Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu và sống Tin Mừng CN 23 Thường Niên A (Giuse Luca)

CHÚA NHẬT  XXIII THƯỜNG NIÊN   A 

ĐỀ TÀI: CÁCH SỬA LỖI CHO NGƯỜI ANH EM.

 

Tung hô Tin Mừng:   2. Cr 5,19

Haleluia. Haleluia. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người, và giao cho chúng tôi công bố lời hòa giải. Haleluia.

PHÚC ÂM:  Mt 18, 15-20

Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em.

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mát-thêu.

15 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: "Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em. 16 Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. 17 Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế.

18 "Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em ràng buộc những điều gì, trên trời cũng ràng buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.

19 "Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. 20 Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ."

Đó là lời Chúa.

 

 NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI D HIỂU BÀI TIN MỪNG

1/ Định nghĩa con người là gì ?

2/ Con người sống như thế nào?

3/ Tính khí của mỗi con người là như thế nào?

4/ Con người phải sống chung ra sao ?

5/ Vì sao ta phải sống quảng đại ?

6/ Hậu quả của những lỗi phạm ra sao ?

7/ Chúng ta cần cư xử như thế nào?

8/ Có mấy cách nhắc nhở ?

9/ Phải sửa lỗi cho anh em theo tinh thần nào ?

10/ Giáo hội lúc trước đã sai lầm như thế nào?

11/ Làm sao để tránh những điều đáng tiếc ?

12/ Có mấy cách vâng lời ?

13/ Điều kiện để đối thoại là gì ?

14/ Nên sửa lỗi theo tinh thần nào?

15/ Thế nào là can thiệp khắc nghiệt ?

16/ Giáo hội gồm toàn những ai ?

17/ Sửa lỗi phải quan tâm là gì?

18/ Sửa lỗi phải can đảm là gì ?

19/ Sửa lỗi phải trân trọng là gì? 

20/ Sửa lỗi phải tế nhị là gì ?

21/ Sửa lỗi phải kiên trì là gì ?

22/ Nền tảng nào cho việc sửa lỗi ?

23/ Tại sao Hội thánh vẫn chưa tốt ?

24/ Thái độ cần có khi sửa lỗi anh em là gì ?

25/ Tại sao sửa lỗi cần khách quan ?

26/ Muốn góp ý cần tế nhị, kiên nhẫn, yêu thương , tại sao ?.

27/ Tại sao chúng ta cần đổi mới ?

28/ Tại sao có lúc nhẫn nại lại không tốt ?

29/ Luật lệ cộng đoàn để làm gì?

30/ Luật sống chung trong Giáo hội nhằm mục đích gì ?

31/ Giáo hội đang mong ước điều gì ?

=>  Hãy tìm câu trả lời từ bài “Tóm ý”.

 

Bài 1: NHẮC NHỞ NHAU

1/ Định nghĩa con người là gì? Con người là động vật xã hội, có lý trí, có tình cảm, sống có mục đích, biết chế tác và sử dụng dụng cụ, biết truyền đạt kinh nghiệm sống lại cho hậu thế.

2/ Con người có thể sống đơn độc không? Từ định nghĩa trên, chúng ta thấy không ai có thể sống đơn độc, lẻ loi một mình như một ốc đảo giữa biển khơi hay một pháo đài biệt lập, trái lại chúng ta phải sống với người khác.

3/ Hệ quả của việc sống chung: Nếu sống chung, chúng ta không thể nào tránh đi cho hết những va chạm, bực bội và buồn phiền bởi vì : bá nhân, bá tánh, mỗi người đều có một tính tình riêng. Hơn nữa nhân vô thập toàn, ai cũng có sai lỗi, ai cũng có khuyết điểm của mình.

4/ Chúng ta cần làm gì khi bị va chạm? Đứng trước những sai lỗi của người khác, chúng ta hãy biết nhường nhịn và chịu đựng, quên đi và tha thứ. Hãy nhớ câu: ‘Một sự nhịn chín sự lành’, nhờ đó chúng ta sẽ tạo được một bầu không khí hòa thuận, cảm thông, hơn nữa chúng ta còn phải can đảm nói cho nhau sự thật. Chúng ta còn phải đợi dịp thuận tiện, dùng lời nói ôn tồn để nhắc bảo nhau ,hầu giúp nhau thăng tiến, thay đổi lối sống.

5/ Nếu bản thân ta sai lỗi, ta phải làm sao? Nếu bản thân chúng ta sai lỗi, khi có người khác nhắc bảo, chúng ta hãy can đảm nhận lỗi và xin lỗi. Bởi vì chính những sai lỗi này mà người khác đau khổ và buồn phiền. Nếu những lời nhắc bảo mà sai, chúng ta hãy sẵn sàng bỏ qua, còn nếu đúng thì chúng ta hãy cố gắng uốn nắn sửa đổi để nhờ đó chúng ta có cơ hội đổi mới cuộc đời. Bởi vì ai khen ta phải thì đó là bạn, ai chê ta phải thì đó là Thầy ta.

6/ Cách nhắc nhở những sai lỗi: Trước hết, điều chúng ta muốn nhắc bảo phải là những sai lỗi, không phải chỉ những sai lỗi đến với chúng ta hoặc gây thiệt hại cho chúng ta. Mà còn là những sai lỗi nói chung, những tội phạm bề ngoài gây nên gương mù gương xấu. Mục đích không phải là nhằm để phê bình chỉ trích mà là để cứu thoát người anh em, trình bày những sai lỗi và để uốn nắn họ. Bởi Chúa Giê-su đã phán: Nếu nó nghe con thì con sẽ cứu được nó… và con sẽ được lợi thêm một người anh em.

7/ Tội lỗi là gì? Tội lỗi là sự ác to lớn nặng nề nhất, sự lầm lạc tai hại nhất vì thế khi ta nhắc nhở người anh em, cũng là một công việc bác ái cao thượng nhất. Hơn nữa nếu không nhắc bảo, nhiều khi còn có hại cho chúng ta. Bởi chính chúng ta phải liên đới trách nhiệm đối với linh hồn người khác , mà một ngày kia chúng ta cũng phải trả lẽ trước mặt Chúa.

8/ Có mấy cách nhắc bảo? Chúa Giê-su đưa ra 3 cách nhắc bảo, Chúa đã phân chia thành 3 giao đoạn. Trước hết là phải nhắc bảo riêng tư giữa họ với ta. Nếu giải pháp đó không xong thì ta cần dùng giải pháp thứ hai. Đó là hãy giải quyết vấn đề với hai ba nhân chứng, chứ không phải như là tố cáo hay đưa nhau ra tòa. Nếu giải pháp thứ hai cũng không xong, thì phải đem đến cho Giáo Hội. Giáo hội ở đây là Giáo hội địa phương, có nghĩa là chúng ta cần nhờ quyền bính phần đạo chứ không phải là quyền bính phần đời. Bởi vì đây không phải là trường hợp án phạt, nhưng là để cảm hóa. Nếu đã đến lúc này mà họ vẫn không chịu nghe thì đành phải coi họ như người ngoại giáo, bị loại ra khỏi Giáo hội.

9/ Đâu là quyền bính của Giáo hội? Để xác nhận quyền bính của Giáo hội, Chúa Giê-su còn nói thêm: Sự gì các con cầm buộc, trên trời cũng cầm buộc. Sự gì dưới đất chúng con tháo cởi, trên trời cũng tháo cởi.

10/ Vì sao gọi là nghĩa vụ đòi buộc? Nhắc bảo anh em là một nghĩa vụ bác ái đòi buộc chúng ta phải thi hành nhưng phải làm với tinh thần siêu nhiên, phù hợp với yếu tố bác ái .

11/ Điều đáng tiếc nào đã xảy ra với Giáo hội? Trong việc phân rẽ của gia đình Ki-tô giáo, nhiều vị lãnh đạo của Giáo hội đã có những lầm lẫn đáng tiếc, chưa thể cứu vãn được. Đã trải dài qua nhiều thế kỷ mà không hàn gắn được. Xét về lý, thì Giáo hội có đủ lý để thắng, nhưng về cách thức thi hành thì đã xảy ra quá nhiều điều đáng tiếc. Chính vì thế mà Đức Phao-lô 6 đã xin lỗi anh em Chính thống giáo cũng như Tin lành về những điều đáng tiếc ấy. Đây là những hành động trong quá khứ , đáng cho chúng ta phải luôn suy nghĩ.

12/ Ranh giới của sự tế nhị và sự đổ vỡ: Việc nhắc bảo anh em, nếu không khéo léo tế nhị thì có thể đi đến đổ vỡ. Chính vì thế Chúa Giê-su đã bảo chúng ta: Trước hết hãy nhắc bảo riêng tư để tìm thấy sự thông cảm, chân tình.

13/ Vâng lời tối mặt và vâng lời đối thoại: Ngày nay chúng ta vẫn thường nghe nói nhiều đến từ ngữ đối thoại. Tuy nhiên người ta đã lạm dụng hành động này. Bởi vậy trong bức thông điệp Ecclesian Suam: Giáo hội của Chúa, Đức Phao-lô 6 đã định nghĩa: Đối thoại là một nghệ thuật thông cảm siêu nhiên.

14/ Điều kiện để có thể đối thoại: Đó là phải minh bạch, không úp mở, không giấu giếm, không thủ đoạn. Tiếp đến là phải dịu hiền, xuất phát từ lòng yêu thương và lòng kính trọng lẫn nhau, tín nhiệm của người nói và thiện chí của người nghe. Đây là điều kiện để nhắc bảo nhau, để chúng ta có thể thực hiện một hành vi bác ái, cao trọng, đẹp lòng Chúa.

15/ Thái độ ứng xử trước những lỗi lầm của kẻ khác: Làm người thì ai cũng có lỗi lầm. hễ còn sống trên đời này thì còn phạm lỗi lầm. Cho nên thái độ ứng xử trước lỗi lầm của kẻ khác không đơn giản. Đối với cách ứng xử lỗi lầm của kẻ khác, ta thường có hai thái độ: Hoặc quá khắc nghiệt, hoặc quá thờ ơ lãnh đạm! Trong cả hai thái độ này đều thiếu tinh thần xây dựng.

16/ Thái độ khắc nghiệt và thái độ thờ ơ: Thái độ khắc nghiệt là loại trừ khiến cho ta can thiệp quá thô bạo và đời tư của người khác, sẽ gây ra bất mãn, đổ vỡ. Nếu quá thờ ơ lãnh đạm, mặc cho sự xấu tràn lan ,sẽ làm cho xã hội mau suy thoái.

17/ Giáo hội của con người là gì ? Giáo hội là một cộng đoàn gồm những con người yếu đuối thấp hèn, lỗi lầm xảy ra là không tránh khỏi. Vì thế, muốn cho cộng đoàn phát triển thì việc sửa lỗi là rất cần thiết, nhất là những lỗi lầm công khai, nó sẽ ảnh hưởng đến đời sống cộng đoàn.**R

 

Bài 2: GIÚP ANH EM SỬA LỖI

18/ Sửa lỗi theo kiểu quan tâm: Chúa muốn chúng ta sửa lỗi thì phải quan tâm, bởi vì người sai lỗi không phải là ai đâu xa lạ, đó là anh em tôi, là người thân của tôi. Nếu sai lỗi giống như một cơn bệnh, thì sao tôi không mau mắn chạy chữa cho người thân, nhất là với chính bản thân mình. Nếu lỗi lầm như là lạc mất người thân thì tại sao tôi không chạy đi tìm ngay ?

19/ Muốn sửa lỗi cần phải can đảm: Càng ngày người ta càng tránh, không muốn đụng chạm, mất lòng. Dại gì nói chuyện không có lợi để mua thù chuốc oán vào thân, cho nên muốn sửa lỗi thì cần phải can đảm. Can đảm khi dám đến với người lầm lỗi, can đảm nói lên sự thật về lỗi lầm của họ, can đảm chấp chận rủi ro. Do có thể gặp phải sự giận ghét, công kích hay bị phê bình ngược lại.

20/ Muốn sửa lỗi phải biết trân trọng: Trân trọng họ vì họ là anh em của tôi, là người đáng tôi quý mến, trân trọng vì cho dù anh em tôi lầm lỗi, họ vẫn có khả năng sửa đổi. Sửa lỗi là tin vào thiện chí, tin vào mầm móng, vào tấm lòng tốt đẹp mà Chúa đã ban vào lương tâm con người. Thái độ lên mặt kẻ cả khi sửa lỗi kẻ khác, chỉ chuốc lấy thất bại.

21/ Muốn sửa lỗi cần phải tế nhị: Tâm hồn của người phạm lỗi rất mong manh, đầy tự ái, đầy mặc cảm. Nếu không biết nói khéo, sẽ gây đổ vỡ. Chỉ cần một lời nói vô tình sẽ gây thêm hố ngăn cách. Vì thế Chúa bảo phải biết tế nhị khi sửa lỗi, thoạt tiên chỉ nên gặp riêng, gặp riêng là tỏ thái độ tế nhị, tế nhị sẽ tạo ra một cảm giác an toàn, kính trọng yêu thương. Tạo ra bầu khí thuận lợi, tín nhiệm, dễ cởi mở tâm tình, dễ khai thông bế tắc ,là chiếc cầu nối đưa kẻ lầm lỗi trở về với cộng đoàn.

22/ Muốn sửa lỗi phải kiên trì: Sửa lỗi đâu phải là việc đơn giản, hễ cứ muốn làm là thành công ngay vì thế cần kiên trì, cần có nhiều phương án kiên trì để có thể tiếp tục dù đã thất bại, kiên trì tạo ra cương quyết để đi đến thành công. Sửa lỗi phải đi từng bước từng bước.

23/ Ba phương án của Chúa: Hãy dùng ba phương án của Chúa để chinh phục anh em.

a/ gặp riêng; b/ gặp có người làm chứng; c/ sau cùng mới đưa ra cộng đoàn.

24/ Sửa lỗi phải do tình yêu thúc đẩy: Sửa lỗi phải xuất phát từ tình yêu. Chính bầu khí tình yêu sẽ giúp cộng đoàn phát triển. Ai cũng muốn được sống trong một cộng đoàn yêu thương như thế. Vì khi ta phạm lỗi ,ta sẽ biết mình không bị loại trừ, nhưng sẽ được anh em quan tâm yêu thương giúp đỡ cách chân thành tế nhị và đầy lòng yêu thương!

25/ Cộng đoàn Hội Thánh gồm những ai? Cộng đoàn Hội Thánh gồm 3 thành phần :

a/Hội Thánh khải hoàn là các thánh trên trời; b/ Hội Thánh thanh luyện là các linh hồn Thánh nơi luyện ngục; c/ Hội Thánh chiến đấu là các Ki-tô hữu ở trần gian. Các Ki-tô hữu là anh chị em với nhau (Mt 23,8). Và cũng là anh chị em với Đức Ki-tô ,họ biết thi hành Thánh ý Cha trên trời (Mt 12,48-50), vì Hội Thánh cũng bao gồm cả những người ở trần gian nên vẫn có người lỗi phạm, đời sống của họ có khi nghịch lại với đòi hỏi của niềm tin.

26/ cách đối xử với những anh em có lỗi phạm: Chúng ta không thể lạnh lùng khi thấy anh em mình sa ngã, bởi lẽ tất cả chúng ta cùng làm nên một thân thể, nên chúng ta cũng phải mang vết thương cho nhau. Trước hết chúng ta phải mạnh dạn góp ý, chỉ những người yêu thực sự mới dám góp ý thẳng thắn. Nhiều khi chúng ta chỉ dám nói sau lưng, nhiều khi chúng ta không đủ can đảm góp ý. Vì sợ họ giận mình, sợ mất quyền lợi, sợ bị góp ý ngược lại, góp ý xây dựng là một dấu chỉ của yêu thương chứ không phải là :“bới lông tìm vết”. Cần phải kín đáo và tôn trọng nhau.

27/ Cách sửa lỗi khách quan: Nếu người sai lỗi cứ bướng bỉnh, cố chấp thì ta nên đem theo vài người nữa, không phải để là làm áp lực, nhưng là để cho thấy sự khách quan của mình. Nếu họ không chịu nghe thì phải đưa ra cộng đoàn, nếu họ cũng không chịu nghe cộng đoàn thì ta phải chấp nhận thái độ tự cô lập của họ.

28/ Cách góp ý: Cần tế nhị, kiên nhẫn, yêu thương. Bởi vì Thiên Chúa không muốn ai phải hư mất. Tuy nhiên Ngài cũng không muốn có gương xấu xảy ra. Góp ý cũng là một bổn phận của yêu thương, nhưng bản thân của tôi cũng cần được góp ý. Một cộng đoàn trưởng thành thì phải có khả năng ngồi lại góp ý cho nhau.

29/ Tại sao chúng ta cần phải có tinh thần sám hối canh tân? Chúng ta đang sống trong tinh thần này, nếu chúng ta muốn góp phần canh tân Giáo hội, chúng ta mỗi người phải tự canh tân chính bản thân mình. Sống yêu thương là phải dám góp ý và cần khiêm tốn để nhận được sự góp ý. Chúng ta có thói quen chỉ thích sống trong bầu không khí chịu đựng lẫn nhau, luôn giữ kẽ, luôn muốn dĩ hòa vi quý/ làm như thế là chúng ta muốn duy trì một sự trì trệ kéo dài.

30/ Luật lệ sống chung: Trong cộng đoàn thường có những luật lệ sống chung, hơn nữa Giáo quyền cũng cho phép ban hành những luật sống đó, và cuối cùng tất cả đều được thực hiện nhân danh Đức Ki-tô. Chính vì thế mà có Chúa Ki-tô luôn hiện diện trong đó.

31/ Luật sống chung trong Giáo hội: Luôn nhắm đến một mục đích là làm sao cho đức ái được mọi người tôn trọng, nên Chúa đã chỉ dẫn cho chúng ta cách thức phải tuân giữ, trong trường hợp có tranh chấp, làm sao để tình bác ái yêu thương luôn ở giữa mọi sinh hoạt cộng đoàn.

32/ Một điều ước mong: Mong sao cho đến một ngày nào mà các Ki-tô hữu trên thế giới có thể ngồi lại với nhau để dàn xếp những bất đồng và trở nên một Giáo hội, một đàn chiên, một Chúa chiên duy nhất , như ý Chúa Giê-su mong muốn.**R

 

Bài 3: CÁCH CƯ XỬ VỚI NHỮNG CON CHIÊN LẠC

33/ Vì sao chúng ta cần phải coi lại thái độ của mình? Chúng ta là dân Chúa chọn, là những đứa con trong nhà. Chúng ta có bổn phận như người gác cửa. Chúng ta phải có thái độ tích cực vì đã được Chúa chỉ dẫn cách cư xử sao cho thích hợp với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

34/ Thiên Chúa muốn nói gì với chúng ta qua sách Ezekien ở bài đọc I? Chúa không muốn ai sống dửng dưng với kế hoạch của Chúa. Qua bài đọc một ,Chúa cho thấy tầm quan trọng và trách nhiệm của Dân Chúa, của hội thánh như những người lính canh. Nên chúng ta phải tỉnh thức, phải kiểm điểm lại trách nhiệm của mình.

35/ Vì sao Chúa lại nhắc nhở cặn kẽ như vậy? Chúa không muốn sự xấu lọt vào trong cộng đoàn dân Chúa. Nếu có, là do chúng ta xao nhãng phận sự canh gác, nhắc nhở báo tin ngày giờ Chúa sẽ đến. Vì có những phần tử trong cộng đồng chậm trễ, không chịu mau mắn đem ánh sáng đức tin soi sáng dẫn đường cho những vấn đề mà Thiên Chúa đã đặt ra và hội thánh có bổn phận phải canh giữ.

36/ Nguyên do chính của sự chậm trễ là gì? Người lính canh thì phải luôn đứng ở vọng gác. Phải tỉnh táo để nhìn ra xa và cấp thời báo cáo những điều cần thiết: Như là áp dụng đức tin, cậy mến vào các vấn đề của thời đại, mà anh ta lại bỏ đi chơi, hay chỉ lo lắng việc riêng tư ,cũng giống như là hội thánh nói chung và các cộng đoàn giáo xứ nói riêng, đã không chu toàn bổn phận loan báo tin mừng, mà lại đi lo những công việc khác, chiều theo khuynh hướng dễ dãi ở nơi chính mình.

37/ Vì sao Nước Chúa không tiến được? Thay vì nhìn ra những phương thức mới mà Chúa muốn dùng để thay đổi những cung cách quá xưa cũ thì chúng ta muốn bảo thủ, lập đi lập lại những hình thức quá cũ, quá nhàm chán, không còn có thể mang lại tinh thần đạo đức sống động. Lẽ ra chúng ta phải làm cho mọi người thấy rằng : Ơn cứu độ cũng cần phải đổi mới hình thức loan báo cũng như cách tiếp cận, để rồi đời sống dân Chúa chỉ có thể đẹp hơn, chứ không thể ngày càng xấu đi! Nhưng chỉ vì chúng ta cứ lập đi lập lại một cách quá nhàm chán đến buồn ngủ, theo một thói quen ngàn đời, chứ không có chút nào mới mẻ khiến cho nhiều người trong chúng ta cũng đâm ra rỉ-sét và hư hỏng theo.

38/ Công việc của Ezekien là gì? Chúa bảo Ezekien phải đóng vai trò người lính canh, cứ loan báo sứ điệp. Nhưng Ezekien quá chán ngán nên đã không muốn làm công việc này nữa vì ông thấy dân Chúa đã ra hư đốn, không muốn nghe, cũng chẳng muốn tuân giữ luật Chúa. Vì thế  nên tai ương sẽ giáng xuống và không có cách nào tránh khỏi. Và Chúa đã bảo ông cứ đứng ở vọng gác, làm đủ phận sự, còn dân Chúa nghe hay không là tuỳ họ. Như vậy tiên tri sẽ không bị tội , vì ông đã chu toàn phận sự của mình.

39/ Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta làm gì? Chúa bảo hội thánh, cũng như mỗi người chúng ta phải luôn tỉnh thức và không bao giờ được ngưng rao giảng sứ điệp cứu độ cho mọi người. Trước hết là bằng gương sáng đức tin. Sau đó là phải tiếp tục sống đạo, sao cho mọi mười nhờ đón nhận lời Chúa mà ăn năn hối cải.

40/ Chúng ta cần làm gì để các tội nhân ăn năn trở lại? Bên cạnh việc rao giảng chân lý và giáo lý phúc âm, chúng ta phải luôn tha thiết yêu cầu xin cho các tội nhân ăn năn trở lại. Chúng ta phải vui mừng như Ezekien khi thấy trước rằng: Mọi người sẽ ăn năn trở lại và ơn cứu độ sẽ chan hoà khắp nơi. Nhờ đó nhân loại sẽ được đổi mới và hạnh phúc sẽ từ từ chan hoà khắp nơi.

41/ Thiên Chúa đã nhấn mạnh điều gì? Ezekien chưa làm được điều gì khiến cho mọi người thoả mãn. Vị tiên chưa làm được điều gì để giúp cho kẻ có tội ăn năn hối cải. Chúa chỉ  nhấn mạnh đến việc mọi người phải tỉnh thức để rao giảng tin mừng, công bố giới luật của Chúa, nói cho họ biết về tình thương bao la của Thiên Chúa để họ mau quay trở lại đàng lành.

42/ Thánh Mattheo hôm nay đã nói cụ thể như thế nào? Ngài bảo chúng ta hãy thi hành cách cụ thể hơn, nhưng phải có tinh thần theo những điều kiện bắt buộc. Câu chuyện đang tiếp diễn sau khi Chúa nói: Ai là người lớn nhất trong Nước Trời và Chúa đã tuyên bố khi chỉ vào một em bé -> Là người lớn nhất. Vì thế cho nên ai làm gương xấu để em bé này hư đi thì sẽ bị cột thớt cối đá vào cổ mà xô xuống biển.

43/ Chúa Giê-su đã dạy điều gì tiếp theo? Trong khi các môn đệ chưa hiểu hết ý thì Chúa lại nói tiếp về con chiên lạc. và ý Cha trên trời là không muốn để mất một ai. Rồi Chúa lại căn dặn thêm : Khi anh em con phạm lỗi, thì con phải làm thế này....thế này...

44/ Như vậy Chúa cụ thể muốn chúng ta phải cư xử như thế nào? Chúa muốn chúng ta coi người anh em phạm tội như là một con chiên lạc, như một trẻ nhỏ như một người có thể là lớn nhất trong nước trời. Như vậy biện pháp mà chúng ta muốn đem áp dụng vào người anh em phạm tội đó , bằng một thái độ thương yêu, kính trọng.

45/ Vì sao lại như vậy? Vì Cha trên trời coi người anh em ấy như một con chiên lạc mà Ngài không muốn nó hư đi. Chúa bảo chúng ta tìm đến với người ấy không phải với một cây roi trên tay để la rầy, quở mắng, nhưng với tấm lòng yêu thương của Cha trên trời, một mục tử luôn đau xót vì con chiên lạc ấy.

46/ Chúa bảo chúng ta phải đối xử như thế nào? Người mục tử thì lo lắng tìm kiếm, động thái của anh ta diễn tả tấm lòng của cha trên trời muốn đi tìm tội nhân để đưa họ trở lại. Chúa muốn chúng ta hãy tìm đến với những người như thế bằng một phương pháp đầy yêu thương, quan tâm và xây dựng. **R

 

Bài 4: PHƯƠNG PHÁP SỬA LỖI 

47/ Phương pháp sửa lỗi của Chúa Giê-su như thế nào? Chúa đưa ra một phương pháp nhưng chia ra làm 3 giai đoạn; a/ Sửa lỗi cách riêng tư; b/ sửa lỗi trong tinh thần trách nhiệm; c/ sửa lỗi công khai.

48/ Chúa Giê-su dạy như thế nào? Trước hết phải nói riêng, nếu được thì hay quá. Nếu chưa có kết quả, thì theo truyền thống Cựu Ước chúng ta nên kéo thêm 2,3 người để lời chứng có thêm giá trị. Nếu cũng chưa được thì cũng cần đưa ra cộng đoàn. Nếu vẫn không kết quả thì cả cộng đoàn sẽ quyết định là người anh em kia phải bị loại trừ.

49/ Ý nghĩa của quyết định cuối cùng là gì? Biện pháp sau cùng này cũng có nghĩa là cộng đoàn đã đem vụ người anh em này ra xử  công khai. Khi đã công bố loại trừ thì cũng có nghĩa là đã “Rút phép thông công” với người ấy.

50/ Nhưng theo mạch văn của Thánh Mattheo, chúng ta nên hiểu đúng như thế nào? Đọc đoạn văn trên đây, nó không cho phép chúng ta nghĩ và quyết định như vậy. Vì cộng đoàn mà thánh nhân nói đến, chỉ là cộng đoàn nhỏ thôi. Và vì cộng đoàn nhỏ nên chúng ta chỉ nên đưa người anh em và xử bằng tình bác ái mà thôi chứ không có ý xử anh em như một toà án. Rồi thái độ của cộng đoàn không phải là lên án khai trừ nhưng là công nhận họ thuộc hạng người ở ngoài tầm tay, ngoài khả năng của mình. Nên chỉ còn cách là cầu nguyện cho anh em đó, để nhờ ơn Chúa hoán cải họ.

51/ Thái độ cần có của cộng đoàn là gì? Thánh sử muốn cho chúng ta hiểu rằng: Cộng đoàn cũng cần có  một thái độ khiêm tốn như một người Cha trên trời, Ngài chính là người mục tử nhân lành, và cũng bởi vì đoạn văn đang nói về người lớn nhất trong ngước trời, lại chính là một em bé. Nên không cho phép chúng ta hay bất cứ ai được nghĩ rằng: Mình cần có biện pháp mạnh mẽ, một thái độ trịch thượng đối với người anh em đang phạm tội.

52/ Như vậy có phải là cộng đoàn đang bó tay với một phần tử xấu không? Chúng ta đừng nên nghĩ thế với người anh em đang phạm lỗi. Vì họ chính là con chiên lạc mà chúng ta phải tìm về.

53/ Gặp trường hợp này, chúng ta nên xử như thế nào? Rõ ràng chúng ta phải tỏ lộ tình thương. Chúng ta phải chấp nhận chịu vất vả, khổ sở vì người anh em kia, phải đối xử êm ái, tế nhị. Họ như những tạo vật nhỏ bé, mỏng manh, dễ vỡ, ta mạnh tay là hỏng việc hết, phải nâng niu và từ từ.... hàn gắn lại.

54/ Chúa muốn chúng ta hiểu thêm điều gì nữa? Chúa muốn cộng đoàn phải hiểu giá trị và quyền hạn của mình : Chúng con cầm buộc hay cởi mở thế nào ở dưới đất, thì trên trời cũng sẽ làm như vậy. Chúng ta không nên nghĩ là cộng đoàn đã chịu thua người anh em bướng bỉnh kia. Nhưng người tự loại mình ra khỏi cộng đoàn chính là người thua thiệt vì chính y đã tự loại mình ra khỏi cộng đoàn nước Trời của các thánh. Chính y mới thiệt thòi chứ công đoàn đâu có sao.**R

55/ Sự hiệp nhất ở đây mang ý nghĩa như thế nào? Thiên Chúa hiệp nhất với cộng đoàn, nên ai ở trong cộng đoàn là ở trong Thiên Chúa. Ai lìa cộng đoàn là lìa xa Thiên Chúa, Cộng đoàn mà cùng chấp tay cầu xin thì sẽ được Thiên Chúa chấp nhận vì nơi nào có 2,3 người hợp ý lại, thì có Ta đang hiện diện ở giữa họ.

56/ Bài tin mừng chủ yếu dạy chúng ta điều gì? Thánh sử muốn giúp chúng ta biết cách cư xử với người anh em như thế nào cho hợp lẽ và hết tình. Nhưng mục đích chính vẫn là : hãy quý mến nếp sống cộng đoàn. Vì cộng đoàn luôn có Chúa ở giữa, Thiên Chúa luôn lắng nghe và chấp nhận mọi nguyện vọng của cộng đoàn, nhất là Chúa muốn ở nơi cộng đoàn luôn có tình yêu thương mênh mông sâu xa của Cha trên trời. Thiên Chúa muốn cộng đoàn như là một mục tử nhân lành, luôn khiêm tốn, yêu thương chăm sóc đoàn chiên đó mới chính là tư cách của một người lính canh mà giáo hội phải thể hiện khi muốn mang ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho mọi người.

57/ Tại sao Đức bác ái lại trở thành một món nợ? Tại sao lại mắc nợ? Ý thánh Phao-lô muốn dạy rằng: Đừng mắc nợ ai, chính là phải giữ sự công bằng với mọi người. Điều này đã khó, vậy mà khi đã giữ được công bằng rồi thì chúng ta vẫn còn nợ mọi người ở tình bác ái, và món nợ này sẽ chẳng thể nào trả xong.

58/ Thế nào là giữ trọn lề luật? Khi Chúa hỏi người thanh niên về  những điều luật căn bản, thì anh ta cho rằng mình đã giữ trọn. Nhưng điều quan trọng chính là phải giữ những điều ấy vì tình yêu thương. Bởi vì bác ái phải là động lực của mọi nhân đức khác. Bác ái là khởi hứng của công bình, dĩ nhiên trước tiên chúng ta phải chu toàn công bình với anh em rồi mới đến lượt là phải giữ trọn vẹn đức bác ái. Vì bác ái chính là mục đích của công bình, vì thiếu bác ái thì chưa thể chu toàn luật công bình / vì bác ái chính là đích cuối cùng của những việc công bình.

59/ Tại sao bác ái lại quá quan trọng như thế? Chúng ta phải cư xử với nhau đúng với tinh thần bác ái. Áp dụng vào việc sửa lỗi anh em, và chỉ những ai có lòng bác ái thì mới hiểu được ẩn ý nơi ba bài kinh thánh. Thiên Chúa là tình yêu/ Tâm tình của Thiên Chúa là yêu thương/ Nếu chúng ta không có tâm tình của Chúa thì làm sao chúng ta có thể hiểu nổi, làm sao có thể thi hành được điều Chúa dạy mà tâm tình của Thiên Chúa lại là chính sự sống của Thiên Chúa, mà tâm tình của Thiên Chúa chính là lòng yêu thương bao la của Người.

60/ Vậy ơn cứu độ là gì? Thánh lễ chính là sự hiện tại hoá hành vi cứu độ của Người, khi người dâng máu thịt chính mình làm của lễ giao hoà để đưa mọi người vào trong tình thương của Người, Người muốn tuôn đổ sự sống ấy vào lòng chúng ta. Chúng ta không sống do xác thịt nhưng sống theo thần khí của Thiên Chúa. Sự sống ấy được thúc đẩy do chính tình yêu của Chúa Ki-tô, nhờ tình yêu của Chúa Giê-su và những việc bác ái chúng ta làm, sẽ góp phần làm cho cộng đoàn sống chung với nhau bằng tinh thần huynh đệ hơn. **R

 

Bài 5: CHÚ GIẢI

1/ Đoạn 18, câu 15: Câu này không đặt nặng việc người tín hữu bị người anh em xúc phạm đã được bồi hoàn hoặc là xin lỗi. Những điểm nhấn ở đây là chuyện phục hồi, vấn đề được nhấn mạnh ở đây là làm sao để người anh em lầm lỗi có thể từ bỏ con đường sai lạc để quay về với nước Trời. Chúa đòi hỏi chính chúng ta, người đang bị xúc phạm, phải đi bước trước để vãn hồi trật tự.

2/ Điều chính yếu ở câu này không phải là sự sám hối của người có lỗi. Dĩ nhiên sám hối là điều rất cần thiết nhưng điều trọng tâm ở đây là: Những việc mà người bị xúc phạm cần làm là phải làm sao để người anh em của mình mau mau quay về với Chúa, khi anh em đó hoán cải, thì Thánh Thần sẽ thanh tẩy người ấy và sáp nhập họ vào nhiệm thể của Đức Kitô (1Cor 12,13). Người tín hữu là chúng ta không bao giờ được quan niệm: Họ có thể sống đời Kitô hữu mà không cần hiệp thông với cộng đoàn.  (hiểu sai)

3/ Chúng ta biết rằng: Các chi thể đều thuộc về một thân thể nên các tín hữu cũng thuộc về Chúa và thuộc về nhau, mỗi chi thể có chức năng và cần thiết cho mọi chi thể khác, cũng chính là cho toàn thân. Nhiệm thể Đức kitô cũng vậy, Thánh Thần ban phát ân huệ cho mỗi người, là cũng để xây dựng cho toàn thân.

4/ Khi một tín hữu xúc phạm một anh em khác, tức thì mối tương quan trong gia đình bị tổn thương. Vì thế chúng ta không được chậm trễ, hãy mau đến với người anh em phạm lỗi, hy vọng rằng họ sẽ lắng nghe ta, sau đó mối tương quan gia đình sẽ được tái lập.

5/ Đoạn 18, câu 16: Nếu bước đầu không thành công, người tín hữu đừng bỏ cuộc, hãy làm lại. Đức Giê-su đã chẳng bỏ cuộc (Mt 23,37 / Lc 13,8) cho dù lần đầu chưa đem lại sự thành công, thì nỗ lực đó cũng chưa phải là thất bại. Luật đã quy định: Một cuộc tranh cãi sẽ được giải quyết dựa vào lời chứng của hai hoặc ba nhân chứng (Đnl 17,6 /19,15 / Yn 8,17/ 2Cor 13,1/ 1Tm 5,19)

6/ Điều cần lưu ý rằng: Nếu người anh em kia không chịu lắng nghe, thì nguy cơ mất anh em càng gia tăng, cho nên việc cùng đi với hai hay ba người khác đến với người anh em có lỗi không chỉ đơn thuần là làm những gì luật buộc, cũng chẳng phải là làm áp lực để ép người kia ăn năn, dù rằng việc đó quan trọng, mà phải hiểu rằng đúng hơn là để nhờ lời khuyên lơn, nhờ có ba mặt một lời mà người phạm lỗi sẽ lắng nghe và mối tương quan gia đình sẽ không bị đánh mất.

7/ Điều này mang một hàm ý nữa: Trong cuộc gặp gỡ này, người tín hữu và những nhân chứng đi cùng với anh ta không được có thái độ kết án, mà chỉ là đem theo lòng thương yêu và chân thành, mong muốn mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp!

8/ Đoạn 18 câu 17: Hội Thánh ở đây có nghĩa là cộng đoàn địa phương. Nếu là một Hội Thánh thì luôn phải có một trật tự kỷ cương, vì lẽ đức tin và phẩm trật của Hội Thánh đều được đặt trên nền tảng là Lời Chúa. Nếu thiếu tinh thần kỷ luật sẽ làm tổn hại đến uy tín và sự kính trọng của Hội Thánh. Đương nhiên ở đây, cộng đoàn giáo hội địa phương là thẩm quyền cuối cùng.

9/ Như người ngoại giáo hay người thu thuế, là cách nói để diễn tả một người ở ngoài hội Thánh. Cũng là số người nằm bên ngoài ân sủng của Thiên Chúa, là những kẻ hư mất, những kẻ không được cứu và do vậy: Cộng đoàn địa phương không cần phải có trách nhiệm với họ.

10/ Hội Thánh địa phương vẫn phải cố gắng chinh phục bằng được anh em sai lỗi. Nhưng phải tránh tinh thần thỏa hiệp với người ấy bao lâu người ấy còn chưa chịu sửa lỗi, kẻ phạm tội ấy đã tự tách mình ra khỏi Hội Thánh.

11/ Họ tự loại mình ra khỏi cộng đoàn nếu họ không chịu nghe cộng đoàn địa phương. Nên nhớ người tín hữu liên đới với nhau như các bộ phận trong một thân thể, nên họ cần phải lắng nghe nhau. Nếu một người không chịu nghe ai, thì có nghĩa là Hội Thánh chẳng có giá trị gì với người ấy! Cho nên bất kể là người ấy có vỗ ngực xưng tên, thì Chúa Giêsu cũng chẳng bao giờ là Chúa của người ấy cả, cho nên người ấy cũng chẳng xem Chúa là đầu của Hội Thánh.

12/ Đoạn 18, câu 18: Ở đây thẩm quyền trước đây được trao cho Phêrô (Mt 16,19) giờ lại được trao cho toàn thể Hội Thánh. Đúng là Chúa Giêsu đang ngỏ lời với nhóm Mười Hai nhưng không phải trong tư cách môn đệ của Người. Nhưng đúng hơn là họ đang giữ vai trò nòng cốt của Hội Thánh (Câu 17/19/20)

13/ Một người được tha thứ hay không sẽ phụ thuộc vào việc người ấy có ăn năn hối cải hay không. Các tín hữu đã nhận được lời Chúa hứa: Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, thiên Chúa sẽ tha tội cho chúng ta và sẽ thanh tẩy chúng ta khỏi mọi điều bất chính (1Ga 1,9)

14/ Khi cộng đoàn địa phương thấy một người anh em phạm lỗi chịu lắng nghe, Hội Thánh có thể tuyên bố tháo cởi và thực tế là trên trời cũng sẽ tháo cởi cho người anh em ấy được tự do.

15/ Nhưng nếu người anh em ấy không chịu lắng nghe, thì Hội Thánh có quyền tuyên bố và hành động dựa trên thực tế là trên trời anh em ấy bị trói buộc, và vì thế Hội Thánh cần phải đối xử với người ấy như một người ở bên ngoài nhiệm thể, như những người thu thuế, tội lỗi đã ở bên ngoài nhiệm thể vậy.

16/ Đoạn 18, câu 19: Kỷ cương của Hội Thánh phải được củng cố và lấy sức mạnh từ lời cầu nguyện chân thành. Sức mạnh của Hội Thánh hệ tại ở việc duy nhất là sự hiệp nhất và ở đâu có sự hiệp nhất thì lời Chúa phán sẽ được nên trọn: Bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con (Yn 14,13/ Yn 15,7.16).

17/ Đoạn 18, câu 20: Bất cứ ở đâu, người ta tụ họp nhân danh Chúa Giêsu thì Người sẽ hiện diện tại đó => điều này nói lên Thần tính của Người. Bởi vì chỉ có Thiên Chúa mới có thể hiện diện khắp nơi, điều này nói lên một cách chắc chắn rằng: lời cầu nguyện sẽ được đoái nghe mà không phụ thuộc vào số lượng người nhiều hay ít của một cộng đoàn, cũng không lệ thuộc vào lòng sốt mến của các tín hữu, nhưng lệ thuộc vào sự hiện diện của Chúa Giêsu.

18/ Các Rabbi Do Thái dạy rằng: Nếu hai người đồng lòng đọc kinh TORA, thì vinh quang Thiên Chúa sẽ hiện diện. Kinh TORA đã được Đức Giê-su thay thế bằng chính con người của Ngài, vì giờ đây Thiên Chúa hiện diện ở trần gian trong Con người của Đức Giê-su Kitô (Mt 23, 37-39).

19/ Việc có Chúa Giêsu hiện diện khi các tín hữu hợp nhau lại và nhân danh Người, còn cho thấy rằng: Họ nhất thiết phải tụ họp nhau lại bởi vì họ là anh chị em với nhau trong Đức Kitô.

Trong ngày lễ ngũ tuần, các tín hữu cần có nhau, họ cần tụ họp nhau ở một nơi, sự kiện này tạo thành khuôn mẫu cho Hội Thánh. Sự kiện này còn có hàm ý rằng: Bất cứ ở đâu, bất cứ khi nào mà các tín hữu họp nhau nhân danh Đức kitô để tôn vinh, để thờ phượng và để phụng sự Người, thì tất cả họ sẽ là một nhiệm thể, một ngôi đền Thánh của Thiên Chúa, nơi đó sẽ có Chúa Thánh Thần cư ngụ và hoạt động (1Cor3,16).**

 

TÓM Ý

1/ Định nghĩa con người là gì ? Con người là một động vật sống xã hội, có lý trí, có tình cảm, sống có mục đích, biết chế tác dụng cụ và lưu truyền kinh nghiệm sống cho hậu thế.

2/ Con người sống như thế nào? Con người sống bầy đàn, bộ tộc, thôn làng, xã hội. Biết dựa nhau mà sống, biết bổ túc cho nhau => Nên không thể sống lẻ loi đơn độc.

3/ Tính khí của mỗi con người là như thế nào? Nếu phải sống chung thì không thể tránh được sự va chạm, bực bội, buồn phiền =>Bởi vì mỗi người có tánh khí, sở thích khác nhau, nhân vô thập toàn, ai cũng mắc sai lầm, có khiếm khuyết của mình.

4/ Con người phải sống chung ra sao ? Khi sống với nhau mà phải va chạm thì nên chịu đựng, nhường nhịn và tha thứ =>Nhờ đó sẽ có bầu khí hòa thuận, cảm thông// chân thành nhắc nhở nhau để giúp nhau thăng tiến trong cuộc sống.

5/ Vì sao ta phải sống quảng đại ? Nếu ta sai lỗi mà có người khác nhắc nhở, ta nên can đảm nhận lỗi, xin lỗi. Chính vì những lỗi này gây ra bao đau khổ cho kẻ khác, nếu họ nhắc sai, ta hãy quảng đại bỏ qua. Bởi vì “ai khen phải là bạn ta, mà ai chê phải là Thầy ta”.

6/ Hậu quả của những lỗi phạm ra sao ? Người sai lỗi có thể gây thiệt hại cho ai đó, hoặc là gây ra gương mù gương xấu cho kẻ khác. Mục đích không phải để phê bình, chỉ trích, mà là để uốn nắn, giải thoát người anh em.

7/ Chúng ta cần cư xử như thế nào? Tội lỗi là một sự ác nặng nề, một lầm lạc tai hại. Nhắc nhở anh em là một việc làm bác ái cao thượng, nếu không nhắc bảo, nhiều khi nó có hại cho chính chúng ta, hơn nữa chúng ta còn phải trả lẽ trước mặt Chúa vì thiếu trách nhiệm.

8/ Có mấy cách nhắc nhở ? Có 3 cách nhắc bảo: Nhắc bảo riêng, nhắc bảo có 2-3 người làm chứng. Và nhờ cộng đoàn nhắc bảo để cảm hóa họ, nếu họ nhất quyết không nghe thì họ sẽ bị loại ra khỏi giáo hội.

9/ Phải sửa lỗi cho anh em theo tinh thần nào ?Giáo hội nhận quyền bính từ tay Chúa Yesus qua việc Chúa ban quyền cầm buộc và tháo cởi. Sửa lỗi lại là một nghĩa vụ đòi buộc, nhưng phải làm với tinh thần siêu nhiên, bác ái.

10/ Giáo hội lúc trước đã sai lầm như thế nào? Điều đáng tiếc đã xảy ra trong Giáo Hội là việc bị phân rẽ trong việc phân rẽ Giáo hội, chỉ vì các lãnh đạo khi giải quyết vấn đề nội bộ đã quá cứng nhắc, gây ra bao điều đáng tiếc, mà lỗi ấy mãi đến hôm nay cũng chưa chuộc được. Nếu xét về lý, thì Giáo hội hoàn toàn đúng, nhưng nhìn lại cách thi thành thì quả là đáng tiếc! Chúng ta cần phải suy nghĩ và cầu nguyện nhiều hơn .

11/ Làm sao để tránh những điều đáng tiếc ? Việc nhắc nhở anh em, nếu không khéo léo sẽ gây ra đổ vỡ đáng tiếc.Vì thế Chúa Yesus nhắc nhở: Trước hết hãy nhắc riêng để tìm thấy sự thông cảm, chân tình.

12/ Có mấy cách vâng lời ? Vâng lời tối mặt và vâng lời đối thoại, nhiều người đã lạm dụng hành động này. Đức Phao-lô 6 đã nói: Đối thoại phải là một nghệ thuật siêu nhiên.

13/ Điều kiện để đối thoại là gì ?Đối thoại phải minh bạch, không úp mở, không dấu diếm, không thủ đoạn, phải dịu hiền, phải vì yêu thương và kính trọng nhau, người nói phải đủ tín nhiệm, người nghe phải có thiện chí, phải vì lòng bác ái, phải có ý làm đẹp lòng Chúa.

14/ Nên sửa lỗi theo tinh thần nào? Làm người ai cũng có lỗi lầm nên thái độ ứng xử không dễ dàng chút nào. Có 2 tâm trạng cần tránh: Đừng quá khắc nghiệt cũng không được quá thờ ơ, cả 2 đều cùng thiếu tinh thần xây dựng.

15/ Thế nào là can thiệp khắc nghiệt ? Khắc nghiệt là can thiệp quá thô bạo, là muốn loại trừ ,sẽ gây bất mãn, đổ vỡ. Nếu thờ ơ lãnh đạm quá thì sự xấu sẽ tràn lan, xã hội suy thoái.

16/ Giáo hội gồm toàn những ai ? Giáo hội của con người  nên  gồm toàn những con người yếu đuối, thấp hèn, nên xảy ra lỗi lầm là không tránh khỏi, việc sửa lỗi là rất cần thiết để tránh những lỗi công khai, ảnh hưởng xấu đến đời sống cộng đoàn.

17/ Sửa lỗi phải quan tâm là gì? Vì người sai lỗi đâu phải ai xa lạ, đó là anh em tôi ,là người thân quen. Nếu họ bị bệnh, tại sao tôi không chịu chạy chữa cho tận tình, mau mắn. Nếu tôi bị lạc mất người thân, đương nhiên tôi sẽ đi tìm ngay.

18/ Sửa lỗi phải can đảm là gì ? Sửa lỗi dễ bị mích lòng, dễ gây thù chuốc oán, không có lợi cho bản thân, can đảm đi đến với người mắc lỗi, can đảm nói lên sự thật, can đảm chấp nhận rủi ro, có thể bị phê bình ngược lại.

19/ Sửa lỗi phải trân trọng là gì?  Vì họ là anh em tôi, vì họ là người tôi đang quý mến, trân trọng vì dù họ mắc lỗi, vẫn có khả năng sửa lỗi, tin vào thiện chí, tin vào lương tâm tốt đẹp của con người. Không nên lên mặt kẻ cả, sẽ chuốc lấy thất bại.

20/ Sửa lỗi phải tế nhị là gì ? Lòng họ rất mong manh, đầy tự ái, mặc cảm, nói không khéo sẽ gây đổ vỡ, có thể gây thêm hố sâu ngăn cách. Cho nên cần phải tế nhị, kính trọng, yêu thương, tạo bầu khí tín nhiệm, cởi mở, khai thông bế tắc, làm cầu nối để họ mau trở về với cộng đoàn.

21/ Sửa lỗi phải kiên trì là gì ? Đâu phải sửa lỗi là một việc đơn giản nên cứ làm là thành công ngay đâu? Mà cần phải có phương án, phải kiên trì, cứ tiếp tục cho dù có thất bại, sửa lỗi phải đi  từng bước.

22/ Nền tảng nào cho việc sửa lỗi ? Sửa lỗi phải do tình yêu thúc đẩy: Cộng đoàn phải có tình yêu thì mới phát triển, ai cũng muốn ở trong một cộng đoàn như thế, khi ta phạm lỗi ta biết mình sẽ không bị loại trừ, sẽ được anh em tận tình giúp đỡ, chân thành, tế nhị.

23/ Tại sao Hội thánh vẫn chưa tốt ? Hội thánh có người đã thánh, có người đang thánh và có người sắp nên thánh, nên vẫn có người phạm lỗi. Đời sống của họ đôi khi nghịch lại với đức tin nên ta cần giúp họ đi đúng con đường của Chúa.

24/ Thái độ cần có khi sửa lỗi anh em là gì ? Chúng ta đừng lạnh lùng khi thấy anh em sa ngã, bởi lẽ chúng ta tất cả là một thân thể, chúng ta phải mang vết thương và cùng chịu niềm đau cho nhau. Chúng ta phải mạnh dạn góp ý thẳng thắn, chỉ thực sự yêu mới dám thẳng thắn góp ý, nhiều khi chúng ta chỉ dám nói sau lưng vì sợ họ giận, vì sợ mất quyền lợi.Hãy làm cách  kín đáo và tôn trọng nhau.

25/ Tại sao sửa lỗi cần khách quan ? Nếu họ có bướng bỉnh cố chấp thì ta cần đem theo vài người nữa để cho họ thấy sự khách quan của mình.

26/ Muốn góp ý cần tế nhị, kiên nhẫn, yêu thương , tại sao ?. Chúa không muốn ai phải hư mất, nhưng Ngài cũng đâu muốn gương xấu xảy ra. Góp ý là một bổn phận, Cộng đoàn trưởng thành là cộng đoàn thường xuyên góp ý cho nhau.

27/ Tại sao chúng ta cần đổi mới ?Chúng ta đang sống trong tinh thần sám hối, canh tân, chúng ta muốn Giáo hội đổi mới canh tân, chúng ta cần đổi mới chính bản thân mình! Sống yêu thương là phải biết góp ý và khiêm tốn nhận góp ý.

28/ Tại sao có lúc nhẫn nại lại không tốt ? Chúng ta luôn thích sống trong bầu không khí chịu đựng lẫn nhau, chỉ muốn dĩ hòa vi quý. Nhưng nếu làm như thế là sai , là chúng ta nuôi dưỡng một sự trì trệ kéo dài không nên có .

29/ Luật lệ cộng đoàn để làm gì? Trong Cộng đoàn thường có một Luật lệ để mọi người có thể sống chung nhau, tất cả mọi người đều muốn thực hiện luật lệ nhân danh Đức Ki-tô, vì thế nên có Chúa Ki-tô hiện diện trong đó.

30/ Luật sống chung trong Giáo hội nhằm mục đích gì ? Luật sống chung Giáo hội luôn nhắm đến một mục đích là làm sao để đức ái luôn được tôn trọng, nên Chúa chỉ dẫn cho chúng ta cách giải quyết trong trường hợp có tranh chấp, làm sao để đức ái luôn ngự trị ở giữa cộng đoàn.

31/ Giáo hội đang mong ước điều gì ? Một điều mà toàn thể Giáo hội rất mong ước, đó là làm sao để tất cả mọi người tin Thiên Chúa trên thế giới có thể ngồi chung lại với nhau để giàn xếp hết mọi bất công và trở nên một Giáo hội, một đàn chiên, một Chúa chiên ,như ý Thiên Chúa hằng mong muốn.**R

 

Giuse Luca / Kinh Thánh Emmaus


Trở lại      In      Số lần xem: 1559
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  9
 Hôm nay:  199
 Hôm qua:  2309
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11447643
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top