Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu và sống Tin Mừng CN 24 Thường Niên A (Giuse Luca)

CHÚA NHẬT   24    THƯỜNG NIÊN    A 

ĐỀ TÀIPHẢI THA THỨ VÔ ĐIỀU KIỆN

Lời Chúa :  Mt 18, 21-35

 

ĐỀ TÀI: PHẢI THA THỨ VÔ ĐIỀU KIỆN

 

Tung hô Tin Mừng:    Ga 13,34

Haleluia. Haleluia. Chúa nói: Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em. Haleluia.

PHÚC ÂM:  Mt 18, 21-35

Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mát-thêu.

21 Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: "Thưa Ngài, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải đến bảy lần không?" 22 Đức Giê-su đáp: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy."

23 Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. 24 Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. 25 Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y,vợ con y, cùng tất cả tài sản mà trả nợ. 26 Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống lạy lục: "Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết." 27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. 28 Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: "Trả nợ cho tao!" 29 Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống van xin: "Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh." 30 Nhưng y không chịu, cứ đi tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. 31 Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. 32 Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, 33 thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?" 34 Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. 35 Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình."

Đó là lời Chúa.

 

NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI D HIỂU BÀI TIN MỪNG

 

1/ Chúng ta nghĩ thế nào về tình thương của Thiên Chúa?

2/ Đặc tính của Chúa Giê-su là gì?

3/ Khi không thể nào tha thứ cho ai đó, thì chúng ta nên làm gì?

4/ Ông Gandhi đã phát biều về luật công bình như thế nào?

5/ Vì sao con người phải tha thứ cho nhau?

6/ Người mang lòng thù hận thì sẽ khổ như thế nào?

7/ Tại sao ta cần phải tha thứ?

8/ Ai cần được được Chúa tha thứ ?

9/ Điều kiện để được tha thứ là gì?

10/ Dụ ngôn hôm nay dạy chúng ta điều gì?

11/ Thiên Chúa nhân hậu ở chỗ nào?

12/ Chúa Giê-su đã ban ơn nào cho môn đệ khi từ cõi chết sống lại?

13/ Phê-rô đã nghĩ gì khi đưa ra câu hỏi trên đây?

14/ Trị giá hiện tại của 10.000 yến vàng là bao nhiêu?

15/ Ý nghĩa của tôi tớ và bạn đồng liêu là như thế nào?

16/ Ý Thiên Chúa trong bài Phúc Âm hôm nay là gì?

17/ Chúng ta phải nên làm thế nào?

 

=>  Hãy tìm câu trả lời từ bài “Tóm ý”.

 

Bài 1: THIÊN CHÚA BÁO OÁN NHƯ THẾ NÀO?

1/ Cách Thiên Chúa báo oán như thế nào ? Khi suy đến tội lỗi và sự bội bạc của loài người, thì sự đổ máu trên thập giá chính là cách báo oán của một vị Thiên Chúa bạo tàn, hay là một sự hiến dâng mạng sống để  minh chứng một tình yêu thương vô bờ bến của Đấng Cứu Thế dành cho nhân loại.

2/ Đặc tính của Chúa Giê-su là gì ? Chúa Giê-su rất ghét tội lỗi. Nhưng Ngài lại rất xót thương kẻ có tội. Vì Ngài luôn muốn chữa lành họ khi nói rằng : Ta không muốn kẻ có tội phải chết, nhưng muốn nó ăn năn và được sống.

3/ Khi không thể tha thứ cho ai đó, thì chúng ta  nên làm gì ? Chúng ta hãy cầu nguyện cùng Chúa Giê-su , xin Ngài giúp chúng ta thay đổi cách nhìn. Vì chỉ có cái nhìn nhân đạo mới giúp chúng ta nhận ra đó là người anh em trong Chúa của chúng ta.

4/ Tha thứ và xin lỗi, điều nào khó hơn ? Tha thứ đã khó, vì chỉ có những ai yêu Chúa mới làm được điều này. Nhưng xin lỗi lại càng khó hơn. Vì sao ? Khi người nhỏ ,người có địa vị thấp kém, xin lỗi người có địa vị cao hơn/ điều này dễ. Nhưng khi một con người có địa vị cao rất khó khi muốn hạ mình xuống để xin lỗi một người thấp kém hơn mình. Nhưng làm được mới là anh hùng.

5/ Tại sao dân Do Thái không thể chấp nhận Chúa Giê-su ? vì họ chỉ coi Chúa như người con của bác thợ mộc. Nếu Chúa Giê-su là một vị hoàng tử con vua thì mọi sự lại quá dễ dàng. Hoàng tử là người cao quý còn Chúa Giê-su chỉ là một con người thấp hèn nên họ khó lòng chấp nhận. Vì thành kiến nên họ cho rằng : Bụt nhà không thiêng.

6/ Ông Gandhi đã phát biểu về luật công bình như thế nào ? Nếu áp dụng luật : mắt đền mắt, răng đền răng, thì thế giới này chỉ còn toàn người mù. Con người không thể sống chung cùng nhau nếu như không có lòng tha thứ. Bởi thế sự tha thứ không khác gì khí trời.

7/ Vì sao con người phải tha thứ cho nhau ? Vì con người ai cũng bất toàn, có người xúc phạm do cố ý. Nhưng cũng có người xúc phạm chỉ là vô tình, do thiếu ý thức. Chỉ cần mỗi người có chút hiểu biết, cảm thông. Mọi người sẽ dễ dàng bỏ qua cho nhau, không chấp nhất nữa.

8/ Tại sao con người phải khổ sở ? Nếu cứ mỗi lần bị ai đó xúc phạm, thì lòng trí tôi không thể nào nguôi ngoai, thì chính tôi là người khổ tâm nhất. Vì tâm hồn tôi luôn mang nặng oán hờn và sẽ không có giờ phút nào bình an. Nếu tôi loại trừ mọi người thì cuối cùng tôi sẽ sống với ai ? tôi sẽ mất hết bạn bè, thế giới chỉ toàn là kẻ thù và tôi sẽ trở thành người cô đơn nhất.

9/ Tại sao mỗi người cần phải tha thứ ? Ta cần được tha thứ vì chính mình cũng có biết bao lầm lỗi. Trước tiên tôi cần tha thứ cho chính mình, để lương tâm bớt dày vò, đời tôi sẽ bớt buồn phiền. Sau đó tôi cần phải tha thứ cho người khác vì tôi chính là người đã nhiều lần xúc phạm đến anh em. Nếu không ai tha thứ cho tôi thì tôi chính là người bị xã hội loại trừ.

10/ Ai cần được Chúa tha thứ ? Vì tôi lỗi phạm đến Chúa rất nhiều. Nếu Chúa thẳng tay xét phạt những tội đó, thì tôi đã chết từ rất lâu. Tôi biết Chúa luôn tha thứ cho tôi vì bản thân tôi yếu đuối, mắc nhiều lỗi lầm, cần được tha thứ, nên tôi sẽ dễ dàng cảm thông, tha thứ cho anh em tôi.

11/ Điều kiện để được tha thứ là gì ? Tha thứ để được thứ tha. Trong tin mừng đã nhiều lần Chúa nhấn mạnh điều này. Mỗi khi đọc kinh lạy cha, Chúa bảo chúng ta phải ký giao kèo với Chúa.

12/ Ở phần cuối kinh lạy Cha, Thánh Mattheo còn thêm điều gì ? Nếu anh em tha lỗi cho người khác, thì cha trên trời sẽ tha lỗi cho anh em. Còn nếu anh em làm điều ngược lại thì cha anh em cũng sẽ không tha thứ cho anh em (Mt6,14-15).

13/ Dụ ngôn hôm nay muốn nhắc chúng ta điều gì ? Bài tin mừng hôm nay cũng chỉ nhắc chúng ta như vậy/ mà Chúa còn muốn cho chúng ta thấy : Tội ta xúc phạm đến Chúa vạn phần nặng nề, gấp triệu lần khi anh em xúc phạm đến ta ,thế mà Chúa vẫn tha thứ cho ta một cách nhẹ nhàng mau chóng, cũng chỉ với một điều kiện : ta phải tha một chút lỗi ít ỏi đó cho anh em ta.

14/ Thiên Chúa nhân hậu ở chỗ nào ? Chúng ta  là con Chúa, chúng ta phải giống hình ảnh Chúa. Vì Thiên Chúa là người rất nhân từ, Ngài luôn tha thứ nếu ta biết ăn năn, Chúa đã đưa ra hình ảnh rõ nét nhất. Bức chân dung của người cha nhân từ trong dụ  ngôn : Người cha nhân hậu, và Chúa Giê-su không ngừng mời gọi chúng ta hãy trở nên hoàn thiện như Cha  trên trời.

15/ Chúa Giê-su đã phát hoạ hình ảnh Chúa Cha như thế nào ? Thiên Chúa vô hình nên chúng ta không thể biết, không thể hiểu về Ngài. Chính vì thế nên Chúa Giê-su đã giáng trần để mạc khải về khuôn mặt và con người nhân hậu của CHúa Cha trong suốt cuộc đời trần thế. Chúa Giê-su không ngừng thi ân giáng phúc và ban ơn tha thứ cho kẻ tội lỗi, nhất là với những kẻ xúc phạm đến Ngài.

16/ Hình ảnh yêu thương tha thứ nào là cụ thể nhất ? Không còn cảnh tượng nào đẹp hơn lúc người chịu đớn đau cùng cực trên thập giá mà Chúa vẫn mở rộng trái tim yêu thương và tha thứ, còn lời cầu nguyện nào vĩ đại hơn là trong lúc Ngài phải chịu nỗi đau tột cùng mà Chúa vẫn nhớ đến người khác. Không nhớ đến người làm ơn mà Chúa lại nhớ đến những kẻ xúc phạm, làm hại mạng sống của mình.

17/ Chúa đã ban ơn đầu tiên nào cho các môn đệ sau khi từ cõi chết sống lại ? Trước khi chết thì Chúa nói : Lạy Cha, xin tha cho họ.....Khi sống lại thì Chúa cũng không nhớ đến sự bội bạc của các đồ đệ. Chúa đã tha thứ cho Phêrô, dù ông này đã thề thốt  chối CHúa, Chúa không trách các môn đệ dù các ông này đã trốn chạy khi thấy Thầy mình gặp nạn.

18/ Nét nào làm nên vẻ đẹp Chúa Giê-su ? Tha thứ tất cả, quên đi tất cả, chính là nét đẹp tâm hồn của Chúa, sự tha thứ của Chúa có sức mạnh cứu độ thế giới / Chúa muốn có một thế giới ngập tràn hình ảnh huynh đệ yêu thương và đây mới chính là dung nhan Thiên Chúa .**R

 

Bài 2: ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC CHÚA THA THỨ

19/ Ông Benxi-ra, một hiền nhân Do Thái, ông mời gọi điều gì? Ông là người trung thành với luật Moisen. Ông mời gọi mọi người nên tháo cởi oán thù, ông luôn ôm ấp một hoài bảo: Chấn hưng những giá trị luân lý Do Thái giáo. Theo ông thì sự khôn ngoan của Do Thái trỗi vượt sự khôn ngoan của Hy Lạp. Tuy đất nước Hy lạp có rất nhiều triết gia. Nhưng Do Thái luôn trỗi vượt, vì họ có Thiên Chúa làm khuôn mẫu cho mọi lề luật. Giúp cho tất cả mọi người có một chuẩn mực để sống theo.

20/ Sách Huấn Ca giúp chúng ta điều gì? Sách Huấn Ca là kim chỉ nam, ở nơi đó tích tụ nhiều lời khuyên cho cuộc sống hằng ngày. Sách có đề cập đến rất nhiều đề tài. Điển hình là bài sách hôm nay ,đề cập đến việc báo thù và tha thứ.

21/ Ai là kẻ mà hiền nhân này nhắm đến trước tiên? Là kẻ gian ác, nhưng ai là kẻ gian ác? Là những con người sống cố chấp trong sự oán hờn và giận dữ. Nhưng rốt cuộc điều hắn rước lấy chỉ là tai hoạ, là sự báo thù của Đức Chúa.

22/ Trong Cựu Ước người ta quan niệm thế nào về việc thưởng, phạt? Quan niệm thưởng, phạt đời sau chỉ có ở sau này. Người xưa vẫn quan niệm : Kẻ ác sẽ chuốc lấy hậu quả ngay tự đời này. Như chúng ta vẫn thường nghe nói: ác giả, ác báo. Gieo gió, thì gặp bão.

23/ Sách Lê-vi dạy về sự tha thứ thế nào? Sách này diễn tả thật rõ ràng: Ngươi không được để lòng thù ghét anh em. Không được oán hận, không được trả thù, ngươi phải yêu thương đồng loại như chính ngươi (Lv 19,17-18).

24/ Hiền nhân đã đưa ra lý do như thế nào? Khi nhận ra mình là tội nhân, bấy giờ bạn sẽ cầu khẩn và bấy giờ tội của bạn sẽ được tha. Lời này không khác gì lời chúng ta đọc trong kinh lạy Cha: Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha. Sao lòng ngươi cứ nuôi cơn giận. Thế mà ngươi lại mở miệng xin Chúa chữa lành.

25/ Người công chính phải nghĩ đến điều nào trước tiên? Hãy nghĩ đến ngày tận số của mình. Người công chính phải sống thanh thoát, phải loại bỏ mọi ưu tư thường ngày để chỉ nghĩ đến số phận của chính mình khi một ngày kia sẽ phải giã từ cõi thế. Vì không biết lúc nào thì tai hoạ sẽ giáng xuống đầu bọn ác nhân. Chắc chắn Đức Chúa sẽ báo thù, nhưng trong thời gian chờ đợi thì người công chính vẫn phải trung thành với những huấn lệnh  rồi mới nghĩ đến lời giao ước.

26/ Hôm nay Chúa Giê-su mời gọi điều gì? Sau khi căn dặn các môn đệ phải đối xử với nhau bằng tình xây dựng điều tốt cho nhau. Hôm nay Chúa còn mời gọi các ông đi xa hơn nữa.  Chừng nào tới được mức độ tha thứ cho nhau vô điều kiện, tha mãi mãi kẻ xúc phạm mình.

27/ Vì sao Mattheo cứ muốn làm nổi bật vai trò của Phê-rô? Chính vì ông được tấn phong làm thủ lãnh của nhóm 12, là lãnh đạo của giáo hội trong tương lai như là : thánh Phê-rô trong cơn bão tố. Thánh Phê-rô ở Cesare Philipper. Thánh Phê-rô trong biến cố biến hình.

28/ Thánh Phê-rô đang nghĩ gì khi đưa ra câu hỏi? Thưa thầy, khi anh em xúc phạm con, thì con phải tha đến mấy lần? Ông vừa hỏi, vừa nhanh nhẹn đưa ra lời đề nghị. Ông cũng đang nghĩ rằng: Mình là con người rộng lượng, từ tâm dữ lắm. Bởi vì theo truyền thống Do Thái thì việc tha thứ chỉ nằm ở con số 3 lần. Theo kinh sư Hanina thì ông chỉ đưa ra con số 3 lần. Nhưng đến lần thứ tư thì không thể, người Việt Nam cũng có câu: Sự bất quá tam / một lần tha, ba lần chém.

29/ Theo kinh thánh thì con số 7 mang ý nghĩa gì? Trong kinh thánh, con số 7 là con số hoàn hảo: Chúa tạo dựng trời đất trong 7 ngày, 7 ơn Chúa Thánh Thần và sau này là 7 phép bí tích. Ở đây con số 7 là con số tròn ,được biểu thị cho giới hạn tận mức, không còn thêm được nữa, như: bất cứ ai giết Cain, sẽ bị báo thù gấp bảy (St 4,15).

30/ Mức giới hạn của Cựu Ước về việc này là bao nhiêu? Chúa Giê-su thì nói: bảy mươi lần bảy. Cũng là bảy mươi lần bảy lần, được dùng trong Cựu Ước để chỉ việc báo thù vô giới hạn. Cain thì được trả thù gấy bảy, nhưng Lamec thì gấp bảy mươi bảy ( St4,25). Như vậy Chúa Giê-su đã thay thế việc báo thù bằng sự tha thứ vô hạn, là Chúa đang nhắm đến điều kiện để gia nhập Nước Trời.

31/ Dụ ngôn mà Chúa đưa ra hôm nay, được chia ra làm mấy giai đoạn? Thưa có 3 giai đoạn: a/ Thanh toán sổ sách của người thứ nhất, người này mắc món nợ quá lớn/ y sấp mình van xin và ông chủ đã tha. b/ Anh mắc nợ nhiều đã được tha lại không biết cảm thông với người bạn đồng liêu, khác với cách mà ông chủ đã dành cho anh trước đây. c/ Ông chủ tức giận nên đã thay đổi thái độ  với con nợ thứ nhất, bắt và hành hạ anh ta cho đến khi trả hết nợ.

32/ Giá trị của 10 ngàn yến vàng là bao nhiêu ? Theo nhà chú giải William Barclay thì số vàng này trị giá tương đương với 2.400.000 bảng anh, lớn hơn ngân sách của một tỉnh. Trong khi tổng lợi tức của 3 xứ : Edumaca+ Giudea+ Samari chỉ có 600.000 yến vàng. Ở đây Chúa không muốn quy chiếu đến sự kiện lịch sử. Ngài chỉ có ý muốn nói rằng: Món nợ này là quá lớn. Tự sức riêng không ai có thể trả nổi. Ở đây chúng ta thấy món nợ là quá lớn, dân thường không thể gây ra món nợ này. Chỉ có thể là một đại quan thôi. Theo đông phương thì các quan cũng được gọi là bầy tôi. Ở vào thời điểm đó, nếu chồng mắc nợ thì vợ+con đều bị liên luỵ. Ông chủ chạnh lòng thương, tha bổng cho anh ta . Ý Chúa muốn nói : Ơn cứu độ là ơn nhưng không !

33/ Màn kịch thứ hai nói lên điều gì? Người được tha món nợ lớn, không muốn tha món nợ nhỏ cho bạn đồng liêu của mình. Màn hai được xây dựng hoàn toàn ngược lại. Ông chủ nổi cơn thịnh nộ, giao tên đầy tớ nhẫn tâm này cho lý hình hành hạ cho tới ngày y trả nợ xong món nợ. Ở cách phân xử  này Chúa muốn cho chúng ta thấy: Ngài phân xử mỗi người không căn cứ theo việc tính toán sổ sách chi li của món nợ. Nhưng là căn cứ theo khả năng yêu thương của mỗi người đối với anh em đồng loại của mình.

34/ Chúng ta nhận ra điều gì màn kịch thứ ba? Người đầy tớ nhẫn tâm không hề ngờ rằng: Có mối tương quan giữa thái độ của y đối với người bạn đồng môn của mình và thái độ của Đức vua đối với y khi y từ chối không tỏ tình xót thương đối với bạn mình. Y tự ý huỷ bỏ lòng xót lương mà Đức vua đã dành cho y.

35/ Chúng ta rút ta được bài học gì ? Điều kiện tất yếu để Thiên Chúa xót thương chúng ta là chúng ta phải biết xót thương. Chỉ khi chúng ta biết tha thứ cho nhau thì chúng ta mới hiểu được lời giao ước ký kết giữa chúng ta và Thiên Chúa mỗi khi chúng ta đọc kinh lạy cha: Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha / đồng thời chúng ta mới có thể nghiệm ra mối phúc thứ năm.

“Phúc thay ai có lòng xót thương, thì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”. Chính cuộc tử nạn của Chúa Giê-su đã đem đến cho con người những phương thế để giúp con người có khả năng yêu thương và tha thứ.**R

 

Bài 3: THIÊN CHÚA QUẢNG ĐẠI

36/ Chúa nhật trước và tuần này Chúa muốn dạy chúng ta điều gì ? Tuần trước Chúa muốn thấy thái độ cần có của chúng ta đối với những anh em làm cực lòng chúng ta. Tuần này Chúa muốn dạy chúng ta phải xử trí như thế nào đối với những anh em lỗi phạm đến mình.

37/ Huấn ca là loại sách nào của thời Cựu ước? Đây là loại sách dạy khôn ngoan trong trào lưu văn minh ở thời hậu lưu đày. Người ta thường bàn đến và hướng dẫn con người sống sao cho xứng đáng với thiên chức làm người lãnh đạo vạn vật . Các dân tộc ngoại bang chỉ nhìn thấy tư tưởng khôn ngoan bay lượn là là nơi mặt đất. Còn nơi dân Chúa thì được các tiên tri hướng dẫn con người lên tới Thiên Chúa, bởi vì sự khôn ngoan là thứ xuất phát từ Thiên Chúa.

38/ Tại sao lại gọi nó là sách Huấn ca? Đây là một thứ thủ bản mà các tiên tri dùng để huấn luyện dân Chúa. Nó được viết theo dạng thi  ca, giúp dễ đọc, dễ nhớ. Nó đề cập tới mọi khía cạnh sống của con người, mà trích đoạn hôm nay lại đề cập tới sự giận hờn.

39/ kẻ tội lỗi thì tính tình hắn như thế nào? Kẻ tội lỗi luôn có lòng hờn giận còn người khôn ngoan thì cho đó là điều quái gở. Tác giả đã chiếu ánh sáng mạc khải lên trên những điều xấu xảy ra trong đời sống con người. Và ông đã thấy rằng điều ấy không đẹp lòng Thiên Chúa và Thiên Chúa sẽ xử cứng rắn với kẻ giận hờn. Cho nên tác giả đã khuyên người ta phải biết tha thứ cho anh em, nếu muốn được Thiên Chúa thứ tha tội lỗi của mình .

40/ Tác giả sách Huấn ca đã khuyên nhủ điều gì? Ông biết họ sẽ bị phạt nhưng ông không biết phải khuyên họ như thế nào. Cho nên ông khuyên mọi người hãy nghĩ tới ngày chung thẩm, cái ngày mà mọi người phải đến trước mặt Chúa, để họ có thể nhận ra điều dữ, mà mau mau tha thứ cho anh em. Vì Thiên Chúa không thể đối xử rộng rãi với những người không biết tha thứ cho anh em mình. Vậy nên, lúc ấy cũng chẳng có ai dám cầu bàu cho kẻ có lòng nhẫn tâm như vậy. Nên tác giả khuyên mọi người hãy vâng lệnh Chúa, giữ giao ước Chúa ban, mà biết bỏ qua các lỗi xúc phạm của anh em.

41/ Lời khuyên này có tác dụng như thế nào? Lời khuyên ấy quá chuẩn nên nó đã vượt xa mọi lý lẽ thế gian. Rõ ràng nó đang chuẩn bị cho tâm hồn mọi người có thể đón nhận giáo lý của Chúa Cứu Thế. Nó làm nổi bật tính cách khôn ngoan của giáo lý đạo đức thời Cựu Ước, và nó còn có giá trị để giáo huấn dân mới của Thiên Chúa thời Tân Ước. Nó giúp chúng ta liên tưởng tới lời giao ước trong kinh lạy cha, để khi chúng ta gặp cơn bực tức, giận hờn thì chúng ta có thể nhớ đến Chúa, sau đó nó giúp ta ngôi cơn giận và sẵn lòng tha thứ cho anh em .

42/ Tại sao Phê-rô lại nêu thắc mắc? Chúng ta biết ông là người nóng tính hơn ai hết. Ông luôn hăm hở và muốn thi hành ngay. Cũng có thể là ông đang lo rằng : ở địa vị ông, ông sẽ dễ gặp những người xúc phạm, và ông phải tha thứ. Thế nên ông đã đến bên Chúa và đưa ra câu hỏi này.

43/ Thời kỳ đầu tạo dựng thì luật như thế nào? Có thể Chúa Giê-su muốn lấy lại một lời trong sách Sáng Thế (St4,24). Khi LaMak tuyên bố luật rừng rằng : Thời bấy giờ phải báo thù đến bảy mươi lần bảy. Nhưng về sau thập giới đã thu hẹp, chỉ còn cho phép người ta trả thù bằng: Mắt đền mắt, răng đền răng.

44/ Có điều gì khiến cho ta nghĩ rằng Chúa có điều mâu thuẫn? Có lần Chúa Giê-su  tuyên bố rằng phải tha thứ và yêu thương kẻ thù địch với câu Chúa khẳng định cùng Phê-rô là phải tha thứ bảy mươi lần bảy. Chỉ là Chúa có ý dạy chúng ta phải tha thứ mãi mãi, không bao giờ có cùng.

45/ Chúng ta phải giải thích ra sao về câu chuyện dụ ngôn ? Tôi tớ mắc nợ một vạn nén vàng làm gì có ai cho một tên tôi tớ vay nhiều vàng đến thế? Cho dù có bán hết tài sản và vợ con của y thì cũng chẳng được bao nhiêu. Nhưng đây là biện pháp cuối cùng mà chỉ có dân ngoại mới làm -> Chỉ là Chúa muốn nói đến tính cách khắt khe của hình phạt vì món nợ quá lớn.

46/ Điều cốt lỗi của dụ ngôn này là gì? Nợ to thế mà anh lại quỳ xuống xin, nhưng cũng quá ngạc nhiên là ông chủ đã hành động quá hơn là lời anh xin. Ông ta tha trắng án. Nhưng lẽ ra anh phải rất sung sướng vì ân huệ lớn lao này. Nhưng rõ ràng là lòng anh không tốt. Ơn kia quá lớn lao nhưng không làm cho anh mảy may xúc động, không cảm hoá anh chút nào khi anh túm cổ áo của người bạn đồng liêu chỉ nợ anh có 100 đồng bạc. Đây tượng trưng cho 1/1000.000. Thế mà anh đành bỏ tù người bạn để lấy lại cho được một trăm bạc.

47/ Mọi người đã phản ứng thế nào? Thái độ xấu xa của anh đã làm mọi người phát sốt. Ai cũng thấy cần phải phạt nặng anh ta. Vì vậy Cha trên trời cũng sẽ xử với chúng ta y  như thế. Nếu như chúng ta cũng đối xử ác độc như thế đối với anh em chúng ta. Tội chúng ta thì nhiều và nặng, còn tội của anh em xúc phạm đến ta thì nhỏ bé. Vậy tại sao chúng ta lại không bỏ qua cho anh em mình.

48/ Bài học hôm nay muốn dạy chúng ta như thế nào? Hôm nay Chúa Giê-su muốn kiện toàn giáo lý trong sách Huấn Ca. Nhưng cũng có nhiều điều khác biệt. Ở đây Chúa không nại đến ngày chung thẩm . Không phải Chúa tha thứ cho chúng ta tuỳ thuộc vào sự chúng ta tha thứ cho anh em. Bởi vì Chúa đã tha cho chúng ta trước, Chúa muốn chúng ta thấm nhuần ơn Người, để rồi chúng ta nhìn vào tấm gương của Người mà tha thứ cho anh em.

49/ Lòng thương xót được thánh Mattheo nhấn mạnh như thế nào? Hoàng đế nói với tên bầy tôi bất nhân bất nghĩa: Sao ngươi không thương xót bạn đồng liêu với ngươi như chính Ta đã thương xót ngươi ? Rõ ràng là theo giáo lý của Chúa Giê-su bảo chúng ta hãy  nhìn vào lòng thương xót của Chúa đã tha thứ rộng rãi cho mình, để  mình cũng phải thương xót, tha thứ cho anh em trong mọi xúc phạm. Thực ra nó quá nhỏ mọn nếu đem so với sự xúc phạm của ta đối với Chúa/

50/ Thánh sử đã so sánh giữa Thiên Chúa với chúng ta như thế nào? Con người chỉ là đồng liêu với nhau, nếu có xúc phạm cũng không đáng kể. Cũng như sách Huấn ca khi so sánh chúng ta với nhau: người ta hết thảy đều là xác thịt. Như vậy việc tha thứ cho nhau đâu có gì đáng kể khi so sánh với việc Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta. Vì người là Đấng thánh, người trỗi vượt hơn chúng ta bội phần. Khi so sánh Người với chúng ta như vị Hoàng đế với kẻ bề  tôi, chỉ là một kiểu nói theo ngôn ngữ loài người. Còn nếu như chúng ta đem hình ảnh xử án vào, thì chúng ta còn phải kinh sợ Ngài đến mức nào ?

51/ Vậy bài học cốt lõi là gì? Thay vì bài kinh thánh đưa chúng ta nghĩ về phiên toà sau cùng ngày chung thẩm, thì thánh sử cho chúng ta thấy trước việc phân xử đó đang được thi hành trước mắt chúng ta , kể từ khi Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho chúng ta khi Đức Giê-su Kito hoàn tất công cuộc cứu thế. **R

 

Bài 4: THA THỨ MANG LẠI LỢI ÍCH GÌ

52/ Trị giá của 10.000 yến vàng là bao nhiêu?  Theo các nhà chú giải: 10.000 yến vàng bằng 100 triệu quan tiền => như vậy 1 nén vàng = 10.000 quan tiền / nếu đem so với 100 quan tiền thì tỷ lệ là 1/1.000.000. Chúng ta tạm hiểu là: Đức vua tha cho người thứ nhất gấp một triệu lần so với món nợ của người bạn đồng liêu của anh ta . Vậy mà tên đầy tớ gian ác kia vẫn không chấp nhận.

53/ Thiên Chúa muốn nhấn mạnh điều gì? Điều Chúa muốn dạy ở đây chính là sự tha thứ. Ở đây chúng ta cũng nên nhớ rằng: Mọi thứ Chúa ban cho chúng ta trên đời này đều là ơn nhưng không, ban do lòng tốt chứ không phải là do chúng ta yêu cầu hay công trạng . Vậy nên khi Chúa lấy lại sự gì thì như là Chúa lấy những thứ của Chúa chứ chẳng phải lấy những thứ của chúng ta. Bản thân chúng ta không có gì, cùng lắm chỉ là một chút cát bụi. Như vậy Chúa đã ban cho chúng ta quá nhiều. Khi Chúa yêu cầu chúng ta tha cho anh em một ít, cũng có nghĩa là: Hãy san sẻ cho anh em một ít, một phần triệu thôi mà chúng ta vẫn nhất quyết không chịu.

54/ Câu hỏi của Phê-rô có giống với nỗi ưu tư của chúng ta không? Rất sát, bởi vì con người ai cũng yếu đuối, bất toàn. Sống chung với nhau rất dễ bị va chạm, gây mích lòng. Vì thế nên Phê-rô muốn biết giới hạn của sự chịu đựng. Do Thái thì tối đa 3 lần, lần thứ 4 là phải xử. Việt Nam cũng có câu: Quá tam ba bận, vậy nên Phê-rô nghĩ rằng 7 lần là đã vượt chỉ tiêu gấp 2 lần .

55/ Chúa Giêsu đã nói gì khiến cho Phê-rô sững sờ? Chúa bảo: Hãy tha 70 lần 7. Cũng có nghĩa là phải tha thứ mãi mãi, không được tính toán số lần.

56/ Tha thứ có dễ không? Tha thứ cho nhau là điều dễ nói nhưng rất khó làm. Bản tính tự nhiên con người rất dễ nổi giận, mau bất bình, nếu bị ai đó xâm phạm danh dự hay quyền lợi thì chúng ta khó lòng bỏ qua. Khuynh hướng trả thù là thứ bị dẫn dắt bởi sự dữ / nó đã có tự nhiên trong cung lòng của mỗi người.

57/ Khuynh hướng xấu ấy cụ thể như thế nào? Khi quan sát một đứa bé vừa bị té ngã, chúng ta có thể nhận khuynh hướng ấy ngay/ đứa trẻ bật khóc vì vừa bị ngã đau, nhưng khi có người lớn chìa tay ra đón lấy nó và đưa tay đánh vào chỗ đất mà nó vừa ngã xuống, đưa bé sẽ nín ngay, nó cảm thấy hả dạ vì đã được báo thù. Nhìn vào việc này ta thấy nó là bình thường nhưng thật ra đây là cách ta tập nết xấu cho con mình.

58/ Xã hội cũng góp phần tạo ra phản ứng xấu như thế nào? Nhiều chương trình giáo dục của nhiều xã hội cũng đưa ra đề tài hận nước thù nhà, hoặc phải báo oán để dẫn dắt tư tưởng thù oán của khán giả, dẫn đến mục đích phải rửa hận, trả thù theo lẽ tự nhiên, đã khiến những điều này rất gần gũi với những phản ứng xấu của con người. Cho nên ở đây sự tha thứ lại đi ngược lại những phản ứng đó, cho nên hậu quả là khi chúng ta kêu gọi tha thứ thì …người ta không dễ dàng gì chịu chấp nhận .

59/ Kẻ chiến thắng thường nhận được điều gì? Dựa vào biết bao kinh nghiệm sống của thế giới, mọi người đều nhìn nhận rằng: Thù hận và báo oán chẳng mang lại lợi lộc gì. Trong một cuộc ẩu đả, kẻ chiến thắng chẳng ăn được cái giải gì/ người thì bị giết chết, kẻ kia ở tù mục xương. Nếu giải quyết được sự căm hờn thì nó cũng kéo theo biết bao hậu quả tồi tệ, có khi kéo dài đến hết cuộc đời, nhưng khi biết hối hận thì lại quá trễ.

60/ Giải pháp nào giúp ta tránh đi những hậu quả xấu? Thật ra không còn cách nào khác để giải quyết vấn đề này ngoài việc áp dụng sự tha thứ như chính Chúa Giêsu đã dạy. Đó là cách tháo gỡ dễ dàng nhất / vì nó luôn mang lại sự bình an thanh thản, bởi vì oán báo oán thì oán chất chồng, còn đức báo oán thì oán sẽ tiêu tan. Lời một Đấng Thánh dạy: Cách trả thù hay nhất đối với kẻ làm khổ mình là ...ta đừng bao giờ làm giống như họ.

61/ Điều nào Chúa muốn chúng ta lưu ý nhất? Xưa nay có biết bao anh em tuy là lương dân nhưng họ đã sống và hành xử thật tốt, đáng cho người tín hữu chúng ta noi gương bắt chước. Hôm nay Chúa Giêsu muốn lưu ý chúng ta: Chúng ta đối xử với anh em thế nào thì Chúa cũng sẽ đối xử với chúng ta y như vậy. Tội ta phạm đến Chúa vừa nhiều, vừa nặng, còn tội của anh em với ta, dù sao cũng không đáng gì, thế nhưng vì bản chất ti tiện nên chúng ta không muốn tha cho anh em.

62/ Tính cách của Đạo Kito giáo chúng ta là gì? Chúa bảo hãy tha thứ để được thứ tha / biết xót thương để được thương xót. Chúng ta luôn cam kết với Chúa mỗi khi mở miệng đọc Kinh Lạy Cha, thế mà chúng ta chẳng chịu tuân giữ lời cam kết đó.

63/  Những phương thế nào giúp ta nên Thánh cách dễ dàng nhất? Nhiều phương thế giúp ta gặp gỡ Chúa như là: cầu nguyện, suy niệm lời Chúa, lãnh nhận bí tích thường xuyên,.. Nhưng còn có một phương thế cao cả và hữu hiệu nhất, đó chính là sống bác ái với tha nhân. Nó vừa làm đẹp lòng Chúa lại vừa có thể giúp ta được Chúa tha thứ tội lỗi / như vậy bác ái cao cả nhất chính là sự tha thứ. Vì tin Chúa mà không thấy Chúa trong anh em / đã thấy Chúa như vậy mà còn chấp nhất lỗi lầm của anh em thì chúng ta không thể giống Chúa, càng không thể làm bạn với Chúa vì ...chúng ta không cử xử giống Chúa.

64/ Chúng ta có nên xét mình về tội này, ngay vào lúc này không? Ta hãy lắng đọng và suy nghĩ xem: Ta đang ghét bỏ ai nhất? Ta đang lạnh nhạt với ai nhất? Ta đang bực bội ai nhất? Ta đang buồn, giận ai ? Ai đã làm mất danh dự, ai làm thiệt hại cho ta nhất ? Để thực hiện điều Chúa dạy về sự tha thứ, ta chỉ xứng đáng dâng lễ vật và rước Chúa nếu như ta đã tha thứ và làm hòa với anh em rồi.  Xin Chúa ban ơn trợ giúp chúng con. **R

 

TÓM Ý

1/ Chúng ta nghĩ thế nào về tình thương của Thiên Chúa? Tội lỗi và sự bội bạc của loài người là cao hơn núi, là sâu hơn lòng biển, là mênh mông hơn đại dương Thiên Chúa thay vì báo oán , thì đã thí mạng sống Người Con Một của mình để cứu chuộc loài người.

2/ Đặc tính của Chúa Giê-su là gì? Chúa Giê-su là Đấng vô tội nên Ngài rất ghét tội lỗi. Nhưng lại rất xót thương kẻ có tội biết sám hối . Ngài muốn chữa lành mọi người nên Ngài nói: ta không muốn kẻ có tội phải chết, nhưng muốn nó ăn năn và được sống.

3/ Khi không thể nào tha thứ cho ai đó. Thì chúng ta nên làm gì? Hãy cầu nguyện cùng Chúa, xin Ngài giúp ta thay đổi cách nhìn, vì chỉ có tấm lòng yêu thương mới giúp chúng ta nhìn ta người chung quanh là anh em với chúng ta trong Chúa.

4/ Ông Gandhi đã phát biều về luật công bình như thế nào? Ông nói : Nếu trên thế giới này áp dụng luật mắt đền mắt, thì thế giới này chỉ toàn người mù cho nên con người không thể sống chung với nhau nếu như không có lòng tha thứ.

5/ Vì sao con người phải tha thứ cho nhau? Vì ai trong chúng ta cũng là những kẻ bất toàn, có khi xúc phạm nhau do cố ý. Cũng có khi là vô tình, mọi người cần có chút hiểu biết, cảm thông, sẽ dễ bỏ qua cho nhau, không giận ghét nhau nữa.

6/ Người mang lòng thù hận thì sẽ khổ như thế nào? Nếu tôi bị ai xúc phạm, lòng tôi sẽ khó mà nguôi ngoai. Vậy  nên tôi mới là người khổ tâm nhất. Vì tâm hồn nào mang nặng oán hờn thì sẽ không có chút  bình an. Nếu tôi giết hết mọi người, sau cùng tôi sẽ sống với ai? Cuối cùng tôi sẽ trở thành người cô đơn nhất.

7/ Tại sao ta cần phải tha thứ? Mỗi người luôn phạm biết bao lỗi lầm, tôi cần phải tha thứ cho mình trước, để lương tâm bớt bị dày vò. Tôi sẽ bớt buồn phiền, sau đó tôi sẽ phải tha thứ cho người khác, Vì chính tôi đã nhiều lần xúc phạm đến anh em. Nếu chẳng ai tha cho tôi thì chính tôi đã bị xã hội loại trừ rồi .

8/ Ai cần được được Chúa tha thứ ? Nếu Chúa không tha thứ thì tôi đã chết từ lâu. Chúa tha cho tôi vì ngài biết tôi yếu đuối, tôi cần được tha thứ. Nên tôi cần phải cảm thông và tha thứ cho anh em tôi.

9/ Điều kiện để được tha thứ là gì? Tha thứ để được thứ tha. Đây chính là lời Chúa dạy, cũng là bản giao kèo mà chúng ta vẫn đọc hàng ngày trong kinh lạy cha. Thánh Mattheo nhấn mạnh: Nếu anh em tha lỗi cho người khác, thì cha trên trời sẽ tha lỗi cho anh em. Nếu anh em làm điều ngược lại , thì sẽ rất tồi tệ đấy .

10/ Dụ ngôn hôm nay dạy chúng ta điều gì? Tội ta phạm đến Chúa nặng nề gấp triệu lần tội anh em xúc phạm đến ta. Thế mà Chúa vẫn tha thứ cho ta một cách nhẹ nhàng, mau chóng. Chỉ với 1 điều kiện nhẹ nhàng: ta phải tha chút lỗi ít ỏi đó cho anh em.

11/ Thiên Chúa nhân hậu ở chỗ nào? Thiên Chúa là Cha nhân hậu. Ngài luôn tha thứ nếu như ta biết ăn năn, hình ảnh rõ nét nhất là trong dụ ngôn người cha nhân hậu và Ngài luôn mời gọi chúng ta hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời.

12/ Chúa Giê-su đã ban ơn nào cho môn đệ sau khi từ cõi chết sống lại? Trước khi chết, đang lúc còn treo trên thập giá -> Chúa nói: Lạy Cha, xin tha cho chúng vì chúng lầm không biết. Trái tim Chúa vẫn rộng mở dù đang trong cơn khốn cực. Tại sao Chúa không nhớ đến kẻ làm ơn, mà lại nhớ đến những kẻ đã xúc phạm mình?. Sau khi sống lại, Chúa không nhớ đến sự bội bạc của các đồ đệ ,mà chỉ lo chúc bình an, mặc dù các ông chối bỏ, trốn chạy.

13/ Phê-rô đã nghĩ gì khi đưa ra câu hỏi trên đây? Ai cũng cho rằng sự bất quá tam, còn ông thì gấp đôi lên khi đưa ra con số 7 lần. Ông đang hí hửng khi tự cho mình là người quảng đại. Nhưng ông đã thất vọng khi Chúa đưa ra lời giải đáp.

14/ Trị giá hiện tại của 10.000 yến vàng là bao nhiêu? Nếu tính vàng ở giá 37 triệu / tiền đô ở mức 22.000 đồng/USD thì số tài sản trên có giá trị hiện có là khoảng 4 tỷ 500 triệu đô. Một số tiền khổng lồ mà nhiều quốc gia không có.

15/ Ý nghĩa của tôi tớ và bạn đồng liêu là như thế nào? Ngày xưa vua chúa thường gọi cấp dưới là bầy tôi. Các quan với nhau chính là đồng liêu, người dân đen không thể nào được vua cho mượn một số tiền lớn như thế. Chỉ có các quan lớn trong triều mượn được, còn dân đen thì không bao giờ.*

16/ Ý Thiên Chúa trong bài Phúc Âm hôm nay là gì? Chúa ban ơn rất nhiều cho mỗi người chúng ta, không cần phải là quan lớn. Chúa ban nhưng không và cũng tha thứ nhưng không. Chúa đòi chúng ta cũng phải biết tha thứ , để xứng đáng được Chúa tha thứ.Nếu món nợ nhỏ mà chúng ta không tha cho anh em, thì món nợ lớn kia, Chúa cũng sẽ không tha cho chúng ta.

17/ Chúng ta phải nên làm thế nào? Xót thương để được thương xót, tha thứ để được thứ tha. Đây là giao kết trong kinh lạy cha, chỉ cần chúng ta biết sám hối ăn năn, biết sống bác ái với anh em thì chúng ta sẽ được Chúa ban thưởng quá với lòng mong ước của chúng ta.

18/ Xin Chúa ban cho con tấm lòng quảng đại như Chúa . Amen. **R

 

Giuse Luca / Trưởng Nhóm Kinh Thánh Emmaus


Trở lại      In      Số lần xem: 1487
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  8
 Hôm nay:  4149
 Hôm qua:  8431
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11430414
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top