Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu và sống Tin Mừng CN 5 Phục Sinh - A / Giuse Luca

CN V  PHỤC SINH A 

ĐỀ TÀI:  CHÚA GIÊ-SU TRẤN AN CÁC MÔN ĐỆ

 

 

Tung hô Tin Mừng :  Ga 14, 6

Haleluia, Haleluia! Chúa nói : “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai có thể đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” - Haleluia.

PHÚC ÂM:  Ga 14, 1-12

“ Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống.”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gio-an.

1 Khi ấy Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.2 Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em.3 Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.4 Và Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi."

5 Ông Tô-ma nói với Đức Giê-su: "Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường? "6 Đức Giê-su đáp: "Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.7 Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người."

8 Ông Phi-líp-phê nói: "Thưa Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn nguyện."9 Đức Giê-su trả lời: "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh Phi-líp-phê, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: "Xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha"?10 Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình.11 Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm.12 Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha.    

Đó là lời Chúa.

 

NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI DỄ HIỂU BÀI TIN MỪNG

 

1/ Bài Tin mừng hôm nay nói về điều gì ?

2/ Tại sao Chúa lại trấn an các môn đệ ?

3/ Vì sao các môn đệ lại xao xuyến  ?

4/ Chúa Giê-su xao xuyến vào những lúc nào ?

5/ Vì sao Chúa lại xao xuyến ?

6/ Xao xuyến là gì  ?

7/ Chúng ta vượt qua xao xuyến cách nào?

8/ Làm sao chúng ta có được bình an ?

9/ Chúng ta sinh ra để làm gì ?

10/ Con đường nào dẫn chúng ta tới nguồn hạnh phúc ?

11/ Ai là người mở đường ?

12/ Ai có thể mở đường lên trời ?

13/ Chúa Giê-su khẳng định điều gì  ?

14/ Vì sao Philiphê khao khát thấy Chúa Cha ?

15/ Con người khát vọng điều gì  ?

16/ Làm sao chúng ta có thể thấy Chúa Cha ?

17/ Đời sống của Chúa Giê-su nói lên điều gì ?

18/ Chúng ta phải sống đạo như thế nào ?

19/ Danh nào có thể cứu độ chúng ta ?

20/ Điều nào minh chứng cho đạo chính thật ?

21/ Làm sao biết chúng ta có đi đúng hướng hay không

22/ Chúa Giê-su khao khát điều gì ?

23/ Làm cách nào chúng ta có thể truyền đạo ?

=>  Hãy tìm câu trả lời từ bài “Tóm ý”.

 

Bài 1: NIỀM TIN VỮNG VÀNG 

1/  Câu chuyện cụ thể về sự tin tưởng: Hành khách và các thủy thủ trên tàu đang rất hốt hoảng vì biển bất thình lình động mạnh với sóng to gió lớn, ai cũng muốn tìm chỗ an toàn để ẩn nấp. Riêng một bé trai đang bình tĩnh ngồi chơi ở một góc của sàn tàu, một thủy thủ chạy đến hỏi em sao không sợ, sao không chạy trốn, em bé bình tĩnh trả lời: Tại sao tôi phải sợ hãi trong khi chính ba tôi đang cầm lái con tàu ?

2/  Một câu chuyện về sự phó thác: Trong một cuộc động đất cao độ, người ta thấy một cụ bà đang hăng say giúp đỡ các nạn nhân, trong khi nhà cửa của bà cũng đang sụp đỗ, người ta cũng hỏi tại sao bà chẳng lo lắng, sợ hãi gì? Thì bà điềm tĩnh trả lời: Thiên Chúa rất quyền năng, Ngài làm được mọi sự, Ngài luôn lo liệu và sắp đặt mọi sự cách tốt đẹp. Tại sao tôi lại phải lo lắng các điều mà mình không thể ?

3/  Chúa khuyên bảo chúng ta điều gì qua đoạn tin mừng? Chúa bảo chúng ta đừng băn khoăn xao xuyến, bởi vì băn khoăn xao xuyến là một hiện tượng dao động, hồi hộp, lo lắng của con tim. Nhưng làm gì có ai trong chúng ta không vấp phải điều này ?

4/  Vì sao các môn đệ xao xuyến? Các ông xao xuyến vì đã chứng kiến cảnh Yuđa phản bội, cảnh chối Thầy của Phêrô, cái chết gần kề của Chúa Giê-su, những biến cố ấy gây kinh hoàng, phá vỡ giấc mộng đẹp mà các ông đã xây dựng, vun trồng. Phải xa cách Thầy, phải đương đầu với thế lực thù địch, sắp sửa đối diện với cái chết có thể xảy đến vào bất cứ lúc nào, bao nhiêu thứ đó đủ làm cho các ông xao xuyến.

5/  Chúa Giê-su cũng bị xao xuyến vào lúc nào? Chúa Giê-su xao xuyến khi thấy hai chị em Matta và Maria khóc nức nở khi Lazarô chết, Chúa xao xuyến khi nhìn thấy những đau khổ nhục nhã mình sắp phải chịu lúc ở vườn cây dầu, Chúa xao xuyến khi phải loan báo sự phản bội của một môn đệ.

6/  Con người của Chúa Giê-su sắc đá hay cũng mềm yếu? Bởi Chúa Giê-su không phải là con người sắc đá, có nghĩa là Chúa không có thái độ vô cảm trước những khổ đau cho dù là của mình hay của kẻ khác, Chúa cũng có trái tim biết yêu thương như chúng ta, nồng nàn hơn là đàng khác, cũng biết xót thương, khắc khoải. Chính vì thế Chúa dành cho chúng ta rất nhiều cảm thông, xót thương và tha thứ.

7/  Xao xuyến đã cấu thành tội chưa? Đây là tâm trạng bình thường của một con người, nó chưa cấu thành tội nếu chúng ta chưa bị dẫn dụ đến hành động sợ hãi và bỏ cuộc, không chịu chu toàn Thánh ý Chúa. Trong vườn cây dầu, Chúa Giê-su cũng từng xao xuyến, nhưng Chúa đã dùng đức vâng lời để vượt thắng nó / Chúa đã lấy đức can đảm để chấp nhận khổ hình thập giá và nhất quyết không lùi bước trước mọi hiểm nguy.

8/  Khi gặp xao xuyến, chúng ta cần làm gì? Chúa không bảo chúng ta tránh mọi xao xuyến, nhưng dạy chúng ta dùng niềm tin và phó thác để vượt qua mọi xao xuyến. Chúa căn dặn: Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.

9/  Nhờ đâu chúng ta có được sự bình an? Chính sự vững tin đem lại cho chúng ta sự bình an, cho dù đau khổ vẫn còn, hiểm nguy không thể tránh khỏi, nhưng chúng ta luôn an tâm vì biết rằng: Quyền năng của Thiên Chúa, tình thương của Thiên Chúa còn bao la vĩ đại hơn mọi thứ, sóng gió cuộc đời luôn muốn nhấn chìm con người chúng ta /nhưng có Chúa nên chúng ta không phải sợ .

10/ Vì sao con người thường băn khoăn, lo lắng? Con người luôn băn khoăn, lo lắng, thắc mắc về cuộc đời của mình mà chưa bao giờ tìm được một câu trả lời thỏa đáng. Con người như đang đứng ở ngã ba đường, không biết mình sinh ra làm người ở trên đời này để làm gì? Cho tới khi Chúa Giê-su giáng trần làm người và cho biết nguồn cội của con người là con Thiên Chúa ở trên trời. Công việc con người phải làm đó là thi hành ý muốn của Thiên Chúa và tìm mọi cách để đi về cùng Thiên Chúa, cũng là Cha của mình.

11/ Vậy thì con đường ấy ở đâu? Chúa Giê-su giới thiệu mình là con đường, cho nên con đường ấy mang tên Giê-su, con đường này an toàn, chính Chúa Giê-su cũng là người đi tiên phong mở đường, Ngài cũng là cùng đích để chúng ta hướng đến.

12/ Con đường do đâu mà có? Muốn đi đâu cũng cần có đường, không có con đường nào mà tự nhiên lại có được, cần phải có người mở đường, con đường vật chất được mở ra nhờ người nào đó có óc phiêu lưu, mạo hiểm, có tầm nhìn xa, trông rộng, có óc tính toán /// Con đường suy tư về triết học, nhờ trí tuệ thông minh, nhờ óc sáng tác nghệ thuật, nhờ có tư duy sáng tạo, trực giác nhạy bén, trí tưởng tượng phong phú. Đó là những con người mở đường ở dưới đất.

13/ Ai có thể mở đường lên trời? Đường lên trời, mới chỉ nghe nói thôi, thì con người phàm, yếu đuối, kém khả năng như chúng ta thì không ai làm được, chỉ có một Đấng duy nhất, Đấng ấy từ Thiên Chúa mà đến, là chính Đức Giê-su, Đấng đến từ Chúa Cha, rồi Ngài lại về trời, Ngài đã hứa dọn chỗ và quay trở lại đón chúng ta về, quê trời là quê Ngài, là quê Cha, cũng là quê của chúng ta. Con đường ấy chính Chúa Giê-su đã mở.

14/ Con đường ấy mang tên gì? Chúa Giê-su vừa chính là người mở đường, vừa chính là con đường, chúng ta đi về quê trời là đi trong chính bản thân Ngài. Chúng ta đi trong Ngài như mạch huyết đi trong thân cây nho, Ngài là cây nho, chúng ta là cành, chúng ta sống trong Ngài và nhờ Ngài, máu thịt của Ngài cùng là máu thịt của ta, ta ở trong Ngài, Ngài lại ở trong Chúa Cha, cho nên Chúa khẳng định: Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha, ai thấy ta là thấy Chúa Giê-su, bởi vì ta ở trong Ngài và Ngài cũng ở trong ta, như thế muốn được như vậy chúng ta phải sống hiệp nhất với Ngài.**R

 

Bài 2: HÌNH ẢNH CỦA THIÊN CHÚA

15/ Đặc tính của con đường mang tên Giêsu: Như cành nho gắn liền với thân nho và sống bằng sự sống do thân nho cung cấp, như máu thịt Chúa hòa tan trong bản thân ta và trở nên máu thịt của chính mình, cũng như bản tính Thiên Chúa kết hiệp trong bản thân con người của Chúa, có như thế ta mới trở nên con Thiên Chúa.

16/ Cách đi trên con đường Giêsu: Đi trong Chúa là một hành trình dài, hành trình này đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ hết những gì của bản thân mình, kết hiệp trọn vẹn với Chúa Giêsu, cũng như Chúa Giêsu từ bỏ ý mình để vâng phục trọn vẹn ý Chúa Cha. Như thế Chúa Giêsu mới có thể trở nên một với Chúa Cha. Khi chúng ta đạt được điều này, là chúng ta đã đến đích, cũng là lúc chúng ta gặp được Chúa Cha, ta được ở trong nhà Cha, cũng là lúc ta về tới quê hương yêu dấu trên trời.

17/ Philiphê khao khát điều gì? Ông nói: “Xin cho chúng con thấy Chúa Cha” khao khát của ông cũng là khao khát của bao con người có thành tâm thiện chí, họ không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa, Đấng vang danh khắp mọi nơi, Danh hiệu của Ngài còn là Đấng tạo hóa, Đấng tối cao.

18/ Con người luôn khát vọng tìm kiếm, Ngài đã đáp lại như thế nào? Thiên Chúa đáp lại bằng cách cho con một của Ngài xuống làm người và mạc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa là ai và Ngài là Đấng tốt lành yêu thương như thế nào? Để chúng ta hiểu rõ và an tâm khi tìm về với Ngài.

19/ Thiên Chúa luôn hiện diện ở đâu? Thiên Chúa là Đấng vô hình, nhưng Chúa Giêsu con Ngài lại là Đấng hữu hình. Ai thấy Ta là thấy Cha, như thế nơi Đức Giêsu, chúng ta gặp được Thiên Chúa, một Thiên Chúa thân quen, dễ nhìn, dễ gần, dễ gặp. Giữa Chúa Giêsu  và Chúa Cha có một sự kết hợp mật thiết, nên Chúa Giêsu mới nói: Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy.

20/ Chúng ta hiểu thế nào về Thiên Chúa? Lời nói và việc làm của Chúa Giêsu chính là lời nói, việc làm của Thiên Chúa. Cuộc đời Chúa Giêsu như một tấm gương trong suốt, phản chiếu khuôn mặt hiền lành ,có trái tim nhân hậu của Thiên Chúa, Ngài nhân ái bao dung với hết mọi người, nhất là kẻ có tội.

21/ Chúng ta phải ước ao như thế nào? Làm người Kitô hữu là trở thành một Giêsu khác cho người ta chiêm ngắm, để rồi chúng ta cũng sẽ ao ước nói được rằng: Ai biết tôi là biết Đức Kitô, ai thấy tôi là thấy Đức Kitô, và như thế là họ cũng biết và thấy được Thiên Chúa.

22/ Nhờ danh nào mà chúng ta đến được với Chúa Cha? Chúa Giêsu không phải là người đưa đường dẫn lối, Ngài tự nhận mình là con đường độc nhất dẫn đến với Chúa Cha. “Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Yn14,6). Mọi phương thế cứu độ đều phải quy tụ vào Chúa Giêsu, bởi vì Thiên Chúa không ban cho một danh hiệu nào khác dưới bầu trời này.

23/ Chúng ta nên hiểu thế nào về câu nói: Đạo nào cũng tốt? Đồng ý là đạo nào cũng dạy ăn ngay ở lành, đạo nào cũng tốt, thế nhưng chúng ta chỉ nên theo đạo nào mà chủ chăn có đời sống thiện hảo, dám làm điều mình nói, chủ chăn phải hết lòng săn sóc cho đàn chiên, dám hy sinh vì đàn chiên, phải phục vụ chiên hết lòng. Còn đạo nào mà chủ chăn bỏ bê đàn chiên, không dám làm điều mình nói, không dám sống đời gương sáng, không lo chăm sóc đàn chiên thì đó không đúng là chủ chăn chính hiệu. Ta hãy sáng suốt để lựa chọn.*

24/ Chúng ta đi theo đạo lâu ngày, nhưng chúng ta có bị lạc hướng không? Muốn biết mình sống đạo có lạc hướng không, chỉ cần chúng ta so sánh cách sống của mình với cách sống của Chúa Giêsu là mẫu gương. Nếu chúng ta xếp đời sống đạo của mình vào đời sống của Chúa Giêsu, nếu nó có điểm nào so le, thì coi như chúng ta đã đi lạc hướng.

25/ Chúng ta có khát khao, trăn trở cái điều mà Chúa Giêsu cũng khát khao không? Chúa Giêsu muốn cho tất cả mọi người nhận biết chân lý và lãnh nhận được ơn cứu độ. Chúa ban lệnh truyền và muốn chúng ta chia sẻ niềm tin, muốn chúng ta cũng khát khao công cuộc truyền giáo như Chúa, Chúa luôn muốn chúng ta giới thiệu Chúa cho tha nhân.

26/ Muốn truyền giáo chúng ta cần làm gì trước tiên? Chúng ta không giỏi Kinh Thánh, chúng ta không có nhiều tiền, chúng ta không đủ uy tín để đứng lên nói cho thiên hạ biết họ phải làm gì //chúng ta chỉ có thể làm những việc nhỏ : đó là cầu nguyện thật nhiều cho việc truyền giáo. Đóng góp một ít của cải vật chất tùy theo khả năng tài chính của mình, và cuối cùng là phải ươm mầm ơn gọi từ chính con cháu trong gia đình của chúng ta.

Lời cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban ơn nâng đỡ, giúp sức cho những ai đang xả thân lo cho việc truyền giáo. Xin Chúa ban sức mạnh cho những Linh Mục già nua tuổi tác. Xin Chúa ban ơn thúc dục cho các thanh thiếu niên nam nữ, dám hy sinh, dấn thân, quảng đại phục vụ Chúa trong đời sống Thánh hiến, để cánh đồng truyền giáo của Giáo hội luôn có đủ thợ gặt. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con. Amen.**R

 

Bài 3: ĐỪNG HOẢNG SỢ/ ĐỪNG LO LẮNG

27/ Vì sao Chúa phải trấn an các môn đệ? Chúa biết rõ các ông là những người mỏng dòn, yếu đuối/ mà thế gian thì luôn có những thăng trầm, nghịch cảnh, nguy hiểm, đe doạ, khổ đau, thử thách. Cho nên con người khó có thể thư thái, bình an. Ai cũng có những lo lắng, xao xuyến, sợ hãi, buồn phiền.

28/ Vì sao con người thường xao xuyến? Vì không ai có được một chỗ nương tựa an toàn/ không có chỗ chống lưng vững chắc/ nên ai cũng lo lắng là phải.

29/ Chúa Giê-su bảo các môn đệ nên cậy dựa vào đâu? Chúa bảo các môn đệ đừng sợ hãi, đừng xao xuyến, vì các ông có Thiên Chúa là thành luỹ bảo vệ, là núi đá vững chắc, là chỗ ẩn thân an toàn. Các ông chỉ cần tin thôi. Tin vào Thiên Chúa, tin vào Thầy.

30/ Chúa Giê-su mạc khải thế nào về lòng tin? Vì Chúa Giê-su là con Thiên Chúa, cho nên tin Chúa Giê-su cũng là tin vào Thiên Chúa. Đấng đã sai Ngài đến thế gian. Vì Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy. Nên ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Chúa Cha thì vô hình nên không ai thấy được. Nhưng Chúa Con lại đồng đồng bản tính với Chúa Cha, tuy Ngài mặc lấy xác phàm, Ngài có hai bản tính nên chúng ta thấy được Ngài. Vì thế nên Chúa Giê-su cũng là Thiên Chúa. Điều quan trọng là chúng ta phải tin Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Một Thiên Chúa ,Đấng phải đến thế gian.

31/ Vậy, tin vào Chúa Giê-su là gì ? Tin không phải là một việc làm trong chốc lát. Nhưng là một hành trình kéo dài cả đời của một người tín hữu. Tin là tiến bước, lòng không ngừng hướng về Thiên Chúa vì thế Chúa Giê-su mới tuyên bố: Thầy là con đường… không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy.

32/ Chúa Giê-su muốn nói thêm điều gì ? Con đường dùng để đi tới, là một hành trình để đi đến một nơi / ý Chúa muốn nói : Tin là một việc mà chúng ta phải làm suốt cả cuộc đời / phải đi hết con đường thì mới đến đích vì vậy người tín hữu mỗi ngày phải đi sâu hơn xa hơn trong sự hiểu biết và yêu mến Thiên Chúa.

33/ Con đường Giê-su dẫn chúng ta đi đến đâu ? là con đường sự thật đưa tới sự sống ai càng đi lâu trên con đường này, càng khám phá ra sự thật vẹn toàn/ người tín hữu càng được sống dồi dào và sống đời đời.

34/ Làm cách nào để chúng ta có thể tin Chúa mạnh mẽ hơn ? Tất cả chúng ta cùng biết, đó là hãy đến với Lời Chúa với Bí Tích Thánh Thể và các Bí Tích khác. Lời Chúa là chính Chúa, lắng nghe là đón nhận chính Chúa. Càng đón nhận Lời Chúa thì chúng ta càng tiến tới trong Đức Tin/ càng có được dồi dào sự sống Thần linh.

35/ Lợi ích của Lời Chúa là gì ? Lời Thầy nói là thần khí và là sự sống (Ga 6,63). Lời Chúa Là con đường để các tín hữu tiến bước và được sống. Nhưng có rất ít người muốn đi trên con đường Lời Chúa mà họ chỉ thích đi trên con đường thế gian là đường tiền bạc vật chất, tiện nghi, đường thú vui, đường danh giá, chức quyền, đường vui thú tình dục, đường hút sách rượu chè, bạo lực chiến tranh, đường kỳ thị, hận thù, ghen ghét.

36/ Đường Satan thì như thế nào? Những con đường đó là những con đường rộng rãi dẫn đến hư mất. Satan dùng những con đường này để lảm suy giảm Đức Tin của chúng ta và cuối cùng làm mất luôn niềm tin của chúng ta vào Chúa Ki-tô. Đáng buồn thay, ngày nay cũng có rất nhiều Ki-tô hữu chen nhau đi vào con đường đó, là con đường dẫn đến sự hư mất .

37/ Con đường Lời Chúa thì như thế nào ? Lời Chúa là con đường từ bỏ, là con đường hẹp, đòi hỏi chúng ta phải hy sinh, phải phấn đấu không ngừng. Cho nên ít thấy các Ki-tô hữu muốn đi vào con đường này để được sống.

38/ Tại sao Chúng ta nên tự hỏi lòng mình ? Lâu nay tôi đã đi trên con đường nào ? Đường lời Chúa hay đường thế gian ? Đường hẹp hay đường rộng ? Tôi chỉ đi một đường Lời Chúa hay cùng lúc tôi đi trên nhiều con đường ? Có phải tôi vừa muốn thoả hiệp với Chúa ,vừa với Satan. Tôi cùng lúc chọn cả Nước Trời và cả trần gian. Cùng lúc với bóng tối và ánh sáng, cả sự sống lẫn sự chết *.

39/ Đặc tính của con đường mang tên Giê-su như thế nào ? Là con đường duy nhất đưa đến sự sống, không còn có con đường nào khác. Nếu chúng ta chọn Chúa, chúng ta chỉ có thể đi trên con đường Chúa Ki-tô. Vì thế từ nay tôi phải đọc, hỏi hỏi, suy gẫm, cầu nguyện và sống Lời Chúa thường xuyên mỗi ngày. Nhưng tôi vẫn có quyền tự do lựa chọn/ Chọn Chúa hay chọn thế gian ?

40/ Đặc tính thứ hai của con đường Giê-su là gì ? Là các bí tích Thánh, đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể, và bí tích hoà giải. Với ý thức về Đức Tin, người tín hữu có thể tiến sâu hơn trên hành trình đức tin. Như vậy các bí tích sẽ giúp cho những ai có Đức Tin đề nên mạnh mẽ và sâu xa hơn. Còn những ai đón nhận lãnh bí tích cách chiếu lệ, hoặc không lãnh nhận, thì Đức Tin của họ hoặc sẽ hao hụt hoặc sẽ mất đi.

41/ Cái đang có cũng bị lấy đi là gì ? Nếu không nuôi dưỡng Đức Tin bằng các bí Tích Thánh, thì Đức Tin sẽ suy giảm dần. Việc năng xưng tội, rước lễ thì đời sống Đức Tin của chúng ta sẽ thăng tiến. Mỗi năm chúng ta chỉ đi xưng tội một đôi lần, rước lễ một đôi lần. Như vậy Đức Tin của chúng ta làm sao có thể vững vàng cho được.

42/ Tôi phải sống đạo như thế nào mới là tốt ? Người thường xuyên xưng tội rước lễ là người luôn sống kết hiệp với Chúa mọi lúc mọi nơi. Họ cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn với Chúa. Họ nói năng, cư xử như Chúa. Người xưng tội, rước lễ nhiều lần chưa hẳn đã tốt, mà phải lãnh nhận hai Bí Tích trên với lòng tin, cậy, mến, mới là tốt. Nếu sống được như vậy, chúng ta rất hy vọng có được một chỗ ở thật tốt trên nhà Cha trên trời. **R

 

Bài 4: LỜI CHỨNG CUỐI CÙNG

43/Đoạn kinh thánh này xảy ra lúc nào ? Lúc Chúa Giê-su ngỏ lời với các môn đệ, nằm ở phần đầu của những lời từ biệt. Trong một bữa ăn cuối cùng với các môn đệ của Ngài.

44/Tại sao Chúa lại nói lời thân thương trìu mến? Trước khi Chúa bước vào cuộc thương khó của mình, Chúa cố làm cho các ông hiểu hơn về con người và sứ mạng của Ngài. Ngài gợi lên viễn cảnh tương lai thật tốt đẹp, vừa báo trước cho họ là một người trong họ sẽ phản bội Ngài và cho Phê-rô biết là ông sẽ chối bỏ Ngài.

45/Biểu cảm của các môn đệ như thế nào? Chắc chắn gương mặt các ông có nét buồn phiền lo âu hiện rõ. Vì thế Chúa mới nói với họ: anh em đừng xao xuyến…/ Tiếp đó Chúa ra sức củng cố niềm tin của họ: hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.

46/Đức Tin của các Tông đồ đang như thế nào? Các ông là những người Do Thái mộ đạo, các ông tin vào Chúa Giê-su, các ông cũng tin vào Thiên Chúa nhưng các ông không thể cùng lúc có thể tin vào sự hiệp nhất giữa Chúa Giê-su và Thiên Chúa Cha, là vị Thiên Chúa mà họ vẫn tôn thờ. Họ vẫn băn khoăn: Không lẽ nào Đấng Messia lại là Thiên Chúa sao?

47/Hôm nay Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh điều gì? Hôm nay Chúa muốn nhấn mạnh đến sự duy nhất giữa Ngài với Cha Ngài. Và diễn từ hôm nay chỉ nhấn mạnh đến sự duy nhất này, mà người Do Thái thờ độc thần một cách không thể chuyển lay.

48/Cách mà Chúa Giê-su trấn an các ông như thế nào? Chúa Giê-su đã dùng 2 cách: a/ Chúa gợi lên rằng họ sẽ hội ngộ với Ngài trong nhà Cha Ngài. b/ Chúa sẽ hiện diện bên họ theo một hình thức khác qua việc sai phái thần khí của Ngài.

49/Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, ý Chúa muốn nói gì? Kích thước căn nhà ở Palestin rất nhỏ bé. Chúa Giê-su gợi lên nhiều chỗ ở, nhưng lại không nói rõ thứ bậc cũng như cấp độ của  hạnh phúc nơi Thiên Giới. Ngài xác định rằng : Những việc ấy sẽ do Ngài sắp xếp (Thầy đi dọn chỗ…).

50/Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó, ý Chúa muốn dạy gì? Chúa Giê-su không hứa hẹn với các ông một cuộc hội ngộ ngay lúc này. Nhưng qua cái chết sắp tới của Ngài. Ngài sẽ mở rộng nhà Cha Ngài, như thế cái chết của Chúa Giê-su chính lá lối vào sự sống. Nhưng các môn đệ chưa hiểu những lời này, cho nên họ càng xao xuyến.

51/Ông Toma lại ngộ nhận như thế nào? Ông Toma hỏi : Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu…! Đây không phải là lần đầu mà Ngài gặp phải sự ngộ nhận. Nhưng chính nhờ vào những ngộ nhận này mà Chúa có thể dẫn người đang đối thoại đi vào những thực tại cao siêu, vô hình.

52/Chữ “đường” theo nghĩa tôn giáo của Do Thái là gì? Chữ “đường” này mang tính chất lịch sử, nhắc cho mọi người nhớ về cuộc hành trình băng qua sa mạc với đám mây sáng chói dẫn đường về đất hứa. Về thời kỳ sau cuộc lưu đày thì đường của Đức Chúa chính là : Con đường dẫn đến sự sống thì chật hẹp. Còn đường dẫn đến hoạ diệt vong thì rộng thênh thang (Mt 8,7).

53/Trong Tin Mừng Gioan, chữ “đường’ và “cửa” nói lên điều gì? Chúa Giê-su nói Ngài là con đường không phải chỉ vì giáo huấn của Ngài. Nhưng vì chính Ngài là sự hiện diện của Thần linh. Hai ẩn dụ Con đường và cửa cùng kết nối với nhau: Tôi là cửa, ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu (Ga 10,9).

54/Chúa muốn mạc khải điều gì khi nói : Thầy là sự thật? Chúa đã mạc khải kế hoạch cứu độ của Cha Ngài cho con người. Ngài còn giới thiệu mình là phát ngôn viên của Chúa Cha: Thầy không tự mình nói ra/ Ngài còn là chứng nhân nữa.*

55/Thầy là sự sống, Chúa có ý nói gì? Chúa Giê-su là Đấng Emmanuel, là Thiên Chúa sống giữa con người/ là vị mục tử đến để cho chiên được sống (Ga 10,10). Ngài còn nói: Ta là bánh hằng sống/ Ngài còn nói tiếp: Ai tuân giữ lời tôi, sẽ không chết bao giờ. Tóm lại, Chúa Giê-su là đường dẫn chúng ta đến sự sống. Vậy nên ai đến với Ngài là được sống rồi.

56/Chúa Giê-su nói gì về căn tính của mình? Chúa nói: nếu anh em biết Thầy anh em cũng biết Cha Thầy. Biết ở đây nói lên một sự nhận thức của trí tuệ, được soi sáng bởi tình yêu thương/ một sự hiệp thông thật sự. Các môn đệ đã nhận biết Chúa Cha vì họ đã tin vào Người Con và họ sống trong tình yêu của Ngài/ Chúng ta cũng vậy.

57/Một câu nói góp phần của Philipphe diễn tả điều gì? Chỉ có Tin Mừng Gioan nói về Philipphe 4 lần. Bản tính ông ngay thẳng, nhiệt thành, chân thật. Ông có một đòi hỏi chính đáng, ông muốn thấy Thiên Chúa. Mọi người chúng ta ai cũng có khát vọng này là : Được thấy Thiên Chúa, muốn biết chắc Ngài đang hiện hữu và mong hiểu thấu mầu nhiệm cao cả nhất.

58/Vì sao Thiên Chúa không xuất hiện nữa? Ai cũng khát vọng được nhìn thấy Thiên Chúa uy nghi sáng chói như thế trên núi Sinai/ nhưng kể từ khi ngôi lời nhập thể thì điều ấy không xảy ra nữa. Thiên Chúa không xuất hiện trong sấm chớp khiến cho con người khiếp sợ, không dám lại gần. Nhưng Ngài chỉ xuất hiện trong Đức Ki-tô cho nên ai thấy Chúa Giê-su, là thấy Chúa Cha.

59/Lời chứng hôm nay là gì? Chúa Giê-su luôn nhấn mạng đến sự đồng nhất giữa Ngài với Chúa Cha. Nhưng vì tâm trí con người quá thực dụng và cụ thể, cho nên Chúa muốn nói đến những công việc mà Ngài đã làm. Ở đây Chúa không ám chỉ đến các phép lạ, nhưng là sứ vụ và hành động cứu độ của Chúa. Chúa cũng hứa với các môn đệ là: các ông còn có thể làm những việc lớn lao hơn nữa.

60/Tóm lại: Chúa Giê-su muốn dạy gì? Không ai có thể tin vào Thiên Chúa mà lại không tin vào Đức Ki-tô vì sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con.**R

 

TÓM Ý

1/ Bài Tin mừng hôm nay nói về điều gì ? Hai câu chuyện nói về sự tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa.

2/ Tại sao Chúa lại trấn an các môn đệ ? Chúa bảo đừng băn khoăn xao xuyến, đừng dao động hồi hộp, vì những điều này ai cũng gặp phải. Hãy tín thác mọi sự vào Thiên Chúa.

3/ Vì sao các môn đệ lại xao xuyến  ? Các môn đệ xao xuyến vì thấy Yuđa phản bội, Phêrô chối Thầy, Chúa Giê-su thì đang bị đe dọa khắp nơi. Trong khi các ông lại đặt hết hy vọng vào Thầy mình / giờ thì sắp phải xa Thầy, họ sắp phải đương đầu với các thế lực thù địch, sắp sửa đối diện với cái chết, cho nên các ông lo sợ, xao xuyến.

4/ Chúa Giê-su xao xuyến vào những lúc nào ? Chúa Giê-su xao xuyến khi thấy hai chị em Matta, Maria khóc thương cái chết của em mình là Lazarô. Chúa xao xuyến khi nhìn thấy trước cái chết đau khổ, nhục nhã ở vườn cây dầu . Chúa xao xuyến khi nhìn thấy các môn đệ trốn chạy, phản bội.

5/ Vì sao Chúa lại xao xuyến ? Chúa xao xuyến vì trái tim Chúa không vô cảm, trái lại Chúa có một tình yêu nồng nàn, để xót thương, tha thứ cho chúng ta.

6/ Xao xuyến là gì  ? Xao xuyến chưa phải là tội, nhưng nếu nó dẫn đưa chúng ta đến hành động sợ hãi và bỏ cuộc, không chịu chu toàn Thánh ý Chúa / Chúa cũng từng xao xuyến nhưng đã dùng đức vâng lời để vượt thắng nó. Lấy đức can đảm để chấp nhận thập giá và không chịu lùi bước trước mọi hiểm nguy.

7/ Chúng ta vượt qua xao xuyến cách nào? Chúa không bảo chúng ta tránh xao xuyến nhưng hãy dùng niềm tin yêu phó thác để vượt qua là: Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy.

8/ Làm sao chúng ta có được bình an ? Tâm hồn nào vững tin sẽ được bình an // đau khổ và hiểm nguy thì không ai tránh khỏi, nhưng chúng ta an tâm vì tin tưởng vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa.

9/ Chúng ta sinh ra để làm gì ? Chúng ta luôn thắc mắc không biết mình sinh ra để làm gì? Trong khi cuộc sống lại có quá nhiều bất trắc, khổ đau. Chúa Giê-su đến để trả lời cho chúng ta về điều này: Sống là để vượt qua khổ đau, thi hành Thánh ý Thiên Chúa để sau này trở thành con Thiên Chúa, hưởng hạnh phúc với Chúa.*

10/ Con đường nào dẫn chúng ta tới nguồn hạnh phúc ? Con đường chúng ta cần đi tới để đạt được hạnh phúc bên Chúa Cha, con đường ấy mang tên Giê-su, chính Chúa Giê-su là người mở đường, Ngài cũng chính là con đường ấy.

11/ Ai là người mở đường ? Không có con đường nào tự nhiên mà có, phải có người nào đó mở đường  / chính Chúa Giê-su là người tiên phong mở đường .

12/ Ai có thể mở đường lên trời ? Làm gì có ai biết trời mà đi mở, chỉ có Chúa Giê-su, Đấng từ trời mà xuống mới mở được con đường đó. Chúa là người mở đường ,lại là người dẫn đường, Ngài cũng là người dọn chỗ để đưa chúng ta về trời.

13/ Chúa Giê-su khẳng định điều gì  ?Chúa Giê-su khẳng định: Ai thấy Ta là thấy Chúa Cha / chúng ta phải sống trong Chúa, sống hiệp nhất với Chúa, để cho ai thấy chúng ta cũng là thấy Chúa, bởi vì chúng ta giống Chúa.

14/ Vì sao Philiphê khao khát thấy Chúa Cha ? Philiphê khao khát thấy Chúa Cha, chứng tỏ rằng ông không tin lời Chúa Giê-su / bởi vì Thiên Chúa vô hình. Chúa Giê-su là Con, đang thi hành ý muốn của Chúa Cha, Ngài cũng làm được mọi việc như Chúa Cha làm nên chúng ta không cần thấy Chúa Cha, chỉ cần thấy Chúa Giê-su là hiện thân của Chúa Cha, như vậy là quá đủ , vì chính Chúa đã nói : “Ta và Cha là một”.

15/ Con người khát vọng điều gì  ?Con người khát vọng tìm gặp Thiên Chúa, Thiên Chúa đã đáp lại bằng cách cho Con Ngài xuống trần, làm người như chúng ta, sống cạnh chúng ta. Ngài mạc khải cho chúng ta biết Thiên Chúa là ai, Đấng ấy tốt lành như thế nào, để chúng ta hiểu rõ và an tâm khi đi về với Ngài.

16/ Làm sao chúng ta có thể thấy Chúa Cha ?Chúa Cha là Đấng vô hình, nhưng Con của Ngài là Đấng hữu hình, như thế chúng ta gặp đươc Chúa Giê-su là chúng ta đã gặp được Thiên Chúa. Vì giữa Chúa Giê-su và Chúa Cha có sự kết hợp mật thiết ,nên Chúa Giê-su nói: Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy.

17/ Đời sống của Chúa Giê-su nói lên điều gì ?Đời sống của Chúa Giê-su như một tấm gương trong suốt, nên lời nói và việc làm của Chúa Giê-su cũng chính là lời nói việc làm của Chúa Cha. Thiên Chúa luôn yêu thương hết mọi người, nhất là những kẻ có tội, và việc làm của Chúa Giê-su luôn minh chứng cho điều này.

18/ Chúng ta phải sống đạo như thế nào ?Chúng ta phải là một Giê-su khác cho người ta chiêm ngắm, bởi vì chúng ta là môn đệ của Chúa Giê-su, chúng ta cũng mặc bộ đồng phục là yêu thương , nên khi mọi người nhìn chúng ta, họ sẽ phải nhận ra Chúa Giê-su.

19/ Danh nào có thể cứu độ chúng ta ?Chỉ có một danh hiệu duy nhất dẫn chúng ta đến nguồn ơn cứu độ / Chúa Giê-su là người mở đường, cũng chính là con đường, Ngài còn là đích đến của mỗi người chúng ta ,bởi vì Ngài là Thiên Chúa, là chính nguồn hạnh phúc.

20/ Điều nào minh chứng cho đạo chính thật ?Câu nói: Đạo nào cũng tốt, khi chúng ta đi tìm hiểu và kiểm chứng trên thực tế / chúng ta chỉ đi theo vị chủ chăn nào có đời sống thiện hảo, lời nói đi đôi với việc làm, dám sống, dám tuyên xưng lời mình nói bằng chính mạng sống của mình, như thế mới đáng cho mọi người tin và đi theo.

21/ Làm sao biết chúng ta có đi đúng hướng hay không ?Muốn biết chúng ta có đi lạc hướng không, sau bao nhiêu năm theo đạo, chúng ta phải kiểm tra lại xem đời sống của mình có đúng với cách sống của Chúa Giê-su không, nếu có điểm nào so le, coi như chúng ta đã đi chệch hướng.

22/ Chúa Giê-su khao khát điều gì ?Chúa Giê-su khao khát mang đức tin và chân lý đến cho mọi người, để tất cả đều nhận được ơn cứu độ. Chúa đã ban lệnh truyền và muốn chúng ta cộng tác, muốn chúng ta giới thiệu Chúa cho tha nhân.

23/ Làm cách nào chúng ta có thể truyền đạo ?Muốn truyền giáo, chúng ta phải cầu nguyện, phải đóng góp vật chất, phải hướng dẫn con em mình sống đạo và hướng dẫn chúng hy sinh dấn thân cho việc mở mang Nước Chúa. Chúng ta cũng xin Chúa nâng đỡ các Linh Mục già nua, xin ban ơn bền đỗ cho những con người dám thánh hiến cuộc đời cho Chúa. **R

 

Giuse Luca / Kinh Thánh Emmaus

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1456
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  15
 Hôm nay:  1264
 Hôm qua:  13063
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11440592
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top