Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu và sống Tin Mừng CN 29 Thường Niên A (Giuse Luca)

CHÚA NHẬT   XXIX   TN  A  -  22/10/2017

ĐỀ TÀI: CỦA THIÊN CHÚA HÃY TRẢ CHO THIÊN CHÚA

Lời Chúa: Mt 22,15-21

 

ĐỀ TÀI: CỦA THIÊN CHÚA HÃY TRẢ CHO THIÊN CHÚA

 

Tung hô Tin Mừng:  Pl 2,15d.16a

Haleluia. Haleluia. Giữa thế gian, anh em phải chiếu sáng như những vì sao trên vòng trời, là làm sáng tỏ lời ban sự sống. Haleluia.

PHÚC ÂM:  Mt 22, 15-21

Của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mát-thêu.

15 Bấy giờ những người Pha-ri-sêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giê-su phải lỡ lời mà mắc bẫy.

16 Họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hê-rô-đê, đến nói với Đức Giê-su rằng: "Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. 17 Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xê-da hay không?"

18 Nhưng Đức Giê-su biết họ có ác ý, nên Người nói: "Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ đạo đức giả! 19 Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế!" Họ liền đưa cho Người một quan tiền. 20 Người hỏi họ: "Hình và danh hiệu này là của ai đây?" 21 Họ đáp: "Của Xê-da." Bấy giờ, Người bảo họ: "Thế thì của Xê-da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa."

Đó là lời Chúa.

 

NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI DỄ HIỂU BÀI TIN MỪNG

1/ Thế giới đang tôn thờ ai ?

2/ Biệt phái và phe Hêrôđê là những ai ?

3/ Họ hỏi Chúa điều gì ?

4/ Chúa giê-su trả lời thế nào ?

5/ Lập trường của Chúa ra sao ?

6/ Bổn phận của người do thái là gì ?

7/ Tôn giáo và chính trị khác nhau thế nào?

8/ Đồng tiền Roma mang hình ảnh của ai ?

9/ Người công giáo nên làm gì ?

10/ Người Do thái phải nộp mấy loại thuế ?

11/ Nhiệm vụ của Chúa Giê-su là gì ?

12/ Những gì của Thiên Chúa, hãy trả về cho Thiên Chúa, Tại sao ?

13/ Trần thế đã lôi kéo Chúa ra sao ?

14/ Chúng ta nên hiểu như thế nào ?

15/ Hiệu quả do Tin mừng mang lại là gì ?

16/ Bổn phận đời thường của người Kitô hữu là gì ?

17/ Ưu tiên của phúc âm là gì ?

18/ Chúa đã xử sự như thế nào ?

19/ Chúa Giê-su nhìn nhận sự việc như thế nào ?

20/ Tất cả quyền bính trên đời này là của ai ?

=>  Hãy tìm câu trả lời từ bài “Tóm ý”.

 

Bài 1: ĐỪNG ĐẠP CHÂN VÀO MŨI NHỌN

1/ Trong bối cảnh văn hóa có nhiều thay đổi trong thế giới hôm nay, bài Tin Mừng mang ý nghĩa gì? Thế giới đang chạy theo tôn thờ ông Thần Tài. Ông Thần vàng, đô la. Họ đang chạy theo chủ nghĩa thực dụng, vai trò tôn giáo mỗi lúc một mờ nhạt. Thánh đường chỉ là biểu tượng để cho người ta diễn tả một hình ảnh trang nghiêm, Thánh giá đeo nơi cổ cũng chỉ là kiểu thời trang độc đáo. Thì bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở chúng ta tìm hiểu để đặt bậc thang giá trị của mỗi thứ vào đúng vị trí của nó.

2/ Âm mưu của biệt phái và phe Hêrôđê là gì? Đây là lần đầu tiên bọn biệt phái và phe Hêrôđê cấu kết với nhau tưởng là để mưu cầu điều gì đại sự, ai ngờ bọn họ chỉ nhằm loại bỏ con người của Chúa Giê-su bằng cách gài bẫy Chúa trước một vấn đề mà bọn họ cho rằng bài toán này Chúa Giê-su khó lòng mà giải được -> Đó là : Có được phép nộp thuế cho Cêsar hay không?.

3/ Khi đưa cái bẫy này, bọn chúng mong chờ điều gì? Khi nêu lên câu hỏi này, bọn biệt phái chỉ chờ câu trả lời “có” để ghép tội Chúa Giê-su là kẻ chống phá tôn giáo và một lòng đi với Đế Quốc. Trong khi phe Hêrôđê thì lại chờ câu trả lời là “không”, để xếp Ngài vào số những kẻ thù địch với chính quyền Đế Quốc. Dù trả lời hay không thì phần thiệt hại đều nghiêng về Chúa Giê-su.

4/ Thái độ và cách đáp trả của Chúa Giê-su: Thật bất ngờ đến đáng cười khi Chúa Giê-su không những đã vạch trần thủ đoạn nham hiểm của họ và còn đẩy họ tới chỗ phải chịu trách nhiệm về những lựa chọn của mình. Chúa nói: Của Cêsar hãy trả cho Cêsar. Đây là một thực tế bởi vì họ tiêu dùng tiền Roma thì đương nhiên phải đóng thuế cho Roma. Quyền lợi và nghĩa vụ cần phải đi liền nhau, nộp thuế cho Cêsar là nghĩa vụ nên đâu có gì phạm thánh như là ý bọn biệt phái cố tình dàn dựng, nhưng là một hành động hợp lý với những con người có ý thức sống xã hội, mà muốn xã hội yên vui, ấm no, hạnh phúc thì họ phải đóng góp.

5/ Phản ứng của biệt phái và phe Hêrôđê thế nào? Cả hai đám người này đều cụt hứng. Bọn họ cứ tưởng sẽ chụp mũ được Chúa, và lôi Chúa vào cái bẫy chính trị nếu như Ngài dám phủ nhận quyền bính của Cêsar. Nhưng Chúa Giê-su lại muốn khẳng định mình trong cương vị tôn giáo, rất vui lòng khi biết chu toàn bổn phận công dân. Nên bọn họ chẳng thể nào ghép Ngài vào tội thỏa hiệp hay chống đối.

6/ Bài học mà Chúa Giê-su muốn dạy họ là gì? Vượt lên trên vấn nạn của cái kiểu chụp mũ thù địch, Chúa Giê-su còn đương nhiên mời gọi họ bước tới để chu toàn trách nhiệm tôn giáo đối với Thiên Chúa. Cho dù họ đang đứng trên lập trường nào thì họ cũng đều là những người Do Thái, phải kính mến Thiên Chúa và phải tuân giữ lề luật Moisen.

7/ Bổn phận trước hết của người Do Thái là gì? Bổn phận trước hết phải là bổn phận tôn giáo, của Thiên Chúa hãy trả về cho Thiên Chúa, qua đó Chúa Giê-su cũng đã xác quyết: Quyền tối thượng thuộc về Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa là chủ tể quyền năng bao trùm tất cả mọi lĩnh vực. Thiên Chúa không tự đặt mình ngang hàng với Cêsar để tranh chấp hay bảo vệ quyền lợi của mình. Bởi vì việc nộp thuế hay không nộp thì cũng đâu có thêm bớt gì cho vinh quang của Thiên Chúa. Do đó, chúng ta phải tuyệt đối chu toàn những bổn phận đối với Thiên Chúa. Trong khi đó vẫn cứ an tâm nộp thuế cho Cêsar vì đương nhiên chúng ta cũng có bổn phận phải chu toàn bổn phận ở đời của một công dân.

8/ Nội dung lời Chúa Giê-su giải đáp: Chúng ta đương nhiên ngỡ ngàng thán phục cung cách trả lời của Chúa Giê-su mà còn phải thán phục hơn nữa với nội dung của lời giải đáp có sức làm nổ tung cái lối nhìn tù túng. Có thể nói được rằng : Chỉ có một bổn phận duy nhất là làm đẹp lòng Thiên Chúa, đấng đang nắm giữ linh hồn chúng ta, quyền năng của Ngài bao trùm mọi lĩnh vực. Bởi đạo chỉ đẹp hơn khi áp dụng vào môi trường đời, và đời chỉ tốt hơn khi được ở trong môi trường đạo.

9/ Qua cách trả lời của Chúa Giê-su, chúng ta nghiệm được điều gì? Người Do Thái muốn gài bẫy Chúa nên đưa ra một câu hỏi học búa. Không ngờ Chúa Giê-su trả lời thật khôn ngoan: Của Cêsar  hãy trả cho Cêsar . Với câu trả lời này, Chúa minh định ra những điều quan trọng sau đây.

10/ Thứ nhất: Tôn giáo và chính trị là hai đều luôn tách biệt nhau: Chính trị không thể trở thành tôn giáo, hoặc có thể bắt tôn giáo làm nô lệ cho mình, tôn giáo cũng không thể hòa nhập với chính trị để rồi đánh mất bản chất của mình.

11/ Thứ hai: Mỗi người có hai nhiệm vụ phải chu toàn: 1- Nhiệm vụ với quan quyền xã hội là -> Trả cho Cêsar  những gì là của Cêsar ; 2- Nhiệm vụ đối với Thiên Chúa -> Trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Hình và huy hiệu khắc trên đồng tiền là của Hoàng Đế Cêsar , hãy trả lại cho ông. Những linh hồn con  người là hình ảnh Thiên Chúa nên linh hồn phải được trả về cho Thiên Chúa.

12/ Để có được những đồng tiền mang hình ảnh Cêsar , con người đã phải làm gì? Để có được những đồng tiền mang hình ảnh Cêsar , người dân đã phải làm việc rất vất vả. Cũng thế, để linh hồn mang được hình ảnh Thiên Chúa, con người cũng phải cố sức làm việc.

13/ Sự khác biệt giữa hai cách làm việc: Hai cách làm việc thật khác xa nhau, để chia sẻ phần nào quyền lực của Vua Chúa trần gian, người ta phải làm việc theo cách của Vua Chúa đó là tìm mọi cách để chiếm hữu của cải. Nếu muốn trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa, con người phải suy nghĩ và hành động như Thiên Chúa, đó là yêu thương và cho đi.

14/ Điều minh họa rõ nét nhất cho tình yêu Thiên Chúa là gì? Bí tích Thánh Thể là minh họa rõ nét nhất về tính cách yêu thương và cho đi của Thiên Chúa. Nói đến bí tích Thánh thể, lòng trí tự nhiên hướng ta về bữa tiệc ly, về cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giê-su trên thập giá. Qua đó chúng ta thấy được nhiều khía cạnh trong tình yêu Thiên Chúa.****

 

Bài 2: TRÁCH NHIỆM GIỮA TÔN GIÁO VÀ TRẦN THẾ

15/ Bối cảnh câu chuyện Tin Mừng: Xứ Palestin vào thời Chúa Giê-su là một tỉnh của Đế Quốc La Mã. Như mọi tỉnh khác, ngoài đủ thứ thuế phải nộp người dân bị đô hộ còn phải nộp thêm một thứ thuế đặc biệt để tỏ dấu phục tùng Hoàng Đế. Giữa người Do Thái với nhau, có kẻ chủ trương nộp thuế, nhưng có những kẻ khác, điển hình là nhóm biệt phái nhiệt thành ,những người chống đối đế quốc, họ cho rằng bổn phận của họ vì lý do tôn giáo là phải từ chối không nộp thuế. Nên bọn người này rất được lòng dân.

16/ Một câu hỏi khó được đặt ra cho Chúa: Các kẻ đối nghịch với Chúa đặt ra cho Ngài một câu hỏi khó : Có nên nộp thuế cho Vua Cêsar không? Chính câu hỏi này là một cái bẫy. Họ tính toán rằng: Nếu Chúa Giê-su trả lời “không” Ngài sẽ gặp khó khăn với chính quyền La Mã và sẽ bị bắt giam, nếu Ngài trả lời “có” Ngài sẽ làm mất lòng dân, dân sẽ loại bỏ Ngài. Trả lời kiểu nào thì họ cũng loại bỏ được Ngài, họ cũng thanh toán được Ngài.

17/ Chúa Giê-su giải quyết vấn đề như thế nào? Nhiệm vụ của Chúa Giê-su là mang nước Thiên Chúa từ Trời xuống và mong nó mau lan rộng ,còn đối với quyền lực trần thế Ngài muốn trả nó là những gì thuộc phạm vi trần thế cho người trần thế. Đồng thời Chúa Giê-su cũng muốn khẳng định rằng : Vương quyền của Thiên Chúa không thể đem so sánh hay gắn kết với những gì mà người đời thường lưu  tâm đến như là quyền lực của một quốc gia.

18/ Chúa Giê-su muốn trả thứ gì cho Thiên Chúa? Để hiểu rõ vấn đề, chúng ta cần đi vào cách nhìn xuyên suốt của Chúa Giê-su và nhớ lại các hoàn cảnh thực thụ khi Ngài giảng dạy. Những gì mà Chúa Giê-su muốn trả về cho Thiên Chúa là phẩm giá của một con Thiên Chúa mà mỗi người đã nhận lãnh và vận mệnh sau này của mỗi chúng ta.

19/ Trần thế đã lôi kéo Chúa như thế nào? Sau việc Chúa hóa bánh ra nhiều, đám đông muốn phong vương cho Chúa. Chính các môn đệ cũng đã lâu ngày đặt tin tưởng vào một vương quyền trần thế. Chúa Giê-su đã không ngừng chống lại quan niệm sai lầm ấy của đám môn đệ.

20/ Điều Chúa Giê-su muốn công bố cho mọi người biết là gì? Đã nhiều lần Chúa công bố : Ngài là Người Tôi Tớ đau khổ, đã được các tiên tri báo trước nhưng không ai chịu tin. Sứ mạng của Chúa là nhằm khai trương Nước Thiên Chúa, do đó câu trả lời của Chúa Giê-su với  nhóm biệt phái không nói rõ lên thái độ kháng cự hay không kháng cự đối với các quyền hành trần thế. Chúa Giê-su muốn chúng ta hiểu rằng: Chế độ trần thế của bất kỳ cộng đoàn nhân loại nào, cho dù là mang hình thức nào thì những con người đó cũng cần phải có những thứ để dâng lên cho Thiên Chúa. Ngoài ra họ còn phải dâng lên Thiên Chúa những hoạt động như là: thờ phượng, rao giảng Tin Mừng, thực hành các phép bí tích… từ đó đi ngang qua Người Tôi Tớ đau khổ để đi đến chiến thắng. Cuối cùng những công việc đó không phải là tách biệt với quyền hành thế gian, nhưng là đứng trên mọi thứ của thế gian.

21/ Công việc chính yếu của Phúc Âm là gì? Công việc chính yếu của Phúc Âm mà Chúa Giê-su muốn đạt tới là làm thay đổi tâm hồn con người. Ở mức độ quyền lực của xã hội, cũng có cơ cấu nâng đỡ, cũng có những điều gây khó khăn cho việc phổ biến và lan truyền Phúc Âm. Nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng: Việc thay đổi tâm hồn mỗi người cũng làm thay đổi tư duy của cả xã hội, nghĩa là cả hai cùng chịu ảnh hưởng lẫn nhau.

22/ Bổn phận về phần đời của Kitô hữu là gì? Bổn phận của người Kitô hữu ở khía cạnh đời là góp phần xây dựng một trật tự xã hội tốt đẹp, gây thuận lợi cho việc phổ biến Tin Mừng Nước Thiên Chúa.

23/ Chúng ta nên dành ưu tiên cho công việc nào? Câu hỏi được đặt ra là : Biến cải nội tâm hay cải tạo xã hội? Vì tâm hồn là một thửa đất là nguồn mạch để cho Phúc Âm đâm rễ / vì thế phần ưu tiên là dành để hoán cải phần tâm hồn luôn luôn. Khi ấy những người Kitô hữu nào muốn dấn thân cải tạo xã hội thì có thể thoát khỏi nguy cơ bị chọn làm theo những quy luật như là: Những nguyên tắc, những mục tiêu, những phương tiện thuộc về thế gian chớ không thuộc về Phúc Âm! Hơn nữa họ sẽ giúp ích cho thế gian bằng cách: Không tự giới hạn vào việc lặp lại những gì thế gian đã nói, nhưng họ vẫn đóng góp được cho sứ điệp riêng của Phúc Âm.

24/ Cách Chúa Giê-su thoát khỏi cửa tử: Nếu Chúa Giê-su bảo nộp chắc Ngài chẳng yêu nước thương dân, vì thứ thuế thân nộp cho Đế Quốc Roma thật là một điều ô nhục. Nhưng nếu Ngài bảo đừng,  hẳn Ngài sẽ bị tố cáo.

25/ Một cách trả lời khôn khéo: Cho tôi xem đồng tiền dùng để đóng thuế, khi họ đưa cho Chúa xem hình đồng bạc có hình Cêsar những kẻ giương bẫy đã thú nhận họ đang dùng thứ tiền này và như thế là họ mặc nhiên nhìn nhận vương quyền của Cêsar. Chúa bảo : Hãy trả cho Cêsar những gì thuộc Cêsar. Ngài đương nhiên nhìn nhận sự độc lập nào đó của ông, ông có quyền điều hành Đế Quốc theo ý ông muốn. Đối với những người Do Thái, sử dụng bạc của Cêsar, Chúa Giê-su không hề ngăn cản họ nộp thuế cho ông ấy, nhưng Ngài cũng không buộc mọi người phải nộp thuế cho Cêsar, vì cũng có người coi việc nộp thuế thân cho Hoàng Đế Roma là phủ nhận quyền tối thượng của Thiên Chúa. Giờ đây chúng ta phải tự hỏi: Có cái gì ngoài Thiên Chúa mà lại không phải là thụ tạo của Ngài không?****

 

Bài 3: KẺ ĐƯỢC TẤN PHONG LẠI LÀ DÂN NGOẠI

26/ Vị ngôn sứ Isaia Đệ nhị đã nói gì với dân Do Thái vào thời lưu đày Babylon: Vị ngôn sứ này đã tìm cách an ủi đồng bào của mình. Họ chán nản nhụt khí trước cuộc lưu đày tưởng chừng như vô tận, ông hứa với họ là cuộc giải thoát đã đền gần, niềm hy vọng của ông là nhắm đến Vua Kyrô nước Ba Tư.

27/ Niềm hy vọng ấy được bắt đầu như thế nào? Vào năm 553 trước công nguyên Vua Kyrô đã thống nhất quyền lực BaTư sau khi đã chiến thắng Vua Astyage và Vua Mêđi, ông xuất quân đi chinh phục niềm tiểu á, tiến vào Babylon và chấm dứt thời thống trị của Đế quốc Babylon. Trước khi những cuộc chiến thắng ngoạn mục của Vua Kyrô vang dội khắp nơi, thì vị ngôn sứ này đã loan báo rằng: Ý định của Thiên Chúa là sẽ sử dụng Vua Kyrô để giải thoát cho Israel thoát khỏi ách lưu đày.

28/ Tại so dân Do Thái hoang mang? Họ hoang mang vì không thể tin rằng một vị vua ngoại giáo lại có thể giải thoát cho dân Israel. Họ hoang mang nên vị ngôn sứ đã phải xua tan thành kiến này bằng cách khẳng định: Đó là cách thức hành động của Thiên Chúa. Vị ngôn sứ đã khẳng định rằng: Vua Kyrô đã được Thiên Chúa tuyển chọn và thánh hiến để ông Vua kia trở nên dụng cụ trung thành của Thiên Chúa.

29/ Thiên Chúa cầm lấy tay phải của vị vua là gì? Bản văn được trình bày như là cách Thiên Chúa phong vương cho vua Kyrô như là vị vua của Israel, mà Ngài đã tuyển chọn, và Chúa cầm lấy tay phải vua như là cách Ngài trợ giúp bảo vệ vua, cũng có ý nói lên rằng: Vị vua này sẽ chiến thắng mọi quân thù .

30/ Sấm ngôn đã nói gì về vua Kyrô? Thiên Chúa đi bên cạnh vua như một người bạn, ngài thúc giục vua xuất chinh chống lại Babylon, Ngài đặt dưới chân vua xứ sở Guti, Ngài công bố Kyrô là chúa tể muôn dân, không những trong kinh thánh mà các bản văn của niềm cận đông cũng đều ghi như thế.

31/ Mở toang các cửa thành là gì? Thiên CHúa hứa sẽ mở toang các cửa thành trước mặt vua, khiến cho không cổng thành nào có thể đóng kín. Ở đây có ý nói đến cổng thành Babylon làm bằng đồng danh tiếng, các cổng sẽ mở toang mà vua sẽ không tổn hao binh lực, có nghĩa là vua sẽ chiến thắng Babylon mà không cần phải giao chiến.

32/ Đức Chúa tuyển chọn vua Kyrô như thế nào? Ngài dẫn đưa vua Kyrô từ chiến thắng này đến chiến thắng khác, Thiên Chúa gọi đích danh ông và trao phó cho ông một sứ mạng mà Kinh Thánh gọi điều này là một ơn gọi. Thiên Chúa vẫn ban cho ông một tước hiệu: Là Đấng được xức dầu, là người mục tử của Ta. Điều này được ngôn sứ trích dẫn ở một nơi khác, dù rằng vị vua này là người ngoại giáo và không hề biết Thiên Chúa.

33/ Vua Kyrô đã hành xử như thế nào? Ông hành xử như một vị tôi tớ được tuyển chọn, ông tỏ ra hào hiệp khi chiến thắng vua Međi là Astyage, ông đã để cho vua này được sống, khi chiến thắng Babylon, ông cũng đã hành xử như vậy (Vua Cresus). Ông không phá huỷ thành Babylon, ông còn tôn trọng tôn giáo của kẻ bại trận.

34/ Đức Chúa là Thiên Chúa của ai? Ngài là Thiên Chúa của dân Do Thái mà còn là Thiên Chúa của muôn dân muôn nước. Thiên Chúa không lệ thuộc vào bất cứ quyền lực trần thế nào vì mọi quyền bính đều xuất phát từ ngài, cho nên dù họ không có ý thức về Ngài, thì ngài vẫn sử dụng họ như là một khí cụ trong chương trình cứu độ của Ngài.

35/ Chúa Giê-su đã nói gì với Philatô: Chúa nói: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Chúa không ban cho ngài” (Ga 19,11).

 

Bài 4: CẦN PHẢI CHU TOÀN HAI BỔN PHẬN

36/ Đại ý của bài Tin Mừng hôm nay là gì? Qua câu chuyện nộp thuế với những kẻ chống đối, Chúa Giê-su đã phân tích rõ bổn phận của mỗi người đối với thế quyền cũng như thần quyền, chúng ta phải chu toàn cả hai.

37/ Các lãnh đạo và đám biệt phái Do Thái đã cùng nhau chất vấn Chúa Giê-su và tìm mọi cách để bắt bẻ Chúa về vấn đề tôn giáo. Nhưng họ đã thất bại, nay lại lập mưu gán ghép Ngài vào một tội chính trị khi họ gài bẫy phỏng vấn Ngài về việc nộp thuế cho đế quốc Lamã.

38/ Đám người hôm nay muốn gài bẫy Chúa là những ai? Người biệt phái thì yêu nước và coi trọng lề luật. Họ muốn dò xét xem Chúa có làm sai luật và trái với lòng yêu nước không. Còn đám tay sai vua Hêrôđê thì làm theo lệnh của đế quốc Lamã. Hai nhóm này không đồng quan điểm và thường chống đối nhau. Nhưng khi Chúa Giê-su ra rao giảng thì họ lại coi Chúa Giê-su là kẻ thù chung vì thế họ mới họp nhau lại để mưu hại Chúa (Mc 3,6). Hôm nay họ đến hỏi vờ vịt mấy câu rồi bắt đầu cuộc phỏng vấn.

39/ Lòng dạ của những người này ra sao? Lòng dạ của những kẻ được sai đến thật là xảo quyệt. Đầu tiên họ dùng một lời khen để có ý đánh tan mọi nghi ngờ, một lời khen tôn kính nhưng hết sức giả dối (câu 18).

40/ Lời khen có ý nghĩa gì? Họ dùng tước hiệu thầy để chào Chúa, họ khen Chúa có lòng thành thật không hề bị ai chi phối. Đây là những đặc tính dùng để mô tả người công chính được thánh kinh mô tả nhiều lần (Cv10,34/Gc2,1-9/Cl 25). Tuy miệng thì khen nhưng lòng lại rất ác ý.

41/ Họ đưa ra một câu hỏi hóc búa như thế nào? Đây là một câu hỏi hóc búa, mà cũng là một câu gài hết sức nguy hiểm, vừa sắc như dao, lại vừa là liều thuốc độc. Vì là câu hỏi gài bẫy, nên Chúa trả lời kiểu nào cũng chết.

42/ Câu hỏi ấy mang ý nghĩa nào? Có được phép nộp thuế cho người Lama không? Lamã là đế quốc đang thống trị dân Do Thái, mà hoàng đế lại là người ngoại giáo, là kẻ thống trị nên việc nộp thuế không nằm trên bình diện chính trị mà lại được đặt trên bình diện tôn giáo.

43/ Một giả thuyết được đặt ra như thế nào đây? Nếu Chúa Giê-su trả lời là có nộp thuế thì Ngài không phải là người yêu nước thương dân, không muốn cho tổ quốc được độc lập, cũng không phải là Đấng cứu thế. Vì theo như kinh thánh thì Đấng Cứu Thế phải giải thoát dân tộc, khôi phục lại giang sơn. Như vậy thì Ngài không phải là Đấng cứu thế mà chỉ là kẻ tự xưng, đáng phải bị ném đá.

44/ Nếu Chúa Giê-su trả lời không thì sao? Thì ngay lập tức họ sẽ đi tố cáo với quan tổng trấn Lamã. Tất cả mọi người từ con nít đến người già đều coi thứ thuế này như là một nỗi ô nhục khi bắt dân chúng làm nô lệ cho Lamã. Cho nên nhóm những người yêu nước cấm các thành viên của mình không được nộp nhưng nhiều người bất lực nên đành phải nộp.

45/ Người Do Thái còn phải nộp loại thuế nào nữa? Họ còn phải nộp thuế tôn giáo là thứ thuế nộp cho đền thờ (Mt17,24-27).

46/ Sự thật mà đám người giả hình này là gì? Thứ nhất họ giả bộ băn khoăn trong lương tâm, nhưng thực ra họ đang mưu hại Chúa như là cách họ gài bẫy. Thứ hai, hằng ngày họ vẫn dùng tiền La mã trong thương mại hay nộp thuế. Như vậy đây cũng là cách họ mặc nhiên chấp nhận kiểu thống trị của người La Mã, Thế mà họ vẫn giả bộ như là đang chua xót lắm vậy. Như vậy những câu hỏi mà họ đưa ra không phải vì họ yêu nước thương nòi, nhưng là họ cố ý cho Chúa phạm lỗi để có cớ tố cáo.

47/ Câu trả lời của Chúa Giê-su minh chứng điều gì?  Chúa Giê-su muốn đưa ra một việc làm cụ thể để minh chứng cho việc phải làm, đó là người Do Thái đã dùng tiền La mã tức là họ đã chấp nhận Cesare là vua của họ, cho nên ở đây Chúa muốn phân định ở hai thực quyền phải được tách bạch bằng hai bổn phận khác nhau, cho nên: “Của Cesare hãy trả cho Cesare”.

48/ Cesare nằm ở lãnh vực nào? Đây tượng trưng cho thế quyền, tiền thuế này dùng để chi trả cho các việc công ích và điều hành đất nước. Trong đời sống hiện tại của con người, nếu Do Thái chấp nhận quyền của hoàng đế Cesare thì đương nhiên họ cũng phải tuân thủ các điều luật chính đáng của hoàng đế.

49/ Thiên Chúa sẽ quản lý ở lãnh vực nào? Đây chính là thần quyền nên nó sẽ vượt trên mọi thứ quyền của nhân loại, liên quan đến việc phụng thờ Thiên Chúa và lo cho lợi ích đời sau của con người.

50/ Khi phân tích hai thứ quyền, chúng ta rút ra được điều gì? Chúa muốn nhắc người Do Thái cũng như mọi người chúng ta là: Khi lo lắng chu toàn bổn phận trần thế thì cũng không được quên bổn phận hệ trọng hơn. Đó là bổn phận của họ đối với Thiên Chúa.

 

Bài 5: CHÚ GIẢI

1/ Đoạn 22, câu 15: Khác với đoạn 21, câu 45 ở đây chỉ đề cập đến nhóm người Pharisêu. Có nghĩa là những người thuộc thượng hội đồng không còn chất vấn Chúa Giê-su nữa, nhưng là nhóm Pharisêu. Họ cùng nhau lên kế hoạch để đặt bẫy Chúa Giê-su về những gì Ngài nói. Họ từng nhiều lần thất bại khi công kích Chúa ,nên lần này họ tiếp cận Chúa cách kỹ lưỡng và tinh vi hơn.

2/ Đoạn 22, câu 16: Phe Hêrôđê là những người thuộc đảng phái chính trị đang ủng hộ triều đình Vua Hêrôđê. Những người này thân thiện với chính quyền Roma. Về mặt chính trị, họ lại có quan điểm hoàn toàn trái ngược với nhóm Pharisêu nhiệt thành ,họ nổi tiếng vì chủ nghĩa dân tộc. Tuy hai nhóm này không ưa gì nhau nhưng lại hợp lực để chống lại Chúa Giê-su. Bọn họ bắt đầu vào cuộc  và âm mưu tạo ra cớ để làm Chúa Giê-su lỡ lời mắc bẫy ( câu 15).

3/ Cho dù Chúa Giê-su trả lời thế nào thì cũng phải đụng chạm một trong hai nhóm bọn họ. Một là Chúa Giê-su bị đám đông xa lánh, từ bỏ vì đã ủng hộ phe Hêrôđê , là phe Roma. Hai là Chúa Giê-su có thể bị xử tử nếu chống đối Roma.

4/ Họ dùng cách tán tụng dài dòng để mào đầu  hầu mong làm Chúa Giê-su mất cảnh giác mà phản ứng xốc nổi, rồi bọn họ gắng gượng làm ra vẻ ta đây khiêm tốn, ngây thơ để xin ý kiến qua việc đề cao tính chân thật và độc lập của Người, họ hy vọng Chúa Giê-su sẽ nói những lời mang tính chống đối nhà cầm quyền Roma, hoặc sẽ xúc phạm đến dân tộc Do thái.

5/ Họ còn muốn dùng tài khua môi múa mép của mình, họ sẽ làm cho Đức Giê-su bối rối mà không dám phát biểu gì nữa! Cho nên dù là những lời họ nói về Đức Giê-su là thật, thì cũng chẳng qua chỉ để che dấu bộ mặt thù ghét của họ đối với Chúa. Chằng khác nào nụ hôn của Guida, những lời ngọt ngào của họ ở đây cũng chỉ là xảo trá, đầu môi để giúp họ đạt được mục đích của mình.

6/ Đoạn 22, câu 17: Có 3 loại thuế phổ biến được áp dụng vào thời Roma: a) Thuế điền thổ(tài sản, đất đai); b) Thuế cầu đường (thành thị, bến cảng); c) Thuế thân ( đánh vào các công dân trong đế quốc). Đây là loại thuế thân là loại thuế đóng cho Hoàng Đế biểu hiện sự tùng phục. Loại thuế này khiến cho những người tự cho mình là tự do, thì ghét cay, ghét đắng.

7/ Hơn nữa Đồng Denarius có khắc hình và danh hiệu hoàng đế nên thường đi ngược lại quan điểm tôn sùng ngẫu tượng. Chắc chắn những người nhóm nhiệt thành hay còn gọi là nhóm “Zealot” (dao găm) không đời nào chấp nhận đóng thứ thuế này, cho nên các người Pharisêu hôm nay hy vọng một câu trả lời của Chúa Giê-su sẽ nghiêng về phía họ, thì họ sẽ xúi người thuộc nhóm thân Hêrôđê đi tố cáo với tổng trấn (Lc 20,20). Còn nếu câu trả lời mà được lòng phe Hêrôđê, thì uy tín của Người là một vị thầy khả kính trước mặt bàn dân thiên hạ sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.

8/ Đây là một cách hỏi bắt bí được sắp đặt sao cho người kia chỉ có thể trả lời có hoặc không và họ nắm chắc rằng : Chúa Giê-su sẽ sập bẫy.

9/ Đoạn 22, câu 18:  Cho dù vẻ bề ngoài của họ cung kính, ngây thơ, khéo léo che đậy lòng hận thù của mình trước mắt người đời, nhưng với Chúa Giê-su thì không bao giờ. Chúa đã nhìn thấy lòng dạ hiểm độc của họ (Mt 9,4) (Ga 2,25) người đã lột trần bộ mặt thật của họ bằng cách hỏi thẳng : Tại sao các người lại thử tôi hỡi những kẻ giả hình? Quả thật họ đích thị là những kẻ đó.

10/ Đoạn 22, câu 19-20: Mức thuế thân là một đồng “Denarius” là một đồng bạc có khắc hình Hoàng đế : Ti Ceasar Divi Aug F Augustus, dịch nghĩa là : Tibêrí-ut César, con trai của Augustô thần thánh”. Người Do Thái kịch liệt phản đối những hình ảnh được chạm khắc trên đồng tiền này, vì với họ, làm như thế là vi phạm điều răn thứ hai. Trước đó không ai trong đám hoàng tộc Hêrôđê dám thực hiện điều này. Vua Hêrôđê Antipa (Cv12) là người đầu tiên dám làm điều đó, đồng tiền này cũng thể hiện sức mạnh của nhà cầm quyền.

11/ Nguyên tắc chung là :tầm ảnh hưởng của nhà vua sẽ được mở rộng đến đâu thì đồng tiền cũng sẽ lưu hành đến đó. Như vậy chuyện những kẻ chất vấn Chúa Giê-su đã sở hữu những đồng bạc này cũng đủ để trả lời chính câu hỏi đầu tiên của họ rồi .(câu 17)

12/ Đoạn 22, câu 21: Đồng Denarius là đơn vị tiền tệ đang lưu hành tại Giuđêa (Câu 19,20) nên Chúa Giê-su có lý khi bảo rằng: Hoàng Đế có quyền lấy những gì thuộc về Hoàng Đế, không chỉ có thuế má, mà còn tất cả những gì Hoàng Đế yêu cầu cách hợp lý nữa. Bằng quan điểm này Chúa Giê-su cho thấy Người không đồng tình với nhóm nhiệt thành “ Zealot” và công cuộc cách mạng của họ.

13/ Nếu Thiên Chúa cho phép dân ngoại nắm quyền một thời gian, thì hẳn là để họ thực thi ý định của Người. Hơn nữa, chính Thiên Chúa là Đấng quyết định khi nào thì thế lực cầm quyền đó phải chấm dứt, sau đó Nước Thiên Chúa mới được thiết lập.

14/ Vì thế việc tùng phục thế quyền cũng là thể hiện  sự tuận phục Thiên Chúa (Rm 13,1-7), (1Pr 2,13-17). Tuy nhiên Đức Giê-su không dừng lại ở đây, câu trả lời của  Chúa tiếp tục đẩy câu chuyện lên tới đỉnh điểm khi nói: Của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa. Như vậy, nghĩa vụ của con người đối với chính quyền sở tại chỉ có thời hạn (Cv5,29) nhưng khi tuân phục trọn vẹn ý Thiên Chúa, người ta sẽ không bị chi phối bởi những sắc lệnh trái với luật Thiên Chúa mà Hoàng Đế Roma đã ban hành.****

 

TÓM Ý

1/ Thế giới đang tôn thờ ai ?Thế giới đang chạy theo chủ nghĩa thực dụng, con người đang thờ vị vua danh lợi thú. Vai trò tôn giáo mỗi lúc càng mờ nhạt, chúng ta hãy tìm hiểu từng giá trị của mỗi thứ để đặt vào cho đúng chỗ của nó.

2/ Biệt phái và phe Hêrôđê là những ai ?Biệt phái và phe Hêrôđê, cả hai phe không thân thiện gì với nhau. Nhưng lần này họ cố gắng đứng chung với nhau để mưu hại cho bằng được Chúa Giê-su. Họ đưa ta một câu hỏi nan giải, khó lòng Chúa Giê-su có thể thoát được.

3/ Họ hỏi Chúa điều gì ?Một câu hỏi hóc búa: Có được phép nộp thuế hay không? Nếu Chúa trả lời “có” thì họ ghép Chúa vào tội phản quốc, và sẽ bị dân chúng ghét bỏ. Nếu Chúa trả lời “không” thì sẽ mang danh là chống chính quyền Roma, khó lòng thoát chết.

4/ Chúa giê-su trả lời thế nào ? Một câu trả lời bất ngờ:“Của Cêsar thì trả cho Cêsar!” Chúa Giê-su đưa ra một câu trả lời mang hai ý nghĩa: Nếu ai tiêu dùng tiền Roma thì phải nộp thuế cho Roma, nộp thuế là một nghĩa vụ. Vì muốn xã hội yên vui thì mỗi người phải có nghĩa vụ đóng góp.

5/ Lập trường của Chúa ra sao ? Chúa Giê-su đưa ra lập trường: Chúa muốn khẳng định mình trong cương vị tôn giáo và Ngài rất vui lòng để chu toàn bổn phận công dân. Người công giáo cũng phải có trách nhiệm chu toàn bổn phận trần thế.

6/ Bổn phận của người do thái là gì ? Bổn phận của người Do Thái : Là bổn phận tôn giáo, của Thiên Chúa hãy trả về cho Thiên Chúa. Quyền Thiên Chúa là tối thượng; quyền năng Thiên Chúa bao trùm mọi lãnh vực, Thiên Chúa không tự đặt mình ngang hàng với Cêsar để tranh chấp hay bảo vệ quyền lợi của mình. Bởi nộp hay không nộp cũng đâu có thêm hay bớt gì cho vinh quang Thiên Chúa. Do đó, chúng ta phải tuyệt đối chu toàn bổn phận với Thiên Chúa và đương nhiên chúng ta cũng có thể nộp thuế cho Cêsar để chu toàn bổn phận ở đời.

7/ Tôn giáo và chính trị khác nhau thế nào? Tôn giáo và chính trị là hai thứ tách biệt nhau: Chính trị không thể trở thành tôn giáo hoặc có thể bắt tôn giáo làm nô lệ cho mình, tôn giáo cũng không thể hòa nhập với chính trị để rồi đánh mất bản sắc của mình.

8/ Đồng tiền Roma mang hình ảnh của ai ?Đồng tiền Roma mang hình ảnh Hoàng Đế, con người phải làm khó nhọc mới có được đồng tiền này. Cũng thế, linh hồn mang hình ảnh Thiên Chúa, thì linh hồn cũng phải ra sức làm việc mới có được hình ảnh Thiên Chúa trong linh hồn mình.

9/ Người công giáo nên làm gì ?Làm việc để có được đồng bạc, con người phải làm theo cách của trần gian là tìm mọi cách để chiếm hữu của cải. Nếu muốn trở nên giống hình ảnh Thiên Chúa, con người phải suy nghĩ và hành động như Thiên Chúa đó là yêu thương và cho đi.

10/ Người Do thái phải nộp mấy loại thuế ?Ngoài các loại thuế phải nộp cho Đế Quốc, người dân Do Thái còn phải nộp một loại thuế đặc biệt là để tỏ dấu phục tùng Hoàng Đế. Giữa dân tộc Do Thái, có kẻ đồng ý nộp, có kẻ không chịu nộp như là nhóm biệt phái nhiệt thành này.

11/ Nhiệm vụ của Chúa Giê-su là? Nhiệm vụ của Chúa Giê-su là mang Nước Trời cho người trần gian và mong nó mau lan rộng. Còn trong phạm vi quyền lực trần gian, Ngài muốn trả nó cho người trần thế, Chúa muốn khẳng định vương quyền của Thiên Chúa không thể gắn kết hay đem so sánh với quyền lực của một quốc gia.

12/ Những gì của Thiên Chúa, hãy trả về cho Thiên Chúa, Tại sao ? Đây chính là phẩm giá của con người, là con Thiên Chúa và vận mệnh của mỗi người chúng ta sau này đều thuộc về Thiên Chúa và mỗi người là hình ảnh của Ngài.

13/ Trần thế đã lôi kéo Chúa ra sao ? Trần thế đã lôi kéo Chúa qua việc Chúa chữa bệnh và hóa bánh ra nhiều để rồi họ muốn tôn Chúa là Vua. Các Môn đệ cũng luôn đặt tin tưởng vào Chúa Giê-su một vương quyền như thế, Chúa Giê-su đã không ngừng chống lại quan niệm sai lầm ấy của các môn đệ.

14/ Chúng ta nên hiểu như thế nào ? Đã nhiều lần Chúa Giê-su công bố: Ngài là một Tôi Tớ đau khổ, đã được các tiên tri báo trước nhưng đâu có ai chịu tin. Do đó, câu trả lời của Chúa nói lên rằng: Cho dù chế độ nào của trần thế, của bất kỳ cộng đoàn nào thì những con người đó cũng cần phải có những thứ để dâng lên cho Thiên Chúa như là thờ phượng, rao giảng Tin Mừng, cử hành các bí tích…. Từ đó đi ngang qua Người Tôi Tớ đau khổ để đi đến chiến thắng, cuối cùng những công việc đó phải tách biệt ra khỏi quyền lực trần thế hay chính xác hơn, nó đứng trên mọi thứ của thế gian.

15/ Hiệu quả do Tin mừng mang lại là gì ?Công việc chính của Phúc Âm là làm thay đổi tâm hồn con người và cũng là cách để thay đổi tư duy của cả xã hội, cả hai cùng chịu ảnh hưởng lẫn nhau.

16/ Bổn phận đời thường của người Kitô hữu là gì ? Bổn phận đời thường của người Kitô hữu là góp phần xây dựng một trật tự xã hội tốt đẹp, dọn đường thuận lợi cho việc phổ biến Tin Mừng.

17/ Ưu tiên của phúc âm là gì ?Tâm hồn là một thửa đất cho Phúc Âm đâm rễ, vì thế việc ưu tiên là dành để hoán cải tâm hồn. Những Kitô hữu muốn dấn thân cải tạo xã hội thì khó lòng thoát khỏi nguy cơ bị chọn làm theo những quy luật thế gian chớ không thuộc về Phúc Âm! Tuy vậy, họ vẫn có thể đóng góp cho sứ điệp riêng của Phúc Âm.

18/ Chúa đã xử sự như thế nào ? Nếu Chúa bảo nộp, thì có nghĩa là Ngài chẳng yêu nước, thương dân. Vì nộp thứ thuế này là công nhận Đế Quốc, là một một điều ô nhục. Nhưng nếu bảo đừng thì Ngài cũng không thể thoát khỏi án tử.

19/ Chúa Giê-su nhìn nhận sự việc như thế nào ? Khi họ đưa cho Chúa xem đồng bạc có khắc hình Cêsar , Đương nhiên Chúa nhìn nhận sự độc lập nào đó của Vua. Chúa không ngăn cấm việc nộp thuế cho Vua ấy. Nhưng Chúa cũng không buộc mọi người phải nộp, vì cũng có người coi việc nộp thuế cho Cêsar là phủ nhận quyền tối thượng của Thiên Chúa.

20/ Tất cả quyền bính trên đời này là của ai ? Giờ đây chúng ta mỗi người cũng phải tự trả lời câu hỏi: Có cái gì ngoài Thiên Chúa ra mà lại không phải là thụ tạo của Ngài không? **R

 

Giuse Luca / Trưởng Nhóm Kinh Thánh Emmaus

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1415
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  13
 Hôm nay:  3127
 Hôm qua:  8431
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11429392
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top