Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu Tin Mừng CN 25 Thường Niên A / Giuse Luca

CHÚA NHẬT  25  TN  A  

ĐỀ TÀI: DỤ NGÔN THỢ LÀM VƯỜN NHO

 

TUNG HÔ TIN MỪNG:  x. Cv 16,14b

Halêluia. Halêluia. Lạy Chúa, xin mở lòng chúng con, để chúng con lắng nghe lời của Con Chúa. Halêluia.

PHÚC ÂM:  Mt 20,1-16a

“Phải chăng vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?”

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu:

1 Khi ấy, Đức Giê-su kể cho các môn đệ nghe dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chuyện chủ nhà kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. 2 Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. 3 Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. 4 Ông cũng bảo họ: ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.’ 5 Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. 6 Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: ‘Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?’ 7 Họ đáp: ‘Vì không ai mướn chúng tôi.’ Ông bảo họ: ‘Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!’ 8 Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: ‘Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.’ 9 Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. 10 Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. 11 Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn chủ nhà: 12 ‘Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.’ 13 Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: ‘Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? 14 Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. 15 Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?’ 16a Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.”

Đó là lời Chúa.

Bài 1: ÔNG CHỦ RỘNG LƯỢNG

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

1/ Chúa Yesus thường dùng những câu chuyện đời thường để làm gì? Chúa Yesus thường dùng những sự kiện cụ thể xảy ra hằng ngày để xây dựng thành những đề tài giáo huấn dân chúng. Như sự kiện hôm nay là mùa nho đã tới, cần phải thuê thợ hái cho mau, nào là những người thất nghiệp không có công ăn việc làm, nào là số tiền lương công nhật một đồng tương xứng với mức lương tại thời điểm hiện tại.

2/ Ý Chúa Yesus muốn dạy điều gì qua dụ ngôn? Chúa Yesus đã kể lại một câu chuyện dụ ngôn và qua sự việc này Chúa muốn chúng ta hiểu rằng: “Thiên Chúa không giống với những ông chủ trên trái đất này, họ có bổn phận phải giữ sự công bằng cho đám thợ. Còn Thiên Chúa, Ngài không có bổn phận như thế vì Ngài đứng bên ngoài công việc của loài người. Bởi vì loài người thường gây bất công với nhau nên cần phải có điều luật để giới hạn sự bất công đó. Loài người thường mắc nợ nhau nên cần áp dụng luật công bằng.

3/ Vì sao phải giữ sự công bằng? Nếu ai đó cố gắng làm việc trong một ngày, thì anh ta sẽ có tiền công tương xứng với một ngày không hơn không kém. Đồng thời với sức cố gắng của một giờ, theo lẽ công bằng của loài người ,sẽ trả tiền công cân xứng của một giờ, không hơn không kém.

4/ Có điều nào cao trọng hơn luật công bằng? Muốn đi xa hơn lẽ công bằng, chúng ta sẽ gặp được lòng nhân từ. Lòng nhân từ thì không có giới hạn nào khác hơn là khả năng rộng lượng ban phát, Thiên Chúa là Đấng nhân từ vô cùng, khả năng của Ngài là vô biên cho nên lòng nhân từ vượt xa hơn lẽ công bằng. Lòng nhân từ của Thiên Chúa còn đi xa hơn những điều mà loài người đáng được hưởng.

5/ Dụ ngôn nhắc nhở chúng ta điều gì? Dụ ngôn nhắc chúng ta đừng dùng những cách suy nghĩ của loài người để dự đoán về Thiên Chúa, nhất là trong thời buổi nhiễu nhương hiện nay. Người ta đang muốn kéo ghì Phúc âm xuống ngay hàng với cách suy nghĩ của loài người. Sứ điệp tin mừng mà Chúa Yesus rao giảng là tình yêu, là lòng nhân từ, mà khía cạnh quan trọng nhất của nó là sự tự do. Trong khi sự công bằng thì luôn bị ràng buộc bởi bổn phận và những gì chúng ta đang mắc nợ kẻ khác.

6/ Luật nào ràng buộc được lòng nhân từ và tình yêu? Tình yêu và lòng nhân từ thì không bị ràng buộc bởi những gì đã giao kết. Đó là ban phát mà không cần đáp trả, một sự ban phát nhưng không, chỉ cần chúng ta biết mở lòng ra đón nhận, sứ điệp hôm nay đã làm xáo trộn cách thức suy nghĩ và nếp sống quá quen thuộc của con người.

7/ Vì sao dụ ngôn lại làm cho người biệt phái ngạc nhiên? Khi nghe Chúa nói điều này, họ đã quá sửng sốt. Vì ý dụ ngôn muốn đặt con người ngoại giáo, như là những kẻ đến sau, được ngang hàng với con cái Israel, là dân Chúa chọn, ở trong Nước Trời.

8/ Chúng ta có ngạc nhiên về dụ ngôn này không? Dụ ngôn này cũng làm cho chính chúng ta phải ngạc nhiên, vì chúng ta cũng có khuynh hướng tự ban phát cho mình những công nghiệp, quyền lợi và nhiều đòi hỏi khác. Chúng ta hãy khiêm tốn đặt mình dưới sự cai quản của lòng nhân từ Thiên Chúa, và hãy xin Chúa ban cho chúng ta cũng như ban cho những anh em ngoại giáo, không phải những gì tương xứng với sự công bằng, mà còn là những gì do lòng nhân từ mà Thiên Chúa muốn đưa  ra.

9/ Chúa Yesus muốn đưa ra cho chúng ta bài học nào? Trước hết, Chúa muốn chúng ta biết rằng : Đám thợ được thuê trước chính là bọn biệt phái, luật sĩ, còn những người vào làm sau là những kẻ tội lỗi vào thời Chúa Yesus. Họ đã nghe lời Chúa, đã tin và đã sám hối ăn  năn ,đã trở lại với Thiên Chúa .

10/ Thái độ của biệt phái đã phản ứng như thế nào? Họ giận dữ vì thấy những kẻ có tội, sau khi sám hối đã được vào Nước Trời và cũng lãnh nhận phần thưởng y như họ. Thái độ đó cũng giống như có ai đó lên tiếng chỉ trích Chúa, cụ thể là vì Chúa đã tha thứ cho tên trộm lành trên thập giá vào những giây phút cuối đời :” Hôm nay anh sẽ được lên Thiên Đàng với ta “.

11/ Thái độ của chúng ta như thế nào?  Nhìn từ thái độ của bọn biệt phái, chúng ta nhận thấy rất nhiều lần chúng  ta cũng đã cư xử với những người chung quanh giống như họ. Chúng ta cảm thấy tức tối khi người khác giàu hơn chúng ta, đẹp hơn chúng ta, giỏi hơn chúng ta, gặp may mắn hơn chúng ta, chúng ta sinh ra ghen tị với họ.

12/ Chúng ta mắc phải sai lầm nào? Khi cư xử như thế, chúng ta đã phạm phải một sai lầm lớn là: Đã xét đoán người khác theo tiêu chuẩn thế gian chứ không theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Thánh Phao-lô đã diễn tả điều này như sau: Thiên Chúa đã cố ý chọn những gì mà thế gian cho là vô nghĩa, để làm bẽ mặt đám người thông thái. Ngài cũng đã chọn những gì mà thế gian cho là yếu nhược, để khiến đám thế lực phải hổ thẹn. Chúa đã chọn điều thiện mà họ chê bai, khinh bỉ, để tiêu hủy những gì mà họ cho là quan trọng.

13/ Chúng ta biết gì về đường lối của Chúa? Trong bàn tay của Thiên Chúa thì dù mỏng manh như chiếc màng nhện, cũng có thể trở nên một bức tường thành vững chắc, an toàn, bảo đảm cho chúng ta nương thân, ẩn náu. Như thế đoạn Tin Mừng mời gọi chúng ta đừng so sánh mình với kẻ khác, mà hãy chấp nhận những gì mình có.

14/ Sức mạnh của Thiên Chúa nằm ở đâu? Mỗi người hãy nên suy xét về những điều mình làm. Nếu là tốt thì có thể hãnh diện, nhưng đừng so sánh với điều người khác làm, điều quan trọng không phải là thiên hạ nghĩ gì về mình hoặc chúng ta đã làm được gì trong vườn nho của Thiên Chúa. Nhưng điều quan trọng là Thiên Chúa đã nghĩ gì về chúng ta, mà nhất là tình yêu chúng ta dành cho Chúa được bao nhiêu.****

 

Bài 2: LÝ LẼ CỦA CON TIM

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài Tin Mừng:

15/ Những việc làm nào sẽ có giá trị trước mặt Chúa? Mỗi người cần suy xét về cách cư xử của mình. Nếu là điều tốt thì nên hãnh diện, nhưng đừng đem so sánh với điều người khác làm. Chúa bảo chúng ta đừng nên đem so sánh nhưng hãy chấp nhận hiện trạng mình đang có. Điều quan trọng không phải thiên hạ sẽ nghĩ gì về mình, hoặc chúng ta đã làm được gì trong vườn nho của Chúa. Nhưng điều quan trọng là Thiên Chúa đang nghĩ gì về chúng ta.

16/ Khi ban thưởng các ân huệ, Chúa có công bằng không? Nhiều người khi nghe dụ ngôn này, đều muốn đưa ra thắc mắc : Chúa có công bằng không khi  ban thưởng cho người làm ít cũng bằng với người làm nhiều? Chúng ta nên hiểu rằng: Ở đây chỉ là dụ ngôn, không phải là câu chuyện thật. Nhưng chỉ là hình ảnh dùng để giải nghĩa giáo lý của Chúa nên Chúa không có ý dạy về những kiến thức trần gian, nhưng Chúa chỉ muốn nói về chân lý  Nước Trời.

17/ Bài học thứ nhất của dụ ngôn: Khi phân tích về người thợ làm vườn nho ở giờ thứ mười một: Chúa yêu thương hết mọi người và mong muốn mọi người được ơn cứu độ. Vườn nho là Nước Chúa, Ông chủ vườn nho là Thiên Chúa, người được thuê là người được mời gọi. Ông chủ ngày ra mướn người nhiều lần là hình ảnh một ông chủ đầy lòng yêu thương.

18/ Ai đi tìm ai? Không phải ta đi tìm Chúa nhưng chính Chúa đi tìm ta, không phải đi tìm một lần mà đi tìm suốt ngày, từ giờ này sang giờ nọ.

19/ Những ai là người kém may mắn? Những người được thuê vào buổi sáng tượng trưng cho những người có số may mắn, có khả năng hơn người khác. Còn những người được thuê vào cuối ngày tượng trưng  cho những người kém may mắn, kém khả năng, luôn bị thiệt thòi trong xã hội.

20/ Thiên Chúa muốn tỏ bày điều gì? Việc Chúa thuê hết mọi người từ sáng sớm đến chiều tà, từ người sang kẻ hèn, từ người giỏi đến người kém, từ người khỏe mạnh đến kẻ yếu kém, tất cả chỉ để nói lên lòng Chúa yêu thương mọi người. Chúa muốn mời hết mọi người, mong muốn cho mọi người được ơn cứu độ, cùng được hưởng hạnh phúc với Chúa.

21/ Bài học thứ hai của dụ ngôn: Nếu Chúa không kêu gọi thì không ai có thể vào được vườn nho của Chúa, được vào Nước Chúa. Nếu Chúa không ban, thì không ai có thể tự mình chiếm được Nước Trời. Việc Chúa ban thưởng cho những người được thuê mướn cuối cùng trước những người được thuê mướn đầu tiên làm nổi bật chân lý này là : Nước Trời là ân huệ Chúa ban, phát xuất từ tình thương chứ không do công đức của riêng ai. Vì thế nên đừng ai có quyền đòi hỏi hơn nữa, ân huệ này Chúa ban vượt quá lòng mong ước của mỗi người / khi hiểu được điều này, chúng ta phải hết lòng tạ ơn Chúa.

22/ Bài học thứ ba là gì? Chúa yêu thương và luôn mong chúng ta cũng yêu Chúa. Những người thợ làm sáng sớm không có gì để kêu trách về tiền lương vì họ đã được thỏa thuận từ trước, họ chỉ kêu trách vì thấy người làm ít cũng được như mình. Họ kêu trách lòng nhân từ của Chúa mà thôi .

23/ Chúa muốn dạy chúng ta điều gì ? Chúa đã giải thích rõ điểm vô lý đó : Tại sao kêu trách vì tôi tốt bụng. Phần mình đã được lãnh rồi, tại sao không vui mừng vì những anh em thua sút kém may mắn đó cũng được lãnh ân huệ vào phút chót. Qua điều này, Chúa muốn dạy chúng ta : Hãy biết yêu thương những người có số phận kém cỏi, nghèo hèn.

24/ Muốn cho cuộc đời tươi đẹp, lý tưởng chúng ta cần làm gì ? Muốn cho xã hội luôn tốt đẹp, chúng ta phải biết giúp đỡ những người bé nhỏ, xã hội chỉ thật sự văn minh khi mọi người luôn biết quan tâm đến nhau, biết dìu dắt nâng đỡ những người kém may mắn.

25/ Làm sao có thể xóa bớt những ngăn cách do bất công mang lại ? Nếu ai cũng chỉ nghĩ đến bản thân mình, chúng ta chỉ thấy đời toàn những bất công. Nếu ai cũng biết nghĩ đến người khác, chúng ta sẽ thấy cuộc đời rất tươi đẹp, vì nó chan chứa tình người.

26/ Điều khác biệt giữa Thiên Chúa và con người : Qua dụ ngôn này, ta thấy tư tưởng của Chúa khác hẳn với tư tưởng của con người. Cách cư xử của Nước Trời khác hẳn cách cư xử của trần gian. Lý luận của Chúa khác hẳn lý luận của người đời, đó là không tìm lợi lộc cho bản thân nhưng chỉ lo tìm hạnh phúc cho người khác, không khinh bần trọng phú, nhưng luôn yêu thương giúp đỡ những người kém may mắn, bị bỏ rơi trong xã hội. Không dùng lý lẽ của lý trí, nhưng dùng lý lẽ của con tim. Một con tim yêu thương luôn mong đem lại hạnh phúc cho mọi người.

27/ Làm sao để nước Chúa mau lan rộng ? Chúa mong con cái Chúa cũng có tư tưởng như Chúa, cư xử như Chúa và yêu thương như Chúa. Như thế mới có thể làm cho Nước Chúa mau lan rộng khắp nơi.

28/ Chúng ta đã tìm thấy điều gì khi đi so sánh với các vị Thánh lớn ? Không có lý do nào để chúng ta nghĩ rằng : Chúng ta là những người đã làm việc lâu giờ và nhiệt thành cho Chúa mà chúng ta lại tự giới thiệu mình như những người làm việc ở giờ thứ nhất, Thật sự chúng ta đã làm gì cho Chúa nếu chúng ta đem so sánh mình với các vị Thánh lớn trong suốt nhiều thế kỷ qua và như vậy chúng ta không có gì để phàn nàn về dụ ngôn này nữa.

29/ Hôm nay Thiên Chúa đã biểu lộ lòng quảng đại ở đâu ? Sự quảng đại của Thiên Chúa được biểu lộ qua suốt phụng vụ hy tế Thánh thể, Người nuôi dưỡng chúng ta bằng thịt và máu Ngài. Chúng ta luôn thú nhận sự bất xứng của mình ‘Lạy Chúa, con chẳng xứng đáng Chúa ngự vào nhà con’ . Những vị Thánh cao cả nhất cũng không hề xứng đáng với phép Thánh Thể, các Ngài còn không được hưởng dồi dào bí tích ấy như chúng ta, sau khi thú nhận sự bất xứng, Chúa Yesus lại mời chúng ta lãnh nhận mình máu Ngài trong Đức Tin.****

 

Bài 3: CHÚ GIẢI

Chia sẻ cho nhau kinh nghiệm sống tin mừng:

1/ Đoạn 20 câu 1: Dụ ngôn mà Chúa Yesus đang kể ở đây, ý tưởng được gắn liền với những câu ở chương 19. Lời thắc mắc của Phê-rô đã được giải đáp (Mt 19,28-30). Giờ thì Chúa Yesus còn giải đáp tỉ mỉ hơn (Mt 20,1-16). Dụ ngôn nhấn mạnh đến phần thưởng cụ thể của việc phục vụ, được nói về phần thưởng tối hậu là sự sống đời đời, là phần thưởng ân sủng.

2/ Chúng ta có thể đối chiếu dụ ngôn này với dụ ngôn “Người con hoang đàng” (Lc 15, 11-32) và dụ ngôn “Người Pharisêu và người thu thuế” (Lc 18, 9-14). Qua 3 dụ ngôn này, Chúa Yesus muốn minh giải thái độ của Ngài bằng cách trình bày cách hành xử của Thiên Chúa qua 3 tình huống nêu trên, và như thế qua kết cuộc của 3 câu chuyện đều chứng minh rằng: “Chúa Yesus là hiện thân của Thiên Chúa”

3/ Hình ảnh Nước Trời qua dụ ngôn này khiến người ta liên tưởng đến mùa thu hoạch nho kéo dài từ cuối tháng chín đến đầu mùa mưa. Nếu thu hoạch không đúng kỳ hạn thì có nguy cơ mất trắng. Vì vậy các chủ vườn nho gấp rút từ hừng đông đến chiều tà, có nghĩa là làm 12 giờ đồng hồ mỗi ngày (Yn 11,9).

4/ Dụ ngôn cho thấy: Đối với Thiên Chúa thì mùa gặt của Tin Mừng rất cấp bách hơn ai hết, Chúa biết rằng : Chẳng còn mấy thời gian dành cho các kẻ lầm lạc nên các môn đệ của Ngài cần phải làm gấp rút khi thời gian hãy còn.

5/ Đoạn 20 câu 2: Một Đê na-Rius, là đơn vị tiền tệ của Roma thì tương đương với một Đờ rát mê của người Hy Lạp hay một Sêken rưỡi của người Do Thái. Thông thường, đó là khoản tiền được trả cho một ngày công của lính tráng và người lao động (Tb 5,15) (thủ bản)

6/ Thời các hoàng đế Roma cai trị, trên đồng Đê na-rius có khắc hình và danh hiệu của đương kim Hoàng đế (Mt 22,19-21) về tỷ giá đồng Đê na-rius thì cứ 4 đồng có thể mua được một con chiên, nét nổi bật trong dụ ngôn là chỉ có nhóm thợ đầu tiên mới mặc cả tiền công trước khi vào làm. Còn không thấy có thỏa thuận nào giữa chủ vườn nho và đám công vào làm sau. Điều này nói lên rằng : Chỉ có nhóm thợ đầu tiên có bận tâm về chuyện lương bổng của mình, còn nhóm sau thì không.

7/ Đoạn 20 câu 3: Giờ thứ 3 vào khoảng 8,9 giờ sáng, chợ lao động thường nhóm họp ở gần cổng thành, những người này ở không vì chưa có việc chứ không phải do họ làm biếng. Họ đang ở tư thế chờ người đến thuê.

8/ Đoạn 20 câu 4: Trình thuật không cho biết ông chủ có đặt vấn đề tiền công với những người làm thuê này không, xem ra họ sẵn lòng làm bất cứ việc gì mà họ kiếm được, cũng có thể là họ nhận ra ông chủ này là người đáng tin và ngay thẳng. Có lẽ họ cũng nhận ra rằng: Họ sẽ không nhận được tiền công trọn ngày, xem ra đây là một thỏa thuận ngầm, hợp lý, hợp tình.

9/ Đoạn 20 câu 5 và 6: Giờ thứ sáu vào khoảng 11 giờ- đến giữa ngọ/ giờ thứ chín khoảng từ 2-3 giờ chiều, giờ thứ mười một khoảng 4-5 giờ chiều. Nếu như một ngày làm việc có 12 giờ thì người cuối cùng chỉ làm việc có 1 giờ. Điều đáng ngạc nhiên là đến cuối ngày rồi mà ông chủ vẫn cứ thuê người làm. Điều này chứng tỏ tính cấp bách của công việc, mùa màng phải được thu hoạch trước khi màn đêm buông xuống. Nếu như ông chủ không tìm gặp họ thì kể như hôm đó họ thất nghiệp.

10/ Bài học ở đoạn này dạy gì? Việc mô tả ông chủ đi ra chợ lao động mấy lần để tìm người ,cho thấy Thiên Chúa đang có một công trình lớn lao, một mùa bội thu mà thợ thì quá ít (Mt 9,37-38)/(Yn 4, 35-36)/ Người có chỗ làm, có công việc có kế hoạch cho những ai muốn đáp lại lời mời gọi.

11/ Những thành phần được mời gọi: Có những kẻ cần phải chuẩn bị kỹ, có những kẻ e ngại khi phải dấn thân, còn kẻ khác lại thấy mình vô dụng. Nhưng Thiên Chúa vẫn luôn tìm kiếm và Người có thể tận dụng bất cứ ai, ngay cả những kẻ mà không ai thèm đoái hoài tới.

12/ Ông chủ đặc biệt lưu tâm đến ai nhất? Những người mà ông vừa tìm được họ ở giờ thứ mười một. Ông hỏi họ tại sao cứ đứng đây suốt ngày mà không làm gì hết. Ông cũng ngạc nhiên tự hỏi vì sao họ không hề biết đến lời mời gọi của ông trước đó. Nhưng ông vẫn quan tâm đến họ vì họ chẳng còn hy vọng kiếm được việc làm. Nói trắng ra: Tình cảnh của họ thật vô vọng vì ngày sắp tàn.

13/ Đoạn 20 câu 7: Câu trả lời cho thấy thất nghiệp là tình trạng chung của ngày hôm đó. Không thể nói rằng họ lười biếng vì có lẽ họ đã đứng ở chợ cả ngày với hy vọng sẽ có người thuê họ, nhưng không hiểu sao họ lại chẳng được ai quan tâm.

14/ Cách xử sự của ông chủ: Ông chủ hứa với những người thợ làm giờ thứ mười một là ông sẽ trả công họ cách công bằng như ông đã hứa với những người vào làm ở giờ thứ ba, thứ sáu, thứ chín. Việc này cho thấy Thiên Chúa vẫn tiếp tục mời gọi cho đến ngày cùng tận.

15/ Điều này áp dụng cho những ai? Điều này chỉ áp dụng cho những người chỉ bắt tay phụng sự Thiên Chúa vào lúc tuổi già. Rõ ràng tuổi tác không thành vấn đề, miễn là cứ đến cùng Chúa thì tội nhân sẽ được đón nhận. Nhưng điều này lại không áp dụng cho những kẻ chỉ mãi chống đối Thiên Chúa cho đến khi hết mùa gặt. Cả nhóm thợ này đều đáp trả ngay khi được gọi, vì thế giờ thứ mười một ám chỉ giờ của thời cánh chung của kỷ nguyên Giáo hội. Ai phục vụ Thiên Chúa trong tinh thần tông đồ, trong Đức Tin, Đức Mến thì sẽ nhận được phần thưởng cho công việc của mình.

16/ Việc mặc cả tiền công nói lên điều gì? Một số các nhà chú giải cho rằng việc mặc cả của nhóm thợ đầu tiên được sánh với việc Thiên Chúa ký kết giao ước với con cái Israel qua lề luật. Còn các tín hữu thời Tân Ước ( sau này) được xem là những kẻ đón nhận lòng thương xót và ân sủng của Thiên Chúa.

17/ Đoạn 20 câu 8: Theo luật Do Thái, tiền công được trả vào cuối ngày, nghĩa là vào buổi chiều (Lv 19, câu 13) ( ĐNL 24,15). Đôi khi tiền công cũng được tính vào lúc khác, nhưng dù sao thì người làm công cũng được quyền đòi tiền công của họ. Lề luật giúp bảo vệ người nghèo khó tránh không bị những ông chủ giàu có bóc lột.

18/ Nguyên do của bất mãn: Những người làm sau chót được ông chủ trả công trước tiên, cho thấy ông chủ rất quan tâm những người nghèo khó, thất nghiệp và yếu đuối. Vì thế, đã dẫn tới sự bất mãn của nhóm thợ đầu tiên về việc thanh toán tiền công (xem câu 10)

19/ Một số học giả cho rằng: Cách hành xử của ông chủ lập dị và không kinh tế. Nhưng chúng ta cần lưu ý rằng : Ông chủ ở đây là Thiên Chúa, Ngài quan tâm tới động lực chứ không quan tâm tới khối lượng thành quả công việc. Chúa chỉ quan tâm tới phẩm cách tinh thần như lòng vị tha, trung tín và sức dấn thân quên mình hơn là xét tới bề dày thâm niên công vụ.

20/ Một câu kết luận cần lưu ý: Thà phụng sự một giờ cho trọn tình con thảo trước nhan Chúa, còn hơn là phụng sự 12 giờ, nhưng làm cho xong, ngó chỗ nọ, xọ chỗ kia. Cũng nên nhớ rằng: Những lao động này đang thất nghiệp, họ đang cần việc làm, có được cơ hội làm việc là ơn huệ mà ông chủ vườn nho ban cho và vì thế: Tiền công mà họ nhận được cũng chỉ là một ân huệ .

21/ Đoạn 20 câu 9-10: Nhóm thợ làm mướn sau chót cũng được trả tiền công tương đương một  ngày,  khi ấy nhóm thợ đầu tiên đã tràn trề hy vọng khi thấy số tiền công mà những người làm lúc 11 giờ nhận được. Họ thầm nghĩ: Mình lao động cả ngày chắc ông chủ vườn nho sẽ thưởng đặc biệt cho họ. Nhưng rồi họ hoàn toàn thất vọng khi chỉ nhận được đúng như những gì họ đã mặc cả.

22/ Một bài học khác: Điều này cho thấy những ai xin với Thiên Chúa rằng mình chỉ phục vụ cho Chúa theo những điều kiện nhất định nào đó, thì có lẽ Chúa cũng sẽ chấp nhận để người ấy được làm như thế, nhưng anh ta cũng đừng mong rằng : Thiên Chúa sẽ làm hơn những gì anh ta đã xin.

23/ Thiên Chúa chỉ ban thưởng theo động cơ làm việc: Người thợ nào mặc cả tiền công thì sẽ nhận được đúng như thế. Người thợ nào phó thác vào ông chủ thì sẽ được ông chủ hào phóng thưởng công vì lòng trung tín của họ.

24/ Đoạn 20 câu 11: Khi nhóm thợ đầu nhận được tiền công một đồng, họ biết như vậy là tốt rồi, nhưng vẫn lên tiếng càu nhàu, kêu ca, tỏ vẻ bất mãn. Họ bất mãn vì đã lãnh một đồng. Do vậy, phần thưởng mà họ nhận được này tùy thuộc vào tinh thần và thái độ làm việc của họ.

25/ Qua đó, chúng ta nhớ lại bài học ở (Mt 6,1-6): Là ai phục vụ với một động cơ không chính đáng, sẽ bị chi phối bởi lời tung hê của người đời (ca tụng) hơn là mục đích phụng sự Thiên Chúa. Đức Yesus bảo những người như thế thì đã được phần thưởng rồi (Mt 6,5) nghĩa là họ đã nhận được cái họ muốn và xem ra họ chỉ mong có thế. Các tín hữu nên biết rằng: khi được Thiên Chúa đoái thương đón nhận, chính là phần thưởng cao quý nhất rồi.

26/ Đoạn 20 câu 12: Có hai lý do khiến cho người thợ được mướn đầu tiên tỏ ra thất vọng:

a/ Họ phải làm lâu giờ hơn.

b/ Làm việc trong điều kiện khắc nghiệt hơn, làm việc trong những lúc nóng nhất trong ngày, mùa hái nho là khoảng thời gian nóng nhất trong năm tại Palestin (Gc 1,11). Tuy nhiên họ chẳng có lý do gì để than vãn bởi chính họ biết rõ điều đó ngay từ đầu khi đồng ý nhận việc.

27/ Các nhóm thợ đầu tiên tỏ ra ganh tị: Có nhiều người xem ra khổ sở trước sự thành công của người khác, nhất là khi họ cảm thấy mình mới là người xứng đáng hơn với sự thành công đó. Thái độ đó của họ dễ làm cho người khác khó chịu, mà còn khiến cho bản thân họ thêm cay đắng.

28/ Đoạn 20 câu 13: Họ cằn nhằn với ông chủ, còn ông chủ thì gọi người đại diện của họ bằng bạn, khiến họ càng thêm xấu hổ. Đồng thời nói thẳng với anh ta rằng: Ông không hề đối xử bất công vì lúc đầu họ đã thống nhất với ông là một đồng cho một ngày công.

29/ Đoạn 20 câu 14: Có lẽ người thợ này chưa chịu nhận khoản tiền công đó, mặc dù đồng tiền đó đang để ở trên bàn. Tiền công một ngày làm là khoản thu nhập tối thiểu. Tiền công chỉ một giờ lao động thì chắc chắn không đủ sống. Dụ ngôn này diễn tả ông chủ có quyền làm điều mình muốn, vừa trình bày sự hào phóng, lòng nhân hậu và tính thương người của ông chủ.

30/ Đoạn 20 câu 15: Ông chủ trong bài dụ ngôn là hình ảnh của Thiên Chúa. Tiền công nhắc đến hồng ân lớn lao là sự sống đời đời. Vì hồng ân cứu độ là ân sủng qua Đức Tin nên chẳng ai đáng được hưởng. Chính Thiên Chúa mới ban phát ân sủng của Người cho những kẻ Người muốn. Chẳng có ai đủ tư cách chỉ đạo hay chỉ trích sự hào phóng của Thiên Chúa. Chẳng có mệnh lệnh Thiên giới hay trần thế nào có thể thay thế được tính tự do của ân sủng Thiên Chúa.

31/ Thiên Chúa có quyền ban phát ân sủng hết sức tự do mà còn hết sức công bằng, vì Thiên Chúa là Đấng công bằng vô cùng nên họ chẳng thể chỉ trích Thiên Chúa bất công mà chỉ có thể chỉ trích lòng nhân từ và tốt lành của Người. Kẻ ích kỷ thì không thể nào chấp nhận sự hào phóng như thế!

32/ Kẻ xấu bụng: Ám chỉ kẻ có thái độ ganh ghét, ích kỷ, thích phản bác, chê bai (Cn 23,6). Nếu cảm thấy mình có chút đố kỵ, người tín hữu nên dừng lại để xem xét mọi động cơ chi phối, xem mình đang làm việc vì ai, vì Chúa hay vì bản thân. Đức Mến thì không ghen tuông.

33/ Trong dụ ngôn có hai nhóm người : Nhóm người đầu tiên là những người lên án ông chủ nhân từ khiến chúng ta liên tưởng đến giới lãnh đạo tôn giáo, tự cho mình là người công chính đáng được Thiên Chúa thi ân. Đám người sau ám chỉ những kẻ chậm hiểu và tội lỗi. Nhưng khi gặp, họ đã nhanh chóng tin vào Đức Yesus.

34/ Đoạn 20 câu 16: Câu này là câu kết của dụ ngôn, khẳng định những kẻ đứng đầu tức là những kẻ tự cho mình là công chính, sẽ bị loại, còn kẻ được coi là không xứng đáng là kẻ đứng chót sẽ được thi ân.

Đây là lời giải đáp dành cho Phê-rô ở phần ông hỏi Chúa Yesus về phần thưởng dành cho người môn đệ. Trong vương quốc của Thiên Chúa, các môn đệ không được có thái độ ganh tị như thế.   ****

 

TÓM Ý

1/ Chúa Yesus luôn dùng những câu chuyện đời thường là những sự kiện cụ thể để xây dựng thành những đề tài để giáo huấn dân chúng. Hôm nay là câu chuyện ông chủ vườn nho thuê thợ vào hái nho. Những người thợ đang thất nghiệp và ông đã thỏa thuận trả cho họ một đồng cho mỗi công nhật.

2/ Ý muốn của Chúa muốn dạy gì qua dụ ngôn: Thiên Chúa là ông chủ vườn nho, không giống cách hành xử của các ông chủ trần gian. Họ thường gây bất công nên họ cần phải giữ luật công bằng để giới hạn sự bất công đó.

3/ Thiên Chúa muốn đi xa hơn luật công bằng, vì Ngài có tất cả, Ngài muốn đối xử với chúng ta bằng sự  nhân từ, nhân từ ban phát rộng lượng , lòng nhân từ đi xa hơn những gì mà loài người đáng được hưởng.

4/ Dụ ngôn nhắc chúng ta đừng dùng cách suy nghĩ của loài người để suy đoán những việc làm của Thiên Chúa. Nhất là trong thời buổi chủ nghĩa thực dụng hôm nay. Họ đang muốn kéo ghì Phúc Âm xuống cho ngang hàng với cách suy nghĩ của loài người. Khía cạnh của sứ điệp mà Chúa muốn mang đến hôm nay đó là tình yêu và lòng nhân từ, mà khía cạnh quan trọng nhất ,đó là sự tự do. Trong khi sự công bằng luôn ràng buộc chúng ta bởi những bổn phận và những gì chúng ta đang mắc nợ người khác.

5/ Tình yêu và lòng nhân từ không bị ràng buộc bởi những gì đã giao kết. Vì đó là ban phát mà không cần đòi đáp trả, sứ điệp hôm nay đã làm xáo trộn cách thức suy nghĩ và cách hành xử quá quen thuộc của con người.

6/ Dụ ngôn đã làm cho bọn biệt phái ngạc nhiên. Khi nghe Chúa đưa dụ ngôn này ra, họ đã rất  sửng sốt khi hiểu rằng Chúa muốn đặt người ngoại giáo, những kẻ tội lỗi, là những kẻ đến sau, lại được ngang hàng với Dân Chúa chọn trong Nước Trời.

7/ Dụ ngôn này cũng làm chúng ta ngạc nhiên. Chúng ta cũng có khuynh hướng muốn tự ban phát cho mình nhiều quyền lợi, nhiều công nghiệp, nhiều đòi hỏi khác, chúng ta hãy khiêm tốn đặt mình dưới sự cai quản của lòng nhân từ Thiên Chúa đó là xin Chúa cũng ban cho các người ngoại giáo những ơn mà Chúa đã ban cho chúng ta. Không phải bằng sự công bằng mà bằng lòng nhân từ của Chúa.

8/ Đám thợ vào làm trước là những biệt phái, luật sĩ. Đám người vào làm sau là những kẻ tội lỗi, những người ngoại giáo, họ vào trễ nhưng khi nghe được lời Chúa họ đã tin và đã ăn năn sám hối để được cứu rỗi.

9/ Biệt phái đã giận dữ khi thấy kẻ có tội sau khi ăn năn sám hối cũng được vào Nước Trời y như họ, điển hình là anh trộm lành, là bà Maria Madala…./

10/ Nhìn thái độ của biệt phái, chúng ta cũng nhận ra thái độ của mình đã rất nhiều lần cư xử với những anh em chung quanh giống như họ, chúng ta cảm thấy tức tối ghen tị khi thấy kẻ khác hạnh phúc hơn, giàu có hơn ta, may mắn hơn ta.

11/ Chúng ta đã xét đoán người khác theo tiêu chuẩn của thế gian, chứ không theo tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Thánh Phao-lô nói: Thiên Chúa đã chọn những thứ mà thế gian cho là điên rồ, là vô nghĩa, là yếu đuối, là đáng hổ thẹn và thiêu hủy những gì mà thế gian cho là quan trọng.

12/ Những gì là yếu đuối trong tay Thiên Chúa đều trở nên mạnh mẽ, đáng cho chúng ta tin tưởng, ẩn náu, đừng so sánh mình với kẻ khác nhưng hãy chấp nhận những gì mình đang có.

13/ Mỗi người hãy tự suy xét về những gì mình làm. Chúng ta đừng nên nghĩ là mình đã làm được gì cho Thiên Chúa, điều quan trọng là Thiên Chúa đã nghĩ gì về chúng ta, và tình yêu chúng ta dành cho Ngài được bao nhiêu.

14/ Khi nghe dụ ngôn này, chúng ta đừng thắc mắc là Chúa có cư xử công bằng  hay không. Chúng ta luôn hiểu rằng ở đây chỉ là dụ ngôn, là hình ảnh dùng để giải thích giáo lý của Chúa nên Chúa không có ý dạy về kiến thức của người trần gian nhưng Chúa chỉ muốn dạy về chân lý Nước Trời.

15/ Dụ ngôn dạy ta bài học thứ nhất: Chúa yêu thương mọi người, nhất là những người hèn hạ, kém may  mắn, Chúa muốn tất cả mọi người đều được ơn cứu độ. Người thợ vườn nho là chúng ta, là những người được Thiên Chúa mời gọi. Ông chủ ra mướn nhiều lần là Thiên Chúa đầy lòng yêu thương.

16/ Không phải ta đi tìm Chúa nhưng chính Chúa đi tìm ta, không phải tìm một lần mà là nhiều lần, tìm suốt ngày.

17/ Người vào làm buổi sáng tượng trưng cho những người có số phận may mắn, có khả năng hơn người khác, còn những người vào làm trễ tượng trưng cho những người kém may mắn, kém khả năng, luôn bị thiệt thòi trong xã hội.

18/ Chúa muốn bày tỏ rằng: Người làm sớm hay kẻ làm muộn, người sang kẻ hèn, người giỏi hay người kém, người khỏe hay người yếu ớt, tất cả là để nói lên lòng Chúa thương xót mọi người. Chúa muốn mời mọi người, Chúa muốn cứu mọi người.

19/ Nếu Chúa không kêu gọi, thì không ai có thể vào làm được trong vườn nho của Chúa. Nếu Chúa không ban thì không ai có thể chiếm được Nước Trời. Người làm sớm hay người vào muộn làm nổi bật chân lý: Nước Trời là ân huệ Chúa ban xuất phát từ tình thương chứ không do công đức của riêng ai. Vì thế, đừng ai lấy quyền gì để đòi hỏi, hơn nữa ân huệ này là quá lòng mong ước nên bất cứ ai cũng phải cảm tạ Ngài.

20/ Nhóm thợ vào làm đầu tiên, họ không kêu trách Chúa vì tiền lương, nhưng họ kêu trách Chúa vì lòng nhân từ, vì Chúa quá quảng đại, yêu thương. Họ kêu trách vì họ không biết xót thương những kẻ kém may mắn hơn mình.

21/ Muốn cho đời được tốt đẹp, chúng ta phải biết giúp đỡ những người bé nhỏ, thấp kém. Xã hội chỉ thật sự văn minh khi con người biết quan tâm đến nhau, biết dìu dắt nâng đỡ những người kém may mắn.

22/ Đời chỉ toàn bất công khi ai cũng chỉ nghĩ cho riêng mình. Đời chỉ tươi đẹp khi chúng ta biết nghĩ đến người khác. Đời sẽ rất tươi đẹp vì nó chan chứa tình người.

23/ Qua dụ ngôn này, chúng ta thấy tư tưởng của Chúa khác hẳn tư tưởng con người. Cách cư xử của Nưới Trời khác hẳn với cách cư xử của trần gian. Đó là không tìm lợi lộc cho bản thân. Nhưng chỉ tìm hạnh phúc cho kẻ khác. Luôn yêu thương, giúp đỡ người kém may mắn, không dùng lý lẽ, nhưng dùng tình cảm yêu thương của con tim. Mong mang lại hạnh phúc cho  mọi người.

24/ Muốn cho nước Chúa mau lan rộng khắp nơi-> Là con cái Chúa, chúng ta phải có tư tưởng của Chúa, phải biết yêu thương như Chúa.

25/ Chúng ta sẽ tìm thấy được điều gì khi đem so sánh mình với các Thánh lớn, chúng ta cho rằng: Chúng ta làm việc mệt nhọc, lâu giờ ư? Thật sự chúng ta đã làm gì được cho Chúa? Như vậy, chúng ta sẽ không có gì để phàn nàn, nếu ông chủ phát cho chúng ta một đồng, như vậy là quá với công sức, quá với lòng mong ước của chúng ta.

26/ Lòng quảng đại của Thiên Chúa hôm nay dành cho chúng ta được biểu lộ qua phụng vụ Thánh Lễ hy tế. Người nuôi dưỡng chúng ta bằng chính thịt máu Ngài, điều này các Thánh lớn có khi còn không được như chúng ta. Sau khi chúng ta thú nhận sự bất xứng, Thiên Chúa vẫn cứ mời gọi chúng ta đến để nhận lãnh mình máu Thánh của Ngài.****

Giuse Luca Trương Đình Nghi 

Trưởng Nhóm Kinh Thánh Emmaus

 

=> XEM TẤT CẢ CÁC BÀI CHIA SẺ


Trở lại      In      Số lần xem: 1663
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  12
 Hôm nay:  10580
 Hôm qua:  8431
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11436845
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top