Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu và sống Tin Mừng CN 20 Thường Niên A - Giuse Luca -

CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN  A

ĐỀ TÀILÒNG TIN CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ NGOẠI GIÁO.

 

Tung hô Tin Mừng:   x. Mt 4,23

Haleluia. Haleluia. Đức Giê-su rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Haleluia.

PHÚC ÂM:  Mt 15, 21-28

Này bà, lòng tin của bà mạnh thật.

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mát-thêu.

21  Khi Đức Giê-su lui về miền Ti-a và Xi-đôn, 22 thì này có một người đàn bà Ca-na-an, ở vùng ấy đi ra, kêu lên rằng: "Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!" 23 Nhưng Người không đáp lại một lời.

Các môn đệ lại gần xin với Người rằng : “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng tôi mà kêu mãi!” 24 Người đáp: "Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi." 25 Nhưng bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: "Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!" 26 Người đáp: "Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con." 27 Bà ấy nói: "Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống." 28 Bấy giờ Đức Giê-su đáp: "Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn thế nào sẽ được như vậy." Từ giờ đó, con gái bà được khỏi bệnh.

Đó là lời Chúa.

 

 NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI D HIỂU BÀI TIN MỪNG

 

1/ Bài Tin mừng hôm nay nói về ai ?

2/ Làm sao để có đức tin mạnh ?

3/ Phải luyện tập Đức Tin như thế nào?

4/ Làm sao có thể tỏ lòng mến Chúa ?

5/ Người phụ nữ Cana-an đến với Chúa là vì ai ?

6/ Đức Tin của chúng ta thăng trầm ra sao ?

7/ Làm sao để Đức Tin được vững vàng ?

8/ Người phụ nữ kiên trì như thế nào?

9/ Lúc nào thì lòng tin cần phải nhẫn nại ?

10/ Khi nào thì ta cần khiêm tốn?

11/ Chúa Giê-su đã xử sự như thế nào ?

12/ Chúng ta cần có tâm tình nào?

13/ Chúa Giê-su đang ở vùng nào?

14/ Tại sao Chúa lại đến đây?

15/ Đoạn Tin Mừng cho thấy điều gì ?

16/ Chị phụ nữ đã tỏ thiện chí như thế nào?

17/ Chị đã tin như thế nào?

18/ Các tông đồ đang nghĩ gì?

19/ Thái độ của Chúa mang ý nghĩa gì?

20/ Vì sao các môn đệ lại đối xử như vậy?

21/ Chị phụ nữ đã ứng xử ra sao?

22/ Chúa muốn thử bà để làm gì?

23/ Cuối cùng bà đã được điều ngì?   

=>  Hãy tìm câu trả lời từ bài “Tóm ý”.

 

Bài 1: NHỮNG RÀO CẢN NGĂN CHẶN ƠN CỨU ĐỘ

1/ Hôm nay chúng ta thấy Chúa Giê-su hành xử như thế nào? Lúc mới đọc qua bài Tin mừng, chúng ta thấy Chúa Giê-su hành xử không chuẩn mực. Đây cũng là lý do khiến chúng ta tò mò để tìm hiểu xem cách Chúa đối xử như vậy có đúng không ?

2/ Tiên tri Isaia trong bài đọc một nói gì? Đương nhiên đây là một thắc mắc rất chính đáng. Nhưng chúng ta nên từng bước tìm hiểu, và mọi sự phải bắt đầu là tìm hiểu ở bài đọc I, bài sách này giúp chúng ta hiểu được gì? Nó sẽ giúp chúng ta đi vào bài tin mừng, sau đó chúng ta sẽ hiểu một kết quả tự nhiên ở bài thánh thư của Phaolô. Như vậy ơn cứu độ mà Chúa Giê-su mang đến là dành cho muôn dân, mà sự kiện trong bài phúc âm chỉ là cách Chúa nhấn mạnh đến việc Chúa sắp làm, đó là ban ơn cứu độ mọi người, không phân biệt ai.

3/ Đoạn sách Isaia hôm nay được viết vào thời kỳ nào? Sách Isaia được viết ra bởi ba tác giả, là do 3 con người khác nhau viết ra. Đoạn trích hôm nay thuộc cuốn thứ ba, vào thời hậu lưu đày, có ý soi sáng cho dân Chúa biết về mối tương quan giữa đám dân hồi hương và những kẻ xa lạ đến ở trong thánh địa đang khi dân Do Thái bị  lưu đày.

4/ Hôm nay người ta đang thắc mắc điều gì? Đám người ngoại bang này đang lưu trú bất hợp pháp, như vậy họ có được thâu nhập vào dân Chúa không? Tuy chưa có gì sáng sủa, thế nhưng họ vẫn có quyền hy vọng vào Lời hứa. Vì lịch sử dân Chúa chưa kết thúc. Lý do là các lời hứa từ Abraham, Moise, các tiên tri vẫn còn đang mong chờ. Bởi vì Chúa cứu thế chưa đến, và cũng chưa ai biết là ơn cứu độ có được ban cho người ngoại bang hay không. Sau này họ có được kết hợp với dân Do thái không? Hay là họ vẫn xa lạ, vì ơn cứu độ chỉ dành cho những ai chịu phép cắt bì?

5/ Chúng ta phải phân biệt thế nào giữa ngoại kiều và ngoại bang? Ngoại bang cũng chỉ là ngoại kiều. Nhưng có chút khác biệt: Ngoại kiều có cư trú hẳn hoi, họ ở giữa dân Chúa. Luật pháp cho họ quyền lợi và đòi họ phải có nghĩa vụ. Còn ngoại bang là những người không có cư trú và họ cũng chẳng muốn có cư trú. họ muốn được hưởng dùng mọi quyền lợi, nhưng lại không muốn bị bó buộc một nghĩa vụ nào. Vì thế họ luôn bị khinh ghét, luôn bị gạt ra khỏi dân chúng.

6/ Chúa có chương trình gì dành cho người ngoại bang? Chúa bảo ơn cứu độ của Ngài đã đến. Mọi người hãy mau đón tiếp, hảy sống công minh chính trực, hãy giữ luật Sa bát. Vì bất cứ ai tuân giữ trọn hảo các điều ấy, đều nhận được ơn cứu độ mà không hề có luật trừ. Cho dù họ là người ngoại bang. Nếu họ sống công chính thì đều được Thiên Chúa dẫn họ lên núi Thánh. Do vậy nhà của Thiên Chúa sẽ trở nên nhà cầu nguyện dành cho mọi dân tộc.

7/ Lời Chúa đã nói thật rõ về ơn cứu độ, tại sao? Thiên Chúa nói: Trong thời Đấng Cứu Thế đến, Ngài sẽ không còn phân biệt cắt bì hay không cắt bì. Do Thái hay dân ngoại bởi vì Thiên Chúa sẽ lập một dân mới cho mọi hạng người, cho mọi dân tộc. Miễn là họ tuân giữ các điều luật và không vi phạm giao ước. Như vậy nhà của Chúa sẽ là nhà chung của mọi dân tộc .

8/ Những khó khăn mà ơn cứu độ gặp phải là gì? Những điều này chúng ta có thể thấy rõ trong bài tin mừng hôm nay. Giáo lý của Chúa thì phổ quát, tình yêu của Thiên Chúa thì vô tận. Người ta viện đủ mọi lý do để lập ra các thứ hàng rào ngăn cách. Vì thế nên cho dù Chúa Giê-su đã đến nhưng Ngài vẫn vấp phải nhiều khó khăn, chống đối.

9/ Chúng ta thấy được điều gì từ bài tin mừng hôm nay? Đây là câu chuyện đã xảy ra vào thời Chúa Giê-su. Nếu để ý kỹ, chúng ta sẽ thấy rằng: sau thời kỳ Chúa Giê-su, lúc hội thánh đang được mở rộng, và các tông đồ đang lúng túng về cách ứng xử với anh em lương dân. Tác giả muốn viết lên câu chuyện này là những gì xảy ra trong cuộc đời Chúa Giê-su, vừa muốn dùng câu chuyện này để soi sáng , hướng dẫn hội thánh.

10/ Tại sao Chúa Giê-su phải đến vùng dân ngoại? Chúng ta thấy hôm nay Chúa đến vùng dân ngoại, để gợi lên cho thấy lúc này hội thánh phải giáp mặt với anh em lương dân. Chúng ta thấy Chúa Giê-su như là muốn rời xa đất Do Thái để đến với anh em lương dân. Nhưng đây mới chỉ là vùng giáp giới.

11/ Bà phụ nữ dân ngoại đã nói lên điều gì? Bà chạy sang xin Người cứu chữa. Chúng ta cần chú ý đến lời cầu xin của bà. “Xin thương xót tôi.” / tiếp đó bà xưng hô: Người là con vua Đa vít/ có nghĩa rằng: bà công nhận ơn cứu độ từ nơi dân Do Thái. Cho dù bà là lương dân, bà cũng có đức tin và biết tôn thờ Thiên Chúa của Do Thái. Lẽ ra Chúa Giê-su nên ban ngay cho bà. Nhưng Chúa đã im lặng. Chúa muốn các môn đệ phải bày tỏ những cảm nghĩ của mình.

12/ Thái độ của các môn đệ như thế nào? “Xin để cho bà ấy về” Các ông chỉ  muốn rảnh việc chứ không chịu đoái hoài tới quyền lợi của người khác. Nhưng Chúa Giê-su không thể đồng ý cách ứng xử như vậy. Qua đây Chúa cũng muốn các ông cần suy nghĩ thêm, sâu xa hơn. Nên Chúa bảo: Ta chỉ được sai đến với các con chiên lạc nhà Israel.

13/ Cách ứng xử của các môn đệ và người đàn bà ra sao? Các môn đệ cảm thấy quá bế tắc, nhưng họ lại không muốn bị tiếp tục quấy rầy. Còn người phụ nữ, với những ý nghĩ nơi chính con người lương dân của bà, bà cũng chẳng thể làm được điều gì hơn nên bà chỉ biết cứ cố nài nỉ thêm : Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi ! **R

 

Bài 2: ƠN CỨU ĐỘ LÀ PHỔ QUÁT

14/ Từ một câu nói khó nghe, chúng ta nghiệm ra điều gì? Tuy khó nghe ,nhưng nó lại chứa đầy niềm hy vọng. Chúng ta nghiệm ra rằng: Ơn Chúa luôn đến trong thử thách vì Thiên Chúa ban ơn cứu độ qua mầu nhiệm thập giá. Chúng ta biết rằng với câu nói : Không nên lấy bánh của con cái mà quăng cho lũ chó con. Từ đây chúng ta thấy rằng: Trong các gia đình, lũ trẻ con thường hay chới với chó mèo và hay lấy bánh kẹo để cho chó mèo ăn. Đây là hình ảnh gợi lên sự thân mật.

15/ Chúa Giê-su còn xử sự tâm lý như thế nào nữa? Người Do Thái vẫn coi anh em lương dân là chó. Nhưng ở đây Chúa lại thấy các môn đệ đang có cảm tình với người lương dân này. Chúa muốn dùng hình ảnh này để xoá bỏ mối hiềm thù và kỳ thị cố hữu giữa 2 bên.

16/ Ý thức của người lương dân như thế nào? Người đàn bà này mang tâm tình đại diện cho lương dân. Khi Chúa vừa mở ra một lối thoát, bà liền nắm lấy cơ hội này và thưa ngay. Ở đây tác giả muốn nói lên ý thức địa vị của lương dân trong lịch sử cứu độ của Dân Chúa. Một mặt họ đầy lòng tin, mặt khác, họ cũng rất khiêm cung. Họ rất xứng đáng được Chúa đối xử tốt như thế, thế nên tất cả mọi người đều thoả mãn khi nghe Chúa nói: Này bà, lòng tin của bà lớn thật..../

17/ Chúa Giê-su đã giải quyết vấn nạn này như thế nào? Đây là bài học mang tính giáo điều hay còn gọi là sư phạm.Chúa muốn chúng ta phải học ở nơi Ngài về thái độ phải có đối với anh em lương dân. Hội thánh lúc này đang phân vân: Không biết có nên thâu nhận dân ngoại vào nước trời hay không. Nếu có thì phải làm như thế nào. Hôm nay Chúa đã giải đáp rất dè dặt, nhưng cũng rất cương quyết, cho dù Chúa biết tính khí loài người là luôn hẹp hòi.

18/ Chúa muốn đòi hỏi gì nơi dân ngoại? Chúa luôn giữ lập trường cương nghị vì cuối cùng ai cũng hiểu ra và chấp nhận điều Chúa dạy là phải chia sẻ ơn cứu độ cho anh em lương dân. Chỉ cần những người này có đức tin vững vàng , họ phải tin đúng theo những truyền thống mạc khải.

19/ Bài tin mừng hôm nay gợi lên điều gì? Gợi lên một trong những câu chuyện mà chúng ta thường nghe vào thời các tông đồ. Giữa 2 khuynh hướng rộng và hẹp trong việc thâu nhận anh em lương dân vào hội thánh. Ở đây sách tin mừng Mattheo lại được soạn riêng cho giới Kitô hữu gốc Do Thái, Nhưng cũng đâu có khác gì với giáo lý của thánh Phaolô là vị tông đồ của dân ngoại. Bởi vì ở đâu thì chân lý vẫn là một. Và ở đâu thì bác ái vẫn thắng.

20/ Tình yêu của Thiên Chúa qua muôn thế hệ vẫn như thế  nào? Cho dù loài người có hẹp hòi thì tình yêu của Thiên Chúa vẫn luôn mạnh mẽ, nó đã phá huỷ mọi ranh giới mà con người tự đặt ra / vì ngay từ đầu Thiên Chúa đã muốn cho toàn thể nhân loại được hạnh phúc và muôn dân được cứu độ qua lời hứa với Tổ phụ Abraham.

21/ Hôm nay Chúa Giê-su muốn xác định điều gì? Chúng ta thấy rằng: Thiên Chúa đã nói rõ điều này qua bài đọc của Isaia. Hôm nay chúng ta lại nhìn thấy cách cư xử của Chúa Giê-su ,để rồi hội thánh thấy rằng: Cần phải thâu nhận mọi dân tộc vào nước trời, miễn là họ có đức tin vững vàng đúng với những gì Thiên Chúa mạc khải, cho nên tính phổ quát của ơn cứu độ đã được Chúa Giê-su xác định hôm nay .

22/ Thái độ cư xử của hội thánh ngày nay ra sao? Điều kiện để thâu nhận họ vào dân Chúa đã quá rõ ràng. Tuy nhiên hội thánh cũng cần tự xét lại xem đã thật sự hết thái độ hẹp hòi này hay chưa? Hay vẫn còn ở nơi này, nơi kia, có những con nguời muốn lấy tiêu chuẩn của loài người như là :vùng miền, màu da, tiếng nói, để gián tiếp phủ nhận một hạng người nào đó trong vấn đề lãnh nhận ơn cứu độ.

23/ Thánh Phaolô hôm nay dạy như thế nào? Thánh Phaolô không có não trạng hẹp hòi như thế. Ngược lại ông muốn mọi người cũng được hưởng ơn cứu độ / thế nhưng ông vẫn buồn, ông vẫy ray rứt. Ông thấy nước trời đã rộng mở để đón dân ngoại vào lãnh nhận ơn cứu độ dành cho muôn dân. Còn chính những người tự cho mình là dân cũ của Thiên Chúa, là những người Do Thái, thì cớ sao lòng họ lại khép kín đối với ơn cứu độ.

24/ Thái độ của người Do Thái như thế nào? Đã đành là có một số người Do Thái đã tòng giáo (theo đạo mới). Nhưng nếu xét về mọi phương diện, dân cũ vẫn cứ muốn phủ nhận sự nghiệp của Đức Kitô. Trong khi đó Phaolô đầy lòng nhiệt thành đã xông pha khắp nơi để rao giảng tin mừng. Ông chẳng ngại muôn vàn gian nan thử thách để đưa dân ngoại vào Nước trời. Trong khi đó anh em huyết nhục với ông lại cứ khư khư từ chối ơn cứu độ trong Đức Kitô. Phaolô yêu Chúa, yêu đồng bào của mình, ông đã quá đau khổ trước sự thật phũ phàng kia. Ông không biết tại sao lại như vậy, và ông luôn ước rằng : Ông có thể cứu rỗi thật nhiều người trong số những kẻ cứng đầu kia.

25/ Phaolô đã lầm tưởng điều gì? Ông tưởng rằng khi ông cứu được thật nhiều dân ngoại, làm cho họ được vào Nước Trời, sẽ khiến cho đồng bào của ông phát ghen lên, để họ cũng vào Nước Trời và được ơn cứu rỗi, là ghen lây, là ghen với dân ngoại khi thấy họ cũng thừa hưởng được lời hứa từ tổ phụ của mình. Nghĩa là con cái Israel sẽ hồi tâm suy nghĩ về giá trị kho tàng mà họ đang nắm giữ.

26/ Kết quả cuối cùng là như thế nào? Thế nhưng đáng buồn thay, mặc cho Phaolô nhiệt tình, hết hơi để rao giảng cho dân ngoại. Thế nhưng đồng bào ông chẳng những không ghen tức, mà còn mong một ngày nào đó, Phaolô không còn có thể rao giảng được nữa.

27/ Chúng ta vẫn phải hy vọng như thế nào? Như vậy dân Do Thái sẽ không bao giờ được ơn cứu độ sao? Như vậy còn đâu tính phổ cập của lòng Chúa thương xót. Như vậy việc Israel thay đổi lòng dạ để đón nhận ơn cứu độ sẽ như là việc cải tử hoàn sinh. Việc sống lại từ cõi chết, thì phải như một phép lạ vĩ đại. Nhưng chúng ta có dám hy vọng như vậy không ?

28/ Phaolô đã tự an ủi mình như thế nào? Trước đây dân Israel bất tuân với Thiên Chúa và luôn phủ nhận ơn cứu độ. Vì thế mà tình yêu của Thiên Chúa đã tràn sang cho dân ngoại, thì trước sau gì dân Israel cũng nhận được tình yêu này, cho dù bây giờ họ bất tuân. Để chứng tỏ rằng dân Israel hay dân ngoại cũng đều sẽ lãnh nhận ơn cứu độ. Đây là mầu nhiệm mà mầu  nhiệm này sẽ nói lên tình yêu bao la của Thiên Chúa. Đây cũng là điều tỏ hiện kế hoạch thâm sâu của Ngài đối với loài người. Cho nên dù hôm nay Phaolô chưa hiểu rõ. Nhưng ông vẫn luôn tín nhiệm vào tình yêu của Thiên Chúa.

29/ Phụng vụ hôm nay muốn chúng ta sống thế nào? Giáo hội muốn chúng ta là phải tin yêu vững vàng. Bởi vì Thiên Chúa luôn khẳng định ý muốn của Người là muốn cứu độ mọi dân mọi nước. Người cũng ban cả ơn cứu độ cho dân ngoại. Cho nên Thiên Chúa không muốn chúng ta kỳ thị một ai. Thiên Chúa muốn hội thánh sẽ trở nên một ngôi nhà cầu  nguyện chung của mọi dân tộc.

30/ Nhiệm vụ của chúng ta như thế nào? Chúng ta phải đón mời hết mọi người vào chúng ta không được gây cản trở cho bất cứ ai muốn đến với hội thánh. Như vậy nếu hôm nay chúng ta gặp một người nào đó có thái độ cố chấp hay phủ nhận điều gì đó. Thì chúng ta nên mở ra và đọc lại thư của thánh Phaolô hôm  nay, để chúng ta vẫn luôn tín nhiệm vào cách làm mầu nhiệm của Thiên Chúa.

31/ Chúng ta nên bắt chước thánh Phaolô ở điểm nào? Chúng ta phải luôn ca tụng về sự thâm sâu, giàu có, khôn ngoan, thượng trí của Thiên Chúa. Người muốn cứu độ mọi dân nên không từ chối một ai. Cũng như chính Đức Ki-tô đã xả thân cứu thế trong mầu nhiệm mà Ngài đã cử hành trên đồi Cave năm xưa và trên bàn thờ hôm nay, thì chúng ta cũng đủ hiểu rõ ý muốn của Thiên Chúa . **R

 

Bài 3: ĐỨC TIN VÀ CÁC ƠN CHA BAN

32/ Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su khen ngợi ai? Chúa Giê-su lên tiếng ca ngợi đức tin của một người đàn bà xứ Ca-na-an. Vậy Đức Tin của chúng ta mạnh mẽ hay yếu kém, nếu Đức Tin của chúng ta đang yếu kém thì chúng ta cần phải củng cố, gia tăng niềm tin.

33/ Làm cách nào để luyện tập Đức Tin? Đức Tin được sánh ví như một bắp thịt, nếu bắp thịt đã suy yếu thì cần phải chịu khó luyện tập, càng luyện tập thì Đức Tin sẽ càng trở nên mạnh  mẽ. Chúng ta có nhiều cách để luyện tập cho Đức Tin trở nên mạnh mẽ.

34/ Cách luyện tập Đức Tin : Chúng ta cần học hỏi Lời Chúa, tìm hiểu ý nghĩa bài Phúc Âm, nhờ đó chúng ta có thể tham dự Thánh Lễ cách sốt sắng. Chúng ta có thể cầu nguyện riêng tư để kín múc nguồn sinh lực thiêng liêng cho Đức Tin của mình.

35/ Một câu chuyện trong tác phẩm “Anh em nhà Ka-ra-ma-dốp, tác giả kể lại rằng : Có một bà già bị cám dỗ khủng hoảng về Đức Tin, bà đến xin thọ giáo ý kiến của một vị Linh Mục, vị Linh Mục đã đưa ra một cách để giúp bà củng cố lại niềm tin, đó là hãy yêu thương nhiều. Vị Linh Mục nói : Hãy cố gắng yêu thương những người láng giềng thật nhiều, càng yêu thương nhiều, bà sẽ tin chắc chắn hơn về sự hiện hữu của Chúa và đời sống sau khi chết, càng yêu thương thì Đức Tin của bà càng lớn lên, sau đó những sự ngờ vực sẽ tiêu tan.

36/ Đức Tin và Đức Mến liên kết với nhau như thế nào? Từ lời khuyên của câu chuyện trên đây, chúng ta thấy Đức Tin và Đức Mến luôn đi đôi với nhau. Chúng ta hãy nhìn đoạn đường rầy xe lửa, khi thấy cái này thì cũng tìm được cái kia. Đức Tin và Đức Mến liên kết với nhau như xác với hồn. Khi chúng ta tin Chúa thì cùng lúc chúng ta cũng muốn làm điều gì đó cho Ngài.

37/ Giải thích cụ thể hơn: Nếu vì  Ngài chúng ta mà cho kẻ đói ăn, kẻ khác uống, kẻ rách rưới được ăn mặc thì cũng chính lúc đó, chúng ta nghiệm ra rằng chúng ta đang làm điều đó cho Chúa.

38/ Cách mà người phụ nữ Ca-na-an đến với Chúa : Chúng ta trở lại với người phụ nữ Ca-na-an trong đoạn Tin Mừng, bà đã đến với Chúa vì người khác chứ không phải vì chính bà. Bà đến với Chúa vì tình yêu với tư cách của một người Mẹ, một người Mẹ đầy lòng yêu thương con gái mình, cuối cùng bà đã được Chúa lên tiếng ca ngợi.

39/ Thế nào là sự thăng trầm của Đức Tin? Trong cuộc sống Đức Tin, có những ngày tươi sáng, hứng khởi, nhưng cũng có những ngày ảm đạm, khủng hoảng. Nếu niềm tin của chúng ta đang suy yếu, thì ngoài việc học hỏi Lời Chúa và chuyên tâm cầu nguyện chúng ta hãy thực hiện những hành động Bác Ái, để nhờ đó chúng ta có thể gặp được Chúa trong những người anh em của chúng ta.

40/ Một kinh nghiệm sống của người Do Thái : Trên con đường chạy loạn của một người Do Thái đang chạy trốn sự truy lùng của Đức Quốc Xã, anh ta đã viết như thế này : Tôi tin vào Mặt Trời ngay cả lúc nó không chiếu sáng, tôi tin vào tình yêu ngay cả lúc nó vắng bóng, tôi cũng tin vào Thiên Chúa ngay cả khi Ngài đang yên lặng.

41/ Hoàn cảnh của câu chuyện Phúc Âm : Một người đàn bà có đứa con gái bị quỷ ám, bà lại là dân ngoại, còn Đức Giê-su là người Do Thái. Khi thấy Ngài, bà quá đỗi vui mừng và nghĩ rằng cơ  may đã đến ,và con bà hoàn toàn có hy vọng khỏi bệnh. Đức Giê-su đã khen bà có lòng tin lớn lao, khi đọc qua đoạn Tin Mừng, chúng ta thấy rõ điều đó.

42/ Vì sao lòng tin cần phải kiên trì ? Bà nài xin Chúa nhìn đến nỗi đau của người Mẹ, đau vì thương con. Nhưng Chúa Giê-su không đáp lời, không phải Chúa đang lạnh lùng trước nỗi đau hay lãnh đạm trước điều mà Chúa có thể giúp được, lắm khi chúng ta cũng gặp phải sự thinh lặng như thế. Chúng ta cũng khắc khoải tự hỏi : Chúa có nghe không, Chúa có thấy gì không?

43/ Lòng tin cần phải biết nhẫn nhục khi bị từ chối: Bà chẳng ngã lòng dù rằng Chúa vẫn giữ yên lặng, bà cứ đi theo mà kêu, mà xin mãi, rồi còn chạy đến trực tiếp giáp mặt Chúa, nài xin cứu giúp. Kết quả là bà nhận được một lời từ chối thẳng thừng. Bà không bị sốc khi nghe Chúa ví dân ngoại như chó nuôi trong nhà, không đáng được hưởng phần cơm bánh của Israel, không biết bà có thất vọng không?

44/ Lòng tin cần phải biết khiêm tốn: Bà chấp nhận lối so sánh của Đức Giê-su, bà chấp nhận mình là chó con chỉ được phép trông chờ các mảnh vụn từ bàn ăn rơi xuống. Bà không mong nhận được phần ăn dành cho con cái. Sức mạnh của lòng tin là ở nơi sự khiêm tốn, tin không phải là đòi hỏi, tin là chờ đợi mọi sự từ bàn tay của Thiên Chúa và sẵn sàng đón lấy những hồng ân mà Thiên Chúa ban phát nhưng không!

45/ Lòng tin không dám đòi hỏi: Đức Giê-su từ chối giúp người phụ nữ dân ngoại vì Ngài biết rõ sứ vụ Chúa Cha giao cho Ngài, Ngài chỉ được Chúa Cha sai đến với nhà Israel thôi. Nhưng Chúa Giê-su không cứng nhắc trong nguyên tắc, Ngài tin Chúa Cha vẫn nói với Ngài qua mọi cảnh ngộ, nên Ngài cứ để cho trái tim Ngài tự do mở ra. Chúa kinh ngạc và ngất ngây trước lòng tin của người phụ nữ, Ngài để cho mình bị chinh phục và chấp nhận thay đổi quyết định ban đầu.

46/ Chúa Giê-su thay đổi ý định do đâu? Lòng tin lớn lao của người phụ nữ dân ngoại khiến cho Chúa Giê-su phải đổi ý, Chúa đổi ý vì nghe thấy lời mời gọi mới của Chúa Cha. Chúng ta hay có tính uyển chuyển hay chỉ là người thiếu nguyên tắc, có thể uyển chuyển  nhưng đừng thiếu kiên định, nguyên tắc thì tốt nhưng đừng trở nên cứng nhắc.

47/ Đâu là những ơn Chúa ban? Là tất cả những ơn Cha ban cho ta, Ơn ta thấy được cũng như những Ơn ta không nhận ra. Chúa ban nhiều ơn hơn ta tưởng, có biết bao ơn Cha ban mà ta cứ tưởng là ơn tự nhiên, ta thường đau khổ vì những ơn cha không ban mà ta quên rằng đời ta được bao bọc bằng muôn vàn ân sủng. « Con tạ ơn vì Cha cương quyết không ban ơn đó cho con, bởi điều đó sẽ có hại hoặc Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn. »***

 

Bài 4: VƯỢT QUA MỌI THỬ THÁCH NHỜ KHIÊM TỐN

48/ Bối cảnh của câu chuyện phép lạ: Miền Tia và Siđôn là hai miền đất cuối cùng ở  Tây Bắc xứ Palestin. Đa số dân chúng ở đây là người Do Thái sinh sống chung với dân ngoại . Vì thế dân ngoại cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều về phương diện hiểu biết lề  luật của Chúa, Nên chúng ta không khỏi ngạc nhiên nếu có một số người ngoại đạo lại biết một số đoạn kinh thánh nho nhỏ. Điều này giải thích danh từ : “Con Vua Đa-vít” mà người phụ nữ Ca-na-an đã dùng để thưa với Chúa Giê-su.

49/ Vì sao Chúa Giê-su lại lên miền tận vùng này? Có lẽ ý Người muốn  lên đây để đào tạo các Môn đệ thong thả hơn. Nhất là qua cách Chúa Giê-su cư xử với người Phụ Nữ Ca-na-an. Chúa muốn dạy các Môn đệ một bài học thường thức. Họ sẽ nhớ lại khi đặt vấn đề người ngoại giáo gia nhập Giáo hội, gia nhập Nước Trời. Vì họ biết là không thể nào từ chối không cho ngoại giáo gia nhập được. Qua đoạn Tin Mừng này tuy bề ngoài có vẻ cứng cỏi, nhưng cho thấy rõ là Chúa Giê-su quan tâm người ngoại giáo cách sâu xa và Người cũng rất yêu thương họ.

50/ Vậy đoạn Tin Mừng hôm nay chứng tỏ điều gì? Nó cho ta thấy rằng : Người ngoại giáo có một khả năng mới mẻ, mãnh liệt để đón nhận Đức Tin, và Đức Tin của chị phụ nữ Ca-na-an  đánh động và giúp chúng ta nhận ra nhiều điều mới mẻ .

51/ Đây có phải là một Đức Tin khiêm tốn không? Người phụ nữ bất hạnh có một đứa con gái bị ốm, bà đau khổ đến nỗi phải kêu tới Chúa Giê-su, nhưng tiếng kêu của bà ta không có vẻ hiếu thắng. Bà ta không có ý thức là mình đang nêu ra một quyền lợi, trái lại khi nghe Chúa đưa ra một bất lợi cho tình thế của bà, đó là Ngài đến chỉ để hoạt động ở Israel chứ không phải để giúp đỡ cho người ngoại giáo.

52/ Người phụ nữ Ca-na-an đã tỏ thiện chí thế nào? Bà ta đã trả lời bằng cách làm nổi bật mức độ cầu xin, bà đã cầu xin quyết liệt và tự đặt mình ngang hàng với đàn chó chỉ sống bằng những mảnh vụn thừa từ nơi bàn ăn rơi xuống. Bà đã thể hiện và bộc lộ Đức Tin với tính cách khiêm nhường khiến Chúa Giê-su phải xiêu lòng.

53/ Đức Tin ở trường hợp này là gì? Đức Tin ở đây là một tiếng kêu tự nhiên, nếu phải phân tích kỹ, chúng ta thấy ở trong đó ẩn chứa một dấu hiệu của sự đau khổ lớn lao, một sự choáng váng vì cậy trông quá mức, và tiếp theo là một sự an tâm đầy tin tưởng.

54/ Kết quả là gì ? Khi người phụ nữ Ca-na-an được Chúa trả lời, như thế là bà đã được Chúa quan tâm đến, bà đã nắm chắc phần thắng. Như một cách chắc chắn là bà cảm thấy Chúa sẽ chữa lành cho đứa con gái của bà.

55/ Tại sao đây là một Đức Tin nài nỉ? Đức Tin dừng lại mạnh mẽ ở một điểm rất rõ ràng: Chúa Giê-su có thể chữa lành đứa bé bị ốm. Trước mặt Chúa, người Phụ nữ đã nhấn mạnh và nhắc lại lòng tin tưởng của bà vào quyền năng và lòng nhân từ của Chúa. Tuy bà có bị xua đuổi một cách cứng rắn, nhưng bà vẫn tỏ ra kiên nhẫn như là ngoan cố, cái kiểu ngoan cố đặc biệt của một bà mẹ.

56/ Đây là một kiểu thể hiện Đức Tin mới mẻ: Các tông đồ cho rằng : Cách làm của người phụ nữ Ca-na-an chỉ là quấy rầy. Còn Chúa Giê-su lại đưa ra vấn đề quyền ưu tiên của người Do Thái, Nhưng người phụ nữa đã làm thay đổi tất cả và bà đã buộc mọi người phải đi thẳng tới vấn đề cứu chữa cho con bà, điều này sẽ khiến tất cả chúng ta phải suy nghĩ.

57/ Chúng ta thấy thế nào về lời nài xin của người đàn bà Ca-na-an? Lời cầu xin của bà thật cảm động, thật chân thành, thế mà sao Chúa lại không đáp lời? Chúa Giê-su lại là Đấng rất nhân từ trước những người cùng khổ chạy đến kêu cầu Ngài. Hơn nữa Ngài đã dạy cho các Tông đồ cách cầu nguyện: Hãy gõ cửa thì sẽ mở cho; Thế mà sao lúc này Chúa lại lặng thinh, không trả lời, chắc chắn là phải có lý do.

58/ Thái độ của các Môn đệ: Các Môn đệ không hiểu được thái độ của Chúa, và các ông cũng không muốn bị quấy rầy nên đã nói với Thầy mình : Xin Thầy bảo bà ấy về đi…Các ông cũng hiểu lầm thái độ im lặng của Chúa như là một sự từ chối nên các ông cũng muốn phủi tay.

59/ Thái độ của Chúa Giê-su : Không những Chúa chỉ im lặng mà Ngài còn lên tiếng chối từ  lời van xin của người đàn bà trong cơn thử thách : Ta chỉ được Sai đến với nhà Israel

60/ Thái độ người đàn bà xứ Ca-na-an: Đứng trước một thử thách nặng nề về lòng tin như vậy, bà đã không ngã lòng trước lời từ chối của Chúa. Bà đến sụp lạy và thân thưa với Ngài rằng : Lạy Ngài, Xin thương giúp tôi. Bà không thắc mắc, không giận lẫy hay trách móc Chúa thế này, thế kia. Nhưng bà lại khiêm tốn hạ mình hơn nữa, bà không van xin bằng lời mà còn van xin bằng cả con người bằng cách sụp lạy.

61/ Sự thử thách của Chúa: Sự im lặng của Chúa, sự từ chối của Ngài là một thử thách trong Đức Tin và thử thách trong việc cầu nguyện. Chúa muốn thử thách để bà van xin nhiều hơn nữa : “Không lấy bánh dành cho con mà ném cho chó” Lời nói cứng này xem ra không phù hợp với một con  người đầy lòng nhân từ và yêu thương như Chúa.

62/ Thử thách này gần như đã đến mức độ cuối cùng. Ai có thể vượt qua ? Nhưng người đàn bà dân ngoại này đã vượt qua được, bà đã mạnh dạn thưa với Chúa Giê-su  như sau : “Thưa Ngài đúng lắm, nhưng chó con cũng được phép ăn các mụn bánh rơi…”

63/ Người đàn bà vượt qua thử thách nhờ vào đâu? Nhờ vào tâm hồn khiêm tốn, nhờ đó bà đã trưởng thành trong Đức Tin. Cuối cùng Chúa Giê-su mới trả lời : Này bà, Đức Tin  của bà đã được chấp nhận, bà muốn sao thì sẽ được như vậy. Đây là bài học lớn cho tất cả Ki-tô hữu chúng ta.****

 

TÓM Ý

1/ Bài Tin mừng hôm nay nói về ai ?Tin Mừng hôm nay Chúa Yesus khen ngợi Đức Tin mạnh mẽ, tin tưởng và kiên trì,  khiêm tốn của người đàn bà xứ Ca-na-an.

2/ Làm sao để có đức tin mạnh ? Đức Tin cũng được sánh ví như các bắp thịt trong cơ thể, bắp thịt lâu ngày dễ bị suy yếu nên cần luyện tập thường xuyên. Càng luyện tập ,Đức Tin càng mạnh mẽ.

3/ Phải luyện tập Đức Tin như thế nào? Học hỏi Lời Chúa, tìm hiểu ý nghĩa bài Phúc Âm, tham dự Thánh lễ sốt sắng, cầu nguyện chung, riêng nhiều hơn.

4/ Làm sao có thể tỏ lòng mến Chúa ?Càng tin Chúa thì càng mến Chúa, càng sống Bác Ái thì càng chứng tỏ lòng yêu mến của mình. Bởi thế Tin và Mến như hai chị em, luôn đi đôi với nhau như 2 đường rầy xe lửa, khi thấy cái này thì cũng tìm được cái kia. Đức Tin và Đức Mến như thân xác với linh hồn, khi chúng ta tin Chúa thì cũng muốn làm điều gì đó cho Ngài.* Giải thích rõ hơn: Khi chúng ta cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, thì cũng chính lúc đó chúng ta nghiệm ra rằng : Chúng ta đang làm điều đó cho Chúa.

5/ Người phụ nữ Cana-an đến với Chúa là vì ai ? Người phụ nữ Cana-an đến với Chúa vì yêu con mình chứ không phải vì chính bản thân bà. Bà đến với tư cách làm mẹ, một người mẹ đầy lòng yêu thương, sẵn sàng chấp nhận mọi sự vì con. Chính vì thế bà đã được Chúa khen ngợi,

6/ Đức Tin của chúng ta thăng trầm ra sao ? Trong cuộc sống, đức tin cũng có những lúc tươi sáng, phấn khởi cũng có những ngày ảm đạm khủng hoảng. Nếu niềm tin bị suy yến, chúng ta cần chuyên tâm cầu nguyện, siêng năng học hỏi Lời Chúa. Hãy thực hiện nhiều việc Bác Ái, nhờ đó chúng ta có thể gặp được Chúa trong những người anh em của chúng ta.

7/ Làm sao để Đức Tin được vững vàng ? Ta phải tin Chúa trong mọi hoàn cảnh : Một người Do Thái trên đường chạy trốn Đức Quốc Xã, anh ta đã viết thế này : Tôi tin vào Mặt Trời ngay cả khi lúc nó không chiếu sáng, tôi tin vào Tình Yêu ngay cả khi nó vắng bóng. Tôi tin vào Thiên Chúa ngay cả khi Ngài đang yên lặng.

8/ Người phụ nữ kiên trì như thế nào? Bà nài xin Chúa nhìn đến nỗi đau của người mẹ  đang đau lòng vì thương con, nhưng Chúa Yesus không đáp lời. Lắm khi chúng ta cũng gặp phải sự thinh lặng như thế, không phải vì Chúa không thấy, không nghe, nhưng Chúa muốn chúng ta biết đợi chờ.

9/ Lúc nào thì lòng tin cần phải nhẫn nại ? Bà chẳng ngã lòng cho dù Chúa vẫn giữ im lặng. Bà cứ đi theo mà kêu xin mãi cho dù bị từ chối / bà còn chạy đến giáp mặt nài xin cứu giúp. Bà đã bị Chúa từ chối thẳng thừng, còn bị ví mình như là vật nuôi trong nhà, không đáng được hưởng phần cơm bánh của con cái.

10/ Khi nào thì ta cần khiêm tốn? Bà khiêm tốn khi nghe Chúa so sánh. Nhưng bà chấp nhận mình là thân phận chó con, chỉ được phép trông chờ vào những mảnh vụn bánh từ trên bàn chủ rơi xuống. Sức mạnh lòng tin của bà là ở nơi sự khiêm tốn, không dám đòi hỏi, chỉ biết kêu xin và trông chờ.

 11/ Chúa Yesus đã xử sự như thế nào ? Chúa Yesus không cứng ngắc trong nguyên tắc, dù  Ngài biết rõ sứ vụ Chúa Cha giao cho Ngài. Ngài chỉ được Chúa Cha sai đến để cứu giúp nhà Israel thôi. Ngài cứ để cho trái tim rộng mở bởi Ngài đã xúc động trước lòng tin của người phụ nữ.

12/ Chúng ta cần có tâm tình nào? Tất cả những ơn Chúa ban : Ơn ta thấy được, Ơn không nhận ra. Chúa ban nhiều ơn hơn ta tưởng, có rất nhiều ơn Chúa ban mà ta cứ tưởng là ơn tự nhiên. Ta thường đau khổ với những ơn Cha không ban cho mà quên rằng : Đời ta luôn được bao bọc bằng ân sủng. Những ơn Cha quyết không ban hoặc là có hại, hoặc Cha muốn ban ơn lớn hơn.

13/ Chúa Giê-su đang ở vùng nào? Ti-a và Sidon là miền đất dân ngoại nằm phía tây bắc Palestin, đây là 2 cảng lớn và danh tiếng.

14/ Tại sao Chúa lại đến đây? Chúa muốn lên vùng đất này để bớt ảnh hưởng chống đối của biệt phái, cũng để huấn luyện các Môn đệ thong thả hơn. Chúa Yesus rất quan tâm đến người ngoại giáo và muốn các môn đệ lưu ý tới việc người ngoại giáo gia nhập đạo.

15/ Đoạn Tin Mừng cho thấy điều gì ?: Người ngoại giáo có một khả năng mãnh liệt để đón nhận Đức Tin, bằng chứng là lòng tin mãnh liệt và kiên trì của người phụ nữ Ca-na-an.

16/ Chị phụ nữ đã tỏ thiện chí như thế nào? Chị phụ nữ đã tỏ thiện chí và cách trả lời của chị làm nổi bật mức độ cầu xin, chị đã quyết liệt nên tự đặt mình ngang hàng với loài chó nuôi. Và chị chờ đợi những ban ơn dư thừa từ con cái Israel. Đức Tin của chị ẩn chứa một sự cậy trông và sự an tâm  tin tưởng hết sức.

17/ Chị đã tin như thế nào? Đức Tin của người phụ nữ ẩn chứa một nỗi khổ đau tuyệt vọng, đây là một Đức Tin nài nỉ. Chị tin rằng Chúa Yesus có thể chữa lành cho những kẻ ốm đau, nên trước mặt Chúa chị nhắc lại lòng tin tưởng vào quyền năng và lòng nhân từ của Chúa. Tuy chị có bị xua đuổi cách cứng rắn, nhưng chị vẫn tỏ ra sự kiên nhẫn đặc biệt của một bà mẹ .

18/ Các tông đồ đang nghĩ gì? Các tông đồ cho rằng cách làm của người phụ nữ Ca-na-an chỉ là quấy rầy, còn Chúa lại đưa ra quyền ưu tiên của người Do Thái. Còn chị phụ nữ lại tỏ ra quá kiên trì và tin tưởng và buộc mọi người phải đi thẳng tới vấn đề, chính vì thế Chúa Yesus đã chữa cho con bà, bài học này đã buộc chúng ta phải suy  nghĩ.

19/ Thái độ của Chúa mang ý nghĩa gì? Người phụ nữ thì rất chân thành, còn Chúa Yesus lại là Đấng đầy lòng thương xót, hơn nữa Chúa Yesus vẫn dạy các môn đệ là hãy kiên trì trong lời cầu nguyện : Hãy gõ cửa thì sẽ mở cho . Chúa lặng thinh và tìm cách thoái thác vì muốn thử lòng chị .

20/ Vì sao các môn đệ lại đối xử như vậy? Các môn đệ không hiểu thái độ của Chúa Yesus. Các ông thấy sự im lặng của Chúa như  là một cách chối từ, nên các ông cũng muốn phủi tay.

21/ Chị phụ nữ đã ứng xử ra sao? Đứng trước sự thử thách nặng nề ấy, bà đã không ngã lòng, bà đến sụp lạy và thân thưa cùng Ngài : Xin thương giúp tôi!. Bà không trách móc, giận lẫy thế này, thế kia nhưng bà khiêm tốn hạ mình hơn nữa. Không những bà van xin bằng lời nói mà còn van xin bằng cả con người của mình . (Sụp lạy).

22/ Chúa muốn thử bà để làm gì? Chúa muốn thử thách để bà van xin nhiều hơn nữa / xem ra những câu Chúa nói với bà không phù hợp với một con người đầy lòng nhân từ và thương xót như Chúa.

23/ Cuối cùng bà đã được điều ngì? Người đàn bà đã vượt qua thử thách cuối cùng, nhờ vào lòng khiêm tốn, nhờ đó bà đã trưởng thành trong Đức Tin, nên cuối cùng Chúa mới trả lời : Này bà, Đức Tin của bà đã được chấp nhận. Bà muốn sao, sẽ được như vậy!**R

 

Giuse Luca / Kinh Thánh Emmaus


Trở lại      In      Số lần xem: 1280
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  9
 Hôm nay:  458
 Hôm qua:  2309
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11447902
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top