Website:https://ditimchanly.org/videosbaigiangWWW.YOUTUBE.COM/DinhNghiTruong / CHÚNG CON KÍNH THỜ CUỘC TỬ NẠN CỦA CHÚA GIESU KYTO  / XIN HÃY CANH TÂN GIÁO HỘI / THÁNH HÓA THẾ GIỚI / CHO MỌI DÂN TỘC ĐỪNG ĐỐI XỬ ÁC ĐỘC VỚI NHAU / XIN CHÚA THAY ĐỔI LÒNG CON NGƯỜI ,ĐỂ HỌ SẴN SÀNG TRAO CHO NHAU CƠ HỘI SỐNG TỐT / XIN CHÚA HÃY CỨU THẾ GIỚI CHÚNG CON ĐANG SỐNG AMEN . (GIUSE LUCA)**R

Tìm hiểu Tin Mừng CN 20 TN C / Giuse Luca

CHÚA NHẬT   20   THƯỜNG NIÊN    C 

ĐỀ TÀI:  MỤC ĐÍCH CHÚA  GIÊ-SU ĐẾN TRẦN GIAN

Lời Chúa: Lc 12, 49-53

Tung hô Tin Mừng:   Ga 10, 27

Haleluia. Haleluia. Chúa nói: Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng, và chúng theo tôi . Haleluia.

PHÚC ÂM:  Lc 12, 49-53

Thầy không đến để ban hoà bình, nhưng là đem sự chia rẽ.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Lu-ca.

49 Một hôm, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: "Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! 50 Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!

51 "Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. 52 Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. 53 Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng."

Đó là lời Chúa.

 

NHỮNG CÂU HỎI GIÚP MỌI NGƯỜI DỄ HIỂU BÀI TIN MỪNG

1/Vì sao Chúa Giêsu phải đến trần gian?

2/Chúa Giêsu đã cứu con người bằng cách nào ?

3/Cái chết của Chúa Giêsu tượng trưng cho điều gì ?

4/Phần vụ của Chúa Thánh Thần là gì ?

5/Chúa Giêsu đã ném thứ lửa gì vào mặt đất ?

6/Chúa Thánh Thần thanh tẩy chúng ta như thế nào ?

7/Chúa Thánh Thần biến đổi, đổi mới con người như thế nào ?

8/Chúa Thánh Thần tẩy sạch từ đâu ?

9/Chúa Thánh Thần tác sinh như thế nào ?

10/Thế nào là một phàm nhân ?

11/Thế nào là con người mới ?

12/Sự sống tự nhiên và siêu nhiên khác nhau ở chỗ nào ?

13/Chúa thánh Thần thánh hoá thế nào ?

14/Vì sao Chúa Giêsu lại ước ao cho lửa ấy cháy lên ?

15/Chúng ta phải cộng tác bằng cách nào ?

16/Bình an của Chúa là gì ?

17/Thái độ chia rẽ, ta cần hiểu như thế nào?

18/Chúa Giêsu khẳng định điều này mạnh mẽ như thế nào ?

19/Qua bài Phúc Âm, Chúa Giêsu muốn dạy điều gì ?

20/Lửa và phép rửa mang ý nghĩa gì?

21/Chúa Giêsu muốn loan báo điều gì ?

22/Lửa quan trọng như thế nào đối với đời sống con người?

23/Công dụng của lửa là gì ?

24/Thứ lửa nào có sẵn bên trong con người ?

25/Ý nghĩa của lửa trong kinh thánh?

26/Điều gì gây mâu thuẫn trong bài Tin Mừng ?

27/Tại sao sự chia rẽ có thể xảy ra ?

28/Sự chia rẽ thường xảy ra ở đâu ?

29/Hãy cho một ví dụ cụ thể:

30/Ý Chúa muốn dạy gì ?

=>  Hãy tìm câu trả lời từ bài “Tóm ý”.

 

Bài 1: TẠI SAO CHÚA GIÊSU ĐẾN ?

1/Vì sao Chúa Giêsu phải đến thế gian? Tổ tông loài người đã phạm tội và tội lỗi đã làm xáo trộn mọi trật tự trên địa cầu, làm dơ bẩn linh hồn con người. Từ đó thiên nhiên, đất đai trở nên khô cằn, gai góc. Thiên Chúa là đấng công bình, cho nên dù là con người phạm vào tội chết nhưng bản chất của Thiên Chúa cũng đầy lòng nhân từ và yêu thương, Ngài không thể thấy ai chết mà không cứu.

2/Chúa Giêsu cứu con người bằng cách nào ? Vì muốn cứu sống con người nên Thiên Chúa đã sai Người Con Một dùng chính máu mình để thanh tẩy con người và thế giới khỏi tội lỗi, khỏi những hậu quả xấu xa do tội lỗi mang lại. Cuộc thanh tẩy này chỉ hoàn tất trong cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá.

3/Chúa Giêsu khắc khoải về điều gì ? Phép rửa của Chúa Giêsu chính là cái chết của Chúa có sức tẩy sạch mọi tội lỗi của nhân loại và trả lại sự tinh tuyền cho linh hồn con người và mọi tạo vật trên trần gian.

4/Cái chết của Chúa Giêsu mang lại điều gì ? Chúa Giêsu chết để cứu chuộc loài người khỏi tội lỗi và Ngài sống lại để ban nguồn sống mới cho nhân loại. Nguồn sống mới này được tuôn trào từ cạnh nương long của Chúa Ki-tô Phục sinh ,nguồn nước này tượng trưng cho Chúa Thánh Thần, mà ở đây được Chúa Giêsu ví như ngọn lửa mà Ngài vừa ném vào mặt đất.

5/Phần vụ của Chúa Thánh Thần là gì ? Chúa Giêsu đã hoàn tất công trình cứu chuộc qua cái chết thập giá và sự sống lại vinh hiển của Ngài. Nhưng nhiệm vụ đem ơn cứu độ cho từng người ở mỗi thời đại, khắp các vùng đất trên mặt địa cầu chính là công trình của Chúa Thánh Thần.

6/Chúa Giêsu đã ném lửa vào mặt đất như thế nào ? Khi Chúa Giêsu phục sinh, Ngài đã tuôn trào Thánh Thần trên muôn loài muôn vật, cũng giống như Chuá đã ném lửa thánh hoá vào mặt đất. Mục đích lửa Thánh Thần tuôn trào trên mọi vạn vật là để thanh tẩy, tác sinh và đổi mới.

7/Chúa Thánh Thần đã thanh tẩy như thế nào ? Chúa dùng lửa thiêng như người ta dùng thứ lửa ở nhiệt độ cao để luyện kim, lửa thánh hoá của Chúa Thánh Thần thanh tẩy mọi tạo vật, mọi tội lỗi, mọi điều xấu xa, mọi hậu quả tai hại do tội lỗi phải bị tiêu diệt, phải bị đốt cháy, tạp chất phải bị tách rời, chỉ còn lại thứ kim loại tinh tuyền.

8/Chúa Thánh Thần biến đổi con người như thế nào ? Chúa Thánh Thần dùng lửa để thanh tẩy người tín hữu, tiêu huỷ những gì đang bám chặt vào con người, khiến cho hình ảnh của Thiên Chúa bị phai mờ, cũ kỹ. Rồi Chúa Thánh Thần biến đổi họ trở nên tinh tuyền, mới mẻ như một thụ tạo mới, một con người mới, như con người mà Thiên Chúa đã tạo dựng thật tốt đẹp , ngay từ thuở ban đầu.

9/Chúa Thánh Thần thanh tẩy sạch từ đâu? Chúa Thánh Thần tẩy sạch, đổi mới từ trong tâm hồn, nơi mà ý hướng phát sinh tư tưởng, dẫn tới hành động làm cho cuộc sống trong ngoài của mỗi người sao cho phù hợp với những đòi hỏi của Tin Mừng.**

10/Chúa Thánh Thần tác sinh như thế nào? Sau khi thanh tẩy mầm mống tội lỗi phát sinh ra cái chết thì đấng ban sự sống là Chúa Thánh Thần sẽ làm cho con người được sống lại mà ta quen gọi là tác sinh.

11/Thế nào là một phàm nhân ? Vì con người là phàm nhân nên có sự sống tự nhiên. Từ đó phát sinh ra hành động phàm nhân. Bản chất con người là xác thịt đã vướng mắc tội lỗi nên con người không có sự sống nào khác ngoài sự sống tự nhiên xác thịt nên đương nhiên là xác thịt sẽ dẫn đến cái chết.

12/Con người mới là thế nào ? Con người sau khi được cứu chuộc thì đương nhiên là con người mới. Con người được rập khuôn với Chúa phục sinh, tràn đầy nhựa sống mới. Sự sống mới nơi các tín hữu là sự sống phát sinh từ Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần đang sống trong con người đó, trong cuộc đời của người tín hữu. Họ là con người mới đang được sống bằng sự sống của chính Thiên Chúa. Nghĩa là Thiên Chúa sống thế nào thì Ki-tô hữu cũng sống y như vậy.

13/Cuộc sống mà người Ki-tô hữu có được, xuất phát từ đâu ? Sự sống mà Ki-tô hữu có, được phát xuất từ người Cha, qua Người Con Một là Chúa Ki-tô, mà sự sống nơi người Ki-tô hữu đang sống chính là Chúa Thánh Thần, đấng tác sinh muôn loài.

14/Sự sống tự nhiên và siêu nhiên ở đây khác nhau  như thế nào ? Sự sống tự nhiên đến từ các sinh vật, từ loài đơn giản ,thô sơ nhất, cho đến con người là loài động vật tinh vi nhất, hoàn hảo nhất, tất cả đều do Chúa Thánh Thần tác sinh. Nhưng đối với con người khi đã trở thành Ki-tô hữu, là những con người mới thì sự sống do Chúa Thánh Thần ban xuống lại vượt xa tất cả mọi sự sống tự nhiên và luôn vượt xa mọi quan niệm có được ở loài người.

15/Chúa Thánh Thần thánh hoá con người như thế nào ? Chúa Thánh Thần thánh hoá họ, làm cho họ mỗi ngày biến đổi trở nên giống Thiên Chúa là đấng Chí Thánh. Nhờ đó họ trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô, và nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, người Ki-tô hữu ngây bây giờ đã thay đổi không ngừng cho nên linh hồn người Ki-tô hữu đã được Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trị ở đời này và được chung sống với Thiên Chúa, được chung sống, được ngụp lặn trong Thiên Chúa như giọt nước trong đại dương.

16/Vì sao Chúa Giêsu lại ước ao cho lửa ấy cháy lên ? Vì lửa cháy hay tắt là do ước muốn của con người. Con người có thể dập tắt lửa Thánh Thần nơi họ bằng chính tội lỗi của họ. Cho nên con người cần phải tự nguyện hợp tác tích cực, thì lửa Chúa Thánh Thần mới cháy bùng lên được. Điều này còn tuỳ thuộc ở mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu vẫn ước mong và chờ đợi để chúng ta cộng tác vào .

17/Chúng ta cộng tác bằng cách nào ? Chúng ta phải dứt khoát với tội lỗi, tẩy trừ mọi tính mê tật xấu, hy sinh, hãm mình, năng xưng tội, rước lễ và nhất là luôn siêng năng cầu nguyện.

18/Chúng ta cần hiểu sự bình an và chia rẽ như thế nào ? Sự bình anh Chúa ban có giống bình an của thế gian không? Thưa không, Bình an của Chúa là chúng ta có thể đứng vững trong cơn gian nan thử thách, kiên trì trong đau khổ, người môn đệ không xao xuyến, không sợ hãi khi ra đi thi hành sứ vụ .

19/Bình an của Chúa có khác bình an thế gian không ? Bình an của Chúa là bình an trong gian nan thử thách, bình an của Chúa là sự êm ấm, thuận hoà với mọi người và luôn sống trong ơn nghĩa Chúa.

20/Chia rẽ phải hiểu như thế nào ? Chia rẽ là thái độ dứt khoát, quyết liệt, là thái độ phải có của người môn đệ đích thực. Chính vì thái độ dứt khoát nói không với tội lỗi, nói không với cái xấu ,có thể làm rạn nứt, chia rẽ tình cảm ngay chính với những người thân quen, họ hàng. Vì quyết tâm theo Chúa nên người môn đệ đã đặt Chúa trên hết. Chúa không chấp nhận có đối thủ nào hết và Chúa đòi hỏi rằng : Bất cứ ai cản bước chân trên con đường Chúa đi đều phải bị loại bỏ. Cuối cùng chúng ta hãy đọc lại lời Thánh Luca viết : Ai đến với tôi mà không từ bỏ cha, mẹ, vợ, con, anh em, chị em và cả mạng sống mình nữa thì không thể làm môn đệ tôi được .(Lc 14,26).  **R

 

Bài 2: LỬA TÌNH YÊU

21/Bài Phúc Âm hôm nay Chúa Giêsu muốn giáo huấn điều gì ? Chúa Giêsu muốn đưa ra nhiều đòi hỏi đối với các ông. Chúa Giêsu cũng muốn nhấn mạnh rằng : Khi họ gia nhập vào cộng đoàn Ki-tô hữu thì sẽ gặp phải nhiều tình huống không thoải mái đâu.

22/Lửa và phép rửa mang ý nghĩa gì ? Hai ngôn ngữ này nhắc lại những từ ngữ mà Yoan Tẩy Giả dùng để giới thiệu Đấng cứu thế, là đấng làm phép rửa cho các tín hữu trong Chúa Thánh Thần và lửa. Chúng ta cũng có thể biết được thứ lửa ở đây  là thứ lửa Thần khí tái sinh. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng đây là một tiến trình đang chờ đợi Đấng Messia, Ngài sẽ phải chịu tử đạo.

23/Điều gì cần thiết để đưa Chúa Thánh Thần đến ? Đương nhiên Chúa Giêsu phải bị ám ảnh bởi ý muốn phải chết đi, rõ ràng Ngài cũng không sợ phải chịu tử đạo vì Chúa đang đi đến đó. Nơi mà cơn thử thách sắp chấm dứt sứ vụ của Ngài, mà sứ vụ này thật cần thiết để đưa Chúa Thánh Thần đến, và đây cũng là điểm khởi đầu cho thời kỳ của Giáo hội, hay nói cách rõ ràng hơn đây là những thử thách dành cho những ai tin vào Ngài.

24/Hệ quả từ những đau khổ mà Đấng Messia phải chịu là gì ? Tuy Đấng Messia là hoàng tử của Hoà Bình (Is 9,15) nhưng những nỗi lo mà Ngài đem đến không phải là cuộc chiến giữa các dân tộc, cũng không phải là cuộc chiến giữa các quốc gia. Nhưng là sự chia rẽ trong các gia đình lúc tận cùng thời gian, vào trước ngày Đấng Messia đến, con gái chống lại mẹ, nàng dâu chống lại mẹ chồng…/

25/Chúa Giêsu muốn loan báo điều gì ? Chính Chúa Giêsu muốn loan báo rằng : Tình trạng bi thảm ấy sẽ gắn liền với việc Ngài xuất hiện và nó sẽ kéo dài. Làm như sứ vụ của Ngài có một hậu quả là mang lại sự chia rẽ và sẽ thực hiện lời tiên tri (Mk 7,6) về thời gian cùng tận / người ta ai cũng có kẻ thù mà kẻ thù lại chính là những người nhà của mình.

26/Hình ảnh lửa quan trọng như thế nào đối với con người ? Người Việt quan niệm rằng trái đất chúng ta đang sống được cấu tạo bởi 5 chất : Kim-Mộc-Thuỷ-Hoả-Thổ dịch ra là sắt, gỗ, nước, lửa và đất. Người Ba tư thì cho rằng : người ta tìm thấy lửa trong cuộc chiến với con rồng. Hầu hết các câu chuyện thần thoại đều kết luận rằng : Lửa là một món quà thật quý giá của Đấng tạo hoá ban tặng cho con người.

27/Công dụng của lửa là gì ? Công dụng của nó là phát sáng, nóng, sưởi ấm, đốt cháy, thiêu huỷ, thanh luyện. Con người ai cũng cần lửa, lửa có lợi nhưng cũng rất có hại. Nó dùng để nấu ăn, chế biến, nó cũng có thể đốt cháy nhà cửa và thiêu rụi mọi tài sản của chúng ta. Cho nên đừng đùa với lửa.

28/Thứ lửa nào có ở bên trong con người ? Mỗi con người còn có lửa dục tình, lửa tham vọng . Hai thứ lửa này rất nhạy bén lại mãnh liệt vô cùng. Mạnh hơn cả lửa vật chất, lòng muốn có sức mạnh như lửa, lòng giận cũng căm hờn và sôi sục lên như lửa, nó sẽ gây ra rất nhiều tai hại.

29/Ý nghĩa của lửa trong kinh thánh: Lửa trong Kinh Thánh ý chỉ có Thiên Chúa hiện diện, lửa thanh luyện sự tội lỗi, xấu xa. Lửa cũng ám chỉ hình phạt của Thiên Chúa. Thánh Yacobe mô tả lưỡi con người là lửa. Tác dụng của nó cũng tai hại và mãnh liệt như lửa. Lưỡi cũng ám chỉ những lời nói độc địa, ghê gớm. Như vu oan giá hoạ ,có thể giết người. Nói hành nói xấu có thể làm cho người khác tan gia bại sản. Lời nói xấu có thể làm cho người khác mất ăn, mất ngủ, buồn phiền mà chết.

30/Lửa còn được ví như thứ gì khác nữa ? Lửa còn dùng để diễn tả tình yêu. Đây là thứ lửa mà Chúa Giêsu muốn nói đến trong bài Tin Mừng. Chúa Giêsu đến trần gian như là ngọn lửa cứu độ, ngọn lửa đó chính là tình yêu của Ngài. Lửa tình yêu của Ngài là thứ lửa không bao giờ tắt, là thứ lửa trong Trái tim Chúa, là lò lửa hằng cháy.

31/Chúa Giêsu bắt đầu thắp lên ngọn lửa tình yêu ấy từ khi nào ? Từ khi Chúa nhập thể, bắt đầu từ Hang Bê-lem. Lửa ấy thiêu đốt lòng Chúa suốt 30 năm ẩn dật, nó đã bừng cháy trong Hồi Thương Khó. Nói cho rõ hơn, Chúa vì yêu thế gian nên đã đem thứ lửa tình yêu ấy xuống trên nhân loại và mong muốn mọi người tiếp nhận thứ lửa ấy để nó bùng cháy lên.

32/Chúng ta có thấy điều gì gây mâu thuẫn trong bài Tin Mừng ? Trong 3 năm giảng dạy, Chúa luôn kêu gọi mọi người sống hiền lành, khiêm nhường, đừng đố kỵ, ganh ghét, hận thù nhưng hãy tha thứ và thương yêu nhau. Vậy cho nên, nếu Chúa đến mà mang chia rẽ thì không phải, bởi vì đâu ai thấy Chúa đến mà mang gươm giáo, Chúa cũng chẳng thúc đẩy, xúi giục ai gây chiến, bất hoà, chống đối nhau, chém giết nhau. Nhưng Chúa chỉ là nguyên nhân, là cái cớ để họ chống đối những kẻ theo Chúa, tức là vì Chúa mà người ta chém giết nhau.

33/Làm sao có những chuyện ấy xảy ra khi Chúa chỉ rao giảng những điều thiện hảo ? Chúa rao truyền chân lý, nhưng có người thì hoan hỷ đón nhận. Kẻ khác thì ra sức chống đối. Cũng có nghĩa rằng: Tin Mừng của Chúa gieo rắc tình yêu thương và sự bình an nhưng nó vẫn va chạm với những quyền lợi của nhiều người khiến họ chống đối. họ chống đối vì va chạm với những người theo Chúa, thế là có sự chia rẽ nhau.

34/Sự chia rẽ do niềm tin thực sự xảy ra ở đâu trước ? Trên đây là sự chia rẽ xảy ra trong xã hội, mà ngay cả trong gia đình cũng có thể xảy ra sự chia rẽ. Có người theo Chúa, có người không. Đây là sự chia rẽ trong niềm tin, chia rẽ vì lối sống đạo. Tình trạnh này xảy ra nhiều vào thời sơ khai và vẫn còn xảy ra luôn mãi.  Nhất là vào thời kỳ cấm cách, bắt đạo / người có đạo bị chính đồng bào mình ghét bỏ.

35/Một ví dụ cụ thể hơn : Trong một gia đình ngoại giáo, có một người trở lại đạo, là để kết hôn với một người có đạo chẳng hạn. Cha mẹ sẽ không bằng lòng, thế là có sự xung đột giữa cha mẹ với chính đứa con ruột của mình. Vì thế, Lời Chúa hôm nay không mâu thuẫn mà lại bổ túc cho nhau.

36/Ý Chúa muốn dạy gì ? Tâm nguyện của Chúa Giêsu là đem lửa yêu thương xuống trần gian và mong ngọn lửa ấy cháy lên, đây cũng là trách nhiệm của mỗi người Ki-tô hữu. Nếu ta cần cơm bánh để sống thì họ cũng cần tình yêu để tồn tại.  Nếu ta cần áo quần để che thân, thì người khác cũng cần tình thương để sưởi ấm. Nếu con người luôn cần bình an để vui sống, thì chỉ có tình thương mới đáp ứng được và xem đó như là bổn phận của mỗi người.

37/Điều Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh là gì ? Không ai có thể cho người khác cái mà mình không có. Việc này đồng nghĩa với ý tưởng => Chỉ khi nào ngọn lửa yêu thương rực sáng trong mỗi người chúng ta, trong gia đình, trong cộng đoàn, trong hội thánh Công giáo thì chúng ta mới có thể loan báo Tin Mừng cứu độ và đem tình yêu thương đến với người khác một cách có hiệu quả nhất. **R

 

Bài 3: MẸ ĐÃ TIN NHƯ ABRAHAM NGÀY XƯA

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài tin mừng:

38)Trong phần tường thuật về thời thơ ấu của Chúa Giêsu, tác giả Luca bố trí ra làm mấy giai đoạn? Được chia ra làm 3 giai đoạn: 1) Loan báo Yoan Tẩy Giả chào đời (Lc_1,_5-25) / 2) Loan báo Chúa Giêsu chào đời (Lc 1, 26-38) / 3) Đức Maria đi thăm bà Elizabeth (Lc 1, 39-56) / Câu chuyện thứ 3 này đóng vai trò kết nối 2 câu chuyện trước.

39)Giai đoạn 1, Sứ thần loan báo điều gì? Sứ thần loan báo: “Quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (Lc 1, 35) / Tác giả Luca đã mượn hình ảnh đám mây sáng che phủ Nhà Tạm (XH 40, 35) / Ông Moisen không thể vào Lều Hội Ngộ vì đám mây đậu, rợp bóng trên đó, và vinh quang Đức Chúa tràn đầy Nhà Tạm, tượng trưng cho sự hiện diện  của Đức Chúa với Israel, để nói về Đức Maria lúc này: Mẹ Maria được coi như Hòm Bia Giao Ước.

40)Đứa con trong bụng nhảy lên và bà Elizabeth được đầy tràn Thánh Thần: Thánh Luca đã dựa vào sách  2 Sm đoạn 6: Vua Đavit chuyển Hòm Bia về Yerusalem / Luca cũng dựa vào sách Yuditha để viết (Lc 1, 39-56): Đức Maria là Hòm Bia Giao Ước mới cũng đang di chuyển về phía Nam là Giuđa / Cả 2 sự kiện đều cùng xảy ra ở trong xứ Yuđa nhưng ở 2 thời điểm khác nhau     (2 Sm 6 và Lc1, 39-56).

41)Những điểm trùng hợp giữa Cựu Ước và Tân Ước: Dân reo vui => Elizabeth và đứa con nhảy mừng /  hòm bia Vào nhà Ovet  Êdom => Mẹ Maria vào nhà bà Elizabeth  / Hòm Bia là nguồn phúc => Maria là nguồn phúc / Bởi đâu tôi được Hòm Bia Đức Chúa đến nhà tôi => Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa tôi đến với tôi / hòm bia ở nhà Ôvet  Edom 3 tháng =>Mẹ Maria ở lại với bà Elizabeth độ 3 tháng rồi vế nhà .

42)“Em được chúc phúc hơn hết mọi người phụ nữ”: Ở đây tác giả đặt song đối giữa Đức Maria với bà Giuditha 13, 18-19 như thế ám chỉ Đức Giêsu là Thiên Chúa / Bà được chúc phúc giữa tất cả phụ nữ => em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ / Và Đức Chúa là Thiên Chúa được chúc phúc => hoa quả lòng dạ em cưu mang được chúc phúc.

43)Các thời điểm nào mà Luca nêu ra để chứng tỏ lời Ngôn sứ đã ứng nghiệm ? Tác giả Luca đã muốn nối kết biến cố Sứ thần Gabriel hiện ra ở Đền Thờ với việc Đức Giêsu tỏ mình ra cũng tại đấy bằng một con số huyền bí 70 tuần x 7ngày = 490 ngày được liệt kê như sau: 6 tháng kể từ khi ông Dacaria được báo tin (Lc 1, 26-36), cho tới khi Mẹ Maria được báo tin => 6 tháng x 30 ngày = 180 ngày / Chín tháng kể từ khi Đức Mẹ được truyền tin cho đến khi Chúa Giêsu sinh ra: 9 x 30 ngày = 270 ngày/// 40 ngày kể từ khi Chúa Giêsu sinh ra cho tới lúc được tiến dâng: 40 ngày tổng cộng 3 con số: 180 ngày + 270 ngày + 40 ngày = 490 ngày.

44)Thánh Luca muốn cho thấy rằng: việc Chúa Giêsu được tiến dâng trong Đền thờ là bước khởi sự của vinh quang Thiên Chúa / Cụ tiên tri Sime-on gọi Chúa Giêsu là vinh quang của Israel / Chúa Giêsu đến vào thời cánh chung để thanh tẩy Đền thờ / Việc này cũng ứng nghiệm lời của Tiên tri Malaki (3, 1).

45)Em thật có phúc vì đã tin (45): Câu này khiến chúng ta nghĩ ngay đến Tổ phụ Abraham, vị Tổ phụ đã mở đầu lịch sử cứu độ bằng hành vi đức tin (St, 12, 1-5) /

-   Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa (46): Diễn tả lời ca ngợi tạ ơn đối với Thiên Chúa cao cả uy hùng, là nguồn mạch của các phép lành mà Mẹ Maria đã nhận được.

-   Thần trí tôi hớn hở vui mừng…: Đề cao sự tán dương Thiên Chúa trong niềm hoan lạc.

-   Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới (48): Câu này gợi nhớ đến lời khấn của bà Anna, mẹ tiên tri Samuel (1 Sm 1, 11): Hèn mọn chính là sự nhục nhã của người phụ nữ không thể sinh con / Khi trả lời Sứ thần, Mẹ Maria cũng nhìn nhận mình là nữ tỳ của Chúa (Lc 1, 38) / Đức Mẹ cảm thấy mình hoàn toàn không xứng đáng làm Mẹ của Đấng Messia thuộc dòng dõi Đavit, cũng là Con Thiên Chúa (Lc 1, 32).

-   Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc: Lời này nhắc nhớ đến nhận định của bà Elizabeth (em thật có phúc vì đã tin (Lc 1, 45)) / Lời này diễn tả thái độ căn bản mà mọi Kitô hữu phải có đối với Mẹ Maria, Mẹ của Ngôi Lời.

-   Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả (49): Thiên Chúa có danh hiệu là Đấng Toàn Năng như trong sách Ngôn sứ Dcr 3, 17 / Tv 89, 9 / Sứ thần Gabriel khi loan báo: quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà (Lc 1, 35) / Kể từ chỗ này, Mẹ Maria không dùng danh xưng Thiên Chúa nữa, mà tất cả những gì Mẹ Maria ca tụng về Thiên Chúa đều được gán cho Đấng Toàn Năng / Riêng những điều cao cả nhắc chúng ta nhớ tới sách ĐNL 10, 21 / Theo truyền thống Cựu Ước thì dân Do Thái dùng câu này để nhắc nhớ đến công trình cứu độ của Người đối với Israel (ĐNL 11, 7)

-   Danh Người thật chí thánh chí tôn: Chính Sứ thần cũng loan báo rằng chữ Đấng Toàn Năng có danh là Chí Thánh, vì Người con mà Mẹ sinh ra sẽ được gọi là Đấng Thánh (1, 35) / Bởi vì Ngài là Thánh / không có tình trạng bất toàn như chúng ta là những kẻ đang sống trên mặt đất và Thiên Chúa đã bày tỏ lòng thương xót từ đời nọ đến đời kia/ Kính sợ không phải là khúm núm như tên nô lệ trước mặt Ngài, nhưng đối với những ai nhìn nhận và tôn trọng sự cao cả của Ngài.

-   Lòng thương xót là trung tín với các lời hứa mà Ngài đã hứa!

-   Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh…. (51): cánh tay Thiên Chúa biểu lộ quyền năng sức mạnh của Ngài (Xh 6, 6 / ĐNL 4, 34 / Is 40, 10) / Chính bằng sức mạnh này Ngài có thể đảo lộn mọi hoàn cảnh do con người tạo ra. (còn tiếp: bài 4)   **R

 

Bài 4: AI MỞ CÁNH CỬA CỨU ĐỘ

Chia sẻ cho nhau ý nghĩa bài tin mừng:

-   Phường lòng trí kiêu căng: là những kẻ đối nghịch với Thiên Chúa (Is 2, 12).

-   Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường: Ở đây phải hiểu Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng / Người hạ bệ những ông hoàng, bà chúa, là những kẻ thống trị các người ở bên dưới bằng vị thế độc tôn của họ / Bởi vì Thiên Chúa vẫn nhìn đến những thân phận hèn mọn / và nâng cao những kẻ biết mình không là gì cả, không có gì cả  trước mặt Thiên Chúa.

-   Kẻ đói nghèo Chúa ban cho đầy dư, người giàu có lại đuổi về tay trắng (53): người giàu có là người dư thừa của cải nhưng cứ bo bo giữ kỹ, mặc cho bao người bị chết đói / Mẹ Maria vẫn tôn kính quyền năng của Đấng Tối Cao.

-   Chúa độ trì Israel tôi tớ (54): Đấng Cứu Thế sắp chào đời, đây lại là dịp để Thiên Chúa cứu độ dân Ngài.

-   Như đã hứa cùng cha ông (55): Đức Maria nhắc tới MK 7, 20 / Những lời hứa Thiên Chúa đã ban cho các Tổ phụ (St 17, 7 / vua Đavit 2 SM 7, 1-16).

46)Cuộc gặp giữa Đức Mẹ với bà Elizabeth nhắc ta nhớ lại điều gì ? Nhắc nhớ lại cuộc gặp của Đức Mẹ với Sứ thần Gabriel / Cả hai người đều nhận định Mẹ Maria đầy ơn phúc/ Thiên Chúa chúc phúc cho Mẹ và phúc lành đó luôn ở trên Mẹ.

47)Quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa đã làm cho Mẹ có khả năng gì ? Làm cho Mẹ có khả năng chuyển thông sự sống nhân loại cho Chúa Giêsu / Đấng là Con Thiên Chúa, cũng là Chúa Tể sự sống, Ngài sẽ chiến thắng sự chết và ban cho chúng ta sự sống vĩnh cửu.

48)Tiếng kêu của bà Elizabeth có ý nghĩa gì ? Là một lời ca tụng hành động của Thiên Chúa/ Cũng vừa diễn tả một sự kinh ngạc chan chứa niềm vui / Đối với  Mẹ Maria là người đã được Thiên Chúa thực hiện những việc cao cả.

49)Đức Maria và bà Elizabeth cùng cảm nghiệm được điều gì ? Cùng cảm nghiệm được vị trí và sự bất xứng của mình / Bà Elizabeth cũng trân trọng Đức Mẹ và bày tỏ lòng tôn kính của mình / Về phần Đức Mẹ, không những thăm viếng mà Mẹ còn ở lại phục vụ.

50)Bà Elizabeth nhận định về Đức Mẹ như thế nào ? Bà Elizabeth đã khen ngợi Đức Mẹ: Em thật có phúc vì đã tin… / Trước hết, Đức Mẹ là người đã tin lời Chúa nói / Đức Mẹ đối xử với Thiên Chúa bằng đức tin / Thiên Chúa đối xử với Đức Mẹ bằng ân sủng và phép lành / Mẹ đã tin vào quyền năng Thiên Chúa và Mẹ đã diễn tả niềm tin ấy bằng hai tiếng “xin vâng”.

51)Lịch sử Israel và lịch sử Cứu độ đã mở ra, nhờ ai ? Lịch sử Israel đã mở ra nhờ vào lòng tin của Abraham / Lịch sử Cứu độ đã mở ra nhờ lòng tin của Mẹ Maria.

52)Mẹ Maria đã đáp lại niềm vui Thiên Chúa ban như thế nào ? Đức Mẹ đáp lại bằng một bài ca ngợi dâng lên Thiên Chúa / Mẹ vui vì được Thiên Chúa quan tâm / Mẹ đã có một cái nhìn mới về Thiên Chúa (câu 46-50) và một cách sống mới cho toàn thế giới (51-55).

53)Trong cái nhìn đức tin, nhờ vào lời Chúa hướng dẫn, Mẹ Maria đã thấy gì ? Mẹ thấy: Thiên Chúa là Đức Chúa, là Đấng Thánh Cao Cả, lại chiếu cố đến bản thân Mẹ, một thiếu nữ hèn mọn, tại một nơi nhỏ bé / Mẹ ngợi khen Thiên Chúa vì mình là một tạo vật thấp hèn nhưng lại được Thiên Chúa yêu thương.

54)Các Thánh đã cảm nhận được gì khi có ơn Chúa viếng  thăm ? Các Thánh khi cảm nhận được ơn Chúa đến, đã reo lên ngây ngất, phương chi là Mẹ Maria được đón tiếp chính Chúa trong cung lòng mình ?

55)Trong cái nhìn đức tin, Mẹ đã diễn tả thế giới mới như thế nào ? Mẹ mô tả sự đảo lộn tận căn các phe phái của loài người: Chúa hạ bệ, Người nâng cao! Chúa ban của đầy dư / Người đuổi về tay trắng / Mẹ công bố một sự xoay chiều không thể nào cứu vãn bởi vì đây chính là công trình của Chúa.

56)Trong cuộc dịch chuyển này nổi lên mấy hạng người ? Hai hạng người: một bên là hạng người kiêu căng, quyền thế, giàu có / còn bên kia là: hèn mọn, nhỏ bé, đói nghèo / Cuộc đảo lộn này là dấu chỉ báo trước viễn cảnh thời cánh chung, là việc Đức Messia sẽ ngự đến để phán xét.

57)Thánh Luca đã giúp chúng ta nhận ra điều gì ? Giúp chúng ta nhận ra Mẹ Maria là Hòm Bia Giao Ước mới, Mẹ của Con Chúa, Mẹ cũng là Đấng đã tin như Tổ phụ Abraham ngày xưa !

58)Bài ca ngợi Đức Maria gợi lên điều gì ? Mạc khải cho chúng ta sự cao cả của Thiên Chúa và sự thương xót của Ngài / nhưng cũng mạc khải về sự công bình với loài người / Ơn cứu độ mang lại một sự thiện hảo toàn diện, đó là đón nhận tình thương yêu của Thiên Chúa, sau đó là sống tình liên đới bình đẳng giữa anh em với nhau.

59)Tư cách của Mẹ Maria cộng với bài ngợi ca độc đáo này sẽ đưa chúng ta đến đâu ? Đem chúng ta đến chỗ đối diện với Thiên Chúa, Đấng mà Mẹ đang cưu mang trong lòng / Người không những là Đấng Messia thuộc dòng tộc Đavit, mà còn là Con Đấng Tối Cao, cũng là Đấng Thánh, cũng chính là Con Thiên Chúa / mà chúng ta phải mãi mãi phải tôn thờ.  **R

 

TÓM Ý

1/Vì sao Chúa Giêsu phải đến trần gian? Do tổ tông phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa nên đã lãnh án phạt. Thiên Chúa là đấng công bình, tội thì phạt, công thì được thưởng. Loài người tự mình không thể lập công chuộc tội. Thiên Chúa vì thương yêu nên đã sai Con Một là Chúa Giêsu xuống trần gian, lãnh cái chết để đền tội thay cho chúng ta .

2/Chúa Giêsu đã cứu con người bằng cách nào ? Chúa Giêsu đã dùng chính mạng sống mình, chịu khổ nạn chết thay cho nhân loại. Sau đó Ngài Phục Sinh vinh quang để phục hồi sự sống cho nhân loại.

3/Cái chết của Chúa Giêsu tượng trưng cho điều gì ? Chúa chết để chuộc tội cho nhân loại. Chúa sống lại để phục hồi sự sống mới cho con người, nguồn sống mới này tuôn trào từ cạnh sườn, tượng trưng cho Chúa Thánh Linh mà ở đây Chúa muốn ví như ngọn lửa thanh luyện.

4/Phần vụ của Chúa Thánh Thần là gì ? Chúa Giêsu đã hoàn tất ơn cứu độ, con người thoát chết, nhưng chưa có công phúc gì để được thưởng Nước Trời. Nhiệm vụ của Chúa Thánh Thần là giúp thánh hoá, là giúp con người luyện tập để lập công phúc hầu xứng đáng được vào hưởng nước trời.

5/Chúa Giêsu đã ném thứ lửa gì vào mặt đất ? Chúa Giêsu phục sinh, Ngài về trời và sai Thánh Thần xuống để thánh hoá nhân loại. Thánh Thần chính là lửa thánh hoá, lửa thanh luyện, lửa tác sinh, đổi mới.

6/Chúa Thánh Thần thanh tẩy chúng ta như thế nào ? Chúa dùng lửa thánh hoá để thanh luyện con người, như người ta dùng lửa nhiệt độ cao trong công nghệ luyện kim. Mọi sự xấu xa do tội lỗi mang lại. Như thứ gỉ sét, tạp chất sẽ bị thiêu huỷ, tiêu diệt, bị đốt cháy. Chỉ còn lại thứ kim loại tinh tuyền. Linh hồn con người cũng sẽ như thế.

7/Chúa Thánh Thần biến đổi, đổi mới con người như thế nào ? Tội lỗi là những thứ dơ bẩn bám chặt vào linh hồn con người, làm cho hình ảnh Thiên Chúa trong linh hồn con người bị lu mờ. Lửa làm cho con người cũ trở nên tinh tuyền và trở thành tạo vật mới.

8/Chúa Thánh Thần tẩy sạch từ đâu ? Ngài đổi mới tâm hồn, nơi mà mọi tư tưởng sẽ phát sinh dẫn tới hành động làm sao cho cuộc sống bên trong, bên ngoài đều phù hợp với đòi hỏi của Tin Mừng.

9/Chúa Thánh Thần tác sinh như thế nào ? Tội lỗi làm cho con người phải chết, thì Chúa Thánh Thần sẽ cứu sống nên ta quen gọi : Ngài tác sinh chúng ta.

10/Thế nào là một phàm nhân ? Con người có sự sống tự nhiên, từ đó phát sinh ra những hành động phàm nhân. Đương nhiên xác thịt sẽ đưa con người đến cái chết.

11/Thế nào là con người mới ? Phàm nhân sau khi được cứu chuộc, con người trở nên một tạo vật mới, được rập khuôn với Chúa phục sinh, sự sống mới phát sinh từ Chúa Thánh Thần.

12/Sự sống tự nhiên và siêu nhiên khác nhau ở chỗ nào ? Dù là sinh vật đơn bào hay đa bào, nhưng con người là động vật tinh vi nhất, hoàn hảo nhất. Tất cả đều do Thiên Chúa tạo thành. Nhưng con người khi đã trở thành Kitô hữu, thì họ đã trở nên con người mới, vượt xa tất cả mọi sự sống tự nhiên.

13/Chúa thánh Thần thánh hoá thế nào ? Chúa Thánh Thần biến đổi con người mỗi ngày càng trở nên giống Thiên Chúa hơn, nhờ đó họ trở nên đồng hình, đồng dạng với Chúa Kitô. Linh hồn họ luôn có Thiên Chúa ngự trị, họ sẽ không ngừng thay đổi, cho tới ngày họ được chung sống với Thiên Chúa như giọt nước ở trong đại dương.

14/Vì sao Chúa Giêsu lại ước ao cho lửa ấy cháy lên ? Lửa cháy được hay không là do ước muốn của con người, con người có thể dập tất lửa Chúa Thánh Thần ở nơi lòng họ bằng chính tội lỗi của họ, cho nên con người cần phải tích cực hợp tác với ơn Chúa, thì lửa ấy mới bùng cháy lên được. Nên Chúa Giêsu vẫn ước mong và chờ đợi.

15/Chúng ta phải cộng tác bằng cách nào ? Chúng ta phải dứt khoát chừa bỏ tội lỗi, quyết tâm tẩy trừ mọi tật xấu, hy sinh hãm mình, năng cầu nguyện, dự lễ và rước thánh thể Chúa.

16/Bình an của Chúa là gì ? Bình an của Chúa là ta luôn sống trong ơn nghĩa Chúa, ta đứng vững trong mọi cơn gian nan thử thách ,kiên trì chịu đựng mọi đau khổ, không bao giờ xao xuyến, sợ hãi.

17/Thái độ chia rẽ, ta cần hiểu như thế nào? Gây chia rẽ là thái độ đứt khoát của người môn đệ với tội lỗi, với tính xấu / chính vì thái độ dứt khoát, không đồng tình với cái xấu, sẽ làm rạn nứt, chia rẽ tình cảm với những người thân trong gia đình.

18/Chúa Giêsu khẳng định điều này mạnh mẽ như thế nào ? Thánh Luca viết: Ai đến với tôi mà không từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh em và cả mạng sống mình , thì không thể làm môn đệ tôi được (Lc 14, 26).

19/Qua bài Phúc Âm, Chúa Giêsu muốn dạy điều gì ? Chúa Giêsu nhấn mạnh:Khi gia nhập vào cộng đoàn Kitô hữu thì họ sẽ gặp rất nhiều tình huống không thoải mái.

20/Lửa và phép rửa mang ý nghĩa gì?  Yoan tẩy giả dùng hai hình ảnh này để giới thiệu Chúa cứu thế, và đây cũng là hai tiến trình đang chờ đợi Ngài, có nghĩa là Ngài sẽ phải chịu chết.

21/Chúa Giêsu muốn loan báo điều gì ? Việc Ngài xuất hiện sẽ gắn liền với những bi thảm mà chúng ta phải đối diện, việc Đấng Kitô xuất hiện sẽ mang lại hậu quả là sự chia rẽ, mà kẻ thù của chúng ta không ai khác hơn là người nhà của mình.

22/Lửa quan trọng như thế nào đối với đời sống con người? Lửa là một món quà thật quý giá của Đấng tạo hoá đã ban cho con người. Nếu không có lửa, con người và mọi sinh vật khác sẽ chết trong lạnh giá.

23/Công dụng của lửa là gì ? Là phát sáng, sưởi ấm, đốt cháy, thiêu huỷ, thanh luyện. Lửa lợi hay hại tuỳ theo cách con người sử dụng, cho nên nhiều người cảnh cáo nhau rằng : Đừng đùa với lửa.

24/Thứ lửa nào có sẵn bên trong con người ? Là lửa dục tình, lửa tham lam, thứ lửa này nhạy bén và rất mãnh liệt, lòng ham muốn, lòng hận thù thì rất mãnh liệt và tai hại.

25/Ý nghĩa của lửa trong kinh thánh? Lửa ý chỉ có Thiên Chúa hiện diện, lửa luyện ngục thanh luyện tội lỗi, lửa hoả ngục là hình phạt đời đời, lưỡi con người cũng là thứ lửa độc hại. Có thể giết người làm cho người khác tán gia bại sản, nói xấu có thể khiến người khác buồn sầu mà chết, lửa còn dùng để diễn tả tình yêu nơi trái tim Chúa, Chúa Giêsu mang lửa cứu độ đến trần gian.

26/Điều gì gây mâu thuẫn trong bài Tin Mừng ? Khi đang giảng dạy Chúa Giêsu kêu gọi mọi người hãy sống hiền lành khiêm nhường, đừng hận thù đố kỵ, ghen ghét. Thế mà Hôm nay Chúa đến để gây chia rẽ. Nhưng đâu ai thấy Chúa đến mang gươm giáo hay xúi giục, gây chiến, bất hoà chống đối nhau. Thật ra Chúa chỉ là cái cớ, là nguyên nhân khiến người ta chém giết nhau.

27/Tại sao sự chia rẽ có thể xảy ra ? Chúa Giêsu chỉ rao giảng những điều thiện hảo, nhưng có người thì vui vẻ đón nhận, người khác thì ra sức chống đối. Bởi vì nó va chạm với quyền lợi của một số người sống tham lam nên họ cũng va chạm với những ai theo Chúa / thế là có sự chia rẽ nhau.

28/Sự chia rẽ thường xảy ra ở đâu ? Thường thì sự chia rẽ do niềm tin ở ngay chính trong gia đình mình, chia rẽ vì lối sống đạo. Nhất là vào thời kỳ cấm cách, bắt đạo. Những người có đạo thường bị chính đồng bào mình ghét bỏ.

29/Hãy cho một ví dụ cụ thể: Trong gia đình người ngoại giáo có một người theo đạo, là để kết hôn với một người có đạo. Cha mẹ người lương dân sẽ không bằng lòng, thế là xảy ra sự xung đột giữa cha mẹ với chính người con ruột của mình.

30/Ý Chúa muốn dạy gì ? Chúa Giêsu mang lửa yêu thương xuống trần gian và mong nó cháy lên. Đây cũng là trách nhiệm của mọi Ki-tô hữu. Ta cần gì họ cũng cần thứ đó. Chỉ có tình yêu thương mới có thể đáp ứng được mọi nhu cầu. Vì thế, được xem như là bổn phận của mỗi người. **R

 Giuse Luca / Cộng Đoàn Kinh Thánh Emmaus

=> Xem thêm: CÁC TÍN ĐIỀU VỀ ĐỨC MẸ

 

 


Trở lại      In      Số lần xem: 1462
Tin tức liên quan
Video
BG CN 25 TN B-TGM GIUSE NGUYEN NANG
Bài Giảng CN LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG A
Liên kết website
Thống kê
 Trực tuyến :  8
 Hôm nay:  4421
 Hôm qua:  8431
 Tuần trước:  19180
 Tháng trước:  87599
 Tất cả:  11430686
LIKE FACEBOOK
Thông tin liên hệ
- Mọiýkiếnxingửivề:GiuseLucaTrươngĐìnhNghi
- Giáodânbấtxứng /Quảnlýwebsite.
- Email: ditimhanhphuc1974@gmail.com
- Fb:https://www.facebook.com/ditimchanly.org 
-Videos:www.youtube.com/tìmtênDinhNghiTruong
 clickvàologokinhthánh .

Chia sẻ cho bạn bè :
top