nay Chúa cứu thế đã đến, mời họ đến dự tiệc Nước Trời, là gia nhập Giáo Hội và tin vào Chúa Ki-tô và đi theo.

34/ Tại sao họ không chịu đến? Đây là một hành động với đầy đủ ý thức chớ không phải là vô tình, họ khinh rẻ lời mời. Điều  này muốn nhấn mạnh rằng : họ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành động chối bỏ này.

35/ Bài Tin mừng muốn nhấn mạnh đến đức tính nào của vị vua? Ông vua vừa có lòng tốt, vừa có tính kiên trì. Điều này cũng làm nổi bật tính bất trung của đám khách mời. Thiên Chúa luôn mời gọi và đợi chờ con người đến đề Ngài ban ơn cứu rỗi. Nhưng nếu con người cố tình từ chối thì họ quả là đáng tội và phải chuốc lấy hình phạt và lãnh lấy hậu quả khi dám khước từ lời mời của Thiên Chúa.

36/ Lý do nào khiến họ không đến dự? Ở đây muốn nói đến lý do khiến các khách mời từ chối. Trước hết là họ bị lôi cuốn bởi những của cải vật chất như là đi thăm trại, buôn bán . Thứ đến là những người muốn chống đối khi ra tay bách hại các sứ giả mà nhà vua gởi đến.

37/ Vì sao nhà vua nổi thịnh nộ? Ở đây cho thấy việc từ chối lời mời dự tiệc là một trọng tội đến nỗi họ phải lãnh nhận hậu quả khủng khiếp là phải chịu tru diệt và phá huỷ thành phố của họ. Ở đây ám chỉ việc đế quốc Roma phá huỷ thành Giê-ru-sa-lem vào năm 70 sau CN. Có người cho rằng: Sách Tin Mừng của Mattheo viết sau năm 70 cho nên ông đã được chứng kiến cách phá huỷ này. Ý muốn nhấn mạnh rằng: Việc từ chối lời mời gọi thì không thể được ơn cứu rỗi.

38/ Tiệc cưới đã dọn sẵn mang ý nghĩa gì? Muốn nói đến ơn cứu độ của Thiên Chúa đã được Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng Cứu Thế mang đến. Nhưng những người được mời không đáng tham dự, không phải vì họ bất xứng nhưng là vì họ từ chối lời mời, là không tin nhận Đức Ki-tô.

39/ Tại sao lại phải đi ra các ngã đường? Ở đây muốn nhắc lại lời Chúa Giê-su khi sai các môn đệ đi đến với các dân ngoại: vậy các con hãy di thâu nạp muôn dân (Mt 28,19). Đường ở đây không phải là những con đường trong thành phố.Nhưng là các cung đường lớn ở ngoại ô. Như là quốc lộ ngày nay / việc đi mời lần này có tính cách phổ quát hơn, rộng rãi hơn. Như là những người từ phương đông, phương tây sẽ đến dự bàn tiệc Thiên Chúa với Abraham, Isaac, Jacob (Mt8,11).

40/ Các đầy tớ đi ra gặp ai bất luận là gì? Câu này mang 2 ý nghĩa: Trước ngày phán xét, thì Nước Chúa ở trần gian vẫn lộn xộn về kẻ lành, người dữ, một ý khác nữa: Nói đến lòng nhân từ của Thiên Chúa, Chúa kêu gọi mọi người, nhất là những kẻ tội lỗi (Mt9,9-13). Phòng tiệc chật ních có ý nói giáo hội quy tụ đông đủ mọi dân tộc.

41/ Đoạn vua đi vào quan sát các khách dự tiệc. vì sao? Ý muốn cho chúng ta hiểu rằng: Việc gia nhập giáo hội luôn có kẻ lành người dữ. Cho nên giáo hội trần gian luôn có kẻ lành người dữ sống lẫn lộn. Nhưng Giáo hội trên trời là giáo hội khải hoàn thì chỉ những người được tuyển chọn mới được vào và Thiên Chúa sẽ phán xét những người này một cách kỹ lưỡng.

42/ Làm sao có thể có sẵn y phục lễ cưới? Có người giả thuyết rằng: Chủ tiệc sẽ cho mượn y phục lễ cưới để khách mặc trước khi bước vào tiệc cưới. Nhưng trong thánh kinh không thấy có chỗ nào nói đến thói quen cho mượn áo cưới như vậy.

43/ Ý nghĩa tượng trưng của áo cưới là gì? tất nhiên khi đi dự tiệc cưới thì nào cũng phải ăn mặc gọn gàng. Vậy nếu họ đang đi làm về, thì họ có cớ để chữa mình, và ông chủ đã không nổi giận. Nhưng ở đây người này đã lặng thinh vì không tìm được cớ để chữa mình. Có người giải thích rằng: áo cưới ở đây là hoa quả nước trời, là những việc làm tượng trưng cho sự công chính. Riêng tin mừng Mattheo luôn đòi hỏi người vào Nước trời phải mặc áo cứu độ, phải mặc lấy đức Ki- tô (Is 61,10) (Ep 4,24) (Ga 3,27). Riêng Gioan thì nói: Chỉ những ai đã giặt áo mình trong máu con chiên thì mới có thể đứng vững trước ngai Thiên Chúa trong ngày có tiệc cưới (Kh 19,6-8).

44/ Ý kiến của các giáo phụ thì như thế nào? Không ai có thể chuẩn bị hay mặc áo cưới sẵn khi đi ngoài đường. Nhưng ở đây muốn nói đến tâm tình sám hối như người trộm lành. Cho nên sám hối thì bất cứ lúc nào cũng vẫn còn kịp. Bởi thế nên Chúa luôn chú trọng đến việc kêu mời người tội lỗi hãy mau ăn năn trở lại.

45/ Kẻ được gọi thì nhiều mà được chọn thì ít, tại sao? Trong dụ ngôn cho thấy: Những người được gọi thì rất nhiều, đến chật cả phòng, chưa kể những người được mời nhưng đã từ chối. và còn có một người bị loại ra. Như vậy kẻ được chọn sẽ ít hơn sau khi trừ những kẻ chối từ và người bị loại ra, để hiểu về số người được chọn, ta nên đọc lại đoạn Lc 13,22-30. Việc gọi nhiều chọn ít không phải là do Chúa. Nhưng là tại ta không chịu hưởng ứng lời mời gọi của Chúa. vậy ta phải làm thế nào cho đủ những điều kiện cần thiết để ơn gọi của ta đạt đến sự tuyển chọn cuối cùng trong ngày Chúa phán xét. **R

 

Bài 4: ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC DỰ TIỆC CƯỚI

46/ Bài đọc I muốn nói lên điều gì? Đoạn văn này được trích từ sách Khải Huyền của Isaia. Một bữa tiệc Thiên Chúa thết đãi muôn dân. Đây chính là bữa tiệc cánh chung. Đây chính là niềm vui dành cho những kẻ được tuyển chọn cho nên mọi đau khổ và sự chết sẽ hoàn toàn biến mất một khi họ đã vào được Nước Trời.

47/ Bài đọc II muốn nói lên điều gì? Thánh Phao-lô muốn nói với tín hữu Philipper, Ngài rất cảm ơn cộng đoàn Ki-tô giáo này. Ngài chấp nhận sự giúp đỡ của họ trong lúc thánh nhân bị giam cầm. Ngài xin Thiên Chúa sẽ đáp lại tấm lòng rộng lượng của họ.

48/ Bài tin mừng hôm nay muốn nói lên điều gì? Tin mừng là một dụ ngôn nói về một tiệc cưới của Hoàng Gia ,mà đức vua muốn thết đãi các khách quý của mình. Nhưng những vị khách này lại từ chối không đến. Vì thế nên nhà vua muốn gởi lời mời gọi đến với tất cả mọi người.

49/ Viễn cảnh của bài đọc I muốn nói lên điều gì? Đây là hình ảnh thời cánh chung. Cũng là hình ảnh bàn tiệc Thiên Chúa thết đã muôn dân: Vừa diễn tả niềm vui ơn cứu độ, vừa diễn tả niềm vui đang tràn ngập trong tâm hồn những người được tuyển chọn.

50/ Bữa tiệc cánh chung được thết đãi ở đâu? Trên núi này, chính là đồi Sion. Trên đó đền thờ được xây dựng theo ngôn ngữ khải huyền thì đồi Sion chính là thành thánh Giê-ru-sa-lem trên trời.

51/ Trong tương lai thì nhà Đức Chúa ở đâu ? Và Thiên Chúa sẽ ngự trị ở nơi nào? Trong tương lai nhà Đức Chúa đứng kiên cường vượt mọi đỉnh non cao....Dân dân lũ lượt đưa nhau tới. Nước nước dập dìu kéo nhau đi (Is2,1-5)và cũng chính ngôn sứ nhắc lại: Đức Chúa các đạo binh hiển trị trên núi Sion và tại Giê-ru-sa-lem (Is24,23).

52/ Đồ ăn cao lương, thức uống mỹ vị, muốn nói lên điều gì? Đây chính là tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon. Ở đây vị tiên tri muốn nhấn mạnh đến tấm thịnh tình của Thiên Chúa dành cho khách mời. Trong các hy lễ thì thịt béo luôn dành để dâng hiến cho Thiên Chúa Lv3,3-5, 9-11, 14-15. Điều này muốn nói lên rằng: Con người được chia phần vào sự thiện hảo của Thiên Chúa.

53/ Rượu ở đây muốn ám chỉ điều gì ? Rượu luôn là dấu chỉ của niềm vui, dịp này, niềm vui là niềm hoan hỷ vĩnh viễn, Thiên Chúa sẽ xé bỏ chiếc khăn tang và chiếc khăn liệm đang bao trùm trên nước. Thiên Chúa sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần, Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt của họ. Những tang thương chết chóc trong thời cũ sẽ biến mất (Kh21,4).

54/ Những dấu hiệu nào chứng tỏ niềm vui đã tràn đầy ? Những dấu hiệu sẽ xảy đến vào thời Đấng Messia ,như là tiệc cưới Cana. Hay ở phép lạ hoá bánh ra nhiều, dân chúng ăn dư thừa, sau này là bàn tiệc Thánh thể. Đây chính là bữa tiệc Messia đính thực, và Chúa bảo: Hãy cầm lấy mà ăn.

55/ Thánh Phaolô viết thư này trong bối cảnh nào, và ý Ngài là gì ? Ngài viết thư này đang khi sống trong cảnh giam cầm. Mặc dù Ngài không từ chối sự giúp đỡ vật chất của công đoàn Philipphê. Nhưng thánh nhân lại luôn bận lòng là ngài không bao giờ muốn trở thành gánh nặng cho những cộng đoàn mà Ngài đến để loan báo tin mừng và không muốn làm thiệt hại đến sứ vụ của Ngài. Ngài muốn mọi người hiểu rằng: Lời loan báo của Ngài là vô vị lợi, và Ngài luôn luôn lập lại-> Tin Mừng mà Ngài mang đến là những ân ban nhưng không, Ngài như tôi tớ của Đức Kitô nên không mong chờ bất cứ bổng lộc nào. Thánh nhân lao động bằng tay và Ngài muốn chính bàn tay mình chu cấp nhu cầu cho mình.

56/ Ý nghĩa sâu xa của bài tin mừng là gì ? Dây là dụ ngôn thứ ba, đi sau hai dụ ngôn trước. Đó là 3 dụ ngôn của cuộc tranh luận thứ nhất mà Chúa muốn diễn tả về quyền a) Dụ ngôn hai người con, b) Dụ ngôn tá điền hung ác; c) Dụ ngôn tiệc cưới. Ý muốn nói về: Dân Chúa chọn bất trung với sứ mạng của mình nên lương dân sẽ thay thế. Hôm nay dụ ngôn tiệc cưới là dấu nhấn được đặt trên ơn cứu độ hoàn vũ, cho nên dụ ngôn này chứa đựng 2 bài học: Tiệc Messia và tiệc cánh chung và cả hai câu chuyện này luôn đan quyện vào  như ý bài đọc 1 muốn diễn tả.

57/ Thế nào là tiệc Messia? Bàn tiệc ở bài đọc 1 nói lên sự hiện diện của dân Chúa , là niềm vui ơn cứu độ, ở trong dụ ngôn thì  Đức vua, đại diện cho Thiên Chúa, hoàng tử ý nói là đấng Messia, và tiệc cưới là giao ước cũ và giao ước mới. Chính là giao ước vĩnh viễn giữa Thiên Chúa và nhân loại.

58/ Nhà vua đã chuẩn bị tiệc cưới cho con trai như thế nào?

Nhà vua đã gởi thiệp trước, nhưng theo phép lịch sự của giới quý tộc thời ấy thì đúng ngày mở tiệc, Ngài còn sai gia nhân 5 lần 7 lượt đến tận nhà các vị quan khách có tên trong danh sách mà mời nhắc lại. Nhưng các vị kia không thèm đếm xỉa tới lời giao ước này. Đó là dân Israel. Họ không muốn nhận ra vị hoàng tử chính là đấng Messia, có nhiều  vị khách còn đi xa hơn điều thông thường, chẳng những họ không đếm xỉa đến lời mời mà còn ngược đãi, giết chết các gia nhân của vua. Tức là các ngôn sứ, các tông đồ...../

59/ Nhà vua nỗi cơn thịnh nộ như thế nào? Nhà vua  liền nỗi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt, và thiêu huỷ thành phố của chúng. Ở đây là những lời tiên báo trực tiếp của Đức Giê-su về cuộc tàn phá thành thánh Giê-ru-sa-lem bất ngờ giáng xuống vào năm 70 sau công nguyên.

60/ Tại sao các khách mời không đến? Mỗi người trong bọn họ đã theo đuổi một mục đích riêng của mình. Họ từ chối dự tiệc, tuy thành phố bị thiêu huỷ, nhưng tiệc cưới vẫn tiến hành các khách mời đã từ chối liền được thay thế ngay, lời mời gọi được vang lên trên khắp các ngã đường. Như vậy dụ ngôn muốn nói đến tính cách nhưng không của lời mời, toàn thể nhân loại ai cũng được mời không phân biệt ai, ai cũng được mời để thay thế dân Israel bất trung. Sự lựa chọn này cũng giống như dụ ngôn cỏ lùng và dụ ngôn mẻ lưới cá.

61/ Từ tin mừng Luca, có mấy loại người được mời thay thế? Luca ghi nhận: các đầy tớ đi ra các ngã đường đến 2 lần. Lần đầu họ mời những người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào dự tiệc cưới. Lần thứ hai họ mời tất cả khách qua đường, Thánh Luca trước hết nghĩ đến những người nghèo của Nước Chúa, những người được Chúa Giê-su ưu ái đặt biệt. Họ hoan hỉ đón nhận tin mừng và dự phần vào niềm tin Messia, vì thế họ không thể bị loại ra. Hạng thứ hai là lương dân đây chính là sự tinh tế của Luca khi đề cập đến những hạng người này.

62/ Bàn tiệc cánh chung nhìn như thế nào? Chúng ta so sánh: Ở bàn tiệc của đấng Messia thì mọi người đều được mời tham dự, dù tốt hay xấu, dù công chính hay tội lỗi. Bởi vì Chúa Giê-su nói: Ngài đến để kêu gọi người tội lỗi. Như vậy có một người không mặc y phục lễ cưới, mà điều kiện chính yếu của người tội lỗi muốn vào được Nước Trời thì phải biết ăn năn xám hối. Lỗi của anh ta là lỗi không ăn năn, chứ không phải Chúa chê anh ta là kẻ tội lỗi, Chúa đâu có chê Giakêu, cũng đâu có chê Mattheo, cũng đâu có chê Phaolô hay anh trộm lành, còn trong bàn tiệc cánh chung, nghĩa là trong bàn tiệc nước Trời thì người ta chỉ được phép tham dự khi mặc y phục của người công chính.

63/ Ý nghĩa này phải được giải thích rõ ràng như thế nào? Người ta sẽ không được vào tham dự bàn tiệc Nước Trời mà lại không chu toàn những đòi hỏi của sứ điệp tin mừng, nghĩa là phải có một đời sống thấm nhuần tinh thần tin mừng, phải sống đúng với danh xưng Kitô hữu nữa, phải có việc làm chứ không phải chỉ là lời nói suông.

64/ Người được gọi thì nhiều, được chọn thì ít, là sao? Cả một dân tộc Israel được mời gọi, nhưng đa số họ chối với lý do này nọ, chỉ có một số ít là tin và đi theo Chúa, những người không chịu ăn năn sám hối theo lời kêu gọi của Gioan tẩy giả, của Chúa Giê-su, của các tông đồ. **R (khi chúa Giesu về trời , chỉ có 500 người tin Chúa) **R

 

Bài 5: CHÚ GIẢI

1/ Đoạn 22, câu 1: Đã nhiều lần Chúa Giê-su lại dùng dụ ngôn mà giảng dạy cho họ. Ở trình thuật (Mt 21,45-56), thuật lại kết quả cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và những người được Thượng Hội Đồng phái đến. Dụ ngôn này cũng được tác giả Luca tường thuật (Lc 14,15-24), nhưng trong bối cảnh là trong một bữa ăn tại nhà một người Pharisêu.

2/ Đoạn 22, câu 2: Tiệc cưới được tổ chức tại nhà chàng rể, Cha-Mẹ chàng rể là chủ nhà đãi khách. Tiệc cưới là một bữa đại tiệc, là hình ảnh niềm vui trong nước Thiên Chúa. Chúa Giê-su thường dùng những khía cạch khác nhau trong các cuộc vui để minh họa cho những câu chuyện mang tính cách ngôn sứ. Chúa Giê-su đã tham dự tiệc cưới Cana và muốn góp phần làm cho niềm vui trở nên trọn vẹn hơn, nhưng buổi tiệc suýt mất vui khi xảy ra sự cố hết rượu. Tiệc cưới hôm nay, Chúa muốn nói đến người con đầy quyền thế, chứ không  phải người con đã bị giết chết (Mt 21,37-38).

3/ Đoạn 22, câu 3: Theo phong tục Do Thái và của dân ngoại: Thông thường nhà đám sẽ gởi lời mời chung, rồi sau khi đã chuẩn bị đâu ra đấy, họ mới mời cụ thể ngày giờ. Đám người trong Tin Mừng là đám người được mời cụ thể vì bản văn đã nói rõ là mọi sự đã sẵn sàng (câu 4). Tất nhiên lúc này mà từ chối là quá thất lễ// đầy tớ là các môn đệ// người được mời là dân Israel.

4/ Đoạn 22, câu 4: Tiệc cưới thông thường kéo dài đến 7 ngày, nếu tiệc cưới của Hoàng Gia thì dài hơn. Trong dụ ngôn này, nhà Vua tỏ ra rất hào phóng khi phái nhiều đầy tớ đi nài nỉ khách mời. Mọi sự đã sẵn sàng, khách mời cần phải tới ngay, vì thời đó không có tủ lạnh nên thực phẩm để lâu sẽ bị hư hết. Dưới khía cạnh tinh thần thì sự kiện này ám chỉ rằng: Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa sẽ sai con của Người đến (Gl 4,4) Thiên Chúa đã định liệu những kẻ tin được ơn cứu độ nhờ con của Người.

5/ Đoạn 22, câu 5: Thoạt tiên khách khứa chần chừ không đến, rồi bọn họ dần dần trở thành dửng dưng nghĩa là không thèm đếm xỉa tới (Hr 2,3). Lý do mà họ từ chối lời mời là vì họ đang hứng thú và bận tâm tới những việc riêng của họ. Chúa Giê-su đã dành bao tâm huyết để giáo huấn họ về việc quá quyến luyến của cải thế gian, là những chướng ngại vật trên đường trở thành người môn đệ đích thực của Chúa (Mt 6,24) (Mt 10,34-39). Câu này cho thấy khách mời không thèm thanh minh với các sứ giả, họ xem thường và chẳng bận tâm đến lời mời, thậm chí chẳng chút áy náy, chẳng thèm đưa ra một lời xin lỗi, thay vì đón tiếp, họ đã phớt lờ các sứ giả. Họ không chống Vua bằng vũ lực, nhưng chống Vua bằng sự lãnh đạm, thờ ơ.

6/ Đoạn 22, câu 6: Câu này cho thấy khách được mời ở đây còn có lòng dạ ác độc hơn các khách mời ở câu 5, cũng như ở (Mt 21,35-39). Câu này mang âm hưởng của nội dung tiên tri tương tự như ở các câu (Mt 10-17.23) và (Mt 23,34) theo công vụ tông đồ thì những lời này đã ứng nghiệm (Cv 4,3/ 5-18/ 9,1/ 12,1-3 và 16,22) thuật lại những gì đã xảy ra. Dù cố tình hay vô ý thì sự kiêu căng cùng những lời lăng mạ và sự hung bạo của nhóm người này là sự xúc phạm đến nhà Vua. Việc không quan tâm đến lời mời của Vua thế mà họ còn đối xử tệ bạc với các đầy tớ của Vua, thật không thể chấp nhận được.

7/ Đoạn 22, câu 7: Vào thời Đức Giê-su, nhà Vua có thể hủy diệt cả một thành, thường bằng cách phóng hỏa, nếu thấy mình bị khiêu khích dù chỉ một chút. Rõ ràng Chúa Giê-su đã báo trước số phận của Israel và thành Yerusalem. Những lời này đã được ứng nghiệm vào năm 70 CN khi người Roma đến phá hủy thành Yerusalem.

8/ Đoạn 22, câu 8: Những người được tuyển chọn, là những khách mời chính thức, đã không nhận lời mà con khinh miệt các đầy tớ nên họ sẽ bị xem là bất xứng và bị nhà Vua tước quyền tham dự tiệc cưới. Họ đã nhục mạ và không thừa nhận vương vị cùng quyền lực của Vua, cũng như coi thường lòng tốt và chu đáo của Ngài. Điều này nói lên rằng: Những người thu thuế và tội lỗi là những người sẽ thay thế giới lãnh đạo Do Thái để đón nhận ân sủng nơi Đức Giê-su. Hoặc có thể áp dụng xa hơn cho việc Thiên Chúa hướng về phía dân ngoại. Vì những kẻ lòng chai dạ đá trong dân Do Thái đã khước từ Tin Mừng. Điều này cũng áp dụng cho thế giới hôm nay cho tất cả những ai khước từ hoặc chểnh mảng trong việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ tìm người khác thay thế họ. Thiên Chúa cũng cho biết, tiệc cưới đã sẵn sàng nên con người cũng chẳng thể ngăn trở Thiên Chúa tiếp tục thực hiện những ý định và mục đích của Người.

9/ Đoạn 22, câu 9: Ra các ngã đường, thường thường là các giao lộ, những con đường tiếp giáp với vành đai thành thị, tương tự ranh giới cửa ngõ thành thị/ Cũng như các thành phố lớn hiện nay, những nơi giao lộ này thường rất đông đúc, vì tiệc đã sẵn nên những kẻ được mời phải lập tức đến ngay.

10/ Đoạn 22, câu 10: Những đám đông tụ tập lại ở những nơi công cộng thường là ăn xin, trộm cắp, ô uế, con buôn từ nông thôn ra vào buôn bán. Như thế những kẻ mà họ mang về bao gồm cả tốt lẫn xấu. Vì nhà Vua không muốn bỏ sót một ai, ông cũng không muốn dựa vào sự xét đoán của các đầy tớ để định đoạt kẻ này người nọ là xứng hay bất xứng. Làm sao cho khách vào đầy phòng tiệc là việc mà các đầy tờ phải làm,

11/ Những kẻ tự cho mình xứng đáng thì thường chống đối sứ điệp Tin Mừng vì họ cho rằng sứ điệp đó chẳng cần thiết. Còn những người tự cho mình quá xấu nên cũng chẳng chịu đáp lại lời mời gọi. Chẳng ai tốt lành, thánh thiện đến mức chẳng cần nhận ơn cứu độ, cũng chẳng có ai tệ hại đến mức không được chấp nhận.

12/ Một khía cạnh Chúa Giê-su muốn mọi người cần nhớ: Khi Thiên Chúa kêu gọi Abraham và dân tộc Israel, kế hoạch của Người là muốn chúc phúc cho mọi gia tộc trên mặt đất. Khi Thiên Chúa sai con của Người nhập thể, sinh ra bởi một Trinh nữ, thì chương trình cứu độ trần gian của người đã sẵn sàng (Yn 3,16). Mặt khác, việc mời gọi dân ngoại không phải là Thiên Chúa không còn bận tâm đến Israel, nhưng là Người muốn đem họ trở về. Và Người dư khả năng để thực hiện điều đó (Rm 11,23-27.32).

13/ Đoạn 22, câu 11: Nhà Vua tiến vào phòng tiệc, nơi quan khách đang ngồi, để đón chào mọi người. Thời đó chủ nhà không dùng bữa chung với khách là một biểu hiện hết sức lịch thiệp. Y phục cưới không cần cầu kỳ nhưng phải là bộ áo quần được giặt giũ sạch sẽ (tượng trưng cho việc mặc lấy ơn cứu độ). Áo choàng là sự công chính ( Is 61,10) (Kh 3,4-5). Nó tượng trưng cho đời sống mới mà người ta mặc lấy khi được tẩy sạch và được tha thứ tội lỗi .

14/ Đoạn 22, câu 12: Này bạn, đây là kiểu nói thân mật. Người này câm bặt vì xấu hổ vì sợ hãi, cũng có thể anh ta chọn giải pháp im lặng vì sĩ diện.

15/ Anh này cũng giống như những kẻ được mời đầu tiên, anh cũng bị coi là bất xứng vì anh ta biết Nhà Vua này rất tốt lành và vì sẽ được ăn ngon, nhưng sao anh ta không tôn trọng vị Hoàng Tử khi không chịu mặc y phục lễ cưới. Nhiều người vẫn tin rằng Thiên Chúa nhân lành nhưng họ vẫn bị xem là bất xứng bởi vì họ không chịu nhận người là Chúa của họ.

16/ Đoạn 22, câu 13: Nhà Vua ra lệnh: Quăng nó ra ngoài. Bị tống ra khỏi bàn tiệc là điều vô cùng nhục nhã, không tắm rửa, không ăn mặc chỉnh tề, là xúc phạm chủ nhà cách nặng nề. Vậy ta có thể hiểu vì sao nhà Vua lại trừng phạt bằng cách: “Trói chân tay nó lại”.

17/ Chỗ tối tăm bên ngoài là hình bóng hoàn toàn trái ngược với nơi bàn tiệc. Đó là hình ảnh của ngày phán xét (Mt 13,42.50). Bóng tối không có chỗ trong cung điện nhà Vua. Bóng tối chỉ ngự trị ở địa ngục ( Mt 5,22.29.30).

18/ Đoạn 22, câu 14: “Nhiều” ở đây nên hiểu là tất cả. Lời mời này nhắc lại lời mời gọi rao giảng Tin Mừng cho toàn thể nhân loại. Thực tế chỉ có một số đáp lại lời mời này, và họ đích thị là những người được Thiên Chúa tuyển chọn. Chỉ có ai đón nhận Tin Mừng thì mới được cứu thoát ( câu 11-13).**R

 

TÓM Ý

1/ Hình ảnh em bé khát khao rước Chúa Thánh Thể, nói lên điều gì ? Em bé thì khát khao, trong khi có biết bao người lớn chối từ bàn tiệc thánh thể, vốn là bí tích tình yêu mà Thiên Chúa đã lập ra vì con người.

2/ Thời xưa Chúa Giê-su kêu mời ai ? Là dân Do Thái, còn bây giờ thì Chúa kêu mời người Kitô hữu. Mọi sự đã có sẵn từ khi chúng ta còn bé, Chúa luôn kêu mời vì tất cả đã sẵn sàng.

3/ Bổn phận chúng ta là gì ? Chúng ta không chỉ là khách mời, chúng ta còn là người nhà, người thân của Chúa, ngoài ra chúng ta còn có bổn phận tiếp tay với Chúa để kêu mời người khác về bên bàn tiệc của Chúa qua công tác truyền giáo.

4/ Bí tích thánh thể là gì? Là bàn tiệc cưới Nước Trời ,là một quà tặng qúy giá. Trong khi chúng ta lại là những kẻ túng thiếu, nhưng sao lại tìm đủ mọi lý do tầm thường để chối từ ?

5/ Thiên Chúa muốn điều gì ? Mọi người đều được kêu mời vào dự tiệc vì phòng tiệc lúc nào cũng rộng chỗ, đồ ăn thức uống dư thừa. Chúa muốn tất cả mọi người, những người ở bên ngoài đường, những người đang ở bên ngoài Giáo Hội, là các anh em lương dân, những người khổ đau, túng thiếu, Chúa không được bỏ rơi họ.

6/ Tiệc cưới Nước Trời là gì ? Là hạnh phúc Nước Trời, là đời sống vĩnh cửu, là được sống trong tình thương của Chúa , mà Ngài đã dành sẵn cho mọi người.

7/ Ý nghĩa của Dụ Ngôn ra sao ? Nhà Vua là Thiên Chúa, Hoàng Tử là Đức Ki-tô, tiệc cưới là sự kết hợp giữa Đức Ki-tô với Giáo Hội. Những kẻ được mời mà họ từ chối đó là dân Do Thái. Họ đã từ chối,  đã giết chết các tiên tri, đã giết cả Con Thiên Chúa .

8/ Những đầy tớ sau này là những ai ? Là các tông đồ, họ có nhiệm vụ chiếu tỏa ánh sáng Tin Mừng và dẫn đưa mọi người tới niềm hạnh phúc Nước Trời. Thế nhưng có rất nhiều kẻ đã từ chối, bắt bớ, đánh đập các tôi tớ của Chúa .

9/ Bí tích thánh thể là tiệc cưới dành cho ai ? Dân Do Thái đã từ chối nên Thiên Chúa cho mời gọi những người khác, những dân tộc khác, trong đó có cả chúng ta.

10/ Ai từ chối lời mời gọi ? Người Do Thái đã đắp tai, ngoảnh mặt làm ngơ trước lời mời gọi của Thiên Chúa, chúng ta hãy mau mắn đáp lại tấm lòng yêu thương, bao dung của Thiên Chúa.

11/ Họ đưa ra những lý do có chính đáng không ? Lý do họ đưa ra chẳng có chút gì chính đáng để khước từ ân ban trọng đại của Thiên Chúa.

12/ Thiên Chúa nhân từ như thế nào ? Ngài nhẫn nại và luôn tôn trọng sự tự do, Ngài không muốn cưỡng bức để buộc chúng ta phải đáp trả tình thương của Ngài, tự mỗi người chúng ta cần có ý thức để đền đáp lại ân tình của Ngài .

13/ Nước Trời quý giá như thế nào ? Như viên ngọc Quý giá, như kho tàng vô cùng giá trị, Nước Trời là Miền đất hứa chảy đầy sữa và mật ong, là buổi tiệc vĩnh cửu mà chúng ta cần phải tham dự.

14Như thế nào là y phục lễ cưới ? Ông chủ không đòi chúng ta phải có một bộ y phục lễ cưới của kẻ giàu sang phú quý. Nhưng chỉ cần quần áo phải sạch sẽ, chỉnh chu / ở đây Chúa chỉ muốn nhắc chúng ta phải có thiện chí và tâm tình sám hối như người trộm lành , thì mới xứng đáng vào dự tiệc cưới  .

15/ Nước trời dành ưu tiên cho ai ? Cũng bởi Nước Trời là của người nghèo, nên người giàu có càng khó vào, càng khó mua. Nước Trời không phải chỉ dành riêng cho người Thánh mà còn dành cho người tội lỗi biết sám hối nữa.

16/ Áo cưới của người trộm lành là gì ? Đâu phải là lòng sạch tội, nhưng là tấm lòng biết ăn năn sám hối tội mình và nhận ra Chúa Giê-su là Thiên Chúa để anh tin và tuyên xưng .

17/ Có ai mặc áo cưới khi đang đi ngoài đường không ? Nhà Vua sai các đầy tớ ra ở các ngã ba, ngã tư đường để mời mọi người vào dự tiệc cưới. Làm gì có ai đi ngoài đường, sinh hoạt hằng ngày lại mặc sẵn áo cưới bao giờ. Có chăng là khách dự tiệc phải nhận ra Đức Vua là ai và phải chuẩn bị tư thế như thế nào để vào dự tiệc cưới.

18/ Mọi người phải chuẩn bị như thế nào? Chúng ta phải cảm nhận thân phận bất xứng của mình và nghĩ tới sự cao sang quyền năng của Đức Vua ,để có thái độ cho thích hợp khi bước vào dự tiệc cưới.

19/ Kẻ được gọi thì nhiều, mà được chọn thì ít , là gì ? Có người chấp nhận lời mời , cũng có khối kẻ từ chối. Cho nên, Chúa kêu gọi mọi người nhưng cũng phó mặc cho chúng ta tự do chọn lựa, Ai chọn theo Chúa thì được phần phúc / ai chối từ thì gặp tai họa .

20/ Vì sao Chúa để chúng ta tự do ? Chúa chịu chết khổ nhục vì muốn cứu chúng ta, thế nhưng Chúa cũng đâu cưỡng bức chúng ta làm đều mà mình không lựa chọn. Chúa chỉ mong chúng ta cộng tác với Ngài trong việc cứu bản thân chúng ta .

21/ Ai nghe theo Chúa , ai không ? Ngày xưa có biết bao kẻ nghe Chúa giảng, chứng kiến phép lạ Chúa làm, được ăn bánh no nê nhưng đâu phải ai cũng nghe yêu Chúa, cũng đi theo Chúa.

22/ Thánh Phao-lô cảnh báo điều gì ? Ai gieo thứ gì thì gặt thứ nấy, ai gieo trong xác thịt thì gặt trong hư nát, ai gieo trong Thần khí thì gặt trong hạnh phúc vĩnh cửu.

23/ Vì sao Chúa lại mời gọi ? Thiên Chúa mời gọi chúng ta vào dự tiệc cưới là vì lòng yêu thương bao la của Thiên Chúa. Một thứ tình thương nhưng không.

24/ Lời mời gọi đó mang lại lợi ích gì cho Chúa ?Vua mời dân đen thì lợi dụng được thứ gì? Chẳng những dân hèn hạ, còn đui-què- sứt mẻ nữa. Đây có thể là đám cặn bã của xã hội, thế thì họ sẽ lấy gì để đền đáp cho chủ nhân, cũng chẳng có chút vinh dự hay lợi lộc nào, vậy có phải đây là thứ tình dành để cho không ?

25/ Đây có phải là thứ tình yêu chia sẻ ? Thiên Chúa có tràn đầy vinh quang hạnh phúc, Ngài không thiếu thốn điều gì, tại sao Ngài lại mời đám tiện dân này vào Nước Trời cho thêm bận? Thưa, vì tình yêu của Ngài vô biên, Ngài mà không yêu thương thì không còn là Thiên Chúa nữa.

26/ Vì sao Thiên Chúa lại làm như thế ? Đây là một sáng kiến kỳ diệu, do tình yêu qúa mãnh liệt, Thiên Chúa cho con Ngài xuống trần làm người để nâng con người hèn hạ lên làm con Thiên Chúa, mời gọi con người vào hưởng hạnh phúc với Chúa, Chúa nâng con người hèn hạ lên làm bậc thượng khách, nâng hàng tôi tớ lên làm con cái Nước Trời. Đưa nhân loại xấu xa vào ngồi đồng bàn với hàng Thần thánh trên trời.

27/ Đây lại là tình yêu vô vị lợi sao ? Chỉ có tình yêu mới giải thích được thái độ của Thiên Chúa, tình yêu ấy muốn chia sẽ hết những gì mình có, hoàn toàn sống vì người mình yêu, mong muốn sự tốt đẹp cho người mình yêu.

28/ Thiên Chúa yêu con người như thế nào ? Thiên Chúa tha thiết yêu con người, nhưng đồng thời Ngài cũng tôn trọng sự tự do, tôi có thể đáp lại, cũng có thể chối từ. Khi dọn tiệc xong, Chúa mong tôi mau tới. Khi mở rộng cửa Trời, Thiên Chúa mong tôi bước vào. Khi mời gọi, Ngài mong tôi đáp trả. Tuy nhiên, với điều kiện là : phải mặc áo cưới.  (phải sám hối) /

29/ Mặc áo cưới là gì ? Mặc áo cưới là mặc lấy nhân phẩm làm con Chúa / Khi được làm khách mời của tiệc cưới con Vua , tôi không còn là phường rác rưởi. Chúa đã nâng tôi lên hàng thượng khách, mặc áo cưới là biết tự trọng, là cách cư xử của một con người tự do.

30/ Tôi phải đáp trả tình Chúa như thế nào ? Vì Chúa đã phục hồi nhân phẩm cho tôi, nên tôi phải trân trọng giữ gìn, mặc áo cưới là đáp lại tình yêu Chúa, là mặc lấy Đức Ki-tô, là sống trong Đức Ki-tô ./.**R

 

 

Giuse Luca / Kinh Thánh Emmaus


Trở lại      In      Số lần xem: 1674
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  6
 Hôm nay:  4688
 Hôm qua:  13063
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11444016
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top