Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu và sống Tin Mừng CN 22 Thường Niên A (Giuse Luca)

CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN A 

ĐỀ TÀIKHỐN KHÓ VÀ PHẦN THƯỞNG DÀNH CHO KẺ THEO CHÚA

 

Tung hô Tin Mừng:   x. Ep 1,17-18

Haleluia. Haleluia. Xin thân phụ Đức Giê-su Kitô, Chúa chúng ta, soi trí mở lòng cho chúng ta thấy rõ, đâu là niềm hy vọng, mà ơn Người kêu gọi đem lại cho chúng ta. Haleluia.

PHÚC ÂM:  Mt 16, 21-27

Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình.

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mát-thêu.

21 Từ khi ông Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, thì Đức Giê-su bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy. 22 Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: "Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!" 23 Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: "Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người."

24 Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: "Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. 25 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. 26 Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?

27 "Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên sứ của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.

Đó là lời Chúa.

 

 

 NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI D HIỂU BÀI TIN MỪNG

 

1/ Khuôn mặt Phê-rô gần đây như thế nào?

2/ Tại sao Phê-ro lên tiếng cản Thầy mình?

3/ Phê-rô mà cám dỗ Chúa sao ?

4/ Sứ mạng của Chúa Giê-su là gì ?

5/ Hôm nay chúng ta chúng ta có gây cản trở cho Chúa không ?

6/ Bản chất yếu đuối của chúng ta là gì ?

7/ Chúng ta nên sống đạo như thế nào?

8/ Theo Chúa chúng ta nên làm gì với những điều trái ý ? 

9/ Vì sao Phê-rô chạy đi trốn ?

10/ Ai đang trợ giúp chúng ta ?

11/ Ý nghĩ của việc từ bỏ là như thế nào?

12/ Chúa Gie-su từ bỏ như thế nào?

13/ Lý do nào khiến Chúa Giesu lo sợ ?

14/Thánh giá mà chúng ta phải mang vác ,làm bằng gì?

15/ Ý nghĩa của đướng thánh giá là gì ?

16/ Con đường từ bỏ là gì?

17/ Thánh Phanxixô đã nhận ra điều gì?

18/ Tại sao Phe-ro lại quá nhiệt tình khi ngăn cản Chúa ?

=>  Hãy tìm câu trả lời từ bài “Tóm ý”.

 

 

Bài 1: CON ĐƯỜNG  CHÚA ĐÃ CHỌN

1/ Sự thay đổi trên khuôn mặt Phê-rô : Đoạn tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy khuôn mặt Phê-rô hôm nay  khác hẳn với khuôn mặt Phê-rô trong tuần vừa rồi . Trước đây Phê-rô được Thiên Chúa Cha mạc khải để ông nhận ra Đức Giê-su là vị cứu tinh, là Đấng Messia, là con Thiên Chúa. Ông vừa được Chúa Giê-su ca ngợi và đặt ông làm nền tảng của Giáo Hội. Thế nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó, Phê-rô lại là người đầu tiên bị vấp ngã khi Chúa Giê-su tiên báo cách thức hoàn thành sứ mạng mà Thiên Chúa Cha trao phó cho Ngài .

2/ Chúa báo trước cuộc thương khó : Đây là lần đầu tiên Chúa nói với các môn đệ về hành trình trên Yerusalem của Ngài. Sau đó Ngài sẽ phải chịu đau khổ, bị giết chết, nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại. Một viễn cảnh đen tối đang ở trước mặt.

3/ Sự suy nghĩ nông cạn của Phê-rô: Nghe vậy, Phê-rô liền lên tiếng ngăn cản, lời khuyên can xuất phát từ lòng của ông tin vào tình thương của Thiên Chúa Cha. Bởi ông đã từng nghe Chúa Yesu mạc khải về sự quan phòng của Chúa Cha đối với từng bông hoa, từng cánh chim. Thiên Chúa là người Cha chỉ muốn điều tốt cho con cái, người cha thế gian còn không nỡ cho con mình cục đá khi nó xin cái bánh, Thì làm sao Thiên Chúa lại có thể để cho con yêu dấu của mình gặp sự khốn khó. Nếu thế thì điều mà Chúa Giê-su vừa loan báo, làm sao có thể xảy ra được ?

4/ Phê-rô suy diễn ra sao về Thầy mình? Lúc trước Phê-rô đã từng chứng kiến quyền năng của Thầy mình. Chúa Giê-su đã nhiều lần làm phép lạ cho các kẻ đau yếu được khỏi bệnh, cho người chết sống lại, có quyền trên cả thiên nhiên, thế thì làm sao Ngài lại để cho bản thân mình gặp khốn khó.

5/ Vì sao Thiên Chúa khen Phê-rô đó, rồi lại chê Phê-rô  đó? Phê-rô  đã bị quở trách  nặng lời, bởi vì ông nhìn vấn đề quá đơn giản,  do đó ông đã vô tình như là tiếp tay cho Satan. Thật vậy, khi Satan đưa Chúa Giê-su lên nóc đền thờ, nó rỉ vào tai Chúa: Nếu Ngài là con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống và các thiên thần sẽ nâng đỡ để chân Ngài khỏi vấp phải đá.

6/ Đây có phải là một cơn cám dỗ chung cho mọi người?  Sự việc thật là buồn cười khi quyền năng của con Thiên Chúa, quyền năng của Đức Ki-tô lại trở nên một phương tiện để cho người ta sử dụng để thực hiện những chuyện phù phiếm của họ. Đây không phải là một cơn cám dỗ được đặt ra cho  một mình Chúa Giê-su mà hơn thế nữa : Bản thân của mỗi người chúng ta vẫn thường gặp phải. Nhiều khi chúng ta cũng thường hỏi: Tại sao Chúa không cho con trúng số để thoát ngay khỏi cảnh nghèo, để có dư thừa thời gian để làm những việc đạo đức, còn có nhiều tiền để dâng cúng, làm phúc bố thí, tại sao chúa không cho Giáo Hội gặp điều kiện thuận lợi, làm cho nước Chúa mau mở rộng, cho danh Chúa mau cả sáng ?

7/ Sứ mạng của Chúa Giê-su là gì? Thế nhưng chúng ta đừng nên quên : Sứ mạng của Chúa Giê-su là làm một người tôi tớ đau khổ, con đường mà Chúa chọn đi tại trần gian lại là con đường thập giá. Khi lẩn tránh điều mình xác tín là phản bội lại sứ mệnh của mình. Đó chính là cơn cám dỗ lớn nhất đối với Giáo Hội nói chung và đối với chúng ta nói riêng. Bởi vì thay vì xin ơn Chúa để phục vụ cho tha nhân thì chúng ta lại xin ơn Chúa để phục vụ cho cá nhân mình, có nghĩa là chúng ta đang đi lạc đường.      

8/ Chúng ta hôm nay có giống Phê-rô không? Người môn đệ của Chúa hôm nay có thể trở thành Satan, có thể trở thành một thứ kỳ đà cản mũi, không cho Chúa Giê-su thực hiện sứ mạng Chúa Cha trao phó như là Phê-rô ngày xưa. Chúng ta thường vô tình hay cố ý quên lời mời gọi của Chúa Giê-su : Ai muốn theo ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo ta !

9/ Tư tưởng của Thiên Chúa khác tư tưởng của loài người như thế nào ? Chúng ta có thể dễ dàng loại bỏ ý muốn của Thiên Chúa sang một bên để chạy theo tư tưởng của loài người. Để rồi dần dần đánh mất bản chất thực thụ của người Ki-tô hữu. Nếu Chúa Giê-su đã chọn con đường đau khổ, thập giá vì Ngài trung thành với sứ mạng phục vụ con người trong tình yêu thương, thì người môn đệ của Chúa cũng phải dám liều mạng sống mình vì Ngài và vì anh em.

10/ Đường lối của Chúa Cha thế nào ? Đường lối của Chúa Cha muốn cho Chúa Ki-tô phải thực hiện , dường như không đúng với ý muốn và nhận thức của con người được phản ảnh rõ nét qua thái độ của Phê-rô. Con người sẵn sàng sử dụng chiến thuật và phương tiện của Satan, là mau mắn sử dụng tiền bạc, danh vọng của cải để thực hiện mọi ý đồ đó và viện cớ rằng : Họ đang phục vụ cho vinh quang Thiên Chúa, cho danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, nhưng kỳ thực họ đang xây dựng sự nghiệp cho riêng mình.

11/ Yêu đau khổ có phải là một tâm trạng bệnh hoạn không ? Theo Thánh Phao-lô xác định quy luật sống của người môn đệ Chúa như sau: Vinh dự của chúng ta là thập giá Đức Ki-tô / Nhiều người cho rằng: Chúng ta đang mang một tâm trạnh bệnh hoạn khi muốn ôm hết những đau khổ vào lòng mình. Bởi vì: Dù muốn hay không thì thập giá vẫn luôn có mặt trong cuộc sống của con người dưới nhiều danh nghĩa khác nhau như : Đau khổ, bệnh tật, tai nạn, cô đơn.

12/ Thập giá là gì ? Thập giá không chỉ là chịu đựng những đau khổ, trái ý và chấp nhận nó một cách thụ động. Bên cạnh đó còn có cách vác thập giá tích cực như Chúa Giê-su đã từng tâm sự : Thầy sẽ phải chịu một phép rửa, và lòng thầy luôn khắc khoải biết bao và đợi cho đến khi việc ấy được hoàn tất. Phép rửa ấy chính là cái chết trên thập giá.

13/ Thầy đi đâu ? Thế nhưng trong cuộc sống có biết bao sự lựa chọn đi ngược lại với đường thập giá, mà điển hình là hành động như Phê-rô đang muốn trốn khỏi thành Roma, đang khi Hoàng Đế Nêron bắt đạo ác liệt, và trên đường trốn chạy Phê-rô đã gặp được Chúa Giê-su đang đi ngược chiều. Phê-rô liền lên tiếng hỏi : Quo Vadis, Domine ? (Lạy Thầy !, Thầy đi đâu đấy?)/     Ta vào thành để chết thay cho con; Chúa Giê-su trả lời.**R

 

Bài 2: MẤT HAY ĐƯỢC?

14/ Bộ mặt thật của người môn đệ Chúa: Người môn đệ khi đi theo Chúa, phải biết phục vụ cho sự sống và tình thương, cho dù phải trả giá bằng chính sự sống của mình. Thập giá không bao giờ đè bẹp những người đi theo Chúa vì chính Chúa Giê-su đã tự nguyện đi theo để vác đỡ thánh giá cho ta, đồng thời thập giá cũng sẽ nâng chúng ta lên, biến đổi chúng ta và đem lại sự sống vĩnh cửu cho chúng ta.

15/ Dấu chứng của thập giá ở đâu? Ký hiệu thập giá đã được đóng lên trên từng việc làm của chúng ta, sẽ bảo đảm việc làm của chúng ta đúng chất lượng yêu thương, đúng với nguyên mẫu thập giá mà Chúa Giê-su đã đưa ra.

16/ Thế nào là mất để được? Sống trên đời, ai cũng thích được và rất sợ mất. Làm sao để chỉ được mà không mất thì đây là điều rất khó làm, không phải cứ thu vào là được hoặc cứ buông ra là đã mất. Trái lại, nhiều khi phải mất trước rồi mới được sau, mất nhỏ lại được lớn, mất ít nhưng lại được nhiều .

17/ Thế nào là quy luật của kinh tế thị trường? Ta dễ hiểu điều này trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, nhà đầu tư muốn được lợi nhuận cao sẽ không cất kỹ tiền trong nhà, hoặc chôn giấu đi, nhưng phải huy động nhiều vốn để đổ vào đầu tư / muốn có nhiều lời thì phải có vốn lớn.

18/ Cái mất và cái được trong đời sống tâm linh: Muốn được thì phải chịu mất trước. Đời sống tâm linh cũng thế nên Chúa Giê-su dạy rằng : Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo ta!. Đi theo Chúa là phải đi vào con đường của Chúa.

19/ Con đường từ bỏ: Chúa Giê-su đã sống cuộc đời từ bỏ không ngừng, từ bỏ Trời để xuống Đất, từ bỏ địa vị của Thiên Chúa để làm kiếp con người, từ bỏ cuộc sống yên lành ở thôn làng để đi vào cuộc đời phiêu lưu rao giảng Tin Mừng, từ bỏ con đường cứu thế do ma quỷ xúi giục để đi vào con đường chật hẹp do ý của Thiên Chúa Cha.

20/ Con đường từ bỏ sẽ cam go như thế nào?  Cam go nhất chính là từ bỏ ý riêng mình, cuộc chiến này rất khốc liệt khiến cho Chúa Giê-su phải toát mồ hôi máu, Người đi đến cùng của con đường từ bỏ khi phải chết trần trụi trên thánh giá, không còn một chút tàn hơi, không còn một giọt máu nào, không còn một chút danh dự nào, không còn gì cả!

21/ Thế nào là con đường thánh giá? Chúa đã ôm lấy Thánh Giá mà vác, không phải là loại thánh giá gỗ như trên đường đi đến núi Sọ. Nhưng là thánh giá trải dài trên cuộc sống suốt cả cuộc đời của Ngài.

22/ Các loại thánh giá: Thánh giá kiếp con người, thánh giá kiếp nghèo, thánh giá bị chống đối, thánh giá bị hiểu lầm, thánh giá bị bỏ rơi, bị phản bội, bị thách thức, bị thất bại, bị oan ức, bị tủi nhục, bị cô đơn. Thánh giá quá nặng nên nhiều lần Ngài bị vấp ngã, thánh giá quá ghê rợn nên nhiều lần Ngài muốn chối bỏ. Nhưng cuối cùng Ngài vẫn phải tiếp tục vác để đi cho trọn con đường.

23/ Thánh giá có phải là con đường bế tắc không? Nếu đường Chúa đi chỉ dừng lại ở đây thì rõ ràng con đường thánh giá là con đường bế tắc. Nếu định mệnh của Chúa chỉ kết thúc ở núi Sọ thì đúng là một định mệnh diệt vong. Nhưng con đường thánh giá vẫn còn, bởi vì cuối con đường thánh giá là định mệnh Phục Sinh. Định mệnh của Chúa đầy ánh vinh quang.

24/ Con đường hạ mình: Phải qua sự chết mới đến sự sống, phải qua tủi nhục mới đến vinh quang, phải qua gian khổ mới đến bến bờ hạnh phúc, con đường từ bỏ chính là con đường hạ mình. Thánh Phao-lô đã trải qua nên Ngài mới nói : Chúa Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nhất quyết phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng Ngài đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ ,trở nên giống như người phàm nhân sống trên trần thế.

25/ Nhờ đâu Chúa Giê-su đã tìm thấy vinh quang? Khi Chúa Giê-su mời gọi chúng ta bước theo, Ngài đâu muốn chúng ta bị tiêu diệt. Nhưng muốn chúng ta triển nở đến viên mãn, nên Chúa Giê-su nói tiếp: Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy!

26/ Vậy thì từ bỏ là được hay mất? Như thế từ bỏ không phải là để  mất, mà là được, được cách sung mãn, hoàn hảo và trở nên cao cả hơn, phong phú hơn. Mất ngay hiện tại nhưng lại được trong tương lai. Mất đời này để được đời sau. Mất cốt tục để được cốt tiên, mất tạm bợ để được vĩnh cửu.**

27/ Thánh Phan-xi-cô được gì ,mất gì? Thánh Phan-xi-cô đã từ bỏ mọi sự để trở nên khó nghèo, Ngài đã cảm nghiệm sâu xa chân lý này và đã thốt lên bằng một lời ca bất hủ : Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân………, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

28/ Tại sao Thánh Phê-rô không chấp nhận một Đức Ki-tô trên thập giá? Chúa Giê-su gặp nhiều cám dỗ trong đời, như là thời gian chay tịnh trong sa mạc, như là đám đông đòi xem phép lạ từ trời, như là những lời thách đố xuống khỏi cây thập giá. Hôm nay Tin Mừng cho thấy Chúa lại chịu cám dỗ bởi Phê-rô, người mà Ngài đặt làm nền tảng cho Giáo Hội. Cám dỗ này thật là nguy hiểm bởi vì nó đến từ tình thương của một người thân.

29/ Phê-rô đã quên mất điều gì? Phê-rô không chấp nhận một Đấng Messia chịu đau khổ chịu chết. Phê-rô đã qua mặt thầy và đi đến trước Thầy, ông quên mất vị trí của người môn đệ là phải đi sau, ông đâu có ngờ chính ông là viên đá mà Thầy suýt vấp ngã. Lối nghĩ của Phê-rô là lối nghĩ tự nhiên và rất người. Nhưng đó không phải là lối nghĩ của Thiên Chúa, ông đã quên rằng : Người vạch ra đường lối chính là Thầy, và người phải tuân theo chính là ông. Vì quên điều này nên ông suýt tiếp tay cho Satan, ông đã vẽ hình Chúa chập chờn, khi thế này, khi thế khác.    **R

 

Bài 3: SỐ KIẾP CỦA KẺ THEO CHÚA

30/ Qua đoạn tin mừng, Chúa Giê-su muốn mạc khải điều gì? Đối với các Tông Đồ thì đây là một mạc khải kinh khủng. Chúa Giê-su muốn cho các ông biết: Chúa Giê-su sẽ chịu nhiều đau khổ, bị giết và 3 ngày sau thì sống lại.

31/ Phê-rô đã phản ứng như thế nào? Phê rô đã phản ứng quyết liệt. Nhưng đây mới chỉ là những đau khổ dành cho Chúa Giê-su chứ chưa phải là những khốn khó dành cho các môn đệ.

32/ Phụng vụ hôm nay muốn nói với chúng ta điều gì? Giáo hội muốn kêu gọi chúng ta hãy sẵn sàng để chịu mọi sự khốn khó vì Chúa. Giáo hội cũng kêu gọi chúng ta phải thâm tín rằng: Bất cứ ai đi theo Chúa, cũng phải chịu đau khổ như Chúa. vậy chúng ta cần phải đón nhận những đau khổ ấy như thế nào?

33/ Tiên tri Giê-rê-mia muốn nhắn nhủ điều gì? Thật ra ông đang than thở với Chúa, nhưng đồng thời ông ta cũng muốn cho chúng ta nghe. Ông tóm tắt lại đời  mình với đầy những nỗi bi quan, đau xót. Lúc nào ông cũng la lên: bị hành hung, bị ức hiếp. Bởi vì ông được Chúa sai đi để nói với dân chúng rằng: Điều khủng khiếp sắp sửa đổ xuống trên đám dân bội bạc, dâm ô, bất trung này.

34/ Phản ứng của dân Do Thái như thế nào?  Đầu tiên thì họ cũng sợ, nhưng lâu dần họ cũng quen với lối phỉnh nịnh của đám tiên tri giả. Rồi họ đâm chán và ghét luôn những con người cứ dọa nạt họ bằng tai ương, hình phạt / Đã có lần họ bắt giam và suýt nữa thì đập chết ông.

35/ Tiên tri Giê-rê-mia đã suy nghĩ như thế nào? Ông luôn bị kỳ thị, hiểu lầm, ghét bỏ. Nhiều khi ông bóp trán suy nghĩ: tại sao lại đâm đầu vào cái nghề tiên tri này. Vì sao không bắt chước loại tiên tri giả kia, cứ nói hay, nói tốt cho họ, để được yêu, được thích, được cho nhiều tiền của. Cớ sao mình cứ tuyên bố những điều dữ, những điều khủng khiếp sắp đổ xuống đầu người ta ,khiến cho dân chúng sợ mình như sợ một nguồn dịch bệnh.

36/ Tiên tri Giê-rê-mia nghiệm ra điều gì? Ông càng suy, ông càng hiểu bản chất của ơn gọi tiên tri của mình. Con người xác thịt chỉ bảo ông rằng : nếu như phải làm tiên tri, thì chắc chắn nó bảo ông hãy làm tiên tri giả. Cứ nói lời phỉnh nịnh là, được người ta chiều chuộng, cho ăn sung mặc sướng. Còn làm tiên tri thật thì nếu đã nói cái hay thì cũng không thể câm miệng trước cái dở của mọi người. Làm như vậy cũng đã quá khó, huống chi là chỉ nói toàn những hình phạt. Lại nữa, …chắc gì điều đó sẽ xảy ra như vậy.

37/ Tiên tri Giô-na cũng bị cám dỗ như thế nào? Giôna cũng bị cám dỗ y như vậy / ông ta được Chúa sai đi cảnh cáo đám dân tội lỗi. Ông không muốn đi vì ông thầm nghĩ: Thiên Chúa nhân từ vô cùng. Chỉ cần Ngài ngoảnh mặt lại một tí thôi, thì Ngài sẽ tha thứ hết , Ngài sẽ rút cánh tay thịnh nộ lại. Nhưng sao Giê-rê-mia lại cứ cố chấp. Cứ nhiệt thành loan báo những điều dữ, loan truyền những điều khủng khiếp sắp đổ xuống trên con cái Isreal ?

38/ Cuối cùng Giê-rê-mia cũng phải chịu đòn vì sao? Cuối cùng ông cũng phải thốt lên những lời tự tâm can: Nghề này không phải do ông tự chọn, không phải ông thích tuyên những điều khủng khiếp, không phải ông không biết những đau khổ ê chề và đầy nguy hiểm khi cái  miệng ông lại đi nói ngược lại những điều mà người ta mong chờ. Bất đắc dĩ ông phải làm tiên tri, một cái nghề mà ông không muốn ,khi chỉ phải tuân lệnh Gia-vê, nhưng không muốn như thế được.

39/ Phải chăng có ai đó đã dụ dỗ ông? Có phải ông bị ai đó dụ dỗ, lừa dối ông không? Nhưng chẳng phải là bùa chú hay ngải thiêng nào lừa được ông ,nhưng chính là sức mạnh của Thần khí của Thiên Chúa, ập xuống và ông bị khuất phục, không phải bằng một kiểu miễn cưỡng nhưng là sự êm ái , nhẹ nhàng và bình an.

40/ Ông đã bị Thiên Chúa chiếm đoạt như thế nào? Ông bị Thiên Chúa chiếm đoạt, ông bị Ngài nắm ông trong tay. Như người mẹ ẵm con mình trên tay, khi gặp Chúa rồi, ông cảm nhận được tình ngài yêu thương. Nên ông phó thác toàn thân mình và đời sống bé nhỏ của mình vào trong bàn tay vững chắc của Người.

41/ Giê-rê-mia cảm thấy thế nào? Từ nay ông cảm nhận mình chỉ còn là một khí cụ trong tay Đấng có thể điều khiển cả trời đất. Từ nay ông không còn làm chủ đời mình nữa. Ông cảm thấy rất thích thú khi được Thiên Chúa sử dụng mình như một công cụ để làm việc cho Thiên Chúa, mặc dù xác thịt ông lại cảm nhận điều ngược lại, vì nó không muốn.

42/ Vì sao ông lại cảm nhận điều ngược lại? Những khổ đau ông phải chịu mà người ngoài có thể nhìn thấy. Cũng chính là những thứ mà xác thịt ông thấm thía. Nhưng tất cả những ê chề ấy không thể nào làm lung lay ý chí cũng như quan điểm của ông. Vì nơi cõi lòng ông đang bừng cháy lửa mến ,khiến cho xương cốt ông như tan chảy. Ông muốn nén lại, nhưng ông không thể. Bởi vì Thiên Chúa đang chiến thắng ông.

43/ Tiên tri Giê-rê-mia nhắc nhớ chúng ta điều gì? Ông ta đúng là người của Thiên Chúa. Ông mô tả con người của Chúa Ki-tô. Ông muốn nhắc nhở chúng ta về ơn gọi của mình. Ơn gọi này chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội. Ai trong chúng ta cũng được Chúa đặt làm tiên tri ,để đi công bố về đường lối chân thật của Thiên Chúa.

44/ Chúng ta cảm nhận thế nào về ơn gọi đó? Vì chúng ta thấy vất vả nên không muốn thi hành ơn gọi đó. Cũng có khi chúng ta lại ca thán về ơn gọi này. Chúng ta chỉ có thể tìm ra nguồn bình an hạnh phúc nếu như chúng ta biết suy nghĩ và tìm ra sự thật như Giê-rê-mia trong bài đọc I hôm nay / để rồi giờ đây chúng ta có thể sẵn sàng để đi vào bài kinh thánh tân ước.  **R

 

Bài 4: LỄ TẾ CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ

45/ Giai đoạn mới của sứ vụ cứu độ của Chúa Giê-su là lúc nào? Sau 30 năm sống ẩn dật tại Nazaret, giai đoạn khởi đầu là lúc Chúa Giê-su chịu phép rửa rồi vào trong hoang địa và đi rao giảng tin mừng trong 3 năm. Giai đoạn kế tiếp là Chúa muốn hỏi các môn đệ về Ngài ,và Phê-ro đã tuyên xưng / như vậy hôm nay đang ở giai đoạn 2, Chúa Giê-su bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Ngài phải đi Gierusalem và sẽ phải chịu nhiều đau khổ.

46/ Hôm nay Chúa Giê-su muốn nói điều gì? Từ trước tới nay Chúa chưa hề nói cho các ông biết những khổ đau đang chờ chực Ngài, nói cho đúng hơn bắt đầu hôm nay Chúa sẽ dạy dỗ họ. Như vậy hoạt động của Chúa có hơi thu nhỏ lại, để Chúa có giờ đào tạo các ông, làm cho các ông hiểu Chúa và trở nên giống Chúa hơn. Vì thế Chúa bắt đầu cho họ thấy sứ mạng và vinh quang đích thực của Chúa / Ngài sẽ đi Giêrusalem, bị bắt, bị xử, bị giết và sẽ sống lại vào ngày thứ ba.

47/ Chương trình đào tạo của Chúa sẽ như thế nào? Bài học của Chúa không phải chỉ dạy một lần thì các ông có thể hiểu được, nhưng là cả một chương trình sống mà Chúa sẽ dần dần tỏ cho họ thấy. Mặc dù chưa chắc họ đã hiểu. Nhưng dù sao thì Chúa cũng phải dùng lời nói để bày tỏ, Chúa đã làm việc này và đã vấp phải sự phản ứng chụp giựt của Phêrô. Kẻ mà Chúa mới vừa đặt lên làm đá tảng của hội thánh.

48/ Phêrô đã phản ứng như thế nào? Phêrô lên tiếng trách Chúa: Thiên Chúa sẽ yêu thương chứ nào có làm như thế. Phêrô cũng có chút tế nhị nên ông đâu dám phản đối thẳng thắng, ông kéo Chúa ra để nói riêng, không muốn cho các ông khác nghe thấy. Ông còn nại đến Thiên Chúa, Đấng tốt lành và đầy yêu thương ,nên điều ác sẽ không thể nào xảy ra được.

49/ Chúa Giê-su đã tỏ thái độ như thế nào? Chúa phẫn nộ ra mặt ngay: Xéo ra đàng sau, hỡi Satan, ngươi là cớ vấp phạm cho ta / Chúa cũng muốn cho ông hiểu lý do Chúa nổi nóng: Vì ý tưởng của ngươi không phải là ý tưởng của Thiên Chúa, mà là tư tưởng của loài người.

50/ Hôm nay Chúa muốn tỏ cho các môn đệ thấy điều gì? Chúa muốn các môn đệ thấy tương lai của Người, mà tương lai ấy đâu phải do Chúa xây dựng ,mà là thánh ý Chúa Cha. Vì trước đó Chúa có nói rõ: Ta đến không phải để làm theo ý của Ta, mà là ý của Đấng đã sai Ta. Như vậy cuộc tử nạn và sự phục sinh của Chúa Giêsu là kế hoạch của Thiên Chúa Cha. Phê-rô chưa hiểu nên cứ tưởng đó là ý của Chúa Giê-su, nên ông tưởng có thể góp ý …với Chúa.

51/ Ý của loài người thì như thế nào? Khi ông mở lời can ngăn Chúa, thì ông cứ tưởng rằng: Ý của ông cũng là ý của các môn đệ, cũng là ý của dân chúng, cũng là ý của con cái Israel nói chung... và cũng là ý của loài người. Bởi vì ai cũng đang mong chờ một vị cứu tinh uy quyền, vinh quang. Một đấng cứu thế quyền năng, một Đức Giê-su quyền phép sắp xây dựng nước trời trong hào quang rực rỡ.

52/ Dân chúng thiếu sót điều gì? Họ chưa biết, họ không biết đường lối cứu độ của Thiên Chúa Cha. Họ không biết rằng: Các lời tiên tri phải nên trọn, rằng con Người phải chịu nhiều đau khổ, rằng con Thiên Chúa phải gánh tội trần gian và người tôi tớ đau khổ trong sách Isaia lại chính là Ngài.

53/ Satan muốn như thế nào? Phát biểu ngăn cản của Phê-rô cũng chính là tiếng nói của loài người. Ai muốn phá kế hoạch của Thiên Chúa thì người ấy làm theo ý muốn của Satan. Vì thế nên Chúa Giê-su đã vạch trần bộ mặt ấy, để từ nay loài người sẽ sống chân thật và họ sẽ tôn thờ Thiên Chúa trong chân lý.

54/ Đoạn văn trên đây ý Chúa muốn dạy điều gì? Mattheo là người hiểu rõ ý Chúa và đoạn văn trên đây chính là lời Chúa dạy các môn đệ -> Ai muốn theo ta, thì hãy chối bỏ chính mình.... Hãy vác lấy khổ giá mà theo ta. Chúng ta phải rút ra một bài học cụ thể về thánh giá Chúa, và cũng là điều chúng ta cần suy nghĩ khi muốn đi theo Chúa. Cũng như muốn tham dự vào công cuộc cứu thế của Chúa.

55/ Tại sao Chúa phải lên Giêrusalem? Khi chúng ta chịu phép rửa tội, chúng ta đã sáp nhập vào thân thể của người. Chúng ta mặc lấy thân phận của Chúa Ki-tô, hơn nữa chính vì chấp nhận thân phận của đấng Cứu Thế nên Chúa Giê-su phải lên Gierusalem để bị bắt, bị xử, bị đóng đinh, giết giết chết. Đó là con đường cứu thế, con đường của Vua Ki-tô. Đây cũng là con đường dành cho những ai được xức dầu và được sai đi.

56/ Bí tích rửa tội là gì? Khi chúng ta chịu phép rửa tội là chúng ta muốn đáp lại ơn gọi tiên tri, ơn gọi tông đồ, ơn gọi đế vương. Tất cả đều thúc đẩy chúng ta đi vào con đường mầu nhiệm thánh giá. Nếu chúng ta muốn làm chứng nhân cho Chúa thì chúng ta phải can đảm chấp nhận sứ mạng cứu thế như Chúa Giê-su. Đây cũng là thân phận của người tôi tớ đau khổ .

57/ Chúng ta theo Chúa, sẽ thấm thía điều gì? Vì chấp nhận thân phận tôi tớ nên chúng ta mới thấm thía lời Chúa Giê-su dạy: Muốn làm lớn, hãy trở nên rốt bét. Hãy học với ta, vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, chỉ khi ta thâm hiểu được điều này, thì việc đeo ảnh Chúa và làm dấu thánh giá mới mang lại đầy đủ ý nghĩa.

58/ Như thế nào là sống ơn gọi vương đế? Vác thập giá là dấu chỉ chúng ta đã thuộc về Đức Ki-tô. Và chúng ta cũng phải đóng đinh xác thịt mình vào thánh giá như Chúa Ki-tô và cũng chết trên thập giá như Ngài. Như thế chúng ta đã sống ơn gọi tiên tri, ơn gọi tư tế mà chúng ta đã lãnh nhận qua bí tích rửa tội.

59/ Thánh Phao-lô dạy gì trong bài đọc II? Ngài không dạy về giáo lý nữa mà đang dạy chúng ta về về cách ăn nết ở. Chúng ta phải tôn thờ Thiên Chúa một cách chân thật ,là thực thi những điều ngài dạy chứ không phải là đọc kinh kệ dài dòng hay dâng lễ với kiểu cách bề ngoài. Nhưng là lễ tế thiêng liêng.

60/ Thế nào là lễ tế thiêng liêng? Chúng ta thường hiểu rằng thiêng liêng là không hữu hình, không nhìn thấy/ Nhưng chúng ta thường hiểu lầm rằng: tôn thờ thiêng liêng là không cần đến nhà thờ, không làm bàn thờ, không kinh kệ, không nghi lễ , mà chỉ cần có tâm hồn. Như thế là chúng ta lại đang rơi vào thuyết duy tâm.

61/ Thế nào là lễ tế sống? Là chúng ta dâng chính mình và tất cả những gì đang thuộc về chúng ta cho đẹp lòng Thiên Chúa. Chúng ta không thể trói con mình như Abraham trói Isa-ác. Chỉ có một mình Đức Giê-su, là chịu tế sống. Chúa Giê-su đã khởi sự việc này khi nói: Này con xin đến để làm theo ý Cha.

62/ Lễ tế của chúng ta như thế nào? Chính đời sống của chúng ta khi chưa rập theo khuôn mẫu của Chúa Ki-tô, là canh tân lòng trí, là biến hình đổi dạng, là ăn ở theo giáo huấn của Thiên Chúa, cũng chính là lễ tế sống thánh thiện đẹp lòng người. Như vậy đời sống của người tín hữu không còn thuần tuý thiêng liêng theo nghĩa vô hình, cũng không hoàn toàn là nội tâm, vì chúng ta cũng phải luôn biến đổi sao cho phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa, như vậy đương nhiên nó sẽ tác động vào thân xác hữu hình. Và tất cả những việc làm từ thân xác khi những lời kinh, những lễ dâng của chúng ta đã được kết hợp với Chúa Ki-tô trong mầu nhiệm thánh giá, cũng chính là mầu nhiệm hiến dâng / vì chúng ta cũng đã trao ban cả thân mình cho Thiên Chúa và cho hạnh phúc anh em.

63/ Vai trò ngôn sứ của Chúa Giê-su mang ý nghĩa như thế nào? Chúa Giê-su là vị ngôn sứ đau khổ hơn hết. Vì Ngài chỉ làm vua khi ở đỉnh cao thập giá và Tế lễ khi hiến dâng sự sống của mình cho Thiên Chúa Cha . Ngài vừa kêu gọi, vừa đòi hỏi chúng ta: Ai muốn theo ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà đi theo Người. Chính việc tế lễ như thế này mới thật sự chính đáng, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa và hữu ích cho mọi người hơn.  **R

 

Bài 5: CHÚ GIẢI

1/ Đoạn 16, câu 21: Theo Tin Mừng Thánh Mathêu, đây là lần đầu tiên Chúa Giê-su tiên báo rõ ràng về những đau khổ và cái chết của Người. Người cho biết mình sẽ phải chết, lý do chết và chết như thế nào, người cho biết mọi sự sẽ xảy ra đúng chương trình cứu độ mà các tiên tri đã tiên báo.

2/ Các môn đệ cần được chỉ dạy, cắt nghĩa thêm về số phận của Đấng Messia : Họ chưa hiểu câu chuyện “Chàng rể bị mang đi” (Mt 9,15), về việc con Người sẽ ở trong lòng đất 3 ngày đêm (Mt 12,40). Đau khổ và cái chết bao gồm : Việc người Do Thái bắt bớ và loại trừ Đức Giê-su (Tv 18, câu 22/ Is 53)

3/ Các thượng tế xuất phát từ giới quý tộc Sađốc. Các kinh sư, kỳ mục là thành phần lãnh đạo cộng đồng. Bọn họ là 3 thành phần của Thượng hội đồng, là cơ quan có quyền lực pháp lý tối cao của Do Thái Giáo thời đế quốc Roma.

4/ Đức Giê-su sẽ bị giới lãnh đạo Tôn giáo Do Thái loại trừ và giết chết.  Nhưng Thiên Chúa sẽ cho Người trỗi dậy vào ngày thứ 3 trong vinh quang. Theo cách tính của người Do Thái : Ngày thứ nhất đóng đinh, ngày thứ 2 chôn cất , ngày thứ 3 phục sinh.

5/ Đoạn 16, câu 22 : Phê-rô trước đây được Đức Giê-su gọi là Đá Tảng, nhưng giờ đây ông đã trở thành cục đá ngáng đường. Có lẽ vì mới được khen nên ông cảm thấy rất tự tin  (câu 17-19), nên ông đã kéo Đức Giê-su ra và bắt đầu trách người. Chữ trách ở đây nên hiểu theo nghĩa là : Lời cảnh báo quan trọng, nghiêm túc. Đây là lời cảm thán cũng có thể là một lời cầu xin cùng Chúa Cha: Xin Thiên Chúa ban ơn và gìn giữ Thầy trong lòng thương xót của  Người.

6/ Đây là phản ứng tự nhiên của Phê- : Ông yêu mến Chúa Giê-su và cảm thấy đau xót về việc Thầy sẽ bị loại trừ và giết chết. Ông đã từ bỏ mọi sự để đi theo Đức Giê-su, ông thật sự lo lắng cho sự an nguy của Thầy.

7/ Lời khuyên can của Phê-rô xuất phát từ lòng chân thành và yêu mến: Nhưng ở đây nó không đủ chân thành, không đủ yêu mến, bởi vì nếu yêu mến mà thiếu hiểu biết thì sẽ dẫn đến sai lầm (Pl 1,19). Kinh thánh cũng cảnh báo rằng : Không có gì nham hiểm và bất trị như lòng người, vì nào ai dò thấu được (Gr 17,9).

8/ Đoạn 16, câu 23 : Lời tuyên xưng của ông là do Cha trên trời mạc khải cho, còn lời trách cứ Đức Giê-su là do ông tự nghĩ ra. Đúng theo ý định đời đời của Thiên Chúa thì Chúa Giê-su phải trải qua thập giá rồi mới đi đến vinh quang. Nên cho dù ông có thiện chí nhưng vì thiếu hiểu biết nên Chúa Giê-su cũng không bỏ qua cho sự thiếu hiểu biết của ông, ngay lập tức ông bị Chúa quở trách.

9/Lời quở trách xem ra nặng nề:  Nhưng ông không phải là Satan kẻ thù, nhưng là một thứ giống kẻ thù, một loại Satan nào đó (Nói thế cho nhẹ bớt đi). Khi ông dám cản trở kế hoạch của Thiên Chúa, vì ông đã gieo cớ vấp phạm, gieo rắc sự khiếp sợ hay nỗi nghi ngờ nơi Đức Giê-su. Giống Satan, ông cũng muốn Chúa Giê-su chọn con đường dễ dãi  (Mt 4,9)

10/ Phê-rô quan tâm theo kiểu con người, đây là lối nhìn kiểu thế gian khiến cho ông không còn suy nghĩ theo nhận thức của Thiên Chúa nữa (Pl 2,22/ Pl 3,19-20) những kẻ chối từ thập giá nên chỉ nghĩ đến những sự thế gian. Hay như trong thư Colo-xê (Cl 3,2) khuyên tín hữu hãy hướng lòng về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm những gì thuộc hạ giới.

11/ Phê-rô đã bị ảnh hưởng bởi sự phán đoán theo kiểu con người vì bị nhiễm men kinh sư và Pharisêu. Những trở ngại này vẫn còn tồn tại trong Giáo Hội bởi những tín hữu, những kẻ miệng thì tuyên xưng Đức Giê-su, nhưng lại suy nghĩ và hành xử theo thói đời. Vì thế đôi khi họ cũng trở thành một thứ Satan hay mọi loại kẻ thù của Chúa. / Đức Giê-su không chỉ sửa dạy Phê-rô (Mc 8,33) mà Người còn mắng ông theo cách mà Người đã mắng một tên quỷ trước đó (Mt 4,40) : “Xéo đi”, có nghĩa là hãy lui lại đằng sau Thầy, hãy đi khuất mắt Thầy.

12/ Đối với người Do Thái :thập giá là sự xúc phạm, là cớ vấp phạm (1 Cor 1,23) nhưng kẻ nào chối bỏ thập giá thì cũng xúc phạm Đức Ki-tô, vì đó là cách thế mà Thiên Chúa muốn cho Đức Ki-tô phải chịu (xem lại câu 21)

13/ Đoạn 16, câu 24 : Thay vì cản Đức Giê-su khiến cho Ngài không đạt được mục đích, thì người môn đệ hay đám đông dân chúng (Mc 8,34) phải đi trên con đường của Người. Bởi Đức Giê-su đã vác thập giá mình chứ không từ khước / Chúa tuyên bố : Ai muốn theo Người thì phải vác thập giá mình mà theo, như là một điều cần thiết và bắt buộc vì không ai có thể theo Người mà lại không vác thập giá mình!

14/ Từ bỏ mình, là điều mà Phê-rô lúc này chưa có (câu 22), là khởi đầu của sự khôn ngoan đích thực, lời mời gọi, cũng là cách luyện tập ý chí. Bởi vì khuynh hướng tự nhiên của con người là thích đề cao bản thân, thích những điều dễ dãi theo ý riêng / khuynh hướng tự nhiên này phải được xem như là đã chết (Rm 6,11)

15/ Đoạn 16, câu 25 : Thực tế, câu mất mạng sống có thể hiểu là mất những thứ gì giúp chúng ta sống thoải mái. Dưới cái nhìn của thế gian thì thập giá là sự trừng phạt. Nhưng với cái nhìn của Chúa Giê-su và những kẻ theo Người thì thập giá là cách thức giúp con người bước vào nơi vĩnh cửu qua cái chết. Ai trao mạng sống mình cho Chúa thì sẽ cứu được mạng sống của mình!

16/ Vác thập giá không thể hiểu theo kiểu trá hình của tham vọng, không biến nó thành cứu cánh để thỏa mãn nhu cầu của bản thân. Thập giá thường đặt vào bối cảnh của sự chết và người ta phải hãm mình hay diệt trừ những hành vi của tính xác thịt (Rm 8,13/CL 3,5) phải hạ bệ và đóng đinh cái tôi của mình, người tín hữu phải sẵn sàng đón nhận đau khổ, thậm chí là cái chết, nhờ đó linh  hồn họ sẽ được cứu!

17/ Đoạn 16, câu 26: Từ ngữ linh hồn hay mạng sống đều diễn tả sự sống nói chung / từ sự sống cây cỏ đến sự sống của con người và cả sự sống tâm linh nữa. Được cả thế gian là được tất cả mọi thứ trên đời là vật chất và mọi thứ khác. Mất mạng sống mình là sự tương phản của câu :

“ Được cả thế gian”

18/ Ai không từ bỏ mạng sống mình vì Đức Ki-tô thì sẽ mất mạng sống ấy khi Đức Ki-tô trở lại xét xử thế gian (câu 25, câu 27). Vì chẳng có ai có thể chuộc nổi mạng sống của mình (Tv 49,7-8), nên chỉ có mình Đức Ki-tô mới mang lại sự tự do đích thực cho những kẻ tin vào Người.

19/ Đoạn 16, câu 27 : Đây là lần đầu tiên Đức Giê-su nói về cuộc trở lại vinh hiển của Người, khi Người trở lại. Đó sẽ là thời khắc vinh quang cùng với uy nghi và huy hoàng của Cha Người (Đn 7,14). Lúc đó Người sẽ thưởng phạt ai nấy tùy theo việc họ đã làm (Tv 62,12/Cn 24,12) Ở đây nên hiểu là cách đáp trả những đòi hỏi dành cho người môn đệ (từ câu 24-26)

20/ Khi Chúa Giê-su trở lại, người sẽ xét xử tất cả những hành vi mà người tín hữu đã làm dựa trên các nguyên tắc của Tin Mừng (Rm 2,6-10). Không phải đợi đến ngày sau hết thì người tín hữu mới được lãnh thưởng, nhưng nhờ Chúa Thánh Linh, người tín hữu được hưởng nếm ngay tự đời này (Ep 1,13-14)  **R

 

TÓM Ý

1/ Khuôn mặt Phê-rô gần đây như thế nào? Tuần trước ông được Chúa Giê-su khen vì đã tuyên xưng đúng. Hôm nay Phê-rô bị chê vì suýt làm cho Chúa Giê-su bị vấp ngã. Đây là lần đầu tiên Chúa nói với các môn đệ về hành trình lên Yerusalem của Ngài. Nơi đây Chúa sẽ chịu đau khổ, bị giết chết và sau 3 ngày sẽ sống lại.

2/ Tại sao Phê-ro lên tiếng cản Thầy mình? Với suy nghĩ nông cạn , Phê-rô đã lên tiếng ngăn cản Thầy mình. Lời khuyên can này không phải là ngăn cản Thầy, nhưng xuất phát từ lòng ông tin vào tình thương của Thiên Chúa Cha /Bỡi vì Cha luôn muốn đều tốt cho con cái, bởi người cha thế gian còn không nỡ cho con mình điều xấu thì làm sao Thiên Chúa lại có thể để cho người Con yêu dấu của mình gặp sự khốn khó, nên việc mà Chúa Giê-su vừa nói làm sao có thể xảy ra được. Phê-rô biết Thầy mình là Đấng đầy quyền năng, có thể làm được rất nhiều thứ mà người khác không ai làm được, thế thì làm sao Ngài có thể để cho bản thân mình gặp khốn khó!

3/ Phê-rô mà cám dỗ Chúa sao ? Ông đã vô tình tiếp tay cho Satan, giống như cơn cám dỗ mà Satan đã đưa đến khi Chúa Giê-su an chay 40 đêm ngày. Đây là một cơn cám dỗ không phải chỉ được đặt ra cho một mình Chúa Giê-su mà mỗi người chúng ta cũng vẫn thường gặp phải. Nhiều khi chúng ta cũng thường tự hỏi: “Tại sao Chúa không cho con trúng số, tại sao không cho con hết bệnh?..”

4/ Sứ mạng của Chúa Giê-su là gì ? Sứ mạng của Chúa Giê-su là phải làm một tôi tớ đau khổ, con đường Chúa đi là con đường thập giá, Chúa Giê-su không thể phản bội lại sứ mệnh của mình. Chúng ta cũng không thể xin ơn Chúa để phục vụ cho quyền lợi cá nhân của mình! Nếu làm thế là chúng ta đã đi lạc đường!

5/ Hôm nay chúng ta chúng ta có gây cản trở cho Chúa không ?Hôm nay chúng ta cũng có thể trở nên một thứ kỳ đà cản mũi, không cho Chúa Giê-su thực hiện sứ mệnh mà Chúa Cha trao phó. Chúng ta thường cố tình quên lời mời gọi của Chúa Giê-su : “ Ai muốn theo ta, thì hãy từ bỏ mình….”

6/ Bản chất yếu đuối của chúng ta là gì ? Chúng ta cũng có thể loại bỏ ý muốn của Thiên Chúa sang một bên để chạy theo ý riêng của mình, để rồi dần dần đánh mất bản chất thực thụ của người Ki-tô hữu.

7/ Chúng ta nên sống đạo như thế nào? Nếu Chúa Giê-su đã chọn con đường con đường thập giá và đau khổ để phục vụ con người, thì chúng ta cũng phải liều mạng sống mình vì Ngài và vì anh em. Ý muốn của Thiên Chúa không phù hợp với ý muốn của con người được phản ảnh rõ nét qua hành động của Phê-rô, Con người luôn muốn sử dụng phương tiện của thế gian để phục vụ cho bản thân mình. Nhưng lại biện hộ rằng làm như thế là để cho vinh danh Thiên Chúa.

8/ Theo Chúa chúng ta nên làm gì với những điều trái ý ?  Theo Chúa, yêu thập giá, yêu đau khổ, không phải là tâm trạng của nbững con người bệnh hoạn.  Người ta cho rằng chỉ có tâm trạng bệnh hoạn mới mong ôm hết khổ vào mình, nhưng dù muốn hay không thì thập giá cũng luôn có mặt trong cuộc sống dưới nhiều danh nghĩa khác nhau. Chúng ta không thể tránh được.

9/ Vì sao Phê-rô chạy đi trốn ? Phê-rô sợ chết nên chạy đi trốn, gặp Chúa Giê-su đang đi chiều ngược lại. Cuộc sống có biết bao điều khiến chúng ta phải lựa chọn ngược lại với đường thập giá. Phê-rô hỏi Chúa : Lạy Thầy!, Thầy đi đâu? Chúa Giê-su trả lời : Ta vào thành để chết thay cho con !!!

10/ Ai đang trợ giúp chúng ta ? Người môn đệ khi đi theo Chúa phải chấp nhận trả giá, thập giá không đè bẹp người môn đệ Chúa được . Bởi vì chính Chúa là người tình nguyện đi theo vác đỡ thánh giá cho chúng ta.Dấu chứng của thập giá đã được đóng lên từng việc làm của chúng ta, để bảo đảm việc làm của chúng ta đúng chất lượng yêu thương, đúng với nguyên mẫu thập giá mà Chúa Giê-su đã đưa ra.

11/ Ý nghĩ của việc từ bỏ là như thế nào? Theo Chúa Giê-su là phải từ bỏ chính mình, là mất trước được sau. Là mất ít, được nhiều, không phải cứ thu vào là được, hoặc buông ra là mất đâu!.Quy luật kinh tế thị trường là đầu tư nhiều vốn sẽ sinh lời . Nếu đem chôn vốn coi chừng mất vốn lại còn không có được tiền lời (Đầy tớ lười biếng)

12/ Chúa Gie-su từ bỏ như thế nào? Đường Chúa Giê-su đi là con đường từ bỏ: Bỏ Trời xuống Đất, bỏ địa vị Thiên Chúa để làm con người, từ bỏ cuộc sống yên lành để đi vào cuộc đời phiêu lưu rao giảng Tin Mừng. Từ bỏ con đường rộng do ma quỷ xúi giục để đi vào con đường hẹp theo ý Chúa Cha.

13/ Lý do nào khiến Chúa Giesu lo sợ ? Khó khăn của từ bỏ là từ bỏ ý riêng, Chúa Giê-su đã toát mồ hôi  máu trong vườn cây dầu. Từ bỏ ý riêng để chết nhục nhã trần trụi trên thập giá, không còn hơi, không còn giọt máu, không còn chút danh dự nào!.

14/Thánh giá mà chúng ta phải mang vác ,làm bằng gì? Thánh giá phải vác theo Chúa không phải là loại thánh giá gỗ mà Chúa vác trên đường đi đến núi Sọ. Nhưng là cây thánh giá trải dài suốt cuộc sống của chúng ta. Các loại thánh giá đó là: Nghèo khổ, bị chống đối, bị hiểu lầm, bị bỏ rơi, bị phản bội, bị thách thức, bị oan ức, bị tủi nhục, bị cô đơn. Thánh giá quá nặng nên có nhiều lần Ngài muốn chối bỏ, nhưng cuối cùng Ngài cũng đã đi trọn con đường.

15/ Ý nghĩa của đướng thánh giá là gì ? Đường thánh giá không bế tắc ,nhưng đã dẫn đến vinh quang Phục Sinh.

16/ Con đường từ bỏ là gì? Con đường từ bỏ là con đường hạ mình, Phải qua sự chết mới vào sự sống, phải qua tủi nhục mới tới vinh quang, phải qua đau khổ mới tới bến bờ hạnh phúc. Thánh Phao muốn chứng minh điều này lên đã nói rằng : Ngài là Thiên Chúa nhưng không đòi ngang hàng với Thiên Chúa, Ngài hoàn toàn trút bỏ vinh quang để mặc lấy thân phận nô lệ. Từ bỏ là được cách sung mãn, được cách cao cả và hoàn hảo hơn. Mất cốt người để được cốt tiên Thánh, mất cái tạm bợ để được cái vĩnh cửu.

17/ Thánh Phanxixô đã nhận ra điều gì? Thánh Phanxixô đã nhận ra giá trị của đời sống vĩnh cửu , khiến Ngài phải thốt lên những lời trong kinh hòa bình.

18/ Tại sao Phe-ro lại quá nhiệt tình khi ngăn cản Chúa ? Chúa Giê-su gặp một cơn cám dỗ nguy hiểm, bởi vì nó đến từ tình thương của người thân, như Phê-rô.  Phê-rô đã không chấp nhận chuyện Thầy chịu đau khổ, Phê-rô đã vượt qua mặt Thầy, ông đã quên mất vị trí của ông là phải đi đàng sau của Thầy. Ông đâu có ngờ ông chính ông là viên đá mà suýt nữa thì Thầy mình đã vấp ngã. Lối suy nghĩ của ông rất tự nhiên, rất là tình cảm con người, nhưng đó không phải là đường lối của Thiên Chúa. Ông đã vẽ hình Chúa khi tỏ, khi mờ. Là một hình ảnh chập chờn, không rõ ràng. Chúng ta đừng vì thế mà nhìn lầm .**R

 

Giuse Luca / Trưởng Nhóm Kinh Thánh Emmaus


Trở lại      In      Số lần xem: 1875
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  11
 Hôm nay:  11012
 Hôm qua:  8431
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11437277
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top