Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu Tin Mừng CN 19 TN A / GIUSE LUCA

CHÚA NHẬT 19 TN A

Đề tài:   HỠI KẺ HÈN TIN, SAO LẠI HOÀI NGHI .

 

TUNG HÔ TIN MỪNG:  Tv 129,5

Halêluia. Halêluia. Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người. Halêluia.

PHÚC ÂM:  Mt 14,22-33

“Xin Ngài truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.”

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

22 Sau khi dân chúng được ăn no nê, Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. 23 Giải tán họ xong, Người lên núi riêng một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. 24 Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. 25 Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. 26 Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy !”, và sợ hãi la lên. 27 Đức Giê-su liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ !” 28 Ông Phê-rô liền thưa với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” 29 Đức Giê-su bảo ông : “Cứ đến !” Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su. 30 Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” 31 Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Hỡi kẻ kém lòng tin ! Sao lại hoài nghi?” 32 Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng. 33 Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa !”    Đó là lời Chúa.

Bài 1: VƯỢT QUA THỬ THÁCH

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

1/ Lỗi lầm của chú lính thủy thủ: Có một cậu bé đi biển để học nghề thủy thủ, một ngày nọ trời đang giông bão, người ta bảo cậu bé leo lên cột buồm, vừa leo lên một đoạn đầu thì thấy dễ dàng, nhưng đến lưng chừng cột thì cậu phạm phải sai lầm, đó là cậu nhìn xuống mặt nước biển đang dậy sóng ,thế là cậu bị chóng mặt như muốn ngã lộn đầu xuống. Thấy vậy, một thủy thủ già bèn la lên : Này cậu bé, hãy nhìn lên trời. Sau khi làm theo lời chỉ dẫn, cuối cùng cậu đã leo lên tới đỉnh cột buồm cách an toàn.

2/ Lỗi lầm của Phê-rô và cậu bé thủy thủ : Hai người có lỗi lầm giống hệt nhau như Thánh Phê-rô trong đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, cậu thủy thủ đã không chịu nhìn trời nhưng đã nhìn xuống mặt biển đang giông bão cũng như Phê-rô đã rời mắt Chúa và nhìn xuống những ngọn sóng.

3/ Lúc nào thì chúng ta cảm nghiệm có Chúa? Có những lúc trong cuộc đời chúng ta cảm nghiệm được sự hiển diện đầy quyền năng và tình yêu thương của Chúa, nhất là những lúc chúng ta được may mắn và sự thành công đang mỉm cười với chúng ta. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng sóng yên biển lặng, trái lại cuộc đời của chúng ta cũng có ngày đầy phong ba bão táp.

4/ Lúc nào thì chúng ta xa Chúa? Chính trong những giờ phút đen tối, chúng ta dễ dàng rời xa Chúa, chúng ta dễ dàng từ bỏ Ngài để đi tìm những tạo vật khác, để rồi bản thân chúng ta bị chao đảo, mất thăng bằng và chìm xuống.

5/ Đoạn Tin Mừng mời gọi chúng ta làm gì? Chúa muốn bảo chúng ta hãy thẳng thắn kiểm điểm lại đời sống của mình. Nếu lúc này chúng ta không tìm được sự bình an, niềm vui và hy vọng, thì chắc chắn chúng ta đang lìa xa Chúa. Nếu chúng ta đang chao đảo như muốn chìm xuống đáy nước, thì rõ ràng là chúng ta không còn tin tưởng, cậy trông, phó thác vào Chúa. Hãy mau quay về cùng Chúa và hãy kêu lên như Thánh Phê-rô:“Lạy Chúa xin cứu vớt con”.

6/ Thiên Chúa là Đấng nào? Ngài không chỉ là một Thiên Chúa quyền năng, có thể làm được những điều mà chúng ta van xin, mà còn hơn thế nữa: Ngài còn là người Cha đầy lòng xót thương, sẵn sàng cứu vớt, nâng đỡ chúng ta mọi nơi, mọi lúc. Nếu có Chúa cùng đi bên cạnh, chúng ta sẽ không phải sợ hãi.

7/ Lý do Chúa bỏ đi: Sau khi Chúa thấy dân chúng lạc lõng, lầm than, Chúa ra tay chữa bệnh và làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi năm nghìn người ăn uống no nê, Sau đó Chúa lại truyền cho các môn đệ chèo thuyền qua bờ bên kia còn Chúa thì lên núi cầu nguyện một mình. Tại sao Chúa lại có thái độ kỳ lạ? Tại sao Chúa bắt ép các môn đệ ra đi? Tại sao đang lúc dân chúng phấn khởi tinh thần, tại sao trong lúc uy tín Chúa đang dâng cao mà Ngài lại bỏ đi? Trong 4 Phúc Âm, Chỉ có mình Thánh Yoan nói rõ lý do : Chúa Yesus bỏ đi vì thấy dân chúng muốn tôn Ngài lên làm Vua (Yn6,14-15).

8/ Tại sao Chúa lại có một quyết định khác thường? Theo thói thường : Chúng ta sẽ khuyên Chúa Yesus lên ngôi làm Vua, rồi đi khắp nơi làm phép lạ, nuôi dân chúng ăn uống no nê, mọi người sẽ theo Chúa và chịu phép rửa tội. Sau đó cả thế giới sẽ thuộc về Chúa, khỏi mất công đi truyền giáo khổ cực. Thế nhưng đường của Chúa thì khác hẳn con đường chúng ta đi.

9/ Con đường của Chúa và con đường của ta: Con đường của ta là con đường kiêu ngạo, con đường của Chúa là con đường khiêm nhường. Ta luôn tìm cách nâng mình lên còn Thiên Chúa luôn tìm cách hạ mình xuống. Ta muốn xưng mình là Chúa, trong khi Chúa muốn xưng mình là người. Không chỉ là làm một người bình thường mà còn mặc lấy thân phận nghèo hèn, yếu ớt, thậm chí còn bị coi như là một người tội lỗi, một người tội phạm nữa.

10/ Cách sống đạo của chúng ta: Khi ta nâng mình lên là ta thường hạ người khác xuống, còn khi Thiên Chúa hạ mình xuống để nâng con người lên làm con Thiên Chúa.

11/ Có hai cách sử dụng bậc thang: Con người sử dụng bậc thang để leo lên cao, ai cũng muốn leo lên cao trong đời sống vật chất, ai cũng muốn leo lên cao trong địa vị xã hội, ai cũng muốn leo lên cao trong bậc thang danh vọng. Còn Thiên Chúa sử dụng bậc thang để đi xuống, từ trời Thiên Chúa xuống thế làm người. Thay vì làm người bình thường, Chúa còn muốn xuống làm một con người nghèo hèn, một người tội lỗi, một người thất bại, một tử tội.

12/ Cách chọn con đường: Ta thường chọn con đường rộng rãi, dễ dãi, còn Chúa chọn con đường chật hẹp, khó khăn. Ta luôn tìm sự dễ dãi, làm sao cho đời sống đỡ vất vả, làm sao cho đời sống tốt đẹp. Còn Thiên Chúa lại chọn con đường hẹp, bé nhỏ, khiêm nhường.

13/ Cách Thiên Chúa quảng cáo: Trong nghệ thuật quảng cáo, người ta hứa hẹn cho khách hàng mọi sự tiện nghi, thoải mái. Còn Chúa Yesus hứa với những kẻ muốn theo người rằng : “Ai muốn theo ta. Hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo ta” (Mt 16-24).

14/ Cách con người quảng cáo: Trong các trường Đại học, người ta quảng cáo : Ai học trường này sẽ mau chóng thành công, sẽ mau lên chức, sẽ sớm lên lương. Còn Chúa Yesus lại dạy các môn đệ : Trong anh em, ai lớn nhất thì sẽ nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ (Lc 22-26).

15/ Đường Chúa Yesus chọn đi: Chúa Yesus không chọn đi vào con đường rộng rãi, thênh thang, nhưng đã chọn con đường bé nhỏ, chật hẹp. Người không chọn cách cứu chuộc con người bằng những chiến công lừng lẫy, những phép lạ kinh thiên động địa, nhưng Chúa đã chọn cách cứu chuộc con người bằng con đường đau khổ, thập giá, tử nạn.****

Bài 2: CON ĐƯỜNG CHÚA ĐÃ CHỌN

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

16/ Chúa Yesus lo sợ điều gì? Đường của Chúa Yesus chọn không giống với con đường mà thế gian chọn, nên hôm nay Chúa sợ đám đông tôn Người lên làm Vua, làm như vậy là đi xa con đường khiêm nhường, bé nhỏ, nên Người đã bỏ đám đông mà đi. Chúa cũng sợ các môn đệ nhiễm thói khoe khoang, phô trương, quyền lực nên  đã thúc giục các ông xuống thuyền rời xa nơi đó.

17/ Cơn cám dỗ nào dành cho Chúa? Đây không phải là lần đầu tiên Chúa gặp loại cám dỗ này, trong sa mạc, ma quỷ cũng đã xúi giục người bỏ con đường khiêm nhường đau khổ để đi vào con đường vinh quang, dễ dãi. Đây cũng chưa phải là cơn cám dỗ cuối cùng, nó còn trở lại theo lời khuyên rút lui của Phê-rô khi ông đã ra sức ngăn cản Thầy đừng đi vào con đường chịu chết (Mt 16-23). Cơn cám dỗ khốc liệt trong vườn Giết-sê-ma-ni kiến Chúa nao núng muốn tháo lui (Mt 26,39). Cơn cám dỗ cũng chưa chịu buông tha khi Người đã bị treo trên thánh giá với lời thách thức của mọi người : “Nếu ông là con Thiên Chúa..” (Mt 27,42)

18/Từ lời thách thức dưới chân thánh giá rất đắng cay, nhưng Chúa đã chiến thắng tất cả những cám dỗ của ma quỷ. Ngài kiên quyết đi vào con đường Thánh ý Chúa Cha, đó là con đường khiêm nhường, vâng lời, hy sinh, đau khổ.

19/ Con đường nào Hội Thánh sẽ đi? Bản thân Hội Thánh, là thân thể mầu nhiệm của Chúa Yesus, nếu muốn trung thành với Chúa, không thể chọn con đường nào khác ngoài con đường Chúa đã đi qua. Lịch sử quá khứ đã chứng minh: Khi chọn giàu sang, quyền thế thì Hội Thánh sa sút, khủng hoảng. Trái lại, khi gặp nghèo khổ, bắt bớ, Hội Thánh lại càng phát triển mạnh mẽ vì đã đi vào đúng con đường của Chúa.

20/ Con đường nào người môn đệ phải đi? Chúa muốn nếu chúng ta là môn đệ thì phải mạnh dạn bước vào con đường khiêm nhường bé nhỏ, con đường từ bỏ mình, con đường khổ đau, thánh giá.Tuy nó khó đi nhưng đó mới là con đường dẫn chúng ta đến với ơn cứu độ.

21/ Tôi có làm gì khiến cho Chúa phải bỏ đi không? Chúa bỏ đi khi tôi không còn cần Ngài, không còn tin tưởng ở Ngài, không muốn cậy dựa vào Ngài mà chỉ muốn cậy dựa vào của cải. Chúa bỏ đi khi tôi chọn ý riêng của mình hơn là ý bề trên, ý của Chúa. Chúa bỏ đi khi tôi chọn danh vọng, quyền thế, của cải, vật chất.

22/ Tôi muốn khuôn mặt Chúa, khuôn mặt Hội Thánh phải thế nào? Tôi muốn khuôn mặt Chúa lòe loẹt, màu mè, không đúng với bản chất mộc mạc thô sơ của Chúa, tôi cũng muốn khuôn mặt Chúa sang trọng để những môn đệ của Chúa như tôi cũng được sang trọng, đi xe hơi, ở nhà lầu, ngồi phòng máy lạnh. Nếu ý muốn của tôi như thế thì đâu có đúng ý muốn của Chúa. Bởi Chúa luôn sống đơn sơ, thấp hèn, chỉ là dân bị gậy, sống không nhà, chết không có chỗ tựa đầu. Chính vì thế nên suốt hơn hai mươi thế kỷ qua, khuôn mặt của Chúa cũng chưa được vẽ rõ ràng, đây chính là kết quả mà rất nhiều người hiểu sai về Đạo Chúa ****

23/ Bối cảnh câu chuyện: Giữa lúc dân chúng định tôn Chúa Yesus lên làm Vua sau khi đã được ăn bánh no nê thì Ngài giải tán họ và Chúa buộc các môn đệ phải chèo thuyền qua bên kia bờ hồ. Sự yên lặng trở lại nơi hoang vắng, chỉ còn một mình Chúa Yesus cầu nguyện. Chúa Yesus chìm sâu trong lời cầu nguyện với Cha Ngài, nhưng Ngài không quên các môn đệ. Chúa biết họ đang phải vật lộn với sóng gió, nhưng Chúa lại muốn họ cần có chút kinh nghiệm này, mãi gần sáng Chúa mới đi trên mặt nước mà đến với họ. Các ông thấy Chúa đến lại tưởng là ma và kêu lên sợ hãi, Chúa Yesus đã trấn an họ : “Thầy đây, đừng sợ!”

24/ Phê-rô đã dấn thân như thế nào? Phê-rô đã dám liều khi đưa ra một lời đề nghị làm mọi người kinh ngạc, nhưng nếu không phải Thầy thì ông thật là dại dột. Nhưng nếu đúng là Thầy, thì ông tin rằng mình cũng có thể đi trên nước như Thầy mình, thật không thể tưởng tượng nổi : Mặt nước trở nên cứng như đá hay ngược lại => Con người có Đức Tin thì nhẹ hơn nước.

25/ Đức tin của Phê-rô ra sao? Phê-rô phải tin mới dám xin đi trên mặt nước, nhưng phải dám đi trên mặt nước thì mới là tin trọn vẹn. Nhìn bước chân Phê-rô thể hiện lòng tin mạnh mẽ, nhưng khi gió lồng lên dữ dội, thì nỗi sợ hãi lại ùa vào khiến cho lòng tin của Phê-rô bị chao đảo với sóng gió. Lúc đó Phê-rô cảm thấy như bị nhấm chìm xuống biển nên ông đã kịp kêu lên : “Thầy ơi! Cứu con!”

26/ Bàn tay Chúa đã nắm lấy tay ông và đưa ông lên thuyền: Khi nãy thì Đức Tin mạnh mẽ nhưng vì lòng ông hoài nghi nên sự sợ hãi đã kéo ông xuống khiến cho thân xác của ông trở nên nặng nề và biển dữ đã muốn nhận chìm ông.

27/ Biển là biểu trưng của sự dữ: Nhưng sức mạnh ấy lại nằm dưới quyền năng vô hạn của Thiên Chúa (Tv 88,9-11). Quyền năng vô song này được thể hiện nơi Đức Yesus khi Ngài ra tay dẹp yên biển động, hay khi Ngài đi trên mặt biển đang sóng gió mà đến với các môn đệ đang hoảng sợ.

28/ Bài học từ đoạn Tin Mừng: Biến cố đi trên mặt nước biển được nhấn mạnh : Muốn được an toàn, các môn đệ phải tin tưởng vào Thầy Yesus. Trong nhóm môn đệ thì Phê-rô được chú ý hơn cả, Phê-rô phải tin mạnh mẽ, mà còn phải duy trì niềm tin ấy, không được nao núng, không được ghi ngờ.

29/ Lòng tin của chúng ta là gì? Khi tin vào Thiên Chúa toàn năng và ơn cứu độ của Ngài, Đức Tin còn phải được rèn luyện bởi những khó khăn và thử thách mới có thể lớn mạnh và trưởng thành. Nếu Đức Tin chỉ đứng yên một chỗ, không phải đương đầu, đối chọi với sóng gió cuộc đời. Đức Tin đó sẽ luôn yếu mềm và ấu trĩ. Tin thì phải như Phê-rô, phải bước ngay vào khoảng không, phải nhảy ngay xuống nước. Niềm tin không thể tiêu diệt được sóng gió. Nhưng nếu có Chúa đứng đó, ngay trên mặt nước thì ông sẽ không ngần ngại nhảy xuống nước mà đến với Ngài .

CHÚ GIẢI

1/ Đoạn 14, câu 22 : Sau khi chứng kiến phép lạ hóa bánh ra nhiều, dân chúng muốn tôn Chúa Yesus lên làm Vua (Yn 6,14-15). Vì vậy Chúa truyền cho các môn đệ xuống thuyền đi sang bờ bên kia trước, theo Marcô đoạn 6, câu 45 thì họ đến Bet-sai-đa. Hải trình đi qua phía bắc Biển Hồ khoảng chừng 6km. Qua việc giải tán đám đông, Chúa Yesus  muốn tách các môn đệ ra khỏi đám đông để Người có thể chuyên tâm dạy dỗ các ông (Mt 14,13). Hơn nữa Chúa cần có chút riêng tư nên mới đến nơi này, suốt ngày bận bịu nên Chúa Yesus thường dạy dỗ các ông vào ban đêm.

2/ Đoạn 14, câu 23 : Không rõ lý do Chúa Yesus cầu nguyện trong trường hợp này, có lẽ người cầu nguyện cho đám đông và cho các môn đệ. Cũng có thể người cầu nguyện để Chúa Cha thêm sức mạnh để Chúa đủ sức chịu đựng các đau khổ sắp xảy đến!. Đó là điều thực tế nhất sau cái chết của Yoan tẩy giả, cũng có thể là Chúa cầu nguyện cho các môn đệ đang gặp sóng to gió lớn.

3/ Chiều đến trong câu này chỉ thời khắc thứ hai của buổi tối, có nghĩa là tối mịt khác với thời khắc thứ nhất từ 3 giờ đến 6 giờ => chập tối.

4/ Đoạn 14, câu 24 : Khi thuyền đi khoảng chừng 2 cây số (khoảng hơn 1 hải lý) /Hồ Galilê là hồ nước ngọt sâu nhất thế giới với đường chu vi 53km, bề dài 21km, rộng 13km, sâu 43m. Sâu hơn mực nước biển 209 mét vì nằm ở độ quá sâu nên những cơn gió cuốn từ núi đưa xuống rất dễ trở thành bão.

5/ Chúa Yesus quyết định không đến can thiệp ngay, bởi Chúa muốn dạy cho họ điều gì đó. Bão tố vẫn có thể ập đến trong đời người Ki-tô hữu, cho dù là họ đang vâng nghe lệnh Chúa (câu 22). Thế nhưng Chúa Yesus đã hứa rằng : Ngài luôn ở ngay bên cạnh để cứu giúp chúng ta qua cơn nguy khốn!

6/ Đoạn 14, câu 25 : Các môn đệ không thể đến với Chúa, nhưng Chúa thì vẫn có thể đến với họ, cho dù là có sóng to gió lớn. Lúc gần sáng, Chúa Yesus đi trên mặt biển như cách mà ông Gióp nói về Thiên Chúa trong Cựu Ước (Gióp 9,8) Cho dù là sức mạnh đáng sợ của thiên nhiên cũng không thể cản bước đi của Chúa.

7/ “ Canh tư đêm ấy” => Nói theo cách tính của người Roma, còn cách tính của người Do Thái thì ban đêm chia làm 3 thời khắc : Chập tối, nửa đêm và rạng sáng. Sau này họ du nhập cách tính của Roma : Chập tối từ 18g->21g, nửa đêm từ 21g-> nửa đêm, rạng sáng : từ nửa đêm -> 3giờ sáng, và trời sáng là : từ 3 giờ ->6 giờ (Mc13,35).

8/ Khi các môn đệ thấy Đức Yesus thì họ mới ra khỏi bờ chừng 3 hải lý, tuy đoạn đường ngắn nhưng vì gió bắc thổi mạnh nên kéo thuyền của họ xa về hướng Nam. Gió quá mạnh dù họ đã hết sức chèo chống khá vất vả nhưng điểm đến còn xa hơn lúc khởi hành, nên cuối cùng họ đã cập bờ Ghenêzarét cách Pharnaum khá xa về phía Nam (câu 34).

9/ Đoạn 14, câu 26 : Sự yên lặng của các môn đệ là do họ chưa đủ sức gắn bó với Đức Yesus. Họ không hiểu rằng Chúa Yesus có thể cứu họ thoát mọi hiểm nguy, có lẽ họ đang trông chờ một phép mầu nào đó, nhưng khi có phép lạ xảy đến thì họ hoảng hốt kêu la vì ngỡ rằng một bóng ma đang tiến về phía họ.

10/ Phản ứng lo âu, sợ hãi xem ra cũng thường tình đối với con người khi chứng kiến một hiện tượng siêu phàm bất ngờ và khó tưởng tượng. Trong trường hợp này không phải là ma quỷ nhưng là chính Thiên Chúa đến với họ, nhưng dù biết đó là Chúa thì họ vẫn cứ sợ.

11/ Những câu chuyện điển hình trong Cựu Ước : Điều đó đã xảy ra với ông Gia-cóp tại Bết-ên (St 28,17-19)/ Với ông Moisen trước bụi gai bốc cháy (Xh 3,6). Với dân Israel tại núi Sinai (Xh 20,18-20). Với ông Ghít-ôn (TL 6,22-23) và với nhiều người khác nữa.

12/ Đoạn 14, câu 27 : Hoàn cảnh khó khăn của các môn đệ là lý do để phép lạ xảy ra, Sự hoảng hốt la lên không phải lúc nào cũng là điều tệ hại nhất, nhiều khi điều đó chính là dịp để Thiên Chúa ra tay can thiệp.

13/ Câu nói của Đức Yesus : Cứ yên tâm, Thầy đây đừng sợ! Không đơn giản là chỉ để trấn an các môn đệ mà còn ẩn chứa một lời tuyên bố, một lệnh truyền đầy uy lực. Vì chúng ta nên hiểu rằng : Con Thiên Chúa luôn làm chủ mọi tình huống.

14/ Đoạn 14, câu 28 : Mặc dù Phê-rô muốn đến ngay với Đức Yesus, nhưng không vội vàng nhảy xuống nước. Ông biết mình không thể đi trên mặt nước, nhưng ông biết Chúa Yesus có quyền năng làm phép lạ, và ông biết ông có thể đi trên mặt nước nếu Đức Yesus cho phép. Vì vậy Phê-rô đã đợi Đức Yesus phán truyền.

15/ Đoạn 14, câu 29 : Cứ đến như một lệnh truyền của Đức Yesus, Đức Yesus không bao giờ từ chối những kẻ đến với Người bằng lòng tin. Hơn nữa, đây còn là bài học khác nữa : Họ đã xem thấy Chúa đi trên mặt nước, họ không lạ về chuyện đó. Vì họ biết Chúa có quyền năng vượt trên bão tố vậy thì lẽ nào người lại không vượt thắng lực hút của trái đất.

16/ Bài học : Khi các môn đệ khác thấy Phê-rô từ thuyền bước xuống nước, các môn đệ thấy rằng : Những gì Chúa làm thì các ông cũng có thể làm, chỉ cần họ gắn bó mật thiết với Chúa, tin tưởng người là Thiên Chúa và vâng nghe lời người ( Mt 17,20), (Mt 21,22)

17/ Nhiều tác giả cho rằng : Khi Phê-rô bước chân xuống nước thì biển đã lặng, điều này không hợp với bối cảnh toàn bộ câu chuyện. Vì lúc đó gió vẫn thổi mạnh và sóng đang dâng cao, mãi sau này gió mới lặng đi.

18/ Đoạn 14, câu 30 : Lẽ ra Phê-rô không bị chìm, bởi khi Phê-rô nhìn Chúa thì ông bước đi vững vàng trên mặt nước. Nhưng khi ông thấy mình sắp tới chỗ Đức Yesus thì ông đã rời mắt khỏi Ngài, bắt đầu nhìn sóng gió và những gì đang diễn ra trên biển theo kiểu con người. Cảm giác đứng trên ngọn sóng gió khác với việc đứng lên giữa lòng con thuyền. Ở đây Phê-rô khó lòng cùng lúc nhận ra được sức mạnh của sóng gió và sức mạnh của Chúa Yesus. Ông thấy mình bắt đầu chìm nên vô cùng hoảng sợ dù rằng chẳng có gì nguy hiểm ở đây bởi lẽ Đức Yesus đang hiện diện.

19/ Một khi tin tưởng và vâng lời Đức Yesus thì những kẻ tin có thể thực hiện phép lạ cũng như thố quyền năng trên thiên nhiên. Nhưng nếu nghi ngờ, sợ hãi, sẽ làm họ thất bại ngay. Tuy nhiên khi bắt đầu chìm, Phê-rô kêu cầu và ông đã được cứu.

20/ Một bài học : Lời cầu xin của ông vắn ngọn, nhưng thành tâm và hướng về Đức Yesus.  Bất cứ khi nào tín hữu cầu nguyện, Đức yesus sẽ lập tức đến bên cạnh và ra tay cứu giúp, như Ngài đã làm cho Phê-rô.

21/ Đoạn 14, câu 31 : Lòng trung tín của các môn đệ có thể dao động, nhưng Đức Ki-tô thì không, ngay lập tức Chúa Yesus đã đưa tay và nắm lấy tay ông. Trước tiên Chúa cứu ông, sau đó mới buông lời quở trách.

22/ Chữ Hoài ghi diễn tả một người đang đứng ở ngã ba đường, đang phân vân, đang chọn lựa, bất định, nghi ngờ. Chữ này được dùng để diễn tả kẻ kém lòng tin (Mt 6,30), (Mt 8,26), (Mt 16,8).

23/ Đoạn 14, câu 32 : Gió lặng : Nói lên sức mạnh và quyền năng của Chúa Yesus, Đức Yesus đã biểu lộ tình yêu và lòng từ ái dành cho các môn đệ qua việc đến với họ, xóa tan nỗi sợ hãi và dạy họ phải vững tin vào Ngài.

24/ Đoạn 14, câu 33 : Dù các môn đệ chẳng mấy động tâm khi chứng kiến phép lạ Chúa hóa bánh ra nhiều nuôi 5000 người ăn no. Nhưng giờ đây họ lại tuyên xưng niềm tin : Ngài thật là con Thiên Chúa (Mt 3,17), (Mt 4,3-6), (Mt 8,29).

Trong đoạn Tin Mừng này : Động lực khiến các môn đệ tuyên xưng : Ngài là Con Thiên Chúa, là do họ vừa chứng kiến một hiện tượng siêu nhiên, rồi sau đó họ mới nhận ra Người là Đức Ki-tô. Trái ngược với đoạn Tin Mừng (Mt 16,16) họ tuyên xưng trước.

25/ Dù sao lời tuyên xưng cũng là lời tán dương, cũng là một lời xác định vượt xa lúc trước. Là lúc Chúa Yesus dẹp yên bão tố và các môn đệ đã ngạc nhiên và nói : Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh (Mt 8,27).

26/ Chữ Đích thực có nghĩa là : Đây là một từ ngữ quan trọng cho thấy giờ đây các môn đệ đã nhận thức đầy đủ khi xác nhận Đức Yesus là Con Thiên Chúa, đó là một bước tiến lớn trong sự hướng dẫn đúng đắn của Đức Yesus. Họ đã tiến bộ trong nhận thức nhờ đã được ở với Người khá lâu.

27/ Nẻo đường tâm linh của chúng ta cũng sẽ thăng tiến khi chúng ta gắn bó với Đức Yesus ngày càng tốt hơn, bền chặt hơn, tín thác hơn.****

TÓM Ý

1/ Lỗi lầm của anh lính thủy trẻ và ông Phê-rô là không chịu nhìn lên trời, không chịu nhìn vào khuôn mặt Chúa nên mới bị sóng biển dọa nạt.

2/ Thông thường, chúng ta chỉ cảm nghiệm có Chúa khi cuộc đời chúng ta được may mắn, thành công, được xuôi chèo mát mái và cảm thấy xa cách Chúa khi cuộc đời đầy phong ba bão táp, trái ý, khổ đau.

3/ Lúc ta dễ dàng rời xa Chúa chính là lúc đen tối trong cuộc đời, chúng ta dễ dàng từ bỏ Chúa để đi tìm an ủi nơi các tạo vật khác.

4/ Đoạn Tin Mừng Chúa mời gọi chúng ta kiểm điểm lại đời sống của mình, nếu lúc này chúng ta không tìm được sự bình an, niềm vui, niềm hy vọng thì chắc chắn chúng ta đang lìa xa Chúa. Nếu chúng ta đang chao đảo, thì rõ ràng chúng ta không tin tưởng cậy trông. Hãy mau quay về cầu cứu với Chúa như Phê-rô.

5/ Thiên Chúa là Đấng quyền năng, đầy lòng thương xót, sẵn sàng ra tay cứu vớt nếu chúng ta tin tưởng kêu cầu Ngài, có Chúa ở cạnh chúng ta sẽ không phải sợ hãi.

6/ Lý do Chúa bỏ đi => Tuy Chúa thương vì dân chúng lầm than vất vả, nhưng khi thấy họ tỏ ý định muốn tôn Chúa làm Vua thì Ngài không muốn. Bởi cứu độ nhân loại bằng quyền năng rõ ràng là không phải ý muốn của Thiên Chúa Cha, hơn nữa ý Chúa muốn dạy các môn đệ Ngài sẽ cứu độ nhân loại bằng con đường đơn sơ, nghèo khó, khổ đau.

7/ Làm một Đấng Messia quyền năng thì rõ ràng là rất thuận lợi về mặt thế gian, vì Chúa sẽ không khó nhọc khi phải đi rao giảng nước Thiên Chúa. Thế nhưng con đường Chúa chọn sẽ khác hẳn con đường thế gian muốn.

8/ Con đường của ta => Kiêu ngạo// con đường của Chúa => Khiêm nhường. Ta tìm cách nâng mình lên, còn Chúa Yesus thì hạ mình xuống, ta muốn xưng mình là Chúa, còn Chúa muốn hạ mình làm người. Một con người thấp hèn, một tên tử tội.

9/ Khi ta nâng mình lên là ta hạ người khác xuống, còn Thiên Chúa hạ mình xuống là để nâng chúng ta lên, nâng lên làm con Thiên Chúa.

10/ Con người dùng bậc thang để leo lên cao, cao vật chất, cao địa vị, cao danh vọng. Còn Chúa Yesus dùng bậc thang để đi xuống, Thiên Chúa xuống thế làm người. Thay vì làm người bình thường, Chúa lại làm con người nghèo hèn, tội lỗi, thất bại, một tử tội.

11/ Cách chọn con đường : Ta chọn con đường rộng rãi, dễ dãi, còn Chúa chọn con đường hẹp, khó khăn. Ta chọn con đường dễ, Chúa chọn con đường khó, nhỏ bé, khiêm nhường.

12/ Trong nghệ thuật quảng cáo, người ta hứa hẹn cho khách hàng mọi sự tiện ghi, thoải mái, còn Chúa Yesus lại hứa với các môn đệ rằng : Ai muốn theo ta, hãy từ bỏ mình vác thánh giá mình mà theo ta.

13/ Các trường học thì quảng cáo: Ai học trường này sẽ mau chóng thăng quan tiến chức, thành công, còn Chúa Yesus hứa với các môn đệ : Trong anh em, ai muốn làm lớn hãy trở nên bé nhỏ. Ai muốn làm đầu thì phải làm tôi, phải trở nên người phục vụ.

14/ Chúa không chọn đường rộng rãi thênh thang, nhưng lại chọn con đường bé nhỏ, chật hẹp. Chúa không chọn cách cứu chuộc bằng chiến công lừng lẫy, những phép lạ kinh thiên động địa, nhưng là chọn con đường đau khổ, thập giá.

15/ Hôm nay, Chúa lo sợ con đường mà thế gian chọn cho Ngài, bởi con đường đó sẽ sai ý muốn của Chúa Cha, Chúa bỏ đám đông mà đi bởi sợ các môn đệ lây nhiễm thói khoe khoang, phô trương ,ham chuộng quyền thế.

16/ Đã có quá nhiều lần cám dỗ đến với Chúa : Cám dỗ Chúa trong sa mạc sau 40  ngày chay, cám dỗ khi dân chúng muốn tôn Chúa làm Vua sau phép lạ hóa bánh, cám dỗ khi Phê-rô ngăn cản Chúa đừng lên Yerusalem, cám dỗ Chúa trong vườn cây dầu, cám dỗ Chúa lúc bị treo trên thánh giá …(Lời thách thức).

17/ Chúa cảm thấy quá đắng cay khi nghe lời quân dữ thách thức dưới chân thánh giá. Chúa đã chiến thắng cám dỗ bằng cách kiên quyết chọn con đường khiêm nhường ,vâng lời.

18/ Hội Thánh cũng phải đi theo con đường của Chúa, khi đi theo vật chất thì Giáo hội sa sút, khi chọn nghèo khó, bắt bớ, tù đày thì Giáo Hội càng phát triển mạnh mẽ.

19/ Môn đệ phải bước vào con đường khiêm nhường bé nhỏ, con đường từ bỏ, con đường thánh giá- Tuy khó nhưng nó dẫn chúng ta đến nguồn ơn cứu độ.

20/ Chúa đã bỏ đi khi tôi không còn cần Ngài, không còn tin tưởng ở Ngài. Không muốn cậy dựa vào Ngài mà chỉ muốn cậy dựa vào của cải, chỉ muốn chọn ý riêng mình hơn ý Đấng bề trên. Chúa bỏ tôi khi tôi tôn thờ danh vọng quyền thế, của cải vật chất.

21/ Chúng ta vẽ khuôn mặt Chúa lòe loẹt, màu mè, không giống với bản chất mộc mạc. Chúng ta muốn vẽ Chúa sang trọng, để chúng ta cũng được sang trọng, đi xe hơi, ở nhà lầu máy lạnh như Chúa. Nếu vậy thì ý của chúng ta đâu có giống với ý Chúa? Bởi Chúa thấp hèn, bị gậy, còn chúng ta thì ham giàu sang phú quý.

22/ Nhờ Đức Tin mạnh mà Phê-rô có thể đi trên mặt nước. Nhờ tin mạnh mà con người Phê-rô nhẹ hơn nước, Phê-rô phải có Đức Tin mạnh mới dám xin đi trên mặt nước, như thế mới là tin trọn vẹn.

23/ Phê-rô thể hiện niềm tin khi nhìn vào Chúa, Phê-rô mất niềm tin khi nhìn vào sự chao đảo của sóng gió, suýt nữa Phê-rô bị nhấn chìm, may mà ông kêu Chúa kịp lúc.

24/ Khi Đức Tin mạnh thì ông bước đi trên mặt nước, khi lòng ông hoài ghi thì sóng biển nhấn chìm ông xuống.

25/ Biển là biểu tượng của sự dữ, nhưng sức mạnh ấy lại nằm dưới quyền năng vô hạn của Thiên Chúa. Quyền năng Thiên Chúa được thể hiện qua việc làm của Đức Ki-tô khi Ngài ra tay dẹp yên biển động, khi Ngài đi trên mặt biển.

26/ Bài học : Muốn được bình an, các môn đệ phải tin tưởng vào Đức Yesus . Trong nhóm môn đệ, Phê-rô được chú ý hơn cả, ông phải có đức Tin mạnh mẽ và còn phải duy trì đức Tin cho anh em => Đó là không được nao núng, không được ghi ngờ.

27/ Lòng tin của chúng ta là tin vào Thiên Chúa quyền năng và là Đấng ban ơn cứu độ. Nhưng đức tin phải được rèn luyện bởi những khó khăn thử thách, qua các sóng gió của cuộc đời. Đức tin không thể đứng yên một chỗ, nhưng phải đối chọi. Tin phải như Phê-rô, dám bước chân vào khoảng không, dám nhảy xuống nước. Niềm tin không thể tiêu diệt được sóng gió, nhưng nếu thấy Chúa, phải nhảy ngay xướng nước mà đến với Ngài như Phê-rô.***

GD-BX/ Giuse Luca / Kinh Thánh Emmaus

 

=> XEM THÊM CÁC BÀI CHIA SẺ CN 19 THƯỜNG NIÊN A:

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1747
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  10
 Hôm nay:  3831
 Hôm qua:  13063
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11443159
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top