Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu và sống Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng - A / Giuse Luca

CN IV / MÙA VỌNG  A 

ĐỀ TÀI : TRUYỀN TIN CHO ĐỨC GIU-SE

 

Tung hô Tin Mừng:   Mt 1, 23

Alleluia, alleluia! Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.

PHÚC ÂM:  Mt 1,18-24

"Đức Giê-su sinh làm con bà Maria, Bà đã thành hôn với ông Giu-se, con cháu vua Đa-vít".

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Matheu.

18 Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. 20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ." 22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: 23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta." 24 Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.

Đó là Lời Chúa

 

NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI DỄ HIỂU BÀI TIN MỪNG

1/ Phong tục tảo hôn của Châu Á như thế nào?

2/ Tục cưới hỏi của Do Thái có mấy giai đoạn ?

3/ Cách Thánh Mattheu khởi đầu và kết thúc Tin Mừng ra rao ?

4/ Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta như thế nào?

5/ Tại sao Sứ Thần phải truyền tin cho Giuse ?

6/ Ý muốn của Giuse như thế nào?

7/ Thánh Giuse đã làm gì khi biết Thánh ý Chúa ?

8/ Thiên Chúa cần gì khi muốn thực thi ơn cứu độ ?

9/ Nhờ vào đâu mà lời hứa của Thiên Chúa đã thành sự ?

10/  Thiên Chúa nói với ta bằng ngôn ngữ nào ?

11/  Chúa Giêsu Mạc Khải gì về Chúa Cha ?

12/  Chúa Giêsu thể hiện tình yêu với loài người như thế nào?

13/  Trái đất này muốn có hòa bình thì phải làm sao ? (14)

14/  Người Do Thái vẫn đang mong chờ điều gì ?  

15/  Đấng Cứu Thế của họ theo tiêu chuẩn nào ? (16)

16/  Vì sao Thiên Chúa phải giáng trần ? (17)

17/  Tiếng “Xin Vâng” của Đức Mẹ mang ý nghĩa nào ? (18)

18/  Ý nghĩa của Chúa Nhật IV Mùa Vọng ? (19)

19/  Tại sao Thiên Chúa phải giáng sinh hoài ?

20/  Vì sao Chúa đến như một kẻ khó nghèo ?

21/  Thánh Giuse đã làm gì sau khi biết Thánh ý Chúa ?

22/  Nhiệm vụ của Chúa Kito qua vai trò Chúa Thánh Thần là gì ?

23/  Tại sao ta phải thinh lặng ? (24)

    =>  Hãy tìm câu trả lời từ bài “Tóm ý”.

 

Bài 1: CÁCH THÁNH GIU-SE THAM DỰ VÀO MẦU NHIỆM CỨU ĐỘ

1/Tin Mừng Hôm nay kể lại chuyện gì? Tin Mừng kể cho chúng ta nghe chuyện tích sứ thần truyền tin cho Thánh Giu-se về việc Đức Mẹ Maria thụ thai Chúa Giê-su.

2/Đoạn kinh thánh hôm nay muốn nói lên điều gì? Ý bài kinh thánh muốn nói cho chúng ta biết rằng : Việc con trẻ Giê-su sinh ra không do ý muốn thường tình của cha mẹ, nhưng là do sự can thiệp của Thiên Chúa, cũng giống như câu chuyện của Abraham sinh Isa-ác, và của cha mẹ ông Samson sinh ra ông, là một anh hùng của dân tộc ( TL 13,1-7) .

3/Cuộc thụ thai lạ thường như thế nào? Thánh ký đã ghi lại một cuộc thụ thai lạ thường: Bà Maria, mẹ Người đã thành hôn với ông Giu-se, nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Câu chuyện ghi lại phản ứng của Thánh Giu-se với vị hôn thê của mình , vì Đức Maria đã thụ thai trước đó .

4/Câu chuyện nói lên hai điểm quan trọng nào? Có hai vấn đề được đặt ra ở đây : Thứ nhất Đức công chính của Thánh Giu-se và thứ hai Đức Đồng Trinh của mẹ Maria.

5/Vì sao Thánh Giu-se ghi ngờ Đức Maria? Thánh Giu-se không hề hay biết câu chuyện truyền tin của Đức Maria. Vì thế thánh nhân nghi ngờ đức hạnh của vị hôn thê của mình. Nhưng vì ông có tấm lòng đôn hậu nên không muốn công khai tố giác bà. Ông chỉ định tâm âm thầm lìa bỏ thôi.

6/Tại sao cả hai Đấng cùng im lặng? Sự im lặng của Đức Maria là sự im lặng tín thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Mẹ Maria đang vướng vào một sự kiện không thể giải thích được bằng ngôn ngữ loài người. Còn Thánh Giu-se im lặng là do phẩm hạnh của Ngài. Chúa đã để cho hai Ngài gặp hai thử thách nghiêm trọng.

7/Chúng ta rút ra được bài học gì? Đây là bài học quý giá Chúa muốn gửi đến chúng ta, chúng ta đừng ngạc nhiên hay bất bình vì những khó khăn xảy đến trong cuộc đời. Chúng ta cần tin tưởng và trung thành với Chúa bằng bất cứ giá nào khi chúng ta nhìn vào gương chịu đựng của Đức Maria và Thánh cả Giu-se.

8/Thánh Giu-se gặp khó khăn như thế nào khi đối diện với Luật Moisen ? Đức Công Chính theo luật Moisen, đòi buộc Thánh Giu-se phải tố cáo vị hôn thê của mình. Vì đây là một trọng tội. Nếu Thánh nhân ém nhẹm việc này thì không thể là người công chính được.

9/Theo cách lý giải thời hiện đại thì Thánh Giu-se phải giải thích thế nào? Vì Thánh Giu-se biết chuyện nên ông không chút ghi ngờ nào về đức hạnh của vị hôn thê của mình. Điều khó cho Thánh Giu-se là ông không biết xử lý như thế nào thì phải lẽ.

10/Tại sao Thánh Giue-su lại chọn giải pháp rút lui ? Nếu xét trên bình diện pháp lý vì ông là chồng hợp pháp của Đức Maria, ông có quyền không đón nhận vị hôn thê của mình và đứa con mà nàng đang cưu mang. Nhưng nếu xét trên bình diện tôn giáo, ông bị đòi buộc phải kính trọng công việc của Thiên Chúa nơi Đức Maria mà Thánh nhân không được mời gọi dự phần vào. Lúc đó Thánh nhân mới quyết định âm thầm rút lui, nhường bước cho kế hoạch của Thiên Chúa và hy sinh tình yêu đời mình với Đức Maria.

11/Vì sao Thánh Giu-se không nói? Chính vì tiến thoái lưỡng nan, ông không biết xử sự sao cho phải, cũng không nỡ thổ lộ với người bạn đời. Chữ tố giác ở đây không thể hiểu theo nghĩa tiêu cực là tố cáo nhưng nó lại  mang ý nghĩa: Thổ lộ, giải bày. Ông Giu-se đã không muốn thổ lộ, giải bày ý định của mình, sợ rằng sẽ gây đau lòng cho Đức Maria.

12/Thiên Chúa đã can thiệp như thế nào? Thiên Chúa muốn xua tan mọi nghi ngại có trong lòng Thánh Giu-se về thai nhi mà Đức Maria đang cưu mang là do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Đồng thời cũng mời gọi Thánh nhân tham gia vào chương trình này qua vai trò làm người chồng của Đức Maria và làm dưỡng phụ của Chúa Giê-su để sáp nhập hợp pháp con trẻ vào dòng tộc Đavit, cũng để ứng nghiệm lời tuyên sấm của tiên tri Nathan về Đấng Messia (2 Sm7,12).

13/Đức công chính của Thánh Giu-se được thể hiện như thế nào? Ở đây Đức công chính của Thánh Giu-se không dính dáng gì đến việc tuân giữ lề luật. Nếu như tuân giữ lề luật quá chi li mà lại thiếu sự khôn ngoan thì chẳng khác gì việc giết chết Đức Maria và hài nhi Giê-su.

14/Qua sự kiện này Chúa muốn dạy ta điều gì ? Trong mọi biến cố của cuộc đời, chúng ta phải thành tâm thiện chí lắng nghe để tìm biết được ý muốn của Thiên Chúa. Trong mọi biến cố của đời mình và mau mắn nghĩ ra cách đáp trả tích cực: Khi tỉnh giấc, ông Giu-se đã làm như lời sứ thần dạy, và đón vợ về nhà mình.

15/Câu nào minh chứng cho nguồn gốc thần linh của Chúa Giê-su? Điều này được tác giả Tin Mừng trích dẫn lời ngôn sứ Isaia để nêu bật nguồn gốc thần linh của Chúa Giê-su trong việc thụ thai đồng trinh : “Này đây, trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai. Người ta sẽ gọi con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

16/Anh em tin lành thường hiểu giới hạn về Đức Đồng Trinh như thế nào? Họ dựa vào câu cuối cùng: “Ông không ăn ở với bà, cho đến khi bà sinh một con trai”/ họ hiểu chữ “cho đến khi” theo từ của tiếng Anh là “until = cho đến khi” và theo tiếng  pháp = Jusqu’ à ce que/ Nghĩa là Đức Đồng Trinh của Đức Maria chỉ giới hạn trước và trong khi sinh con. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhớ rằng : từ Hy-ngữ này không khẳng định, cũng không bác bỏ việc đồng trinh vẫn được tiếp tục sau khi sinh con.

17/Khi sử dụng giới từ Hy-ngữ này, thánh ký đã không quan tâm đến điều gì? Thánh ký không quan tâm đến việc gì sẽ xảy ra sau đó. Nhưng Ngài chỉ đơn giản là lưu ý điều gì xảy ra cho đến lúc đó, tức là việc Đức Maria thụ thai Chúa Giê-su không do bởi tác động của nam nhân. Nhưng chỉ xảy ra khi có sự can thiệp của Thiên Chúa.

18/Công đồng Laterano của các giáo phụ với quyền giáo huấn của giáo hội, công đồng dã dạy như thế nào? Nếu bất cứ ai không tuyên xưng theo các thánh giáo phụ rằng: “Theo ý nghĩa đích thực Đức Thánh nữ Maria vô nhiễm nguyên tội và trọn đời đồng trinh là mẹ Thiên Chúa. Bởi vì vào thời kỳ sau cùng, không với yếu tố nam nhân nhưng bởi Chúa Thánh Thần. Mẹ đích thực cưu mang ngôi Lời Thiên Chúa. Đấng đã sinh ra bởi Chúa Cha từ muôn thuở, và Mẹ sinh hạ Ngài mà không có bất kỳ tổn hại nào đối với Đức Đồng Trinh của Mẹ, vẫn không bị xâm phạm ngay cả sau khi sinh hạ Ngài; thì kẻ ấy sẽ bị vạ tuyệt thông.

19/Mục đích của câu chuyện truyền tin này là gì? Thiên Chúa muốn mạc khải căn tính đích thực của Chúa Giê-su được cắt nghĩa đầy đủ trong danh xưng Emmanuel. Chúa Giê-su không đơn giản chỉ là một con người được tuyển chọn như các ngôn sứ nhưng Ngài chính là Thiên Chúa làm người, đang ở giữa chúng ta và để cứu độ chúng ta.

20/Ý nghĩa của tuần Bát Nhật là gì? Thông thường trước ngày đại lễ giáng sinh, giáo hội cử hành một tuần lễ gọi là Tuần Bát Nhật Giáng Sinh từ ngày 17 đến ngày 24 để kêu gọi các tín hữu suy gẫm đến biến cố trong đó có các nhân vật có liên quan trực tiếp đến mầu nhiệm giáng sinh. Chúng ta được mời gọi, suy gẫm về nguồn gốc nhân loại của Chúa Giê-su qua gia phả của Ngài và nguồn gốc thần linh của Ngài qua sự kiện thiên sứ truyền tin cho Thánh Giu-se được viết ngay vào khởi đầu Tin Mừng của Matheu, để sau khi chiêm ngắm Hài Nhi trong máng cỏ. Chúng ta cũng có tâm tình ca tụng Thiên Chúa như các mục đồng ngày xưa (Lc 2,20). **R

Các mục đồng ra về vừa đi vừa tôn vinh ca tụng Thiên Chúa. Vì mọi điều họ đã được mắt thấy tai nghe, đúng như đã được nói trước với họ (Lc2,20)  **R

 

Bài 2: MỘT NGƯỜI CÔNG CHÍNH ĐÚNG NGHĨA

21/Thế nào là một người công chính? Là tước hiệu cao quý nhất dành cho một người sống đạo đức vào thời Cựu Ước. Công chính là chu toàn mọi lề luật của Thiên Chúa. Luôn bước đi trong đường lối và thi hành Thánh Ý Thiên Chúa.

22/Kinh Thánh mô tả Cha mẹ Gioan tẩy giả như thế nào? Thánh sử Luca viết như thế này: Hai ông bà là người công chính trước mặt Thiên Chúa, sống đúng theo mọi giới răn và mệnh lệnh của Thiên Chúa, không ai chê trách được điều gì (Lc 1,6).

23/Người sống công chính sẽ được những gì? Thiên Chúa là đấng công chính. Cho nên ai được gọi là công chính thì cũng được Chúa yêu thương. Ngài ban cho họ được tham dự vào sự công chính của Ngài. Người công chính luôn sống đẹp lòng Chúa. Vì Thánh Giu-se là người công chính nên ông được Thiên Chúa tuyển chọn, thánh hiến và yêu thương.

24/Thánh Giu-se sống công chính cụ thể như thế nào? Giu-se sống, lặng lẽ, âm thầm. Giu-se sống bình thường trước mặt mọi người: không có bằng cấp, chức vụ, địa vị, không có chút danh giá cho dù ông thuộc hoàng tộc Đavit. Làm một nghề không có chút nào vẻ vang, Ngài được coi là hạng người hạ lưu.

25/Vì sao Thánh Giu-se lại chọn lối sống như vậy? Ngài muốn chọn một bếp sống bình dị, không muốn cho ai quan tâm, chú ý. Sở dĩ Ngài chọn cho mình một cuộc sống tối tăm như vậy vì Ngài không màng tới điều gì ở trần gian. Bởi vì người công chính luôn chọn cho mình một lối sống thanh thoát để tập trung mọi sự vào cho một mình Thiên Chúa.

26/Điều kiện nào mà Thánh Giu-se được Thiên Chúa tuyển chọn? Chính đời sống đơn sơ, nghèo khó, trần trụi của Thánh Giu-se đã làm cho Thiên Chúa yêu thích. Đúng ra chính Thiên Chúa đã kêu gọi Thánh Giu-se có một cuộc sống thoát tục, để ông khỏi vướng víu vào sự ràng buộc của danh- lợi-thú. Hoàn toàn thuộc về Chúa và thánh hiến cho Thiên Chúa. Chúa chỉ muốn như thế như là điều kiện để tuyển chọn thánh nhân và đào tạo thánh nhân theo ý của mình, để thánh nhân thích hợp với những chương trình được trao phó.

27/Vinh quang của Thiên Chúa đang nằm ở đâu? Những công trình của Thiên Chúa càng lớn lao thì Chúa lại cần đến sự cộng tác của những người con người khiêm nhường. Vì sao vì chính nơi những con người thấp bé, nghèo khó, hèn hạ, càng làm nổi bật vinh quang của Thiên Chúa. Chính nơi những con người khiêm tốn, hèn hạ mới không sống cho mình. Hoàn toàn bỏ mình vì Chúa, thì thiên hạ mới nhận biết và tôn minh Thiên Chúa đầy đủ và xứng đáng. Vì Thiên Chúa phải là tất cả / còn con người phải tan biến đi,

28/Chúng ta phải sống thế nào để được Thiên Chúa hài lòng? Chúng ta thường tìm tiếng khen, sự ủng hộ, sự tán thưởng của người khác cho nên ta chưa được Thiên Chúa hài lòng. Chính vì chúng ta chỉ quan tâm đến tiền bạc, danh giá, chức vụ, khiến cho ta bị cản trở không đến được với Chúa. Chính vì những thú vui, những tiện nghi vật chất ràng buộc nên ta không thể nào tự do để sống cho Chúa.

29/Những trở ngại nào khiến cho ta không thể đáp lại tiếng Chúa? Đó là các tính thích chơi nổi, thích chưng diện, ganh đua, ra vẻ ta đây muốn được chú ý, nể vì. Không muốn bị ai coi thường mình. Chính vì thế nên chúng ta không sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa, không sống hết mình vì Chúa. Thánh Giu-se thì thích sống âm thầm nội tâm, lui vào bóng tối, chấp nhận để cho đời quên lãng, chỉ mong được Thiên Chúa hài lòng.

30/Tham vọng của Thánh Giu-se là gì? Thánh Giu-se chỉ muốn sống cho một mình Chúa, không muốn bị ràng buộc bất cứ thứ giác quan nào. Do cách sống đạm bạc, giản dị nên Thánh Giu-se hoàn toàn tự do sống cho Thiên Chúa. Thánh nhân chỉ có một tham vọng duy nhất là làm đẹp lòng Thiên Chúa. Ông không còn tưởng nghĩ một chút gì cho mình ông chỉ sống âm thầm lặng lẽ khiêm tốn.

31/Làm thế nào để có thể nhạy bén trước tiếng gọi của Thiên Chúa ? Cả con người ông hoàn toàn hướng về Chúa và sống cho Chúa như vậy nên tinh thần của Giu-se luôn nhạy bén trước tiếng gọi của Chúa và sẵn sàng thực thi mệnh lệnh Chúa truyền. Thánh Giu-se chỉ cần thiên sứ báo mộng là đủ để ông nhận ra ý Chúa và sẵn sàng thi hành.

32/Vi sao chúng ta thường do dự trước tiếng gọi của Chúa? Thánh nhân là một con người luôn nhạy bén với ý Chúa như vậy, khác với chúng ta thường phải dùng đến lý luận tự nhiên để suy nghĩ, tìm hiểu, đắn đo hơn thiệt sau đó phải dùng đến sự khôn ngoan để lựa chọn. Còn với Thánh Giu-se, ông đã hiến trí khôn, con tim, mạng sống cho Thiên Chúa. Thánh  nhân thường dùng trực giác do Chúa Thánh Thần ban để dễ dàng nhận ra đâu là ý Chúa trong những điều dù là nhỏ nhặt nhất ông không thắc mắc , mà cũng chẳng biện minh.

33/Lý do nào để Thiên Chúa muốn đến ở với người phàm? Chính vì Thánh nhân luôn ở cùng và ở trong Thiên Chúa như vậy nên đấng mang danh hiệu Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta đã muốn đến ở cùng với Thánh Giu-se, vì thánh nhân luôn ở cùng Thiên Chúa.

34/Tôi đã từng ở với ai? Chúa đã đến trần gian và Ngài luôn ở với tôi mọi ngày, mọi nơi, mọi lúc. Nhưng tôi có ở cùng Thiên Chúa không? Có phải tôi đã từng ở với người phàm, ở những nơi vui chơi giải trí, ở cùng tiền bạc, ở cùng thú vui sắc dục, ở cùng bài bạc rượu chè, ở những nơi đầy đủ những tiện nghi vật chất, chứ tôi nào đã ở cùng Thiên Chúa ?

35/Những ai sẽ là bạn đồng hành cùng Thánh Giu-se ? Thánh Giu-se đã trở thành mẫu gương, là bạn đồng hành cho bất cứ ai muốn đến cùng Thiên Chúa và muốn ở cùng Thiên Chúa.  Hãy noi gương Ngài, gạt bỏ tất cả mọi vướng víu, mọi ràng buộc để tâm hồn mình được tự do đến cùng Thiên Chúa, và sống cho Chúa hết mình như Thánh Giu-se. **R

 

Bài 3: CHÚNG TA CẦN LÀM GÌ TRONG MÙA GIÁNG SINH

36/Tập tục tảo hôn của VN như thế nào? Việt Nam ngày xưa có tập tục tảo hôn, cha mẹ định liệu việc vợ chồng cho con cái khi tuổi đời còn rất nhỏ. Có khi cả hai cô cậu chưa hề biết mặt nhau, thông thường việc này cho cha mẹ hoặc người mai mối định đoạt.

37/Tập tục cưới hỏi của người Do Thái ra sao? Hôn nhân Do Thái sẽ trải qua 3 giai đoạn: a/ Hứa hôn; b/ Đính hôn, giai đoạn này kéo dài 1 năm, khi đã đính hôn thì xem như đã thành vợ chồng, nhưng chưa chung sống, phải ly dị mới xóa bỏ được đính hôn; c/ Kết hôn/ Thánh Giu-se và Mẹ Maria ở trong giai đoạn thứ 2.

38/Thánh Matheu mở đầu Phúc Âm như thế nào? Này đây trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, người ta gọi con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

39/Thánh Matheu kết thúc như thế nào? Qua lời hứa của Chúa Giê-su : này đây, ta sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.

40/Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta như thế nào? Ngài hiện diện qua các thụ tạo mà Ngài đã tạo dựng, Ngài còn nâng đỡ, giữ gìn và điều khiển nó bằng một trật tự hết sức huyền nhiệm và lạ lùng. Từ khởi thủy cho đến hôm nay và mãi mãi.

41/Thiên Chúa còn hiện diện ở đâu nữa? Ngài hiện diện giữa chúng ta qua kinh thánh như là bức di chúc mà người cha để lại cho con cái mình, Ngài hiện diện qua bí tích thánh thể, qua các huấn dụ của các vị đại diện trong giáo hội và qua những anh em nghèo khó.

42/Còn cách nào Thiên Chúa hiện diện trực tiếp với chúng ta? Ngài hiện diện đặc biệt giữa chúng ta qua Người Con Một là Đức Kito vì Chúa Kito vẫn đang ngự giữa chúng ta. Chúa còn hiện diện giữa chúng ta qua mầu nhiệm Giáng sinh làm người như chúng ta.

43/Tại sao sứ thần phải truyền tin cho Giu-se? Sứ thần muốn giải tỏa sự lúng túng nơi lòng Thánh Giu-se khi người vợ mang thai mà ông chưa chung sống. Sứ thần mời gọi ông đón nhận Người Con bởi Thánh Thần như là cách để Giu-se tham gia vào chương trình cứu độ.

44/Những mầu nhiệm nào đang vây bọc Thánh Giu-se ? Khi ông nói tiếng xin vâng là ông đã sẵn sàng đón nhận những mầu nhiệm mà ông không hề hiểu thấu. Vì Đức Maria là một mầu nhiệm, Người Con sắp được sinh ra cũng là một mầu nhiệm, cuộc đời ông cũng là một mầu nhiệm, vì những sự kiện xảy ra hết sức lạ lùng trong cuộc đời của ông.

45/Thánh Giu-se có ước mơ gì? Ông cũng có những ước mơ như bao người đàn ông khác. Ông ước mơ cưới được người vợ mà ông yêu mến, rồi sinh con đẻ cái, rồi có cơ ngơi nhà cửa tương lai, sự nghiệp. Nhưng ông đã chấp nhận ý muốn của Thiên Chúa để dẹp bỏ mọi ước mơ của mình. Thiên Chúa chỉ muốn ông làm chồng hờ, làm một người cha nuôi mà thôi.

46/Chúng ta có cách nào để thể hiện sự vâng phục? Thánh Giu-se vâng phục ý Chúa cách đơn sơ. Hôm nay, có thể Chúa cũng nói với ta qua giấc mơ, và còn dùng biết bao nhiêu người khác để tỏ lộ cho ta ý muốn của Ngài. Mỗi người cần tự cảm nhận để rồi sau đó nói tiếng xin vâng, có như thế chúng ta mới góp công sức với Chúa trong việc cứu độ.

47/Muốn cho con Thiên Chúa nhập thể làm người, Thiên Chúa cần điều gì? Khi sinh chúng ta ra đời, Chúa không hỏi ý kiến của ta. Nhưng khi Ngài muốn cứu chúng ta, Ngài cần chúng ta đồng ý, có nghĩa là Thiên Chúa cần tiếng xin vâng của Đức Mẹ. Sự đồng thuận của Thánh Giu-se, Thánh Giu-se mang Maria về nhà mình và đặt tên cho con trẻ như một người cha. Chính nhờ điều này mà Giu-se có một vị trí quan trọng trong lịch sử cứu độ.

48/Nhờ vào điều nào mà lời hứa của Thiên Chúa được thực thi? Nhờ tiếng xin vâng của Thánh Giu-se mà Chúa Giê-su được mang dòng họ Đavit (2Sm7,13).

49/Thiên Chúa dùng thứ ngôn ngữ nào mà ai cũng hiểu? Thế giới này đa quốc gia, đa sắc tộc. Chỉ có một ngôn ngữ mà ai cũng có thể hiểu, có thể đón nhận, đó là ngôn ngữ tình yêu. Mẹ Thánh Terexa Calcutta được mọi người đón tiếp là vì vậy.

50/Lễ giáng sinh nói lên điều gì? Là lễ giao hòa giữa trời và đất, là ngôn ngữ mà Thiên Chúa muốn nói với loài người. Thiên Chúa không thể một mình ở trên trời để vui hưởng hạnh phúc một mình / vì thế nên Chúa muốn xuống đất để đem hết mọi người lên trời.

51/Chúa Giê-su đã thể hiện tình yêu của Ngài với loài người như thế nào? Chúa xuống thế để cứu chữa mọi người, Chúa chỉ chú ý đến người nghèo, Ngài chỉ đi tìm con chiên lạc, đồng bạc đánh mất, đứa con hoang đàng, hơn là vui với những kẻ còn lại.

52/Vậy mục đích của lễ giáng sinh là gì? Chúa muốn mở rộng vòng tay đón tiếp của mọi người, nhất là những con người khốn khó, tội lỗi. Đây là bài học mà Chúa muốn mọi người học thuộc và đem ra áp dụng. Coi họ ngang hàng với việc đón tiếp con Thiên Chúa, khi đó Hang Bê-lem mới trở nên ấm áp cho Chúa Hài Nhi ngự trị.

53/Điều gì sẽ xảy ra khi con người nói với nhau bằng ngôn ngữ tình yêu? Lúc đó thế giới sẽ bình an, hạnh phúc, mọi người điều được no cơm, ấm áo. Các quốc gia tôn trọng chủ quyền của nhau, các gia đình đều hòa thuận, mọi người đối với nhau bằng tình thân hữu. Trái đất sẽ vang lên câu hát: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế người thiện tâm.

54/Kiểu Đấng Cứu thế của người Do Thái như thế nào? Họ vẫn luôn  mong chờ Chúa cứu thế đến trong quyền lực, oai phong lẫm liệt khiến muôn dân phải cúi đầu sợ hãi, trốn chạy chứ không phải vị vua tình yêu, hiền từ nhân ái. Vì thế họ không thể nhìn thấy Chúa để đón nhận. Họ chỉ muốn xin dấu lạ điềm thiêng.

55/Thiên Chúa nhập thể để làm gì? Để độ thế, Thiên Chúa đã nhập thể // để cứu người, Thiên Chúa đã làm người.

56/Danh xưng Emmanuel mang ý nghĩa gì? Thiên Chúa ở giữa chúng ta, hay Thiên Chúa cứu độ, cả hai danh xưng này đều nói lên ý nghĩa một tình yêu trọn vẹn mà Thiên Chúa muốn dành cho con người, là để cứu rỗi con người.

57/Thế nào là tình yêu hai chiều? Chúa nhật thứ tư Mùa Vọng chỉ cho chúng ta thấy tình yêu hai chiều à Thiên Chúa trao thân cho con người, để con người gởi phận lại cho Thiên Chúa/ Đồng thời cũng là chúa nhật chỉ cho chúng ta thấy những tấm lòng muốn cộng tác với ơn Cứu độ.

58/Chúng ta cần phải có tinh thần nào để đón nhận ơn Giáng Sinh? Trong những ngày này, khi đi ra phố xá, tai chúng ta đã nghe vang lên những bài Thánh ca Giáng Sinh quen thuộc / đi ngang qua nhà thờ nào cũng thấy trưng bày những bộ Giáng Sinh, cây thông, hang đá, đèn ông sao đẹp mắt / Đi tới chỗ nào cũng thấp thoáng sắc màu Giáng Sinh.

59/Thiên Chúa Giáng Sinh một lần đã đủ chưa? Trong những lúc như thế này đây, trong lúc ai cũng đang ca bài ca vì cuộc sống, ai cũng xôn xao, huyên náo tiếp cận Lễ Giáng Sinh, kẻ tiếp thị, người tiếp tân / nhưng chỉ có một số ít người có lòng trinh trắng đủ xứng đáng để trở nên hang đá đón tiếp Chúa Giê-su Giáng Sinh / Chúa chỉ cần một lần sinh ra trên trần thế cũng đủ để cứu rỗi muôn người / nhưng giả như Người có đến và sinh ra thêm nhiều lần nữa, thì cũng vẫn chưa đủ, bởi vì nhiều tấm lòng chưa sẵn sàng một tình yêu trao đi và đón nhận / Liệu hôm nay tâm hồn ta đã sẵn sàng chưa ?

60/Chúa đến với ta, có thúc đẩy ta đến với tha nhân không? Không thể có Mùa Vọng đầy đủ, cũng không thể có Mùa Giáng Sinh đầy đủ, nếu chúng ta không nhận ra lý do Chúa đến với ta, để rồi chúng ta đành làm ngơ trước những thống khổ của tha nhân / Chúng ta chưa thể đón tiếp Chúa cho phải phép, nếu ta từ chối tiếp nhận anh chị em gần gũi với mình trong cuộc sống hằng ngay!

61/Tình yêu Giáng Sinh nói lên điều gì? Thiên Chúa đã yêu nhân loại nên trao thân mình qua Mầu Nhiệm Nhập Thể, đồng thời chúng ta cũng tín gửi thân phận mình trong tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, đây rõ ràng là 2 chiều gặp gỡ của một tình yêu Giáng Sinh / Có nghĩa là: Tình yêu là động lực khiến Chúa đến với con người, và cũng là nguồn lực thúc đẩy con người chạy ra đón tiếp Chúa. Đây cũng là nỗ lực cần có ,để mọi Kitô hữu đón mừng Lễ Giáng Sinh.  **R

Giuse Luca / KT Emmaus


Trở lại      In      Số lần xem: 1379
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  16
 Hôm nay:  424
 Hôm qua:  13063
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11439752
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top