Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu và sống Tin Mừng CN LỄ LÁ - A / Giuse Luca

CHÚA NHẬT   LỄ LÁ  -  A   

ĐỀ TÀI:   VUA MESSI-A VÀO THÀNH GIÊ-RU-SA-LEM

 

 

Tin Mừng:    Mt 21, 1-11   

Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa.

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Mát-thêu.

1 Mấy ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su và các môn đệ đến gần thành Giê-ru-sa-lem và tới làng Bết-pha-ghê, phía núi Ôliu. Bấy giờ, Đức Giê-su sai hai môn đệ và 2 bảo: “Các anh đi vào làng trước mặt kia, và sẽ thấy ngay một con lừa mẹ đang cột sẵn đó, có con lừa con bên cạnh. Các anh cởi dây ra và dắt về cho Thầy. 3 Nếu có ai nói gì với các anh, thì trả lời là Chúa cần đến chúng, Người sẽ gởi lại ngay.” 4 Sự việc đó xảy ra như thế để ứng nghiệm lời ngôn sứ: 5 Hãy bảo thiếu nữ Xi-on: Kìa Đức vua của ngươi đang đến với ngươi, hiền hậu ngồi trên lưng lừa. Lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ.

6 Các môn đệ ra đi và làm theo lời Đức Giê-su đã truyền. 7 Các ông dắt lừa mẹ và lừa con về, trải áo choàng của mình trên lưng chúng, và Đức Giê-su cỡi lên. 8 Một đám người rất đông cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành, chặt lá mà rải lên lối đi. 9 Dân chúng, người đi trước kẻ theo sau, reo hò vang dậy: Hoan hô con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời.

10 Khi Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau: “Ông này là ai vậy?” 11 Dân chúng trả lời: “Ngôn sứ Giêsu, người Na-da-rét, xứ Ga-li-lê đấy.”

Đó là lời Chúa.

 

CÂU HỎI GỢI Ý GIÚP MỌI NGƯỜI DỄ HIỂU BÀI TIN MỪNG

1/ Ý nghĩa của Cựu Ước và Tân Ước là gì ?

2/ Mục đích Chúa Giê-su vào thành Yerusalem để làm gì ? (2-3-4)

3/ Kiểu của vua Giê-su là như thế nào?

4/ Kiểu vua Giê-su cai trị như thế nào?

5/ Quốc gia nào/ đất nước nào còn tồn tại mãi ?

6/ Đức Ki-tô là ai?

7/ Câu chuyện Chúa chịu đóng đinh có một tay nói lên điều gì ?

8/ Chúa Giê-su nói gì với chúng ta ?

9/ Ý nghĩa của dấu chỉ thập giá là gì ?

10/ Con đường nào Chúa đã đi qua ?

11/ Con đường nào người môn đệ phải đi ?

12/ Thập giá Chúa Ki-tô đưa ta đến đâu ?

13/ Vì sao Chúa Giê-su cần chút vinh quang trần thế ?

14/ Những gì xảy ra ở cuối của cuộc đời Chúa Giê-su ?

15/ Hoa trái nào phát sinh từ Thập Giá ?

16/ Chúa Giê-su muốn hiểu gì về thân phận kiếp người ?

17/ Chúng ta giống với nhân vật nào trong Sách Thánh ?

18/ Sự khác biệt giữa 2 đám rước ra sao ?

19/ Tâm tình của người Ki-tô hữu như thế nào ?

20/ Nỗi đau tột cùng của Chúa Giê-su là gì ?

21/ Danh dự, nhân phẩm Chúa ở đâu ?

22/ Chúng ta ước điều gì qua cuộc Thương khó của Chúa Giê-su ?

23/ Chúa Giê-su đã giao kết gì với Chúa Cha ?

24/ Dân chúng thay lòng, đổi dạ như thế nào ?

25/ Các môn đệ đâu cả rồi ?

26/ Nỗi cô đơn của Chúa ở chốn pháp đình và trên cây thập giá ?

 

Bài 1: VỊ VUA TÌNH THƯƠNG

1/ Ý nghĩa của Cựu Ước và Tân Ước: Cựu Ước là hình bóng, Tân Ước là thực tại. Cựu Ước là chuẩn bị, Tân Ước là thực hành. Cựu Ước hướng tới cao điểm là Đức Kitô, Cựu Ước là tiên báo và mọi việc đã xảy ra đều phù hợp với kinh thánh.

2/ Mục đích của việc Chúa Giê-su vào thành : Kinh Thánh muốn chứng minh Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa, là Đấng phải đến để cứu độ nhân loại. Hôm nay khi thấy Chúa long trọng tiến vào thành, chúng ta chợt nhớ đến lời tiên tri Giacari-a đã nói: “Hỡi thiếu nữ Si-on, hãy vui  mừng vì này Vua ngươi đến với ngươi, Ngài hiền từ và khiêm hạ, cỡi trên lưng lừa con”.

3/ Mục đích thứ hai là gì? : Để chúng ta thấy Ngài là Đấng cứu thế, việc Chúa Giê-su đi vào thành là một việc quá nguy hiểm như là đi vào chỗ chết. Giới lãnh đạo Do Thái đang căm thù Ngài, họ muốn tiêu diệt Ngài, nhưng Chúa vẫn cứ đi. Dân chúng thì tung hô tán tụng khiến cho bọn biệt phái càng thêm phẫn uất, nên họ đã thưa cùng Chúa Giê-su, nhưng Chúa Giê-su lại trả lời : Nếu họ im đi thì sỏi đá cũng sẽ lên tiếng, Chúa công khai chấp nhận lời chúc tụng ấy và Ngài rất bằng lòng.

4/ Mục đích thứ ba là gì? : Là để chúng ta nhận ra Ngài là vị vua hòa bình. Trên đường vào thành Thánh, dân chúng trải áo, cầm nhành lá trong tay để tung hô Chúa Giê-su là con Vua Đavít. Họ dành cho Chúa một lễ nghi đón rước dành cho một vị Vua của họ. Nhiều lần họ muốn làm điều này nhưng hôm nay họ mới có dịp. Trong thâm tâm họ, họ chỉ nghĩ đến một vị vua trong phạm vi thế gian ,để giải phóng dân tộc Do Thái khỏi ách đô hộ của quân La Mã.

5/ Chúa Giê-su là vua như thế  nào? : Chúa Giê-su muốn cho mọi người thấy : Ngài chỉ là vua trong cõi lòng họ và Ngài chỉ muốn chiếm hữu tâm hồn họ. Hiệu quả mà Chúa sẽ đem đến, đó là sự bình an, Chúa cỡi trên lưng con lừa là dấu chỉ của một vị vua hòa bình.

6/ Vua Giê-su đã cai trị như thế nào? : Cả cuộc đời trần thế đã minh chứng điều này. Thay vì dùng vũ lực, bạo động, Ngài lại dùng phương pháp khác biệt nhất. Đó là : Tình yêu nhân từ của Ngài. Điều này cho thấy rằng: Sức mạnh vũ lực của người Do Thái không quật ngã được La Mã. Điều xảy ra ngược lại là Do Thái đã bị La Mã hủy diệt và Đền Thánh Yerusalem đã bị bình địa vào năm 70.

7/ Chúa Giê-su đã cảm hóa đế quốc La Mã như thế nào? : Chúa Giê-su đã đến với họ và chỉ sau mấy chục năm truyền đạo, để rồi tin mừng được rao giảng trên toàn lãnh thổ La Mã. Đế quốc La Mã bị tan rã không phải vì sức mạnh binh đội, nhưng chính vì lòng đạo đức của họ đã bị suy đồi.

8/ Vương quốc nào còn tồn tại mãi ? : Lời Napoleon nói đúng : “ Cả Alexander đại đế, cả César và cả ta nữa, đã dựng nên nhiều đế quốc bằng vũ lực. Nhưng những đế quốc đó ngày nay chẳng còn nữa, còn Chúa Giê-su, Ngài đã thiết lập vương quốc của tình thương. Và ngày nay: Vương quốc đó đang ngày càng lớn mạnh, luôn có hàng triệu người sẵn sàng chịu chết vì Ngài.

9/ Đức Ki- tô là ai? Ngài là Đấng Ki-tô, Ngài là Đấng Messia, Đấng cứu thế, là vị vua hòa bình. Hôm nay, Chúa muốn chúng ta tuyên xưng lại những danh hiệu ấy và điều cần làm nhất là chúng ta phải mở rộng tâm hồn để đón mừng ngày Ngài ngự đến.

10/ Tượng Chúa chịu nạn chỉ có một tay bị đóng đinh : Có một người tội lỗi đến tìm cha xứ. Tuy ông đã xưng thú mọi tội lỗi nhưng vì tội ông phạm nhiều lần quá nên Cha xứ rất lưỡng lự khi phải ban ơn hòa giải cho ông. Thế rồi ông cứ tái đi tái lại, Cha xứ cũng ban phép giải tội nhưng còn buông ra một lời đe dọa rằng : Nếu ông không sửa tính, không chừa tội thì Cha sẽ không tha tội cho nữa. Ông hứa với Cha xứ, nhưng vì yếu đuối nên sau đó ông ta lại đến, lần này Cha xứ bảo : Đây là lần cuối. Vài tháng trôi qua ông ta lại đến quỳ dưới chân Cha xứ và năn nỉ: Con thực lòng ăn năn, xin Cha tha cho con lần nữa, Cha xứ đáp: “ Đừng đùa giỡn với Chúa, tôi không ban bí tích giải tội cho ông nữa đâu! Khi Cha nói thế thì Ngài nghe có tiếng nấc nghẹn ngào. Rồi từ trên thập giá, cánh tay phải của Chúa từ từ hạ xuống và ban phép giải tội cho người tín hữu đã thành tâm sám hối và Chúa nói với vị Linh Mục : “Chính ta đổ máu để cứu chuộc ông ấy chứ không phải là con” Và cũng từ lúc đó cánh tay Chúa cứ thỏng xuống trong tư thế sẵn sàng ban phép giải tội.

11/ Chúa Giê-su đã nói gì với chúng ta?: “Chính ta mới đổ máu ra để cứu chuộc con”. Lời ấy Chúa cũng muốn nói với chúng ta trong tuần thánh này. Chúa Giê-su đã là người tôi tớ đau khổ của Đức Yavê. Thập giá trước mắt người đời là dấu chỉ thất bại, tủi nhục, và là  hình phạt dành cho bọn nô lệ, phản loạn.

12/ Dấu chỉ thập giá là gì? : Thiên Chúa đã biến đổi thập giá thành dấu chỉ của ơn cứu độ, của tình thương Thiên Chúa và của sự tha thứ. Khi Chúa Giê-su tuyệt đối trung thành với Thánh ý Chúa Cha, Ngài đã chấp nhận con đường thập giá. Như lời Thánh Phao-lô viết: “Đức Ki-tô đã vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá, nhờ đó chúng ta được nhận lãnh ơn cứu độ”

13/ Con đường Chúa Ki-tô đã đi qua: Chúa Giê-su đã dạy cho chúng ta biết giá trị của sự đau khổ, con đường Chúa Giê-su đã đi qua là con đường đau khổ, con đường thập giá, của khiêm nhu, của thất bại. Con đường đó không đưa chúng ta đến ngõ cụt nhưng đưa chúng ta tới vinh quang phục sinh.

14/ Đường đi của người môn đệ Chúa: Là môn đệ của Chúa, chúng ta không có một con đường nào khác ngoài con đường thập giá, tức là phải chấp nhận những khổ đau trong cuộc sống như lời Chúa Giê-su nói : Ai theo ta phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo ta.

15/ Đau thương, gian khổ, thập giá sẽ đưa ta đến đâu? Mỗi khổ đau, mỗi hy sinh chúng ta vui chịu vì lòng mến Chúa sẽ góp phần nhỏ bé vào thập giá Đức Ki-tô để đền bù tội lỗi, cũng là cách thu tích công nghiệp cho bản thân mình và như thế : Đau thương, gian  khổ, thánh giá sẽ dẫn đưa ta tới sự phục sinh vinh quang. **R

 

Bài 2: THÀ LÀM CON LỪA MÀ CÓ ÍCH 

16/Câu chuyện Phúc Âm hôm nay như thế nào ? Chúa Giê-su cưỡi trên lưng một con lừa để tiến vào thành Giê-ru-sa-lem giữa tiếng tung hô vạn tuế của dân chúng.

17/Thi sĩ Chesterton diễn tả chú lừa như thế nào? Lừa là con vật đần độn, ưa nặng, có một chiếc đầu kỳ quái, một tiếng kêu ghê tởm / Đôi tai như một cặp cánh lạc loài và một dáng đi kỳ cục nhất trong các loại động vật bốn chân.

18/Con lừa quá xấu xí, nhưng nó lại tự hào về điều gì ? Nó tự nhủ rằng: ai thấy dáng điệu, hình thù của nó thì cũng cho nó là một loài thú vô duyên / Thế nhưng nó lại có được một giờ oanh liệt: “bên tai tôi luôn văng vẳng tiếng reo hò và nhành thiên tuế luôn chập chờn dưới bước chân tôi đấy “– quý vị cứ nhạo cười tôi đi, nhưng nên nhớ rằng: tôi đã được chọn trong mọi loài thú vật ở trần gian, để được cõng trên mình “Đấng Cứu Độ nhân loại”.

19/Kinh Thánh đã nói thế nào về giống lừa ? Chúng ta ai cũng nhạo báng chúng, nhưng Kinh Thánh lại ngợi khen chúng: lừa là giống vật hiền hòa không oai hùng như loài ngựa vốn chỉ dùng cho chiến tranh / Tiên tri Giacari-a đã tiên báo: ĐấngThiên Sai sẽ cưỡi trên lưng lừa mà tiến vào thành Giê-ru-sa-lem/ Hôm nay Chúa Giê-su đã thực hiện lời tiên báo ấy!

20/Khi thực hiện điều này, Chúa Giê-su đã xác quyết điều gì ? Thưa 2 điều: a) Chúa xác nhận mình là Đấng Thiên Sai, Đấng Messia của dân Do Thái / b) Chúa mạc khải cho chúng ta biết sứ mạng làm ĐấngThiên Sai của Ngài.

21/Vào thời Chúa Giê-su, dân Do Thái lầm lẫn điều gì ? Họ cứ đinh ninh rằng: Đấng Messia sẽ tập hợp dân Do Thái lại, đánh đuổi quân xâm lượt Roma ra khỏi đất nước họ / Thế nhưng, Chúa Giê-su cưỡi trên lưng một con vật hiền lành mà tiến vào Thành Giê-ru-sa-lem/ Hành động này đã đi ngược lại với ý nghĩ trên / Đồng thời cũng nói lên rằng: Chúa Giê-su không phải là một ông vua chinh chiến /chuyên đi bắt kẻ thù làm nô lệ cho mình.

22/Như vậy con người Chúa Giê-su thật sự như thế nào? Chúa đến để phục vụ cho thần dân của Ngài / Ngài quỳ gối rửa chân chứ không phải là ngồi trên ngai vàng và bắt người khác phục vụ, hầu hạ mình!

23/Ngài muốn điều gì ở thần dân của Ngài ? Ngài bảo dân chúng đoàn kết sau lưng mình, không phải để đi giao tranh với các dân tộc khác, nhưng Ngài liên kết họ để chiến đấu chống lại: nghèo khổ, đói khát, bất công, thù hận,…/

24/Như vậy Chúa đến để làm gì ? Chúa đến không phải để kết án nhưng để tha thứ / Chúa đến không phải để phá đổ giấc mơ, nhưng để biến giấc mơ của dân chúng thành hiện thực bằng một phương thế lạ lùng nhất / Chúa không cưỡng bức chúng ta, nhưng kêu mời chúng ta bước theo Ngài.

25/Chúng ta đáp trả thế nào với lời kêu mời đó ? Để đáp lại lời mời gọi ấy, đó là việc riêng của mỗi người / nhưng giờ đây chúng ta hãy vui mừng và cùng với mọi tín hữu trên khắp thế giới: Hãy tung hô Chúa.

26/Ngày Lễ Lá, chúng ta chứng kiến được điều gì ? Chứng kiến những thay đổi bất ngờ của cuộc đời và của lòng người: dân chúng vừa mới hân hoan cầm nhành lá đón tiếp Chúa, đã lập tức quay lại, la ó, kết án Chúa / Chúa vừa mới long trọng vào thành như một ông vua, nhưng mấy hôm sau đã phải đứng trước mặt Phila-tô như một tên tử tội.

27/Những bất ngờ nào nữa ? Yuda vừa ăn uống đồng bàn với Thầy, cùng ăn chung một bánh, cùng uống chung một chén, đã vội vã ra đi nộp Thầy / Các môn đệ vừa mới ngồi chung bàn với Thầy, nay đã bỏ trốn hết / Phê-rô vừa mới hăng hái thề sống chết bên Thầy, đã mau chóng hèn nhát chối Thầy / Quả thật Thiên Chúa đã quá chán ngán con người!

28/Những thứ gì tấn công tinh thần của Chúa ? Những biến cố dồn dập, những đợt sóng thù hận giận dữ, dâng cao đến tột đỉnh như muốn nghiền nát Chúa / nhưng Người vẫn luôn giữ được tâm hồn bình an thanh thản, một thái độ quan tâm ân cần và một trái tim chan chứa yêu thương!

29/Chúa Giê-su bước vào cuộc Thương Khó như thế nào ? Chúa Giê-su thản nhiên chủ động bước vào cuộc Thương Khó khi Người nói với các môn đệ rằng: “Thầy ước ao dự tiệc Vượt Qua với các con” / Trước cái chết thì ai cũng sợ, nếu chết là hết thì thật đáng sợ / nhưng cái chết, theo như mạc khải của Chúa Giê-su: Chết là đi về cùng Cha, Người yêu mến Chúa Cha nên luôn ước ao kết hiệp với Chúa Cha / Nên Người đã thanh thản đi vào cuộc Khổ Nạn.

30/Chúa Giê-su sợ điều gì hơn sợ chết ? Ngài sợ không cứu độ được loài người / Quân lính hung hãn đến bắt Chúa nhưng Người vẫn hiền hòa, không kháng cự / Dù bị bao bọc trong bầu khí sát máu, Người vẫn cư xử với lòng nhân hậu khoan dung / Ngài không lo cho an nguy bản thân dù giữa lúc hiểm nguy, khốn đốn / Chúa vẫn mở rộng bàn tay nhân ái chữa lành vành tai bị đứt của người đầy tớ vị Thượng tế.

31/Những điều nhân ái Chúa thực hiện: Khi Yuda đến hôn mặt Chúa, Chúa vẫn đối xử tế nhị, y phạm tội tày trời nhưng Chúa chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở / hy vọng sẽ đánh thức lương tâm người học trò vì mê tiền mà đi đến phản bội.

32/Lúc đang bị xét xử, Người đã làm gì ? Dù đang phải chịu nhục nhã đắng cay, Người vẫn đưa mắt nhìn Phê-rô như dịu dàng quở trách ông! Vị đại diện các môn đệ, sau khi chối Thầy / nhờ ánh mắt trách móc, tha thiết van xin, ánh mắt nhân từ tha thứ, đã khiến cho Phê-rô ray rứt khôn nguôi. **R

 

Bài 3: TÔI LÀ AI, TRONG VỤ ÁN NÀY?

33/Con lừa trong Thánh Kinh, nó tự hào về điều gì? Là một con vật đần độn, ưa nặng với một chiếc đầu kỳ quái, một tiếng kêu quái dị, một đôi tai lạc loài, một dáng đi kỳ cục / Nhưng nó lại rất tự hào vì những kỳ tích mà không có con vật nào khác có thể làm được! Vì trên lưng nó từng chở Chúa Cứu Thế / Mẹ Maria Nữ Vương Trời Đất và tể tướng Thiên đình.

34/Nhiệm vụ của con lừa làm gì? Nó không oai hùng như loài ngựa khi tham gia chiến trận, nhưng nó lại là con vật hiền lành, chân chất, nếu không có nó thì Đấng Cứu Độ không thể thực hiện chương trình hành động của mình / Đúng như lời tiên tri Giacari-a đã báo trước: Đấng Thiên Sai sẽ cưỡi trên lưng lừa và tiến vào Yerusa-lem.

35/Đấng Thiên Sai theo quan niệm Do Thái: Là người lãnh đạo dân Do Thái, đánh đuổi quân xâm lược Roma, mang vinh quang về cho đất nước / Nhưng Đấng Messia không phải là ông vua chinh chiến, nhưng là ông vua hòa bình / vì ông chỉ cưỡi lừa.

36/Con người và nhiệm vụ của Chúa Giê-su là gì? Chúa là ông vua đến để phục vụ cho thần dân của Ngài / Ngài quỳ gối rửa chân chứ không ngồi trên ngai đợi được phục vụ.

37/Ngài đòi hỏi điều gì ở thần dân của Ngài? Ngài bảo dân chúng phải đoàn kết sau lưng Ngài/ Ngài chiến đấu để chống lại cái nghèo, cái đói, cái bất công, cái thù hận / Chúa đến để tha thứ, để giải thoát / chứ không kết án.

38/Tiếng hoan hô mang ý nghĩa gì? Nhìn bề ngoài ai cũng tưởng là một chiến thắng vang dội của Chúa Giê-su / Nhưng bên trong mỉa mai thay lại là màn mở đầu của cuộc Thương Khó bi thương sầu thảm của Chúa.    Ý nghĩa là :Lạy Thiên Chúa, xin hãy cứu con .

39/Lòng dân chúng Do Thái như thế nào? Niềm phấn khởi hôm nay nói lên sự phấn khởi chóng tàn của dân chúng / Nhưng thực chất chỉ là sự tạo phản bùng nổ dữ dội nhất khi dân chúng nắm chặt tay đưa lên và hô to: Đóng đinh nó vào thập giá!

40/Người Kitô hữu là gì? Là những người đi theo Đức Kitô bằng một niềm tin vào Thiên Chúa/ cùng chung một phép rửa của Chúa Thánh Linh / cùng vâng phục một Hội Thánh duy nhất / cùng chung tay xây dựng xã hội đầy tình bác ái yêu thương!

41/Tôi là ai trong vụ án của Chúa Kitô? Nếu tôi là người cùng thời với Chúa Giê-su thì tôi sẽ đứng vào nhóm nào? Tôi có đứng vào đám dân chúng đả đảo Chúa? Tôi có phải là Yuda hay Phêrô? Tôi là Phila-tô hay quân dữ / Tôi là Simon hay Veronica? Tôi sẽ là người ăn trộm lành hay viên sĩ quan?

42/Tôi là hạng người nào? Hạng người độc ác như Cai-pha, như biệt phái, luật sĩ / Tôi có nhu nhược như Phila-tô khi biết Chúa vô tội mà không dám tha / Tôi có phải là đám dân đứng dưới chân Thánh Giá mà nhạo cười Chúa / Tôi có phải là tên lính lấy giáo đâm vào tim Chúa cho mau chết? Thấy Chúa chết tôi có đấm ngực và khóc lóc ăn năn không?

43/Tôi có phải là kẻ trộm dữ dám thách thức Chúa trong khi chính mình đã gây ra biết bao tội ác mà chẳng có chút nào sám hối ăn năn?

44/Tôi thuộc hạng người nào? Có lẽ tôi chỉ dám yêu Chúa trên môi miệng trong những lúc xuôi chèo mát mái / nhưng lại dễ dàng phản bội Chúa khi thấy lợi lộc đang thuộc về mình / như trường hợp của Yuda !

45/Tại sao tôi không xét lại lương tâm mình? Tôi là ai mà dám cho mình là vô tội trước cái chết của Con Thiên Chúa / Hay tại vì tôi chưa thấy Ngài chết, chỉ thấy Ngài hấp hối nên tôi vẫn cứ tiếp tục hành hạ Ngài?

46/Chúng ta đang đóng vai trò gì? Chúng ta đang đóng vai người lạ đang đi bên cạnh Chúa / Chúng ta có giống tâm tình của một người lạ đang quay phim cho đám tang / mặc cho ai rên siết, mất mát, khổ đau / tôi cứ tỉnh queo, xem ra Chúa chết mặc Chúa / chẳng hề hấn gì đến tôi !

47/Nhiều người cho rằng: Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21 / nên việc Chúa chết treo trên Thập Giá không phải lỗi của chúng ta / Nhưng cho dù là cách đây 2000 năm hay ngay bây giờ thì cũng chỉ là những lời chối bỏ, vẫn những tiếng hò hét, vẫn những lời sỉ vả, hoặc cũng chỉ là những đinh nhọn được cắm sâu vào trong thân thể Người.

48/Người Kitô hữu nhìn cái chết của Chúa như thế nào? Dưới khía cạnh lịch sử thì cái chết của Chúa Giê-su là hành động tội ác do dân Do Thái và quân La Mã gây ra cách đây 2000 năm / Riêng người Công giáo nhận định đây là một Mầu Nhiệm / Bởi vì chúng ta không thể nào hiểu nỗi tại sao Con Thiên Chúa lại chết cách khổ nhục như vậy!

49/Người có đạo nhận định Mầu Nhiệm này như thế nào? Chúng ta cảm thấy mình thật sự tham dự vào cuộc đóng đinh này / Chúng ta vẫn tuyên xưng rằng: Chúa Giê-su chịu đóng đinh vì chúng ta với mục đích để cứu rỗi chúng ta / Nghĩa là do tội lỗi chúng ta mà Người phải chịu treo lên!

50/Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy nhìn lên Thập Giá, nơi mà Ngài bị treo lên, để thấy hình phạt của tội lỗi thật năng nề cho chính chúng ta gây ra / Để chúng ta chừa bỏ tội lỗi cho Chúa bớt đau đớn / và cộng tác với Chúa bằng lời cầu nguyện, các việc hy sinh, hãm mình, sống bác ái, để cứu rỗi anh em chúng ta. **R

 

Bài 4: RƯỚC CHÚA HAY ÁP GIẢI

65/Tuần Thương Khó bắt đầu vào lúc nào ? Vào chính Chúa nhật Lễ Lá hôm nay / Chúa Giê-su vào thành Yerusa-lem để hoàn tất Mầu Nhiệm Vượt qua, đem lại ơn cứu độ cho loài người.

66/Tiếng hoan hô hôm nay mang ý nghĩa gì ? Nhìn bề ngoài, cuộc tiến vào Yerusa-lem giữa tiếng tung hô của đám đông dân chúng khi họ nô nức phất cao cành lá “Hoan hô con vua Đavit”, có vẻ như là một cuộc chiến thắng vang dội, nhưng thực chất chỉ là một cuộc mở màn thương khó mỉa mai nhất và cũng là bi thương nhất.      

67/Chúa quá biết điều gì? Chúa dư biết rằng: trong niềm phấn khởi chóng qua của dân chúng đang chất chứa một sự bùng nổ dữ dội trước mặt tổng trấn Philatô / Họ kêu gào hết cỡ với những bàn tay nắm chặt đưa lên: “Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá!”*

68/Chúng ta hãy phân biệt điều khó làm và điều dễ làm: Rước lá, đi theo Chúa trong vài giờ là điều dễ làm / Dám đi theo Chúa giữa lúc Ngài đã bị bỏ rơi và bị lên án, điều này quá khó / Tin Mừng cho thấy không ai dám lên tiếng bênh vực cho Chúa Giê-su vào lúc đó / mà chỉ thấy họ lên tiếng đòi phóng thích cho tên đạo tặc Baraba mà thôi!

69/Kitô hữu là gì ? Được định nghĩa là những người đi theo Chúa Giê-su, cho dù khó khăn khi phải theo Chúa đến những nơi mà mình không muốn đến, con đường đi theo Chúa có lúc vui, có lúc buồn / Chúng ta phải có mặt trong đám người hoan hô Chúa / nhưng tuyệt đối không được vắng mặt khi Ngài hấp hối trên Thập Giá!

70/Một câu hỏi dành cho tôi: Nếu tôi là người đương thời, đang có mặt trong vụ án của Chúa Giê-su, tôi sẽ đứng vào trong nhóm người nào ? Và tôi sẽ có thái độ nào ? Thử hỏi: tôi có dám làm như ông Simon người Kyrê-nê (Mt 27, 32) đứng ra vác đỡ thập giá cho Chúa Giê-su không ?

71/Nếu thế thì tôi đang đứng ở chỗ nào ? Biết đâu tôi lại đang đứng vào đám quần chúng đang đả đảo Chúa / hay tôi có thể là Phê-rô chối Chúa, hoặc như nhóm các Tông đồ trốn chạy / Hay như Phila-tô tham quyền cố vị, nhu nhược, không dám tha cho người vô tội / Hay như đám quân lính dã man đã thẳng tay đánh đòn và đóng đinh Chúa ?

72/Tôi sẽ là loại người nào? Tôi nhận ra mình là con người rất yếu đuối, dễ ngã về phe kẻ mạnh, không dám can đảm bênh vực cho công lý ở nhóm người yếu thế !

73/Biết đâu tôi cũng thuộc hạng người chỉ dám yêu Chúa trên môi miệng / Cũng như trong những lúc xuôi chèo mát mái ? Nhưng lại dễ dàng phản bội Chúa khi thấy điều lợi lộc đang thuộc về mình như trường hợp Yuda.

74/Tại sao chúng ta không xét lại lương tâm mình ? Chúng ta là ai mà lại dám cho mình là vô tội trước cái chết của Con Thiên Chúa ? Hay là chúng ta chưa thấy Ngài chết nên vẫn còn hành hạ Ngài trong cơn hấp hối cho đến ngày tận thế ?

75/Giáo Hội lập ra Tuần Thánh để làm gì ? Trong những ngày này, chúng ta hãy tìm thời giờ đọc thật chậm rãi cuộc Khổ Nạn của Chúa Giê-su / Hãy bước theo Chúa qua từng chặng đường / Từ tòa án đạo, đến tòa án đời, hãy ở lại thật lâu trên Núi Sọ.

76/Chúng ta đang đóng vai người lạ khi đi bên cạnh Chúa ? Đừng theo Chúa kiểu như người lạ đang quay Video cho đám tang / Bởi vì mọi đau khổ Chúa đang chịu là vì chúng ta và cho chúng ta / Hãy để cho tâm tình và lời nói của Chúa Giê-su thấm nhuần vào linh hồn chúng ta và dễ dàng biến đổi chúng ta.

77/Chúng ta tìm gặp được gì trong bài Thương Khó của Chúa ? Chúng ta bắt gặp rất nhiều tình tiết tăm tối của đời thường như là: vu khống, phản bội, ghen tương, bất công, nhục nhã, đau khổ, cô đơn, hèn nhát, cái chết / Nhưng trong tận cùng của sự kiện, chúng ta gặp được một tình yêu chân thật của Thiên Chúa.

78/Tình yêu của Chúa Giê-su được định giá như thế nào ? Chúng ta phát hiện ra tình yêu vô cùng lớn lao của Chúa Giê-su dành cho Chúa Cha / và dành trọn vẹn cho nhân loại / Chỉ có tình yêu có tính chất hy sinh ấy mới biến mọi khổ đau trở nên có giá trị cứu độ nhân loại.

79/Chúng ta càng ngẫm nghĩ, càng nhận ra điều gì ? Chúng ta hãy cảm nếm thật sâu xa nỗi khổ đau ngoài thân xác trong tinh thần của Chúa Giê-su / Nhưng cũng đừng quên nhận ra một tình yêu bao dung nằm ẩn chứa dưới từng cử chỉ phản ứng của Ngài.

80/Một điều ước, tôi sẽ ước điều gì ? Ước gì chúng ta có thể nhận ra những gai gốc nhưng có giá trị trong cuộc đời và thái độ của Chúa Giê-su / Để rồi càng suy nghĩ về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giê-su, chúng ta sẽ cảm thấy mỗi ngày mình càng yêu Thánh Giá hơn => chẳng những Thánh Giá của Chúa, thánh giá của mình , mà còn kính trọng thánh giá của anh em khác nữa.**R

 

Bài 5: MỘT ÔNG VUA HAY MỘT TÊN TỬ TỘI

81/ Chúa Giê-su đi tìm một chút vinh quang trần thế: Từ trước tới nay chưa lần nào Chúa đi tìm cho mình một chút vinh quang trần thế. Còn bây giờ Chúa lại chấp nhận để cho người ta trải áo, chặt cành cây lót trên lối đi. Người ta reo hò vang dậy, người ta tung hô Ngài là Đấng Messia, là con Vua Đavít, Chúa Giê-su chấp nhận lời tán tụng của đám đông khi cái chết đã gần kề.

82/ Cách làm Vua của Chúa Giê-su: Quả thật Chúa Giê-su là Vua Messia, nhưng rồi đây người ta sẽ biết rõ cách làm vua của Ngài bằng những đau khổ, bằng cái chết khổ nhục trên thập giá.

83/ Những ngày cuối đời của Chúa Giê-su: Lễ lá là một lễ vui trước, nhưng lại đượm buồn sau / khi chúng ta nghe bài đọc thương khó. Khi tuần thánh bắt đầu cũng chính là lúc Chúa Giê-su bước vào những ngày cuối của cuộc đời. Rước lá, là đi theo Ngài trong vài giờ là điều dễ, đi theo Ngài giữa lúc được tung hô thì chẳng khó gì, nhưng nếu tiếp tục đi theo Ngài và dám ở lại với Ngài khi mọi người đã bỏ rơi, điều này còn khó hơn nhiều. Chúng ta thường cảm thấy mệt mỏi khi phải nghe một bài thương khó dài, chỉ mới nghe thôi đã thấy mệt, còn Chúa thì sao?

84/ Ý nghĩa của cuộc khổ nạn Chúa: Nếu chúng ta dành chút thời gian để suy niệm về cuộc đời khổ nạn của Chúa, ta sẽ thấy lời nói và thái độ cư xử của Chúa Giê-su có sức nâng đỡ, biến đổi ta, giúp ta dễ dàng đón nhận những gai góc trong cuộc sống.

85/ Hoa trái phát sinh từ những khổ đau của Chúa: Chúng ta cần cảm nghiệm những đau thương trên thân xác Chúa, chúng ta cũng không được quên những nỗi đau sâu kín trong trái tim Ngài. Sau đó chúng ta phải nhận ra một tình yêu thật lớn lao đối với Chúa Cha và đối với nhân loại. Chính tình yêu mới dám chấp nhận khổ đau và làm cho những khổ đau kia sinh hoa trái.

86/ Ngẫm nghĩ về thân phận kiếp người: Con Thiên Chúa đã phải chấp nhận những khổ đau trong thân phận con người. Chúa đã biết thế nào là bị vu khống, bị đối xử bất công, bị phản bội, bị nhục nhã, nỗi sợ hãi vì khổ đau, vì cô đơn và khiếp sợ cái chết. Ngài không cần suy nghĩ nhiều về đau khổ nhưng Ngài đón lấy đau khổ bằng một tâm tình chan chứa yêu thương và biến những khổ đau thành những chịu đựng có ý nghĩa, giúp con người được ơn cứu thoát.

87/ Chúng ta tự thấy mình giống nhân vật nào? Chúng ta có thể thấy mình giống Yuda, giống Phê-rô hay giống Philato. Chẳng có ai vô tội trước cái chết của con Thiên Chúa. Mỗi người hãy đi với Chúa từng chặng đường, bắt đầu từ vườn cây dầu đến núi sọ. Hãy suy nghĩ từng đoạn đường coi mình đã làm gì tốt, đã gây ra điều gì cho Chúa và sau cùng khi Chúa chết thì chúng ta đã sống như thế nào?

88/ Đừng sống kiểu vô tình: Hãy nhìn những người lạ quay video đám tang, chúng ta đừng sống vô tình trong cuộc khổ nạn của Chúa. Bởi lẽ mọi sự Chúa chịu là vì ta và cho ta. Sau khi suy gẫm và thấm nhuần cuộc khổ nạn của Chúa, chúng ta sẽ thấy mình yêu thánh giá Chúa hơn, vui lòng với thánh giá của mình hơn và kính trọng thánh giá của kẻ khác hơn.

89/ Sự khác biệt giữa 2 đám rước : Lễ lá là một lễ nửa vui, nửa buồn, vui vì Chúa được tung hô vạn tuế, buồn là khi phải tưởng niệm cuộc khổ nạn Chúa. Đây là 2 cảnh trái ngược nhau trong cùng một ngày. Lễ lá Chúa Giê-su được đón rước trong tiếng reo hò vang dậy. Ngài là vị vua lẫm liệt đang ngồi trên lưng lừa. Sau đó ít ngày là một đám rước lên núi sọ, không có tiếng tung hô mà chỉ có lời kết án. Không có những nhánh cây mà chỉ có thanh gỗ thập giá trơ trụi , ngày xưa ai đã tham dự cả hai đám rước này ?

90/ Tâm tình của người Ki-tô hữu khi nghe bài thương khó Chúa : Chúng ta cảm thấy mệt mỏi khi nghe bài thương khó dài và thường cảm thấy mình dửng dưng, xa lạ, vô can. Thật ra nỗi đau đớn tủi nhục của Chúa Giê-su là vì tôi, cho tôi (Gl 2,20), chúng ta cần nghe bài thương khó cách chậm rãi và hãy bước theo Chúa qua từng chặng đường. Hãy ở lại bên cạnh Chúa trong lúc khó khăn này, hãy cảm nghiệm nỗi đau đớn, cô đơn của Chúa.

91/ Tâm tình của các môn đệ : Ba môn đệ thân tín đã bỏ rơi Ngài, để một mình Chúa đau đớn, khắc khoải. Yuda chỉ điểm để lính bắt Chúa bằng một nụ hôn, các môn đệ thì sợ hãi bỏ trốn hết, còn Phê-rô thì thề thốt là không quen biết Chúa.

92/ Nỗi cô đơn của Chúa Giê-su : Chúa Giê-su đang đối diện với nỗi cô đơn tột cùng khi Cha Ngài cũng vắng bóng : Lạy Thiên Chúa Tôi, tại sao Ngài bỏ tôi ?.

93/ Nỗi đau tột cùng trên thân xác Chúa : Khuôn mặt ngời sáng của con Thiên Chúa làm người nay bị người ta khạc nhổ, bị tát, bị đánh, đôi mắt to với cái nhìn bao dung ấy nay bị bịt lại để làm trò cười cho mọi người . Tấm thân phải gánh lấy tội của bao người giờ bị phơi bày ra cho những trận đòn thù cày nát. Bàn tay dùng để chữa bệnh, chúc lành cho mọi người, nay bị co quắp, sưng tấy, bầm tím vì những mũi đinh. Đôi bàn chân từng rong ruổi khắp mọi nẻo đường truyền giáo thì nay không còn đủ sức nâng bản thân tan nát gầy còm.

94/ Danh dự và phẩm giá của Chúa Giê-su : Đây là điều đáng trân trọng nhất của Chúa Giê-su thì nay bị bắt đóng vai hề, đóng vai vua dân Do Thái. Được mặc Cẩm Bào, được đội Triều Thiên, được cầm Vương Trượng, có vị vua nào vừa được bái lạy vừa bị lính khõ đầu không ?. Vị vua bị lột áo trước khi chịu đóng đinh, vị vua phải chịu nhiều tủi nhục trước cái nhìn của cả thế giới.

95/ Một điều ước : Cuộc thương khó của Chúa vẫn kéo dài đến tận thế, thập giá của Chúa, của tôi, của mọi người cũng chỉ là một. Chúa mời tôi vác thập giá của mình mà theo Chúa và giúp cho tha nhân đủ sức để vác thập giá của họ. Ước gì tôi, ước gì các bạn, là những Simon Ky-rê-nê luôn giúp Chúa, giúp anh em vác thập giá.

96/ Sự giao kết đã xong : Trước khi sự việc xảy ra, bà đã lấy thuốc thơm ướp xác ta, chờ khi liệm táng. Chúa đã nói ra điều này khi người phụ nữ đập vỡ bình bạch ngọc và đổ dầu thơm trong bình trong bình lên đầu Người. Chúa đã biết đời mình sẽ đi về đâu. Chúa biết rằng ngày hôm sau mình sẽ chết, sự quyết tâm của Chúa không phải là việc dễ làm. Vâng lời Chúa Cha là phải làm chủ bản thân mình, Chúa đã trải qua cơn hấp hối trong vườn Gietsemani, trong cơn khắc khoải, Chúa đã nói một lời ngắn gọn và dứt khoát : Thế là xong ! Thế có nghĩa là Người đã quyết định xong, đã giao kết xong, đã ưng thuận rồi.

97/ Sự vâng lời tự nguyện : Chúa muốn lưu ý những kẻ đến bắt Chúa rằng : Nếu Ngài muốn, Ngài có thể vô hiệu hóa bọn chúng như Ngài đã từng làm trong bao lần giảng dạy trong đền thờ hay ở những nơi khác. Ý Chúa muốn nhấn mạnh rằng : Người để chúng bắt chỉ vì Người muốn làm theo ý Thiên Chúa như lời tiên báo trong kinh thánh. Đây là sự vâng lời tự nguyện.

98/ Dân Chúng thay lòng đổi dạ : Người bị cô lập, bị tách rời khỏi dân chúng //mấy ngày trước đây chính dân chúng hoan hô người. Các vị lãnh đạo Do Thái đã chuẩn bị giờ hành động. Họ sắp đặt thời gian và mưu kế để vận động dân chúng. Dân chúng dễ thay lòng đổi ý do những nhà kỹ thuật về khoa điều khiển dân tình, thế là dân chúng đã bỏ Chúa.

99/ Các môn đệ đã làm gì vào lúc Chúa hấp hối ? : Trong cơn hấp hối, Chúa cô đơn. Chúa cũng biết rõ các môn đệ là những kẻ bất lực, chẳng thể giúp gì cho Chúa, nhưng dù sao nếu có họ lúc đó thì cũng có chút an ủi, thế mà họ lại ngủ lăn ngủ lóc. Các môn đệ đã chẳng hành động theo lời cam kết : Nhất là Phê-rô : Dù có phải chết vì Thầy, con cũng chẳng bỏ Thầy. Thế mà họ đã bỏ Chúa, họ đã trốn hết.

100/ Cô đơn nơi pháp đình : Chúa chỉ có một mình, không ai dám gỡ tội cho Chúa. Chúa Giê-su đã biết thế nào là đắng cay, chua xót của tình bạn, tình thầy trò. Họ vì tư lợi, vì không muốn liên can, không muốn dính vào, mà lẽ ra họ phải cứu giúp.

101/ Chúa một mình trên thập giá : Chúa chỉ còn lại một mình trên thập giá, mặc cho tên trộm cướp thóa mạ. Một nỗi cô đơn tột bậc : Cha ơi ! Sao Cha bỏ con ? Sự vâng lời tự nguyện khiến cho Chúa càng thấm thía tấn bi kịch của số mệnh, của tình đời. **R

 

TÓM Ý

1/ Ý nghĩa của Cựu Ước và Tân Ước là gì ? Cựu Ước là hình bóng, Tân Ước là thực tại. Cựu Ước là chuẩn bị, Tân Ước là thực hành. Cựu Ước là hướng tới là tiên báo để rồi sau đó mọi việc xảy ra đều phù hợp với kinh thánh.

2/ Chúa Giê-su vào thành Yerusalem để làm gì ? Chúa muốn minh chứng Ngài là con Thiên Chúa, là Đấng phải đến, là Đấng Messia. Hôm nay lời tiên tri Giacaria đã ứng nghiệm : “Hỡi thiếu nữ Sion hãy vui mừng, vì vua ngươi đến với ngươi” .

3/ Mục đích thứ hai là gì ? Chúa Giê-su công khai sứ vụ lời chúc tụng, cho dù đi vào thành là đi vào chỗ chết, thế nhưng đây là con đường mà Chúa Cứu Thế phải đi.

4/ Mục đích thứ ba là gì? Để cho mọi người biết Ngài là vua hòa bình. Dân chúng đã dành cho Ngài một đám rước vua chúa khi họ tung hô, chúc tụng Ngài. Bởi vì từ lâu dân chúng rất muốn làm điều này nhưng chưa có dịp. Trong thâm tâm họ đang ao ước có một vị vua chính trị.

5/ Kiểu của vua Giê-su là như thế nào? Chúa muốn cho mọi người thấy Ngài chỉ là vua trong cõi lòng của họ, Chúa chỉ muốn chiếm hữu tâm hồn họ. Chúa là ông vua bình an nên cỡi lừa chứ không phải ông vua chinh chiến, cỡi ngựa.

6/ Kiểu vua Giê-su cai trị như thế nào? : Cả cuộc đời Chúa Giê-su tại trần thế đã minh chứng đều này: Ngài là vị vua bất bạo động, Ngài chỉ dùng tình yêu và lòng nhân từ mà cai trị. Người Do Thái đã dùng vũ lực để chống lại La Mã nhưng họ vẫn thất bại vì Yerusalem đã bị La Mã bình địa vào năm 70 (sau CN).

7/ Quốc gia nào/ đất nước nào còn tồn tại mãi ? Cả Napoleon, Cả Alexan đại đế, cả César, những đế quốc được họ xây bằng vũ lực đã chẳng còn tồn tại. Chỉ còn một mình Vua Giê-su, Ngài thiết lập một nước của tình thương nên càng ngày nước ấy càng lớn mạnh, luôn có hàng triệu người sàng chịu chết vì Ngài.

8/ Đức Ki-tô là ai? Ngài là Đấng Ki-tô, Đấng Messia là Đấng cứu thế, là vị vua hòa bình. Hôm nay Chúa muốn chúng ta xưng lại danh hiệu ấy và luôn mở rộng tâm hồn để đón chờ Chúa đến.

9/ Câu chuyện Chúa chịu đóng đinh có một taynói lên điều gì ? Vị Linh Mục đã không muốn tha cho tội nhân tái phạm nhiều lần vì yếu đuối, Nhưng Chúa thì sẵn lòng tha vì mục đích của Ngài đến thế gian là để cứu vớt, để tha tội.

10/ Chúa Giê-su nói gì với chúng ta ? Chính ta mới đổ máu ra để cứu chuộc con. Thập giá trước mắt người đời là sự thất bại, khổ nhục, là hình phạt dành cho bọn nô lệ, phản loạn, nhưng đối với Chúa, nó là nguồn ơn cứu độ cho chúng ta.

11/ Ý nghĩa của dấu chỉ thập giá là gì ? Chúa Giê-su biến đổi từ thập giá thành dấu chỉ của ơn cứu độ, của tình thương và sự tha thứ/ nhờ sự vâng phục cho đến chết của Chúa Giê-su mà chúng ta nhận lãnh được ơn cứu độ.

12/ Con đường nào Chúa đã đi qua ? Là con đường đau khổ, con đường thập giá, của khiêm nhu, của thất bại, nhưng con đường xem ra đi vào ngõ cụt đó lại đưa chúng ta đến chốn vinh quang phục sinh.

13/ Con đường nào người môn đệ phải đi ? Chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường thập giá, tức là chấp nhận những khổ đau trong cuộc sống như lời Chúa Giê-su nói : Ai muốn theo ta, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo ta.

14/ Thập giá Chúa Ki-tô đưa ta đến đâu ? Nếu chúng ta chịu đau thương gian khổ, vác thập giá vì lòng mến Chúa, ta sẽ góp phần vào thập giá Đức Ki-tô để đền bù tội lỗi chúng ta và của anh em chúng ta.

15/ Vì sao Chúa Giê-su cần chút vinh quang trần thế ? Từ trước tới nay chưa lần nào Chúa tìm cho mình chút vinh quang trần thế. Còn bây giờ Chúa lại chấp nhận để cho người ta tung hô vạn tuế khi cái chết đã gần kề. Chỉ vì Chúa muốn cho mọi người biết Ngài là Đấng Ki-tô, là vị vua hòa bình.

16/ Những gì xảy ra ở cuối của cuộc đời Chúa Giê-su ? Lễ lá mang ý nghĩa một nửa vui, một nửa buồn. Tuần thánh bắt đầu cũng là những ngày cuối. Người ta sẽ đi theo tán tụng Chúa, nhưng sau đó người ta sẵn sàng đả đảo, kết án, bỏ rơi. Theo Chúa cho tới cùng là một điều quá khó, nếu không có ơn Chúa trợ giúp thì chẳng ai làm được.

17/ Hoa trái nào phát sinh từ thập giá ? Chúng ta cần cảm nghiệm những đớn đau trên thân xác Chúa và những nỗi đau sâu kín trong trái tim Chúa. Sau đó chúng ta sẽ nhận ra tình yêu lớn lao của Ngài đối với Chúa Cha và nhân loại.

18/ Chúa Giê-su muốn hiểu gì về thân phận kiếp người ? Chúa muốn biết thế nào là bị vu khống, bị đối xử bất công, bị phản bội, bị nhục nhã, bị bỏ rơi và sự khiếp sợ trước cái chết. Chúa Giê-su đã đón lấy khổ đau bằng một tâm tình chan chứa yêu thương và biến những khổ đau ấy thành những chịu đựng có ý nghĩa, giúp cho loài người nhận được ơn cứu thoát.

19/ Chúng ta giống với nhân vật nào trong sách thánh ? Chúng ta có thể thấy mình giống Yuda, giống Phê-rô hay giống Philato. Chẳng có ai vô tội trước cái chết của con Thiên Chúa. Chúng ta đã gây ra điều gì xấu cho Chúa và khi Chúa chết rồi, chúng ta đã sống như thế nào ?

20/ Sự khác biệt giữa 2 đám rước ra sao ? Lễ lá vui trước, Chúa Giê-su được tung hô vạn tuế, buồn sau khi phải tưởng niệm cuộc khổ nạn đớn đau nhục nhã của Chúa, Chúa chịu mọi sự vì ta và cho ta, sau đó chúng ta sẽ yêu mến Thánh giá hơn.

21/ Tâm tình của người Ki-tô hữu như thế nào ? Chúng ta thường cảm thấy mệt mỏi khi nghe bài thương khó quá dài. Và cũng thường cảm thấy dửng dưng, xa lạ, vô can. Thật ra những đau đớn tủi nhục mà Chúa Giê-su phải chịu là vì tội lỗi chúng ta. Chúng ta cần phải bước theo Chúa từng đoạn đường, hãy ở lại bên Chúa lúc khó khăn này, hãy cảm nghiệm nỗi đau và sự cô đơn của Chúa.

22/ Nỗi đau tột cùng của Chúa Giê-su là gì ? Khuôn mặt ngời sáng của con Thiên Chúa nay bị mọi người khạc nhổ, đánh, tát, đôi  mắt to bao dung ấy nay bị bịt lại để làm trò cười cho trẻ con, tấm thân phải gánh lấy tội của nhân loại nay phải chịu bằng những trận đòn nát thịt tan xương.

23/ Danh dự, nhân phẩm Chúa ở đâu ? Danh dự của Chúa nay bị người ta bắt đóng vai hề, làm vua dân Do Thái, được mặc áo Cẩm Bào, được đội Triều Thiên, được cầm Vương Trượng. Có vị vua nào vừa được bái lạy vừa bị lính khõ lên đầu không ?

24/ Một điều ước :  Cuộc thương khó của Chúa vẫn kéo dài đến tận thế, thập giá của Chúa, của tôi, của mọi người cũng chỉ là một . Ước gì con vui lòng vác thập giá của mình và giúp cho tha nhân vác được thập giá của họ. Con ước gì con có thể là Simon Ky-rê-nê, con cũng ước gì thánh giá Chúa không còn là nỗi lo sợ của nhân loại nữa.

25/ Chúa Giê-su đã giao kết gì với Chúa Cha ? Khi người phụ nữ xức dầu thơm cho Chúa, Chúa đã biết đời mình sẽ đi về đâu. Sự quyết tâm của Chúa không phải là việc dễ làm. Vâng lời Chúa Cha là phải làm chủ bản thân mình, khi trải qua cơn hấp hối trong vườn cây dầu, Chúa Giê-su đã nói một lời ngắn gọn: Thế là xong, có nghĩa là Chúa đã giao kết xong, đã ưng thuận rồi .Ý Chúa muốn nói rằng :  Chúa để cho họ bắt là thể hiện sự vâng lời tự nguyện.

26/ Dân chúng thay lòng, đổi dạ như thế nào ? Mấy ngày trước dân chúng tung hô người, còn các lãnh đạo Do Thái thì chuẩn bị giờ hành động, sắp đặt mưu kế để vận động dân chúng để dân chúng thay lòng đổi dạ. Thế là dân chúng đã bỏ Chúa.

27/ Các môn đệ đâu cả rồi ? Trong cơn hấp hối Chúa thật cô đơn, Chúa biết rõ các môn đệ là những kẻ bất lực, họ chẳng thể giúp gì cho Chúa. Nhưng dù sao thì sự có mặt của họ vào lúc này cũng đem lại cho Chúa chút niềm an ủi, nhưng các ông đã bỏ trốn hết.

28/ Nỗi cô đơn của Chúa ở chốn pháp đình và trên cây thập giá : Chúa Giê-su chỉ còn lại một mình trơ trọi, không ai dám gỡ tội cho Chúa. Lúc này Chúa nhận ra thế nào là đắng cay, là chua xót cho tình bạn, tình thầy trò. Trên thập giá Chúa còn lại một mình, khiến cho Chúa phải đắng cay khi thốt lên lời : Lạy Cha ! Sao Cha lại bỏ con ?**R

 

Giuse Luca  / Kinh Thánh Emmaus


Trở lại      In      Số lần xem: 1341
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  9
 Hôm nay:  4613
 Hôm qua:  8431
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11430878
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top