Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu Tin Mừng CN XV Thường Niên - B - GIUSE LUCA

CHÚA NHẬT 15 TN B 

ĐỀ TÀI: HÀNH TRANG CỦA NGƯỜI TÔNG ĐỒ

 

Lời Chúa    

TUNG HÔ TIN MỪNG:  x. Ep 1, 17-18

Halêluia. Halêluia. Xin thân phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, soi trí mở lòng cho chúng ta thấy rõ, đâu là niềm hy vọng, mà ơn Người kêu gọi đem lại cho chúng ta.

 Ha-lê-lui-a.

PHÚC ÂM:  Mc 6, 7-13

“Đức Giê-su bắt đầu sai các Tông Đồ đi rao giảng”

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô:

7 Khi ấy, Đức Giêsu gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. 8 Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng, ; 9 được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. 10 Người bảo các ông: « Bất cứ ở đâu, khi anh em vào nhà nào, thì hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. 11 Còn ở nơi người ta không đón tiếp và không nghe anh, em thì ra khỏi nơi đó, hãy giũ bụi đất dưới chân để tỏ ý cảnh cáo họ». 12 Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. 13 Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.

Đó là lời Chúa.

NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI DỄ HIỂU BÀI TIN MỪNG

1/ Trước khi về trời, Chúa Yesus sắp xếp công việc trần thế như thế nào?

2/ Đức tin của các Tông đồ ra sao?

3/ Năng lực của các Tông Đồ như thế nào?

4/ Sách Công Vụ Tông Đồ ghi lại những gì?

5/ Các ông đã minh chứng niềm tin như thế nào?

6/ Chúa Yesus đã so sánh nước trời với thứ gì?

7/ Chúng ta sẽ cộng tác với Chúa như thế nào?

8/ Chúa Yesus đã làm gì khi thấy đồng lúa chín vàng?

9/ Phúc Âm hôm nay Chúa sai các Môn Đệ làm gì?

10/ Các Tông Đồ từng mắc phải những lỗi lầm nào?

11/ Chúng ta lãnh sứ vụ Tông Đồ từ khi nào?

12/ Chúa muốn chúng ta trở nên thứ gì?

13/ Tiêu chuẩn làm Tông Đồ của người giáo dân.

14/ Tại sao đừng thoái thác trách nhiệm?

 

15/ Một câu chuyện sống đạo của người nghèo.

16/ Những người nghèo có thể làm Tông Đồ như thế nào?

17/ Những hành trang cần mang theo khi đi xa.

18/ Những hành trang cần thiết nhất.

19/ Sự nguy hiểm của vật chất, tiền của.

20/ Lợi ích của sự nghèo khó, thiếu thốn.

21/ Ý nghĩa của việc đi từng 2 người một.

22/ Trái tim biết cảm thông.

23/ Muốn thành công trong việc Tông Đồ, ta cần làm gì?

24/ Đừng mang theo những thứ vô ích.

25/ Đừng lăng xăng đi khắp nơi.

26/ Ý nghĩa của cây gậy khi đi đường.

27/ Phủi bụi chân để làm gì?

28/ Tinh thần bất vụ lợi.

29/ Điều kiện tối cần cuối cùng.

30/ Câu kết luận.****

 

Bài 1: NHỮNG KẺ KẾ TỤC

 

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

1/ Một câu chuyện giả thuyết: Sau khi Chúa Yesus hoàn tất sứ vụ cứu độ ở trần gian, lúc Chúa Yesus về trời, sứ thần Gabri-el đón gặp Chúa và không quên đưa ra một thắc mắc: Lạy Chúa, xin cho biết công việc của Chúa sẽ được tiếp tục như thế nào ở trần gian? Chúa Yesus liền đáp: Ta đã chọn 12 Tông Đồ và ta đã trao phó cho họ sứ mạng đem Tin Mừng đến tận cùng bờ cõi trái đất. Nghe câu trả lời của Chúa, hình như sứ thần Gabri-el chưa thỏa mãn, bèn hỏi tiếp: Nếu chẳng may họ thất bại thì Chúa có phương án hai để dự phòng không? Chúa Yesus chỉ mỉm cười và đáp nhỏ: Ta không dự tính thêm gì nữa, vì ta rất tin tưởng ở họ!

2/ Năng lực của các Tông Đồ như thế nào? Nếu xét về nhiều phương diện, thì nhóm các Tông Đồ ít ỏi đó không đủ khả năng để chu toàn sứ mạng này . Nhưng Chúa Yesus lại hoàn toàn tin tưởng vào các ông nên Chúa rất an tâm khi Ngài về trời.

3/ Đức Tin của các Tông Đồ ra sao? Ngay khi Chúa còn sống, đức tin của các ông vẫn rất yếu kém, ngay cả khi Chúa sống lại/ đức Tin của các ông vẫn còn chập chờn, chao đảo. Chúa phải hiện ra nhiều lần sau khi sống lại, các ông mới  có thể tin.

4/ Sách công vụ Tông Đồ đã ghi lại như thế nào? Sách Công vụ Tông Đồ còn cho chúng ta thấy thái độ sợ sệt và khép kín của các ông sau khi Chúa về trời. Thế nhưng chính nơi các ngư phủ quê mùa này mà Chúa Yeus đã tin tưởng trao phó trọn vẹn sứ mạng để các ông hoàn tất chương trình Chúa muốn thực hiện. Đó là chương trình Chúa muốn biến trần gian thành Nước Trời.

5/ Điều gì đã khiến các ông có thể đổi thay cách mạnh mẽ? Cũng trong sách Công vụ Tông Đồ chúng ta lại thấy một hình ảnh khác hẳn khi các ông nhận lãnh Thánh thần vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Sau đó các ông đã can đảm ra khỏi những căn phòng đóng kín, nơi các ông từng sợ hãi trốn tránh, để đi rao giảng Tin Mừng khắp mọi nơi, bất chấp mọi cấm đoán ,tù đày .

6/ Các ông đã minh chứng niềm tin của mình như thế nào?: Các ông bất chấp mọi thứ đòn vọt, tù đày, sẵn sàng chấp nhận cái chết để nêu cao niềm tin. Tất cả các Tông Đồ đều đổ máu đào để minh chứng niềm tin của mình vào Đức Ki-tô. Ngoại trừ một mình Yoan TĐ chết ở tuổi già.

7/ Chúa Yesus đã sánh vì Nước Trời với thứ gì? Ngài ví Nước Trời như một hạt cải bé nhỏ, đã mọc và trở thành một cây to cho chim trời tới đậu và làm tổ. Đã hơn 20 thế kỷ trôi qua có biết bao người, đủ mọi sắc dân, chủng tộc, thành phần. Họ đã đáp ứng lời mời gọi của Chúa Yesus, để lên đường tiếp nối sứ vụ của Chúa.

8/ Chúng ta phải làm thế nào để cộng tác với Chúa? Hôm nay đến lượt chúng ta, lúc này Chúa Yesus đang nhìn vào chúng ta và đưa ra một câu hỏi và mong chúng ta có một thái độ dứt khoát. Câu hỏi ấy như thế nào? Con có muốn trở nên Tông Đồ để cộng tác với Ta bằng chính cuộc sống của mình không? Con có dám đem Tin Mừng đến cho mọi người chung quanh không? Chúng ta sẽ đáp trả tiếng Chúa mời gọi như thế nào đây?

9/ Chúa Yesus đã làm gì khi nhìn thấy đồng lúa chín vàng? Một ưu tư lớn lao trong suốt những năm đi rao giảng công khai. Đó là tìm người cộng tác với mình trong công cuộc truyền bá Phúc Âm. Bởi Chúa luôn hiểu rằng : Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại quá ít. Vì thế Chúa đã kêu gọi và chọn lựa các môn đệ. Chúa đã để các ông sống cạnh mình để  trực tiếp huấn luyện, cho nghe giảng dạy, cho thấy các phép lạ và cắt nghĩa rõ ràng những điều các ông chưa hiểu.

10/ Bài Phúc Âm hôm nay, Chúa đã sai các môn đệ làm gì? Chúa sai các ông đi thực tập truyền giáo. Trước khi lên đường, Chúa căn dặn : “Đừng mang theo bị, đừng mang cơm bánh, đừng mang theo tiền bạc, đừng mặc 2 áo” Nghĩa là Ngài bảo các ông đi trong một hoàn cảnh bếp bênh, để chỉ tập trung vào việc rao giảng tin vui. Cũng như các ông phải luôn phó thác mọi sự vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa.

11/ Các Tông Đồ thường mắc phải lỗi lầm nào? Lỗi lầm nặng nhất của các Tông Đồ đó là họ quá cậy dựa vào tài năng riêng nên quên mất sức tác dụng và sự trợ giúp của ơn Chúa. Vì nếu không có Chúa, chúng ta chẳng thể làm gì được. Hay như Thánh Phao-lô đã quả quyết : Phao-lô trồng, Phao-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới cho mọc lên.

12/ Chúng ta lãnh sứ vụ Tông Đồ từ khi nào? Từ khi ta nhận lãnh bí tích rửa tội và thêm sức. Chúng ta luôn được Chúa kêu mời cộng tác với Ngài trong công cuộc loan truyền Đức Tin. Để rồi chúng ta cũng là môn đệ của Ngài, cách thức chúng ta chu toàn sứ mạng thành công nhất chính là sống đời sống gương sáng.

13/ Chúa Yesus muốn chúng ta trở nên thứ gì? Khi Chúa công bố tám mối phúc, Chúa muốn chúng ta trở nên muối và ánh sáng thế gian. Ánh sáng phải chiếu soi trước mặt thiên hạ, để mọi người nhìn thấy công việc của các con mà ngợi khen Cha các con ở trên trời.

14/ Tiêu chuẩn quan trọng của người Tông Đồ giáo dân: “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”. Chính đời sống gương mẫu của người Ki-tô hữu mới là một bài giảng thuyết hùng hồn và hấp dẫn mọi người đến cùng Chúa.

15/ Chúng ta không nên thoái thác trách nhiệm cho ai? Nhiều người xem ra rất xa lạ với việc Tông Đồ, bởi vì họ luôn cho rằng : Đây là bổn phận của giới tu hành chứ không phải bổn phận của giáo dân là những người đang sống giữa dòng đời. Kiểu quan niệm như vậy là sai lệch. Vì đã là con cái của giáo hội cho nên chúng ta đều có bổn phận làm cho giáo hội được phát triển, mở rộng, tùy vào khả năng, hoàn cảnh và đấng bậc của mình.

16/ Một câu chuyện của Mẹ Thánh Te-rê-xa Calcutta: Một ngày kia, có một thiếu phụ cùng 8 đứa con đến gõ cửa xin gạo. Mẹ đích thân trao cho bà một bao. Bà nhận gạo rồi lại chia làm hai phần, Mẹ Thánh ngạc nhiên hỏi tại sao?, thì bà trả lời: Con dành một phần cho gia đình người hồi giáo bên cạnh vì đã mấy ngày qua họ cũng không có gì ăn!

17/ Người nghèo khổ nhất có thể làm gì? Họ vẫn có thể thực thi tinh thần chia sẻ huynh đệ, nghĩa là họ vẫn có thể làm việc Tông Đồ, làm sáng danh Chúa bằng đời sống của họ.****

 

Bài 2: HÀNH TRANG CẦN MANG THEO

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

18/ Trước khi đi đâu xa, ta cần chuẩn bị thứ gì? Chuyến đi càng xa thì hành trang càng nhiều. Một chuyến đi quan trọng thì hành trang cần phải tính toán, chọn lựa kỹ. Hôm nay Chúa Yesus sai các môn đệ đi một chuyến đi quan trọng: Tiếp nối sứ mạng của Người để đem Tin Mừng đến khắp các làng mạc xa xôi. Chúa muốn các ông loại bỏ những thứ cồng kềnh không cần thiết. Chúa muốn các ông chỉ mang theo những thứ hữu ích cho sứ vụ.

19/ Hành trang thứ nhất người môn đệ cần mang theo: Các môn đệ chỉ được sai đi khi đã có thời gian sống bên cạnh Chúa. Thời gian đó cần thiết để các ông hiểu biết, cảm thông và nhất là yêu mến và gắn bó mật thiết với Chúa. Đây chính là hành trang quan trọng .

20/ Chúa Yesus làm gương gắn bó như thế nào? Người được sai đi phải gắn bó mật thiết với Đấng đã sai mình. Sự gắn bó mật thiết là nguồn mạch, là chìa khóa thành công của sứ vụ. Chúa Yesus đã làm gương khi Ngài luôn gắn bó mật thiết với Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài. Sự gắn bó ấy giúp Ngài hoàn toàn kết hiệp mật thiết với Cha mình khi Ngài phải từ bỏ ý riêng để theo ý Chúa Cha.

21/ Món hành trang thứ 2: Khi chỉ thị cho các Môn đệ: Không được mang gì khi đi đường. Chỉ trừ cây gậy, không được mang lương thực, bao bị, tiền giắt lưng, được đi dép nhưng không được mang 2 áo. Đức Yesus muốn các ông sống trong cảnh nghèo khó để hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Chúa.

22/ Sự nguy hiểm của tiện nghi vật chất như thế nào? Tiền của, tiện nghi vật chất dễ tạo ra một thứ an tâm giả tạo, dẫn đưa con người đến chỗ tự mãn, tự kiêu, tự phụ. Cho rằng mọi thành công là nhờ vào tài sức của riêng mình. Vì thế con người có nhiều tiện nghi, sẽ dễ tha hóa và thích làm theo ý riêng mình hơn là theo Ý Chúa. Kẻ ấy muốn sắp đặt chương trình cho Chúa hơn là tìm chương trình của Chúa để thực hiện.

23/ Lợi ích của việc sống nghèo-khó, thiếu thốn: Sống nghèo khó sẽ giúp người môn đệ ý thức được sự thiếu thốn, hèn kém của mình, hiểu được như vậy sẽ giúp người môn đệ biết khiêm nhường tin tưởng, phó thác vào Chúa. Tôi chỉ là hư vô, cát bụi, mọi thành công đều là Chúa, nhờ Chúa. Nếu những thành công do sức loài người sẽ mau tàn, chỉ có công trình của Chúa mới bền vững. Vì thế đơn sơ, phó thác vào Chúa là món hành trang cần thiết cho người  môn đệ. Chỉ mang tình yêu của Chúa là đã mang theo tất cả.

24/ Món hành trang thứ ba: Đức Yesus không sai các môn đệ đi riêng lẻ, nhưng Chúa sai đi từng hai người một. Ngài biết khả năng con người quá yếu kém, cần có tập thể nâng đỡ mới có thể hoàn thành sứ mạng. Lời chứng của một người không đủ sức thuyết phục, cần có sự nhất trí của một tập thể thì lời chứng đó mới thật sự đáng tin. Các ông cần phải sống tình liên đới, nhờ người khác giúp đỡ cũng như chia sẻ cuộc sống của họ. Tình liên đới sẽ giúp các ông làm việc Tông đồ cách hữu hiệu. Có biết sống tình liên đới thì người ta mới dễ dàng đón nhận Tin Mừng.

25/ Món hành trang thứ tư: Chúa Yesus sai các môn đệ đến với những người đau yếu, bệnh tật, hoang đàng tội lỗi, bị quỷ ma hành hạ. Họ là những người kém may mắn, là những người nghèo hèn, yếu đuối, những người bị xã hội bỏ quên. Muốn đến được với họ, người  môn đệ phải có trái tim biết cảm thương, như trái tim của Chúa Yesus luôn băng rừng vượt suối để tìm cho được con chiên lạc, và mở rộng vòng tay đón nhận đứa con hoang đàng trở về.

26/ Muốn thành công trong việc Tông Đồ, người môn đệ cần phải làm gì? Chúng ta nhận lãnh sứ vụ Tông Đồ khi mới chịu phép rửa tội, thêm sức. Chúng ta vẫn thường băn khoăn không biết làm sao để công việc Tông Đồ có kết quả tốt đẹp. Chúa Yesus đã cho ta biết : Muốn làm việc này có kết quả, chúng ta cần phải gắn bó mật thiết với Chúa, phải phó thác mọi sự cho Chúa và phải biết sống tình liên đới là phải biết cảm thương tình anh em đồng loại. Một tay ta nắm lấy tay Chúa, một tay kia nắm lấy tay anh em, phải biết liên kết với mọi người trong tình yêu mến Chúa.

27/ Lời căn dặn đầu tiên của Chúa Yesus là gì? Đừng mang theo hành lý cồng kềnh. Vì nếu như muốn thực thi một nhiệm vụ cần nhanh, gọn mà chúng ta mang theo tất cả những tiện nghi vật chất ta đang có ở nhà, thì cũng như là ta đã dọn hết đồ đạc trong nhà đi theo, và như thế suốt ngày ta cũng chỉ bận rộn với những thứ đó thôi .

28/ Con người khôn ngoan khi xếp đặt hành trang, họ cần làm gì? Một người khôn ngoan nếu đã quen với những chuyến cắm trại, hoặc những chuyến công tác, họ sẽ không mang theo những thứ hành lý vô ích. Như vậy, các môn đệ đã hiểu được Lời Chúa Yesus dạy, một công việc đòi hỏi phải nhanh, gọn, nhẹ thì dứt khoát phải dẹp đi mọi thói quen rườm rà và những tiện nghi cho cuộc sống của mình.

29/ Lời căn dặn thứ hai là gì? Người môn đệ đừng đi lăng xăng khắp nơi. Chúng ta biết rằng : Công việc rao giảng Tin Mừng không dễ dàng gì, có người chấp nhận, có người không. Nếu gặp nhà nào tốt lành thì hãy ở lại /  làm như vậy là để tỏ lòng kính trọng, trung thành và biết ơn lòng hiếu khách của họ. Còn nếu ta đối xử khác đi thì dễ gây nên hiểu lầm là ta bội tín. Chúa bảo ta đừng chạy từ nhà này sang nhà khác để tìm sự đãi ngộ, sự vừa ý. Vì mục đích của chúng ta là rao giảng tin vui chứ không phải đi tìm sự an vui, ấm no, hạnh phúc.

30/ Ý nghĩa của việc đi từng 2 người một? Đi từng hai người một, để họ có thể nâng đỡ nhau, cũng có thể làm chứng cho nhau. Vì theo luật Do Thái việc làm chứng phải có 2 người.

31/ Ý nghĩa của cây gậy: Là vật tư giúp cho những người đi đường. Chúa cấm mang bị, có lẽ Ngài ám chỉ cái bị của kẻ hành khất, làm giàu nhờ của xin được ở những nơi thờ phượng, cái bị vì thế bị ám chỉ như là một thứ ngẫu tượng.

32/ Đi đường không cho mang 2 áo, ý nghĩa gì? Là dấu chỉ của những người giàu, họ di chuyển bằng ngựa. Chúa muốn nói các môn đệ chỉ cậy trông vào sự giúp đỡ tiếp đãi của dân chúng.

33/ Phủi bụi chân mang ý nghĩa gì? Ám chỉ một tập tục. Khi người Do Thái đi từ một nước ngoại giáo trở về, hay từ một nơi chốn dơ bẩn mà đến. Họ phải phủi bụi bàn chân để khỏi pha trộn đất bị bẩn với đất Thánh Thiện của xứ sở Yaveh .

34/ Khi sai các ông đi rao giảng, Chúa Yesus muốn nhấn mạnh điều gì nhất? Chúa muốn huấn luyện nhóm 12 về điểm bất vụ lợi tuyệt đối vì nó thật cần thiết cho công tác Tông Đồ đích thực. Cho nên Chúa đòi hỏi phải từ bỏ tất cả những gì không cần thiết cho đời sống Tông Đồ. Việc từ bỏ như thế chắc chắn sẽ lôi kéo sự quan tâm của Thiên Chúa Cha.

35/ Điều kiện tối cần thiết phải nhớ của người Tông Đồ: Chúa Yesus đã kêu gọi các Tông Đồ. Huấn luyện họ, sai từng hai người ra đi. Ngài cũng không quên ban cho các ông các quyền. Sứ vụ các ông có được là do được Chúa Yesus sai đi rao giảng, ngày nay chúng ta cũng luôn tuyên xưng là giáo hội tông truyền. Điều này mang 2 ý nghĩa: Thứ nhất là xuyên qua các giám mục, giáo hội liên hệ trực tiếp đến các Tông Đồ. Mà các Tông Đồ là do chính Chúa Yesus sai đi và ban quyền hành. Từ đây chúng ta có thể rút ra một câu kết luận : Nếu ai muốn đến và nhân danh Phúc Âm mà nói với chúng ta. Chúng ta phải xem họ có ở trong hàng ngũ các Tông Đồ hay không? Có nghĩa là họ có được sự ủy quyền của các Tông Đồ hay được ủy quyền của người kế vị các Tông Đồ là vị Giám Mục cùng với Đức Thánh Cha ở hàng đầu hay không? Đây là một điều kiện tối cần thiết để bảo đảm rằng : Qua lời nói và việc làm của họ, họ có được ân huệ của Đức Yesus Ki-tô hay không?****

 

Bài 3: CHUẨN BỊ ĐỂ THI HÀNH SỨ VỤ

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

36/ Lần đầu tiên khi sai các môn đệ đi rao giảng, Chúa đã căn dặn họ điều gì? Chúa đã căn dặn họ 2 điều / những hành trang được phép mang theo và cách xử trí khi gặp những thái độ bất hợp tác của người nghe.

37/ Họ phải chuẩn bị hành trang gì? Thông thường một người sắp sửa đi xa, nếu là tánh người cẩn thận, nếu là phải đi du lịch một tuần trở lại, thì trước khi đi, họ sẽ chuẩn bị quần áo và các vật dụng cần thiết / Trường hợp chuẩn bị cho con gái về nhà chồng, người mẹ phải lo liệu đủ thứ và căn dặn nhiều điều / Lo cho con trai đi nghĩa vụ quân sự, hoặc có đứa con ra ở riêng / Trong phạm vi nghề nghiệp cũng vậy: làm nghề gì thì phải sửa soạn những dụng cụ cần thiết cho nghề ấy / Bác nông dân đi cày thì phải có cày, có cuốc / Trẻ em đi học thì phải có sách vở, bút mực.

38/ Chúa Yesus muốn các môn đệ mang theo thứ gì? Riêng với các môn đệ của Chúa Yesus, Ngài không cho mang theo gì cả, chỉ được mang theo cây gậy, đôi dép, không mang bị, không mang tiền, không mang theo 2 áo.

39/ Tại sao Chúa muốn các môn đệ phải như thế? Chúa muốn người nào ra đi làm công tác truyền giáo, phải có lòng từ bỏ, thoát ly mọi ràng buộc của vật chất / Họ phải có một kiếp sống bấp bênh để không thể bám víu vào thứ gì khác ngoại trừ phải bám víu vào Đấng đã sai họ đi, đó là Thiên Chúa Quan Phòng.

40/ Tinh thần Chúa Yesus muốn ở đây là gì? Phải có một tấm lòng từ bỏ tất cả: từ bỏ cha mẹ, bà con, chính bản thân, từ bỏ mọi nhu cầu bản thân / Để khi họ ra đi, không bon chen, không dính bén, đi đâu ,ở đâu cũng được vì ở đâu cũng sẽ là quê hương, là nhà mình / Chúa không muốn các môn đệ giống như những hành khách được trang bị đầy đủ để rồi không còn lo sợ điều gì bất trắc xảy ra / Chúa chỉ muốn các môn đệ phải biết hết lòng tin tưởng vào Chúa Quan Phòng / để khi họ gặp điều bất trắc, họ biết đối phó bằng cách một lòng phó thác vào Thiên Chúa!

41/ Chúa báo trước điều gì? Chúa muốn họ biết ngay rằng: công việc rao giảng Tin Mừng không dễ dàng gì / Có người chấp nhận, có người không / Nếu gặp nhà nào tốt lành thì hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi / Vì làm như vậy để tỏ lòng kính trọng, trung thành và biết ơn lòng hiếu khách của họ / Còn nếu đối xử khác đi thì dễ gây ra hiểu lầm và bội tín / Ngày xưa các nhà truyền giáo cũng chẳng có chỗ ở cố định, thường thì các ngài phải nhờ vào các tín hữu để sống và truyền giáo dần dần.

42/ Chúa bảo các môn đệ phải tránh điều gì? Chúa bảo đừng chạy từ nhà này qua nhà khác để tìm sự đãi ngộ, sự vừa ý / Vì mục đích là rao giảng Tin Mừng chứ không phải là đi tìm sự yên vui, ấm no, hạnh phúc!

43/ Nếu các môn đệ gặp điều không may thì họ phải làm sao? Chúa cho phép các môn đệ giũ bụi chân và ra đi nơi khác để cho những người kia biết thái độ bất kính của họ / Đây cũng là một thói quen của người Do Thái khi đi từ vùng dân ngoại vào đất của mình / để minh chứng là họ đã dứt bỏ mọi quan hệ xấu với dân ngoại.

44/ Ý nghĩa của tập tục này là gì? Người môn đệ làm như thế để đánh thức những ai muốn từ chối họ / Và nhắc cho bọn người kia biết rằng: cách đối xử như thế cũng chẳng khác gì cách đối xử của dân ngoại.

45/ Chúa Yesus căn dặn như thế có ý gì? Ý Chúa căn dặn mọi người nhiều điều về cách làm tông đồ/ Tuy nhiên cách làm tốt nhất vẫn là làm tông đồ bằng chính đời sống gương sáng.

46/ Một đời sống tốt, sẽ có giá trị gì? Đời sống của tín hữu khi sống tốt, nó sẽ mang một sứ điệp nói lên những lời Thiên Chúa muốn nói, ngay chính ở nơi mình đang sống / Sứ điệp là một bức thư của Thiên Chúa mà những dòng chữ ấy do chính chúng ta viết trên trần gian này / Người khác đọc bức thư, là đọc những dòng chữ, người ta có thể hiểu ý tưởng của người chủ muốn viết nó, cho nên một đời sống Kitô hữu thánh thiện, tốt lành, sẽ có giá trị thuyết phục hơn tất cả những lời biện hộ khác.

47/ Điều đáng buồn là gì? Điều tệ hại là chúng ta không dám sống như Chúa yêu cầu / Một tờ báo đã nói lên vấn nạn này, khiến cho bao người đọc phải búc xúc: khu xóm tôi là một xóm theo đạo toàn tòng / Những ngày lễ trọng hoặc Chúa nhật, nhà nhà, người người đều đi lễ / Nhà thờ luôn nhộn nhịp trong bầu không khí thánh thiện của ngày lễ / Xem ra đây là điều đáng mừng, đáng quý / Vậy thì điều gì đáng buồn? Đó là thiếu tình thương, thiếu đức bác ái / Ví dụ: hai nhà gần nhau, mấy đứa nhỏ chơi đùa với nhau rồi đánh nhau / thế là hai gia đình đó cãi nhau chí tử / Ví dụ: buôn bán, vay mượn tiền bạc của nhau, vì quên sót hay thiếu đủ sao đó, rồi cũng đi đến chỗ cãi vã, chửi nhau cả ngày trời, làm náo động cả khu xóm / Những chuyện xích mích như vậy xảy ra thường xuyên ở xóm tôi, là một xóm có đạo / Thế mà mọi người vẫn thản nhiên vui sống, vẫn đi lễ, đọc kinh, vẫn cãi lộn, chửi nhau/ Cuối cùng bài báo kết luận: ước mong xóm đạo tôi ngày càng sống đạo tốt hơn, nghĩa là nên sống đạo đức, bác ái với nhau hơn!

48/ Chúng ta rút ra được bài học gì? Hãy sống đạo trong nhà thờ / Hãy mang Chúa về gia đình, về trong khu xóm nữa, đó cũng là cách thiết thực nhất mà chúng ta cần làm tông đồ cho Chúa ở khắp mọi nơi trong cuộc sống thường ngày.****

 

Bài 4: TƯ CÁCH KHI ĐI RAO GIẢNG

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

49/ Kêu gọi đi tu, Chúa kêu gọi mấy lần? Có 2 lần: lần thứ nhất Chúa kêu gọi bằng những ước muốn, yêu thích / qua những biến cố Chúa muốn xếp đặt để hướng dẫn người muốn đi tu tới gần bàn thờ Chúa / Lần thứ hai Chúa kêu gọi qua sự tuyển chọn của Đấng Bề Trên  là Đức Giám mục.

50/ Chúa kêu gọi các môn đệ đầu tiên, mỗi người tùy theo hoàn cảnh: Chúa kêu gọi các ông lúc khởi đầu sứ vụ: Người thì đang vá lưới, kẻ thì đang gặp ở giữa đường, người khác đang ngồi thu thuế… / Rồi Chúa quy tụ họ bên cạnh Người, dạy dỗ họ nhiều cách, cho họ chứng kiến phép lạ, cho họ thấy công việc Ngài đang làm, nghe lời Ngài đang giảng dạy cho dân chúng / Đây là kêu gọi lần đầu / Lần hai, Chúa muốn sai họ đi rao giảng Tin Mừng, sở dĩ Chúa làm như vậy để họ thấy rằng: việc trở thành tông đồ, Linh mục, Tu sĩ như ngày hôm nay, không phải là sáng kiến của cá nhân họ / Nhưng đây là ơn Thiên triệu / là một thứ đoàn sủng được ban riêng.

51/ Những điều căn dặn nào là khuôn mẫu? Đây là bộ luật chỉ đạo cho các chiến sĩ truyền giáo / Chúa không dặn họ phải giảng những gì, hoặc phải giảng như thế nào / nhưng Chúa chỉ dặn phải ăn mặc như thế nào / phải đối xử như thế nào đối với những người mà họ sắp tiếp xúc / Ngoài những lời dặn ấy ra, Chúa còn ban cho họ quyền năng trừ quỷ và chữa bệnh.

52/ Chúa đã dạy họ cách rao giảng như thế nào? Không cần thuyết giảng tràng giang đại hải / không cần dùng lý luận đanh thép, không cần chứng tỏ mình khôn ngoan thông thái nhằm thu hút thuyết phục mọi người / Chúa chỉ bảo các ông rao giảng bằng chứng tích, bằng chính đời sống của họ / còn những điều các ông phải nói, phải giảng, tóm lại chỉ vỏn vẹn có 3 điều: a) Chúc bình an / b) Báo tin Nước Trời đã đến / c) Thúc giục mọi người hãy ăn năn hối cải / Tóm lại Chúa muốn các môn đệ nói ít, làm nhiều / Đương nhiên Chúa không cấm họ kể lại những giáo huấn của Chúa mà các ông đã nghe.

53/ Chúa có kêu gọi chúng ta không? Chúa cũng kêu gọi chúng ta truyền giảng Tin Mừng Nước Trời / Vì đó là nhiệm vụ mà chúng ta đã lãnh nhận khi chịu Phép Rửa Tội, Thêm Sức / bằng lời nói, bằng hành động, bằng cách sống gương sáng tốt lành / Tất cả chúng ta đều phải là nhân chứng của Nước Trời / cho dù không ai được chuẩn bị trước / cho dù là người đang nằm liệt trên giường cũng phải thi hành sứ mệnh này bằng lời cầu nguyện / bằng sự hy sinh  , hãm mình.

54/ Có mấy cách rao giảng? Các chiến sỹ Phúc Âm thì rao giảng bằng lời nói / như các Thừa sai / như các Linh mục / cũng rất cần thiết / nhưng với điều kiện lời nói phải đi đôi với việc làm / bằng chính đời sống của các ngài / Rao giảng bằng lời chỉ là thanh la, não bạt rộn ràng / nhưng rao giảng bằng đời sống có năng lực thuyết phục / Người ta dễ chấp nhận chân lý mà không cần lời nói/ Tuy rằng cũng cần bổ túc bằng lời nói, cũng sẽ rất hữu hiệu / Người ta thường nói: “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”.

55/ Rao giảng hay làm chứng? Người công giáo là chứng nhân cho đạo / Nếu chúng ta thiếu đời sống gương mẫu là chúng ta đã bỏ mất ơn Thiên triệu làm chứng nhân cho Chúa / là không thi hành đầy đủ chức năng tông đồ của mình / Như vậy cách làm chứng tốt nhất cho Chúa, cho đạo là đời sống đạo đức của chúng ta / một cử chỉ nhỏ nhặt, một lời nói đơn sơ, dù bất cứ nơi nào, dù ở bất cứ đâu, làm sao để chúng ta cố gắng gây thiện cảm cho Chúa ,cho đạo / Cho nên dù là với bất cứ hành động nhỏ nhặt nhất ,cũng có thể sẽ gây ảnh hưởng sâu xa cho đạo.

56/ Gương sáng là gì? Ả Rập có câu phương ngôn: “Nếu anh không là ngôi sao trên bầu trời, cứ hãy là ngọn đèn tỏa sáng trong nhà anh” / Làm gương sáng là nhiệm vụ mà Chúa Yesus đã truyền dạy cho mỗi chúng ta: “Các con là đèn sáng, sự sáng ấy phải chiếu tỏa trước mặt người ta, để người ta thấy công việc của các con, mà ngợi khen Cha các con ở trên trời” / Nếu chúng ta không có điều kiện để đi đây đi đó / thì hãy làm tông đồ bằng gương sáng / Đời sống gương sáng có sức lôi cuốn mạnh hơn là một bài giảng hay.***

57/ Gương sáng cụ thể là gì? Là việc thể hiện tình yêu thương của chúng ta / Khi ta sinh ra, mới chào đời, ta khóc nhưng mọi người lại vui mừng vì sự có mặt của ta trên đời / Ta phải sống làm sao để khi nhắm mắt lìa đời, ta mãn nguyện, miệng ta nở nụ cười / trong khi mọi người khóc thương tiếc cho sự ra đi của ta.

58/ Làm sao ta có thể đạt được điều này? Chỉ có một cách là làm sao ta có thể gieo vào tâm hồn những người chung quanh một tình mến thương / Để đến giờ cuối họ phải khóc vì thương tiếc ta / Ta mĩm cười vì đã thực thi được tình người / Muốn được như vậy ta cần phải biết yêu thương và thực thi yêu thương.

59/ Tại sao Chúa sai 2 người mà lại không sai đi từng người? Sai 2 người đi, nói lên sự đồng tâm nhất trí, đời sống hiệp nhất và nhất trí cho một lời giảng / Hai người đi với nhau sẽ làm chứng cho nhau / Hỗ trợ nhau / Sau này khi bề trên sai đi công tác, cũng sẽ sai 2 người / Để không ai có thể ngụy biện bao che cho những lỗi lầm của chính mình .****

 

Bài 5: GIỮ ĐẠO LÀ GIỮ LUẬT CHÚA, TRUYỀN ĐẠO LÀ LÀM CHO NÉN BẠC SINH LỜI

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

60/ Truyền đạo là gì? Giữ đạo là gì? Chúa Yesus rao giảng Tin Mừng / các Tông đồ tiếp bước / Các Thừa sai đã truyền đạo cho chúng ta / Chúng ta biết Chúa, chúng ta giữ luật Chúa là chúng ta giữ đạo / Đức tin chúng ta đã lãnh nhận / là nén bạc Chúa ban / Chúng ta phải làm sinh lời bằng mọi cách à đó là chúng ta phải truyền đạo.

61/ Bài đọc 1: Dân Do Thái có 12 chi tộc / Miền Nam chỉ còn lại  1 chi tộc Giuđa / Miền Bắc có 11 chi tộc / Tiên tri Amos đang sinh sống ở miền Nam, thuộc chi tộc Giuđa / Chúa sai ông lên miền Bắc để làm Ngôn sứ nói lời Thiên Chúa.

62/ Tiên tri Amos làm nghề gì / các Tông đồ làm nghề gì? Tiên tri Amos làm nghề chăm sóc cây sung / các Tông đồ đa số làm nghề chài lưới.

63/ Tâm tình của các Đấng có thẩm quyền trong Giáo Hội và người giáo dân hôm nay: Các Đấng có thẩm quyền vẫn e ngại, không muốn chia sẻ công việc cho giáo dân / Mặt khác nhiều giáo dân cũng e ngại không dám gánh trách nhiệm trong Giáo Hội / Cả hai phía đều tính toán thành bại công việc truyền giảng Phúc Âm dựa trên tính toán thành bại ở khả năng con người / Nhưng đó không phải là tính toán của Thiên Chúa.

64/ Khởi đầu sách Sáng Thế, Thiên Chúa giao cho loài người quyền hợp tác với Ngài trong công cuộc sáng tạo vũ trụ / Bài đọc 1 Thiên Chúa giao cho Tiên tri Amos làm Ngôn sứ cho dân Isra-el mặc dù ông chỉ là người chăm sóc cây sung / Bài Tin Mừng kể chuyện Chúa Yesus sai 12 Tông đồ lãnh nhận sứ mạng truyền giáo, mặc dù các ông cũng chỉ là dân chài.

65/ Phải hiểu tinh thần phó thác sao cho đúng nghĩa? Chúa muốn các Tông đồ phải có tinh thần phó thác khi đi truyền giáo, vì nó là một nhân đức quan trọng nên chúng ta cần phải hiểu cho đúng.

66/ Những ví dụ về phó thác sai:

* Một người kia mắc bệnh, không lo chữa trị, cũng chẳng có biện pháp giữ gìn sức khỏe, mà lại nói: Tôi phó thác hết cho Chúa / Nói như thế có phải là phó thác đúng không?  -Thưa sai.

* Một người kia không lo chăm chỉ làm ăn / tiêu xài thì không chịu tính toán cân nhắc, rồi lâm cảnh túng thiếu / cũng nói: xin phó thác tương lai trong tay Chúa / Có phải là phó thác đúng không?  Thưa sai.

* Làm cha mẹ, chẳng chịu dạy dỗ con cái, để chúng hư thân mất nết / rồi lại bảo: tôi xin phó thác cho Chúa / Có phải là phó thác đúng không? –thưa sai.

67/ Những trường hợp phó thác nêu trên, không còn là một nhân đức nữa, mà là một thói xấu / tính lười biếng, thụ động / Nếu đạo công giáo chủ trương phó thác như thế thì cũng không oan ức gì khi bị người khác chế nhạo là đạo tiêu cực / là làm cản trở sự tiến bộ.

68/ Ngược lại, đứng trước một công việc mà mình lo lắng thái quá / như là Chúa cứ để cho một mình mình phải lo, thì cũng không phải là phó thác / rồi trong khi lo công việc mà ta quá cậy dựa vào những phương tiện vật chất, trần tục / không chịu tin tưởng vào ơn Chúa trợ giúp / Như thế cũng không phải là phó thác.

69/ Vậy phó thác đúng nghĩa là gì? Trong bài Tin Mừng, Chúa Yesus dạy các Tông đồ có tinh thần phó thác đúng nghĩa / Các ông ra đi truyền giáo, chỉ cần một số phương tiện vật chất vừa đủ: một cây gậy để chống thú dữ dọc đường / Một bộ quần áo mặc / một đôi dép để đi, thế thôi / Đừng quá lo lắng về vật chất / Không cần mang theo lương thực dự trữ / Không cần thủ nhiều tiền trong túi / Không cần tới 2 áo / không cần mang bị để đựng quà biếu / Về nơi ăn chốn ở, chỉ cần có chỗ trọ là được / Nơi nào cho mình trọ thì mình cứ ở, bất kể giàu hay nghèo / Đừng nên lựa chọn nhà này nhà khác để được tiện nghi hơn / Nhà nào không cho trọ thì mình đi ra không chút lưu luyến / Điều chính yếu mà các ông cần cậy dựa vào => đó là quyền năng của Thiên Chúa.

70/ Ý nghĩa của việc phó thác qua đoạn Tin Mừng: Đứng trước một công việc / một mặt không được lười biếng buông xuôi / nhưng phải vận dụng hết sức để làm cho được / Mặc khác không được ỷ sức riêng mình / mà phải cầu xin ơn trợ giúp / Trong khi đã cố gắng hết sức mình, đồng thời cũng trông cậy vào ơn Chúa / Sau đó dù công việc có diễn biến thế nào thì cũng đừng lo lắng sợ sệt vì mình đã phó thác cho Chúa / Khi đứng trước một vấn đề khó khăn, nếu ta nản chí là thiếu phó thác / Nếu ta quá lo lắng và quá cậy dựa vào sức riêng để giải quyết công việc => cũng là thiếu phó thác.**

71/ Một hình ảnh phó thác: chúng ta hãy nhìn một em bé: mới tập đi / bàn tay nhỏ bé nó nắm chặt bàn tay cha nó, đôi chân nhỏ bé can đảm bước đi từng bước / Vì lòng bé rất an tâm tin tưởng, nó biết cha nó sẵn sàng nâng đỡ mỗi khi nó sẩy chân / Phó thác như thế là tin tưởng cậy trông mạnh mẽ.

72/ Một lời khuyên cho các Thừa sai của Chúa: a) Trước lúc chết, đừng nợ ai xu nào / b) Khi chết rồi, chẳng còn xu nào / c) Khi lâm chung, đừng vướng một chút tội nào với Chúa!

73/ Một điều quan trọng cần nhớ:

       -Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa đầu

       -Hãy sẵn sàng đến, hãy sẵn sàng ra đi /

       -Thành công không thụ hưởng, mà thất bại cũng chẳng đắng cay.

       -hãy nhớ lời thánh Phaolô nói:Tôi trồng,Apolô tưới ,nhưng Thiên Chúa mới cho mọc lên

 

TÓM Ý

1/ Trước khi về trời Chúa Yesus sắp xếp công việc trần thế như thế nào? Chúa Yesus đã chọn 12 Tông Đồ. Chúa đã huấn luyện họ suốt 3 năm, sau đó Chúa trao cho họ sứ mạng đem Tin Mừng tới tận cùng bờ cõi trái đất.

2/ Đức Tin của các Tông Đồ ra sao? Ngay lúc Chúa Yesus còn sống, Đức Tin của các ông vẫn rất yếu kém, ngay cả sau khi Chúa sống lại, Đức Tin của các ông vẫn còn chập chờn chao đảo.

3/ Năng lực của các Tông Đồ như thế nào? Nếu xét về nhiều phương diện thì nhóm các Tông Đồ ít ỏi đó không đủ khả năng để chu toàn sứ mạng, nhưng Chúa lại rất tin tưởng.

4/ Sách Công vụ Tông Đồ ghi lại như thế nào? Sách Công vụ cho chúng ta thấy thái độ sợ sệt khép kín của các ông sau khi Chúa về trời. Cũng chính Sách Công Vụ ghi lại cho thấy một hình ảnh khác hẳn khi các ông nhận lấy Thánh Thần trong ngày Lễ Ngũ Tuần, sau đó các ông mới can đảm bước ra khỏi căn phòng đóng kín để ra rao giảng Tin Mừng khắp mọi nơi.

5/ Các ông đã minh chứng niềm tin như thế nào? Các ông đã bất chấp mọi thứ đòn vọt, tù đày, sẵn sàng chấp nhận cái chết để nêu cao niềm tin của mình vào Đức Kitô. Các ông đều đã chết tử đạo, ngoại trừ có Yoan Tông Đồ.

6/ Chúa Yesus đã so sánh Nước Trời với thứ gì? Chúa so sánh Nước Trời với hạt cải, nó đã mọc lên thành cây to cho chim trời tới đậu và làm tổ, đã có biết  bao người đủ mọi sắc tộc đã đáp ứng lời mời gọi của Chúa Yesus để lên đường tiếp nối sứ vụ đó.

7/ Chúng ta sẽ cộng tác với Chúa thế nào? Hôm nay đến lượt chúng ta Chúa mong chúng ta có thái độ dứt khoát, phải dùng đời sống của mình để đem tin vui đến cho mọi người.

8/ Chúa Yesus đã làm gì khi thấy đồng lúa chín vàng? Niềm ưu tư của Chúa là tìm người cộng tác với mình trong công cuộc truyền bá Phúc Âm. Vì thế Chúa đã kêu gọi và chọn lựa, huấn luyện các môn đệ để sau khi Chúa về trời các môn đệ cũng tiếp tục công việc tìm người kế thừa qua muôn thế hệ, để mở mang Nước Chúa.

9/ Phúc Âm hôm nay Chúa đã sai các môn đệ làm gì? Chúa sai các ông đi thực tập truyền giáo. Trước khi lên đường, Chúa căn dặn các ông: Đừng mang theo bị, cơm bánh, tiền bạc, tiện nghi vật chất, Ngài muốn các ông có một cuộc sống bấp bênh, để chỉ tập trung vào việc rao giảng tin vui, và phải phó thác mọi sự vào tay quyền năng của Thiên Chúa.

10/ Các Tông Đồ từng mắc phải những lỗi lầm nào? Các ông thường quá cậy dựa vào tài năng riêng của mình mà quên mất tác dụng của ơn trợ giúp của Chúa. Vì nếu không có Chúa chúng ta không thể làm gì được.

11/ Chúng ta lãnh sứ vụ Tông Đồ từ khi nào? Từ khi ta lãnh nhận bí tích rửa tội và thêm sức, chúng ta luôn được Chúa kêu mời cộng tác với Ngài trong việc loan truyền Đức Tin, mà cách chúng ta chu toàn sứ mạng chính là sống đời gương sáng.

12/ Chúa muốn chúng ta trở nên thứ gì? Khi công bố tám mối phúc thật, Chúa muốn chúng ta trở nên muối và ánh sáng thế gian, ánh sáng phải chiếu soi để mọi người nhìn thấy mọi sự tốt đẹp mà ngợi khen Cha các con ở trên trời.

13/ Tiêu chuẩn làm Tông Đồ của người giáo dân: Chính đời sống gương mẫu của người Kitô hữu mới là một bài giảng thuyết hùng hồn, và sẽ thu hút mọi người đến cùng Chúa.

14/ Đừng thoái thác trách nhiệm: Nhiều người xem ra rất xa lạ với việc Tông Đồ vì họ luôn cho rằng: Đây là bổn phận với giới tu hành chứ không phải của giáo dân, đây là một quan niệm sai lệch, đã là con cái của Giáo Hội thì ai cũng có bổn phận phải làm cho Giáo Hội phát triển, tùy vào khả năng ,hoàn cảnh của mình.

15/ Một câu chuyện sống đạo của người nghèo? Một thiếu phụ đông con đến xin gạo với Mẹ Thánh Terexa, Bà đã cho chị một bao, chị bèn sớt làm hai tại chỗ để đem về cho một gia đình hồi giáo bên cạnh nhà bị đói khát mấy ngày nay.

16/ Những người nghèo khổ nhất có thể làm Tông Đồ như thế nào? Họ vẫn có thể thực thi tinh thần chia sẻ huynh  đệ. Họ vẫn có thể làm Tông Đồ bằng đời sống của họ, bằng việc cầu nguyện, hy sinh, hãm mình.  

17/ Những hành trang cần mang theo khi đi xa: Theo thói thường, chuyến đi càng xa thì hành trang càng nhiều. Nếu một chuyến đi quan trọng thì hành trang càng phải tính toán, chọn lựa thật kỹ. Nhưng với Chúa Yesus lại khác, Chúa muốn các môn đệ loại bỏ những thứ cồng kềnh không cần thiết. Chúa chỉ muốn các ông mang theo những thứ gọn nhẹ ,hữu ích cho sứ vụ.

18/ Những hành trang cần thiết nhất: Thứ nhất là yêu mến và kết hiệp mật thiết với Chúa, như Ngài đã gắn bó với Chúa Cha, từ bỏ ý mình làm theo ý Chúa Cha, chỉ được mang theo cây gậy và đôi đép, Chúa muốn các ông sống nghèo để hoàn toàn tin tưởng phó thác vào Chúa.

19/ Sự nguy hiểm của tiền của, vật chất: Tiền của vật chất dễ tạo ra sự an tâm giả tạo, dẫn đưa con người đến sự tự mãn, tự kiêu. Nếu có nhiều tiện nghi dễ bị tha hóa , thích làm theo ý riêng hơn là làm theo ý Chúa, họ thích tạo ra chương trình cho Chúa và bắt Chúa phải làm

20/ Lợi ích của sự nghèo khó thiếu thốn: Nghèo khó giúp người môn đệ nhận ra được sự hèn kém, yếu đuối của mình. Nhờ vậy họ sẽ khiêm nhường tin tưởng và phó thác vào Chúa. Tôi chỉ là cát bụi, mọi sự thành công đều là của Chúa , nên chỉ cần mang theo tình yêu của Chúa.

21/ Ý nghĩa của việc đi từng hai người: Chúa sai đi từng hai người một là vì Chúa biết khả năng con người quá yếu kém, phải có người nâng đỡ mới có thể hoàn thành sứ mạng, lời chứng của một người không đáng tin, không đủ sức thuyết phục, sống hai người sẽ có tình liên đới và các ông sẽ làm việc hữu hiệu hơn.

22/ Trái tim biết cảm thông: Chúa Yesus sai các môn đệ đến với những người đau yếu, bệnh tật, tội lỗi, quỷ ám và ngững người bị xã hội bỏ quên. Muốn đến với họ, các ông cần phải có trái tim biết cảm thương, như trái tim Chúa Yesus khi đi tìm con chiên lạc.

23/ Muốn thành công trong việc Tông Đồ, ta cần làm gì? Muốn làm việc Tông Đồ có kết quả, chúng ta cần gắn bó mật thiết với Chúa, phải phó thác mọi sự cho Chúa, phải biết sống tình liên đới, phải biết cảm thương anh em đồng loại: Một tay nắm lấy tay Chúa, một tay năm lấy tay anh em. Đó là sống liên kết.

24/ Đừng mang theo những thứ vô ích: Muốn thực thi một nhiệm vụ nhanh gọn chúng ta đừng mang theo hành lý cồng kềnh, đừng mang theo của cải vật chất có trong nhà. Như thế suốt ngày ta chỉ bận rộn với nó mà không làm được việc gì khác.

25/ Đừng lăng xăng đi khắp nơi: Chúa bảo là đi rao giảng Tin vui chứ không phải tìm sự vừa ý, an vui, ấm  no, hạnh phúc.

26/ Ý nghĩa của bị gậy khi đi đường: Cây gậy là vật trợ giúp khi đi đường nhưng bao bị, ám chỉ cái bị của hành khất, nhiều người làm giàu nhờ xin được ở những nơi thờ phượng. Nó cũng là một thứ ngẫu tượng.

27/ Phủi bụi chân: Đây là tập tục Do Thái khi họ đi từ một nước ngoại giáo trở về họ phải phủi bụi chân để tránh bị pha trộn đất bị bẩn với đất thánh.

28/ Bất vụ lợi chính là tinh thần người Tông Đồ: Tinh thần này thật cần thiết cho người Tông Đồ. Nếu ai từ bỏ được như thế sẽ khiến cho Thiên Chúa Cha sẽ quan  tâm.

29/ Điều kiện tối cần thiết cuối cùng của người Tông Đồ: Chúa Yesus kêu gọi, chọn lựa và huấn luyện các Tông Đồ, Chúa không quên ban cho các ông quyền năng. Sứ vụ các ông đang thi hành chính là do Chúa Yesus sai đi. Ngày nay chúng ta tuyên xưng là Giáo hội tông truyền. Điều này mang 2 ý nghĩa : Các Giám Mục là do các Tông Đồ sai đi, các Tông Đồ lại do Chúa Yesus sai đi. Chúng ta có thể rút ra một câu kết luận :

30/ Nếu ai muốn nhân danh Phúc Âm mà nói với chúng ta, chúng ta phải xem họ có ở trong hàng ngũ các tông đồ không? Có nghĩa là họ có được ủy quyền của các Tông Đồ hay là người kế vị các Tông Đồ là Đức Giám Mục , là Đức Thánh Cha hay không?****

 Giuse Luca / Kinh thánh Emmaus


Trở lại      In      Số lần xem: 2402
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  13
 Hôm nay:  3478
 Hôm qua:  8431
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11429743
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top