Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tim hiểu Tin Mừng CN XIII Thường Niên B / GIUSE LUCA

CHÚA NHẬT XIII THƯỜNG NIÊN B

ĐỀ TÀI: CHÚA CHỮA NGƯỜI ĐÀN BÀ BĂNG HUYẾT VÀ CHO CON GÁI ÔNG GIAI-A SỐNG LẠI

 

TUNG HÔ TIN MỪNG:  x.2 Tx 1,10

Halêluia. Halêluia. Đấng Cứu Độ chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh. Halêluia.

PHÚC ÂM:  Mc 5, 21-24.35b-43

“Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi.”

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô:

21 Hôm ấy, Đức Giê-su xuống thuyền, sang bờ bên kia. Một đám rất đông tụ lại quanh Người. Lúc đó, Người đang ở trên bờ Biển Hồ. 22 Có một ông trưởng hội đường tên là Gia-ia đi tới. Vừa thấy Đức Giê-su, ông ta sụp xuống dưới chân Người, 23 và khẩn khoản nài xin: "Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống." 24 Người liền ra đi với ông. Một đám rất đông đi theo và chen lấn Người.

35 Lúc ấy, có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: "Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?" 36 Nhưng Đức Giê-su nghe được câu nói đó, liền bảo ông trưởng hội đường: "Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi." 37 Rồi Người không cho ai đi theo mình, trừ ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và em ông này là ông Gio-an. 38 Các ngài đến nhà ông trưởng hội đường. Đức Giê-su thấy cảnh ồn ào và người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. 39 Người bước vào nhà và bảo họ: "Sao lại ồn ào và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!" 40 Họ chế nhạo Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ theo Người, cùng đi vào nơi nó đang nằm. 41 Người cầm lấy tay nó và nói: "Ta-li-tha kum", nghĩa là: "Này bé, Thầy truyền cho con: trỗi dậy đi!" 42 Lập tức con bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Và lập tức, người ta sửng sốt kinh ngạc. 43 Đức Giê-su nghiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.

Đó là lời Chúa.

NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI DỄ HIỂU BÀI TIN MỪNG

-----//-----

 

1/ Ý nghĩa cái đụng chạm của người đàn bà.

2/ Một cái đụng chạm thể hiện niềm tin.

3/ Một cái đụng của sự hời hợt.

4/ Một sự chỗi dậy trong Chúa.

5/ Nhờ đâu có 2 phép lạ xảy ra.

6/ Khi nào thì Chúa mời chúng ta đụng vào ?

7/ Hiệu quả từ lần đụng chạm.

8/ Lý do em bé được sống lại.

9/ Điều đáng ghi nhận nơi người phụ nữ.

10/ Cách Chúa Yesus quan tâm đến em bé.

11/ Phẩm chất của 2 con người đến với Chúa là gì ?

12/ Thế nào là một đức tin có phẩm chất ?

13/ Hiệu quả từ những lần ta đụng chạm đến Chúa.

14/ Ta đụng đến Chúa theo những cách nào?

 

15/ Tâm tình của chúng ta khi gặp gỡ Chúa.

16/ Chủ đề bài Phúc Âm là gì?

17/ Một phép lạ xảy ra cách khác thường.

18/ Tâm tình của người đàn bà bị băng huyết.

19/ Đức tin mạnh mẽ của ông Giai-a ?

20/ Cách chúng ta thấy được đức tin.

21/ Đức tin của chúng ta ở đâu ?

22/ Hai thái độ cầu xin có khác nhau không ?

23/ Hai phép lạ này nói lên điều gì ?

24/ Tại sao ông Giai-a đến van xin Chúa ?

25/ Tâm tình của Chúa Yesus như thế nào ?

26/ Xét về phẩm giá của ông Giai-a.

27/ Làm sao để quên đi tính kiêu ngạo ?

28/ Điều kiện nào để được Chúa ban ơn ?

29/ Chúa Yesus cần gì khi muốn làm phép lạ ?

30/ Tại sao Chúa lại cần chúng ta cộng tác ?****

 

Bài 1: CÁCH CHÚNG TA TIẾP CẬN CHÚA

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

1/ Một cái đụng lén như sợ bị bắt quả tang: Giữa đám đông đang chen lấn chung quanh Đức Yesus. Có ai đó đã đụng vào tua áo của Chúa, nhưng hình như là một cái đụng cố ý, nhưng lại là đụng lén, như sợ bị bắt quả tang. Đó là cái đụng của người phụ nữ mười hai năm mắc bệnh băng huyết. Bà đã tốn nhiều tiền thuốc, đã bị coi là ô nhơ suốt 12 năm, bà không được đụng đến ai và không được tham dự các nghi lễ ở đền thờ.

2/ Thế nào là cái đụng của lòng tin? Người phụ nữ đã đụng vào áo Đức Yesus bằng tay và bằng lòng tin, một lòng tin tuy đơn sơ nhưng lại thật mạnh mẽ. “Dầu tôi chỉ đụng vào áo Ngài, tôi sẽ được khỏi”/ cái đụng của lòng tin đã cứu bà khỏi bệnh.

3/ Thế nào là cái đụng hời hợt: Trong đời sống Ki-tô hữu, có nhiều khi chúng ta đụng đến Chúa, đụng đến Lời Chúa, đụng đến Mình máu Thánh Ngài, đụng bằng tay, bằng miệng, bằng rung động của con tim. Nhưng chỉ là đụng chạm hời hợt, đụng vì thói quen cho nên đã không đem lại một biến đổi nào trong cuộc sống. Nhưng cũng có lần chúng ta đụng vào Chúa như người phụ nữ dù biết mình ô nhơ, tội lỗi, mà cũng dám đụng vào Đấng Thánh để ta được nên thanh sạch / chúng ta cần đụng đến Chúa và cũng cần Chúa đụng đến ta.

4/ Thế nào là chỗi dậy trong Chúa? Ông Trưởng Hội đường xin Chúa đặt tay lên con gái mình. Chúa đã cầm tay cô bé và kéo cô ra khỏi cái chết. Chúng ta cũng cần được Chúa cầm tay và bảo:  “Hãy chỗi dậy / chỗi dậy cho khỏi bệnh tật và cái chết, chỗi dậy ăn uống và sống vui tươi tự do như con cái Chúa”.

5/ Nhờ đâu có hai phép lạ cùng xảy ra?: Đức Yesus xác nhận lòng tin vững vàng của Người phụ nữ : “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con” (Câu 34)/ Chúa nâng đỡ lòng tin đang chao đảo của Giai-A : “Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (Câu 36). Cần có lòng tin khi đụng chạm đến Chúa Yesus. Hai phép lạ xảy ra nhờ có lòng tin, chúng ta cần nhạy cảm để nhận ra cái đụng chạm của Ngài.

6/ Chúa mời gọi ta hãy đụng vào: Khi đụng vào Chúa Yesus nơi bí tích Thánh Thể. Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy đụng đến nỗi khổ của anh em là chi thể của nhiệm thể Ngài. Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy đụng chạm đến Lời Chúa để chúng ta có thể nhận ra bàn tay của Chúa nơi những biến cố xảy ra trong đời. Chỉ cần đụng Chúa một lần thôi, nếu ta có lòng tin, ta sẽ được hoàn toàn đổi mới.

7/ Hiệu quả từ một lần đụng: Người đàn bà bị bệnh băng huyết lén lút sờ vào gấu áo của Người và lập tức bà thấy có chuyển biến tốt: Căn bệnh bao nhiêu năm hành hạ bà, làm cho bà tốn bao công sức, tiền của, bà đã chạy chữa trong vô vọng, nay bỗng tiêu tan.

8/ Có sự biến đổi nào khi đụng chạm đến Chúa?: Em bé không đụng được đến Chúa vì em  đã chết. Nhưng chính là Chúa Yesus đã đụng đến em. Chúa đã cầm tay dắt em chỗi dậy, cuộc tiếp xúc với Chúa đã biến đổi mãnh liệt nơi thân xác : Căn bệnh bị xua trừ, thân xác khỏe mạnh hoàn toàn. Người phụ nữ được sinh hoạt bình trong cộng đồng, bà không gây ô uế nữa. Thần chết trong em bé bị trục xuất, sự sống đã trở lại. Em bé được giải thoát từ tay tử thần, trở về với sự sống.****

9/ Điều nào đáng được ghi nhận hơn? Khi Chúa Yesus gọi người phụ nữ đến để khen ngợi, khích lệ chị, hẳn tâm hồn chị rất hạnh phúc. Bằng với thái độ khoan dung nhân hậu, Chúa đã biến đổi tâm hồn chị. Từ một con người mặc cảm đã bị xã hội khai trừ, chị thấy mình được đối xử trân trọng. Từ thân phận lén lút như kẻ đi ăn trộm, chị trở thành người được Chúa Yesus công khai khen ngợi. Từ một người xa lạ, chị trở thành người thân quen với Chúa Yesus, thái độ của Chúa đã đem lại niềm tin, bình an và lòng tự tin nơi tâm hồn chị.

10/ Chúa Yesus quan tâm thế nào với em bé? Khi em bé được trở lại sự sống, người đầu tiên em bé nhìn thấy là Đức Yesus. Hơi ấm mà em cảm nhận xuất phát từ bàn tay của Ngài, Chúa Yesus đã làm em thấy yên tâm. Việc đầu tiên Chúa bảo với mọi người là hãy cho em bé ăn. Rõ ràng Chúa rất quan tâm, ân cần, ơn lớn nhất Ngài ban là trả lại sự sống cho em. Em đã khắc ghi hình ảnh  của Ngài, em sẽ nhớ mãi, sẽ biết ơn và tự nguyện sống xứng đáng với tình yêu thương mà em đã lãnh nhận.

11/ Phẩm chất của những người đến với Chúa là gì? Ông Trưởng hội đường tin mãnh liệt nên đã tìm đến với Chúa . Hội đường Do Thái không bao giờ ủng hộ Chúa Yesus, họ luôn chống đối và tìm cách giết Ngài. Thế mà ông này lại đến cầu cứu Ngài, chứng tỏ lòng tin của ông mãnh liệt biết bao. Chính Chúa Yesus đã bảo ông: “Chỉ cần tin thôi”. Còn người phụ nữ tuy sợ Ngài, nhưng với niềm tin mãnh liệt bà đã sờ vào gấu áo của Ngài. Chúa Yesus đã khen ngợi Đức Tin của họ, tin như thế quá xứng đáng để được Chúa trả công.

12/ Thế nào là một Đức Tin có phẩm chất? Đó là lòng khiêm nhường thẳm sâu, sự khiêm nhường được diễn tả bằng thái độ bên ngoài: Vừa thấy Chúa Yesus, ông sụp lạy dưới chân Ngài. Sau khi bị Chúa Yesus phát giác, bà cũng đến phủ phục dưới chân Ngài và đã bày tỏ tất cả mọi sự. Chính nhờ 2 thái độ khiêm nhường này khiến Chúa thương!

13/ Hiệu quả từ những lần chúng ta đụng đến Chúa: Hằng ngày có rất nhiều lần ta đụng đến Chúa hoặc Chúa đụng đến ta. Ta đụng Chúa khi rước lễ, ta chạm Chúa khi lãnh nhận bí tích, ta chạm tay Chúa khi tiếp xúc với tha nhân, những người nghèo túng, bệnh tật, bị bỏ rơi. Qua những lần đụng chạm ấy sao chẳng để lại dấu ấn nào trong ta.?

14/ Ta đã đụng đến Chúa theo cách nào? Ta đụng đến Chúa cách hời hợt, máy móc, thói quen, thiếu lòng tin, thiếu cả tình yêu, cho nên đời ta không thể biến đổi. Ta hãy đến với Chúa bằng tâm tình của ông Trưởng hội đường và người phụ nữ bị băng huyết, hãy đến với Chúa bằng đức Tin mãnh liệt, bằng sự khiêm tốn thẳm sâu, ta cần cảm nghiệm có Chúa, ta cần nếm cảm tình yêu Chúa từ ánh  mắt nhân từ, từ tấm lòng độ lượng bao dung, từ sự khích lệ. Ta chẳng còn muốn làm gì khác hơn là luôn cảm ơn Chúa.

15/ Tâm tình của chúng ta khi gặp gỡ Chúa: Đức Tin của chúng ta phải được nuôi dưỡng bằng những lần gặp gỡ Chúa trong đời sống hằng ngày. Chúng ta tin tùy theo mức độ ta gặp gỡ Chúa. Chúng ta cần tự hỏi: Tôi đã gặp Chúa khi nào? Tin mừng giúp ta trả lời:  Là khi ta xem Chúa Yesus như Đấng cứu độ chứ không phải như Đấng chữa lành , khi chúng ta luôn xin điều nọ điều kia, mỗi khi chúng ta gặp cơn nguy nan khốn khó, chúng ta vẫn tiếp tục tin / đó là tâm tình cần có mỗi khi chúng ta gặp được Chúa .****

 

Bài 2: ĐỨC TIN MẠNH MẼ / ĐỨC TIN KÍN ĐÁO

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

16/ Hôm nay bài tin mừng diễn tả mấy phép lạ? Diễn tả 2 phép lạ gần nhau / Phép lạ cho một phụ nữ băng huyết được khỏi bệnh / Phép lạ cho con gái ông Trưởng Hội đường Giai-a được sống lại.

17/ Kiểu chữa bệnh của Chúa với 2 bệnh nhân ra sao? Cả hai phép lạ đều là hành động thể lý là: chạm tay vào tua áo của Chúa / và Chúa cầm tay em bé gái đã chết / Chủ đề của 2 phép lạ hôm nay là ơn Chúa ban qua lòng tin.

18/ Lý do đông đảo dân chúng đi theo Chúa hôm nay là gì? Dân chúng thấy Chúa Yesus nhận lời kêu xin của ông Giai-a để đi chữa bệnh cho con gái ông, nên họ háo hức chen lấn đi theo / Có các môn đệ cùng đi theo chung quanh Chúa.

19/ Phép lạ đầu tiên đã xảy ra cách khác thường như thế nào? Giữa lúc các môn đệ nhận ra một người đến quỳ trước mặt Thầy mình, thì phép lạ đã xảy ra rồi / Đó là một phụ nữ đầy lòng tin đã được Chúa chữa khỏi bệnh mà trước đó không một ai hay biết.

20/ Tâm tình của bà là gì? Giữa một đám dân chúng dày đặc, người phụ nữ này nhận ra một vị Thiên Chúa ẩn dật nhưng đầy uy quyền, bà không dám công khai trực tiếp đến xin Chúa trước mặt mọi người / có thể vì xấu hổ ngại ngùng / Hơn nữa theo luật Lêvi: loạn huyết là chứng bệnh dơ dáy / Người Do Thái không những coi nó là một bệnh dơ dáy về thể xác mà còn dơ dáy về mặt luân lý / Cho nên luật cấm người mắc bệnh này không được đụng chạm vào ai / Người khác chạm vào người đó thì cũng bị lây dơ / Người phụ nữ này không dám cất tiếng kêu xin vì sợ người ta biết mình mắc bệnh đó và xua đuổi / Bà định im lặng rờ vào mình Chúa Yesus / Nhưng như vậy là đã phạm luật thánh, là có tội, thật khó xử / Và cuối cùng bà nghĩ rằng nếu rờ vào tua áo choàng thì sẽ không mắc tội, nhưng được khỏi bệnh / Thế là bà làm liều.

21/ Tâm tình của bà là gì? Bà thật khiêm tốn và rất vững lòng tin / Chúng ta có thể so sánh bà với người phụ nữ xứ Cana-an (Chó con và vụn bánh), hoặc người ăn trộm lành / Bà đã bất chấp những luật lệ nghiêm khắc, phiền phức / Bà lén đến sau lưng Chúa để thực hiện ý định rút ơn Chúa / Và kết quả bà đã được toại nguyện.

22/ Phép lạ thứ hai xảy ra ở đâu? Xảy ra tại nhà ông Trưởng hội đường Giai-a / Ông có đứa con gái mắc bệnh nặng gần chết / Ông đến xin Chúa cứu chữa con ông.

23/ Thái độ của ông Trưởng hội đường ra sao? Lòng tin mạnh mẽ đã được bộc lộ qua tất cả con người ông, nghĩa là các cử chỉ và lời yêu cầu của ông / Khi đến trước mặt Chúa, ông đã quỳ sụp lạy / Cử chỉ này chỉ được dành riêng cho Thiên Chúa trong thời Cựu Ước / Cử chỉ này chứng tỏ ông tin và nhận ra Chúa Yesus là Đấng Thiên Sai / Cử chỉ thứ hai ông xin Chúa đến đặt tay lên con gái ông / cử chỉ này về sau Giáo Hội dùng vào khi ban Bí Tích Thêm Sức / Rồi trong lời cầu xin / chúng ta thấy ông bộc lộ lòng tin vững chắc / Ông đã tin chắc chắn chứ không hồ nghi / Không giống trường hợp người cha có đứa con bị quỷ ám từ nhỏ / Người cha này đã thưa với Chúa cách ngập ngừng: “Nếu Thầy có thể làm gì được thì xin Thầy giúp đỡ chúng tôi!” / Tại sao lại nói là “Nếu có thể”? Tất cả mọi sự đều có thể đối với người có lòng tin tưởng.

24/ Đức tin của ông Giai-a mạnh mẽ ra sao?: “Thưa Thầy, con bé nhà tôi gần chết rồi, xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống” / Chúng ta thấy ông không hồ nghi gì, ông tin chắc chắn sự việc sẽ xảy ra như thế, nếu Chúa muốn / Vì ông tin tưởng tuyệt đối vào Chúa Yesus / Chúa đã nhận ra đức tin mạnh mẽ của ông nên đã tới nhà ông và cho con gái ông sống lại.

25/ Niềm tin có phải là thứ mà chúng ta có thể thấy không? Nó không phải là một thứ vật chất để có thể nhìn thấy / Nhưng nó là cái gì đó có thật, lại thuộc về lĩnh vực tinh thần, người ta không thấy nó, nhưng người ta nhận biết nó qua hành động bên ngoài / Người ta không thấy đức tin của ông Giai-a / hay là của người phụ nữ bị băng huyết / nhưng qua thái độ, lời nói, cử chỉ của họ , đã biểu lộ lòng tin của họ.

26/  Đức tin của chúng ta ở đâu? Chẳng ai có thể biết chúng ta có đức tin hay không / nhưng khi thấy chúng ta đi lễ / Thấy chúng ta đi vào hành lễ trong nhà thờ với thái độ trang nghiêm, người ta biết chúng ta là người có đức tin / Như thế, một điều chúng ta có thể ghi nhận là: Đức tin chỉ ở trong lòng thôi thì chưa đủ / mà phải biểu lộ ra bên ngoài bằng lời nói việc làm.

27/ Thái độ sống đức tin của chúng ta phải như thế nào? Chúng ta phải tin mạnh như ông Giai-a / Hiên ngang mà không hổ thẹn / Vững chắc chứ không hồ nghi / Đàng khác, chúng ta cũng cần thể hiện một đức tin kín đáo chứ không phô trương và phải dẻo dai như lòng tin của người phụ nữ.

28/ Hai thái độ cầu xin của 2 người có khác nhau không? Một người xin và mạnh mẽ biểu lộ lòng tin tưởng tuyệt đối / không hồ nghi / Một người xin cách khiêm nhường, lặng lẽ, kín đáo, cũng chẳng dám nài nỉ, tất cả niềm tin đều nằm trong sâu thẳm tâm hồn / Như thế là đủ / Chúa luôn chờ đợi ở chúng ta những tâm tình như thế / Chúng ta hãy bắt chước và đừng bỏ qua những ơn huệ nào mà không xin / Vì Chúa luôn rộng tay ban phát.****

 

Bài 3: SỰ SỐNG ĐANG MẤT DẦN / SỰ CHẾT ĐÃ ĐẾN

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

29/ Địa thế nơi xảy ra phép lạ: Chúa Yesus từ bờ đông của Biển Hồ / Miền Ghêrasa, nơi xảy ra phép lạ trừ quỷ nhập vào đàn heo / Dân chúng sợ hãi muốn xua Chúa Yesus đi / Khi qua bên bờ Tây của Biển Hồ là miền Carphana-um thì lại được dân chúng nồng nhiệt đón tiếp.

30/ Hai phép lạ này nói lên điều gì? Nơi người đàn bà, sự sống đang mất dần vì máu tượng trưng cho sự sống / Khi bà sờ vào gấu áo của Chúa thì sự sống liền được phục hồi / Sự sống nơi bé gái đã mất, khi Chúa gọi dậy, cô bé đã sống lại cách dễ dàng như người đang ngủ, thức dậy.

31/ Ông Trưởng hội đường là ai? Là một nhân vật quan trọng, đáng kính trong dân / Ông được lựa chọn giữa các trưởng lão / Ông không phải là thầy giảng dạy / Ông chỉ phụ trách bên ngoài, giữ trật tự trong giờ thờ phượng / mời người giảng dạy / Bổn phận của ông là không để điều gì đáng tiếc xảy ra trong nhà Hội / Mọi công việc hành chánh đều nằm trong tay ông.

32/ Tại sao ông đến van xin Chúa? Một người như thế chỉ đến với Chúa khi đã cùng đường / Vì phần nhiều những người chính thống như họ thường coi Chúa Yesus như một tay tà đạo nguy hiểm/ Chỉ khi mọi nỗ lực cứu chữa khác đều đã thất bại / ông ta mới chạy đến với Chúa Yesus! Chúa Yesus cũng có thể nói với người này: lúc bình thường thì anh muốn giết tôi / bây giờ có việc quá cần thì anh lại kêu tôi giúp!

33/ Tâm tình của Chúa Yesus: Chúa Yesus có thể từ chối một người như thế, nhưng Ngài không hề trách móc / Có người đang cần Chúa nên Chúa sẵn sàng dẹp bỏ tự ái, kiêu hãnh và tinh thần không tha thứ ở trong con người của Ngài (nếu có).

34/ Tập tục Do Thái khi nhà có tang chế: ở đây cho thấy một cảnh tượng rất hỗn độn mất trật tự / Họ cho việc than khóc kẻ chết là cần thiết / Cho nên tiếng than khóc ầm ĩ thường do những người đàn bà khóc mướn mang lại.

35/ Quang cảnh nhà tang ở Đông Phương / Mỗi thành phố, mỗi cộng đồng đều có những người đàn bà khéo léo trong nghề này, họ luôn sẵn sàng khi được mời / Khi có người đến phúng điếu, họ liền giở giọng than khóc đến nỗi những người đến thăm viếng khó lòng cầm được nước mắt / Họ biết rõ lai lịch của mọi người và tức thì cất tiếng ai oán, trong khi họ kể tên người qua đời với cả những người đến viếng, làm động lòng mọi người giống như là mỗi người tự khóc cho chính người chết của mình / Cuộc trình diễn này lẽ ra rất khó, nhưng ở đây nhờ bọn họ mà mọi việc được xúc tiến một cách thật dễ dàng. Tiếng than khóc không ngừng của bọn họ làm ồn ào cả nhà ông Giai-a hôm đó / Họ còn rú lên những âm thanh ma quái / Đây là cảnh vô trật tự của một nhà tang Đông Phương.

36/ Chúa Yesus tỏ quyền uy: Ngài đuổi tất cả bọn họ ra ngoài / Theo văn hóa Hy Lạp, người chết thường được cho là ngủ / Vì khí hậu nóng nên thường người ta cho chôn gấp, vì thế cũng có trường hợp xác chưa chết hẳn.

37/ Chúa đã cứu ai? Chúa đã cứu em bé này khỏi sự chết kinh khiếp / Chúa đã cứu em khỏi tay tử thần.

38/ Tiếng Hy Lạp hay tiếng Aram? Tali-tha-kum là tiếng Aram / Làm sao câu này bằng tiếng Aram lại chen được vào cuốn Phúc Âm bằng tiếng Hy Lạp? Lý do là Marcô nhận tài liệu từ Phêrô / Mà Phêrô lúc sống ngoài nước Palestin thì ông hay dùng tiếng Hy Lạp / Chính vì thế mà câu nói của chính Chúa Yesus đã làm cho ký ức của ông nhớ mãi, khiến ông không bao giờ quên trong suốt cuộc đời.

39/ Thái độ của chủ nhà Giai-a: Ông là nhân vật quan trọng và khả kính nhất trong cộng đoàn / Khi con gái ông ngã bệnh nặng, ông đã nghĩ ngay đến Chúa Yesus.

40/ Làm sao ông quên được thành kiến sẵn có? Trước đó ông đã coi Chúa Yesus như một kẻ xa lạ, tà giáo, thậm chí nguy hiểm nữa / Người đã bị Hội Đường cấm cửa / Một người mà bất cứ ai theo đạo chính thống đều phải xa lánh / Nhưng ông đã đủ khôn ngoan để từ bỏ thành kiến đó vào lúc cần thiết.

41/ Thành kiến là gì? Là sự phê phán, xét đoán trước / đó là một phán đoán đã hình thành trước khi đi khảo sát bằng chứng thực tế / Hay là một án lệnh được đưa ra mà không cần khảo xét chứng cớ.

42/ Tiến bộ là gì? Tiến bộ là một cuộc đấu tranh chống lại các thành kiến mà trước kia người ta đã nói về nó / Nếu thành kiến ngự trị trong lòng ai thì sẽ đóng chặt tâm trí họ, khiến cho họ không nhận ra được điều tốt đẹp.

43/ Phẩm giá của ông Giai-a: Ông chủ Hội đường mà lại đi gieo mình dưới chân Chúa Yesus, là một đạo sĩ lang thang / lắm khi người ta phải quên đi phẩm giá để cứu lấy mạng sống, cứu lấy linh hồn mình / Xét lại chuyện này, ta nhớ lại câu chuyện xưa với tướng Na-a-man (2V 5) / Ông đến với Elisêu để xin chữa bệnh phong (nhờ nghe vào lời cô tớ gái) thật ra Elisêu đã đối xử tệ với Na-a-man / Nhưng Na-a-man đã biết dẹp đi tính kiêu ngạo, cho nên bệnh phong của ông đã được sạch / Nhiều người cứ khư khư giữ chặt lấy phẩm giá của mình nên đành đánh mất ân huệ sẽ được ban.

44/ Hạ mình xuống và quên đi tính kiêu ngạo: Việc đến xin Chúa Yesus giúp mình là một nỗ lực về sự cố gắng hạ mình mà ông Giai-a phải làm / Chẳng ai muốn nợ người khác / Ai cũng muốn tự lo liệu cho đời mình, nhưng bước đầu trong đời sống đạo, người Kitô hữu phải nhận ra rằng mình chẳng thể làm gì khác hơn nên đành phải đến nài van và mắc nợ Thiên Chúa.

45/ Đừng sợ, chỉ tin mà thôi: Một bên là tiếng nói tuyệt vọng, một bên là tiếng nói hy vọng.**

 

Bài 4: KIỆN TOÀN LỀ LUẬT

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

46/ Sau khi nghe Chúa Yesus giải thích về 2 việc làm táo bạo của Ngài, chúng ta thấy rằng khi Chúa đến với người đàn bà loạn huyết và con gái ông Giai-a bị chết / Chúa Yesus bất chấp luật ô uế / Không có nghĩa là Ngài muốn phá bỏ lề luật / Nhưng nếu luật chỉ là hình thức bên ngoài thì Ngài sẵn sàng loại bỏ / Vì mục đích của lề luật là mang lại lợi ích tinh thần / là thực hành bác ái yêu thương / Mà luật yêu thương là nòng cốt của niềm tin Kitô giáo / Không sống bác ái coi như không có đức tin / Nếu không có đức tin thì lề luật không có chỗ để tồn tại.

47/ Có lần Chúa Yesus nói thẳng với Luật sĩ, Biệt Phái: Họ chỉ chăm giữ cái hình thức khô cứng của lề luật mà không để ý gì đến tinh thần của lề luật / Chúa nói: các ngươi như những mồ mả bên ngoài sơn phết đẹp đẽ, mà bên trong thì chứa đầy những thứ thối tha.

48/ Sạch hay dơ là do lòng người chứ không do hình thức bên ngoài /  cái gì làm cho người ta ra ô uế ,là những thứ từ bên trong xuất ra chứ không phải là những thứ từ bên ngoài nhập vào.

49/ Đề cập đến việc tham dự Thánh Lễ: vấn đề đặt ra ở các nước phát triển khá ngộ nghĩnh / Người ta hỏi có được phép ngồi nhà dự Thánh Lễ qua màn hình vô tuyến truyền hình không? Khỏi cần đến nhà thờ / Giáo Hội trả lời dứt khoát là không được, bởi vì dự lễ kiểu đó chỉ là hình thức cho có, cho rồi, chẳng có một chút tâm tình tôn thờ nào có thể nói lên việc yêu mến kết hợp với Thánh Thể! Chuyện bên Tây như thế, còn chuyện bên ta cũng tương tự như vậy => nhiều người đi lễ nhưng không muốn vào nhà thờ, họ muốn đứng ngoài sân, ở ngã 3 đường, cho dù trong nhà thờ vẫn còn chỗ / Họ đứng ngoài nhà thờ, miễn sao có hướng vào nhà thờ, mắt nhìn về phía bàn thờ / Vậy có khác gì xem lễ qua ti vi đâu? Đó chỉ là hình thức, mà chẳng có tâm tình gì cả!

50/ Luật thánh hóa ngày Chúa nhật: Điều Răn thứ ba dạy thánh hóa ngày Chúa nhật / Nhiều người nghĩ là chỉ cần đi dự lễ / Từ quan niệm đó, ai cũng coi việc đi dự lễ là đã xong bổn phận / Còn ai kẹt không đi lễ thì cứ coi như mình đã lỡ, thôi đành vậy / Chúng ta hiểu Điều Răn thứ 3 quá hời hợt, chỉ phớt phớt cho qua hình thức bề ngoài mà thôi / Thật ra luật dạy phải thánh hóa, làm cho ngày đó nên thánh thiện / Muốn thánh hóa ngày đó thì đi dự lễ chỉ mới là 1 việc, ngoài ra còn phải dành nhiều thời gian của ngày đó để làm những việc Chúa muốn như đọc kinh cầu nguyện nhiều hơn, làm thêm việc lành / để ý đến người khác / tới lui thăm viếng, trò chuyện, an ủi, giúp đỡ nhau,…

51/ Sống đạo giữa đời: Lề luật được đặt ra không phải cho có hình thức mà để cho con người sống đạo tốt hơn / Nhưng sống đạo là gì? Không phải chỉ là chu toàn một số hình thức đạo đức, như đọc kinh, dự lễ, chịu các phép Bí Tích, nhưng còn phải sống, làm việc, làm ăn buôn bán, giao tế, biết xử sự tốt trước những va chạm, những khó khăn xảy ra mỗi ngày / Giáo Hội gọi là sống đạo giữa đời / Nếu chỉ mới giữ những hình thức ở trên là mới chỉ giữ luật đạo thôi / Khi nào chúng ta biết để ý làm ăn theo lương tâm của Kitô hữu, cư xử với mọi người theo tinh thần bác ái của Tin Mừng thì mới đúng là chúng ta sống đạo thật sự!

52/ 10 Điều luật Chúa và 6 Điều Hội Thánh dạy cũng chỉ tóm lại có 2 điều: “Mến Chúa và yêu người” / Chúng ta cố gắng đem tinh thần yêu thương ấy vào tất cả mọi sinh hoạt của chúng ta, không những chỉ ở nhà thờ mà còn trong tất cả các sinh hoạt làm ăn bên ngoài hằng ngày, như thế mới thực sự sống đạo giữa đời!

53/ Câu chuyện bà già bị đau răng, xin với Thánh Antôn. Và vị Linh mục.

54/ Người đàn bà bị loạn huyết và người đàn bà đau răng, cả 2 đều tin vào Chúa nhưng niềm tin của họ có khác biệt lớn / Người đàn bà loạn huyết nghĩ rằng mình phải làm gì đó chứ không phải là tin suông, bà đến với Chúa chứ không chờ Chúa đến với mình / Bà già đau răng thì cầu nguyện xong và ngồi chờ phép lạ và không chịu làm gì thêm!

55/ Ông Giai-a làm hết sức mình, vì con gái ông không đến được với Chúa nên ông phải đến quỳ lạy xin Chúa cứu chữa cho con ông!****

56/ Cộng tác với Chúa là điều kiện để Chúa ban ơn / Chúng ta không được thụ động ngồi chờ phép lạ, hãy sử dụng hết mọi phương tiện bình thường mà Chúa đã ban, phần còn lại thì để Chúa định liệu.

57/ Thánh Ignatio Loyola dạy rằng: “Hãy cố gắng làm như thể mọi việc đều tùy thuộc vào chúng ta, và hãy cầu nguyện như thể mọi việc đều tùy thuộc vào Thiên Chúa”.

58/ Ông MC Kenzie cho rằng: Hãy cố gắng làm được điều gì ta có thể, sau đó Chúa sẽ làm nốt những việc mà ta không thể!

59/ Thiên Chúa ban cho ta quyền tự do, nên không thúc ép nhưng để chúng ta sử dụng sự tự do của mình / Thiên Chúa không coi chúng ta như con bù nhìn, nhưng Ngài luôn coi trọng chúng ta như những cộng tác viên của Ngài.

60/ Trong các phép lạ, Chúa cần chúng ta cộng tác / Như là phép lạ ở Cana, Chúa cần chúng ta đổ nước vào lu (Yn 2,7) / Trong phép lạ hóa bánh, Chúa chỉ làm bánh hóa ra nhiều ,trong khi chúng ta có 5 chiếc bánh và 2 con cá (Mc 6,35-43) / Khi chữa người mù, Chúa chỉ thoa bùn vào mắt, còn anh ta phải đi rửa mắt ở hồ Silô-ê mới được sáng mắt (Yn 9, 1-40).

61/ Thiên Chúa không muốn chúng ta ỷ lại, nhưng hãy sử dụng hết khả năng của mình / Ngài chỉ can thiệp khi thấy cần /Câu châm ngôn: “Hãy tự giúp mình trước, trời sẽ giúp ta sau”.****

 

Bài 5: CHÚ GIẢI BÀI TIN MỪNG

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

1/ Đoạn 5, câu 21: khi so sánh khác biệt thú vị giữa 2 cách đón Chúa: ở bờ đông của Biển Hồ Galilê, họ xin Ngài hãy rời đi /  Ở bờ Tây thì Ngài được một đám đông đón tiếp / lại có một người đàn ông mời Chúa về chữa bệnh cho người nhà / Có thể đây là bờ biển phía Carphana-um.

2/ Câu 22: Ông Trưởng hội đường là người lãnh đạo giáo dân / Có thể giống như thừa tác viên hay phó tế ngày nay / Trách nhiệm của Trưởng hội đường là: xây cất, chăm sóc vườn tược, cây cối / Sắp xếp cơ cấu trật tự của việc phụng tự (Cv 13, 14-15)/

3/ Câu 23+24: Tình trạng đứa bé đã nguy cấp, việc Chúa chạm tay vào em không những chỉ là chữa lành mà còn cứu mạng cho em.

4/ Câu 25-26: Bị băng huyết có nghĩa là bệnh chảy máu bất thường từ dạ con. Tình trạng bệnh này khiến cho thể xác bị kiệt quệ / Có nhiều cách chữa bệnh này trong sách luật Talmud nhưng chỉ là những phương thuốc tào lao, nhiều khi khiến cho bệnh nhân vừa tốn tiền lại vừa khốn khổ thêm.

5/ Câu 27: Thay vì đám đông xô lấn, cản trở bà thực hiện ý định / thì giờ đây họ làm thành bức bình phong giúp bà thực hiện ý định ấy khiến cho không ai để ý / Nếu không như thế thì với sức vóc bệnh hoạn, yếu đuối, làm sao bà có thể đến gần Chúa Yesus được? Bà bất chấp việc đụng chạm có thể làm cho người khác ra ô uế, vì không có dụng ý xấu, bà làm liều vì không muốn bị vuột mất cơ hội hiếm có này! Nhiều người đã nghĩ rằng: việc người phụ nữ chạm tới tua áo của Chúa như là được thúc đẩy bởi một quan niệm mê tín / Dù vậy hành động và lời nói của Chúa Yesus không hề có ý ám chỉ về điều này / Người đã phản ứng tức thì để đáp lại niềm tin của bà.

6/ Câu 28: Ý nghĩa gốc của câu này chỉ việc chữa lành ở đây, cũng cho chúng ta thấy cách rõ rệt tình trạng nghiêm trọng của bà.

7/ Câu 29: Tức khắc dòng máu cầm lại, ở đây không có sự kiện tạm thời hay ngẫu nhiên nhưng là trong phút chốc bệnh tật đã được chữa trị tận gốc và điều này đã được bà nhận ra do có kinh nghiệm từ bản thân!

8/ Câu 30: Đây là sự đụng chạm xuất phát từ niềm tin nên đã có sức tác động / Ngoài ra cũng có thể do những cuộc chữa lành như vậy làm cho Người phải hao tổn nhiều năng lực thiêng liêng / Bởi chúng ta có đọc thấy rằng: “Người cảm thấy mệt và lánh khỏi những chỗ đông người như vậy để có thời gian lấy lại sức và để cầu nguyện” / Chúa Yesus luôn nhạy cảm trước những đụng chạm xuất phát từ niềm tin đến độ thậm chí Ngài nhận biết được cả những tiếp xúc không trực tiếp, chẳng hạn qua áo của Người! Có một câu hỏi nan giải gợi ra rằng: một năng lực như thế có thể phát ra từ Đức Yesus mà không có sự ưng thuận của Người / vậy hóa ra đức tin của con người có một lúc nào đó đã khiến cho Thiên Chúa phải hành động / Một quan điểm thần học theo kiểu này hiện khá phổ biến, tuy không có được một nền tảng Kinh Thánh vững chắc hỗ trợ / Chúng ta có thể tạm hiểu là: khi con người làm điều gì đó khiến cho Thiên Chúa quá hài lòng và tự nhiên ơn Ngài tuôn đổ không kiểm soát được / Vì lòng Ngài quá yêu thương chúng ta.

9/ Câu 31: Các môn đệ chỉ đơn giản hiểu lời Người theo nghĩa đen mà không thấy được sự khác biệt giữa sự ồn ào đụng chạm của đám đông và sự đụng chạm xuất phát từ niềm tin / Đám đông tuy có đụng chạm nhưng chẳng nhận được gì / Trong khi người phụ nữ cũng đụng chạm đơn giản là sờ vào tua áo mà lại được ơn chữa lành / Đức Yesus rất quan tâm đến sự đụng chạm này và thấy là cần phải dừng lại để xem xét và lo liệu cho nhu cầu của người phụ nữ.

10/ Câu 32: Đức Yesus đã ngó quanh để nhìn người phụ nữ đã làm điều đó / Đương nhiên Chúa biết rõ ai là người đã đụng tới áo của Ngài / Phải chăng Chúa làm thế vì lợi ích của người phụ nữ / Bà đáng được hãnh diện về niềm tin của mình / Cũng như bà đáng được tuyên dương trước bàn dân thiên hạ.

11/ Câu 33: “Sợ đến phát run”: là do bởi 2 yếu tố: nếu bà bị bắt gặp nói chuyện công khai với 1 người nam / bà sẽ bị coi là người khiếm nhã / thiếu đạo đức / Việc bà tiếp xúc và làm ô uế người khác thì càng đáng ngại hơn nữa / Bà đã thuật lại hết (từ câu 25-29) cho Chúa nghe.

12/ Câu 34: Chúa Yesus chẳng xem thường bà / cũng chẳng trách móc bà / Thay vào đó Ngài đã chúc phúc và chứng thực rằng một phép lạ đã được thực hiện nơi bà / Chúa đã nhấn mạnh tới nguồn mạch của sự cứu chữa mà bà vừa nhận được là do đức tin của bà / Bà đã được chính Thiên Chúa tưởng thưởng qua Đức Kitô / Để chứng nhận cho niềm tin và sự được chữa lành của người phụ nữ/ Đức Yesus đã gọi bà là con (gái) để cho bà biết rằng: từ nay bà đã trở nên một thành viên của đại gia đình Israel / Trước đây do tình trạng bệnh tật, bà đã bị cách ly, không cho bà bước vào Hội đường để thờ phượng Thiên Chúa, giờ thì bà có tự do để đến cùng Ngài / Đây là một trong các rào cản mà Chúa Yesus muốn dỡ bỏ về mặt phụng tự khi Người bắt đầu thi hành sứ vụ nơi trần thế / Thư Roma đoạn 4 đã khẳng định: “Đức tin là điều duy nhất cần thiết giúp con người có thể tiếp cận với Thiên Chúa và làm đẹp lòng Người”!

13/ Câu 35: Chính cuộc gặp gỡ người phụ nữ và cũng để chứng thực rằng việc chữa lành bà ta đã dẫn tới một kết quả tai hại: con gái ông Giai-a đã chết / giờ đây cô bé bị xem như vô phương cứu chữa! Khi cô bé gần chết thì còn hy vọng / Giờ thì không thể nữa rồi / Họ đã ngã lòng: làm phiền Thầy chi nữa?

14/ Câu 36: Khi Chúa Yesus nghe được những lời của người nhà ông Giai-a cho biết con gái ông đã chết / Trước sự kém lòng tin này, Chúa Yesus đã phản ứng ngay / Chúa truyền lệnh cho ông Giai-a đừng sợ / đừng để cho đức tin vẩn đục bởi những tình huống hiện tại / Chữ “đừng sợ” được chia ở thể mệnh lệnh / Trong thời Cựu Ước, từ này chỉ sự kính sợ Thiên Chúa / Ở thời Tân Ước thì từ này chỉ sự sợ hãi như khi gặp Thiên sứ / hay sợ chết / hoặc sợ thời gian cùng tận / Chúa Yesus đến để giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời phải làm nô lệ / Một nghĩa thường gặp nữa là sự hồ nghi, sự thất vọng / Việc ông Giai-a cần phải làm là hãy tin thôi, đừng sợ.

15/ Câu 37: Chúa Yesus chuẩn bị cho sự kiện trước mắt, Chúa chọn những người đồng hành, vừa là nhân chứng cho trường hợp này là chứng kiến kẻ chết sống lại và sau này là chứng kiến việc Chúa hiển dung (Mc 9, 1-10) / Trong đời sống đức tin của Giáo Hội, 3 ông Phêrô, Yacobê và Yoan trở thành các nhân chứng quan trọng về đời sống và cuộc Phục Sinh của Đức Yesus / Yacobê là Tông đồ đầu tiên chịu tử đạo / Một đức tin được hun đúc bởi đã được chứng kiến phép lạ để làm thành 1 cuộc chuẩn bị để các vị đón nhận một vận số vừa kể / Đối với các ông, phép lạ này rất có ý nghĩa để củng cố niềm tin.

16/ Câu 38: Tình huống được mô tả trong câu này cho thấy gia đình đang chuẩn bị phát tang / Cảnh khóc lóc ầm ĩ đang tả về những kẻ khóc mướn chuyên nghiệp / Trong nền văn hóa này họ là người được thuê để khóc cùng và cũng để an ủi tang quyến.

17/ Câu 39: Chúa Yesus xem xét tình hình, và căn cứ vào câu hỏi mà Chúa đã đặt ra, rõ ràng là Người chẳng ấn tượng chút nào với đám khóc mướn: sao lại náo động khóc lóc như vậy? Câu nói tiếp theo: đứa bé có chết đâu? Nó ngủ đấy! Theo văn hóa Do Thái: chết là ngủ đấy / Điều này đã gây kinh ngạc cho nhiều nhà chú giải / Thực ra ngủ có phải là kiệt sức vì ốm hay đơn giản chỉ là hôn mê? Lazarô chết, Chúa cũng bảo là ngủ (Yn 11,11) / thánh Phaolô cũng coi cái chết của các vị Thánh như một giấc ngủ / Rốt cuộc sự sống sẽ chiến thắng / Ngủ sẽ thức giấc như thế nào thì đứa trẻ này cũng sẽ tỉnh giấc tức là nó sắp sống lại.

18/ Câu 40: Những kẻ khóc mướn cho rằng họ là những kẻ đang nắm bắt đúng tình hình, họ là những kẻ chuyên nghiệp nên dễ thay đổi bộ dạng để diễn tả cảm xúc cho hợp với hoàn cảnh / Họ đã chế nhạo khi cho rằng Chúa nói không hợp thời, hợp lúc / Em gái chết lại dám cho là đang ngủ / Họ đã chế nhạo Chúa / Nhưng chính Chúa mới có nụ cười chung kết, là nụ cười sau cùng / Những người khóc lóc có thể chuyển từ khóc sang cười / Điều này cho thấy rằng bọn khóc mướn cho ông Giai-a họ đang lo âu cho ông nhưng chỉ là lo âu cho có vẻ hình thức mà thôi / Họ không chỉ vô cảm trước mọi cái chết mà còn vô cảm về mặt tâm linh nữa / Do đó, Chúa Yesus đã đuổi họ đi! Chúa dốc lòng muốn đem Nước Thiên Chúa đến cho người đau khổ nên không còn có chỗ cho thái độ hồ nghi / Chúa chỉ cho phép những kẻ liên quan đi cùng đó là cha mẹ đứa bé và các môn đệ thân tín / Sự kiện này không nhắc đến là Chúa có thái độ giận dữ hay không nhưng khung cảnh này gợi nhớ tới sự kiện thanh tẩy đền thờ / bắt họ ra ngoài hết ngoại trừ cha mẹ, và các môn đệ thân tín để làm chứng / rồi Chúa và họ cùng bước vào phòng nơi bé gái đang nằm!

19/ Câu 41: Đây là một bức họa tình thương và lòng nhân hậu / Đức Yesus cầm lấy tay cô bé, gọi cô y như mỗi lần mẹ cô đánh thức cô dậy: “Này con, ta bảo con hãy chỗi dậy đi” / Từ ngữ “Talitha Koumi” có lẽ đã khắc sâu trong tâm khảm ông Phêrô và chính ông đã thuật lại cho Marcô / Ít ra các học giả cho rằng Chúa Yesus có thể nói được 2 thứ tiếng đó là tiếng Hy Lạp và Aram / Nhưng chúng ta không biết đâu là ngôn ngữ chính Ngài ưa dùng vì bản văn Hy Lạp hiện có được coi là bản dịch / thì sao câu này Marcô lại trích lại nguyên văn bằng tiếng Aram rồi lại phải dịch ra tiếng Hy Lạp để các độc giả Hy Lạp có thể hiểu được?

20/ Câu 42: Bản văn cho biết, cô bé đứng dậy và đi lại ngay, còn một thông tin nữa cho biết cô bé đã 12 tuổi / Điều này đã giúp tránh đi sự hiểu lầm về việc cô bé đã đủ lớn để có thể đi đứng đàng hoàng / Người ta khó lòng bỏ qua chi tiết khi cho biết số tuổi của bé gái bằng với số năm mà người đàn bà băng huyết phải chịu bệnh / Chúa Yesus đã chữa cho một phụ nữ trưởng thành phải khốn khổ suốt 12 năm trường vì chứng bệnh tai ác / và Người cũng có thể ban lại sinh khí cho một cô bé gái chết yểu*.

21/ Câu 43: Chúa Yesus có nhiều lý do trong việc nghiêm cấm họ nói ra việc ấy / Chúa muốn người ta tập trung vào sứ điệp Người muốn loan báo hơn là bị chi phối bởi phép lạ đó / Vì có nhiều kẻ trong đám đông đã nhạo cười Người / có thể họ sẽ háo hức suy luận và đưa ra đủ thứ lời bàn tán, kết luận và buộc tội xằng bậy! Dầu sao đi nữa cũng cần lưu ý rằng: việc giấu nhẹm chuyện em bé này là bất khả thi vì rồi ra mọi người cũng sẽ biết được việc cô bé đã được làm cho sống lại / Lời cảnh báo của Chúa Yesus phải được hiểu theo hướng: chẳng ai cần biết cách nào mà cô bé được làm cho sống lại / Chúa Yesus cũng biết rằng: chính cô bé là bằng chứng sống về quyền năng và con người của Ngài và bằng chứng này có khi còn hiệu quả hơn là bất cứ bài giảng hay bất cứ cuộc tranh luận nào nữa.****

 

TÓM Ý

1/ Cái đụng của người đàn bà đau khổ: Giữa đám đông đang chen lấn chung quanh Đức Yesus, có ai đó đã đụng vào áo của Chúa / đây là một cái đụng lén nhưng cố ý, bà sợ bị bắt quả tang. Cái đụng của người đàn bà quá đau khổ vì bị bệnh băng huyết suốt 12 năm, một con người bị coi là ô nhơ, bà bị cấm đụng đến kẻ khác và bị cấm vào đền thờ.

2/ Một cái đụng của niềm tin: Tuy lòng tin của bà thật đơn sơ nhưng khá mạnh mẽ, bà đã dùng tay để đụng vào tua áo Chúa với một lòng tin và đức Tin đã cứu bà khỏi bệnh.

3/ Một cái đụng của sự hời hợt: Trong đời sống Kitô hữu, có nhiều khi chúng ta đụng đến lời Chúa, đụng đến Thánh Thể Chúa: đụng bằng tay, đụng bằng miệng, nhưng chỉ là đụng chạm hời hợt bằng thói quen, cho nên nó đã không đem lại biến đổi nào. Cho nên dù chúng ta tội lỗi thế nào , chúng ta cũng cần đụng đến Chúa và cũng cần Chúa đụng đến ta.

4/ Một sự chỗi dậy trong Chúa: Ông trưởng hội đường xin Chúa đặt tay lên con gái mình, Chúa đã cầm tay kéo cô bé ra khỏi cái chết, chúng ta cũng cần được Chúa cầm tay và bảo: “Hãy chỗi dậy và  sống vui tươi như con cái Chúa”.

5/ Nhờ đâu có hai phép lạ xảy ra? Chúa Yesus xác nhận lòng tin vững vàng của người phụ nữ, Chúa cũng nâng đỡ lòng tin đang chao đảo của Ông Giai-a, chỉ cần có lòng tin khi chúng ta muốn đụng chạm đến Chúa. Hai phép lạ xảy ra nhờ họ có lòng tin.

6/ Khi nào thì Chúa mời gọi chúng ta đụng vào? Khi Chúa mời gọi chúng ta đến với bí tích Thánh Thể, Chúa mời ta đụng đến nỗi khổ đau của anh em, Chúa mời ta đụng chạm đến Lời Chúa để chúng ta có thể nhận ra bàn tay của Chúa nơi những biến cố của cuộc đời, chỉ cần đụng đến Chúa một lần thôi, chúng ta sẽ được hoàn toàn đổi mới.

7/ Hiệu quả từ một lần đụng chạm: Người đàn bà bị bệnh băng huyết, đã lén lút sờ vào gấu áo của Chúa, lập tức bà thấy bệnh tình có chuyển biến tốt, căn bệnh đã làm bà hao sức, hao tiền vì bà đã chạy chữa trong vô vọng, nay bỗng nhiên căn bệnh tiêu tan.

8/ Lý do em bé được sống lại: Em bé không đụng được Chúa vì em đã chết, nhưng chính Chúa Yesus đã đụng đến em, Chúa đã cầm tay em kéo em chỗi dậy. Cuộc tiếp xúc với Chúa đã biến đổi mãnh liệt nơi thân xác em, căn bệnh đã biến mất, em bé đã được giải thoát khỏi tay tử thần.

9/ Điều nào đáng ghi nhận nơi người phụ nữ? Khi Chúa gọi người phụ nữ đến để khen ngợi, chị ta đã rất hạnh phúc. Chính thái độ khoan dung của Chúa đã biến đổi tâm hồn chị, chị không còn mặc cảm vì bị khai trừ, vì chị thấy mình được đối xử trân trọng. Từ thân phận lén lút chị trở thành người được Chúa khen ngợi. Từ một người xa lạ, chị đã tự tin và trở thành một người thân quen của Chúa, một tâm hồn đầy sự bình an.

10/ Cách Chúa Yesus quan tâm tới em bé: Khi em bé được phục hồi sự sống, người đầu tiên em thấy là chính khuôn mặt Chúa Yesus, em cảm nhận được hơi ấm từ bàn tay của Chúa, Chúa quan tâm đến em khi bảo mọi người hãy cho em ăn.

11/ Phẩm chất của hai con người đến với Chúa là gì? Ông trưởng hội đường tin mãnh liệt nên đã tìm đến với Chúa Yesus, người Do Thái không bao giờ ủng hộ Chúa bởi vì họ luôn chống đối và tìm cách giết Chúa / thế mà ông lại đến cầu cứu với Ngài. Người phụ nữ tuy sợ Chúa nhưng vì niềm tin mãnh liệt nên đã sờ vào gấu áo của Chúa, họ tin như thế thì quá xứng đáng để được Chúa trả công.

12/ Thế nào là một Đức Tin có phẩm chất? Đó là sự khiêm nhường thẳm sâu, sự khiêm nhường được diễn tả bằng thái độ bên ngoài: Ông Giai-a thì sụp lạy, còn người đàn bà thì đến phủ phục dưới chân Chúa.

13/ Hiệu quả từ những lần chúng ta đụng chạm đến Chúa: Hằng ngày có rất nhiều dịp chúng ta đụng chạm đến Chúa như khi ta lên rước lễ, khi ta lãnh nhận các bí tích, khi ta tiếp xúc với tha nhân nghèo đói. Thế nhưng sao qua những lần đụng chạm ấy chúng ta lại chẳng có chút ấn tượng nào? Phải chăng vì chúng ta chưa yêu Chúa ?

14/ Ta đã đụng đến Chúa theo những cách nào? Ta đụng đến Chúa quá hời hợt, máy móc, theo thói quen vì thiếu lòng tin, vì thiếu tình yêu cho nên đời ta không có gì biến đổi, ta hãy tìm đến Chúa bằng sự khiêm tốn thẳm sâu và cảm mến tình yêu Chúa qua ánh mắt nhân từ.

15/ Tâm tình của chúng ta khi ta gặp gỡ Chúa: Đức tin của chúng ta phải được nuôi dưỡng bằng những lần gặp gỡ Chúa, ta phải tìm đến Chúa như Đấng Cứu Độ chứ không phải như một Đấng chỉ chữa lành /trong khi chúng ta chỉ lợi dụng để xin điều nọ, điều kia, khi gặp gian nan chúng ta hãy bền lòng trong niềm tin. Đó là tâm tình chúng ta cần có.

16/ Chủ đề của bài Phúc Âm hôm nay là gì? Cả hai phép lạ đều là hành động của thể lý: Chạm tay vào tua áo của Chúa, Chúa cầm tay em bé gái đã chết để kéo dậy. Chủ đề hôm nay là ơn Chúa ban qua lòng tin.

17/ Phép lạ xảy ra thật quá khác thường: Giữa lúc các Môn đệ nhận ra một người đến quỳ trước mặt Thầy mình, thì phép lạ xảy ra trước đó rồi. Đó là người phụ nữ đầy lòng tin đã được Chúa chữa khỏi bệnh trước đó mà không ai hay biết.

18/ Tâm tình của người phụ nữ bị băng huyết: Giữa một đám dân chúng đông đảo, bà đã nhận ra một vị Thiên Chúa ẩn dật đầy quyền năng, bà không dám công khai đến xin Chúa cứu giúp trước mặt mọi người có thể vì xấu hổ, vì ngại ngùng, vì sợ sệt, bà không dám cất tiếng kêu vì sợ người ta biết mình đang mắc bệnh lây dơ và sẽ xua đuổi. Bà im lặng định sờ vào Chúa cho dù bà biết mình làm như vậy là phạm Luật Thánh, là có tội. Cuối cùng bà nghĩ rằng sờ vào áo sẽ không có tội nên bà đã làm liều, bà đã khiêm tốn và rất vững lòng tin, bà đã hành xử không khác gì người “phụ nữ Canaan với chó con và các vụn bánh”, hoặc như là người trộm lành, bà lén thực hiện ý định rút ơn và bà đã được toại nguyện.

19/ Đức tin mạnh mẽ của Ông Giai-a: Lòng tin mạnh mẽ đã được bộc lộ qua tất cả con người của ông, từ cử chỉ cũng như lời yêu cầu. Ông đã sụp lạy, cử chỉ này chỉ dành riêng cho Thiên Chúa, và ông đã coi Chúa Yesus như Đấng Thiên Sai. Cử chỉ ông xin Chúa đặt tay, về sau Giáo Hội dùng cử chỉ này để ban phép Thêm Sức. Chúng ta thấy lời cầu xin của ông rất mạnh mẽ, không có chút nào hồ nghi, ông đã tin tưởng tuyệt đối, nên Chúa đã tới nhà ông và cho con ông sống lại.

20/ Cách chúng ta thấy được niềm tin: Niềm tin không phải là thứ vật chất để chúng ta có thể thấy, nhưng nó thuộc lãnh vực tinh thần ,vô hình, người ta không thấy nhưng có thể nhận ra bằng dấu hiệu bên ngoài qua cử chỉ, lời nói của người khác .

21/ Đức tin của chúng ta ở đâu? Người ta có thể thấy đức tin của chúng ta khi chúng ta đi lễ, đi nhà thờ với thái độ trang nghiêm, nhưng Đức tin ở trong lòng thôi thì chưa đủ mà phải được biểu lộ ra bên ngoài. Chúng ta phải tin mạnh như ông Giai-a, hiên ngang và không hổ thẹn, vững chắc và không hồ nghi, chúng ta cũng cần có Đức Tin kín đáo, dẻo dai như lòng tin của người phụ nữ.

22/ Hai thái độ cầu xin có khác nhau không? Một người tin mạnh mẽ tuyệt đối, một người tin cách mạnh mẽ, khiêm nhường, kín đáo cũng chẳng dám nài nỉ / tất cả niềm tin được ẩn chứa nơi sâu thẳm tâm hồn bà. Chúa luôn chờ đợi chúng ta tin như thế, chúng ta đừng bỏ qua ơn huệ nào mà không xin vì Chúa luôn rộng tay ban phát.

23/ Hai phép lạ này nói lên điều gì? Ở nơi người đàn bà sự sống đang mất dần, vì máu tượng trưng cho sự sống, khi bà sờ vào tua áo Chúa thì sự sống liền được phục hồi / sự sống của bé gái khi Chúa gọi dậy, cô bé cũng ngồi dậy cách dễ dàng như người đang ngủ vậy.

24/ Tại sao ông Giai-a đến van xin Chúa? Một người như thế chỉ đến với Chúa khi đã cùng đường vì phần nhiều những người chính thống Do Thái họ chỉ coi Chúa như một tên tà đạo nguy hiểm, chỉ khi mọi nỗ lực cứu chữa khác đã thất bại thì ông ta mới chạy đến với Chúa Yesus.

25/ Tâm tình của Chúa Yesus: Chúa Yesus có thể từ chối những người như thế, nhưng Chúa lại không hề trách móc, vì người ta đang cần nên Chúa dẹp bỏ tự ái để đến với họ.

26/ Xét về phẩm giá của ông Giai-a: Một ông trưởng hội đường mà lại đi gieo mình xuống dưới chân Chúa Yesus, là một đạo sĩ lang thang, nhiều khi người ta phải dẹp bỏ phẩm giá để cứu lấy mạng sống, cứu lấy linh hồn mình. Ta cũng nên nhớ lại câu chuyện của tướng Na-aman và tiên tri E-lisêu (2Vua 5). Thật ra tiên tri E-lisêu đã xử tệ với Na-aman, nhưng Na-aman đã biết dẹp bỏ tính kêu ngạo đúng lúc.

27/ Hãy hạ mình và quên đi tính kêu ngạo: Chẳng có ai muốn mắc nợ người khác, ai cũng muốn tự lo liệu cho đời mình, nhưng trong đời sống đạo, nếu người Kitô hữu nhận ra sự bất lực của mình thì hãy nên chạy đến với Chúa, để mắc nợ và phải đáp đền ơn Chúa ban.

28/ Cộng tác với Chúa là điều kiện để được Chúa Yesus ban ơn: Chúng ta không nên thụ động ngồi đó chờ đợi phép lạ, hãy sử dụng mọi điều kiện Chúa ban, phần thiếu sót còn lại ta hãy để cho Chúa định liệu.

29/ Trong các phép lạ Chúa cần ta cộng tác: Như phép lạ ở Cana, Chúa cần ta đổ nước vào lu (Yn 2,7) Trong phép lạ hóa bánh, Chúa cần chúng ta góp 5 chiếc bánh và 2 con cá, Chúa cũng cần người đi phân phát (Mc 6,35-43). Khi chữa người mù, Chúa chỉ thoa bùn vào mắt, còn anh ta thì phải đi rửa ở hồ Silô-ê (Yn 9, 1-40).

30/ Thiên Chúa không muốn chúng ta ỷ lại: Ta hãy sử dụng hết khả năng của mình, Ngài chỉ can thiệp khi cần. Có câu châm ngôn: “Hãy tự giúp mình trước, trời sẽ cứu ta sau”.****

Giuse Luca / Kinh Thánh Emmaus


Trở lại      In      Số lần xem: 1976
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  10
 Hôm nay:  12219
 Hôm qua:  8431
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11438484
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top